N
gười Á Đông, luôn cả người Ấn Độ, theo văn hoá cổ truyền vẫn còn tin ít nhiều vào truyền thuyết, sự luân hồi, nhờ vậy mà sống hài hoà với thiên nhiên, đồng loại. Đoá hoa xinh đẹp phải chăng có linh hồn, nên xem hoa như bạn thân, vẽ đoá hoa, cục đá, nhánh trúc tức là vẽ bóng dáng con người, hoặc vẽ chính chân dung mình. Con bướm, con khỉ có thể lần hồi tiến hoá, trở thành sinh vật hoàn chỉnh hơn. Người ăn mày phải chăng từ kiếp trước mắc tội? Những ý nghĩ ấy vẫn còn chìm lắng trong tiền thức, điều khác biệt với Tây phương. Bởi vậy truyện Liêu Trai của Bồ Tùng Linh mãi được tán thưởng, nhân vật phần lớn là chồn mang lớp người, kiếp trước là người, nhưng bị áp bức phải đầu thai làm chồn, hư hư thực thực, có hồ ly hiền cũng có hồ ly ác. Nên kể một thể loại đặc thù là truyện thần kỳ, điển hình là Tây Du Ký đã gây dư luận tốt từ Á sang Âu. Những nhân vật nửa người nửa tiên thánh, ăn uống như người bình thường, đầy dục vọng, biết bay nhảy bất chấp qui luật về vật lý, không cần đến con tàu vũ trụ cồng kềnh hoặc dùng thuốc trụ sinh khi đau ốm. Những thể loại nói trên được chỗ đứng vững trong văn học. Tại sao? Câu trả lời rất đơn giản. Tuy siêu thực nhưng rất là hiện thực. Nhữngnhân vật hồ ly, Tôn Ngộ Không, Bát Giới hãy còn có mặt chung quanh ta, thậm chí trong bản thân ta.
Đưa nhân vật trai trẻ là Trần Dũng vào Yêu truyền kiếp, tác giả mạnh dạn đặt vấn đề chung thuỷ trong tình yêu. Khi đã yêu, hẳn có nhiều động cơ sâu sắc, lắm khi lấy nhan sắc, tiền tài thế lực, sự trẻ trung ta vẫn không tài nào giả thích trọn vẹn. Trần Dũng lên đường đến tận chốn ma thiêng nước độc của miền Thượng Du Bắc Bộ để gặp chúa Ngàn, tức là nữ thần chúa rừng núi. Nữ chúa này không có tuổi, một nhân vật huyền thoại trẻ mãi không già, như ngày nay ta hình dung lại Mỵ Nương, Tây Thi, Thúy Kiều. Ông cha, tổ tiên đời trước mang món nợ gì thì thế nào đến kiếp sau, trong dòng họ cũng phải có người trả món nợ ấy. Đây không phải nợ tiền bạc, nợ máu, lường gạt cướp bóc mà là món nợ tình. Không được trọn yêu nhau trong kiếp trước thì hạn trả vào kiếp sau trong điển cố văn học gọi là "hương lửa ba sinh". Yêu để giữ lời hứa danh dự, bất chấp khó khăn, vượt thời gian. Về hình thức, đây là thể loại thần kỳ, dị thường - mà Âu Mỹ vẫn có, xem là văn học đứng đắn - với thực chất là đề cao tình người. Đã là yêu thì không phân biệt xưa nay. Con người của huyền thoại cứ trẻ mãi không già. Có lẽ ta không cường điệu nếu cho rằng "Yêu truyền kiếp" đã đề cao sự đoàn kết, với huyền thoại trăm trứng trăm con từ thời cổ sơ giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số.
Tác giả đã thành công hay không? Trả lời ngay là quá sớm và ngoài sự phỏng đoán của người viết lời giới thiệu. Chỉ thấy văn của Hoàng Ly - Đỗ Hồng Linh khá hấp dẫn, lôi cuốn, từng chập đánh thức sự tò mò của bạn đọc. Xem những trang đầu, chẳng ai đoán được phần cuối sẽ ra sao. Theo tôi, đây là một trong những yếu tố cần thiết để người viết văn thành công.