Chương 2
rong những câu chuyện bố tôi kể thì ông và cuộc đời xưa kia là hai nhân vật chính, đối nghịch nhau suốt cuốn tiểu thuyết đầy máu và nước mắt. Ông tổ bốn đời của tôi vốn nghèo rớt mồng tơi. Chẳng biết sao cụ rất giỏi chữ Nho. Chính nhờ cái vốn chữ thánh hiền ấy mà cụ tôi, dù suốt đời cùng đinh vẫn được đám hào lý gờm nhất. Sau vụ cha con lão Lý Bá khuynh gia bại sản chỉ vì một bài thơ của cụ, thì cụ bốn đời của tôi bị liệt vào hạng nguy hiểm cho đám chức sắc từ Chánh tổng trở xuống. Vậy mà cụ tôi vẫn sống ngoài tám chục tuổi ung dung thoát tục như một ông tiên.
Ông nội tôi không thừa hưởng được số chữ của cụ tôi nên đám hào lý coi nhờn. Sẵn mối thù “bố nợ con trả” ông tôi bị chèn ép suốt một đời. Tuy thế ông nội cũng nuôi chí lớn lắm. Ông tôi vờ cúi rạp dưới chân đám quan lại, xin được một chân Trương tuần. Kỳ thực ông tôi thầm thu nạp khoảng hai chục thanh niên trai tráng, định đánh úp nhà Chánh tổng. Việc bại lộ, ông tôi bị trói nghẽn giữa đình suốt hàng tháng trời, kỳ đến tróc hết da vì đòn mới thôi. Bị bãi chức, ông tôi quay về cày chia cấy rẽ, lòng vẫn ôm ấp một mưu đồ lớn.
Chuyện ông tôi bị lão Hứa đánh giập phổi là chuyện sau này. Chỉ biết rằng lúc hấp hối, ông tôi dặn lại truyền cho con cháu: “Còn làng Đồng thì còn mối thù với thằng Hứa và con cháu hắn”.
Bố tôi kể: Chú Hai tôi chết vì thiếu đúng một bát cơm nguội. Sau này cứ vào ngày mồng 5 tháng ba âm lịch, bố tôi lại dậy từ nửa đêm, xúc một bát cơm nguội để trước mặt. Ông ngồi lặng hàng giờ, mặt đanh lại như sắt thép. Chú Hai tôi chết quá tang thương. Chuyện đó tôi thuộc lầu từ bé. Mãi khi đã lớn thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ gặp chú, hoàn toàn do tôi tưởng lại từ lời bố tôi mô tả: “Đầu to, cao long khòng, toàn thân là một cái khung bằng xương”. Nhưng thôi, để yên cho bố tôi kể.
Dạo ấy bố tôi 16 tuổi, làm thằng ở chăn trâu cho Chánh tổng. Hàng ngày bố tôi sống chết cũng phải ăn cắp được một giỏ cơm nguội cho bà nội và hai chú tôi. Hôm ấy không hiểu sao bố tôi không về. Bà tôi và hai chú chờ mãi cho đến khi chú Ba tôi chết lả trong giấc ngủ. Chú Hai tôi đói quá tính đường đi ăn cướp. Chú đi dật dờ ở chợ, mắt vờ không thấy gì. Kỳ thực chú đã liếc thấy ở dãy hàng quán có người đang đưa lá bánh vừa bóc lên miệng liếm. Chú tôi dật dờ đến gần. Vụt! Chú tôi chao mất miếng bánh của người đàn bà nọ trong nháy mắt. Thế là loạn chợ, tiếng kêu cướp, tiếng đuổi nhau, tiếng đòn gánh nện chát chúa… Chú Hai tôi phóng vù xuống mép sông, phồng mồm nhai miếng bánh, lưng ròng máu vì mấu đòn gánh bổ dọc.
Bố tôi lại ăn cắp được cơm. Bố tôi đi tìm chú Hai tôi. Anh em gặp nhau, chú tôi sợ ăn đòn bỏ chạy. Bố tôi cầm bọc cơm gào đứt hơi suốt mấy làng ven sông Đáy. Hôm sau bố tôi tìm đuợc chú Hai tôi ở Tràng Cát, một làng nổi tiếng nhiều cướp. Chú tôi ăn cắp ngô non bị đám Trương tuần chôn sống. Rồi chính họ lại bới chú tôi lên – cho khỏi thối làng – bó chiếu giúp bố tôi. Bố tôi kể đêm ấy mưa bão, bố tôi vác chú Hai về đến nhà cũng vừa sáng. Sẵn có cái hố ngập nước, bố tôi thả tõm chú Hai xuống đó, mắt chú tôi vẫn mở trừng trừng.
Lần nào nghe bố tôi kể, tôi và em út đều chứa chan nước mắt. Bố tôi bảo: “Chỉ vì một bát cơm nguội mà chú mày chết. Mà bát cơm nguội ấy thằng Hứa giật đoạn trên tay tao đổ cho chó”.
Sau đận ấy bố tôi hận đời quyết chí bỏ lên rừng cũng đúng vào dịp lão Hứa được bổ lý trưởng. Lão biết bố tôi đi đâu nên thi thoảng lại đến hạch sách ông nội và mẹ tôi. Sau đêm chánh tổng chết hụt vì lựu đạn du kích, lão Hứa lấy cớ điệu ông tôi ra đình, bắt xin lỗi chính quyền vì chót đẻ ra bố tôi. Ông tôi không nghe. Lão Hứa sai tuần đem diêm đến đốt nhà ông tôi. Đến đêm, lão Hứa xua lệ ập đến, trói nghiến ông tôi kéo ra đình. Sáng hôm sau ông tôi chỉ còn như miếng giẻ đẫm máu. Mẹ tôi đem ông về. Mỗi ngày ông thổ ra một ít huyết tươi. Biết sắp chết, ông bắt mẹ tôi phải ghi lại lời nguyền. Mẹ tôi kể, sát ngày ông tôi về trời, ông dặn mẹ tôi sau này phải đẻ ít nhất 3 thằng con trai.
* * *
Năm tôi lên 10 gia đình tôi đang ở thời kỳ đại thịnh. Khỏi phải nói khi có quyền trong tay bố tôi đã đè bẹp, nghiền nát đám quan lại cũ ra sao. Lão Hứa tất nhiên thuộc đối tượng đầu tiên ông nghĩ đến. Lão bị tịch thu đến cả chiếc lư hương, khu trại cũ bị san phẳng thành ruộng. Lão sống lủi thủi như con chó lạc loài. Thằng cháu họ một thời cặp kè bên lão cũng quay lưng lại với lão. Để nịnh bố tôi, ông Tư Vê đã ỉa vào cửa nhà lão cả đống tướng.
Một hồi, dạo đó tôi 12 tuổi, tôi bắt gặp lão Hứa bới trộm khoai lang. Lão địa chủ cũ nhìn trước nhìn sau rồi chùi củ khoai lang vào vạt áo, đưa lên miệng nhai ngấu nghiến. Lão đói. Con cái lão cùng bị bỏ đói. Sau Quý Anh, lão còn bắt vợ rặn cho lão thêm một đứa nữa đặt tên là Quý Hương. Quý Hương giống chị như hai giọt nước, đẻ cùng tháng với em tôi. Thấy bảo hôm đón con bé, lão Hứa định ngầm bóp chết. Lão cần có đứa con trai để hy vọng đến ngày nào đó gia thế nhà lão lại phất lên. Chờ đúng lúc lão Hứa đang phồng má trợn mắt, tôi hét lên:
– Có thằng ăn trộm!
Lão Hứa suýt ngã vì sợ và xấu hổ. Lão nhè vội miếng khoai, xoa tay vào áo, dùng chân lấp lại chỗ đất lão vừa bới rồi quay lưng định lủi mất. Hình ảnh chú tôi chết đói, hình ảnh ông tôi chết vì đòn như kêu gào tôi trả thù. Tôi muốn nhân cơ hội này đâm cho lão Hứa một nhát. Có lẽ bộ mặt tôi lúc ấy gớm ghiếc lắm nên lão Hứa co rúm lại.
– Lão Hứa!
Lão địa chủ xưa kia đổ khuỵu xuống.
– Lão có biết lão mắc tội gì không?
– Cậu Tư ơi, tôi đói quá!
– Lão đói nhưng lão chưa chết. Còn chú ta, ông ta đều chết về tay lão thì lão tính sao?
Lão Hứa mếu xệch miệng. Tôi tiếp:
– Chỉ vì một bát cơm nguội mà chú ta thành ma đói. Lão có nhớ không?
– Tôi nhớ.
– Tại sao lão ác thế?
– Tôi van cậu Tư. Thì ông nhà đã đòi đủ ở tôi rồi mà!
– Chưa được bao nhiêu. Hôm nay lão phải trả nốt.
Tôi tiến lên, gí thanh nứa vạt đầu vào cổ lão Hứa. Lão địa chủ xưa kia vội đưa tay túm ngay chiếc que.
– Kìa cậu Tư, tôi cắn cỏ lạy cậu. Cậu thử hỏi ông nhà xem, có phải có lúc tôi đã tử tế với ông nhà không?
– Còn ông ta và chú ta, lão tử thế đấy à?
– Cậu Tư ơi! – Lão Hứa cuống quít đẩy thanh nứa đang bị tôi ấn mạnh thêm.
– Cậu cứ lớn lên đi cậu sẽ hiểu tôi chả là cái gì trước số phận, trước thời thế. Tôi có trực tiếp đánh ông cậu đâu. Tôi có trực tiếp chôn sống chú cậu đâu. Cuộc đời cũ nó ắt phải như thế.
Tôi không đủ sức để hiểu những lời lão Hứa nói. Đại loại lão muốn bảo tôi rằng việc làm của lão xưa với việc bố tôi tịch thu tài sản của lão, cả hai việc ấy đều do cuộc đời muốn thế. Tôi còn đang do dự không biết có nên lấy của lão một tí máu cho mát lòng ông và chú tôi, thì từ đâu Quý Anh hớt hải chạy ra. Thấy cảnh đó mặt nó cắt không còn giọt máu. Trông thấy con, lão Hứa vội kêu lên:
– Quỳ xuống đi con. Quỳ xuống xin cậu Tư và ông bên nhà đi con.
Quý Anh từ từ quỳ xuống, hai tay chắp trước ngực. Trông nó đối nghịch gay gắt với lão bố phàm tục của nó.
Sau này mỗi lần bắt gặp một tiên đồng trong các cuốn tiểu thuyết, tôi thường nhớ đến Quý Anh ở giây phút ấy. Khuôn mặt nó trong veo, cặp mắt trong veo với hai lọn tóc lắc lư bên má. Xin đừng nghĩ đơn giản về trái tim cậu bé tuổi 12 như tôi. Lòng tôi sóng sánh như bát nước đầy… Tôi để tuột thanh kiếm tráng sĩ vì một lời khẩn nguyện dâng lên từ đất: “Cậu và tôi… và những mùa vàng rực nắng, chúng ta cùng là con đẻ của một cuộc đời không thù hận.”
Hẳn lúc ấy tôi chỉ cảm thấy có gì đó khác thường đã xảy ra trong trái tim bé con của tôi. Nhưng khi tôi bắt đầu hiểu cuộc đời, tôi cứ nhớ có một lời khấn thầm như thế ngấm vào tôi. Có thể nó đến bằng một giấc mơ thanh sạch ở tuổi chớm lớn. Nhưng bao giờ lời khấn thầm ấy cũng đi cùng hình ảnh Quý Anh quỳ trước tôi từ buổi ấy. “Cậu và tôi…” lẽ nào điều ấy đã xảy ra khi vào một đêm nào đó tôi úp mặt lên gối khóc nức nở, quằn quại trong nỗi ân hận đành chịu mang tội với ông và chú Hai tôi.
Bước Qua Lời Nguyền Bước Qua Lời Nguyền - Tạ Duy Anh Bước Qua Lời Nguyền