Út Teng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 1: Tìm Kiếm
hực ra tên nó là Ròng, út Ròng! Nhưng người ta cứ hay gọi nó là Teng, út Teng! Lớn lên một chút bắt đầu nhận biết được điều này, nó tò mò hỏi má. Má nó hơi ngớ ra, ngúc ngoắc cái đầu một chút rồi cười à: "Ôi! Thằng nhỏ không hỏi thì tôi cũng quên phứt rồi! Ròng, con ạ! Đúng ra ba đặt tên con là Ròng. Má sanh ra con ở trên ghe, vào một buổi nước ròng tới đáy, ba con phải lội bộ đẩy má đi cả nửa ngày trời mới tới cái chòi có bà đỡ nhưng không kịp... Con ra đời giữa con nước ròng, vậy đó". "Thế sao tụi bọn nó cứ kêu con tên Teng?". Nó định hỏi nữa nhưng thấy má nó có vẻ tất bật định đi đâu, nên thôi. Vả lại, nó nghĩ, Ròng có cái cớ kêu Ròng, chắc Teng cũng có cái cớ kêu Teng, phải tự hiểu lấy thôi. Hôm sau ra sông gặp thằng Đảm, bạn chí cốt của nó, nó tuyên bố đầy vẻ trịnh trọng: "Mầy biết tại sao tao tên Teng không mầy? Tại vì tao hay toòng teng đeo chiếc giỏ xách ra sông kiếm cá hoài đó mầy. Cũng như, mầy tên Đảm, chắc là hồi má mầy sanh mầy, bả...". Nói tới đây, nó tịt vì chưa kịp nghĩ ra được cái lý do gì mà bạn nó tên Đảm cả. Hai đứa nhe răng cười, thằng Teng cười to nhất. Vậy là nó vẫn chưa thành người lớn. Người lớn gì mà có thế cũng không biết.
Rồi nó cũng quên chuyện đó ngay. Ròng hay Teng cũng đều dính dáng đến sông hết trọi. Gọi tên gì cũng được, kể cả tên Sông, tên Nước, tên Cá, tên Tôm... Ngon lành hết. Miễn là ngày ngày, má cứ cho nó ra sông với thằng Đảm là được rồi.
Cả hai đứa năm này đều chưa đầy mười ba tuổi. Nhưng có lẽ do chạy nhảy, bơi lội nhiều nên chân tay mau dài ra, rắn lăn lẳn và da dẻ thì hồi nào cũng cóc cáy. Hai đứa thuộc loại bơi lội giỏi nhất ấp. Con sông Sài Gòn to rộng là thế, lắm sóng là thế mà ngày nào hai đứa cũng lội qua lội lại như không. Thằng Teng da xanh trắng, có vẻ hoạt hơn một tí, bơi lặn, nói năng cũng khá hơn bạn, nhưng thằng Đảm lại nhiều mẹo mực bắt tôm, bắt cá hơn và da thì đen bóng. Ba thằng Đảm là dân sông nước, cả đời lênh đêng với đăng, với vó mà. Còn ba của thằng Teng... Lâu lắm nó không nhìn thấy mặt ba nó. Phải đến mấy năm rồi ấy! Tất nhiên là nó hỏi, cũng như tính nó thường hay hỏi làm nhiều khi má nổi đoá lên, nhưng riêng hỏi về ba thì má lại nhỏ giọng đi, ánh mắt nhìn nó dịu dàng hơn: "Ba con đi rồi! Đi xa lắm!... Ráng ngoan, lớn lên chút nữa, con sẽ gặp ba". Bà Năm ở kế bên lại có lần bô bô nói giữa chỗ đông người: "Thằng cha mầy đi lấy vợ nhỏ rồi, nhắc tới làm gì cho mất công!" Lúc khác, vắng vẻ, bả gọi nó vào cho cái kẹo mè xửng: "Đừng nhắc nhiều đến ba nữa nghe con... Đừng nhắc nhiều má con nó buồn". Không hiểu phải quấy ra sao, từ đó thằng Teng không nhắc đến ba nữa, song từ ký ức nó vẫn nghĩ đẹp về ba nó. Nó chỉ nhớ láng máng ba nó người cao nhưng ốm, tóc cắt ngắn, bàn tay to toàn mùi thuốc rê hay vỗ vỗ vào má nó và tiếng nói khàn khàn ấm ấm. Hồi ấy, mỗi đêm ba về, nó đều bị dựng dậy và hai cánh tay to tướng của ba cứ ôm riết nó vào lòng tới muốn nghẹn thở luôn. Từ người ba, nó thấy mùi thơm thơm nồng nồng của sông nước. Ba chắc từ sông về? Nó chấc mẩm thế và càng nép chặt vào bộ ngực có cái mùi quen thuộc đó hơn. Những đêm như thế, ba nói chuyện với má rất lâu, lâu lắm, tiếng ba rì rầm thoảng nhẹ như tiếng gió thổi vào vườn chuối ở sau nhà. Gần sáng ba đi, mắt má mọng nước nhìn ba nhưng ba lại nhìn nó. Gặp mắt ba mênh mang như mặt sông mùa nước. Khiến nó rộn rạo cả người. Nó thương ba nó lắm! Má cũng thương ba lắm! Thế tại sao ba nó lại bỏ má con nó đi với bà nhỏ? Bỏ đi lâu năm rồi! Lâu đến nỗi nó không còn nhớ mặt ba ra sao nữa. Nó không tin ba nó là người như thế. Bà Năm ác với má, bà Năm đặt điều ra thế thôi. Không đừng được nó lại mang điềunày hỏi má. Má tái mặt đi, giọng nói tắc tắc như đang nhai cục cơm to: "Bà Năm nói... Nói đúng đó con! Ba con đi lấy vợ nhỏ rồi! Lấy xa lắm. Thôi! Con ở với má cũng được. Má thương con, thương con nhiều..." Nếu thế thì nó tin. Má đẻ ra nó nói cơ mà. Nhưng bằng nhạy cảm của tuổi nhỏ, của đứa con quen hơi ben tiếng người cha, lắm khi nó cứ ngờ ngợ. Nếu thế thì má phải ghét ba, phải la ba như cô Bẩy ở đầu ấp chớ. Cô Bẩy ấy à? Mỗi lấn nhắc đến chú Bẩy bỏ cô đi Sài Gòn với gái là mắt cô lại long lên, tiếng nói át cả tiếng ca - nông nổ trên chi khu. Còn má, nhắc đến ba, cặp mắt má trông khác lắm, giống cái lúc gần sáng hồi nào ba từ giã má con nó ra sông. Ra sông, nó chắc thế. Nó cho rằng: tất cả những người tốt bụng, những người nó quý yêu đều sinh ra từ sông, và nếu có đi đâu thì cũng chỉ về sông thôi. Sông đối với nó là cả một thế giới bí hiểm, là những chuyện cỏ tích hấp dẫn tới mụ người mà hồi bà nội còn sống nội thường kể cho nó nghe. Nhưng... lòng nó chợt thắt lại: nếu ba không thương má, ba bỏ đi như chú Bẩy thì ba cũng phải thương nó chớ! Nó có tội gì đâu. Nó chỉ biết thương ba, đêm đêm mong ba gõ cửa lách vào nhà và mang theo cả gió lạnh, cả cái vị thơm thơm nông nồng của dòng sông thân thộc. Nó có ghét ba đâu! Có lỗi gì với ba đâu! Nghĩ thế, tủi thân,nó lại rơm rớm nước mắt. Sáng dạy, thấy đuôi mắt con đọng nước, má vội siết nó vào lòng và lập rập nói cái gì không rõ, chỉ thấy hơi thở nóng hổi phả vào gáy nó.
Sáng nay thằng Đảm nhử Teng ra sông bắt cu đinh (một loài ba ba ở sông). Teng thích chí lắm. Gì chứ bắt cu đinh là Teng chịu liền. Mùa này cu đinh rời mí nước bò lên kiếm mồi lổm ngổm đầy ruộng lậu, tha hồ mà rượt. Một chú cu đinh cỡ vừa, mang ra chợ bán cho tiệm ăn ông ba tàu Sáng Lố cũng được vài trăm mang về cho má. Một buổi bắt cật lực cũng phải được ít nhất ba con. Ba con là gần một ngàn bạc. Thế là má vui rồi, sớm sớm má đỡ tất bật lo gạo mắm cho hai bữa cơm trong ngày nữa. Teng thương má lắm! Từ ngày không dòm thấy ba, Teng dồn hết tình thương cho má. Má lắc đầu: "Con thương má thì con ráng đi học tiếp, đừng để cái dốt nó làm hèn người đi. Ba ngày trước..." Nhưng Teng thích ra sông hơn đi học. Học cũng thú nhưng ngày nào cũng phải đi qua thấy mấy cái đồn trong chi khu, nhìn thấy tụi lính ăn nhậu, chửi tục, hù doạ trẻ con, trêu chọc các thím,các chị qua lại, là Teng không ưng rồi. Vả lại trong lớp sao lắm con nhà phách lối thế. Học thì dốt mà mặt cứ vênh lên. Ông già tụi nó người thì có tiệm ăn, tiệm vàng ngoài chợ, người thì đứng chân trong hội đồng, trong ban đại diện, trong quận cảnh sát... Tóm lại toàn một thứ con nhà khó xài cả. Tính Teng lành, xởi lởi với bạn bè, nhưng thằng con nhà nào bỉ mặt khinh Teng là Teng muốn ục liền. Tháng trước Teng đã thoi sưng mặt thằng con trai nhà trưởng ấp ví nó dám sấc láo gọi thằng Đảm là con nhà mất giống. Lão hiệu trưởng bắt Teng đứng dang nắng một ngày. Uất quá! Hôm sau Teng đốt sách, bỏ học ở nhà. Thấy Teng nghỉ, thằng Đảm cũng thôi học luôn. Ngày đầu má khóc, má lại nhắc đến ba. Ngày sau, ngày sau nữa thấy Teng không chuyển, má làm mặt giận. Teng lầm lì không nói thêm câu gì nữa, cứ lủi thủi ra sông tối mịt mới về. Dần dà má hiểu tâm trạng của Teng lại càng thương Teng hơn. Đáp lại lòng má, tối tối Teng kiếm sách đến nhà Đảm tự học thêm. Hai đứa hì hụi học với nhau đến khuya mới lọ mọ ra về. Thấy thế, má Teng bắt đầu cười: "cái tính thằng Teng kỳ quá bà Năn à! Y hệt cái tính... Nói là làm, mà làm cái gì cũng phải kỳ được. Sau này rồi khổ thế đấy". Nói "khổ đấy" mà mắt má lại sáng lên. Cấm nó nhắc tới ba mà động một chút má đều kêu tên ba! Người lớn sao kỳ quá! Tuy vậy về chuyện ba, nó láng máng cảm thấy có cái gì không bình thường, nhưng trẻ con không thích phân tich chi li, nó tạm chấp nhận cái đã.
Sông Sài Gòn sớm nay nước trải ra mênh mông, rặng dừa nước bên kia bờ, dòm chỉ thấy ngọn lả lơi, ngôi nhà của bác Tư đánh đăng, nửa chìm nửa nổi trong nước nhìn tức cười quá. Trước mặt Teng những trái chà là tròn trịa gai góc tựa trái sầu riêng bé bé đang nhảy tưng tưng trên sóng. Cạnh rặng chà là, kín đáo và mềm mại, mấy cụm rau móp uốn cong thân mình xuống sát mặt nước như đang tập múa. Nhìn những cọng rau móp non búng ấy, tự dưng Teng thấy ứa nước ở chân răng. Dưa móp má muối ăn thơm và giòn lắm, kho với cá cũng ngon, nấu canh chua lại càng khoái. Đi đâu về chỉ cần mấy lát móp muối chua chấm mắm nêm pha nửa thìa đường là Teng có thể ăn hết cả nồi cơm trong nháy mắt. Lát nữa, trước khi về phải chui vào ngắt một ôm rau móp mới được. Teng nghĩ thế và dợm chân bước lên ruộng lậu. Gọi là ruộng lậu vì cả cánh đồng mênh mông này toàn mọc một thứ cỏ năn trên sình lầy, nhìn mút tầm mất cũng không thấy một bóng người, bóng nhà nào cả. Đứng trước khu ruộng đìu hiu hoan vắng, sông rộng, trời cao, đồng đất vắng teo. Teng cứ thấy buồn buồn, thấy bơ vơ như người đi lạc. Thỉnh thoảng có một chiếc trực thăng ậm ạch bay qua càng làm cho khúc sông thêm ắng lặng. Đây là khúc sông, lính chi khu không dám lai vãng, và "Việt cộng" cũng không muốn ló mặt ra. Khúc sông chết! ông già Tư Đờn cò bảo thế, và ông khuyên hai đứa đừng lần mò tới mà tê bay đạn lạc lại cực thân. Nhưng hiềm một nỗi, chính vì khúc sông chết mà tôm cá, cu đinh lại nhiều. Có ai dám ra bắt đâu.
Thằng Đảm lội trước Teng một quãng xa, hai cái bắp chân láng sình của nó cứ vung lên nhoang nhoáng. Chắc nó đã phát hiện ra vết cu đinh trườn lên sình? Cái khoản này thì Teng chịu cứng. Một khi Đảm đã nhín thấy dấu cu đinh thì con vật đó có lủi tới đáy sình nó cũng tóm được. Thì kia! Thằng Đảm cúi lưng xuống một cáinư chớp nvà khi thẳng người lên, nó đã khoái chí quay tròn một con cu đinh trên đầu. Bốn chân ngắn chủn của con vật cứ đạp choi choi trong không khí làm bắn ra những giọt sình nâu quánh dưới nắng, trông đến ngộ. Teng cũng reo lên và chạy lọp bọp tới phía bạn.
Đúng lúc đó có tiếng bà Năm hò tên Teng ở dưới mí sông. Bả gọi gì cà? sao bữa nay bả dám ra tới tận đây? Thằng Teng trố mắt nhìn. Thấy nét mặt bà hớt hải, mái tóc bạc sổ tung, hai tay cố cạp be thuyền cho mũi chạm bờ, thằng Teng thấy làm lạ và ngập ngừng đi lại.
Vừa trông rõ mặt Teng, bà Năm đã nói, giọng phào đi:
- Teng! về, về con! Lính nó giết ba mày rồi. Ở ngoài chợ ấy. Lẹ lên! Tao phải về trước đây không má mày...
Bước chân Teng nhủn đi. Bãi sình dưới chân nó như dâng lên... Dâng lên...
o O o
Về tới nhà, Teng nhìn thấy má đang vật vã trên giường, tóc rối bời, mặt tái xanh và hai con mắt đỏ quầng lên. Bà Năm đang giữ rịt lấy má, tay bịt chặt lấy miệng má không cho má kêu. Teng chỉ nghe thấy những tiếng hức hức tắc nghẽn. Lát lát, má lại quằn người ra khỏi tay bà Năm định nhào ra cửa. Thấy Teng, bà nói vội, giọng hổn hển:
- Út! mày vào giúp ngoại một tay giữ má mày lại. Má mày mà điên đầu chạy ra chợ bây giờ là chết! chúng nó chỉ chờ có vậy thôi.
- Nhưng ba con đâu, ngoại? Tại sao lính lại giết ba con? - Teng vừa ôm ghì lấy lưng má vừa mếu máo hỏi.
- Khẽ! Khẽ chứ! Ra đóng chặt cửa lại. Đặt má con nằm xuống. Rồi chưa? Đêm hồi línhnó phục giết được ba con nhưng không biết người bị giết là ai cả. Nó đang chờ thân nhân ra nhận mặt. Ba con là... Nhưng thôi, để sau này má con kể.
- Nhưng ngoại nói ba con đi lấy bà nhỏ, sao lại bị lính giết ở đây?
- Thôi! Đừng hỏi nữa. Dần dà con sẽ biết. Ba con đi làm việc nước, việc dân, không có việc nhỏ việc lớn chi đâu. Ngoại dặn này: ở nhà với má, cấm được chạy ra chợ. Va không được tỏ cho ai biết đấy là ba con nghe chưa?
- Ba con đang nằm ngoài chợ hở ngoại?
Bà Năm không trả lời, chỉ có tiếng nấc đau đớn của má bật lên.
- Con... Teng! - Má Teng quờ quạng bấu chặt lấy tay Teng. Ba con đang nằm ngoài chợ... Con đừng hỏi nữa, con ở nhà với má. Con đừng đi đâu cả nghe... Con! Bây giờ má chỉ có mỗi mình con.
Má Teng lại lả người đi, hai hàm răng cắn chặt vào môi đến rớm máu. Cho tới lúc này Teng mới khóc. Teng khóc lặng lẽ, mặc cho nước mắt lã chã rơi ra. Không được khóc to! không được mếu máo. Trong nhà bây giờ chỉ có độc Teng là đàn ông, Teng phải tỏ ra cứng cáp. Teng nghĩ thế và càng cố kìm lại. Trong lúc thảng thốt, Teng loáng thoáng hiểu đằng sau cái chết của ba có một cái gì không bình thường, có cái gì đang đe doạ cuộc sống của má con Teng. Teng cắn răng lại... Mắt Teng nhoà đi không trông thấy thằng Đảm đang ngồi bên nó tự lúc nào và cũng đang sụt sịt.
Đến xế chiều, nhân lúc má mệt quá thỉu đi và lại có bà Năm đang nấu giùm nồi cơm, Teng quyết định ra chợ. Thằng Đảm cũng lặng lẽ đi theo. Biết tính bạn nóng nảy và hay làm liều, Đảm không thể rời bạn lúc này. Tính Đảm lặng lẽ, trầm ngâm và hay chiều bạn. Xưa nay trong mọi chuyện, Đảm thường hay nhường nhịn Teng. Teng hiếu thắng, Đảm chịu nhận phần thua. Teng bộp chộp, Đảm lại nhu mì. Teng hoạt bát, Đảm lại tỏ ra chín chắn. Teng thường bênh vực bạn hết lòng ở chỗ đông người khi có kẻ nạt nộ. Đảm lại hay tâm tình thủ thỉ với Teng lúc chỉ có hai đứa. Đảm hiền và chu đáo như con gái, như một người chị của Teng. Teng ồn ào và năng nổ khiến Đảm đi đâu cũng thấy vững tâm. Đôi bạn trái tính trái nết nhưng lại chơi với nhau thân thiết như anh em ruột thịt. Hai nhà cũng coi hai đứa như chính con cái của mình. Lúc này, trước cảnh ngộ của gia đình Teng, chỉ có một mình Đảm biết và chia sẻ nỗi đau âm thầm ấy. Tính ít nói, nó không biết khuyên nhủ hay an ủi bạn một câu gì, chỉ im lìm quan sát bạn và sẵn sàng làm mọi thứ để bạn được vui, được quên đi chốc lát những giọt nước mắt tuôn hoài không thôi trên má. "Không được để Teng lủi thủi một mình lúc này!" Đảm nghĩ thế.
Chợ nằm trên trục lộ. Xuôi bên phải là về Sài Gòn, ngược lên trái là đi Bến Cát. Đoạn đường này suốt ngày nghìn nghịt những người, xe cộ qua lại. Xe bò lọc cọc ra bưng, xe lam, xe đò phun khói vè vè, xe nhà binh xám xì lồng lên bạt mạng..." Đây là một đoạn đường an toàn trên trục lộ 13 đẫm máu và nước mắt!" Chúng nó nói với dân như thế. và chúng nó nghênh ngang qua lại, miệng ngậm thuốc, mắt láoliêng trong cái thế coi trời bằng vung. "Việt cộng à. Việt cộng hết trơn hết trọi rồi! Sau Mậu Thân,còn thằng cha Việt cộng nào sống sót nổi nữa. Bà con cứ vững bụng đi!". Đấy là câu cửa miệng của thằng trưởng ấp. Lúc này cái nón phớt, cái áo bà ba màu mỡ gà và cái quần tây đen của hắn cũng đang thoáng qua, thoáng lại ở nơi ngã ba đường. Chỗ ấy, dù mặt trời đã sắp lặn bên kia sông, nhưng vẫn còn đông người đứng quây vòng trong, vòng ngoài. Một vài chiếc xe đang phóng với tốc độ nhanh thấy vậy cũng dừng lại ngó nghiêng. Giao thông trên đường bị tắc nghẽn. Bọn lính bảo an, dân về vác súng Mỹ đi qua đi lại trông vừa dữ tợn, vừa nhởn nhơ. Đó đây có những tốp lính chủ lực đeo khăn quàng đỏ đang đập phá trong các quán tiệm hai bên đường. Nhốn nháo, nống nực, bụi mù.
Chỗ ấy vòng người vẫn xúm đen xúm đỏ.
Bước chân Teng hụt hẫng. Tim Teng thắt lại, đau nhói. Em biết chỗ ấy người ta đang bâu kín quanh cái gì rồi. Mặt em xanh nhợt đi. Teng biết ba Teng đang nằm giữa vòng người ấy. Cái chân Teng muốn quuýnh lên, lại muốn trì lại. Thoạt đầu Teng tính chọn một cây cao gần đường trèo lên để được nhìn thấy mặt ba, để bọn lính không nhìn thấy nhưng ra đến nơi thấy thiên hạ nhốn nháo thế này, Teng không đừng được, muốn len thẳng vào vòng người để nhìn mặt ba cho rõ. Nhìn lần cuối cùng... Và như có tiềm thức xô đẩy, Teng cứ chen vào như mơ ngủ. Mùi mồ hôi, mùi khét lẹt của thuốc lá lính càng khiến cái đầu nóng phừng phừng của Teng ngây ngây. Teng len vào. Len vào nữa! Người ta đẩy Teng ra, huých Teng lại, Em cứ len vào. Mặt mũi đỏ gay, mắt bạc đi và chợt Teng đứng sững... Trước mắt Teng là một người đàn ông đang duỗi chân, duỗi tay trên nền đường như ngủ. Nước da trắng bệnh, miệng mím chặt, một bên mép trĩu xuống trong cái vẻ đau đớn, trên đỉnh đầu có mảng tóc dính bết máu... Mắt em hoa lên. Ba! Ba ơi! Có phải ba thiệt đấy không? Sao ba lại nằm thế? Ba dạy đi! Người ta đang nhìn chằm chằm vào ba kia kìa! Trong giây phút ấy, mắt Teng mở to cố không tin rằng đấy là ba em. Nhưng ba Teng thật rồi: tóc cắt cao, khuôn mặt xương xương, bàn tay có những ngón vàng khói thuốc rê... Ba! Một chút nữa Teng kêu thét lên như thế và chạy xổ lại ôm chầm lấy ba nếu thằng Đảm không kịp thời giữ nghiến lại. Ôi! Mấy ngón tay thằng Đảm xiết vào vai đau quá! Cái xiết tay đó khiến Teng chợt nhớ lại hoàn cảnh của mẹ con mình. "Chúng nó chỉ chờ thân nhân ra nhận mặt..." thằng Teng đứng trụ lại được nhưng hai đầu gối nó run bắn lên. Không có thằng Đảm đeo cứng phía sau thì Teng đã khuỵu xuống rồi. Đứng lút trong dòng người. Teng khóc âm thầm. Nước mắt đặc quánh không rơi được xuống má nữa.
Nhưng thằng Đảm không cho Teng đứng lâu, gần như thô bạo, Đảm kéo xềnh xệch Teng ra ngoài. Teng không muốn ra, em muốn đứng đây đến đêm, đến sáng mai và đến nhiều ngày nữa, kỳ cho tới khi nào ba Teng tỉnh lại, mở mắt ra, cười với Teng và bằng bàn tay to tướng ôm siết nó vào bộ ngực hơi khói thuốc rể mới thôi. Ý định vậy mà bàn tay thằng Đảm bữa nay kéo chặt cứng, không cho chân Teng bám đất nữa. Như bị áp bức, nó vung tay tát mạnh vào mặt thằng Đảm một cái. Thằng Đảm choáng người, bàn tay bấu vai nó lỏng ra nhưng chỉ thoáng chốc, Teng lại bị kéo sền sệt rồi. Vòng người nhanh chóng lấp kín khoảng trống của hai đứa nhỏ vừa rời đi. Ra đến vòng ngoài, trong ánh chiều đỏ bầm như máu, Teng mới chợt thấy một bên mũi bạn có dấu máu và hai tròng mắt rân rấn nước. Teng nói lào thào:
- Đảm!... Mày bỏ qua cho tao... Tao không muốn thế...
Đảm cười méo xẹo, lắc đầu. Khuôn mặt và tình cảm của Đảm phần nào giúp cho Teng trở lại trạng thái tỉnh táo. Nó ngoan ngoãn đi theo bạn như trong cơn mê. Những tiếng nói đàn ông, đàn bà; những tiếng nói thanh, trầm loáng thoáng lọt vào đôi tai mụ mị của Teng.
- Mấy ông chánh quyền làm ăn bất nhân! Bắt giết được người ta rổi thì thôi, cớ chi mà phơi nắng phơi mưa hoài vậy. Chà! Cũng là một con người! Lấy người chết răn đe người sống, kiểu này xem ra không đặng.
- Không rõ ông này người ở đâu mà gan quá trời vậy! Lính đen đường đen ấp mà lọt vô làm chi cho khổ kia chớ!
- Nghe nói khi đêm họ vô đông lắm. Đụng nhau một trận ra trò. Dường như bên này bỏ xác cả chục mạng, bên kia mới chỉ để lại một mạng. Ôi dào! Chiến tranh liên miên tới bao giờ mới thôi đây? Chỉ cực vợ con, gia đình! Mà dòm vóc dáng cái người này cũng trẻ.
- Vậy mà mấy ông quốc gia kêu khu này bình định tuyệt đối rồi. Tuyệt đối đấy. Thôi, từ nay nhà nào nhà nấy đắp thêm bao cát vào ngủ cho ngon.
Có người tỏ ra thông hiểu hơn, ghé tai nói nhỏ với người bên cạnh:
- Họ bẫy đó! Họ chờ xem ai ra nhận họ hàng thân thiết với người này là chụp liền, đưa vô khám khui ra nữa. Không hiểu liệu từ giớ tới sớm mai có ai ra nhận không? Chắc không phải người vùng này, nếu phải, gia đình họ chịu sao thấu mà không ló đầu ra. Gan! Phải nói Việt cộng có cái gan trời.
Và lướt qua con mắt cay nhức của mình, Teng cũng thấy được những khuôn mặt rắn đanh căm giận, những cái nhìn đau đớn của nhiều người, có cảm giác Teng chỉ thét lên một tiếng "Ba ơi!" là cả khối người kia sẽ rung chuyển, gào theo tiếng thét của Teng...
Teng nghe ong ong trong đầu. Tuy vậy đầu óc nó cũng có một khoảng tăm tối sáng bừng lên. Trời! Thế ra Ba là Việt cộng! Ba là Cộng sản, là người... Ba là... Thế sao bà Năm nói, má cũng nói... Thôi! Teng hiểu rồi! Má sợ Teng không giấu được, sợ bọn nó hay biết, gây rầy rà. Má ơi!...Đột nhiên Teng cồn cào nhớ tới má. Từ tình thương ba chuyển thành thương má để cuối cùng thương cả hai, thương đến muốn gào, muốn hét lên được.
Trước mặt hai đứa, lão trưởng ấp mặt bóng nhãy như thoa dầu đậu nành vẫn đi đi lại lại, mắt nhìn xăm xoi từng người. Đôi mục kỉnh trên mắt lão bắt nắng đỏ tía lên như hai mảng máu khô. Máu trên trán người chết, máu trên mũi thằng Đảm, máu loang loáng trong mắt lão ấp trưởng, máu loang đầu đường, máu ứa ra trên những áng mây chứa ráng chiều, máu... Máu! Teng nhìn đâu cũng thấy máu. Teng thấy say say, đầu óc lúc tê dại, lúc nóng bỏng. Càng ra xa vòng người, một câu hỏi mơ hồ càng ám lấy suy nghĩ của Teng. Ai? Ai là kẻ giết ba? Thằng nào, chính thằng nào? Mặt mũi nó ra sao? Ba ơi! Ba hãy nói cho con một câu. Bà con cô bác ơi! Hãy chỉ cho tôi biết đi! Tôi sẽ... Mặt Teng bỗng đanh lại, trông già hẳn đi. Mắt Teng long lên dữ tợn khiến thằng Đảm thấy cũng muốn ớn lạnh. Sợ có điều gì không lành xảy ra, Đảm càng cố sức kéo bạn ra xa vòng người hơn nữa. Sang tới bên kia mặt lộ, bỗng thằng Teng lại giở chứng không chịu đi. Nó cứ đứng nhìn trân trân trở lại, gò má rần rật như sắp lên cơn động kinh. Lần này thì thằng Đảm cũng buông tay bạn, nó đứng cúi đầu xuống không muốn cho bạn biết những giọt nước mắt của mình đang lặng lẽ rơi ra. Hai đứa sẽ còn đứng ở đó mãi nếu lúc ấy ông già Tư Đờn cò không đi tới. nhấp nháy cặp mắt mờ lòa, chuyển cây đàn qua tay mặt, ông lầm rầm nói như đang hát khẽ một câu vọng cổ:
- Hai đứa bay đứng đó làm chi? Về đi! - Thấy hai đứa vẫn không nhúc nhích, ông nhướng mắt lên, cao giọng. - Về! ông Tư bảo hai đứa về! Muốn chết hay sao mà đứng đây! - Rồi dừng lại một chút trước mặt Teng, giọng ông trùng xuống - Teng! Con nghe ông, con về lẹ đi! Má con đang chờ...
Ông già Đờn cò tàn tật sớm chiều chỉ ôm cây đàn ê a ở khắp chợ, hàng ngày có cậy răng cũng không hỏi han, chuyện trò với ai nửa lời, hình như còn muốn nói thêm điều gì nữa nhưng ông đột ngột dừng lại nuốt nước miếng. Giây phút ấy, Teng không còn cảm thấy cặp mắt ông mờ lòa mà nó sáng lên, sâu thẳm yêu thương và nhắn nhủ, giống như cặp mắt của ba trước khi sắp đi lại mở to nhìn nó. Cái nhìn của con người bất hạnh, tội nghiệp không ai để ý đến ấy đã có sức mạnh bắt đôi chân Teng chuyển động...
Một chiếc G.M.C chở đầy lính chủ lực, phanh két lại. Một thằng đeo lon sĩ quan, người đầy bụi bặm, râu ria đen cằm hỏi chõ xuống:
- Cái gì đó hai thằng nhỏ? Oánh nhau chết người à?
Hai đứa không nhìn lên, bước nhanh qua đầu xe. Người lính ngồi trong khoang lái thò cái miệng có chiếc răng vàng chóe ra khỏi cửa xe phun nước miếng cái phèo xuống đất, văng tục:
- Mẹ nó! Lại thịt được thằng vẹm (Việt cộng) nào rồi! Ba cái thằng địa phương cóc qué này mới làm được một chút công tích bằng cái mụn ghẻ mà đã la lối rùm beng. Điếc lỗ đít! Đi thôi trung úy! Về thị xã trước tối để còn nhậu nữa chứ! Mẹ nó!
Câu chửi ấy như hắt tất cả vào mặt lão trưởng ấp. Cái mặt lão sượng lại rồi đỏ lên từng đám. Hắn ngửa bộ mặt bóng mỡ có đôi mắt hùm hụp lên nhìn đám lính chủ lực rồi lại nhìn lảng đi. Có lẽ qua biết rằng giây với bọn kiêu binh vừa ôm đầu máu từ tiền đồn về là mất mạng như chơi nên hắn nín nhịn.
Chiếc G.M.C rồ máy rồi lao đi để lại một đám bụi quẩn vào hai cái bóng nhỏ bé, xiêu vẹo đang dắt tay nhau đi về phía lô cao-su. Lúc ấy trong ấp, những ngọn đèn dầu cũng đã bắt đầu cháy lắt lay trong mọi nhà như những đốm ma trơi. Ban đêm nơi đây cứ phảng phất cái mùi vị và hình dáng của một nghĩa trang vừa có vụ chôn cất lớn.
o O o
Một ngày trôi qua, không ai ra nhận thân nhân và đêm đến cũng không thấy có dấu hiệu có người bí mật lấy trộm xác, tên đại úy đồn trưởng đành để cho bà Năm dẫn theo gần mười người già trong ấp đến ngã ba xin xác chết đem chôn. "Thôi thì chuyện đánh đấm là của quốc gia, nhưng người ta chẳng may bị chết trên đất ấp này, gia đình quê quán ở xa không biết, bà con trong ấp có bổn phận chôn cất đàng hoàng để phúc để đức cho con cháu, cũng là cái tình cái nghĩa với người tử nạn. Còn người ta là bên kia hay bên này, bà con không hay biết. Dù bên nào thì cũng là chết rồi!" Bà Năm vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa từ tốn nói như thế. Mấy người lính lớn tuổi trong đồn cũng ngấm ngầm hùa theo. Chỉ riêng lão trưởng ấp là còn hậm hực. Theo ý lão thì hẵng cứ để cái xác đó đã, ba ngày, năm ngày, mười ngày cũng được. Có thối, có rữa ra chẳng sao. Thế nào cũng nhử bắt được thêm gia đình, bè đảng của nó. Bên ta mất mười, bên nó gục một. Tức quá! Nhưng tên đồn trưởng không nghe. Cái xác để càng lâu, chính hắn càng mất mặt. Mất mặt với bà con, với thượng cấp và với cả bọn chủ lực kênh kiệu hay qua lại trục đường này. Cứ mặc dân chôn quách lại khuất mắt, làm lại mẻ sau ngon lành hơn. Hắn có ý chê lão ấp trưởng chỉ biết một mà không biết hai, chỉ là cái mã "Gà què ăn quẻn cối xay".
Thế là ba của Út Teng được bà con trong ấp đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng trên một khu gò cao ráo, quanh năm nắng gió xôn xao. Đêm mai táng, má Teng đòi đi theo nhưng bà Năm vẫn nghiêm mặt lắc đầu. Bà nói: "Biết đâu chúng chả cho người mò theo, vả lại ngay người trong ấp, không phải ai mình cũng để hở ra được".
Mới có hai ngày hai đêm mà má của Teng đã già xọp hẳn đi. Cặp mắt trũng sâu, tóc ở thái dương đã có nhiều sợi bạc. Hai ngày hai đêm qua má không ăn một chút gì, không ngủ được một phút. Ba chết nằm ngoài kia, cách không đầy nửa cây số mà má phải cắn răng làm ngơ coi như cái chết của người dưng. Nỗi đau xé không tuôn thành nước mắt, không bật thành tiếng kêu la lại càng đau. Má như người phát điên. Suốt khoảng thời gian khủng khiếp ấy, Teng không rời má nửa bước. Teng cũng già hẳn đi. Mới có mấy ngày mà mặt cậu bé biến mất hẳn vẻ thơ ngây, láu lỉnh. Mặt cậu đanh lại, mắt nhìn đăm chiêu như người lớn. Mà cậu cũng phải thành người lớn thật rồi. Ba mất đi, cậu là người đàn ông duy nhất trong nhà này. Mọi việc cậu đều phải lo lắng, phải tính toán thay má. Má đang mê man, má còn biết gì nữa. Thỉnh thoảng mấy tên dân vệ, phòng vệ có rẽ vô nhà kiếm nước uống, Teng đều phải nói dối má đang bị đau nặng nên không tiếp được. Nửa đêm má lặng lẽ ngồi dậy định đốt nhang khấn ba nhưng Teng không cho má làm. Bọn nó như lũ chó rình mò suốt đêm, chỉ cần ngửi thấy mùi nhang là xộc vào liền. Cùng với má, Teng khấn ba trong lòng. Đôi lúc có việc phải ra ngoài, Teng cố làm ra vẻ tươi tỉnh bình thường để chúng nó khỏi nghi. Muốn khóc mà phải cười, đau mà không được kêu, buồn mà phải giấu, Teng thấy khổ quá. Nhưng biết má còn khổ hơn nên Teng vẫn cắn răng làm thinh. Mấy ngày đó cũng là mấy ngày Đảm thường lui tới nhà Teng gánh nước, quét dọn cửa nhà và đun nấu dùm nồi cơm, niêu cháo. Có Đảm, có bà Năm, căn nhà cũng bớt phần cô quạnh. Chỉ khi nào má mệt quá, thiếp đi, Teng mới lẻn ra đầu hồi khóc giấm giúi một mình. Thế là từ nay Teng không còn ba nữa! Mãi mãi không còn những đêm khuya ba trở về ngực áo nồng mùi tôm cá, không còn cánh tay rắn chắc của ba ôm cứng Teng vào lòng, không còn ánh mắt kiên nghị và yêu thương rọi sâu vào đầu óc thơ trẻ của Teng. Không còn... Không bao giờ còn nữa! Teng nấc lên!...
Cùng với trạng thái đau xé ấy, một ý định khác dần dần rõ nét và cháy nóng trong óc Teng. Sáng nay mấy thằng dân vệ đi phục kích ở mé sông về qua đây có để hở ra: chính thằng trưởng ấp sáng hôm rồi đã trực tiếp dẫn lính đi phục giết được ba của Teng. Nghe đâu, khẩu ru-lô của hắn đã nã vào ngực ba đến viên đạn cuối cùng. Hèn chi... Teng chợt nhớ đến cặp mắt ngó nghiêng của nó xăm xoi nhìn hết người này đến người khác giữa đám đông ở ngã ba. Nó đã giết ba, nó còn muốn giết luôn cả má và Teng nữa! bụng dạ nó độc địa đến thế ư? Suy nghĩ của Teng bám chặt, quấn quanh con người mặc cái áo bà ba màu mỡ gà ấy. Cặp kiếng loang loáng máu chập chờn hiện lên trước mắt Teng cả ngày lẫn đêm. Cái ám ảnh ấy lớn dần, nóng dần và đã hình thành cụ thể: trả thù! Phải trả thù. Trả thù cho ba! Trả thù cho những cơn vật vã của má, trả thù cho nguồn vui bị tước đoạt của Teng. Trả càng sớm càng tốt, không để cho con quỷ ấy nhởn nhơ đi lại giữa xóm ấp được nữa. Đầu Teng nóng ran. Mắt Teng cháy sáng. Những ngón tay gầy của Teng siết chặt. Teng thấy mình mạnh lên, rồi rào sức lực. Teng muốn hành động. Teng phải hành động. Chỉ có hành động lúc này mới mong lau khô được phần nào sự nhức buốt trong lòng Teng và để cho hương hồn ba dưới kia được thanh thản, Teng là con của ba, Teng không thể sống hèn nhát.
Tất cả tình cảm, cơ bắp của cậu bé hơn mười tuổi nở bung ra.
Teng không dám nói ý định dữ dội này cho má biết. Cũng không hé miệng cho bà Năm hay. Đời nào má và bà Năm cho Teng làm. Teng là đàn ông. Teng phải tự quyết định lấy thôi. Cả thằng Đảm nữa, Teng cũng im luôn. Cái thằng gan cóc tía, nó không sợ, nó sẽ làm theo mình, nhưng chuyện này không nên để nó dính vô. Có bề gì, mình mình chịu là đủ rồi.
Cả ngày hôm ấy Teng cứ quẩn quanh bên má, dịu dàng với má hơn hẳn ngày thường. Trước khi vào việc Teng càng thấy thương má. Nếu đêm nay công việc không thành... Ba chết đã vậy, còn mình cũng bị nữa thì sao? Chắc má cũng không sống nổi đâu. Nghĩ thế lòng Teng mềm lại và đã có lúc tự nhủ hay là chờ má khỏe hẳn lên, chờ mình lớn lên thêm vài tuổi nữa đã, để có nhiều sức lực? Nhưng mớ tâm tư rối rắm ấy cứ luôn bị hình ảnh người cha nằm như ngủ trên mặt đường hối thúc, xua tan. Má ơi! Chính vì thương má nên con mới phải trả thù cho ba. Con không thể chờ được. Chờ ngày nào, thằng Mắt-kính-máu ấy còn gây khó dễ cho bà con cô bác ngày ấy. Má tha thứ cho con. Má hãy khấn ba cho con giết được nó. Như vậy, con có chết cũng vui má ơi! Cặp mắt cậu bé nhìn má thẫn thờ. Môi động đậy mà tiếng nói chỉ vang dội ở trong lòng.
Người mẹ quen tính quen nết con từ thuở lọt lòng nhưng lần này, do nỗi đau còn choáng ngợp nên không đoán được lòng đứa con trai.
Má không biết gì hết! Thế là được rồi! Teng yên bụng. Chúng nó giết được ba nhưng không biết ba là ai. Nghe má nói ba thoát li đã hơn mười năm nay, nếu có về thì chỉ về nội trong đêm nên làng xóm đã quên mặt ba, đinh ninh rằng ba đi ở với vợ nhỏ nơi xa, không ai nghĩ cái người "Việt cộng" ghê gớm bị giết ấy lại là ba hết, cả chúng nó, cả thằng đồn trưởng lẫn thằng trưởng ấp cũng mù luôn. Ba ơi! Đêm nay con sẽ đi giết cái thằng đã giết ba, và nếu được, không ai kể cả chúng nó biết con là ai? Ba sống bí mật, chết cũng bí mật; bắt trước ba, đêm nay con cũng là người bí mật.
Càng nung nấu ý định, mặt Teng càng đờ ra, Teng càng quẩn quanh bên má. Bữa nay má đã dạy được rồi. Má đã đi được ra bể nước, ra sau vườn và đã bắt đầu nói chuyện được với bà Năm. Nghe người già nói: mất mát sẽ phá hủy rất nhiều sức lực con người nhưng đồng thời cũng tạo cho con người một sức lực mới. Teng thầm mong má như vậy.
Chập tối, Teng vác con dao nhọn dùng để thái chuối ra lu nước ngồi mài. Con dao dài và sắc lắm, má nói ngày xưa, hồi chưa thương má, ba thường hay mang đi rừng chặt gỗ, chống thứ dữ. Teng mài không giỏi, tay đưa lưỡi dao không đều nên mài hoài mà vẫn chưa thấy bén. Teng định mang nhờ chú Sáu thợ rèn nhà bên mài hộ nhưng lại thôi. "Bí mật đến cùng, như ba ấy". Teng nghĩ vậy và lại đưa lưỡi dao qua lại.
Teng định giết kẻ thù bằng dao.
Teng không còn một thứ vũ khí nào khác. Giá ba giấu lại một cây súng thì hay biết bao nhiêu! Hoặc tự dưng bây giờ vớ được trái tạc đạn của một người lính nào để rơi trên bến sông! Nếu thế thì... Không được thế, Teng dùng dao. Dùng chính con dao chống thú dữ của ba. Đêm nay, trước mũi dao này cũng là một con thứ dữ, dữ hơn mọi con thú dữ khác trong rừng. Cánh tay Teng đưa mạnh. Nhanh lên! Bén vào. Thật bén vào. Làm sao mới chạm đến ngực một cái là nó đa lăn ra chết ngay. Đêm nay...
Teng biết đêm nào, khoảng gần sáng thằng trưởng ấp cũng ra tiệm Sáng Lố uống cà-phê, húp hủ tiếu. Nó nhậu quen tiệm này và quen ngồi một chỗ rồi. Cùng đi với nó thường có mấy thằng đàn em thân cận ngồi hầu xung quanh. Nó biết nó ác nên đi đâu cũng đề phòng cẩn thận. Gần đây, thấy tình hình tạm yên, có đêm nó dám ra tiệm một mình, ngồi rất lâu bên li cà-phê như con sói rình mồi đến sáng bừng mới khụng khiệng đi về trụ sở. Chắc giết được ba rồi, Teng căng óc phán đoán, thế nào nó cũng lơ là vì nó cho sau cú bêu xác giữa chợ ấy, còn có kẻ to gan nào dám lọt vô ấp nữa. Mình sẽ phạt đứt cuống họng nó ngay lúc nó gật gù bên li cà-phê ấy. Teng lần mò phác họa các hành động nối tiếp cần phải làm trong đầu. Xưa nay, Teng chỉ lo tính việc bắt cá, bắt tôm, việc rượt con cu đinh không cho nó thoát vô sình, nay Teng phải phác họa một hành động ngoài sức tưởng tượng, ngoài tầm hiều biết của một em nhỏ như nó. Tất cả những việc Teng dự tính làm đêm nay đều hết sức xa lạ, nó chưa từng nghĩ đến và không bao giờ dám nghĩ đến. Teng vốn không thích máu, sợ máu. Không! Nhưng đây không phải máu người đâu. Máu con chó dữ đấy. Con chó dữ đã cắn chết ba của Teng, đã cắn chết ba của nhiều đứa khác. Teng phải kiếm cây kiếm gộc đập chết nó. Teng không sợ nó. Teng thấy bình tĩnh và đầu óc cứ cuốn theo những động tác cần làm đêm nay. Làm thật bí mật, thật nhanh gọn rồi quăng dao xuống sông chạy về với má, rửa sạch chân leo lên giường, thế là xong. Và chờ khi mọi chuyện nguôi ngoai đi rồi, Teng mới thủ thỉ thú nhận: "Má ơi..."
Teng thấy lòng vui dạt dào, không biết rằng có một bàn chân bước nhẹ đến sau lưng từ lúc nào.
- Teng! Mày làm gì thế?
Út Teng giật bắn người nhìn lên. Nhác thấy mặt thằng Đảm đầy vẻ lo ngại, Teng cười cười:
- Mài dao sớm mai lên rừng chém thú dữ.
- Mày đừng đùa - Đảm ngồi hẳn xuống - mày mài dao làm gì? Ngày hôm nay tao thấy mặt mày kỳ lắm, như có khói ám ấy. Mày mài làm gì?
- Tao đã nói rồi mà, sớm mai lên rừng kiếm củi về chụm. Nhà tao hết củi trọi trơn rồi.
Thằng Teng nói trơn tuột, tránh không nhìn vào mắt bạn. Nó biết, nếu nó nhìn vào đôi mắt chân thành ấy một giây thôi là đầu lưỡi nó nói tuột ra ngay. Xoàn... xoạt! Tiếng dao nghiến vô đá vang lên. Thằng Đảm đứng dậy, giọng phụng phịu:
- Tao biết mày không tin tao, mày nói xạo. Mày khi (khinh) tao đần, tao chậm, tao không đáng mặt chơi với mày, mày giấu tao. Củi! Củi thì nhà tao thiếu gì mà mày phải lo lên kiếm tận rừng. Thôi! Đã thế tao về đây.
Nói rồi, Đảm quay đi, bước chân chậm. Cái bóng nhỏ nhoi, mặc quần xà lỏn nhòa trong bóng đen của vườn chuối trông đến tội. Thương quá! Thằng Teng gọi giật:
- Đảm! quay lại tao bảo nè!...bảo nè!
Thế là nửa đêm hôm ấy hai đứa bấm nhau dậy chuồn ra khỏi nhà. Phương án chiến đấu đã hiện rõ lần đầu tiên trong hai "chiến sĩ du kích" tuổi nhỏ. Hình thành một cách tự nhiên, không hề hay biết. Chúng không biết rằng mình đang làm công việc của một tự vệ mật. Chúng căm thù, chúng khổ đau, chúng cần phải trả thù, phải thanh toán khổ đau, thế thôi. Khi quyết định làm việc này, cả hai đứa đều chưa có ý thức về việc làm, về đối tượng chúng cần phải diệt. Chúng không nghĩ chúng là Việt cộng hay là cộng sản. Nếu lúc đó ai gọi chúng bằng cái tên như thế, chúng sẽ sững ra mà kinh ngạc, và cho rằng người ta đùa trêu mình. Từ tấm bé đến giờ, chúng đã được tiếp xúc với một người Việt cộng hay cộng sản nào đâu! Chúng không biết rằng, lòng yêu dân, yêu xóm ấp, lòng căm thù cái ác, cái tàn bạo của người cách mạng đã được ươm ngay trong cuộc sống hàng ngày của chúng bằng những bà má, ông bố, bà con lối xóm và bằng cảnh sắc quê hương gắn bó từ lâu.
Đêm ấp chiến lược giống như một nấm mồ khổng lồ với những bát nhang cháy lụi ở ngoài sân mỗi nhà. Hai đứa cởi trần, mặc quần cụt, luồn qua những bụi chuối vườn mít um tùm. Chúng đi cách xa các mái nhà để tránh chó sủa. Chỉ cần đang giữa đêm, một con chó bất thần tru lên thôi là bọn lính từ các ổ mai phục xộc đến ngay. Teng và Đảm bước nhẹ. Thân thể bé nhỏ của chúng thật dễ luồn lách và ẩn nấp. Đêm vùng ven chanh chấp có ai dám đi ra khỏi nhà, chỉ cần thoáng một bóng đen xuất hiện là trăm họng súng, trăm trái mìn mo (Mìn Klây-mo định hướng của Mỹ) sẽ tức thời nổ không biết ngay hay gian. Đêm hôm rồi chắc ba của Teng cũng ngã xuống trong một trạng huống như thế. Tim Teng thắt lại, Teng càng thận trọng, em muốn sửa chữa cái sai lầm trong một phút hớ hênh nào đó của ba. Teng không muốn ngã xuống trước khi chưa làm tròn lời thề. Gió lành lạnh, Teng không thấy rét. Hơi ấm thoang thoảng của mùi sông nước nâng em đi, dẫn em vượt qua từng trở ngại để đến gần khu chợ. Gà nhà ai đã gáy canh ba! tiếng gà như đồng cảm với nhịp đập của tim em như thúc giục em! Mùi hương nhà nào phảng phất loãng tan trong gió gợi nhớ đến vong linh người cha thân yêu.
Hai đứa đi cách nhau khá xa nhưng vừa đủ để nhìn thấy nhau, để bảo vệ nhau. Trên tay mỗi đứa chỉ có một con dao. Thằng Teng đi trước, con dao nhọn. Thằng Đảm đi sau con dao Mỹ lưỡi mỏng như lá lúa. Cứ đi được một đoạn thằng, Teng lại nằm sát xuống đất để nhìn về phía trước, thằng Đảm nhìn hất sang hai bên. Hai đứa bỗng thành một đội hình hành quân gắn bó và chặt chẽ. Đêm tối hun hút, nằm xuống mà nhìn lên thì cái gì cũng thấy cả: bụi cây, mô đất, dáng người cứ bị cái nền trời nhờ nhờ sáng làm nổi lên. Bằng cách "chơi trốn tìm" ấy, hai đứa nhích dần về phía khu chợ. Và thật kỳ lạ! Giữa lúc này cả hai đều không thấy hãi sợ. Chỉ còn sự hồi hộp khoan khoái của một trò chơi quen thuộc mà chúng đã từng chơi. Bất giác thằng Teng nhìn lại bạn, mỉm cười. Teng tìm được trong công việc xa lạ và ghê gớm này, cái việc đáng ra người lớn mới làm nổi, một sự thích thú và say mê. Tuổi nhỏ thường ít nghĩ xa xôi, lát nữa điều gì sẽ xảy ra, chúng chưa bận tâm lắm, nhưng lúc này được dấn mình trong đêm đen được đánh lừa mọi cạm bẫy là khoái rồi. Lát nữa... Điều này hai đứa đã thì thào bàn kỹ tối hôm qua. Lát nữa - cứ ngồi kín bên này đường, dưới gầm xe bò, trên chạc cây hay gờ tường nào đó đối diện với tiệm Sáng Lố. Ngồi thật im. Khi gà gáy báo trời sắp sáng. Thằng trưởng ấp sẽ xuất hiện. Nó sẽ khệnh khạng đi vào quán, tháo kính, bỏ mũ, thậm chí khẩu Ru-lô nó cũng mở khuy để trên bàn. Cạnh nó có thể có mấy thằng đeo súng dài hoặc cũng có thể không có thằng nào. Bắt đầu ngồi, chắc nó sẽ còn quan sát, còn đề phòng, ngồi lâu không thấy gì, biết đâu mắt nó chả lim dim? thằng Đảm nói thế một cách già dặn như ông cụ non. Chắc ông già nó cũng hay lim dim mỗi buổi sáng trước khi ra sông nên nó mới biết. Thế rồi (đây là ý của thằng Teng) chọn lúc nó lơ mơ nhất, tao với mày sẽ tụt xuống, mày cứ ngồi bên này, nấp vào gốc cây, tao trườn sang, trườn như con mèo hoang ngoài chợ, thứ mèo đó thiếu gì. Tới cửa quán, tao sẽ đứng lên, nhảy nhanh tới chân tường. Ở đó có chỗ chèo lên mái. Từ mái tụt xuống sẽ rơi đúng cửa sau ăn ra sân. Tao thường hay mang cá ra bán, tao biết rành mà. Lúc ấy lão Sáng Lố còn đang bận nấu nướng trong bếp, một mình tao áp tường lẻn vào sau lưng nó. Nó vẫn nhìn ra cửa và thế là tao phóng dao, phóng trúng chỗ hiểm, cái chỗ mà nó đã xỉa đạn vào ngực ba tao ấy... Biết chắc nó nghẻo rồi, tao sẽ cứ cửa chính lao ra, kéo mày chạy luôn. Còn nếu chưa lọt vào đã lộ thì... Mạnh thằng nào thằng ấy nhảy nghe mày.
Trong bộ óc non nớt của thằng Teng chỉ nghĩ được đến thế và cả hai đứa đều tin là sẽ làm được như thế. Còn đoạn sau thế nào nữa, chúng không biết. Nhưng có một điều: dù sống chết cũng không được bỏ nhau. Thằng Đảm gật đầu, môi nó mím lại và thoắt rùng mình trước những dự tính táo tợn của bạn. Nó mừng! Thằng Teng, bạn nó đã trở lại lanh lẹ, táo bạo như thường ngày.
Chợ kia rồi!
Hai bên đường, các dãy quán, tiệm đã sáng đèn. Hình như những quán tiệm này cả đêm đều bật sáng đèn. Những bóng người lặng lẽ đi lại trong nhà, tiếng băm, chặt, tiếng xê dịch bàn ghế. Và đâu đây, không gian đã thoang thoảng mùi hành phi, thịt rán, mùi tỏi ướp vào nước mắm và cả mùi cà-phê thơm ngây ngậy. Sớm mai mát mẻ, trong lành, cái mùi vị ấy ướp vào không khí nghe thật quyến rũ. Thằng Teng bỗng thấy đói ngấu. Hai hôm nay nó ăn bữa đực, bữa cái, bây giờ cái đói mới trỗi dậy làm cho nó bải hoải cả chân tay. Trong một phút, nó quên đi công việc chính, mà chỉ hít hà những hương thơm vừa quen thuộc, vừa xa lạ, mà ít khi nó được hít vào lồng ngực. Giá mà bây giờ được húp một tô hủ tiếu rõ nóng nhỉ? Sau đó có thể gặm thêm một ổ bánh mì với lạp xường nữa! Lạp xường nhà Sáng Lố... Teng đã nhiều lần nhìn thấy rồi: tròn mọng, nâu bóng, cắn nhẹ một cái mỡ đã phọt ra. Teng tứa nước miếng ở chân răng. Hình như hiểu thấy sự đòi hỏi của cái dạ dày của bạn, thằng Đảm rút trong áo ngực ra một vật gì còn hâm hẩm nóng đưa cho Teng. Teng tần ngần cầm lấy và giở ra, sững sờ: giữa nắm sôi đậu phộng thơm lựng, nằm gọn một cái đùi gà. Tới lúc ấy, thằng Teng lại không thấy đói nữa. Chợt nhớ đến cái mũi chảy máu của Đảm buổi chiều ở ngã ba, đến sự có mặt của Đảm suốt mấy ngày qua và ngay đêm nay trong vòng nguy hiểm, Teng thấy cổ mình tắc lại. Bao giờ cũng thế, nó hiểu mình, thương mình, chiều chuộng mình mà mình lắm lúc lại xử tệ... Mắt Teng thấy cay cay. Một thứ tình cảm ngọt ngào dâng lên khiến nó không còn muốn ăn nó, bàn tay nó tìm lấy bàn tay khô khỏng của Đảm siết chặt.
Hai đứa đã đến gốc cây bông điệp (Cây hoa phượng), đối diện với tiệm Sáng Lố bên kia đường. Mặt đường giờ này còn vắng tanh, thẳng hoặc mới thấy một bóng người đi lại để rồi mất hút trong những gian tiệm sực mùi xào nấu. Trong tiệm Sáng Lố đã có lác đác hai, ba người ngồi, im lặng. Những người trở dậy đi uống cà-phê sớm thế này bao giờ cũng có dáng ngồi trầm mặc như thế. Teng nghĩ vậy và phát hiện ra rằng: thằng trưởng ấp chưa tới. Càng tốt! Càng có thời gian.
Đúng lúc Teng đang chuẩn bị trèo lên trạc cây um tùm lá thì bỗng thằng Đảm véo mạnh Teng một cái.
Nó đến! nhìn loáng sang bên kia đường, Teng đã thấy nó đến thật. Vẫn cái áo bà ba màu mỡ gà, vẫn dáng đi khệnh khạng không coi ai ra gì mà vẫn cặp kiếng trắng gắn trên sống mũi, hắn bước thong dong giữa hai gã dân vệ to như hai võ sĩ. Bên hông hắn vẫn kềnh kệnh khẩu ru-lô băng tròn, thỉnh thoảng đang đi, hắn lại xốc nảy lên một cái. Chúng đi men theo vỉa hè, vừa nghênh ngang vừa thăm dò... Tim Teng bỗng dưng thắt lại đau nhói. Hai đầu gối em bỗng run lên, hàm răng đánh cà cập vào nhau. Không! Không phải Teng sợ. Chờ đợi mãi, hờn uất mãi, quá xúc động mà run lên đấy thôi. Nếu không có Đảm giữ lại thì ngay giờ khắc gặp kẻ thù ấy, Teng đã sầm sập lao sang rồi! Trời ơi! Nó giết hại ba mình, nó giết hại, kìm kẹp bao người mà bây giờ nó lại ung dung đi ăn nhậu như không thế kía ư? Vô lí quá! Bàn tay cầm cán dao của Teng rung lên. Mắt Teng mở trừng trừng sang phía kẻ thù đang ậm ạch ngồi xuống ghế. Hắn ngồi tận góc trong cùng. Sau một loạt bàn ghế ngổn ngang, hai thằng vệ sĩ ngồi chắn ở ngoài, súng dựng mép bàn, mắt lom dom nhìn vào bóng đêm. Dường như chúng đã nhìn thấy mình, hai đứa nhỏ từ từ ngồi thấp xuống, bóng tối gốc cây nuốt trửng chúng đi. Càng tốt! Nó tưởng ngồi giáp tường là ngon à? Mình sẽ từ phía cửa trong nhảy ra kia mà. Nhìn thằng ấp trưởng đang bật hộp quẹt đốt thuốc Teng đã mường tượng thấy nó hộc lên, giãy đành đạch khi bị chạm dao thế nào rồi... Ngứa ngáy quá! Toàn thân Teng nóng ran lên... Bầu trời trên tán cây đã chuyển sang mầu trắng nhờ nhờ. Sắp sáng rồi, không kịp trèo lên chạc cây và không cần trèo lên chạc cây nữa. Cứ ngồi kín thế này, chờ cho lão già độc ác ngồi ấm chỗ là Teng sẽ trườn sang. Teng quyết định thế và Đảm gật đầu.
Thằng trưởng ấp đã ba lần đưa li cà-phê lên miệng và điếu thuốc thơm trên cặp môi mỏng dính của hắn cũng đã cháy hết một nửa. Thời cơ đây rồi. Teng hít vào một hơi thật sâu, siết chặt tay Đảm và đứng lên... Chính khi đó, ngay bên tai hai đứa vang lên một giọng nói rất nhẹ:
- Dừng lại!
Tiếng nói nhỏ mà nghe xoang xoảng như tôn thiếc va nhau trên đầu, Teng giật mình quay lại, lưỡi dao vung lên nửa chừng thì dừng lại: trước mặt Teng là ông già Tư Đờn cò. Ông già một tay sách đàn, một tay ôm chiếu như chuẩn bị đi hát cho phiên chợ sớm. Đôi mắt ông chiếu thẳng vào hai đứa, vừa yêu thương vừa nghiêm nghị như lần nào:
- Thằng Teng, thằng Đảm! Về ngay! Ông cấm hai đứa không được làm như thế. Muốn chết cả hay sao. Nghe ông về đi! Chúng nó sắp đi tuần đến đây bây giờ.
Thằng Teng trợn tròn mắt lên:
- Ông Tư! Ông ra đây làm gì? Ông biết chúng cháu làm gì mà ngăn. Ông về đi thì có. Ông đi lẹ lên!
Đặt cây đờn xuống, ông Tư để tay lên đầu Teng như muốn kéo sát mái tóc lởm chởm cháy nắng ấy vào lòng mình. Tiếng nói ông gấp gấp mà vẫn thoảng đi:
- Ông hiểu con mà Út! Con giống tính ba con lắm!
- Ông Tư biết ba tôi? - thằng Teng cựa khỏi tay ông già, lùi lại, mắt căng tròn xoe.
- Ông biết! Biết nhiều... Biết cả ba con đã bị chúng nó... Thôi! Nếu thương ba, con về ngay đi. Con không giết được nó đâu. Nó xảo lắm!
Có tiếng giày đinh gõ trên mặt đường. nhiều tiếng giày gõ trên mặt đường. Cả ba người vội đứng nép vào bóng tối gốc cây. Những tiếng giày uể oải đi qua mang theo những bóng lính tuần tra uể oải đi qua. Giọng ông Tư đanh lại chứa đựng sức mạnh bắt người ta phải tuân theo:
- Sáng rồi! Mấy cháu không kịp làm gì nữa đâu. Về lẹ đi không có người ta nhìn thấy lại khổ. Mà ai bảo các cháu liều lĩnh như thế này. Chết thật!
Quả đúng như ông già nói. Phố chợ đã tờ mờ sáng. Các ngọn đèn trong chợ đã nhợt nhạt dần. Thằng ấp trưởng bên kia đã rục rịch đứng dậy. Teng thở ra đánh cái phù một cái:
- Vậy là ông già làm nhỡ việc của chúng tôi rồi. Được! Đêm nay không xong, đêm mai tôi làm nữa.
- Ông đã nói là ông cấm! Muốn chết cả hay sao? Ông sẽ nói với má con. Nghe nói đến má, lòng Teng mềm lại. Biết là đứng đây lâu không được nữa, nó nhìn theo bóng lão ấp trưởng đang đi ra khỏi quán một cách tiếc rẻ rồi hỏi:
- Ông Tư! Ông Tư là ai? Sao ông Tư cái gì cũng biết vậy?
Ông già Đờn cò cặp lại cây đờn vào nách nói bâng quơ:
- Các cháu chỉ cần biết ông là ông già Đờn cò, vậy thôi. Nghe ông Tư nói này: đừng bao giờ làm vậy nữa. Giết được một mình nó không nhằm nhè gì đâu, lại có thằng khác lên thay thôi. Thôi, về đi. Nói má, ông Tư có lời hỏi thăm. Mấy bữa nữa ông lại. Ông đi nghe!
Nói xong ông già thất thểu đi vào chợ, cái lưng còng xuống như cả một ngày đàn hát nhọc nhằn kiếm miếng ăn đang đè nặng xuống vai. Bóng ông nhòa dần vào những khoảng tối đang chuyển màu...
o O o
Chuyện hai đứa định giết thằng trưởng ấp rồi cuối cùng cũng bị má Teng và bà Năm biết. Không hiểu có phải do ông Tư Đờn cò nói ra không, nhưng chính cái đêm trở dậy không thấy con má Teng đã chạy sang kêu bà Năm báo cho biết chuyện này. Hai người đàn bà ngồi bứt đầu bứt tóc chờ sáng mà không dám đi tìm. Tìm ở đâu? Và biết tìm thế nào? Chỉ cần lớ ngớ ra khỏi nhà là bị dính mìn, dính đạn liền. Gần sáng thấy Teng về, con dao dấu kín sau lưng áo, má Teng mới nửa cười nửa khóc mà trách con. Teng chỉ lầm lì không nói. Đến khi nghe má bảo: "Nếu con không nghe má, cứ làm theo ý con thì má sẽ đập đầu vào chân tường mà chết". Teng mới chém mạnh dao vào đá cho quăn lưỡi. Nó phải nghe lời má nhưng cái thù thằng ấp trưởng thì chẳng bao giờ nó quên. Chỉ có điều như ông Tư Đờn nói: "Con giết được mình nó thì có ích gì. Giết được đứa này, nó mọc lên đứa khác. Mà có phải chỉ có một thằng hại ba con đâu. Tất cả chúng nó đều tìm cách hại ba con và bạn bè của ba con. Con có thể dùng dao để giết được hết chúng nó không hay chính bà con, gia đình con lại bị chúng hãm hại?" Thằng Teng nghe lòng dạ nó rối bời. Thế chả nhẽ cứ ngồi im để mỗi ngày thấy tóc má bạc thêm, thấy những kẻ giết ba vẫn nghênh ngang đi lại hay sao? Teng uất quá, gục đầu vào tường khóc tấm tức. Phải chăng ba còn sống, ba chưa chết, nhất định ba sẽ biểu cho nó phải làm gì. Ba can đảm, ba giỏi lắm, ba không ngăn nó đâu. Nó lại thèm còn ba để gục mặt vào bộ ngực khen khét mùi thuốc rê, nồng nồng mùi sông nước. Mùi sông nước! Nó chợt lặng người. Khi ba còn sống, ba thường ở sông về thì... Nhất định bạn bè của ba còn đang ở ngoài sông. Các chú ấy không bỏ đi đâu. Các chú ấy đều giỏi, đều gan dạ như ba cả. Khúc sông! Khúc sông chết...
o O o
Sáng nay như mọi sáng, dòng sông Sài Gòn vẫn lững lờ trôi chảy. Một lớp sương mù mỏng tang tráng lên cảnh vật, tráng nhẹ lên mặt sông. Dòng sông đông đặc dường như đóng băng, có cảm tưởng nếu cắm một cành tầm vông xuống mặt nước, cành tầm vông ấy sẽ đứng im, không hề chao đảo. Trong những lùm cây, tiếng con chim nào đó hót cũng nhền nhệt hơi sương. Tiếng cá đớp bóng lủm chủm giữa dòng. Hoang vu, tĩnh mịch. Nơi đây, lâu lắm rồi, không có bóng người, bóng thuyền. Đôi lúc tiếng bìm bịp kêu âm âm trong lùm bụi càng gợi nhớ về cổ sơ, hoang dã. Lau sậy xào xạc trên bờ, một con cu đinh đang gồ lưng chui nhủi vào sình, để lại đằng sau nó một vệt dài láng ướt, sủi tăm. Mấy đám bèo lục bình vươn lên những nụ hoa tím phơn phớt, dập dềnh ở giữa sông, không chuyển động. Như vậy là con nước đang dừng, một lát nữa khi tiếng bìm bịp kêu vang hơn, dòng nước bắt đầu ròng và những đám lục bình hiền lành, cô đơn kia sẽ ào ạt trôi ra cửa sông. Vầng mặt trời cũng buồn nản phả xuống mặt nước những làn ánh sáng nhợt nhạt.
Vậy mà trong một lùm cây kín đáo nhất, có nhiều cây gai, dây leo chằng chịt nhất lại hình như thấp thoáng có bóng người. Đến gần hơn, người thính tai sẽ nghe vẳng trong gió có tiếng thì thào... Thì thào. Sao lại có bóng người? Sao lại có tiếng thì thào trong buổi sớm tinh mơ ở khúc sông chết này? Người hay ma? thần sông hay thuồng luồng, hà bá hiện lên thành hình người mở cuộc giao hoan? Người yếu bóng vía thấy cảnh này chắc tái xanh mặt mày mà bỏ chạy. Người bạo gan cũng chỉ dám đứng ở xa mà ngó, rồi cũng phải từ từ lỉnh đi và sau đó thì tự cho là: có lẽ mình lầm!
Khúc sông vẫn xào xạc cái âm thanh êm ả và có lẽ chỉ có loài chim là nhận biết được trong các lùm bụi kín đáo nhất ấy không có quỷ ma, hà bá gì cả mà là người thật. Những con người trai trẻ, tóc húi ngắn, nước da mang màu lá rừng, đôi mắt lành hiền mở to, loang loáng nhìn ra dải sông màu sữa.
Đó là ba chiến sĩ đặc công đang ém trụ nằm vùng. Họ sống như chim, thoắt ẩn, thoắt hiện. Giường nằm là cánh võng màu xanh mắc giữa những vòm cây cũng màu xanh. Mái nhà che mưa là mảnh vải bạt dăng kín đáo, mưa tạnh lại nhét gọn vào bồng. Cả cơ ngơi, tài sản của họ đều nằm gọn trong bồng. Bồng nhét vào túi ni-lông. Nếu có động, cái bồng ấy sẽ là phao bơi đưa họ di chuyển đến những lùm bụi khác bên này sông hoặc bên kia sông, gọn ơ.
Lúc này họ đang ngồi cạnh nhau trên mấy tấm ván nhỏ bắc chéo qua gốc cây chà là. người nào cũng ở trần, mặc quần cụt để lộ những khuôn ngực, bắp tay, bắp đùi vạm vỡ. Quanh năm lặn lội trên vùng sông nước, lấy nước làm đường, lấy sông làm nhà, làm sao mà họ không có được cái vóc dáng rắn chắc của người dân thuyền chài như thế. Và cũng quanh năm ẩn mình trong bờ, trong bụi, nước da họ mang theo sắc xanh cây lá. Họ còn trẻ lắm. Thậm, tổ trưởng, mới chỉ độ hơn hai mươi tuổi. Thành, trẻ hơn một tí, thân hình cao to, lông mày rậm, xếch như lưỡi mác. Còn Đoan, chiến sĩ có đôi mắt lá răm như con gái và cặp má bầu bĩnh, miệng cười thật tươi, thoạt nhìn cứ tưởng là một cậu thiếu niên. Ba người thật giống nhau mà cũng thật khác nhau. Giống nhau về ăn vận, về những động tác tinh gọn, sắc sảo và về sự bình tĩnh, khôn ngoan trong việc xử lí các tình huống hiểm nghèo. Song lại rất khác nhau về tính tình. Thậm, quê ở ngay ấp này, chín chắn, thật thà, điều gì cũng nghĩ kĩ rồi mới nói ra thành lời; Thành, tính nết nóng nảy tương xứng với thân hình hộ pháp và cặp lông mày dữ tướng của anh. Còn Đoan lại rụt rè cả nể và hay mắc cỡ. Ấy vậy mà họ sống với nhau rất hòa thuận, rất hiểu nhau và hợp nhau. Phải chăng cùng đứng chân trên một rẻ sông mỏng manh, cái chết lúc nào cũng có thể bất thần ập xuống, họ phải quấn quýt, phải dựa vào nhau, phải bỏ qua cho nhau mọi cái để tập trung vào một đích rõ rệt: đừng để chết uổng, ráng sống mà tiến từng bước vào sào huyệt kẻ thù, làm tròn nhiệm vụ? Muốn không chết uổng, ba anh em bảo nhau ăn ở kỹ càng, tỉ mỉ đến nỗi nếu ai đó tò mò có ghé thuyền sát tận nơi cũng không biết trong đó có người. Họ đã nâng cách thức ăn ở thành nghệ thuật ăn ở. Cơm nấu xong từ lúc con chim đầu tiên chưa cất tiếng hót. Ăn xong, họ cho tất cả nồi niêu, bát đĩa xuống đáy sông, tối trời lấy lên nấu nữa. Không có một sợi khói, không có một ánh lửa. Sáng ăn xong, mỗi người chọn một gốc cây ngồi canh chừng, ngồi im phắc, không chuyện trò, không ho hắng, không hút thuốc dù cho cơn "ghiền" quẫy lộn trong đầu. Ban đêm khi ra vào khỏi lùm cây, ai đánh gãy một ngọn cỏ, một cành lá coi như bị khuyết điểm nặng. Lính tráng chúng nó ngày ngày đi lại sát bờ, thấy cỏ héo, cây gãy là hò nhau sục vào ngay. Ba người làm sao chống trả được cả lính dưới đất, lính trên trời, lính ngoài sông đánh túa vào. Rồi phải ẩn tránh cả bà con đi lại làm ăn trên con đường chạy dọc bờ, sát ngay cạnh lùm nữa. Nói chung, hoàn toàn như người đi trốn, trốn dài ngày. Lộ ra không phải là chuyện cười à, trốn lại, mà là máu đổ, là chết chóc, là không hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiệm vụ của tổ đặc công là nghiên cứu, nắm tình hình cái chi khu nằm ở giữa chợ để đưa lực lượng xuống san bằng, phá thế kìm kẹp của chúng đối với bà con và phong trào cách mạng và cả vùng này. Vậy mà đã nằm nửa tháng nay rồi, họ vẫn chưa lọt vào được đến điểm. Việc móc ráp bắt liên lạc với cơ sở mật bên trong cũng hoàn toàn vô hy vọng.
Sau cái chết của ba thằng Teng vữa rồi, chúng càng phòng thủ ráo riết. Ngày đi sục sạo khắp nơi, sục sạo bất cứ chỗ nào chúng nghi con người có thể ở được. (Mới có hai tuần mà tổ của Thậm đã ba lần phải di chuyển chỗ ở rồi). Đêm, địch chia nhau bung ra mai phục, án ngữ dọc bờ đê ấp chiến lược, những mối đường mòn to nhỏ con người có thể lẻn vào. Mìn trái dăng khắp nơi, dăng cả dưới sân các nhà mà chúng nghi ngờ. Kín quá! Dày đặc quá! Con chó hoang chạy trong đêm cũng vướng mìn chết tan xác.
Mấy ngày nay họ nằm chết cứng ở đây. Gạo, mắm họ cũng đã sắp cạn. Bữa ăn đã chuyển cơm thành cháo. Cũng may khúc sông này lắm cá tôm. Buổi trưa lính về đồn hết, họ lẻn ra những hố bom kín đáo bắt cá. Hố nào ít nhất cũng được vài cân, mang về luộc ăn với rau móp muối chua cũng vững bụng.
Giờ này nắng đã lên chót đỉnh đầu, mồ hồi đã tứa ra ở gáy. Họ vận ngồi im lặng nhưng trong đầu người nào cũng nặng trĩu lo toan.
Thành đập một con muỗi đốt vào đùi rồi vê ngón tay bóp nát ra, đôi lông mày rậm chau lại:
- Ngồi hoài thế này sao ông Thậm? Cực hơn cả đi tu. Không vào được thì ta trở lại cứ (Căn cứ bí mật) báo cáo lần khác đột tiếp. Ngồi đây, ngày thoáng qua đi uổng phí mà có khi lại chết chùm.
Anh lại đập một con muỗi nữa, búng tít lên ngọn cây. Thậm nhìn bạn phì cười:
- Người ta "giận cá chém thớt", đằng này cậu lại "giận cá bóp muỗi".
- Tôi còn bóp mẹ nó cả cái khúc sông này ra nữa. Đánh thì đánh thí đi, chưa đánh được thì tạm nghỉ, cứ thế này thì đít tôi đến mọc đuôi?
- Đừng nóng! Tớ còn nóng ruột hơn cậu nữa kia. Thằng đặc công hơn người ở chỗ kiên trì. Nóng vội là bể chuyện hết. Cứ nán lại vài ngày nữa coi sao. Nhất định mình sẽ lọt được. Chúng nó đông thì đông nhưng làm sao lấp kín được mọi ngóc ngách. Rồi chúng nó cũng phải oải ra chớ. Sức đâu mà đêm nào cũng thức chong chong được.
- Thì tôi cũng nghĩ thế nhưng... tiên sư cái con muỗi - Anh định giơ tay lên lần nữa nhưng chợt dừng lại, nghênh mặt lên.
Ngoài đường bò có một tốp lính nghễu nghện đi qua, súng lăm lăm xỉa vào các lùm bụi, mắt nhìn như mũi dùi. Thằng đi giữa mặt đen cháy, ngậm điếu thuốc to tướng, mùi thơm phả cả vào trong lùm. Thành rụt cổ đưa lưỡi liếm mép nói thêm:
- Thèm quá! Ông lại bò ra lôi chân vào lấy thuốc hút bây giờ.
Đoan thấy dáng bộ Thành như vậy, tủm tỉm cười. Anh không nghiện thuốc, không nghiện cả rượu nên mọi chuyện này đối với anh đều dửng dưng.
Tốp lính qua khỏi một lát, Thành lại chép miệng:
- Ức thật! Giá ở trên rừng già thì với bọn này, chỉ cần tay không cũng đủ quẳng xuống sông hết. Đất gì mà nó đái vào đầu cũng phải cười. Sau trận này tôi là tồi...
- Xin chuyển sang bộ binh để mặc sức hò hét hả?
- Cũng có thể, nhưng... Nói gì thì nói, thằng nào bảo tôi rời đặc, tôi đập gẫy răng.
Đoan cũng phì cười, hàm răng đến trắng. Cái ông này tính nết hay thật. - Đoan nghĩ - câu trước, câu sau cứ chửi nhau suốt. Nhưng mà vui. Chính tác phong ồn ào của Thành như quả núi lửa chuẩn bị bốc cháy nên cũng sưởi ấm được cho đồng đội vào cái lúc thần kinh đang giá lạnh.
Đoan nhìn ra mặt sông, ước ao:
- Sông quê anh Thậm đẹp quá! Sau này nếu hết bom đạn, tôi xin nán lại bơi lội, tắm táp một tháng rồi mới về.
- Quê Đoan có con sông cũng đẹp đấy thôi. Hồi huấn luyện, tháng nào mình cũng bơi hai vòng sông đấy.
Thành càu nhàu:
- Lúc này mà mấy ông còn nghĩ đến sông với ngòi. Tập trung lo vào công việc cho xong đi rồi về cứ tha hồ mà tắm. Tắm! - môi anh trể ra - Tắm! Làm như cả đời không được tắm bao giờ ấy. Anh Thậm! - Thành đột ngột hỏi - Cô du kích mà huyện định cử xuống giúp chúng mình đâu? Sao mãi không thấy? Có bà sở tại xuống họa may...
- Chắc cô ấy bị kẹt đường rồi. Dạo này chúng nó bung ra dữ quá! Nhất là sau hôm đồng chí quận đội trưởng đột ấp bị chết.
- Nghe ông quận đội này cũng gan dữ! Bắn đến viên đạn cuối cùng rồi mới chịu nằm xuống. Hình như ông cũng người vùng này? - Thành hỏi.
Cũng không rõ. Hôm xuống đây, ta đâu có qua quận. Chà! Thế là từ sau Mậu Thân đến giờ, những người ưu tú lần lượt ngã xuống nhiều quá! Cái "Việt Nam hóa chiến tranh" của chúng không phải chuyện đùa đâu. Chó đểu!
- Không đùa à! Tôi mà lọt được vào chợ thì cái chi khu khốn nạn kia cứ phải là nát ra như cám.
Chợt Đoan hơi nhổm người dậy, mắt lom lom nhìn ra sông. Thậm và Thành chột dạ nhìn theo. Trong ánh nắng chói chang, trong cái rung rinh của mặt nước đang bốc hơi, ở ngay khúc quẹo, họ nhìn thấy một chiếc thuyền nhỏ đang dập dềnh tiến thẳng đến. Theo phản xạ bản năng, Thành đưa vội khẩu súng lên ngang mày, chỉnh đường ngắm. Chiếc thuyền đến gần. Trên thuyền không phải là lính, cũng không phải là bọn thám kích thường hay lởn vởn xuất hiện với những bộ áo quần của người dân đánh cá qua lại khúc sông này. Trên chiếc thuyền ọp ẹp chỉ có độc một cậu bé da mét mét, tóc tai lởm chởm đang vừa tát nước vừa cậy bai chèo. Chắc là thằng bé đi kiếm rau? Khúc sông này nhiều rau ngon, đôi lúc họ cũng thấy một vài người dân đánh bạo vào hái một ít rau rồi ra ngay. Nhưng hình như cậu bé này không phải đi hái rau? Cặp mắt cứ ngó nghiêng nhìn xăm xoi vào từng lùm, từng bụi, thỉnh thoảng dừng thuyền lại nhẩm tính cái gì. Đấy! Bụi móp ngay cạnh mũi thuyền tốt um mà sao cậu ta không hái! Coi chừng! Thậm đưa mắt nhìn hai bạn có ý đề phòng. Gần đây, sau những lần dò la, thám thính không có kết quả, rất có thể chúng dùng thủ đoạn mua chuộc dụ dỗ trẻ con làm việc này. Thậm nghĩ và ra hiệu cho các bạn lùi sâu vào trong, ngồi thấp đầu xuống hơn nữa. Chiếc thuyền vẫn bập bềnh găm thẳng tới như đã phát hiện ra nơi họ ẩn nấp. Quái lạ cái thằng bé này!... Họ càng ngồi thấp xuống, khẽ vít lá che đầu, che mặt. Mũi thuyền rách nát vẫn không lạng đi. Xoạt... Xoạt! Mũi thuyền đã chạm đến những cành lá đầu tiên, ngay bên cạnh sườn của Thành. Anh hơi vặn người để tránh né. Một suy nghĩ thoáng qua rất nhanh trong óc anh: Nếu nó phát hiện ra rồi bỏ đi thì sao? Thì phải đưa tay ra mà tóm ngay lại. Để sổng, chỉ một lát sau là lính bâu kín ngay. Còn nếu nó là người ngay đi kiếm rau thật thì cũng phải giữ lại, chiều tối mới cho về và ngay đêm ấy "cha con" phải rời cứ sang nơi khác ngay. Vùng địch hậu mỏng manh, bất cứ cái gì cũng có thể xẩy ra được. Rẹt... Rột rẹt... Mũi thuyền đã lủi hẳn vào trong bụi và giữa những cành lá xôn xao, hai con mắt mở to của cậu bé hiện ra lay láy, đen tròn.
Không hiểu sao, trong muôn ngàn lùm bụi trên sông, Teng lại cứ chọn lùm này mà nhủi thuyền vào. Có lẽ do linh tính của trẻ con, cũng có thể do phán đoán rằng: Nếu các chú có ở thì phải ở chỗ kín nhất, sâu nhất, cũng như ba vậy... Thế là cậu lao hú họa vào và không ngờ lúc này ba con người trần như nhộng đang hiện ra trước mắt Teng, hăm dọa và lầm lì. Teng hơi ngớ ra. Trí óc non nớt của nó cứ bắt nó chắc mẩm rằng trông thấy Teng, đứa con trai của người chiến sĩ dũng cảm nhất định những người này phải tươi cười, vồ vập ngay; tươi cười y như khuôn mặt của ba vậy. Hay là... Nó dừng thuyền giữ ý.
Ba người vẫn nhìn vào nó, không chớp. Họ chờ. Thử xem thằng nhóc này định giở trò gì nào? Chà! Trông nó còn rất ít tuổi mà sao khuôn mặt, con mắt nhìn mới già dặn ghê chứ. Con nít nhà người ta gặp tình huống bất ngờ này phải hoảng hốt, phải dúm lại kia. Đằng này nó vẫn không động đậy, lại còn giương mắt lên nhìn thách thức nữa. Thằng này không bình thường rồi.
- Đi đâu? Thành hỏi khàn khàn.
- Tôi đi tìm người - Teng thấy chả dại gì mà nói thẳng ra.
- Tìm người nào mà tới tận đây? Muốn chết à?
Không khá rồi! - Teng nghĩ - Các chú bạn của ba đâu có giọng nói hự hẹ này. Tuy vậy nó cũng cố vớt vát:
- Mấy... Mấy... Mấy chú là ai?
- Hỏi làm gì? Ai chỉ đến đây? Trói lại thả sông bây giờ! Thậm đưa mắt cho Thành, ý nói hãy từ từ xem sao đã. Hành động này không qua khỏi mắt Teng, nó mạnh dạn:
- Tôi đi tìm các chú giải phóng. Tôi có việc cần gặp mấy chú.
Giọng nói và thái độ của nó chân thành quá khiến trong khoảnh khắc mọi người lúng túng, không biết trả lời sao. Thậm hạ giọng hỏi:
- Ai nhủ cậu tới đây tìm giải phóng? Không sợ mang vạ vào người à?
- Không ai bảo cả, tự cháu đi tìm - giọng nó đến đây bỗng dưng như vỡ ra - mấy chú ơi! Ba cháu bị chúng nó giết rồi. Mấy chú cho cháu đi theo trả thù cho ba cháu.
Họ đưa mắt nhìn nhau. Thật vậy không? Không! Không thể nhẹ dạ coi thường được. Thằng bé này sao lại biết chính chỗ này mà đòi đi theo? Ai mách đường cho nó? Đằng sau chuyện này ắt phải có cái gì? Thậm đột nhiên nghiến quai hàm lại:
- Thằng nhóc này cà trớn. Mi có biết chúng tao là ai không mà đến đây đòi đi theo. Cút ngay! Nếu không vì công vụ, tao đã gông cổ mi về đồn rồi. Cút! để cho chúng ông làm việc. Nằm phục cả tuần nay chưa bắt được thằng Việt Cộng chó chết nào cả đây.
Phụ họa thêm cho câu nói của Thậm, Thành kéo quy - lát khẩu AR.15 đánh "rốp" một cái. Thằng Teng không hề giật mình, nó trân trân nhìn sâu vào mặt từng người, và từng khẩu súng trên tay họ rồi cúi đầu xuống, chớp mắt. Nó không sợ chết, không sợ bị gông cổ, nó chỉ thất vọng thôi. Thế là tuyệt đường tìm kiếm rồi. Tận đây mà cũng có thám kích của chi khu thì mấy chú còn chỗ nào ẩn núp nữa. Thế là hết. Về vậy. Nó lẳng lặng cạy mũi thuyền ra, mắt tối sầm lại.
Lúc ấy chỉ có Đoan là ngồi im, không tỏ thái độ gì. Anh muốn nói mà không thể nói được. Nguyên tắc bí mật không cho phép anh được lên tiếng. Nhưng lòng dạ Đoan thấy áy náy, không nỡ....
o O o
Chán chường, thằng Teng lại tìm đến Đảm. Đảm bao giờ cũng chỉ biết vỗ về, an ủi bạn bằng cách im lặng và nhìn. Cái nhìn sâu hun hút của nó đựng chứa tất cả những nỗi phiền muộn, u uất của Teng nên mỗi lần tìm đến nó, Teng lại thấy đầu óc vợi đi, nhẹ nhõm hơn.
Trong nhà, bác Năm Hinh, ba của thằng Đảm vẫn ngồi lù lì bên trai đế. Bác uống rượu tối ngày và toàn uống một mình, đôi mắt đùng đục nhìn đi đâu xa lắm. Tánh bác ít nói, nhưng nóng như lửa. Từ ngày chúng nó dồn dân lập ấp chiến lược đến nay, bác có cái dáng ngồi "con cọp trong cũi" như thế. Người ta đồn ngày xưa bác khỏe lắm! Trong một trận đánh càn, một mình lật đổ ba thằng Tây lê-dương. Bác còn sử dụng côn rất giỏi, với cây con dài bằng sắt, bác bất chấp cả lưỡi lê, súng ống. Mấy tay anh chị khét tiếng trong làng đao búa ở chợ cứ nghe tên bác là hoảng. Nhưng từ ngày rời nhà vô đây, bác hầu như không dính dáng đến chuyện đời, thây kệ mọi điều trái ngang diễn ra trước mắt. Ngoài giờ ra bưng, ra sông, bác chỉ làm bạn với be rượu. Thằng Đảm mồ côi mẹ từ nhỏ, nhiều khi bác cũng không dòm ngó tới. Chỉ khi nào có ai vô tình hay hữu ý nhắc tới anh con cả của bác đang sống ngoài miền Bắc, ánh mắt bác mới hơi dịu đi. Có lẽ bác thương người con cả ấy lắm và có ý đợi chờ tin tức người con đã lâu rồi bặt tin. Thằng Đảm thừa hưởng được cái tính gan góc, trầm lặng của cha nhưng tình cảm, suy nghĩ của nó gắn bó với xóm ấp với bạn bè hơn cha. Cha già rồi, lại gặp lắm điều bất nhân ngày ngày xảy ra mà không làm gì được, cha đâm bẳn tính.
Ít bữa nay, kể từ sau cái vụ lính bắn chết người ngoài chợ, xóm ấp càng ngột ngạt hơn. Đâu đâu cũng thấy sự chết chóc rình rập. Thằng Mắt-kính-máu tuyên bố: "Đây là một ấp thí điểm bình định do chính tổng thống ra lệnh, vì vậy dù phải bắt, phải giết nửa số dân để bảo vệ an ninh, chính quyền cũng không chùn tay". Nó nói là nó làm. Đã có năm người bất chợt bị bắt đi không thấy về. Một cụ già nửa đêm đau bụng mở cửa đi ra ngoài, lập tức bị bắn chết ngay. Dù sáng hay tối, chỉ cần một nhóm ba bốn người tụ họp là tức thời bị lính ập tới tra khảo. Trẻ em không dám ra khỏi nhà. Người lớn đi làm đồng cứ cúi mặt từ sáng đến tối, lầm lũi. Người ta không dám nhìn nhau. Ở đâu, bất cứ xó xỉnh nào cũng có những con mắt dòm ngó, những họng súng đen ngòm lấp ló trong lùm bụi, trong mỗi chạc cây. Người ta im lặng. Người ta chờ đợi. Chiều chiều, có rất nhiều khuôn mặt, rất nhiều ánh mắt khắc khoải hướng ra sông, hướng ra bưng biền: Người ta cồn cào mong đợi con em của mình trở về, cồn cào mong đợi những đợt súng tấn công. Đêm đêm những người già vẫn vặn nhỏ đèn thao thức, những bà má vẫn len lén nhồi gạo vào thùng giấu kỹ để dành cho cách mạng. Cách mạng không thể bị tàn lụi, những đứa con thân yêu của họ nhất định sẽ trở lại. Nhất định... Con mắt người dân ấp chiến lược cháy đỏ lên niềm tin mãnh liệt ấy.
Và trong những ngày con người tưởng như không thể sống được ấy, người ta vẫn thấy bóng ông già Tư Đờn cò thấp thoáng qua lại. Ông cầm đàn hát ngoài đường, hát ở bìa bưng; ông ghé vô nhà này trò chuyện mấy câu, ghé vô nhà khác xin miếng nước. Và lúc trở ra, bao giờ chủ nhà cũng tiến ông đến tận ngõ, giúi vào tay ông lon gạo, chén mắm, vài cắc bạc và trên môi thoáng một nụ cười. Dường như bằng dáng dấp, giọng ca của mình ông già hát rong đã làm dịu lại vết đau đang mưng tấy của dân ấp.
Thấy Teng buồn rầu, ủ rũ, thằng Đảm thương bạn đến xót xa. Sáng hôm sau nó mò sang nhà Teng từ sớm, trong đáy mắt thấy có một "đốm lửa đang cháy". Cái đốm lửa này không mấy khi thấy có ở một đứa kín đáo như nó.
- Nè! - Nó kéo thằng Teng ra sau vườn - Tao có cách rồi.
- Cách gì?
- Cách giết thằng trưởng ấp.
- Cách nào? Cách nào nói mau đi! Ngon không?
- Ngon mà không ngon - Đảm lại trở về dáng bộ lừng khừng làm Teng thấy tốt nhất chỉ có còn cách đừng giục.
- Ừ, thôi thì mày nói đi, tao nghe. Tao bình tĩnh nghe đây.
- Mày có biết mụ Sáu Lan không:
- Biết thừa. Má tao ghét mụ ấy lắm.
- Ủa! ghét là phải. Tao mới nghe mấy ông lính...
- Sao gọi ông lính, thằng lính chớ!
- Ủa, thì thằng lính. Mấy thằng lính nói với nhau là trưa nào lão ấp trưởng cũng đến nhà mụ ấy một lúc lâu mới mở cửa ra về.
- Đóng cửa à? Kỳ hè! Nó làm gì ấy nhỉ?
- Tao cũng không biết. Hình như nó... Nó... lòng thòng mày ạ!
- Lòng thòng là mèo chuột hả? Thì đúng lòng thòng rồi nên mới đóng cửa.
Chồng mụ chết rồi hả mày?
- Chết. Thế... thế trưa nào cũng thế - Thằng Đảm diễn tả thật khó khăn vì xưa nay nó có bao giờ nói nhiều đâu - Tao để ý rồi, muốn đến nhà mụ Sáu, nó phải đi qua lô cao-su ông Thời.
- Đúng rồi! Ông Thời đó. Sao nữa?... Thôi! - Thằng Teng khẽ nhảy lên - Tao hiểu rồi! Mày định rình chém nó ở đấy hả?
- Không chém!
- Bộ mày có súng?
- Không!
- Da láng?(Trái tạc đạn da láng)
- Không!
- Thế thì bằng gì? Thằng này bữa nay sao cù lần quá! - Giọng Teng căng lên như sắp sửa đánh nhau.
- Làm hầm chông giữa đường - thằng Đảm vẫn nói từng tiếng một.
Thằng Teng tròn mắt một lúc, rồi ôm chầm lấy bạn, lưỡi ngọng líu:
- Sao bữa nay cái đầu mày sáng, cái đầu tao tối thế? Mầy giỏi, tao phục thằng Đảm da lươn rồi - nhưng mặt nó lại xìu ngay - ngộ nhỡ có người khác, có con bò con trâu đi trước nó sập hầm thì sao?
- Tao để ý rồi! Lâu nay không có ai đi qua đó cả. Nếu có người, thằng Mắt-kính-máu đã không đi... Đi gì nhỉ? Đi o mèo! Người lớn nói vậy là đi o mèo! Đi o mèo phải để không ai nhìn thấy chớ!
- Trời đất! Sao hôm nay mày hay quá vậy mày!
Thằng Teng lại ôm chầm lấy thằng Đảm lần nữa, còn thằng Đảm chỉ lỏn lẻn cười, hàm răng khấp khểnh của nó trắng xóa lên giữa màu da mặt đen bóng.
Thế là suốt buổi sáng hôm ấy, hai đứa bàn bạc sôi nổi cách thức để làm sao thằng Mắt-kính-máu chết ngay mà chúng nó không phải đi đêm, không bị người lớn ngăn cản, la rầy. Đại khái là thế này: sẽ đào một cái lỗ nhỏ bằng cái mặt ghế, sâu xuống nửa thước vào ban đêm. Sau đó sẽ cắm những cọc tre vót nhọn hoắt có ngâm nước tiểu, ngâm phân bò xuống đáy hố. (Cái này thằng Đảm học được của ba nó trước kia). Rồi phủ phên tre lên, lấp thật kỹ, bằng bặn và cũ kỹ như mặt đường. Buổi trưa, vào lúc thằng Mắt-kính-máu sắp đi qua, hai đứa sẽ trèo lên một ngọn cao-su ở xa đường quan sát, nếu thấy ai đi qua, hoặc con vật nào đi qua trước thì ra hiệu hoặc chạy ra ngăn lại... Nhất định phen này thằng ác ôn sẽ chết.
Chúng nó mất hai ngày chuẩn bị chông tre. Má thằng Teng không hề hay biết gì cả. Sáng sáng Teng vẫn cùng với Đảm ra sông, chiều về sách nặng tay tôm, cá. Thấy vậy bà cũng yên tâm đi bưng. Trồng cố mấy luống đậu phộng cho kịp thời vụ. Nỗi đau dù lớn thế nào rồi cũng theo thời gian dần dần qua đi. Người ta không thể khóc mà sống, vẫn phải ăn phải uống, phải hoạt động và đi lại. Má Teng đã trở lại với công việc bận rộn hàng ngày và những cái lo toan về cuộc sống về đứa con ngày một lớn mà cứ nhong nhóng suốt ngày.
Mọi việc chuẩn bị đã xong. Hai đứa làm bộ đeo hong, đeo giỏ ra sông, đi được một đoạn lại vòng về. Chọn một cây cao-su nhiều lá nhất, hai đứa trèo lên. Chúng vít lá, vít cành che kín người chỉ để hở hai con mắt ra ngó. Thật là may! Suốt buổi sáng không có một người nào qua lại trên đường. Trong vườn cao-su, mặc dù trời chói chang nắng nhưng vẫn râm mát đến rợn người. Cả lô cao-su không có một tia sáng, ở ngoài nắng bước vào cứ ngỡ như đang lạc đến một vùng thung lũng xanh ngắt ánh trăng. Ngồi trên ngọn cây, Teng nhìn thấy cả khu bưng xa, nơi má đang dang nắng trồng tỉa, nhìn thấy cả khu gò có cây bồ cua lồng lộng mà ba đang an nghỉ mãi mãi ở đấy. Teng nhìn thấu tới bìa sông nữa. Hình ảnh mấy người cởi trần ngồi trong bụi tre hự hẹ hôm rồi chợt nhói trong lòng Teng. Không tìm thấy các chú bạn của ba, bữa nay Teng cứ làm một mình, Teng sẽ sống gan dạ như ba, sẽ hành động như ba. Một cảm giác bồn chồn y hệt khi đêm ở chợ lại choán ngợp đầu Teng. Điều ngại nhất của Teng là thằng Mắt-kính-máu không đi một mình mà lại có hai thằng vệ sĩ kèm trước, sau như đêm nọ thì hư hết việc, Đảm thì quả quyết mấy trưa nay chỉ thấy nó đi có độc một mình, Đảm nói thêm như người lớn: "O mèo! Nó phải đi lén chớ kéo thêm lính đi làm gì cho xấu mặt". Teng nghe phải nhưng cũng cãi lại: "Nó mà biết xấu đẹp gì nữa. Nếu biết xấu hổ nó đã không giết ba tao, làm ác với bà con". Đến đây thì Đảm hết nói, Teng cũng không biết tính sao. Đành để đến đâu lo đến đó vậy.
Một chiếc trực thăng phành phạch bay qua đầu, thấp đến nỗi những ngọn cao su cũng ngả nghiêng theo. Teng nhìn lên. Nó bay ra hướng sông! Chắc nó ra quần ngoài đó? thế thì ngoài sông vẫn còn các chú bạn của ba? Đang mải nghĩ ngợi như thế, khi nhìn xuống bỗng thằng Teng rùng mạnh người: ở đầu lô thấy lố nhố có bóng người. Sao lại lố nhố? Hay không phải nó? Teng căng mắt nhìn: Thằng đi đầu chính là thằng vệ sĩ hộ pháp đêm nọ, súng xỉa về đằng trước. Đi sau vẫn là một tên lính. Và đi cuối cùng mới là lão ấp trưởng! chết rồi! Hai đứa nhìn nhau. Trật nữa rồi! Kiểu này cùng lắm chỉ bị một thằng hộ pháp đi đầu, còn thằng cần giết vẫn thoát. Chúng đã bước gần tới ụ mối, từ ụ mối đến hầm chông chỉ không đầy mười bước. Teng lặng người chưa biết xử trí ra sao. Giá lúc khác nó đã nạt cho thằng Đảm một trận. Đã bảo mà cứ khăng khăng như cụ non. Thôi đành vậy! chết được thằng nào đỡ thằng đó. Vặt chân, vặt tay nó cũng bõ cơn tức, còn hơn cứ sáng chiều thấy nó nhơn nhơn đi lại khắp ấp trên ấp dưới. Teng nín thở chờ đợi, mắt sầm lại.
Bỗng dưng, như một điều khó có thể tin được, còn cách hố chông không đầy ba bước chân nữa, thằng ấp trưởng đứng lại vẫy bọn đàn em đến gần. Tiếng nói của nó khê khê có vẻ vừa nhậu say ở đâu về:
- Nè! Bây giờ mấy chú về công sở trước đi! Tới đây moa (tôi) đi một mình được rồi.
- Rõ! - Dường như chỉ chờ có thế, hai thằng vệ sĩ giập mạnh gót giầy, há miệng ra cười.
Thằng hộ pháp nháy mắt với thằng nhỏ con kia rồi chìa bàn tay vàng khè về phía lão ấp trưởng:
- Ông ấp định đi sướng một mình, bỏ mặc đàn em trung thành hay sao?
Lão ấp trưởng chau mày rồi rút trong túi ra một tờ giấy bạc màu xanh:
- Nè! Cầm lấy! Giữ mồm giữ miệng cho cẩn thận nghe! Bép xép, bà trưởng ấp biết được thì chớ trách.
- Biết sao mà biết được ông ấp! - Hai gã vệ sĩ cầm tiền cười nhăn nhở rồi rẽ sang phải đi xéo về phía chợ. Một chầu nhậu nhẹt thả ga đang chờ chúng ở đó.
Mắt-kính-máu hắng giọng đi tiếp trên con đường mòn dẫn tới nhà mụ nhân tình. Nó bước một bước... Thêm bước nữa. Đôi chân mập mạp ngắn ngủn chuyển động về phía trước, cặp kính trắng chuyển động về trước, cái bụng đã bắt đầu phề phệ chuyển động về trước, toàn thân thằng ác ôn nhích về phía trước. Chỉ còn một bước nữa. Một bước nữa thôi. Teng nhắm mắt lại... Ngay lúc đó, một tiếng thú rống lên vang động khắp lô cao-su. Teng bừng mở mắt: thằng trưởng ấp đã lọt nửa người xuống hố, nó đang ngật qua ngật lại dữ dội, mồm há hoác, hộc lên những tiếng không ra tiếng người. Hai cẳng tay chới với cào cấu vào không gian, vườn cao-su hình như cũng nghiêng ngả theo những tiếng gào thét hãi hùng đó.
Đáng lẽ sau phút ấy, hai đứa phải tụt xuống ngay để tẩu thoát nhưng cả hai cứ mải trố mắt ra nhìn. Phải xem có đúng nó rơi xuống hố chông thật không đã, phải coi nó giãy giụa tuyệt vọng ra sao mới hả. Mắt Teng nhòa đi. Em bỗng nghĩ đến ba. Ba ơi! Nó bị rồi! thằng giết ba nó bị rồi. Chính con trả thù cho ba đó. Ba có hả không? Trời! Nếu lúc này ba được nhìn thấy kẻ thù của ba đang chết dần, chết mòn, chết thảm hại như thế nào!... Hai đứa nhỏ không hề lường trước rằng tiếng gào của thằng ấp trưởng đã kéo hai thằng vệ sĩ trở lại và lôi bọn lính đóng ở cái tua (Loại tháp canh nhỏ của bọn dân vệ mặc đồ đen) gần đó ra.
Chờ cho đến khi tiếng la của con thú bị ngạt đi, chỉ còn vang lên những âm thanh khò khò, hai đứa mới bảo nhau tụt khỏi cây rồi vượt qua con lạch sau lô cao-su để phóng tắt về nhà. Nhưng mới chạy được một đoạn thì bọn lính đã ào tới. Trèo lên cây không kịp, nằm xuống không kịp, bỗng Teng nảy ra một ý, nói nhanh:
- Đảm! mày chui vào núp kín trong bụi mắc cỡ (cây xấu hổ) kia! Tao sẽ chạy đánh lạc hướng, khi lính rượt theo tao, mày phải rông ngay... Nói má tao đừng có lo.
Nói vừa dứt. Teng co giò định chạy tạt sang trái nhưng Đảm đã nhanh tay kéo giật bạn xuống. Bị cú giật cục bất thần ấy, Teng ngã sấp mặt xuống đất. Khi ngẩng được đầu lên thì bóng Đảm đã vụt đi rồi. Teng chưa kịp kêu lên thì một loạt tiểu liên cực nhanh rộ lên chói tai. Bất thần nhìn qua khóm gai, Teng thấy Đảm ngã dụi xuống. Nó trúng đạn rồi chăng! Teng định phóng lên với bạn nhưng bóng Đảm đã đứng dạy, đi lững thững, mặc cho bọn lính chạy ùa tới. Chỉ một loáng, hai cánh tay thằng Đảm đã bị trói quặt lại. Teng nhăn mặt xót xa như chính mình bị trói. Teng nghiến chặt răng. Sống chết có nhau! Không thể để thằng Đảm chịu một mình được. Teng chống tay định chồm dậy lao ra nhưng từ xa, như hiểu ý, Đảm loạng choạng đứng dậy, cặp mắt sưng tím khẽ nhìn về phía Teng ra ý nói: "Kệ tao! Đi ngay đi! Chúng nó không làm gì nổi tao đâu". Ánh mắt Đảm như bức tường lửa đè xuống đầu Teng. Nó nằm vật xuống. Loáng thoáng, nó nghe tiếng thằng vệ sĩ:
- Ai xui mày bẫy hố chông ông ấp, hả?
- Tôi... Tôi có bẫy gì đâu... Tôi đi kiếm củi cho ba tôi qua đây thấy ái gào la, sợ quá, nên bỏ chạy. Tôi biết ông ấp ở đâu mà bẫy.
Bốp! Hình như một báng súng nện vào ngực và tiếng quát:
- Già mồm! Việt cộng con già mồm! Đi về đồn rồi mày sẽ phải nói hết. Đi! Còn thằng nào đi với mày nữa không? Nói!
- Dạ... Có ai đi với tôi đâu. Tôi đi lượm củi một mình mà. Chúng lôi Đảm đi xềnh xệch. Đằng sau Đảm là thằng Măt-kính-máu nằm rũ rượi trên vai gã vệ sĩ hộ pháp. Cả hai cẳng chân của nó dính liền với bàn chông. Máu ở chân nó rỏ ướt cả mặt đất.
o O o
Thằng trưởng ấp không chết, nó chỉ bị cưa một giò lên đến tận bắp vế. Một lão trưởng ấp khác đã lên thay thế. Tay này trẻ hơn, nghe đâu là thiếu úy cánh sát chuyển sang. Rút ra bài học xương máu của kẻ đi trước, tên này tạm thời nằm im và tỏ ra khá mềm mỏng. Thế là bà con khắp làng trên, xóm dưới đều hởi lòng, hởi dạ. Từ nay, không thấy bóng dáng cái tên dòng dõi địa chủ uống máu người không tanh trên đường làng ấy nữa.
Đã lâu lắm rồi, kể từ Mậu thân đến nay, bọn ác ôn mới phải chịu một đòn trừng phạt như thế. Phải vậy chớ! Cách mạng vẫn còn, cách mạng vẫn hoạt động, cách mạng có bị hủy diệt tận gốc như mấy ông quốc gia thường huênh hoang đâu. Xôn xao chán, họ quay ra bàn tán nhỏ to xem ai là người dám táo gan làm việc này giữa ban ngày, ban mặt? Cho sụp hầm chông ngay giữa ấp thì ghê quá! Chắc phải tay chơi thượng hạng. Tụi lính đã bắt được thằng Đảm, con ông Năm Hinh vì nghi nó là thủ phạm. Mọi người cười ồ: "Ôi dào! Cái thằng hiền như cục đất thó ấy thì làm cái gì được. Cuống quá bắt quàng!".
Ngay cả thằng đại úy nổi tiếng độc ác và mưu lược cũng không tin thằng Đảm là thủ phạm. Không phải nó coi thường con nít. Con nít mà ăn phải bả Việt cộng thì cũng ghê gớm lắm. Cả cuộc đời điên cuồng chống cộng với năm vết thương trên thân thể đã dạy cho hắn hiểu điều đó. Nhưng ở đây, thằng lỏi con này trông khù khờ quá! Hỏi gì cũng chỉ trả lời lơ ngơ, không ăn nhập vào đâu cả. Dụ dỗ nó, nó lắc đầu. Đánh đập nó, nó càng lơ ngơ. Chính gã đại úy được đào tạo từ Mỹ về này đã tự tay tra khảo nó bằng những phương pháp tân kỳ nhất nhưng vẫn không moi được gì. Bị đánh đau quá, nó chỉ trào nước mắt ra mà không thấy một tiếng kêu van. Bỏ đói, nó cắn răng chịu. Hứa hẹn, nét mặt nó bình thường. Rút cục, sau ba ngày ba đêm dùng đủ mọi cách, bọn đao phủ hung hãn nhất đành bất lực. Nó vẫn chỉ là nó, rách rưới, tơi tả và da thịt tím bầm. Còn ai xui nó làm việc này, làm việc này với ai và có đúng nó bẫy chông lão ấp trưởng không thì không hé được một chút manh mối nào. Trước sau nó chỉ nói: "Tôi đi lượm củi cho ba tôi, thấy kêu la dữ quá nên bỏ chạy". Chúng nó đành quẳng thằng bé vào ngục tối và xua quân đi lùng sục, càn quét từng nhà, từng miếng vườn, từng ngóc ngách nhỏ nhất trong ấp. Tiếng quát tháo, đe nẹt cộng với tiếng trẻ em khóc thét làm kinh động cả một khu ấp ven sông. Bắt trước lối xăm hầm của thằng Mỹ, bọn lính bảo an cũng dàn hàng ngang cầm thuốn sắt thuốn vào lòng đất không trừ một mét vuông nào nhưng đất vẫn chỉ là đất, im lìm và bướng bỉnh. Xóm ấp lại trải qua một cơn sốt lửa. Thêm mười người đàn ông khỏe mạnh bị trói giật cánh khuỷu mang đi. Ngày hay đêm, thây kệ cho mùa màng đang kỳ thu hoạch, chúng cấm không cho một ai ra khỏi hàng rào. Làng xóm càng nặng nề, ngột ngạt. Loáng thoáng đã có tiếng kêu than trách móc người bẫy thằng trưởng ấp, mang họa cho dân.
Trong những giờ khắc ngột thở ấy, Teng nằm bẹp ở nhà nóng lòng sốt ruột nghĩ thương Đảm đang phải chịu những cực hình tra tấn. Đã có lúc Teng muốn chạy xộc đến đồn kêu to: "Tao đây! Chính tao giết thằng trưởng ấp đây. Bắt tao đi nhưng phải thả bạn tao ra!". Nhưng một chút từng trải có được kể từ sau ngày ba chết đến nay đã giữ chân Teng lại. Và ngay cái đêm thằng Mắt-kính-máu bị lọt bẫy ấy, Teng đã nghĩ đến chuyện làm sao lẻn vào trại giam cứu bạn ra nhưng suy nghĩ vẫn chỉ là suy nghĩ, cứu ra làm sao, cậu bé Teng hoàn toàn không biết. Cái choán ngợp đầu óc nó là sau vụ bẫy thằng Mắt-kính-máu, cảnh làng xóm lại càng ảm đạm, tang tóc hơn. Phải chăng nó làm bậy? Teng chờ ông già Tư Đờn đến quở trách nhưng mấy bữa rầy không thấy ông. Má nói ổng mang đờn sang khu ấp bên cạnh. Đêm ấy, Teng trằn trọc không ngủ được. Nó nghe tiếng má ngồi nhẹ xuống đầu giường. Teng mở mắt ra và bắt gặp đôi mắt má. Khuôn mặt người mẹ nhìn nghiêng xuống đứa con vừa xa lạ, vừa yêu thương:
- Út! Làm việc ấy sao con không nói với má?
Teng giật mình định chối nhưng thấy nét mặt má lạ quá và cố giấu cũng không được, cậu úp mặt vào bàn tay mẹ:
- Con...Con thương ba!... Con muốn trả thù cho ba.
Má Teng ôm chặt lấy con, lặng lẽ khóc. Nước mắt thấm ướt vai áo nó. Nó cũng khóc.
Má ơi! Má có tha thứ cho con không? Chúng nó độc ác quá!
Người mẹ cắn môi gật gật đầu.
- Con đừng trách má. Má không hiểu con. Má vui vì con đã làm được việc ấy. Nhưng đáng lẽ con phải nói với má một câu. Làm vậy, chúng càng có cớ gây khó dễ với bà con mình, Nhưng dù sao, bà con cũng thấy vui, nếu biết, chắc cũng không trách chi con đâu. Ôi!... Con tôi đã nhớn nhao lên thế rồi kia ư?
- Má! Liệu thằng Đảm có chết không má? Nếu nó chết, con cũng...
Người mẹ đưa tay bịt chặt lấy miệng con. Bà sợ. Rồi không biết cuộc đời nó sau này sẽ ra sao đây? Ba nó chết rồi, bà còn có mỗi mình nó. Mà nó lại giống ba nó, thà chết không chịu nhục. Bà càng ôm chặt con vào lòng như sợ có một ma lực nào đó xông vào cướp con bà mang đi. Gió vẫn thổi dào dạt vào những tàu chuối sau nhà, gợi sự nhỏ nhoi của cuộc sống con người.
Bác Năm Hinh sang. Mừng quá! Teng cũng đang định gặp bác nhưng con ngài ngại. Đảm vì mình mà bị bắt, Teng muốn thay Đảm sang an ủi, trông nom, săn sóc ông Năm nhưng cứ đến đầu nhà lại quay lại. Teng sợ bác nổi nóng làm ầm lên thì càng nguy cho bạn.
Không nói không rằng, ông Năm ngồi xuống ván, trống khửu tay lên bàn, mắt nhìn Teng thật dữ dằn. Vậy mà khi nói, tiếng bác lại hết sức ngọt ngào:
- Teng! Con có tin bác không? - giọng ông hình như có hơi rượu.
- Dạ! Con tin! - Teng trả lời lí nhí và đưa mắt nhìn mẹ.
- Vậy tại sao thằng Đảm bị bắt? Con chơi thân với nó con có biết không?
- Dạ.... không ạ? - Teng nói luôn.
- Không à? - Mắt ông Năm bỗng xếc lên, giọng căng hơn. - Chơi với nhau mà một thằng bị bắt, thằng kia không hay à? Chơi như thế à?
Teng chột dạ. Ông Năm định làm gì đây? Hù dọa mình nói ra rồi bắt đem nộp mạng thay con chăng? Nếu vậy thì đừng hòng. Teng định nói cứng song vẫn cúi đầu:
- Dạ!... Con có lỗi với bác Năm! Có lỗi với thằng Đảm.
- Teng! Bác qua đây không cần con xin lỗi. Bác chỉ hỏi: Có đúng thằng Đảm có gan trời làm việc này không? Hay người ta vu vạ cho nó?
- Dạ! Chắc người ta vu vạ đấy. Thằng Đảm hiền khô làm sao nổi việc này bác Năm!
Tưởng nói thế bác Năm sẽ dịu đi, không ngờ bác đứng phắt dậy, dằn giọng:
- Hiền khô à? Không làm nổi à? Cái thằng Đảm con tao, mang giòng máu họ Trần nhà tao mà lại không làm nổi cái việc giết chó ấy à? Nhục! Thế thì nhục!
Má Teng chạy lại:
- Anh Năm! Tôi xin anh! Anh nói nhỏ chớ không...
- Làm sao phải nhỏ, - ông Năm gạt tay má Teng ra, - Bị bắt cho ra bị bắt. Bị bắt như thế, thêm mất công. Vậy mà tao cứ tưởng thằng Đảm làm việc đó kia chớ! Cái thằng... Mai tao lên đồn xem sao.
Ông Năm Hinh lên đồn thật. Đứng ở chòi gác, ông đòi gặp viên đại úy. Lính ngáng súng không cho vào, ông la lối ầm lên. Cuối cùng tên đồn phó phải thân chinh ra tiếp. Bọn này chả lạ gì tánh ông Năm Hinh. Dữ như cọp, cái gì trái ý một chút là sẵn sàng mạng đổi mạng ngay. Chả thú gì ông già càn rỡ này, đã mấy lần định nắn gân ông nhưng chúng vẫn không dám làm. Ông Năm có uy tín khắp vùng về tính cương trực và thành tích chống Pháp nên động đến ông là động đến tất cả bà con, chả dại!
- Thằng con tôi có tội gì mà mấy ông bắt giữ? - ông Năm ngồi khuỳnh tay hỏi đốp chát.
- Dạ!... Có gì đâu ông Năm! Chả là ông trưởng ấp... - viên trung úy còn non choẹt ấp úng.
- Mấy ông nghi nó là hung thủ chớ gì?
- Dạ... Nghi gì đâu, việc quân sự mà...
- Được! Việc quân sự là luật chiến tranh. Cứ luật mà làm. Nếu nó là thủ phạm thật, mời mấy ông cứ xử đúng luật. Nhưng nó bị xử oan, mấy ông đừng trách tôi. Thôi, tôi về. Nhờ ông nói với ông đại úy có Năm Hinh đến thăm và nhắn lại như vậy.
Nói xong ông đứng dậy đi luôn. Dáng ông lững thững, hơn năm mươi tuổi mà cánh tay vẫn khuỳnh ra hai bên như đô vật. Viên thiếu úy nhìn theo, khẽ nhún vai.
o O o
Út Teng lại quyết định ra sông. Nhất định bằng mọi cách nó phải tìm được mấy chú, bạn của ba. Sau việc làm vừa rồi, nó thấy không thật ổn. Hình như cần làm một cái gì đó dài lâu, bền chắc nữa kia. Ba bữa nay, trực thăng Mỹ quần khúc sông ấy nhiều, các loại lính cũng được xua ra lùng sục hết lớp này đến lớp khác. Teng vừa lo vừa mừng. Lo vì ngộ nhỡ họ tìm ra được chỗ mấy chú trốn thì sao? Mừng là như vậy là họ đã chuyển hướng nghi ngờ ra phía sông, nơi xưa nay vẫn được coi là có Việt cộng nằm vùng, mà bớt chú ý đến thằng Đảm. Nhưng thằng Đảm vẫn bị giam cầm trong khám tối, Teng thấy không yên trong bụng. Dứt khoát Teng phải tìm được mấy chú để dẫn về đánh đồn, đánh chi khu, giải thoát cho thằng Đảm. Cứ nghĩ đến Đảm với những hành động cao thượng, gan góc hết lòng vì bạn là Teng muốn khóc. Có lẽ suốt đời, Teng sẽ không tìm thấy được một thằng bạn nào như nó. Nó phải sống! Nó phải về với Teng.
Xóm ấp sáng nay vắng tanh, lính lại hành quân ra sông? Teng phải chờ đến trưa mới dám ra khúc sông ấy được. Em đi tha thẩn trong các lô cao- su lượm củi. Mùa này, vỏ quả cao su rơi liên hồi xuống đất và thi nhau nổ tanh tách nghe thật vui tai. Sau lần thử thách ấy, Teng tự thấy mình lớn hẳn lên, thấy mình sung sức và sẵn sàng lao vào những công việc táo bạo hơn nữa. Không có thằng Đảm ở bên, Teng phải tập để có được cái tính bình tĩnh, chín chắn, lúc gian nguy cũng như bình thường.
Tới ngã ba cây gáo, nó gặp ông Tư Đờn cò đang ngồi gục như ngủ dưới bóng mát gốc cây. Lòng nó se se thương cảm. Chắc ông mới từ ấp bên về. Nghe nói ở ấp ấy, chúng nó cũng lùng sục, bắt bớ dữ lắm. Tội nghiệp ông già! Chả hay gia đình, quê quán ở đâu mà sống lay lắt hoài ở khu chợ này? Tánh ông hiền hòa, tốt bụng nên bà con trong ấp rất thương. Ông già trở thành niềm vui cho cả khu chợ. Các bà mẹ thường mang ông ra để dọa trẻ con khi chúng hư quấy. "Nè! Có nín đi không? Ông già Tư lại không hát cho nghe nữa bây giờ". "Đó! Đó! Ông Tư vô đó! Ngoan đi, má gọi ông Tư vô chơi".... Bon lính, bọn quan đồn không ngó màng gì tới ông, đôi lúc chúng kéo ra đòi ông hát những bài thật mùi cho nghe. Ông già chiều hết, ai đòi ông cũng hát, hát hết lòng, hát không cần tiền rơi vào nón. Ông hát toàn những bài nói về quê hương, về dòng sông, về con người tần tảo hay lam hay làm. Nghe ông hát, ai cũng thấy lòng dạ mình đằm thắm trở lại, hướng tình cảm về những điều lương thiện, tốt lành. Trong tiếng hát của ông, nổi rõ cái nghĩa tình làng xóm nồng nàn, tiếng hát luyến nhớ những ngày xa xưa tốt đẹp, tiếng hát gợi về một ngày mai yên hàn, tiếng hát xót xa cho tình cảnh, thân phận con người hôm nay, tiếng hát... Trong mỗi lời hát hình như có cả tiếng cười và nước mắt, có cả sự giục giã và căm hờn. Tiếng hát cứ rì rầm, ngân nga ngấm len vào tình cảm mỗi người. Những lúc ông già ngừng không đờn hát, người ta thấy ông buồn, trông ông già xọp thiểu não hẳn đi. Và giờ đây, trước mặt cậu bé Teng, ông cũng đang ngồi tư thế ấy. Teng muốn bước nhanh đến với ông, muốn chuyện trò, an ủi ông nhưng lại ngần ngại. Teng lần mò đi ra sông. Vả lại, câu chuyện ông già đêm trước bỗng dưng can thiệp vào việc chém thằng ác ôn ở chợ và nghe ông nói có biết ba mình đã bị Teng quên đi như trẻ con thường hay quên những cái rắc rối, hóc hiểm trong đời sống, bây giờ chợt trỗi dậy. Kỳ hè! Sao đêm ấy ông già lại có thái độ kỳ thế? Rồi cả cái chuyện mấy bữa nay ông lang thang sang các ấp bên cạnh nữa. Ông sang làm gì? Ở ông, có cái gì bí hiểm thế nào ấy! Như lão phù thủy trong truyện nội kể, cái gì cũng biết mà cái cái gì cũng làm ra vẻ không biết. Teng dợm chân định lặng lẽ bước qua gốc gáo. Đúng lúc ấy, ông Tư nhìn lên cặp mắt vẫn như vừa thương yêu, vừa nghiêm nghị:
- Teng! Ông chờ con hoài!
- Ủa! sao ông biết con qua đây mà chờ? - Teng giữ ý.
- Biết chớ? Có cái gì xẩy ra trong xóm ấp mà già Tư này không biết, con ngồi xuống đây, ngồi xuống! Ông muốn nói chuyện với con.
Thằng Teng bất đắc dĩ ngồi xuống. Nhìn thẳng vào mắt Teng, ông nói:
- Ông khen con đã làm cho thằng trưởng ấp thành phế nhân.
- Đâu mà...
- Không! Con đừng cãi. Thế là con giỏi, giỏi lắm! Chỉ có điều các con lần sau không được làm kiểu như vậy nữa. Muốn gì con cũng phải hỏi qua ông. Tuy mù lòa nhưng chắc ông cũng biết được điều phải quấy; lẽ thiệt hơn.
Teng câm lặng. Thoạt đầu nó định chối bay chối biến nhưng thấy kiểu cách ông già lạ quá, lại nhớ đến chuyện lần trước nếu ông già có ý định gì thì mình đã bị hại rồi.
- Chắc con muốn biết ông là ai mà cứ dính vô công chuyện của con phải không? Con nghĩ về ông thế nào thì ông là người như thế. Con cứ tin ông. Ông không xấu bụng đâu. Ông chỉ muốn ấp xóm vui vẻ, khắp nơi ai ai cũng tốt với nhau. Thôi! Con cứ coi ông là bạn của ba con là được.
- Ba con... Ông Tư! Ông và ba con là...
- Đừng hỏi! Chuyện dài lắm! Nói lâu ở đây không tiện. Nghe ông hỏi: Con tính ra sông phải không?
Teng lại câm lặng. Dù lòng đã tin tưởng nhưng không phải mỗi lúc nó xổ ruột xổ gan ra được. Nó cần hết sức bí mật để còn tìm cách cứu thằng Đảm ra. Nó không muốn bị tóm vô cớ.
- Con không nói thì tùy con. Vậy mới là con của ba con. Ông dặn nè: giờ này lính họ đã lục tục về ăn cơm trưa, con có thể đi được. Khó tìm đấy nhưng con cứ tìm sâu mọi chỗ khúc khuỷu. Nếu ai hỏi, con làm bộ đi hái rau. Mà phải hái thiệt tình một ít quẳng lên ghe. Theo ông, độ này tụi thám kích không nằm ở dưới sông đâu, họ đang sục sâu vào gò. Nếu gặp bất cứ một nhóm người lạ nào thì đó là người mình. Nhưng con phải chú ý để khỏi nhầm: người mà con muốn tìm bao giờ cũng có mái tóc và nước da khác hẳn tụi lính. Tóc cắt cao và nước da xanh hơn.
Teng bật nói luôn như bị khơi trúng nguồn chảy. Em kể hết chuyện hôm nọ gặp ba người cởi trần chui trong bụi ra sao, hình dáng, thái độ họ thế nào? Ông già Tư gật đầu trầm ngâm:
- Lần con ra sông ấy. Ông có biết nhưng không tiện hỏi. Thôi được! Chuyện này khó nhưng con cứ làm theo lời ông dặn.
Teng gật đầu. Nó không ngờ cái ranh giới nghi kỵ giữa hai ông cháu bị xóa nhòa nhanh thế. Teng bàn bạc công việc tin cậy và cởi mở với ông như đối với Đảm. Bằng trực giác ít khi nhầm của con trẻ, nó thấy ông già Tư hoàn toàn đáng tin và nó sẵn lòng nghe lời ông dặn dò như nghe lời ba nó ngày xưa.
Mặt trời đã đứng bóng. Đường đất vẫn vắng teo. Hai ông con chia tay nhau. Cậu bé đeo toòng teng cái giỏ xuống sông. Ông già hát rong lễ mễ ôm cây đờn đi vào chợ kiếm một chỗ nghỉ trưa.
o O o
Tổ trinh sát đặc công mấy hôm nay chỉ lo rời cứ mà không làm được gì cả. Chúng nó sục sạo rát cả gáy! Có lúc họ phải lội qua bên kia sông, tối lại lội trở về bám bìa ấp. Thành bật chửi: "Thằng nhóc con khốn nạn! Chính nó chỉ điểm nên lính mới bung ra dữ vậy. Bây giờ tao mà tóm được mầy?..." Anh alị giơ tay phát một con muỗi bám ở cổ. Thậm và Đoan cũng nghĩ như vậy nhưng không tiện nói ra vì sự có mặt của Ba Liễu ở bên. Cô du kích huyện đội này đã xuống đây đêm hôm qua. Đoạn đường từ huyện đến sông, bình thường chỉ đi hai đêm mà cô phải đi mất một tuần. Tất cả các đoạn lộ cần vượt, chúng đều phục kích hết. Anh giao liên trúng ổ phục bị hy sinh, mình cô bám dọc theo sông tìm được đến đây, áo quần rách nát, mặt mũi bị gai cào xiên xẹo. Lúc này cô đang nằm thiu thiu trên võng, toàn thân trùm kín một tấm vải rằn ri. Những ngày kiệt sức vừa qua đã khiến cơ thể cô không chống đỡ nổi trận sốt rét ập đến. Thậm lo quá! Thời hạn trên cho sắp hết, chờ mãi một được một người dẫn đường để móc ráp cơ sở bên trong lại lăn ra ốm. Hơn bao giờ hết, anh cảm nhận được cái thế đứng lẻ loi của một tổ trinh sát trong vùng giáp ranh đang bị chà đi xát lại nhiều lần.
- Thôi, về mẹ nó đi. Báo cáo thực với trên rồi khi nào có điều kiện lại xuống - Thành cau có.
- Thế thì dễ quá! Phải biết tìm được những khả năng trong điều kiện hạn chế nhất thì mới khó chớ. Các đồng chí ở nhà rất tin ở tổ mình.
- Thế đây là quê ông mà ông cũng không thuộc đường ngang lối dọc à?
- Anh Thành kỳ thật - Đoan quay lại - Anh Thậm đi tập kết ra Bắc từ bé, bây giờ còn nhớ được gì nữa. Mà làng của anh Thậm ngày xưa có ở đây đây, chúng nó mới dồn dân ấy chứ.
Thành thôi luôn. Đúng ra anh biết mình nói bậy ngay từ khi bắt đầu nói nhưng bực bội trong người, nói cho thông khí, còn hơn là cứ ngồi lầm lì với nhau. Thậm day mặt ra sông. Anh vốn là người mát tính, không mấy khi nổi nóng với đồng đội và đã nghĩ cái gì là nung cho chín mời thôi. Chính thế mà tiểu đoàn cử ânh xuống địa bàn ác liệt này. Anh rất hiểu lòng Thành. Đó cũng chính là tâm trạng thực sự của anh. Chỉ có khác: một người nói ra, còn một người giữ lại. Xưa nay anh không thích cái trò thuyết lý cao đạo có vẻ dạy đời với đồng đội. Nằm gai, nếm mật với nhau trên chục trận, quá hiểu nhau và tự hiểu rõ về mình, giảng giải làm gì. Người nào cũng có khả năng tự phân tích, tự biết mình phải hành động ra sao. Do đó, không phải chỉ cấp trên mà ngay cả bạn bè cũng quý tin anh. Phong độ ấy vào cái thời khắc này thật cần thiết, nó có tác dụng giữ cân bằng được thần kinh của tổ và của cả cô du kích đang nằm rung bắn võng lên kia nữa.
Lát sau, Ba Liễu mở chăn ra, trán nhấp nhấp mỗ hôi. Tiếng nói phát ra từ đôi môi heo héo:
- Mấy anh đừng lo. Em thấy trong người khỏe rồi. Tối nay ta có thể bắt đầu đột ấp được. Cô gượng ngồi dậy:
- Dậy làm gì! Cứ nằm nghỉ đi cô Ba - Thành vẫn càu cạu - Chuyện sống chết chứ cô tưởng chuyện chơi đấy mà đang bệnh cũng đòi lội sông đột ấp. Khỏe như tôi cũng còn đang ngán nữa là cô.
- Chính vì là chuyện sống chết nên em mới cần đi. Đối với chúng em, sốt rét ăn nhằm gì. Mệt lả người nhưng hết cơn lại khỏe ngay. Em đề nghị ta cứ đi.
Họ tạm thời im lặng giây lâu. Bỗng Đoan nhỏm người dậy, nhìn chói ra sông:
- Anh Thậm! Thằng bé hôm rồi! Có đúng không?... Đúng đấy. Cái chán với nước ra kia có trộn cũng không lẫn.
Tất cả nhổm người nhìn ra. Ba Liễu cũng ngồi dậy vấn lại tóc.
Thành nghiến răng nói rin rít:
- Đúng nó rồi! Đang muốn đập phá đây! Tự dưng lại dẫn xác đến đây hả con? Vậy thì ông cố nội mày cho mày xuống gặp ông bành tổ dưới sông luôn. Để nó cho tôi!
Đoan kéo áo anh lại, nói nhỏ:
- Coi chừng nó dẫn theo lính đằng sau! Phải thận trọng.
- Dẫn theo cũng mần. Đánh nhau luôn!
Thậm phẩy tay, mặt anh nghiêm lại. Anh rất ít khi làm mặt nghiêm nhưng một khi đã nghiêm thì ai cũng nể. Thành đành bấm bụng ngồi xuống nhưng mắt vẫn mở trừng trừng, tưởng có thể nuốt trửng đối thủ.
Ngược lại với trạng thái hừng hực ấy, ngoài mặt sông, thằng bé vẫn bình thản cho thuyền trôi êm êm. Trên ghe của nó đã nằm gọn bó rau móp non búng. Thỉnh thoảng nó lại lơ đãng nhìn ra xung quanh như muốn tìm những ngọn rau non hơn nữa. Tiếng cá đớp bóng chóp chóp trước mũi thuyền cũng làm cho nó dừng lại ngắm nghía với vẻ xuýt xoa, tiếc rẻ. Tóm lại, dáng bộ thằng bé hôm nay khác hẳn với thằng bé hớt hải, xăm xoi lần trước khiến ai nấy đều ngờ ngợ. Họ nhìn ra xa phía sau nó: không có một bóng lính nào, vẫn chỉ có những vạt lau sậy xào xạc buồn tênh!
- Thằng oắt này cáo già lắm! Nó giả đò đấy! - Thành vẫn cắn chặt quai hàm. Cứ để nó vô đây... Vô đây...
Chiếc thuyền không biết được nỗi đe dọa ấy, nó cứ bập bềnh tiến vào. Rau móp được hái quẳng vào lòng thuyền nhiều hơn. Và nét mặt thằng bé mỗi lúc một bớt bình thản đi hơn. Đã có lúc nó cạy mũi thuyền cho lạng ra giữa dòng, tưởng nó lộn lại nhưng ngay sau đó nó lại khua giầm đi tiếp. Nhìn kỹ thấy ánh mắt nó thật căng thẳng. Chả mấy lúc mà mũi thuyền đã chạm vào cành lá trước mặt mọi người... Chiếc thuyền đâm sâu vào nữa. Khác với lần trước phải lùi lại, thấp xuống tránh né, lần này Thành đứng thẳng người lên đón đợi, phiến ngực to tướng của anh như trùm lấp cái dáng nhỏ nhoi của chú bé. Anh nặng giọng:
- Lại là chú mày! thế nào? Khỏe đấy chứ? Vô đây! Lẹ lên! Trước tiếng nói ồm ồm bất thần phát ra từ trong bụi cây, thằng bé chỉ hơi giật mình một tí rồi trấn tĩnh lại ngay. Nó chưa kịp cụ cựa gì thì Thành đã nắm mạnh lấy tay nó, xốc nách bế bổng lên đặt gọn xuống ván.
- Sao? Có ai đằng sau mày không? Mày dẫn lính đi cắt cổ chúng tao hả? Gọi vô đây - Nắm đấm sần sùi của Thành siết lại trông đến khiếp.
- Khoan! Anh Thành! Đoan vội đứng dậy ngăn lại như sợ bạn trong phút chốc xé toang thằng bé ra làm hai mảnh mất.
Quái lạ! Thằng bé không hề hoảng sợ mà mặt cứ tươi dần lên. Nó lẳng lặng đưa mắt nhìn kỹ từng người, nhìn lâu hơn vào cô gái ngồi trên võng và vào khuôn mặt Đoan rồi cười.
- Cười cái gì? - vẫn giọng Thành.
- Sao mấy chú nói mấy chú là thám kích mà lại sợ cháu dẫn lính vô đây? Lính nào mà lại đi cắt cổ thám kích!
Cậu bé nói rồi, con mắt ánh lên vẻ ranh mãnh. Thành ớ ra! Anh không kịp nghĩ đến tình huống này. Anh định nạt bừa một câu nữa nhưng chú bé đã nói tiếp rất tự tin:
- Cháu biết mấy chú không phải là thám kích đâu. Mấy chú là Việt cộng!
- Ai bảo mày? Lính nó sai mày đi dò la hả? - Thành lấy lại được sắc thái, vội dấn luôn một đòn.
- Thám kích suốt ngày rang nắng không có thứ màu da tai tái như mấy chú - cậu bé vẫn nói tươi tỉnh. Không có mái tóc húi ngắn như mấy chú, tóc chúng nó dài chùm kín tai kia. Và, thám kích làm gì có con gái bệnh đau thế kia. Mấy chú là Việt cộng!
- Á à! Mi định chơi con bài hai mặt hả? Đưa tay đây! - Thành càng trợn mắt.
Cậu bé thản nhiên đưa tay:
- Cháu chẳng sợ. Cháu biết thừa đi rồi. Lính biệt kích không ai nói đặc giọng bắc như cái chú đẹp đẹp kia.
Thành lại ớ ra lần nữa, lắc đầu ngán ngẩm. Còn Đoan thì đỏ bừng mặt lên.
Đến đây, Thậm không để cho Thành nói nữa. Anh nói chú bé ngồi xuống, dịu dàng hỏi:
- Thế nếu mấy chú là Việt cộng thật thì sao? Cháu tìm mấy chú làm gì?
Căng đối căng. Mềm đối mềm. Trước cử chỉ hiền hậu của Thậm, Teng chùng giọng xuống:
- Mấy chú đừng xí gạt cháu, đừng đuổi cháu về. Mấy chú cho cháu ở lại đánh giặc với. Chúng nó giết ba cháu, cháu thù lắm, cháu đã bẫy hố chông cho nó lụi giò nhưng thằng Đảm bạn cháu...
Teng nói đến đây thì cô gái từ từ đứng dậy. Cô đã nhìn kỹ nó từ đầu và bây giờ cô không thể không nói được:
- Cháu vừa nói ba cháu bị giết? Ba cháu là ai?
- Ba cháu tên Việt. Bà con gọi Sáu Việt. Cháu lâu lắm không gặp ba cháu, khi gặp được thì... Nó nghẹn lời.
Cô gái bỗng ôm chầm lấy Teng, nước mắt cũng lưng tròng. Hồi lâu cô ngẩng đầu lên, nói qua hàng nước mắt:
- Mấy anh ơi! Đây là thằng Teng, con đồng chí Sáu Việt quận đội trưởng vừa hy sinh trong ấp bữa rồi đó.
Khi còn sống, đồng chí ấy thường nhắc đến nó và khổ tâm vì không được nhìn thấy con.
Không khí trong lùm lắng đi. Nghe thấy cả tiếng trái chà là va nhau tinh tinh... Người đầu tiên sà xuống cạnh Teng lại chính là Thành. Giận giữ thì ghê gớm nhưng hiểu ra thì lại lành ít ai bằng. Anh vò đầu bứt tai có vẻ khổ sở lắm và cứ đón ánh mắt của Teng để cười làm lành một cái.
Ngồi trong nhóm người thân yêu, lần đầu tiên Teng thổ lộ hết những điều bấy lâu ủ rấm, em thỏa thuê kể hết lòng mình. Đến đoạn thằng Mắt-kính-máu hộc lên như con heo bị chọc tiết trong lô cao-su, không kìm được, Thành vỗ đùi đánh bách khiến Thậm phải lừ mắt. "Biết ngay mà! Nhìn con mắt xam xám, cái trán gồ lên phía trước là tôi biết tay này gan mà". Anh nói vuốt đuôi và chợt để ý đến cái cười mỉm ý nhị của Đoan: "Thôi đi ông! Thế lần trước ai nói cái mắt nó gian lắm?". Thành thoắt húng hắng ho, từ đó ngồi im không ngọ nguậy, nói chen vào nữa.
Kể đến đoạn thằng Đảm bị tra tấn chết đi sống lại vẫn một mực làm thinh, Teng bỗng thấy khuôn mặt chú Thậm tái nhợt đi. Đó! Cái thằng Đảm bạn nó, ai nghe đến nó cũng đều thương cả. Em vẫn tiếp tục kể. Bao nhiêu thương yêu, xót xa đối với bạn, Teng nói ra hết. Phải nói cho hết mới đỡ khổ tâm, mới đỡ day dứt. Teng không để ý rằng chú Thậm không còn ngồi trước mặt mình như lúc đầu nữa mà kín đáo lui ra sau, mặt day ra sông...
- Đảm nó là con ai đó cháu? - Cô gái hỏi khẽ.
- Nó là con bác Năm Hinh. Từ ngày nó bị bắt, bác càng hay uống rượu. Đi qua nhà thấy con mắt bác cháu sợ lắm! Cháu chỉ muốn cứu được thằng Đảm để bác vui thôi.
Nghe tới đây, Thậm đột ngột quay lại, nắm chặt lấy vai Teng, nói rung cả giọng:
- Út! Nhất định chúng ta sẽ cứu được Đảm. Nhất định...
Thằng Đảm nhìn chăm chăm vào mắt Thậm rồi há hốc miệng ra, khuôn mặt sáng bừng lên như có nhiều giọt nắng đọng vào.
- Chú...Chú... Sao chú giống thằng Đảm thế? Thằng Đảm cũng có con mắt, cái miệng nhỏ... Rồi như không cần suy đoán thêm nữa nó ôm chầm lấy Thậm, khẽ reo lên. - Anh Hai! Đúng anh Hai của thằng Đảm đây rồi! Chú có đúng là anh Hai Thậm không?
Mọi người sửng sốt nhìn sang Thậm. Anh không nói gì chỉ khẽ gật đầu và càng ôm riết thằng Út vào Ngực, con mắt hơi nhòa đi. Đến lúc này mới thấy Thằng Teng khóc. Khóc thật sự. Khóc như chưa bao giờ được khóc khiến cô gái phải vừa dỗ vừa lau nước mắt mãi cho nó.
Mặt trời đã trôi sang bên kia sông, Thậm sửa lại quần áo cho Teng và nói:
- Muộn rồi! Thôi em về đi kẻo chúng nó nghi.
Đến bây giờ, Teng mới choàng tỉnh, câu nói của anh Thậm nhắc em trở lại với mục đích chuyến đi này. Teng quầy quả:
- Ơ! Sao anh Hai lại bắt em về. Em tìm mãi mới được các anh có phải để về đâu?
- Thế ý Út thế nào? - chị Ba ân cần hỏi.
- Em muốn ở lại đây đánh giặc chị Ba! Chị Ba nói với mấy anh cho em ở lại đi. Em biết ơn chị ba nhiều.
- Ôi! Không được đâu. Cái đó để chị xin ý kiến mấy anh trên quận đã. Mà em đã nói gì với má đâu mà nóng đi dữ vậy?
- Nói má, má lắc đầu liền. Em tự ý quyết định thôi. Em lớn rồi chứ bộ.
Nhưng theo mấy anh ngay lúc này không có được. Ở ngoài này khó lắm! Ngay bản lãnh như mấy anh mà có lúc còn chịu không nổi nữa là. Thôi, nghe chị, em về đi. Chị hiểu lòng em, chị hoan nghênh nhưng để mấy tuổi nữa, em lớn lên đã, lúc ấy còn giặc, tha hồ mà oánh.
Teng nhìn sang tổ ba người cầu cứu! Các anh cũng lặng lẽ lắc đầu. Teng nhìn như van lơn! Các anh lắc đầu. Mặt em xị ra chực khóc, mấy anh vẫn lắc đầu. Thế là hết! Biết vậy không tìm nữa cho xong. Mấy anh, mấy chị không thương thằng Đảm mà. Em dằn dỗi:
- Được! Em sẽ về nói với má rồi xách đồ ra đây. Lúc đấy mấy anh không cho ở, em cũng ở. Gạo mắm em tự lo lấy, không phiền tới mấy anh đâu. Còn việc oánh giặc, đừng có coi thường con nít.
Thành cười xòa:
- Thấy chưa! Thấy thằng bé ngon lành chưa. Anh Thậm! Hay là...
Thậm vội đưa mắt cho bạn. Anh lại kéo sát Teng vào với mình:
- Ý thức đánh giặc của em thế là tốt. Nhưng em đi lúc này, chúng nó sẽ bắt má đánh đập. (Thấy Teng nhìn lên chơm chớp mắt, anh nói tiếp) Nếu em muốn đánh giặc, bọn anh sẽ bầy cách cho em, không cần phải đi đâu cả. Đánh ngay trong ấp, ngay trong ruột chúng nó như vừa rồi em đánh, thế mới độc. Vả lại, bọn anh lúc này đang chơ vơ, em sẽ là nòng cốt, sẽ là mối liên lạc báo tin đắc lực cho bọn anh, giúp bọn anh kiếm gạo mắm để ăn mà lo đánh giặc nữa. Em ra ngoài này, bọn anh bị hẫng chân đó.
Trẻ con dù muốn hay không cũng ưa nói ngọt, lại thấy vị trí của mình trụ lại trong ấp có tầm quan trong ghê gớm quá, Teng đã thấy xuôi xuôi. Khi nghe nói sẽ là đầu mối liên lạc báo tin, em mới chợt nhớ đến lời dặn của ông già Tư Đờn:
- Chị Ba! Chị có biết ông Tư Đờn cò không?
- Ủa! Em gặp ổng hả? Gặp hồi nào?
- Khi em ra đây, ông Tư có gửi lời hỏi thăm mấy anh.
Con mắt Ba Liễu sáng rực lên, hơi thở chị dồn dập:
- Các đồng chí ơi! Ông Tư vẫn còn sống. Cách đây ít bữa, trên quận nghe tin ông bị bắt mang đi thủ tiêu rồi.
Thành làu bàu:
- Nhưng ổng là ai mà coi bộ chị mừng rơn vậy.
- Là đồng chí bí thư chi bộ mật kỳ cựu ở năm ấp vùng sông này đó - Nước da tai tái của Ba Liểu đỏ hồng lên. - Trời ơi! Thế là hên cho tụi mình rồi. Có ông Tư là có tất cả. Ông trước cũng là người sáng mắt, nhưng từ khi chúng nó khủng bố gắt quá, hầu hết những cán bộ nằm vùng đều bị bắt, ổng phải tự làm hư mắt để bám lại ấp. Bà con tin ông lắm. Còn ông trụ lại phong trào vùng này không tàn lụi được. Hèn chi mấy tháng nay, dù chúng dốc lực bình định nhưng vẫn không giữ được an ninh. Nhất định phải gặp ông.
Thằng Teng tròn mắt ngơ ngác. Từ lúc gặp tổ đặc công đến giờ. Bao nhiêu cái kỳ lạ mới mẻ xẩy ra liên tiếp khiến nó không hiểu ra làm sao cả. Trước cái vui trong ánh mắt mọi người, nó cũng toét miệng ra cười chiếc răng cửa gãy từ khi nào làm cái cười của nó nom đến ngộ.
Anh Thậm đột nhiên hỏi:
- Bà con trong ấp thế nào em? Cực lắm hả?
Đốm sáng trong mắt Teng vụt tắt. Tiếng nói em lặng hẳn xuống.
- Cực lắm mấy anh ơi! Cứ thế này rồi chúng nó giết dần giết mòn hết mất! Bà con mong mấy ảnh lắm! Ngày ngày đi bán cá cho từng nhà, em biết - rồi giọng nó chợt rắn lại - Nhưng hổng ai chịu cả đâu. Tất cả đang chờ các anh về giết hết bọn ác đó. Giọng em uất ức đè nặng vào lòng mọi người. Mặt trời đã sắp lặn. Không nấn ná được nữa, em ngậm ngùi chia tay mọi người bước xuống ghe.
Út Teng Út Teng - Chu Lai Út Teng