Chương 1
Ông nội tôi xưa là một vị quan lớn, do khoa cử xuất thân, về triều vua Thành Thái. Thầy tôi, bởi vậy, rất bảo thủ, mặc dù thầy tôi đã xoay sang học chữ Tây, và đã đỗ tới tham biện lục bộ.
Thầy tôi tôn sùng Khổng giáo hết sức. Lễ, nghĩa, liêm, sỉ, hiếu, đễ, trung, tín, đối với thầy tôi, đều là những nguyên tắc không bao giờ suy suyển; và cái bổn phận tự nhiên của con người ta sống ở đời chính là phải hành động theo đúng những nguyên tắc ấy. Xử với ngoài cũng như đối với trong nhà, thầy tôi chẳng hề để một ai gần gũi được. Sự thân mật đến sàm sỡ là điều thầy tôi rất kỵ. Những cách biểu lộ tình cảm ra mặt và cử chỉ đều bị thầy tôi khinh ghét, coi như chỉ hợp với đàn bà, con trẻ. Lối ngồi ngay ngắn, dáng đi khoan thai, mắt nhìn thẳng, áo khăn thường chỉnh tề, bấy nhiêu cái đủ chứng thực những thói quen tinh thần của thầy tôi.
Thầy tôi cho sự nghiêm khắc là cái đức tính quan trọng nhất. Do đấy, lần nào nói với tôi, thầy tôi cũng giữ vẻ mặt lạnh lùng. Câu châm ngôn thứ nhất của thầy tôi là: không cảm động. Nhưng, nếu tôi làm tròn phận sự, thầy tôi sẽ thưởng ngay. Có điều, làm tròn phận sự, theo ý muốn của thầy tôi, chính lại là một điều trái ngược hẳn với sở thích của tôi. Thầy tôi muốn bất cứ lúc nào tôi cũng cứ ngồi lì trước bàn học: "Các bài mới thuộc rồi thì ôn qua các bài cũ. Nếu không, hãy đem sách tập đọc ra mà xem!" Thầy tôi quý sách lắm, và ham xem sách như người ta ham đánh bạc hoặc uống rượu. Những sách thầy tôi hay giở đến nhất hầu hết là những sách chữ Nho, vừa của ông nội để lại vừa của thầy tôi tự mua lấy. Chủ nhật cũng như buổi trưa và các buổi tối ngày thường, thầy tôi chỉ ngồi kín trên gác đọc sách. Nội bao việc nhà việc cửa đều phó thác cho mẹ tôi. Mẹ tôi lại giao mặc chị gái tôi, chỉ ngó qua đại thể. Không phải tôi ngụ ý bảo mẹ tôi lười. Mẹ tôi có thể rất chăm chỉ, và đảm đang nữa. Nhưng mẹ tôi - cũng như trăm nghìn bà thượng lưu Việt Nam khác - cho rằng có sống một cách rỗi rãi, đài các mới xứng với cái địa vị xã hội của mình. Mẹ tôi thường nói: "Bố chồng làm quan to, bố đẻ cũng làm quan to; nay chồng lại dự vào hàng tham đốc, mình tội gì không nhàn nhã cho nó sướng cái thân!". Hiềm một nỗi, sự an nhàn nếu quả là dấu hiệu của quý phái, nó thường lại cũng là nguồn gốc của chán nản. Những lúc thầy tôi đi làm vắng, mẹ tôi ngồi suông một mình ở nhà mãi đâm buồn, thành thử hay chạy đến thăm các bà bạn cũng đương buồn như mẹ tôi. Các bà họp nhau chuyện phiếm, rồi quay ra tổ tôm, tài bàn, nếu không kéo nhau đến các đền kia, phủ nọ mà lễ bái, mà đồng bóng.
Về tâm tính, mẹ tôi khác thầy tôi như trắng với đen. Mẹ tôi hiền thảo, dễ dãi, hay kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe, và hay vui cười với chúng tôi. Tiếng cười mới đầm ấm làm sao! Mẹ tôi có thể là một nơi an ủi, một nơi lẩn trốn tinh thần cho tôi, những khi mà sự nghiêm khắc, vẻ lạnh lùng của thầy tôi làm tim tôi se lại. Nhưng, mẹ tôi có lúc nào ở nhà! Cứ thực thì mẹ tôi đã nhiều phen được chứng kiến những trận tôi phải đòn, phải mắng. Mẹ tôi không bao giờ can thiệp, mẹ tôi chỉ khẽ lén dúi tiền vào tay tôi: "Con cầm lấy mua quà hay là đi xem chớp bóng!".
Tôi vừa ăn quà vừa lấy vé vào xem ciné. Là bởi, những món tiền mà mẹ tôi dúi cho tôi, thường trên một đồng bạc. Tôi dần dần ưa thích cái đời sống sôi nổi, mù lòa, say sưa ở ngoài phố - cái đời sống đích thực, với những luật lệ tàn khốc của nó, mà ta chỉ nhận thấy được khi nào hai mắt ta không bị lòa quáng bởi những danh từ rực rỡ nhưng rỗng tuếch. Rồi, do sự so sánh, tôi bắt đầu chán ghét cái đời sống giữa gia đình, nó lạnh lẽo, rời rạc và nhân tạo.
Gia đình tôi tuy cùng sống chung một nhà mà, sự thực, mỗi người vẫn rất xa nhau. Hằng ngày, chỉ những lúc hai bữa cơm là cha, mẹ, chị tôi và tôi mới giáp mặt nhau, thì những cuộc hội họp ấy lại càng tẻ ngắt hơn. Chị tôi và tôi không được phép nói hoặc cười, vì thầy tôi vẫn chẳng thường yên trí: "Trẻ con chúng mày thì đã biết gì!" đấy ư! Sự yên trí của thầy tôi tỏ ra người lớn đã lầm to, và chẳng hề có nổi một chút ý niệm nào về sự thông minh của trẻ. Dù sao, chúng tôi vẫn không dám trái lệnh thầy tôi. Trong khi ấy, chính thầy mẹ tôi cũng ít nói cười, trừ một vài câu nhận xét về các món ăn nóng hay nguội, mặn hay nhạt quá, và những việc có liên lạc đến sự sống chung của gia đình tôi mà thầy mẹ tôi thấy cần phải đem ra bàn bạc. Những câu chuyện này thường bí hiểm cho tôi và chẳng hứng thú chút nào. Tôi đành cắm cổ ăn cho mau cho chóng để đứng lên, cốt ra khỏi bầu không khí câm lì và tẻ lạnh.
Về những buổi chiều mùa đông, chưa sáu giờ đã tối sẩm, và mưa phùn, gió lộng, tôi co ro trong lòng một chiếc ghế quá rộng, hay để ý ngắm nghía thầy mẹ tôi hàng giờ. Tôi chú ý nhất cái dung mạo của thầy tôi và cố phỏng đoán những tư tưởng, những rắp định giấu kín sau cái vẻ lạnh lùng, nghiêm khắc ấy. Tôi tiếc không nhớ rõ rằng những thời khắc nhận xét tỉ mỉ nọ đã gieo vào óc tôi những cảm tưởng gì. Tôi chỉ có thể nói: càng ngắm kỹ để cố hiểu thầy tôi, tôi càng thấy tôi xa thầy tôi quá.
Sau cùng, chính sự nhịn nói và sự cô độc bắt buộc mỗi ngày một trở nên khó chịu cho tôi. Lâu nay, tôi đã có một ý thức khá rõ về đời sống riêng của tôi. Tôi luôn luôn chìm đắm trong những mộng tưởng, những cần thiết, những ước ao, ngầm ngấm và mơ hồ, nó kế tiếp nhau không ngớt. Tâm hồn tôi như một thứ quả hãy còn xanh đã bị đem rấm ép, một thứ quả mọi rợ vẫn âm thầm giữa thẳm rừng hoang, tự lúc mới thành hình.
Tội Nhân Hay Nạn Nhân Tội Nhân Hay Nạn Nhân - Lan Khai Tội Nhân Hay Nạn Nhân