Chương 2 -
ỉnh lỵ Q có tất thảy năm dãy phố. Đa phần là những dãy phố đã được dựng lên sau thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, rồi dần dà người ta sửa mái, nâng tầng, cải cách dáng nhà hoặc nắn lại khuôn cửa. Tùy theo túi tiền, tùy theo con mắt thẩm mỹ, tùy theo các cơn hứng khởi của các khổ chủ mà những ngôi nhà nơi đây được định hình. Không còn một mớ hổ lốn nào đa tạp hơn kiến trúc ở đây. Từ thứ nhà hiên bức bàn cổ tới các biệt thự tí xíu, rập khuôn theo kiểu kiến trúc của các biệt thự tiểu chủ mà ta hay gặp nhan nhản ở Cần Thơ, Thủ Đức, Long An hoặc Mỹ Tho sau ngày giải phóng. Từ những căn nhà lợp nứa, tường trét tốc- xi xoàng xĩnh tới những nhà mươi, mười lăm gian, cổng uốn nặng nề, long chầu phượng múa gắn mảnh thủy tinh hoặc mảnh sứ vỡ trông lóa mắt. Duy chỉ hè phố là vẫn lát đá trắng như xưa. Giữa các phiến đá ấy, lún phún từng đám cỏ kim và nơi chân tường, những dây cỏ leo mềm mại vươn lên những chiếc vòi xanh nõn.
Trong thị xã, đám người trung niên có thể biết rõ lai lịch từng căn nhà, xây cất năm nào, sửa chữa năm nào, nhờ món lợi tức trời cho hoặc nhờ từng đồng xu tích cóp… Cũng như thế, dường như người ta quen biết nhau từ đầu phố tới cuối phố, rồi từ phố nọ sang phố kia. Tôi rời Q, năm mười hai tuổi, ra Hà Nội làm phụ buồng tối cho ông chú ruột.
Từ đó, tôi ở lì ngoài thủ đô, họa hoằn mới về quê một hai bữa. Lần này, bố tôi ốm nặng, chú tôi thuê thợ buồng tối ở một cửa hàng khác, bảo tôi về Q, chăm sóc phụng dưỡng bố vài tháng. Cũng dịp đó, Vũ Sơn nghỉ dưỡng bệnh tràn nước phổi, Thanh Dương được ba tháng tự do sáng tác, không còn bị quản thúc bởi tờ báo của bộ X nữa. Trời đã cho chúng tôi cơ hội đó để gắn bó, thân thiết với nhau.
Ngay từ hôm đầu tiên, tôi đã chứng kiến cảnh Vũ Sơn, đi giữa các đường phố kiêu hùng như một gã gà trống độc nhất vô nhị dạo qua những chuồng gà mái. Ví như thế kể cũng lố, nhưng quả tình tôi đã phải sửng sốt thán phục khi cả ông chủ tịch thị xã lẫn mấy bà ngồi bán vé số đều chào anh ta niềm nở, vồn vã như nhau. Ở quán thịt chó bến ô tô nội tỉnh, ông chủ quán đầu hói, vác bụng lặc lè chạy ra:
- Nhà báo, vào đây đã. Hôm nay tôi có món dồi nướng và nhựa mận ngon tuyệt vời.
Tới cuối vườn hoa thiếu nhi, một thiếu phụ chải chuốt, mặc áo lụa thêu vẫy gọi rối rít:
- Vào đây. Hôm nay chị nấu xôi gấc vừng dừa. Chưa bán cho ai đâu. Thật may, chú nếm trước đã.
Vũ Sơn ngẫm nghĩ vài giây rồi tặc lưỡi:
- Vào.
Anh ta giơ tay ngoắc chúng tôi. Thiếu phụ chủ quán hớn hở đơm xôi vào chiếc đĩa Giang Tây hoa cúc, cẩn thận ém những hạt xôi đỏ tươi, nhẫy mỡ cho gọn gàng. Rồi bàn tay héo úa của chị rải những hạt vừng đã lột vỏ lẫn với những sợi dừa nạo lên trên, khéo léo và say mê như múa.
- Ăn đi các cậu.
Vũ Sơn ra lệnh rồi cầm đũa trước. Trong khi đó, chủ nhân sửa soạn ấm chén, pha trà. Mùi chè ướp hoa nhài ngào ngạt bay.
- Thằng Lữ nhà chị dạo này sao?
Vừa ăn, Vũ Sơn vừa buông tiếng hỏi thiếu phụ. Người đàn bà chắc chỉ chờ có thế, vội vã lấy giọng than vãn:
- Khổ quá chú ơi. Lâu ngày chú không về…
Nhưng chính lúc đó, anh ta giơ tay lên cắt đứt câu chuyện một cách tàn nhẫn:
- Thôi đã, lúc khác nói chuyện ấy. Giờ tôi phải đưa hai người bạn đến gặp anh Dự.
Dự là ông chủ tịch xã. Thiếu phụ im bặt. Chị bưng khay trà đặt lên bàn rồi quay vào nhà trong. Chúng tôi uống trà xong đứng dậy cáo từ. Thiếu phụ vội vã chạy ra:
- Chào các chú, lúc nào rảnh mời các chú tới chơi.
Chị cười đon đả, nhưng những nếp nhăn hằn sâu hai bên đuôi mắt. Vũ Sơn gật đầu, dáng điệu của một viên tướng hạ cố tới ăn suất cơm đại táo với binh sĩ. Chúng tôi đi theo anh, như hai kẻ tháp tùng. Dọc hè phố, người ta thần thì chỉ trỏ. Không cần thính tai lắm, cũng biết được họ phẩm bình:
- Nhà báo Vũ Sơn đi với ai thế?
- Thanh Dương, người vẫn có thơ ngâm trong buổi tiếng thơ trên đài.
- Không, Thanh Dương còn lạ gì, cái anh chàng tóc rậm mặc áo trắng kia.
- Anh, tay ấy thì chưa nghe nói đến…
- Chắc cũng là một nhân vật quan trọng. Anh Vũ Sơn là gì có thời gian mà chơi với những kẻ tầm xàm…
Đi hết dãy phố đó, tới ngã tư, Vũ Sơn quay lại bảo tôi:
- Cậu thấy đấy, ở Q người ta coi những ai được chơi với tôi là vinh hạnh. Cậu phải khao chúng tôi vì niềm vinh hạnh ấy.
- Vâng, tôi sẵn lòng khao hai anh - Tôi đáp - Vì nhờ có anh mà đêm qua tôi yên tâm ngủ. Đó là đêm đầu tiên tôi ngủ xa nhà.
Vũ Sơn cười. Thanh Dương cũng cười theo, đôi mắt đen của nhà thơ này lúc nào cũng ẩm ướt. Tôi cùng họ vòng trở lại bến ô tô nội tỉnh. Ở đó, trong quán thịt chó của ông chủ hói, chúng tôi thưởng thức thứ rượu cuốc lủi cháy cổ với dồi nướng ướp mỡ, thịt luộc ướp giềng, nhựa mận, móng chó hầm nhừ. Trời mát, những làn gió tung tăng đuổi đám lá kim phượng trên đường. Đôi khi, một lớp bụi trắng mờ mờ bốc lên rồi lát sau không gian lại trở nên trong suốt. Tiếng chim từ vòm cây hoàng lan bên đường vọng sang, lẫn với mùi nước hoa lãng đãng. Bên ngoài đám người đang say sưa chè chén và la hét quanh những chiếc bàn nhớp nháp kia là khung trời thu tím. Màu tím mơ hồ như có bụi phấn rắc trong khí quyển. Và sát những nóc nhà phố xá, vài đám mây trắng lững thững trôi. Rượu ngà ngà khiến máu tôi rạo rực. Bỗng dưng, tôi buột miệng kêu:
- Giá mà có một cây đàn. Và ai biết hát…
Thanh Dương đang lau miệng. Anh ta bỏ chiếc khăn xuống, trả lời tôi:
- Điều ước đó thì Vũ Sơn có thể rút từ túi áo của anh ấy ra ngay.
Vũ Sơn gỡ kính xuống lau rồi lại đeo vào theo thói quen, anh bảo chú bé phụ bếp:
- Đi gọi anh Ngọc Sang cho chú. Nhớ bảo đem theo đàn.
Chú bé vâng một tiếng gọn lỏn rồi chạy vụt đi. Chừng mười phút sau, nó hổn hển quay lại:
- Có rồi chú Vũ Sơn ạ.
Chú bé chưa dứt lời, một chiếc Vet- spa đã lượn tới đỗ sát cửa quán cơm. Một chàng trai thấp đậm, tóc dài gần chấm tai bước vào: anh ta cúi thấp đầu chào khiến những món tóc rũ xuống che kín mặt. Khi người trai trẻ ngước lên, tôi thấy đôi mắt anh ta rất lớn, luôn mở rộng và như luôn bị bao phủ bởi một lớp nước trong suốt. Vũ Sơn bảo:
- Bạn tôi nghe tiếng tăm cậu từ Hà Nội. Hôm nay về quê anh ấy muốn được thưởng thức giọng ca của Ngọc Sang.
Người ca sĩ cười chào tôi lần thứ hai. Còn Thanh Dương, hẳn đã nhiều lần gặp gỡ. Chàng trai gỡ cặp kính mát, bỏ vào túi áo. Anh ta mặc một chiếc sơ mi in các khối màu đậm nhạt chồng chéo lên nhau, xen vào đó là những chấm trắng li ti như những hạt bột sắn bị một bàn tay vô tình ném tới. Chiếc quần Jin bó sát cặp đùi. Đôi giày da đế rất cao và thô khiến ta liên tưởng tới hai hột lạc được cắm vào hai que tăm. Dẫu sao, dáng vẻ bên ngoài của anh ta cũng trung thành với một ca sĩ tỉnh lỵ.
Vũ Sơn quay sang tôi, nghiêm mặt nói:
- Tôi nói cho cậu rõ, cả đám ca sĩ nổi tiếng ngoài trung ương cũng chẳng có thằng nào nghệ sĩ như cậu Ngọc Sang này. Đã ba bốn lần phóng viên đài phát thanh về đây thu giọng hát của cậu ấy. Rồi trong nháy mắt trở nên êm dịu, âu yếm, anh gật đầu bảo người ca sĩ kia:
- Hát đi mày. Trời đất này mà không được nghe hát thì phí cả tuổi xuân…
Ngọc Sang lên dây đàn, dạo một khúc nhạc ngắn rồi bắt đầu hát. Giọng anh ta ấm và khỏe, nhưng trong lối phô diễn tình cảm có cái gì đó sai lệch và thô nháp, những cảm xúc anh ta đem tới cho người nghe thường chênh vênh hoặc vượt quá cái ranh giới của sự no đủ, khiến họ muốn co lại, muốn được đẩy lùi ra, tựa như khi đi xem phim màn ảnh rộng mà phải ngồi quá gần, hay ngắm một người đàn bà đẹp mà bị soi vào từng vết mụn ruồi hay từng mụn trứng cá.
…”Hỡi ơi Vê- ra, thành phố mênh mông, làm sao anh tìm được, ôi cặp mắt đắm say của người tôi yêu…”
Cặp mi rậm của người ca sĩ khép lại, tiếng ngân rung động không gian, những sợi gân cổ nổi trên cần cổ lực lưỡng. Giây phút ấy, anh ta không còn hát cho người khác nghe mà hát để thỏa mãn cơn đam mê của chính mình. Những ngón tay búng trên đàn run rẩy, hai gò má chàng ca sĩ đỏ rực lên, cặp mắt lút chìm sau lớp nước long lanh của những cảm hứng khiến anh ta hoàn toàn biệt lập với người nghe, với cái quán cơm xoàng xĩnh ám khói nơi bến xe, với khoảng không gian chú sầu nơi tỉnh lỵ. Phải chăng phía sau những âm thanh cuồng nhiệt kia là tro bụi của rất nhiều hy vọng và thất vọng, là vết xé của một quãng đời dài đắm chìm trong những huyễn dụ và những ảo tưởng, là nỗi đau không vùi lấp được của tâm hồn… Tôi nhìn chàng ca sĩ, xót xa. Là sao những người môi nhờn mỡ đang tóp tép nhai thịt chó kia hiểu được tâm tình thầm kín của anh ta sau mỗi câu hát.
Lúc đó, Vũ Sơn đột ngột cất tiếng:
- Hay, hay… cậu khá thật. Tôi cam đoan ở tỉnh này, bói không ra một thằng thứ hai nghệ sĩ được như cậu.
Ngọc Sang ngẩng lên, anh ta chưa hết bàng hoàng bởi chính nỗi đam mê chế ngự mình. Vũ Sơn đã nói luôn:
- Lại đây, làm chén rượu với chúng tôi.
Xin phép anh - Chàng ca sĩ từ chối - Hôm nay nhà em có giỗ.
Vừa buông bát đũa thì thằng nhỏ ở đây sang gọi.
- Thế hở?
Vũ Sơn nói, giọng ráo hoảnh: Thế thì về nhà nghỉ lúc khác tôi đến chơi. Ở cái quán thịt chó này khét mù mù.
Tôi sững người. Chàng ca sĩ xoay xoay cây đàn vài vòng rồi sượng sùng chào chúng tôi, ra về. Thanh Dương bình thản cầm một cọng rau ngổ, nhấm nháp. Có lẽ anh ta đã quen với lối cư xử của Vũ Sơn. Còn tôi, không thể chịu được, tôi ném một cái nhìn dữ dội vào mắt nhà báo. Sau cặp kính trắng, đôi mắt anh ta vẫn mở rộng, trơ như hai hòn bi:
- Tụi này chỉ biết hát thôi. Nói chuyện với chúng nó chán phè. Nghe hát xong thì đuổi chúng nó về cho rảnh việc.
Tôi đứng lên, trả tiền chủ quán rồi bước ra đường. Thanh Dương đi bên tôi. Vũ Sơn đi cuối cùng hai tay đút túi quần, miệng chẩu ra huýt sáo. Chúng tôi vượt qua một dãy nhà hai tầng, tới công viên dành cho trẻ nhỏ. Ở đó nhưng bụi cây tử vi đang độ nở hoa… Khắp các lối đi rải sỏi, cánh hoa tử vi rắc đều như lớp thảm mỏng manh, tươi thắm. Vài khóm xương rồng xanh xám, gai đen, trông gớm ghiếc mọc ở cuối khuôn viên.
Tôi chợt nghĩ cơn giận dữ của mình với Vũ Sơn là vô lý. Anh ta là một con người riêng biệt, ngoài tôi. Để phá vỡ sự im lặng nặng nề, tôi quay lại hỏi:
- Giờ anh tới chơi nhà ông Dự chứ?
Vũ Sơn thôi không huýt sáo nữa, hỏi lại tôi:
- Đến đấy làm gì?
Tôi đáp:
- Buổi sáng anh đã bảo với bà chủ quán xôi…
Vũ Sơn cất tiếng à à… rồi tủm tỉm cười:
- Bảo bà ta thế chứ đến đấy làm gì… Dương này, hay chúng ta ra bãi cát làng Mơ đi. Đã lâu lắm rồi tôi chưa trở lại nơi đó.
Thanh Dương quay sang hỏi tôi:
- Anh Nam đã tới làng Mơ bao giờ chưa?
Tôi thú nhận:
- Chưa.
Thi sĩ nói:
- Vậy thì nên đi. Làng ấy đẹp nhất trong toàn tỉnh. Con gái cũng trắng nhất vùng. Từ đây tới đó chừng ba cây số, chúng mình đi bộ cho vui. Mấy khi rảnh rỗi thế này. Ở Hà Nội, suốt ngày đêm tôi đánh vật với bài vở, hết chủ nhiệm lại tới tổng biên tập báo quấy rầy. Bài cứ đổ lên đổ xuống. Còn anh, chắc anh cũng phải chúi mũi vào buồng tối, đúng không?
Tôi cười:
- Vâng. Cũng có khi tôi đi chơi nhưng chỉ quanh quẩn vài rạp chiếu bóng với hai cái hồ.
- Xì…
Vũ Sơn tia bọt qua kẽ răng khinh bỉ: Hồ Hoàn Kiếm so với hồ Ba Mẫu quê ta chỉ là một vũng nước trâu đầm. Còn Hồ Tây có khá hơn nhưng trông trơ trẽn như một con bé nhà quê tròn trùng trục lại mặc quần Jin trắng.
Chúng tôi ra khỏi thị xã, qua một miền cỏ êm đềm để tới hồ Ba Mẫu. Con hồ rộng, phẳng lì như tấm gương. Bốn chung quanh cỏ lót thảm nhung xanh. Xa chút nữa, một ngọn núi đứng kiêu hãnh với những dải mây bao quanh. Nó in bóng xuống mặt hồ, vừa lẻ loi vừa xa vời như để tự chiêm ngưỡng nỗi cô đơn kì diệu của mình, nỗi cô đơn già hơn đất đá, sung mãn hơn khí trời, nước nôi, cây cỏ… Mặc dù đã hơn trưa, những bụi cỏ chưa tan hết sương ánh lên như ngọc trai, Thanh Dương khẽ đọc một câu thơ của Véc- Len. Rồi chúng tôi im lặng đi vòng qua con hồ, vượt một khúc ngòi tới bãi cát làng Mơ.
Gọi là bãi, thực ra đó chỉ là một lưỡi cát chạy dọc bờ đê. Phía trong là bãi cỏ dưới bóng si cổ thụ. Từ bãi cát này, nhìn thấy dòng sông trước mặt, quay lại, hồ Ba Mẫu ngay kề sau lưng. Bên trái là những mái ngói xen bóng tre, bóng trúc làng Mơ. Bên phải là con đường chạy trên sống đê, dẫn về phía tây tỉnh lỵ.
Tôi chưa thấy một cảnh trí phóng khoáng, rực rỡ như vậy bao giờ. Kì thay, nó lại nằm trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của tôi. Mười hai năm niên thiếu, tôi ốm ông, nhút nhát, không dám rời mẹ nửa bước chân. Từ nhà tới trường, từ trường về nhà chỉ qua một cánh đông hẹp mẹ tôi cũng phải đưa đón. Khu vườn xanh om bóng cây của bà ngoại với lũ chim chích chòe, sáo sậu, những con vành khuyên đỏm dáng, những ả chim sâu tí hon là một thế giới no đủ cho trí tưởng tượng và mối tương giao bạn hữu của tôi. Ba bốn ông bình vôi treo lủng lẳng trên cây vối già, ngôi miếu thờ trong bụi duối, bức tranh ngũ hổ hoen ố nước mưa và bụi bặm… tất cả đủ thêu dệt nên những huyền thoại của cõi sống và cõi chết, của kiếp người trên dương thế và nơi lòng đất. Lần đầu tiên, khung cảnh khoáng đạt, tràn trề sinh khí của thiên nhiên tràn vào lòng tôi, khơi mở một vùng tươi mói. Tôi chợt thấy quãng đời trai trẻ đã qua của mình thẫm thê, èo ọt. Những tấm phim được cắt rời, ném vào chậu thuốc. Những khuôn mặt hiện hình hoặc đen thẫm hoặc nhờ nhợt. Cây banh trong tay xáo trộn và vớt phim lên như một cái máy vô tri vô giác. Ngón tay thấm nước bọt đếm những tờ bạc thù lao cuối tuần. Ly cà phê hoặc tấm vé xem phim cứu chuộc lại thời gian bị tiêu hủy… Tất cả đã từng là nguồn vui trong quá khứ. Giờ, chúng héo úa, tẻ nhạt. Trước mắt tôi, dòng sông đang chảy. Những lượn sóng cuộn xoáy rồi duỗi ra như bắp thịt của một vị thần khổng lồ. Những đám bọt rác từ thượng nguồn sông đổ về bị sóng đánh tan tác rồi tụ lại nơi xoáy nước và chìm nghỉm trong vực sâu tàn bạo của thủy vương. Ngay cả tiếng sóng dào dạt dồi đập vào hai bờ, cũng trào dâng sức mạnh của sự tăng trưởng và biến cải. Dòng nước ấy, đã mang trong lòng sâu của nó bao nhiêu hình ảnh kì thú của núi non, rừng rú, những cánh hoa rực rỡ đã tàn lụi và những đám lá ngàn tuổi giữa thung sâu, những lưu vật của con người đã ngã xuống trong cuộc tranh đấu khốc liệt với số phận hoặc những xác thú bị dập vùi trong cơn tai biến… Mọi huyền bí của dòng phù sa kia là cái tiền đề vĩnh cửu để tạo nên sự sống mới, luôn non trẻ và quyến rũ, tựa như đám lúa trên cánh đồng ban mai.
Tôi đắm chìm trong ý nghĩ của mình. Hai người bạn đồng hành im lặng. Lát sau, Vũ Sơn cất tiếng:
- Cậu cần phải đi, Nam ạ. Làm người đàn ông phải từng trải. Các cụ đã nói rồi: Làm trai cho đáng nên trai, Non Đông cũng trải non Đoài cũng qua. Sống đời công tử bọc nhung thì chán lắm.
Mới chỉ cần đến bãi cát này, ngồi ở đây, óc cậu đã vỡ vạc ra bao nhiêu điều mới mẻ, đúng không nào?…
Tôi không đáp nhưng thầm thán phục con người đó. Anh ta có tư chất của một ông thầy phù thủy. Không nhìn tôi, Vũ Sơn nói tiếp:
- Rồi hôm nào, tôi sẽ nói cho cậu nghe về…
Vừa lúc ấy, tiếng hét của một người đàn ông khiến chúng tôi giật mình:
- Đứng lại, con đĩ, đứng lại…
Phía trước anh ta, một người đàn bà trẻ đang chạy về phía bờ sông như cơn cuồng phong. Họ từ ngôi nhà ở bìa làng chạy ra. Thiếu phụ nhỏ bé nhưng chắc chắn. Cơ thể chị ta gọn gàng. Mái tóc đen sổ xuống tận thắt lưng. Chị ta chạy rất nhanh khiến người đàn ông đuổi phía sau thở hổn hển. Vừa đuổi vừa cất tiếng gào, anh ta giống như con lợn bị hoạn sổng chuồng - Tao bảo mày đứng lại i i i…
Mặt tái nhợt, tay cầm chiếc chày giã cua, loại chày tiện bằng gỗ cứng thường dùng ở nông thôn. Đôi mày cau có, vầng trán hẹp trên sống mũi dồ, món tóc láng dầu dán xuống sọ… trông anh ta vừa hung bạo vừa hèn nhát. Tôi đứng dậy:
- Tôi xuống đây. Các anh có xuống không?
Vũ Sơn kéo áo tôi lại:
- Cậu đừng anh hùng rơm, kệ xác chúng nó.
Tôi vùng khỏi bàn tay anh rồi chạy xuống lưỡi cát. Thiếu phụ đã vượt qua đám ruộng ớt, ruộng cà ở bìa làng. Chị bắt đầu leo ngược lên sườn đê. Người đàn ông còn chạy giữa các luống ớt. Đột nhiên, thiếu phụ vướng quần ngã. Ở chỗ đó, sườn đê bị lở hõm vào một quãng sâu nên chị rơi xuống hố và cứ thế lăn trở lại chân đê. Người đàn ông rú lên, hắn ta đạp ào ào lên các luống ớt, rạch cà, lao tới con mồi vớt tất cả nỗi sung sướng của loài dã thú. Ước lượng khoảng cách giữa tôi và hắn, rồi thu toàn bộ sức lực, tôi lao tới người thiếu phụ vào đúng lúc gã giẫm chân lên bụng chị và giơ chiếc chày. Đầu tôi húc vào nách hắn, và sức nặng toàn thân tôi đẩy hắn ngã xuống. Cánh tay cầm chày của hắn đập xuống chân đê, điên rồ, hắn dùng cánh tay kia đấm vào mặt tôi. Tôi tránh được cú đấm nhưng hắn quào lại rất nhanh và lần này, ngón tay hắn móc rách đuôi mắt tôi. Cảm giác đau đớn nhục thể khiến máu tôi sôi thêm. Huy động sức lực và sự tinh khôn của mình, tôi đá bật cái chày đi, lẩn tránh mọi ngón đòn điên rồ tuyệt vọng của hắn và đánh hắn không thương tiếc. Hắn chửi tục, cào cấu, nhổ nước bọt vào mặt tôi, giống như con rắn, vừa phun phì phì vừa quằn quại lê lết trên mặt đất. Tôi nhìn gã, giáng cho gã những cú đấm liên tục, chính xác. Lần đầu tiên trong đời tôi lao vào cuộc ẩu đả với niềm say mê dữ dội đến thế. Tôi cũng không còn nhận thấy Vũ Sơn và Thanh Dương đã rời chỗ ngồi của họ, xuống can tôi dừng tay. Khi tôi dừng tay, hắn nằm phơi bụng trên bãi đất, bọt mép sùi ra lẫn những gợn máu, hai cánh tay nhợt như bụng cá thõng thẹo vắt lên mái đầu bê bết đất lẫn lá cỏ.
- Thôi, đủ rồi.
Vũ Sơn bảo tôi: Đuôi mắt cậu rách kia kìa, lo về nhà mà rửa kẻo nhiễm trùng. Vả lại, chúng mình cũng phải chuồn đi thôi, dân làng nó kéo ra bây giờ là rầy rà to đấy.
Lúc ấyy, người đàn bà cất tiếng:
- Em lạy các anh, các anh đi bây giờ thì em chết.
Hai tay chị chắp lại trước ngực và đôi mắt như lạc đi vì sợ hãi. Tôi nhìn người đã gây ra cuộc giao chiến đầu tiên trong đời mình. Chị trạc hai mươi bảy, hai tám. Cũng có thể là ba mươi hoặc hơn nữa nhưng gương mặt còn tươi mát. Cặp môi nhỏ, tròn đầy, quyến rũ. Cái mũi hếch xinh xắn nằm giữa hai bầu má tròn, ửng đỏ. Đôi mắt lớn, đen như than với cái nhìn dường như luôn ngạc nhiên, luôn tìm kiếm. Một vết thâm lớn ở sát đuôi mắt trái, dấu vết của một cú đấm tàn nhẫn, khiến cho vẻ đẹp của chị nhuốm nỗi đau đớn khó quên.
- Em lạy các anh…
Chị nhắc lại lần thứ hai, ngước đôi mắt nhìn chúng tôi cầu cứu. Lúc ấy, một đám đông từ trong làng kéo ra, cả đàn ông lẫn đàn bà cả thanh niên lẫn con nít. Có người đi tay không, có kẻ cầm hèo cầm gậy. Họ nói gì đó với nhau, tôi nghe không rõ. Vũ Sơn kéo tôi lại phía sau lưng anh, Thanh Dương cũng lùi một bước, đứng bên trái tôi, thì thầm:
- Anh Nam đừng nói gì với họ, để cho anh Sơn ứng đối nhé.
Đám người trong làng đã tiến gần chúng tôi. Trước tiên một bà già cao gầy, quấn khăn đen, xỉa xói vào mặt thiếu phụ:
- Con trời đánh thánh vật kia, con trốn chúa lộn chồng kia, mày lội ao chết đuối, mày qua sông đắm đò, mày lên bàn đẻ đẻ ngang đẻ ngược, trời chu đất triệt, diều tha quạ mổ thứ đàn bà như mày…
Bà ta vỗ tay đen đét, rồi nhảy lên: Lại đây, lại đây, bà xé xác mày ra, bà móc mắt mày ra cho con ác là nó rỉa…
Một gã đàn ông trạc tứ tuần có lẻ, cao lớn, lòng khòng, vẻ mặt và màu da nhang nhác như gã đàn ông vừa bị tôi đánh, cau có túm áo bà già giật lại:
- Thôi đi, bà đừng la quang quác làm gì, để tôi cho nó mấy hèo là yên chuyện.
Gã nhảy một bước, tới sáp mặt Vũ Sơn. Thiếu phụ đã lùi về phía sau anh, cũng như tôi, cầu một sự che chở. Lúc đó, Vũ Sơn quắc mắt lên, nhìn chòng chọc vào mắt gã đàn ông cầm hèo. Mắt anh ta vốn đã lớn, lại lộ tròng, giờ vằn những tia máu li ti và phát ra những chùm tia sáng lạnh lùng, nhọn sắc. Gã đàn ông thô kệch kia không chịu nổi luồng nhỡn quang đó, cụp đôi mi xuống. Vũ Sơn giơ tay chỉ chiếc chày lăn lóc dưới đám ruộng khô:
- Hãy nhìn kia.
Đám đông lia mắt nhìn theo tay anh, cả gã đàn ông kia cũng vậy.
- Hãy nhìn cho kĩ.
Vũ Sơn nhắc lại lần thứ hai, rồi anh nhếch mép cười nhạt, nụ cười ấy vừa khinh thị vừa dữ tợn. Nó khiến đám đông rúm lại vì mặc cảm nhục nhã, cái mặc cảm thường chỉ nhận ra khi giáp mặt với những người hoàn toàn xa lạ và có một đời sống quá cách biệt, vượt hẳn đời sống của cá nhân mình.
Vũ Sơn hiểu rằng anh đã khống chế được đám đông, và vẻ mặt anh trở lại ngạo mạn, kiêu hùng như khi anh đi giữa các phố xá của tỉnh lỵ:
- Luật pháp nào cho phép các người bao che cho gã đàn ông kia cầm chày đánh vợ. Luật pháp nào cho phép các người hà hiếp đàn bà. Đây là nước Việt Nam cộng hòa xã hội chủ nghĩa hay nước An- nam của vua Khải Định? Đây là những năm cuối thế kỉ hai mươi hay đang thế kỉ mười lăm?… Trả lời tôi đi…
Giọng nói anh vang động, đầy quyền uy và sức thuyết phục. Đám nông dân đứng im thin thít. Nghe rõ tiếng bầy ong rù rì dưới đám ruộng cà vọng tới. Vũ Sơn vẫn tiếp tục nhìn chòng chọc vào đám đông, cặp mắt anh như muốn lột truồng họ ra, phơi bày vẻ trơ tráo và nghèo nàn của tâm hồn họ, phơi bày bản tính hung bạo chung đụng với sự hèn nhát bên trong một đời sống bản năng, thiếu hụt nhân cách.
Gã đàn ông bị tôi đánh đã tỉnh lại, chống tay ngồi lên. Gã đưa mắt tìm kiếm vợ, rồi chìa nắm đấm về phía chị ta:
- Rồi mày biết tay ông, con đĩ.
Anh trai gã ngẩng đầu lên, hằm hè nói theo:
- Con đàn bà ngoại tình, phải đánh. Phép vua thua lệ làng.
Bà già nanh nọc lúc nãy lại chống nạnh, nói xe xé:
- Mày cứ đánh chết con đĩ ấy cho tao. Tội vạ đâu tao chịu.
Gã đàn ông cầm hèo huơ lên, nhưng chân gã vẫn dính chặt xuống mặt đất. Vũ Sơn khoanh tay nhìn họ. Cứ như thế thời khắc im lặng trôi qua. Chừng vài phút sau, một người đàn ông nữa từ trong làng hối hả đi ra. Trông dáng điệu và cách ăn mặc của anh ta, chúng tôi đoán là bí thư hoặc chủ nhiệm xã. Bước từng bước dài nóng nảy, anh ta vượt qua những mô đất, những ruộng rau, hai cánh ta vung vẩy. Khi anh ta vừa tới giữa đám đông, Vũ Sơn cất tiếng hỏi lạnh lẽo:
- Xin lỗi, anh là chủ tịch xã?
Anh chàng chủ tịch giật mình vì sự đoán định chính xác và giọng nói không hứa hẹn điều gì tốt đẹp, vội vã đáp:
- Vâng, vâng…
Vũ Sơn tiếp:
- Tôi là Vũ Sơn, phóng viên báo X. Tôi được lệnh viết một thiên phóng sự về tình hình dân chủ và luật pháp trong các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Trước tiên là tỉnh Q. Tôi đã làm việc với anh Quang tuần vừa qua.
Vũ Sơn ngừng lời. Tôi thấy gương mặt chủ tịch xã nhợt nhạt. Những ý nghĩ luân chuyển qua óc anh ta có thể đọc được rõ ràng. Chắc chắn anh ta có mối liên hệ nào đó về gia tộc hoặc quyền lợi vật chất với gã đàn ông vừa đánh vợ. Chắc chắn là lương tâm anh ta không đủ chiến thắng mối liên quan máu mủ hoặc các cám dỗ vật chất để ngăn cản những hành động ngoài pháp luật. Nhất là những hành động đó được che đỡ bằng ngôn án của đám đông, bằng những thiên kiến lưu truyền từ đời này qua đời khác. Sự xuất hiện bất ngờ của những người lạ mặt những người có quan hệ với chủ tịch tỉnh - người có quyền lực cao nhất trong mọi mối giao tiếp, và việc, họ chứng kiến tội ác ngay trên lãnh địa của mình khiến vị chủ tịch xã hụt hơi. Anh ta quay lại đám đông, quát:
- Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi? Các người cứ làm bậy rồi tội vấy oan sang kẻ khác. Tất cả về ngay, nếu không tôi sẽ huy động lực lượng dân quân ra giải quyết.
Rõ ràng đây là thái độ cứng rắn lần đầu tiên của anh ta với gia đình kẻ hành hung. Ngay trong câu quát tháo đó, đã hàm chứa sự hốt hoảng và giả trá. Đám đông cúi đầu, lục tục đi về phía làng. Chủ tịch xã quay lại, nửa mời mọc, nửa năn nỉ:
- Trường hợp này phức tạp lắm. Mời các đồng chí vào ủy ban chơi rồi tôi sẽ trình bày.
- Tôi bận, không có thời gian.
Vũ Sơn đáp gọn lỏn: Nhưng nếu sự việc này còn xảy ra, tôi sẽ yêu cầu đích thân chủ tịch Quang xuống đây chứng kiến, để anh ấy không còn trách móc được chúng tôi trong việc phản ảnh tình hình dân chủ và thi hành luật pháp ở tỉnh nhà.
Mặt chủ tịch xã trắng bệch ra. Anh ta lắp bắp cái gì đó không nghe rõ. Vũ Sơn hất tay phác một cử chỉ cắt đứt cuộc đối thoại:
- Thôi, anh về đi.
Nói xong, anh quay lưng bước về phía bãi cát. Chúng tôi đi theo anh; bỏ lại thiếu phụ với gã chồng hung bạo của chị. Khi tới nơi, chúng tôi lại ngồi dưới gốc si. Chủ tịch xã đã đi tới bìa làng. Còn người đàn bà khốn khổ đang dìu chồng trở lại căn nhà sau bụi trúc. Gã đàn ông bước tập tễnh, nhăn nhó. Vừa đi, hắn vừa làu bàu chửi vợ. Và cứ mươi bước chân hắn lại đấm chị một quả vào lưng hoặc giật tóc chị một cái. Người đàn bà nhẫn nhục bước. Không thấy chị ta khóc hoặc kêu rên một lời.
Tất cả chúng tôi đều chăm chú nhìn họ, Vũ Sơn nhếch môi cười, làu bàu:
- Đấy cậu xem, cậu nhảy vào như một đấng anh hùng cứu nạn, đến nỗi rách cả mặt, suýt nữa bị người nhà nó giã làm tương. Vậy mà bây giờ thì… Có khi đêm nay hai đứa lại hú hí với nhau và mươi tháng nữa một thằng lỏi con oe oe khóc chào đời… Hi hi hi…
anh ta cất tiếng cười. Nhưng hai dòng lệ đục ngầy lăn xuống má. Vũ Sơn giả bộ gỡ kính ra lau. Anh ta cúi xuống, chùi nước mắt vào đầu gối.
Các Vĩ Nhân Tỉnh Lẻ Các Vĩ Nhân Tỉnh Lẻ - Dương Thu Hương Các Vĩ Nhân Tỉnh Lẻ