B
ạn đã bao giờ thử nghĩ về các thế hệ trong đại gia đình của mình và tự hỏi: tại sao ông mình suốt đời chỉ là một người thợ lặng lẽ dù ông rất giỏi, tại sao cha mình lúc nào cũng rao giảng đạo đức và ép mình phải đi theo nghề của cha, tại sao mẹ mình nhẫn nhục chịu đựng cha đến mức tự biến mình thành một người đàn bà giả trá, chao chát; tại sao các cô chú, cậu mợ và anh chị em họ của mình trở thành những người như họ đã trở thành... Và tại sao tất cả những cá thể người riêng rẽ, dường như hoàn toàn khác biệt này lại dính chặt với nhau trong cái liên kết gọi là “gia đình”, mà ở đó sự hành hạ lẫn nhau có khi còn nhiều hơn tình thương yêu?
Trong cuốn tiểu thuyết kinh điển Xác thịt về đâu của Samuel Butler, Ernest Pontifex sinh ra trong một đại gia đình và đã bắt đầu cuộc sống bằng sự trung thành tuyệt đối với gia đình mình. Ở tuổi bắt đầu trưởng thành, anh tuân ý người cha độc đoán theo đuổi việc học hành với ý định trở thành một mục sư. Nhưng cuộc sống được sắp xếp trước này không suôn sẻ; cuộc đời Ernest trải qua nhiều thăng trầm, bao gồm cả việc vỡ mộng với các tín điều tôn giáo, vào tù, bị cha mẹ từ bỏ, nghèo khó, bị vợ phản bội, ốm đau, bị lừa dối... Trước khi có thể trở thành một con người độc lập, sống cuộc đời mình. Là cuốn tiểu thuyết có tính phá vỡ khuôn mẫu các tiểu thuyết đạo đức thời Victoria, Xác thịt về đâu mổ xẻ cuộc sống của bốn thế hệ nhà Pontifex; đồng thời cho chúng ta thấy những mẫu số chung trong cuộc sống gia đình và trong đời người. Samuel Butler viết: “... Khi về già... Chúng ta biết rằng cuộc sống chủ yếu là những hù dọa nhau hơn là những tổn thương thật sự.” Quả thật, những trò vè mà con người ta, nhất là người trong gia đình, dùng để hành hạ nhau nhiều khi chỉ xuất phát từ sự hù dọa và khẳng định quyền lực cá nhân một cách vô thưởng vô phạt, nhưng đôi khi để đi đến chỗ hiểu ra điều đó, chúng ta mất cả một đời.