Rừng Xưa Xanh Lá epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 1
ơm áo không đùa với khách thơ
Xuân Diệu
Cơm áo không đùa với bất kỳ ai. Lại càng không đùa với các nhà văn nhà thơ. Nhất là vào cái thời cuối thập niên 80 (của thế kỷ trước) nền kinh tế cả nước đang chuyển từ hệ thống bao cấp sang kinh tế thị trường. Biến động mạnh từ suy nghĩ, quản lý, hàng hoá, giá cả tới bản thân giá trị đồng tiền.
Ðình Kính, nhà văn quân đội với đồng lương đại uý (ngày ấy anh đeo lon bốn sao một vạch) mà phải cùng vợ nuôi hai con nhỏ đang đi học, đó là chưa kể bố mẹ già. Không dám ước vọng cao xa ti vi cát xét tủ đứng tủ li. Chỉ nghĩ đến cái ăn để tồn tại, có đủ tiền mua sách bút, đóng tiền học cho con và có đủ tiền mua được manh áo ấm cho bố mẹ vợ con mỗi khi gió rét từ biên giới thổi về. Lại còn phấn đấu có một chút dự trữ chiến lược phòng khi ốm đau.
Phải có tiền. Tiền là tiên là phật, sức bật tuổi trẻ, sức khoẻ tuổi già... Và cũng chỉ còn mỗi cách kiếm tiền: Viết thuê. Dùng nghề nghiệp của mình kiếm sống. Thôi thì đành gác lại những trang sách vẫn nghiền ngẫm nung nấu, những tác phẩm sẽ được viết ra bằng tim gan mình. Hãy để lại sau. Ðể đến bao giờ chưa biết, nhưng trước mắt là kiếm sống.
Ðình Kính đã đi viết thuê và đã kiếm được tiền. Bữa ấy anh lang thang vào tận vùng rừng núi Ðồng Nai, tìm ra được một ông giám đốc một lâm trường quốc doanh và cũng là một đồng hương. Ông là người đi đầu trong việc tháo gỡ cơ chế cũ, táo bạo, dám nghĩ dám làm, một người có thể tuyên dương anh hùng được mà bắt bỏ tù cũng được theo như quan niệm của thời đầu mở cửa. Anh đã hoàn thành một bộ phim về ông, về lâm trường. Phim đã chiếu cho lâm trường xem và còn được phát cả trên màn ảnh nhỏ. Không thể diễn đạt được xúc động của lâm trường, của ông giám đốc khi thấy hình ảnh mình trên ti vi. Với lâm trường, Ðình Kính là một thiên tài, là hiện thân cho sức mạnh toàn năng của nghệ thuật. Phấn khởi đầy lòng, ông giám đốc nọ nhờ Ðình Kính giúp cho một tập sách về đơn vị.
Nghĩ ngay đến những bạn bè cũng đói rách như mình, nhưng Ðình Kính vẫn làm ra vẻ cân nhắc, đắn đo:
- Sếp nói rất chính xác. Giấy trắng mực đen bình thường thôi nhưng vô cùng quan trọng. Nó đi vào từng gia đình, từng người. Nó đi vào chiều sâu lòng người. Nó đi vào thư viện. Con cháu chúng ta vào thư viện là sẽ biết cha ông chúng đã sống và làm việc như thế nào. Phim cũng quan trọng nhưng không thể ví với sách được. Nhưng đây là một việc khó khăn, một mình tôi không làm nổi. Phải vài người cùng làm mới bảo đảm được thời gian. Ðể kỳ này ra Hà Nội tôi nói khó với mấy anh ngoài ấy.
It ngày sau Ðình Kính đưa hai nhà văn khác cùng vào. Giám đốc rạng rỡ nét mặt khi được giới thiệu đó là hai nhà văn nổi tiếng, những cái tên ông đã nghe thấy từ lâu mà hôm nay ông mới vinh dự được gặp. Với thói quen của một người làm kinh tế, giám đốc cho thảo hợp đồng gồm những nội dung chủ yếu: Thời gian hoàn thành bản thảo là hai tháng, ăn nghỉ, tầu xe ra vào lâm trường lo, khi bản thảo được duyệt và thông qua, mỗi nhà văn sẽ được bồi dưỡng một chỉ vàng! (Giám đốc giải thích thêm: Phải quy ra vàng các đồng chí ạ. Nếu tính nhuận bút bằng tiền tôi sợ thiệt cho các nhà văn. Ba trăm đồng tháng này là ba trăm, tháng sau còn trăm rưởi, tháng sau nữa chỉ còn một trăm. Cho nên ta cứ tính thành vàng, vàng bản vị, các nhà văn tán thành không? Nhất trí! Tiếng ba nhà văn đồng loạt cất lên.) Mỗi người một chỉ vàng! Một tài sản khó mà hình dung được ngày ấy!
Như mở cờ trong bụng, ba nhà văn nhanh chóng dự các cuộc họp, nghe báo cáo, xuống các đội sản xuất, vào rừng vẩn vơ, nhìn suối chẩy, nghe chim hót để lấy... không khí.
Ba người không viết ở lâm trường. Ðích thân giám đốc đưa họ xuống biển, xuống Long Hải, một khu nghỉ mát sang trọng, yên tĩnh, cách Vũng Tầu hơn mười ki lô mét. Chả lâm trường còn liên doanh với một đơn vị du lịch và có những khách sạn sát biển. Ông giám đốc họp toàn thể cán bộ nhân viên khách sạn để giới thiệu ba nhà văn:
- Trân trọng giới thiệu với các đồng chí ba nhà văn quốc gia! Ba nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội. Các đồng chí vào giúp chúng ta viết và xuất bản một tập sách về lâm trường. Ðây là nhà văn Ðình Kính mà các đồng chí đều đã biết. Ðây, nhà văn Chu Lai, nhà văn quân đội kiêm kịch sĩ. Còn đây nhà văn Nguyễn Quang Thân, tác giả nhiều tập tiểu thuyết, truyện ngắn mà các đồng chí đã đọc.
Các nhà văn lần lượt đứng lên, cúi đầu chào, nở nụ cười khiêm tốn, lịch sự, nụ cười ra mắt. Ông giám đốc ôm vai từng người như những chiến hữu cánh hẩu trước bao con mắt kính phục của các nhân viên dưới quyền. Ông nói về việc bố trí phòng ở "mỗi người một phòng, trong phòng phải có cả bàn viết", về tiêu chuẩn ăn, về lượng bia phải có hàng ngày, không được để các đồng chí ấy thiếu thốn cái gì:
- Còn khoản thuốc lá nữa. Các nhà văn hút nhiều, hút nặng đấy. Mỗi người một ngày một bao thuốc lá Jet. Nhớ là thuốc lá Jet. Các đồng chí ấy chỉ hút thuốc lá Jet. Ðừng có mang Ba số đến. Ðừng tưởng ai cũng thích Ba số cả đâu!
- Mỗi nhà văn một ngày một bao Jet! Ông nhắc lại một lần nữa và nhìn lướt đám nhân viên của ông như nhắc họ chớ quên điều quan trọng ấy.
Ðám cán bộ nhân viên xì xào:
- Mình thì cứ cho Ba số là nhất. Khách nào cũng Ba số.
Những tiếng thì thầm ấy đến tai giám đốc. Ông cười, hài lòng. Còn anh chị em nhân viên khách sạn từ ấy nhìn giám đốc của mình với đôi mắt hoàn toàn khác: Sếp không chỉ là người quản lý tài ba táo bạo, mà còn là chiến hữu với các nhà văn lớn, những nhà văn quốc gia, hiểu biết cặn kẽ những điều nhỏ nhất trong sở thích của họ.
° ° °
Ba nhà văn của chúng ta bắt tay vào việc bán chữ. Tất nhiên là sau khi tắm biển, uống bia, ăn sáng và phì phèo thuốc lá Jet.
Chu Lai, Ðình Kính hút thử một hơi và ho sặc sụa. Cả hai đều không biết hút. Còn Nguyễn Quang Thân hút vào lại thở ra, không có tí khói nào lọt tới họng, phì phò như một cái bễ. Thân hút thuốc lào, Thân chịu được, không ho. Thân nhận trách nhiệm thỉnh thoảng làm một điếu trước đám nhân viên khách sạn. Ba phòng làm việc của ba nhà văn lúc nào cũng có ba bao thuốc lá bóc dở và có tàn thuốc trong ba cái gạt tàn. Nguyễn Quang Thân chẳng viết được một dòng nào, nhưng bù lại, Thân bập bập thuốc lá chăm chỉ. Cứ xuất hiện giữa đám nhân viên khách sạn là Thân bật lửa châm thuốc. Ác cái là loại thuốc Jet này quá nặng. Chẳng hiểu căn cứ vào đâu mà ông giám đốc anh hùng kia lại tuyên bố là các đồng chí ấy chỉ hút thuốc lá Jet. Ðừng có mang Ba số đến. Ðừng tưởng cứ Ba số là hay đâu. Không. Ba số hay lắm chứ đồng chí giám đốc ơi. Ba số có bập bập thế này cũng không ho. Ba số dễ bán. Giá cao. Bán ở đâu cũng được. Ba người đã đi chung quanh khu nghỉ mát, rụt dè hỏi han xem người ta có mua thuốc lá Jet không. Họ đều lắc. Ở đây không ai hút Jet. Ở đây người ta chỉ hút thuốc thơm. Ba số, Dunhill, bét ra cũng Capstan. Jet không bán cho ai được.
Không bán được, không hút nhưng vẫn nhận thuốc đều đặn. Một tháng đầu đã 90 bao thuốc Jet. Trừ ba bao để ở ba phòng cho Nguyễn Quang Thân hút nghi binh còn 87 bao. Chỉ trông cái túi du lịch phồng căng cũng đủ sốt ruột. Cho nên thật tỉnh người khi Chu Lai nguyên chiến sĩ đặc công nước từ đâu chạy về khách sạn:
- Mình đã tìm được nơi bán thuốc lá Jet rồi. Chỗ này nó không mua thuốc gì khác ngoài thuốc Jet.
Chuyện cứ như đùa. Cứ như thần thoại.
- Thật không?
- Ở đâu?
Chu Lai nhấn mạnh:
- Nó không mua thuốc gì! Nó chỉ mua thuốc Jet! Nó đang chờ mình ở cuối bãi tắm! Ði nhanh!
Thế thì thật rồi! Ðặc công có khác! Giỏi thật! Cả ba ôm túi du lịch chứa đầy thuốc lá ra khỏi khách sạn. Ông chủ nhiệm khách sạn đang ngồi trong phòng Reception tươi cười:
- Vừa tắm rồi các nhà văn đã lại tắm nữa à? Máu thế?
Ðình Kính cười tít mắt:
- Biết làm sao. Lại thích bơi!
Cả ba bước nhanh ra bãi tắm, còn nghe tiếng trầm trồ của ông chủ nhiệm:
- Chịu mấy ông. Giữa trưa nắng thế này mà cũng rủ nhau đi tắm biển. Ðúng là văn nghệ sĩ!
Ba nhà văn cuốc thẳng ra bãi tắm, cười rinh rích về phẩm chất nghệ sĩ của mình.
- Ðâu? Nó đâu?
Chu Lai chỉ tay về một chấm đen ở cuối bãi. Tới nơi, một thanh niên ngồi trên xe 67 chờ sẵn. Chu Lai ôm túi du lịch nhẩy lên ngồi sau xe, vênh mặt nhìn hai người, đắc thắng. Xe vút nhanh phóng ngược trở lại. Cát bay mù mịt. Nguyễn Quang Thân, Ðình Kính đứng nhìn theo mãi chiếc Honda 67 rũi bụi dọc bãi tắm và khuất vào khu khách sạn. Hai người rất ngạc nhiên thấy chiếc xe quay về ngay, lần này phóng nhanh hơn lần trước, tiếng rú rít lên giận dữ.
Từ trên xe, Chu Lai xách túi du lịch nhẩy xuống, cái túi vẫn căng phồng như thế. Dừng lại một tí. Hình như là để cãi cọ. 67 phóng đi. Rồ ga. Thổi bụi vào mặt Chu Lai.
- Sao? Sao lại quay lại?
- Không bán được à?
Chu Lai nhăn nhó:
- Tưởng bán ở đâu. Ai ngờ nó lại bán cho đúng khách sạn ba thằng mình ở!
° ° °
Thuốc lá rồi cũng bán được. Ði xa hơn. Bán ít một. Giá rẻ. Thế thôi.
Còn lại là viết. Nhưng chỉ Chu Lai, Ðình Kính viết. Nguyễn Quang Thân không. Không được chữ nào. Lại còn hay sang quấy nhiễu:
- Cách đây mấy năm tớ đi dự tổng kết của một ngành. Trong hội nghị có lựa ra một số ít cốt cán tin cậy cho đi xem vi đê ô. Vi đê ô ngày ấy còn là của hiếm. Mấy ai được xem. Mình được chọn. Nhà văn nhé. Ðảng viên nhé. Không được đi thì còn ai vào đấy. Mình vẫn ức cái dạo xem phim Chiến tranh và hoà bình. Cán sự ba mới được xem. Mình mới cán hai. Lần này thì không trệch được. Ðúng giờ các đồng chí cốt cán xếp hàng một đi xem trước bao con mắt thèm thuồng ghen tị của các đại biểu khác. Bọn này hồi hộp đi không một tiếng động. Tới một cầu thang đã có người đứng chờ sẵn. Kéo rèm. Bấm đèn. Hất hàm ra hiệu để chỉ lối. Tới một thang gác khác. Lại kéo rèm. Lại đèn pin lập loè, thì thầm: Các đồng chí đi lối này. Tối tối rợn rợn đến nỗi có lúc mình tưởng như đang đi xem thử bom nguyên tử.
Thân cười khặc khặc:
- Mà hôm ấy chiếu một phim rất vớ vẩn. Một băng tâm lý sướt mướt của Ðài Loan.
Hôm khác Thân lại sang, mồm phì phèo điếu Jet:
- Này. Tớ kể cho các cậu chuyện này...
Lần này bị cự tuyệt thẳng thừng:
- Thôi. Ông về cho người ta viết. Ông có muốn vỡ hợp đồng không thì bảo.
Thân về nhưng lại sang. Không cười mà cứ ấp úng:
- Mình muốn nói với các cậu. Nhưng không biết có nên không. Mình cứ nói nhé.
Ðược khuyến khích, Thân mạnh dạn:
- Mình nhớ Dạ Ngân quá. Không biết có cách nào kéo Dạ Ngân ra đây được không?
Ðề nghị ấy được cả nhóm ủng hộ ngay. Có Dạ Ngân, chắc chắn Thân sẽ để yên cho hai người viết. Kính đặt vấn đề với chủ nhiệm khách sạn. Ô kê. Nguyễn Quang Thân toại nguyện. Chu Lai, Ðình Kính không bị quấy rầy, năng suất tăng hẳn.
Cứ thứ bẩy ông giám đốc lại từ rừng xuống biển. Tiếng ông oang oang giữa đám nhân viên dưới quyền.
- Chuẩn bị nhé. Hôm nay làm việc khuya đấy.
Ông về duyệt những trang bản thảo vừa được viết trong tuần. Ông có tác phong làm việc dứt điểm. Duyệt từng phần. Và cuối cùng duyệt lại một lượt toàn bộ là xong.
- Tuần trước ăn gì rồi nhỉ. Cháo chim à? Hôm nay thay món khác đi. Làm món gì nhẹ nhưng lại có thể lai rai được. Gà à? Không. Có đồ biển gì không? Mới ăn cua xong à? Ðồ biển ăn nhiều rồi à? Hay là ăn thịt nai rừng?
Cả khách sạn sôi động lên khi sếp từ rừng về với những mệnh lệnh oang oang. Họ biết thế là lại bao nhiêu trang sách, những dòng văn chương viết về họ, bạn bè họ, tuôn chẩy từ những bộ óc nhà văn hẳn là rất đặc biệt và khác thường kia. Ðã bao lần họ nín thở nhìn trộm qua cánh cửa khép, thấy những cái lưng cong cong, cái đầu bù xù cúi xuống và bàn tay cầm bút bò chậm chạp trên trang giấy. Ôi! Thật là cao cả thiêng liêng! Lại còn những lúc các nhà văn ngồi thừ thượi nhìn vào những dòng vừa viết. Nhìn như muốn xuyên thủng giấy. Nhìn, mắt rỗng không. Nhìn đấy nhưng chẳng nhìn thấy gì. Cả khi họ đẩy cửa đem vào phích nước sôi mới. Viết văn, quả là ghê. Lao tâm khổ tứ, vắt óc, bại người, tổn thọ. Bây giờ mình đã nhìn thấy người ta viết văn rồi. Mấy ai được như vậy!
Vốn là chuyên gia trong việc viết thuê, Ðình Kính, Chu Lai biết phải viết như thế nào. Phải có tình hình gay go. Phải có lúc tưởng như bế tắc. Phải có những đêm khuya trằn trọc trăn trở. Phải có những ngày dài bức xúc. Phải có tinh thần trách nhiệm. Những cuộc họp. Những phút giây loé sáng. Những dám nghĩ dám làm. Phải có đối thoại. Phải có tả cảnh. Không ai bảo ai, cả hai cùng thống nhất một văn phong. Ðó là thứ văn không phải để xem bằng mắt mà để nghe bằng tai. Bởi vì ông sếp không xem. Ông sếp chỉ nghe đọc lại.
Tối nay làm việc đến khuya. Ba nhà văn quốc gia của chúng ta tề tựu đông đủ. Chu Lai ngồi cầm xếp bản thảo vừa hoàn thành trong tuần, rỗ rỗ xuống mặt bàn cho ngay ngắn, lật lật vài trang, nhíu mày chăm chú, hoặc cầm bút chữa một chữ nào đấy, có khi chỉ là tô lại một nét mờ, hoặc xem lại chỗ nào cần uốn giọng, cần nhấn mạnh, cần ngẩng đầu lên. Nguyễn Quang Thân khoanh chân vòng tròn, bắn một điếu thuốc lào, móp má kéo cho thật đã, để rồi sau đó có thể chăm chỉ thực hiện nhiệm vụ bật lửa bập bập thuốc lá Jet. Ðình Kính hết nhìn mấy cô phục vụ bưng vào những bia, những nước ngọt, lại nhìn ông giám đốc tanh tách bật lửa ma nhê tô hút ba số. Sếp toàn hút ba số. Thế mà lại đi tuyên bố bọn mình chỉ hút thuốc lá Jet. Chẳng ra làm sao! Cũng may đã tìm được nơi bán. Ở đây người ta ít hút thuốc này lắm. Chỉ mấy anh xích lô, mấy chú xe lam. Mỗi ngày bán được vài bao là nhiều. Có, các chú cứ mang ra đây. Vài bao. Vài là ba. Vừa quá. Mỗi ngày bọn mình cũng chỉ ba bao.
Dù tiết mục duyệt bản thảo này đã được tiến hành mấy lần rồi nhưng vẫn cứ căng thẳng. Vẫn cứ hồi hộp. Căng thẳng hồi hộp cho đến khi sếp tuyên bố ta bắt đầu làm việc thôi các đồng chí nhé. Như chỉ đợi có vậy, Ðình Kính tóm tắt những đoạn đã được duyệt kỳ trước và sau đó giọng đọc của Chu Lai bắt đầu một tối làm việc tới khuya.
Ðình Kính kéo Chu Lai đi đánh thuê là có cân nhắc kỹ lưỡng. Không phải chỉ vì Chu Lai là một nhà văn đã thành danh, dễ dàng gây nên cú sét mến phục từ cái nhìn đầu tiên, cũng không phải Chu Lai từng là đặc công đã lăn lộn ở vùng này. Ðiều chủ yếu Ðình Kính chấm Chu Lai là ở giọng đọc. Không chỉ lão luyện ở những chiêu văn hùng tráng, là một diễn viên kịch nói, Chu Lai có một giọng đọc không chê vào đâu được. Ấm. Vang. Âm. Sang sảng. Lăn vào lòng người.
Cái trò đọc truyện đêm khuya không là cái đinh gì với Chu Lai. Nhưng không được chủ quan. Dù chính là người viết ra nó, anh vẫn đọc kỹ lại một hai lần, để thể hiện đúng tình cảm. Chu Lai như đã nhìn thấy trước hiệu quả của từng chữ phải nhấn mạnh, những chỗ tạm ngừng, những từ phải đọc uốn cong lên mà anh hình dung ra ngay từ khi còn đang cầm bút viết.
Ông giám đốc im lặng đốt ba số. Lắng nghe. Ðình Kính, Nguyễn Quang Thân cúi đầu, thỉnh thoảng lại liếc trộm ông giám đốc, dò tìm phản ứng trên nét mặt đăm chiêu của ông. Sao ông ta lại chau mày. Ðoạn này có gì không ổn đâu. Chỉ là nói về nghị quyết đảng bộ lâm trường thôi. Sao ông ta lại ngả hẳn người ra ghế lim dim mắt thế kia nhỉ? Hay ông ta ngủ. Kìa. Sếp đã cười. Sếp còn gật gật nữa. Chắc ăn rồi. Thắng rồi. Chắc chắn sản phẩm của mình đã làm vừa lòng sếp, đã được sếp duyệt, sếp OTK rồi. Mà không ưng sao được khi giọng oanh vàng của Chu Lai ngân nga: Rừng xưa lá úa. Nhưng những con người đến cùng rừng hôm nay đã thay lá cho rừng. Không phải đất trời, sự vận động của thời tiết, của bốn mùa đã làm nên điều kỳ diệu ấy. Mà chính là những con người(...) (...) Con đường mới mở trong rừng đâu phải chỉ làm bằng máy móc. Trước hết nó được làm bằng trí tuệ, bằng tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước yêu chủ nghĩa xã hội của những người làm việc âm thầm không cần ai biết đến, lặng lẽ giản dị như những gốc cây rừng (...) (...)Ngồi trên chiếc xe lu lăn trên con đường xuyên rừng đang được hoàn thiện, họ có cảm giác đây là con đường tiến vào thế kỷ 21 và thả tâm hồn vào thiên niên kỷ tới. Giám đốc không ưng sái cổ sao được khi vẫn cái giọng tuyệt vời của một diễn viên đã bao lần chinh phục khán giả trên sàn diễn tiếp tục: Rừng thay lá. Rừng sống lại. Rừng lại hát khúc ca hùng tráng của rừng. (Ðọc đến đây Chu Lai ngừng lại, ngước nhìn lên mà chẳng nhìn ai, với cặp mắt thẫn thờ thăm thẳm chiều sâu.) Ðình Kính cha đẻ của những dòng văn ấy và cả Nguyễn Quang Thân không đóng góp một chữ nào cũng thấy sởn hết cả gai ốc vì xúc động. Giám đốc kêu lên:
- Tốt! Tốt! Cứ như vậy là rất tốt!
Và quay ra cửa hét to:
- Các đồng chí chuẩn bị ăn khuya đến đâu rồi? Xin phép các nhà văn, tôi ra xem anh em họ làm ăn ra sao.
Ngồi trong buồng còn nghe thấy giám đốc nói với chủ nhiệm khách sạn ngay phía ngoài cánh cửa (rõ ràng đủ to cho bên trong nghe thấy):
- Ðồng chí có trách nhiệm hỏi ba nhà văn xem có cần giải trí không? Nhà văn cũng là người chứ! Cũng cần giải trí chứ! Ðả thông các đồng chí ấy đừng ngại. Các đồng chí ấy giải trí không phải vì các đồng chí ấy, mà vì chúng ta, vì công việc, vì lâm trường!
° ° °
Hai tháng qua nhanh. Bản thảo đã hoàn thành. Hợp đồng đã kết thúc. 180 bao Jet trừ ba bao để ở ba phòng, còn lại một trăm bẩy bẩy bao đã được bán, tiền đã được cho vào túi. Tên tác phẩm đã được đặt. Ðứa con tinh thần ấy được các ông bố thống nhất đặt tên là RỪNG XƯA XANH LÁ. Nhưng lại xẩy ra một trục trặc nhỏ: Những ai là tác giả, những ai đứng tên ngoài bìa sách? Nguyễn Quang Thân tự xét mình không đóng góp một chữ nào cho tập sách này, nhất định không chịu ký tên:
- Bỏ tên tớ ra. Tớ không muốn là kẻ đạo văn.
Chu Lai trừng mắt:
- Ông đã được ở đây hai tháng. Ăn uống. Bia bọt. 59 bao thuốc Jet. Lại đón Dạ Ngân ra. Không ký tên là không xong đâu!
Ðình Kính ôn tồn:
- Ông Thân không ký tên cũng được. Thôi thì tiền thuốc lá Jet chúng tôi cho ông. Nhưng cái khoản một chỉ vàng ông phải để lại. Hai thằng tôi cưa đôi.
Ðòn ấy làm Thân choáng. Coup décisif! Thân đành chấp nhận ký tên, chấp nhận làm kẻ đạo văn.
Sau bữa liên hoan chia tay có cả sâm banh, có cả bia và đủ thứ sơn hào hải vị, ba nhà văn được ông giám đốc trực tiếp nong vào ngón tay mỗi người một chiếc nhẫn một chỉ vàng kết thúc hợp đồng. Nguyễn Quang Thân tút về Cần Thơ với Dạ Ngân. Chu Lai, Ðình Kính về thành phố Hồ Chí Minh. Từ bến xe, hai người hai chiếc xe đạp khung dựng guồng về khu nhà nghỉ của Hải Quân. Ðình Kính vừa đạp xe vừa ngắm chiếc nhẫn vàng óng trên ngón tay nắm ghi đông. Một chiến công. Một thắng lợi dòn dã. Ðây là chiếc nhẫn vàng thứ hai trong đời Ðình Kính. Chiếc nhẫn vàng thứ nhất mua cách đây không lâu. Biết bao phấn đấu, tằn tiện của hai vợ chồng mới có được. Mua về, gói vào vải, bọc túi ni lông, cho vào tủ rồi, nằm ngủ rồi, lại tung chăn, dậy mở tủ lấy nhẫn ra ngắm, rồi lại gói lại bọc lại cất, mới vào màn ngủ được. Chỉ vàng to lắm, mấy ai có...
Ðang ngẫm ngợi như vậy thì đã tới Thảo cầm viên. Một đám đông con gái trẻ măng ríu rít ùa ra, vây lấy hai đồng chí bộ đội. Một cuộc tập kích bất ngờ. Người nắm ghi đông. Người nắm tay. Người ôm vai. Người bóp đùi. Người kéo áo. Hoảng. Hoảng quá. Không còn biết ra sao nữa. Dù họ trẻ. Dù họ đẹp. Họ nũng nịu. Họ tươi như hoa. Dù họ ríu rít như chim:
- Hai anh. Ði đâu mà vội thế?
- Dừng lại. Ði chơi với chúng em.
- Ði. Chút xíu thôi mà, anh Hai.
- Anh Hai. Xem em nè.
Vội xuống xe, kẻo ngã. Họ nài nỉ. Họ thơm tho. Họ nưng nức nước hoa. Họ phụng phịu như dỗi. Họ nắm chân nắm tay, họ ôm lấy hai người.
Cố gắng gạt bầy tiên nữ ấy ra, hai nhà văn thoát khỏi vòng vây, lên xe guồng một mạch về nhà nghỉ. Vừa đặt ba lô xuống, thoáng nhìn bàn tay đeo nhẫn, Ðình Kính rụng rời: Chiếc nhẫn vàng trên ngón tay không còn nữa!
- Chu Lai ơi! Cái nhẫn của mình mất rồi! Giọng Ðình Kính thất thanh.
Chu Lai giật mình giơ tay lên. Nhẫn vẫn còn.
Ðình Kính nằm vật xuống giường không nói được một lời. Tiếc đã hẳn. Nhưng giận. Giận điên lên, cái lũ con gái khốn nạn ấy. Và cuối cùng thì phục. Cái nhẫn khi ông giám đốc đeo vào ngón tay mình còn chật cơ mà. Không hiểu nó lấy cách nào nhanh thế.
Lại phải cười vì Chu Lai cứ giơ bàn tay có nhẫn ra trước mặt như khiêu khích. Ðình Kính bảo:
- Mất. Tức thì tức thật nhưng phải công nhận chúng nó tài. Nó đã nâng lên hàng nghệ thuật.
Một lúc sau lại:
- Tài thật! Tài thật!
Chu Lai tiếp:
- Tài đến thế là cùng! Tiên sư em Tào Tháo!
Ðang đau như hoạn cũng phải cười. Ðang cười bỗng im bặt. Giật mình. Sục vội tay vào túi quần. Thở phào. Chỗ tiền bán thuốc lá Jet vẫn còn.
Lời cuối truyện: Xin lỗi các bạn Ðình Kính, Chu Lai, Nguyễn Quang Thân và cả Dạ Ngân nữa. Nếu các bạn không bằng lòng, hãy cứ coi đây là chuyện...bịa.
Rừng Xưa Xanh Lá Rừng Xưa Xanh Lá - Bùi Ngọc Tấn Rừng Xưa Xanh Lá