Vua Bóng Đá epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Một Câu Chuyện Thật Hơn Không Thể Nghĩ Ra
hóng viên: - Thái độ của ông đối với bóng đá?
Azit Nexin: - Tôi giúp đỡ bóng đá... Thậm chí tôi đã viết một cuốn sách về bóng đá (Trích từ một cuộc phỏng vấn)
Những trái bóng đá đẹp mắt đan đi đan lại trên thảm cỏ xanh của sân vận động. Phía sau hàng rào sân vận động là mặt biển xanh óng ánh, tiếng máy ầm ì của những chiếc tàu thủy nghe thật dễ chịu mỗi khi hiệu còi của người huấn luyện viên nổi lên. Từ bên tháp nhảy dù cao cạnh đó có thể đứng xem buổi tập của các cầu thủ ở một phía khung thành. Họ tập đi tập lại mãi một đường bóng phối hợp - một, hai,... mười lần...
Các bạn đừng ngạc nhiên, ở Ôđétxa(1) những người hâm mộ chân chính luôn luôn có mặt tại các buổi tập: thứ nhất là cũng cần để mắt thưong xuyên đến người huấn luyện viên, thứ hai là cũng thật thú vị khi tự mình báo tin cho bạn bè và gia đình biết rằng một trung phong nào đó cuối cùng đã có được phong độ thi đấu tốt, còn hậu vệ Imiarếc(2) thì chơi ngày càng hay hơn. Trong lúc giải lao, những người xung quanh tôi ồn ào so sánh hàng tiền đạo của đội “Người Biển Đen” với đội tuyển Braxin, còn tôi ngồi sang một phía và giở cuốn lách "Vua bóng đá" ra đọc. Bỗng có bóng của người nào đó che lên trang sách và một giọng nói mướt như nhung, nghe đến khó chịu, hỏi:
- Thế nào, có gì mới viết về Pêlê đấy?
Sau khi nghe trả lời là trong cuốn sách không có một lời nào về Pêlê cả, anh ta lại nói, vẫn với cái giọng mướt như nhung ấy:
- Xin lỗi, nếu không viết về Pêlê, thì ai là vua bóng đá? – Bằng một động tác rất nghệ sĩ anh ta giằng lấy cuốn sách từ tay tôi và giở từng trang hết sức thành thạo, đọc lướt qua rồi thốt lên:
- Đúng là không có gỉ về bóng đá cả. Chỉ toàn là xã hội thượng lưu. Không biết ở đây viết về cái gì vậy?...
Và anh ta bỏ đi. Anh ta bỏ đi, nhưng câu hỏi vấn còn đọng lại. Còn tôi thoáng bực mình: "Tôi đọc cuốn tiểu thuyết lần thứ hai, và hình như tất cả mới rõ được. Thế mà một người mới dò lướt qua một lần, đã bảo ngay là không hiểu gì cả!".
Vậy thì cuốn sách này viết về cái gì? Tôi suy nghĩ và sực nhớ đến người hàng xóm của tôi, một nhà phê bình nổi tiếng, sau khi đặt cho mình câu hỏi như thế, bao giờ cũng bắt đầu từ việc sắp xếp và phân loại các nhân vật. Ông ta kéo, lôi, xô đẩy họ như bàn ghế, giường tủ vậy, - từ góc này đến góc khác, tới khi nào tìm được chỗ thích hợp cho từng nhân vật mới thôi. Và tôi cũng bắt đầu bằng cái công việc lao động chân tay này.
Tôi xếp gia đình Phephaievec về một phía gồm: ông chủ gia đình – người cha Khaxíp, bà mẹ Mekhơdure (người chủ thật sự của gia đình) và con gái họ - người thiếu nữ xinh đẹp hai mươi chín tuổi Xeevim. Còn ở phía khác là dòng họ phý tộc Saphơran – sau cách mạng đổi sang gọi là Rưgixưn cho dân chủ hơn – gồm: bà cô Bêrin, một người bảo thủ với các tục lệ cũ và người cháu được bà nuôi nấng - anh chàng Xait ngớ ngẩn, một ngưòi thích xác định tọa độ của các đôi bít tất của anh bằng giải tích toán học. Còn sau lưng họ, tôi xếp họ hàng gần xa của cả hai gia đình và trồng một cây đại thụ, trên cành treo đầy quả là những bức chân dung của dòng họ, bắt đầu từ ngài Iuxup Pasa Pegôgôlốp - một người “nhờ trí thông minh bẩm sinh và tính khiêm tốn” (như tác giả viết) đã lên đến quan tỉnh trưởng từ một người thợ đóng giầy.
Phephaivevec là một hãng buôn bán quần áo lót phụ nữ. Còn của cải của dòng họ Rưgixưn cũng có nguồn gốc không lấy gì làm sạch sẽ cho lắm: ngài Iuxup Pasa khiêm tốn không làm phật lòng bất cứ một người nào mang của hối lộ đến. Đúng như ngài Vaxpaxinan, vị hoàng đế La Mã nhạy bén nhất với mùi vị đã từng xác định: đồng tiền không có mùi vị. Dòng họ quý tộc Rưgixưn cần có một người nối dõi, thừa kế truyền thống vinh quang và của cải của họ.
Nhưng, như các bạn sẽ thấy, trên cây đại thụ trĩu quả của họ chỉ còn một cành có thể nẩy mầm xanh tốt - đó là chàng thanh niên Xait cao ngồng ốm yếu, thong manh và theo như một số người nói, còn ngờ nghệch và ngây dại nữa. Có thể mọi người chưa biết hết về anh chăng? Vì Xait mới từ Pari trở về, nơi anh vừa học xong ngành thiên văn học và chiêm tinh học trực tiếp ở một người pháp sư, một thầy phù thủy Ấn Độ nổi tiếng. Không những thế, Xait còn mang về một chút ít hương vị ngọt ngào của ái tình nữa, chỉ có điều là anh không nói một lời nào về chuyện đó cho người cô biết cả. Nhưng khẩu vị chỉ thật sự tìm đến trong bữa ăn. Và bây giờ, các bạn hiểu chứ, mọi người sẽ dọn cho Xait một chiếc bánh – hôn lễ. Thế là, lợi ích của dòng họ và nguyện vọng của bản thân Xait đã trở nên trùng hợp.
Và điều đó rất quan trọng.
Còn gia đình Phephaievec cũng ấp ủ ý định lấy chồng cho cô con gái. Họ mong gả được chồng cho người con gái kiều diễm Xêvim. Điều đó cũng dễ hiểu, vì eo lưng của người thiếu nữ “siêu hiện đại” này thường xuyên gây ra nhiều lời đồn đại, ngờ vực trong xã hội thượng lưu, giống như sự yên tĩnh của người Pari bị khuấy động khi có một phụ nữ xinh đẹp ngẫu nhiên nuốt phải một hột anh đào. Nguyên nhân gián tiếp của là thú vui cao thượng, hay nói đúng hơn, là trò tiêu khiển chính của người thiếu nữ Xêvim – đó là phụng sự thể thao, hay nói đúng hơn là khuyến khích, động viên các vận động viên thể thao.
Cần phải nói thẳng rằng, cô ta đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc: cô ta đã thưởng cho Xuát Nêgritôt, người đầu tiên đưa thuyền về tới đích… Cô ta đã thưởng cho Marat Bôrôp, người đầu tiên bơi 100 mét về tới đích (thật ra người đầu tiên về tới đích là một vận động viên bơi lội khác, nhưng anh ta không dám ngoi lên mặt nước, vì Xêvim… Nhưng thôi, các bạn hãy tự đọc về điều đó). Nhưng môn bơi thuyền chỉ phù hợp với một số ít người hâm mộ. Mà Xêvim thì mơ ước về một lĩnh vực thể thao rộng lớn. Và cô đã cống hiến “không còn dư” – như trong các sách giáo khoa về số học vẫn viết – toàn bộ cuộc đời cho bong đá – môn thể thao yêu thích của hàng triệu người. Chính vì thế cô đã dành toàn bộ nhiệt tình của một tâm hồn trong trắng để động viên khuyến khích Akhơmet Xtena, người trung vệ nổi tiếng của câu lạc bộ B.L (“Bụi lốc”), “xương sống” của đội tuyển quốc gia và thần tượng của cả nước. Nhưng bong đá là một môn thể thao tập thể - như Đại Bách khoa toàn thư của nước Anh đã viết – nên Xêvim đã động viên khuyến khích toàn thể đội bong, kể cả cầu thủ dự bị.
Nếu Xêvim có huy hiệu của riêng cô, thì trên đó chắc chắn sẽ là câu phương ngôn: “Động viên và Quyền lực”. Nhưng để có quyền lực, cần phải có lãnh thổ riêng và có ít nhất một thần dân, hay nói cách khác là phải có chồng và nhà của mình. Khi đó sẽ chấm dứt sự kèm cặp đến chán ngấy của cha mẹ và sẽ được hoàn toàn tự do để động viên khuyến khích! Các bạn sẽ hỏi: thế còn người chồng? Có thể nói ngay rằng, trong trường hợp này người chồng chỉ là một khái niệm về mặt pháp lý. Trong gia đình Phephaievec, người phụ nữ bao giờ cũng nắm quyền lực trong tay mình. Thế là nguyện vọng của Xêvim cũng trùng hợp với mong muốn của gia đình.
Và tất nhiên là thánh Ala sẽ lập tức chiều theo lời cầu nguyện của hai dòng họ đáng kính này. Thánh Ala chiều theo và giao cho tác giả, nhà văn Azit Nexin, phải cho Xait và Xêvim gặp nhau. Thời gian chỉ đủ để họ gặp nhau trên đường phố và tiệm cà phê, rồi từ đó đi đến rạp chiếu bong. Và đến đó tưởng chừng như cậu chuyện được cởi núi. Chúng ta chờ đợi một câu chuyện về cuộc sống gia đình, về một anh chàng Xait “bị phạt đền” (3) nào đấy. Hãy tha lỗi cho tôi cách nói độc địa cũ kỹ này, nhưng cuốn tiểu thuyết xuất bản lần đầu tiên năm 1957 có tên là “Vua Bộ Tài chính Xait Ơphơxaiđơ”(4). Nhưng ở đây cốt chuyện – đang lăn đều trên đường ray – bỗng nhiên đột ngột chuyển hướng. Không biết ai, chứ riêng tác giả của chúng ta – một người có hẳn một lý thuyết hoàn chỉnh về đường ray và chỗ ngoặt – thì biết rất rõ về điều đó: bây giờ cốt truyện sẽ phát triển theo hướng hài hước.
Và đúng như vậy, ngay lập tức tình cảm dịu dàng của Xiat gặp phải không biết bao nhiêu trở ngại. Anh phải làm không thiếu một việc gì: mua và sửa sang nhà cửa, tặng người vợ chưa cưới hoa, đồ trang sức quý giá, ô tô. Nhưng nhà vẫn chưa sửa sang xong và chưa cho các màu sắc như bà mẹ của gia đình Phephaievec mong muốn để xứng đáng với con gái bà... Thậm chí tôi không biết tác giả sẽ xoay xở như thế nào, trong một cuốn sách nghiêm chỉnh? Còn ở đây, lạy thánh Ala, đường ray đã quay về hướng khác và Azit Nexin thực hiện được điều kỳ diệu một cách đơn giản. Một điều kỳ diệu bình thường nhất. Thật ra thì đầu tiên tình yêu đã giúp đỡ cho tác giả. Còn sau đó ông không cần một sự giúp đỡ bên ngoài nào nữa” Còn sau đó ông không cần một sự giúp đỡ bên ngoài nào nữa.
Đó là thứ tình yêu làm cho Xait cảm thấy, hình như chỉ có con đường đi qua sân bóng đá là có thể giúp anh đến đưọc với trái tim của người vợ chưa cưới, và anh đã lập tức thề - theo cách nhìn của những ý nghĩ lành mạnh thì đó là một lời thề thiếu thận trọng và thậm chí còn là điên rồ - sẽ trở thành một cầu thủ bóng đá, và không những thế mà còn là một cầu thủ nổi tiếng. Và - chắc các bạn sẽ cười - anh đã trở thành như thế đấy! Anh là một người, như tác giả viết. "Bị cận thị đến âm mười lăm đi ốp…". Vâng Azit Nexin đã buộc phải vắt óc suy nghĩ, tìm con đường nào nhanh nhất để chữa khỏi cho Xait - con đường lý liệu pháp - chúng ta đừng sợ từ này - hay là liệu pháp tâm lý? Ông chọn cả hai cùng một lúc. Chính Akhơmet Xtena đã dạy khoa học bóng đá cho Xait. Sau đó đến lượt một huấn luyện viên người Anh thay anh ta.
Nhưng việc luyện tập (ngay cả đến toát mồ hôi) vẫn chưa phải là tất cả. Và tác giả đã cho nhân vật chính của ông ngã xuống giếng đầu va vào đó, sau đó lại bị giày của người huấn luyện viên Anh đạp vào, rồi đến chuôi súng lục của một viên cảnh sát đập phải. Đồng thời ông giao Xait cho bác sĩ Hêphic chăm sóc với toàn bộ sức mạnh của nền y học, và những cố gắng nhẹ nhàng của “cô gái Tây Ban Nha” Aixen – một thiếu nữ ham mê tình dục, nhưng lại có khả năng xác định những tài năng bóng đá. Nhưng, than ôi, ngay cả những điều kỳ diệu – cũng như tất cả mọi điều trên thế giới này – đều có mặt trái của nó! Tài nghệ và vinh quang của người kế thừa dòng họ ngày càng sa sút, nghèo nàn đi; những ngày thắng lợi huy hoàng của Xait trùng với dịp bị hoàn toàn phá sản.
Tòa biệt thự của dòng họ - biểu tượng của vinh quang quá khứ - bị hóa giá. Còn bản thân Xait, khi đã lên đến đỉnh cao của bóng đá, anh bỗng hiểu rằng, đó chỉ là những điều hư danh giả tạo. Sau trận đấu quyết định, khi Xait, mặc dù bị thương, đã mang lại danh hiệu vô địch cho câu lạc bộ của anh, đám đông những người hâm mộ cuồng nhiệt đã công kênh anh lên tay. Những kẻ cuồng tín đã giằng xé chiếc quần và manh áo thi đấu của anh thành từng mảnh để làm kỷ niệm, còn những ai không được một mảnh nào thì với tay giật chiếc băng đẫm máu trên đầu anh. Không khí vui nhộn rồi cũng hết! Chỉ còn lại Akhơmet bị thương nặng được Xait đưa đến bệnh viện. Còn “Ngôi sao bóng đá” Xait Ôphơxaiđơ thì lang thang đến tận sáng trên các đường phố không một bóng người và sẵn sàng thổ lộ nỗi lòng mình, với bất kỳ người nào anh gặp đầu tiên: “Ngài có biết không, - anh sẽ nói với người anh gặp – hình như tôi đã mắc phải sai lầm. Có lẽ tôi đã đi không đúng hướng… Cần phải làm lại từ đầu tất cả.
Tôi chỉ không biết bắt đầu từ đâu?... Nào? Biết chơi gì bây giờ…” Xait không biết anh sẽ chơi gì. Nhưng khi biết rõ, anh sẽ không chơi gì. Anh sẽ không chơi bóng đá nữa. Tại sao? – Các bạn sẽ hỏi. Là bởi vì rằng…
Nhưng thôi, đừng vội. Chúng ta hãy nghe theo các nhà kinh điển, họ nói rằng: “Nghệ thuật kể chuyện là phải làm sao dấu được thính giả tất cả những gì họ muốn biết cho đến khi người kể còn chưa trình bày hết được những quan điểm thầm kín của mình về tất cả các vấn đề không liên quan gì đến câu chuyện cả”(5).
Vậy trước hết, chúng ta hãy nói về loại văn hài hước, châm biếm này đã. Theo quan điểm của tôi, một cuốn sách hài hước – đó không chỉ là kết quả tưởng tượng của tác giả, mà là sự kết hợp (không phải bao giờ cũng giống như thật) những chi tiết lố bịch nhưng hoàn toàn có thật, lấy trực tiếp từ cái gọi là thực tế hiện thực. Vấn đề chỉ là ở chỗ, tác giả sẽ kết hợp chúng lại với nhau như thế nào. Chúng ta chỉ cần lấy cuốn tiểu thuyết “Vua bóng đá” của Azit Nexin cũng đủ để minh họa… Nhưng thôi, đầu tiên hãy trình bày những quan điểm thầm kín của tác giả đã. Còn sau đó tôi sẽ trả lời câu hỏi của các bạn: “Tại sao Xait không muốn chơi bóng đá nữa?”.
Tôi hy vọng các bạn cũng có cùng quan điểm với tôi là: tiền thân của bóng đá, hay nói đúng hơn (chúng ta sẽ giết hai con thỏ liền một lúc!) là của cả môn bóng đá lẫn môn bóng bầu dục – là một trò chơi cao thượng harpastum của những người lính La Mã, giải trí vào những thời gian nghỉ trong cuộc chinh phục thế giới. Họ đã tiến hành thi đấu ở cả nước Anh. Thật ra, chúng ta không còn giữ được biên bản trọng tài và các bản tường thuật về các trận thi đấu này. Nhưng dù sao đi nữa thì người Anh cũng đã kịp ham thích trò chơi mới này, và dần dần sự ham thích trở nên phổ biến ở khắp mọi nơi. Nhiều nhà vua Anh rất thích môn bóng đá, và ngay cả vua Henri VIII lấy vợ tới sáu lần, cũng như nữ hoàng Êlidabét I không có một đời chồng nào, đều đã từng nhắc tới môn thể thao cao thượng này trong các sắc lệnh của họ.
Hiện nay đã có tới 150 nước thành viên tham gia liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA), và trên thế giới này chẳng còn mấy ông vua nữa, nhưng trong số họ vẫn có những người hâm mộ bóng đá. Chẳng hạn như nhà vua Tây Ban Nha Hoan Caclôt cổ vũ cho đội câu lạc bộ “Atlêtikô” của thành phố Mađrit. Đúng là vua cũng có năm bảy loại vua. Có người thì say mê bóng đá, có người lại từ bỏ bóng đá. Đấy, ví dụ như Xait… Tôi nghĩ rằng ở đây bản chất của vấn đề là ở chỗ: đó là bóng đá gì và nó như thế nào?
Chúng ta hãy giở lại cuốn tiểu thuyết của Azit Nexin. Tôi mời các bạn đến tòa soạn của một tờ báo được kính trọng ở Xtămbun. Chúng ta đến thật đúng lúc: ngài thủ tướng cũng vừa mới đến đây. Các bạn có thấy không, ngài đang bắt tay nhà bình luận viên thể thao Êrôn Ackan và nói bằng một giọng thật là trang trọng: “Tôi xin chúc mừng ngài, ngài là một nhà phóng viên vĩ đại, ngài đã giúp đỡ một cách vô giá cho đất nước và chính phủ!”. Và xem kia – đấy! Ngài thủ tướng ôm và hôn Êrôn Ackan… Các bạn không hiểu gì cả phải không? Không sao, chúng ta hãy chờ đợi them một chút, khi ngài thủ tướng nói riêng với người chủ tờ báo: “Đúng là thánh Ala đã giúp cho Ackan! Anh ta đã tung ra cho chúng ta anh chàng Akhơmet thật là kịp thời!”…
Chà, các bạn lại vẫn không hiểu. Nhưng thôi được, đến lúc này chúng ta sẽ bí mật đi đến tòa biệt thự của dòng họ Rưgixưn và nghe trộm vậy (thật là không tốt, nhưng biết làm thế nào được?!) xem chính anh chàng Ackan kể cho Xait nghe về sự ồn ào náo nhiệt xung quanh bài báo của anh ta: “Akhơmet cần phải chơi ở vị trí nào?!”. Các bạn đã nghe rõ chưa: vấn đề này được đưa từ trang cuối lên trang nhất của các báo đấy. Hàng đống thư từ được gửi đến tràn ngập tòa soạn. Ngay cả phái đẹp cũng tham gia vào cuộc tranh luận. Còn chính phủ đúng vào thời gian đó đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng thường kỳ. Và cuộc tranh luận về Akhơmet đã đánh lạc hướng quần chúng khỏi những vấn đề “nhỏ nhặt” như nạn đói và nạn thất nghiệp. Thế nào, bây giờ tôi hy vọng là các bạn đã rõ tất cả rồi chứ?...
Lạy thánh Ala, bây giờ thì không cần phải giải thích tại sao trước trận đấu quyết định giữa đội B.L với đội L.B.T (“Luôn bị thiếu thốn”) – đối thủ muôn thuở của đội B.L – cả nước lại ồn ào náo động đến thế, còn ngài bộ trưởng bộ thể thao thì tuyên bố với các phóng viên rằng: “ông hết sức hài lòng vì nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đã quên mình như vậy cho sự nghiệp thể thao”.
Kết thúc cuộc họp báo ngài còn nhắc lại rằng, chỉ trong một cơ thể khỏe mới có được một tinh thần khỏe và thông báo về việc sắp xây dựng thêm hai sân vận động một trăm ngàn chỗ ngồi nữa ở thủ đô Xtămbun. Những người nhiệt tâm thật không thiếu. Ngay lập tức các phóng viên hoạt bát liền yêu cầu xây dựng không phải hai, mà là hai mươi sân vận động một trăm ngàn chỗ ngồi. Như thế vẫn ít, họ còn đề xuất một đề án vĩ đại là “sân vận động hóa” thủ đô Xtămbun: cần phải xây quanh thành phố một vành đai khán đài, đủ chỗ chưa không chỉ toàn dân của thành phố, mà khi cần thiết còn đủ chỗ cho toàn thể nhân dân cả nước. Chỉ bằng cách đó là có thể thỏa mãn được ngay lập tức nhu cầu quan trọng nhất của nhân dân trong việc xem bóng đá.
Thật là nhảm nhí! – Chắc các bạn sẽ nói vậy. Xin đừng vội, vấn đề “sân vận động hóa” tồn tại thật đấy các bạn ạ. Đúng là không phải ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà là ở Braxin. Các bạn hãy tự xét xem: chỉ trong ba năm ở nước này đã xây dựng ba mươi sân vận động lớn, đủ chỗ cho bốn triệu rưỡi người xem (trong đó có sân vận động lớn nhất thế giới: “Marakana” với hai trăm ngàn chỗ ngồi). Braxin là nước có 100 triệu người, nhưng chỉ có sáu phần nghìn số dân – tức là 600 nghìn người – chơi thể thao. Như vậy, cứ 150 vận động viên là có một sân vận động. Nhưng đó chỉ là thuần túy về mặt số học. Cần phải nói thêm rằng, đại đa số sân vận động chỉ dành riêng cho bóng đá. Ở Braxin, cũng như ở một số nước có sự sùng bái bóng đá, các sân vận động đã trở thành các thánh đường. Tuy vậy, ở đó mọi người không chỉ sùng bái bóng đá mà sung bái cả bạo lực, thú tính và đồng tiền. Vì thế, sau ba năm, những công ty xây dựng các sân vận động đã thu được vừa tròn ba tỷ Krudâyrô lợi nhuận. Bóng đá trở thành một lĩnh vực kinh doanh làm giàu, không chỉ cho các công ty tư nhân, mà con cho cả chính phủ nữa. Việc mở Xổ số bóng đá “Lôtêka” ở Braxin trong năm năm đã mang lại cho chính phủ gần chín tỷ Krudâyrô lợi tức. Mỗi một người hâm mộ bóng đá trong một năm đã mang lại cho Xổ số “Lôtêka” bốn nghìn phần tăm lợi tức. Tốt đấy chứ, phải không các bạn? Còn số tiền chi cho nhu cầu của bản thân bóng đá chỉ có một phần trăm lợi tức mà nó mang lại. Vậy thì xin hỏi rằng, số tiền còn lại đi đâu?...
Nhưng bóng đá còn là quảng cáo nữa. Như mọi người đều biết, quảng cáo là động lực của sự buôn bán. Không phải ngẫu nhiên mà công ty điện tử “Philip” nổi tiếng của Hà Lan lại có câu lạc bộ bóng đá “Êinđơkhôven” hay hai an hem Angiêli triệu phú người Ý lại “đỡ đầu” cho đội bóng “Iuventut”. Tháng Giêng 1977 FIFA đã ký một bản hợp đồng cho phép được tổ chức quảng cáo ở cuộc thi chung kết giải vô địch thế giới Achentina (năm 1978) và các công ty quảng cáo đã bỏ ra hai triệu đôla vào hợp đồng này. Chắc chắn là họ sẽ thu được nhiều lợi nhuận! Cùng ngày hôm đó đã ký cả hợp đồng các trận đấu chung kết của giải vô địch. Để được phép làm việc này, các hãng truyền hình đã phải trả mười triệu đôla.
Chắc các bạn sẽ trách tôi là đã lôi các bạn đi khỏi Thổ Nhĩ Kỳ; khỏi nơi mà Azit Nexin đang viết? Nhưng một tác phẩm châm biếm và hài hước thực sự là vạn năng kia mà. Giá trị tài năng của Azit Nexin chính là ở đó. Ông đã nhận xét thấy và mô tả lên được những hoàn cảnh và tính cách thật điển hình. Và nếu nhớ lại, cuốn tiểu thuyết được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1957, mới thấy ông đã biểu lộ một tài năng tiên đoán thật là xuất chúng. Chúng ta hãy giở lại cuốn sách “Vua bóng đá” một lần nữa: phần “trận đấu thế kỷ”. Các bạn có nghe thấy không, người ta đang tuyên bố trên đài phát thanh rằng: “họ sẽ sử dụng những biện pháp cứng rắn và cương quyết nhất để chống lại nạn đầu cơ vé”… Nhưng cái gì thế nhỉ? Vé còn chưa có ở quầy bán, mà bọn phe phẩy đã bán chúng ở khắp nơi với giá không rẻ hơn hai trăm lia. Người ta nói rằng, cảnh sát buộc phải giữ lại toàn bộ số vé trận B.L – L.B.T vừa in xong tại xưởng ấn loát… Đó là trong truyện, còn bây giờ - sau chín năm và mười bảy năm kể từ khi cuốn sách của Azit Nexin ra đời – chúng ta biết rằng cảnh sát Anh và Tây Đức cũng buộc phải sử dụng những biện pháp tương tự với các trận chung kết giải bóng đá vô địch thế giới ở các nước này…
Cần chính thức thông qua FIFA để phổ biến chỉ một trang của cuốn tiểu thuyết thôi thành quy định cho các trọng tài. Bởi vì nếu ngài Bênêđetti - trọng tài trận đấu giữa đội bóng của thành phố Katangarô nước Ý và đội bóng "Palecmô" của đảo Xixin - biết được rằng, để khỏi thiệt mạng, người trọng tài cần phải nổi hiệu còi kết thúc năm phút trước khi hết giờ thi đấu. rồi hai lần chạy vòng quanh sân vận động và chui ra cửa phụ. thì ông đã không phài đứng giữa hàng rào cảnh sát, canh giữ suốt ba tiếng đổng hồ liền, vì cảnh sát phải dựng cả chướng ngại vật. dể chống lại những người hâm mộ đang nổi giận và thề giết chết trọng tài thay cho quả phạt đền mà ông không chịu quyết định. Sau khi đám đã bị xua đi bằng hơi cay chảy nước mắt, mới thấy rằng số người bị thương là 16:1 nghiên về những người hâm mộ. Và với mười sáu năm, kể từ khi “Vua bóng đá” ra đời, ngài Bênêđetti thừa đủ thời gian để học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và đọc cuốn tiểu thuyết bằng nguyên bản!
Hãy lấy ví dụ những cuộc ẩu đả trên sân bãi… Tác giả đã mô tả trận chung kết giữa hai đội B.L – L.B.T một cách cô đọng, súc tích và chính xác như một cuốn sách giáo khoa về lịch sử quân sự: “Cảnh sát chạy vào sân. Người ta khiên trên cáng một cầu thủ trẻ ra khỏi bãi. Thì ra, các cầu thủ đội B.L đã đánh ngã chính trung vệ của mình, không hiểu do lộn xộn hay vì quá hung hăng mà họ lại nhầm lẫn như vậy. Các nạn nhân mới lại ngã xuống trong cuộc ẩu đả quyết liệt và phải rời khỏi bãi mỗi lúc một nhiều: cuối cùng cả hai đội chỉ còn lại tất cả có mười bảy cầu thủ”. Cá bạn sẽ nói rằng, đó chẳng qua chỉ là sự phóng đại, một thủ phạm thích hợp và cần thiết của thể loại văn hài hước. Không phải thế đâu!
Tôi xin mời các bạn hãy đọc bài tổng kết về trận đấu giữa hai đội tuyển Inđônêxia và Thái Lan. Cả hai đội đã đấm đá nhau trên khắp sân bãi suốt mười phút liền, và có cả năm mươi cảnh sát cũng tham gia vào cuộc ẩu đả. Sau đó trận đấu được tiếp tục và kết thúc với tỉ số hòa 1:1. Điều đó vừa xảy ra vào năm 1976. Còn các quy tắc do “giáo sư bóng đá” Akhơmet Xtena dạy cho Xait tưởng chừng như hoàn toàn bịa đặt một trăm phần trăm. Quy tắc chính nhất là: “Nếu cầu thủ của đội bạn đang dẫn bóng chạy, và việc cướp bóng không thể nào thực hiện được, thì phải đá vào gót cầu thủ đó…”. Đúng là bịa đặt phải không? Nhưng thôi, chúng ta hãy nghe người cầu thủ Hà Lan nổi tiếng Iôhan Kruip nói đã: “Ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có các cầu thủ mà công việc và nhiệm vụ duy nhất của họ là săn đuổi các tiền đạo nổi tiếng”. Cần phải nói thêm rằng, kết luận này dựa trên “Kinh nghiệm xương máu” của chính bản thân Kruip.
Tôi xin hoàn toàn cam đoan với các bạn rằng, đến ngay cả “cái bóng” của đội B.L – người đứng đầu câu lạc bộ, Điunđa Bôntun, cùng với sự giả dối và đam mê tiền bạc của ông ta – cũng rất thực. Trong lịch sử bóng đá đã từng có nhiều thủ đoạn, mánh khóe sạch sẽ hơn những gì ông ta đã làm ở các cuộc họp của câu lạc bộ B.L. Các bạn đừng ngạc nhiên nếu như chúng làm các bạn nhớ đến những cuộc họp khác. Khi đọc cuốn tiểu thuyết này, tôi cũng có những ý nghĩ tương tự như vậy. Tất cả các bài diễn văn, những lá cờ, các bức điện mừng, các phái đối lập tự tạo ra và các mánh khóe thủ đoạn điều khiển cuộc họp kiểu này như đã từng gặp ở đâu đó…
Một tác phẩm hài hước bao giờ cũng bao hàm nhiều ý nghĩa và nhiều mặt như chính bản thân cuộc sống. Trong cuốn tiểu thuyết của Azit Nexin các mặt khác nhau của cuộc sống đã được cô đúc lại thành một khối bằng thể văn hài hước. Đọc “Vua bóng đá” chúng ta hiểu rằng, những diễn giả kiểu như ngài Bôntum có mặt không phải chỉ ở các câu lạc bộ bóng đá. Và không chỉ trong lĩnh vực thể thao mới có những phóng viên “khách quan” kiểu như Êrôn Akan, chuyên dựng nên các thần tượng cho đám đông quần chúng. Các thành viên của chính phủ bỏ tiền ra để “xã hội hóa” các sân vận động lớn. Và không chỉ trong một dòng họ Bugixưn mới có những kẻ ngồi viết hồi ký một cách bịa đặt…
Vậy thì phải chăng anh bạn hâm mộ bóng đá trên sân vận động Ôđetxa đã nói đúng? Không, dù sao đi nữa thì cuốn sách của Azit Nexin vẫn là một cuốn sách về bóng đá. Chỉ có cái, đối với ông bóng đá đã trở thành thầu kính, cho phép nhìn rõ những điều xấu xa của xã hội. Và hoàn toàn công bằng, khi chính tuần báo “Bóng đá – Khúc côn cầu”(6) đã đưa tin sớm hơn tất cả về việc xuất bản cuốn “Vua bóng đá” bằng tiếng Nga lần đầu tiên vào mùa hè năm 1973.
Cũng không nên quên chi tiết sau đây: Azit Nexin là người phương nam và viết về những người phương nam, về tính khí cuồng nhiệt của người phương nam và về bóng đá phương nam (tôi xin nhấn mạnh hai từ “Phương nam”). Còn ở nơi nào đó, những người phương bắc với dòng máu “lạnh” trong mình đã trở nên thờ ơ với bóng đá, ở đó phải khẩn khoản mời những người đàn ông (tôi xin nhấn mạnh hai từ “đàn ông”) đến sân vận động sau khi hứa sẽ đưa cả cho vợ hoặc bạn gái của họ những tấm vé không mất tiền. Ở phương nam thì điều này là không tưởng tượng nổi! Ở đó ánh nắng mặt trời sôi sục trong mạch máu của con người, và những người đàn ông chân chính tấn công vào các bức tường sân vận động, như ngày xưa cha ông họ đã dũng cảm tấn công thành lũy của pháo đài. Sự sùng bái bóng đá là một sức mạnh thần bí, giống như sự tôn thờ các vị thần thánh cổ xưa. Và cũng như ngày xưa con người tôn thờ các vị thần thánh của mình hơn tất cả, ngày nay mười một con người “bất tử” đi ra vũ đài xanh rộng lớn được sùng bái và ca ngợi hơn tất cả, mặc dù không phải khi nào họ cũng rời khỏi vũ đài là người chiến thắng. Ở phương nam, ở vương quốc của mặt trời nóng bỏng, vinh quang và danh dự của các thành phố, và thậm chí cả uy tín của các quốc gia, gắn liền với bóng đá. Chính ở vùng đó, không xa xích đạo bao nhiêu, hai chính phủ của hai đất nước đáng kính (tôi muốn nói đến Xanvađo và Ônđurat) đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và bắt đầu một cuộc chiến tranh chỉ vì thắng bại trong bóng đá. Thậm chí cả không quân cũng được đưa vào tham chiến, mặc dù là không lâu…
Azit Nexin đã viết một cuốn sách tiểu thuyết hài hước – châm biếm thật sự. Và một tác phẩm hài hước sắc sảo – quy luật của nghệ thuật là như vậy – bao giờ cũng chĩa mũi nhọn chống lại những thói xấu của con người, chống lại những điều xấu xa của xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà ông so sánh công việc của nhà phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính khỏi tâm hồn con người. Và khi ông viết về bóng đá – về bản thân môn thể thao này và về chức năng xã hội của nó – ông coi ngòi bút của mình là con dao mổ sắc nhọn và cố gắng cắt bỏ vứt đi những khối u thối rữa kinh tởm, làm tàn tật tâm hồn những ai chơi và hâm mộ thể thao ở phần thế giới, nơi tất cả phải tôn thờ bạo lực, lừa dối và lợi nhuận! Và trông vẻ bề ngoài ngược đời của nó, câu nói của Azit Nexin “Tôi giúp đỡ bóng đá” chứa đựng một ý nghĩa nghiêm túc và to lớn.
Bóng đá chân chính là môn thể thao dũng cảm và đẹp mắt, hấp dẫn lôi cuốn và đầy rung động, nó chứng tỏ - ở mức độ cao nhất – khả năng tinh thần, thể chất và trí tuệ của con người (đến hôm nay không còn ai tranh cãi về điều này nữa). Chính vì thế Bóng Đá – Viết bằng chữ hoa – đã lôi cuốn trái tim và khối óc của hàng triệu con người. Nhưng nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết của Azit Nexin thấy ghê tởm những mặt xấu xa của nền thể thao gắn liền với lừa dối và hạ thấp phẩm giá con người, một nền thể thao bị những kẻ giàu có lũng đoạn, đi ngược lại với khát vọng của đông đảo quần chúng. Anh muốn có một công việc chân chính. Và vì thế, vua bóng đá, vừa mới ngồi vào ngai vàng, đã từ giã nó để chọn một lĩnh vực khác. Biết làm sao được, chúng ta chỉ còn biết reo lên, như ngày xưa mọi người vẫn làm như vậy:
“Vua đã thoái vị! Vua muôn năm!...
MARIAN TƠKATRIÔP
(1) Ôđétxa là một thành phố nằm trên bờ biền Hắc Hải của Liên Xô (N.D)
(2) Imiarếc là hậu vệ cùa đội “Người Biển Đen” – một đội bóng ngoại hạng ở Liên Xô (N.D)
(3) Một cách nói tương đương với nghĩa “bị cắm sừng”
(4) Ơphơxaiđơ có nghĩa là phạt tiền, chính vì thế ở đây ta dùng cách nói trên.
(5) O.Henri. Tuyển tập, tập I, Mátxcơva, Nhà xuất bản Văn học quốc gia, 1954, tr58,59.
(6) Tuần báo về bóng đá và khúc côn cầu ở Liên Xô
Vua Bóng Đá Vua Bóng Đá - Azít Nesin Vua Bóng Đá