Phượng Vĩ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 1/27
ây giờ, loài ve sầu đã mồ yên mã đẹp. Nhiều cậu đang chờ hóa kiếp bướm để được sống một lần với mùa xuân và nếu chết sớm, sẽ được ép vào những trang sách đẹp nhất của các cô học trò mơ mộng. Bây giờ, loài tu hú đã bay về rừng, đang tương tư rặng vải mùa hạ miền xuôi. Và, bây giờ, cây đang làm đám ma cho lá. Lá rơi ban ngày. Lá rụng ban đêm. Lá ốm. Lá úa. Rồi lá chết. Thương nhất là những chiếc lá bàng. Thân xác to lớn thế mà cũng bị sốt rét vàng da, biến chứng đỏ thẫm, chẳng đợi kịp gió đến rửa tội đã vội rớt xuống tuyền đài. Tuyền đài là mặt đường phố, là vỉa hè tháng chín. Tháng chín vào học. Những bước chân tựu trường giẵm nát xác lá. Lá đau. Lòng học trò hớn hở. Lòng tôi thì vướng mắc một chút sắt se. Tự nhiên tôi thấy thương xót.
Năm nay, tôi nghỉ hè ở quê ngoại. Quê ngoại nhà tôi có một vẻ gì đó thật mơ hồ, một ngăn cách nào đó thật diệu vợi. Người con gái đã về nhà chồng là giã từ luôn quê mẹ như giã từ thời son trẻ của mình. Bổn phận làm vợ, làm mẹ bắt hình ảnh quê mẹ nhạt nhòa. Và hình ảnh ấy chỉ thiết tha sống dậy khi nỗi buồn nhuộm nắng hoàng hôn. Chiều chiều ra đứng cổng sau, Trông về quê mẹ ruột đau chìu chìu. Từ nỗi thiết tha của người mẹ, đứa con lớn lên, yêu quê ngoại hơn yêu quê nội. Quê nội gần gũi. Quê ngoại xa vời. Gần gũi quá, quen thuộc quá dễ gây chán nản. Xa vời quá, lạ lùng quá khiến ta mơ ước. Và ta ngỡ niềm mơ ước của ta sẽ no đầy nếu ta được sống ở quê ngoại rộn ràng trong ký ức, quê ngoại rực rỡ trong những câu chuyện kể của mẹ ta. Một lần.
Mấy tháng trước, tôi đã đọc cuốn Quê mẹ của Thanh Tịnh. Thấy tâm hồn xao xuyến chi lạ. Rồi đọc tiếp truyện ngắn Con so về nhà mẹ, cũng của Thanh Tịnh, đăng trên Giai Phẩm Tết Ngày Nay, tôi rơm rớm nước mắt. Câu chuyện thật giản dị: Hai vợ chồng trẻ cưới nhau được một năm thì chị vợ mang thai. Nhà chị ở xóm làng bên kia sông. Gần ngày sinh đẻ, anh chồng đưa vợ về nhà mẹ sinh con so. Tiễn chân vợ tận bến đò anh chồng mới trở lại nhà mình. Con đò dẫn chị vợ về nhà mẹ. Chị nghĩ ngợi mông lung... Tôi không hỏi mẹ tôi xem ngày mẹ tôi sinh tôi, mẹ tôi có về quê ngoại. Nhưng câu chuyện Con so về nhà mẹ bắt tôi tưởng tượng nhiều. Tôi thương mẹ tôi. Tôi thương quê ngoại vô vàn. Vì vậy, vụ hè năm nay, tôi xin bố mẹ tôi cho về nghỉ ngơi ở quê ngoại.
Ở quê nội, tôi có ông chú nghiêm khắc. Ông là sinh viên luật khoa. Hè nào ông cũng về quê với những cuốn sách dầy cộm. Chú tôi kèm tôi học nửa buổi. Ông bắt tôi làm những bài toán hóc búa và bắt phân tích văn phạm Pháp văn mờ người. Tôi sợi nhất chia động từ. Mà chú tôi cứ muốn tôi thuộc lòng những động từ khuôn mẫu đủ "mốt", đủ "tăng". Những động từ bất quy tắt phải thuộc như cháo. Chú tôi đánh tôi thẳng tay. Ông thích đem "nhãn hiệu" sinh viên ra khuyên nhủ tôi. Mùa hạ, ở quê nội, không bao giờ là mùa xuân nữa. Ở quê ngoại thì tuyệt vời. Mọi người coi tôi như hãy còn bé bỏng. Các cậu tôi, các dì tôi thay phiên nhau chiều chuộng tôi, chỉ lo tôi buồn tôi đòi về tỉnh. Ông cậu út được phó thác trách nhiệm bày đặt các cuộc vui cho tôi chơi. Cậu tôi dẫn tôi đi câu.
Những giấc ngủ trưa của tôi thường kéo dài đến xế chiều. Hễ thức dậy là có thức ăn ngay. Hôm nay bún rêu cua. Mai bánh cuốn. Mốt xôi chè... Ðêm trăng, bà ngoại tôi thả vó tôm. Tôi theo bà tôi đi cất vó. Những chú tôm giẫy đành đạch trong vó bằng vải màn cũ nhuộm nâu. Hắt các chú vào cái rổ có cành tre, các chú giẫy lạo xạo vui tai lắm. Trên đời, nếu những bữa cơm nào đáng nhớ nhất, tôi sẽ chẳng ngần ngại kể ngay những bữa cơm trưa ở quê ngoại nhà tôi. Một đĩa rau muống tía. Một bát tương nhỏ. Một đĩa tôm đầu đặc trứng kho mặn vắt chanh. Ly kỳ là bát nước rau muống. Ðang xanh, vắt chanh vào nó đỏ tía. Quê ngoại chiều chuộng tôi quá khiến tôi tưởng tôi còn bé bỏng thật tình, dù bà ngoại tôi vẫn nói đùa "Cháu lấy vợ được rồi đấy". Nghe con cá quẫy mạnh dữ.
Ðiều làm tôi sung sướng hơn cả là, ở quê ngoại, không ai kèm tôi học hay giục tôi lo bài vở. Tôi tự do. Chiếc võng mắc dưới giàn hoa lý vườn sau, tôi nằm đọc truyện Tô Hoài, Ngọc Giao rồi ngủ. Cuốn sách cuối cùng đem về quê ngoại của tôi, tức mình ghê, không phải là cuốn truyện. Ðó là tập thơ Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính. Tôi đọc bài đầu, cất đi. Buồn quá, lại lôi ra đọc. Và tôi thích. Tôi học thuộc lòng. Tôi mê thơ từ đó, bắt đầu bằng thơ Nguyễn Bính. Tôi nhớ bài Cây bàng cuối thu:
 
Thu đi trên những cành bàng
Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi
Hôm qua đã rụng một rồi
Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn
Hôm nay bởi thấy tôi buồn
Lìa cành theo gió lá luồn qua song
Hai tay ôm lá vào lòng
Than ôi chiếc lá cuối cùng là đây
 
Ba tháng hè ở quê ngoại, tôi biết yêu thơ, biết buồn. Quê ngoại nhà tôi phả vào tâm hồn tôi khói hương mơ mộng cùng lúc tuổi tôi vừa lớn. Cho nên, ngày khai trường năm nay, đi trên con đường cuối thu đầy lá chết, tôi thấy quanh tôi vướng mắc một nỗi buồn man mác. Phải chăng khi cậu trai biết buồn là cái nụ hoa đầu trong trái tim cậu muốn nở? Hay cánh bướm thoát khỏi hồn cậu đòi đậu trên một cánh hoa? Tôi đến trường hơi muộn. Vì đi chậm để thương những chiếc lá vàng. Vẫn cảnh náo nức cũ, cảnh náo nức của tựu trường. Tôi không tìm được một nỗi vuốt ve nào ở những mùi thơm của trường lớp, bàn ghế sau ba tháng hè xa vắng. Có lẽ, "mùa xuân trong mùa hạ" hãy còn quá ngon. Dường như, tựu trường không mang lại một xúc động cho niên thiếu. Kỷ niệm chỉ hiện hình và bao giăn nhịp điệu buồn tênh. Nhưng mùa xuân của học trò bước quá nhanh. Giờ cuối cùng một niên học chấm dứt, người học trò vui vẻ: Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết. Giờ cuối cùng của ba tháng hè chấm dứt, chẳng nghe ai mừng rỡ.
Trống trường báo hiệu xếp hàng vào lớp. Tôi thẫn thờ vào lớp học cơ hồ con chim khuyên bị thả vào chiếc lồng tre. Cửa sổ mới sơn, cái cửa sổ thiếu mùi thơm của hoa cau, nhỏ bé nhìn rõ một khoảng trời không đủ các sắc mây. Tôi đâm ra khó tính và cảm giác quanh tôi hoàn toàn câm nín. Bàn ghế câm nín. Bảng đen câm nín. Ngay cả sự ồn ào sắp chỗ ngồi, tranh chỗ ngồi cũng câm nín. Thầy giáo xuất hiện. Những lời nói đầu: Năm nay là năm thi cử, các anh phải làm việc chuyên cần. Vượt đoạn đường này các anh mới hy vọng lên trung học đệ nhị cấp rồi lên đại học. Các anh chép thời khóa biểu... Bút viết ấn mạnh mực mới chịu ra. Tay run rẩy. Tôi chép thời khóa biểu khó khăn hơn làm bài tập đại số phương trình bậc hai. Buổi học đầu của niên học mới sao mà uể oải! Thân hình nón. Ba điểm tạo nên một mặt phẳng. Tam giác quay không chịu sinh ra một bài thơ Nguyễn Bính.
Sự uể oải kéo dài đúng một tuần lễ. Khi tôi nghĩ đến ông chú sinh viên luật khoa, nghĩ đến trường thi bên Nam Ðịnh, nghĩ đến tiếng thở dài não nuột của bố mẹ hay tin con mình thi trượt thì lớp học của tôi có một học sinh mới. Một nữ học sinh. Chiếc lồng nhốt con chim khuyên bỗng được thả lên một cánh hoa phượng. Vì tên nàng là Phượng. Trần Thị Hồng Phượng.
Phượng Vĩ Phượng Vĩ - Duyên Anh Phượng Vĩ