Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Phố Bụi Hồng
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 1 -
M
ặc kệ hai đứa bạn ngồi nhịp chân theo điệu Rap dồn dập đến mức muốn nổ tung quán cà phê lên, Ngọc Lam chống tay dưới cằm, mắt lim dim như đang tham thiền nhập định.
Thái độ thụ động bất cần biết đến xung quanh của cô làm Cẩm Ly thấy lạ.
Con bé khều Ngọc Lam:
- Ê! Mày làm trò khỉ gì vậy? Đừng nói với tao là đang chuẩn bị thoát xác để đi tìm người trong mộng nghe.
Thường ngày, bị chọc quê là nhảy nhổm lên bực tức, hôm nay Lam vẫn ngồi yên. Đến lúc Cẩm Ly đập vào vai lần nữa, cô gắt:
- Tao đang chán. Đừng có chọc mà.
Cẩm Ly nheo nheo mắt:
- Young Lady mà cũng chán à? Vậy hạnh bình dân... vô giáo dục như chúng tao còn hận đời tới đâu nữa đây?
Đẩy gói Dunhill về phía Ngọc Lam, Phương Thảo nhỏ nhẹ:
- Làm một điếu sẽ quên sầu ngay
- Thôi. Đừng có dụ. Mày hút bao nhiêu cây thuốc rồi, đã quên được chút nào đâu?
Bĩu môi Phương Thảo nói
- Với tao thứ này nhẹ lắm, nhưng mày có thể trị được
Ngọc Lam lắc đầu
- Tao không muốn ghiền như mày.
Phương Thảo nhún vai rồi rút một điếu thuốc gắn lên môi. Động tác của con bé thành thạo không khác một người nghiện thuốc lâu năm làm Lam thấy lòng dâng lên niềm xót xa lẫn thương hại.
Cô uể oải đưa mắt nhìn quanh. Trong quán này con gái hút thuốc là thường, nhưng hút nhiều như Thảo thì chắc ít. Đầu năm lớp 12, Phương Thảo thất tình. Để đỡ buồn, nó đã cầm điếu thuốc loại Dunhill mà thằng bồ nó thường hút. Từ đó đến nay đã hai năm. Không biết con bé quên được mối tình ấy chưa, nhưng thuốc lá thì hầu như nó không bỏ được rồi.
Cẩm Ly ngập ngừng:
- Về chưa?
Phương Thảo phà khói:
- Dĩ nhiên là chưa. Trời nắng như vầy có điên mới đâm đầu ra đường.
- Nếu vậy để tao yêu cầu đổi nhạc mới được. Nghe loại này hoài oải quá.
Dứt lời, Cẩm Ly đứng dậy đi về phía dàn máy compac. Phương Thảo trầm giọng:
- Bữa nay mày sao thế?
Ngọc Lam chối nhanh:
- Đâu có gì. Tại hồi tối thức khuya hát Karaokê nên sáng lừ đừ.
Mắt Thảo soi mói:
- Sao không ở nhà ngủ cho đã. Tội tình chi phải hành xác chứ? Ờ... Ông chú Việt kiều của mày vẫn còn ở chung hả?
Ngọc Lam bỗng cộc lốc:
- Còn. Mày hỏi làm gì?
Thảo khoát tay:
- Tò mò thôi! Nhưng nói thật, trông chú ấy còn phong độ lắm! Nói ổng bốn mươi tuổi, ai mà tin.
Lam mỉa mai:
- Bởi vậy mới cưới được mụ vợ hai mươi nhỏng nha nhỏng nhảnh đến ngứa mắt.
Phương Thảo cười cườ:
- Mày không ưa... họ à?
Ngọc Lam im lặng. Đúng là cô chả có chút cảm tình nào với vợ chồng ông chú ruột vừa ở Mỹ về cách đây nửa tháng. Chính vợ chồng chú Nam đang làm cô bực bội quá mức, nhưng làm sao Lam có thể nói cho bạn bè hiểu đây, khi tự bản thân cô chưa tìm được lý do chính đáng tại sao ghét họ. Có phải vì cô không thích chứng kiến hoài cái cảnh âu yếm đến mức trơ trẽn của vợ chồng chú Nam không?
Sự tự nhiên thái quá của hai người làm Lam xấu hổ. Mẹ thì khó chịu ra mặt, nhưng không lên tiếng. Chả biết bà vì lịch sự hay vì sợ chú thím chê mình cổ lỗ sĩ. Từ khi chú Nam và vợ Ở Mỹ về tới nay, nề nếp gia đình Lam dường như đã bị phá vỡ. Mẹ cô rất thường đi sớm về trễ. Đôi lúc bà ở ngoài tiệm vải luôn mấy ngày mới về nhà, mặc cô và ba ngồi nhơi cơm trước cảnh nũng nũng, nịu nịu, yêu yêu, chiều chiều hết sức... ra rít của đôi vợ chồng mới cưới nọ.
Ngọc Lam biết mẹ không ưa vợ chồng chú Nam nên mới làm thế. Chỉ tội nghiệp ba. Ông đứng giữa biết nói thế nào cho vừa lòng đôi bên. Ba đâu thể yêu cầu chú Nam đưa vợ đi ở chỗ khác, khi ngôi nhà rộng thênh thang nội để lại là gia sản chung của cả hai người.
Dù chưa ai tỏ ra quyết liệt, nhưng Ngọc Lam đà lờ mờ thấy những mâu thuẫn đang âm ỉ nhen lên trong gia đình mình. Cô có cảm giác chú Nam có mục đích khi hôn hít vuốt ve... con vợ nhí trước mặt mọi người, chớ không đơn giản những cử chỉ lố bịch ấy là thói quen của người sống lâu năm theo lối Tây Phương.
Nhưng tại sao chú Nam lại làm thế? Ngọc Lam chưa đoán ra.
Cẩm Ly hớn hở ngồi xuống:
- Bài Yesterday nghe sướng tai chưa bây?
Phương Thảo chép miệng:
- Cứ vô tư như mày là sướng rồi.
Cẩm Ly khoanh tay thật ngoan rồi nghe bài nhạc nó thích rồi lý sự.
- Nè! Mỗi khoảnh khắc đang trôi đi sắp là của... ngày hôm qua đó nhe.
Ngọc Lam trừng mắt:
- Thì đã sao khi mày không giữ được ngày hôm nay?
Cẩm Ly nhún vai làm thinh. Cả bọn đang im lặng nghe nhạc, Phương Thảo bỗng hỏi:
- Bà thím mày tên gì vậy Lam?
- Bạch Huệ, một cái tên rất Việt Nam, do đó bả còn có thêm cái tên Mỹ là Jessie.
Thảo gật gù:
- Lần đầu tiên đến nhà mày gặp bả, tao đã thấy quen, bây giờ nghe tên tao càng thấy quen hơn.
Cẩm Ly dài giọng:
- Ôi xời! Người giống người, tên trùng tên thiếu gì. Hơi đâu mày thắc mắc.
Phương Thảo búng tay đánh tróc:
- Đành là vậy, nhưng nhất định tao đã gặp bả rồi.
Ngọc Lam nhíu mày:
- Gặp ở đâu? Đừng nói ở chỗ mẹ mày làm việc đấy.
Phương Thảo nghiêm trang:
- Nếu tao từng gặp bả, thì chỉ gặp ở chỗ đó thôi. Hy vọng là người giống người cho đỡ... khổ.
Tự dưng Ngọc Lam khó chịu khi Thảo có vẻ quan tâm đến ông chú bà thím của cô. Con bé không phải người tò mò và nhiều chuyện, những lời nó vừa nói mang tính chất thắc mắc hơn. Nhưng dù thế nào Lam cũng thấy ấm ức khi nghĩ rằng Thảo không tin bà thím mình vừa ở nước ngoài về.
Cô mím môi:
- Tao chả thích khoe bà con là Việt kiều nhưng thật sự thím Huệ sống ở Mỹ từ nhỏ mà. Đây là lần đầu về nước, mày đã gặp một người giống bả đó thôi.
Phương Thảo nhún vai:
- Chắc là vậy! Không nói chuyện này nữa mất vui.
Cẩm Ly càu nhàu:
- Chỉ có vậy mà cũng ầm ĩ, làm nghe không được bài nhạc hay. Uổng công tao thật!
Phương Thảo bỗng khách sáo:
- Tao xin lỗi.
Ngọc Lam xốn xang trong lòng, cô biết nhỏ Thảo đang mặc cảm vì vừa rồi Lam đã nhắc đến mẹ con bé bằng câu nói không mấy tế nhị, nhưng cô đâu thể im lặng khi Thảo cứ chắc rằng đã từng gặp thím Huệ trong vũ trường, nơi mẹ nhỏ làm tài phán. Dù Lam chả ưa gì thím ấy, nhưng vì danh dự gia đình, cô phản ứng là tất nhiên. Tất cả tại Phương Thảo, lẽ ra nó đừng thắc mắc chuyện không liên quan tới mình thì hơn.
Mệt mỏi cô thu người lại ngả lưng vào chiếc ghế mây tròn. Lam không muốn về nhà cũng chả muốn trở vào lớp. Đời sinh viên có cái thú hơn đời học sinh ở chỗ được quyền... cúp cua công khai mà không sợ bị trường mời ba mẹ và mắng vốn. Lần đầu tiên bỏ tiết, Lam có cảm giác tội lỗi, nhưng bây giờ cô đã quen rồi. Ngồi quán cà phê để... thư giãn, như kiểu nhỏ Ly thường nói mỗi khi rủ cô và Thảo trốn tiết, đâu có gì quá đáng... Chỉ tiếc rằng nếu như bây giờ trường gởi giấy mời ba mẹ, ông bà cũng chả có thời gian để vào nhằm biết rõ con mình học hành ra sao.
Ngẫm nghĩ mà thấy buồn. Cái thời ba mẹ lo cho Lam từng chút đã vĩnh viễn qua rồi. Càng lớn cô càng nhận ra cuộc sống vợ chồng của ba mẹ rất tẻ nhạt. Hai người như chiếc bóng bên nhau, và cả hai dường như đã quên sự hiện diện của cô. Lam thấy chán, cô luôn muốn làm một việc gì đó, ngu xuẩn cũng được để ba mẹ quan tâm đến mình nhưng vẫn chưa dám.
Nhìn gói thuốc nằm lẻ loi trên bàn, Ngọc Lam cầm lên ngắm nghía.
Có chắc khói thuốc sẽ xua tan sự cô đơn lẫn nỗi chán nản cô đang mang nặng trong lòng không? Ngọc Lam thở dài, để gói thuốc xuống bàn. Cô chợt nhớ tới mẹ.
Giờ này bà đang tất bật ở tiệm vải. Mẹ luôn nói bà vất vả vì tương lai con cái sau này. Còn cô đã làm được gì cho mẹ chưa?
Nhắm mắt, Lam cố nuốt day dứt vào lòng. Ngày mai. Nhất định bắt đầu ngày mai, cô sẽ không bỏ học để ra quán cà phê ngồi nữa.
Biết bao nhiêu lần cái ngày mai đầy hứa hẹn ấy của Lam đã biến thành ngày hôm qua rồi?
Ngọc Lam vùng ngồi thẳng dậy, giọng thật nghiêm:
- Ngày mai tao không... cúp cua đâu.
Cẩm Ly phẩy tay:
- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.. chuyện ngày mai để ngày mai tính đi...
Ngọc Lam cụt hứng xụ mặt xuống, đúng lúc Phương Thảo lên tiếng:
- Tao cũng không cúp nữa mà chỉ vào quán khi hết tiết học. Gần thi rồi còn gì...
Cẩm Ly ngơ ngác:
- Hai đứa bây... tu một chùa à?
Ngọc Lam cười khi thấy mình có đồng minh:
- Mày có tu chung không thì bảo?
Ly gật gù như bà cụ:
- A... lại nghĩ tới mẹ già tần tảo thân cò phải không? Tao chẳng có động cơ như tụi bây, nhưng chả lẽ tao cúp một mình để ra đây nghe nhạc? Điều quan trọng là đã tu phải đắc đạo. Đứa nào chưa dứt lòng trần, giữa chừng hoàn tục sẽ bị... xử đích đáng. OK?
- OK.
Ba cái miệng cùng lên tiếng một lượt. Như để củng cố niềm tin vào chính mình, cả ba còn bắt tay nhau thật chặt.
Ngọc Lam chớp mắt khi Cẩm Ly lý lắc hát theo nhạc trong loa.
"Yesterday, all my trouble seemed so far awaỵ Now it looks as though theýre here to saỵ Oh! I believe in yesterday.."
Mọi sự phiền muộn của tôi ngày hôm qua sẽ đi xa... Niềm tin của tôi bắt đầu từ ngày hôm qua...
Ngọc Lam buông đũa đứng dậy khi ông Nam tình tứ gắp cái đùi gà rôti bỏ vào chén vợ.
- Cưng thử miếng này xem. Ăn đùi... bổ đùi ấy. Mà.. đùi cưng thuộc loại trường túc. Hề! Hề!... Ăn đồ bổ vào thì phải biết...
Ngọc Lam bước thật nhanh để không phải nghe tiếp những lời mà cô biết sẽ rất chướng tai. Hôm nay bàn ăn chỉ có ba người. Trước đứa cháu gái của mình, sao chú ấy không ngượng mồm nhỉ?
Lam dằn ly nước lạnh lên kệ bếp rồi bỏ ra phòng khách với một... bụng hậm hực
Chiều nay cả ba lẫn mẹ đều bỏ cơm, nếu biết thế cô đã lặn tới tối chớ đâu thèm về để ngồi làm khán giả bất đắc dĩ như vừa rồi.
Hôm kia, cô có nhằn mẹ về vợ chồng chú Nam với hy vọng bà sẽ nhanh chóng giải quyết họ sao cho ổn thoả. Ai ngờ mẹ lại ôn hòa bảo
- Nếu con khó chịu, cứ ra tiệm ở luôn với mẹ. Ngoài đó cũng rộng lắm.
Lúc ấy, Lam đã buột miệng:
- Con không ra tiệm đâu. Nhà này của mình mà. Sao lại nhịn người không biết điều, kỳ vậy?
Mẹ im lặng. đôi mày mỏng cau lại y như những lúc gặp chuyện rắc rối. Thì đúng là cả ba lẫn mẹ đang gặp rắc rối. Nhưng ít ra hai người phải lên tiếng dạy dỗ em trai mình chứ. Đằng này lại nhịn nhục mới lạ. Ba mẹ sợ gì chú Nam kìa?
Từ bé đến giờ ít khi cô nghe ba nhắc đến em trai. Lam chỉ biết mình còn người chú ruột khi xem những cuốn album của gia đình. Mẹ và ba không thích nhắc tới chú ấy nên cô hoàn toàn chả biết gì về ông chú này. Ngay cả chuyện vì sao chú bỏ quê hương sang Mỹ, cũng chả ai nói cho Lam nghe. Nếu hiểu về một người, ta có thể thông cảm những tật xấu của họ và bớt ghét họ hơn cũng không chừng. Chỉ tiếc rằng giữa cô và người cùng huyết thống kia chưa có gì chung để thân thiết thương quý nhau như đạo lý làm người đã dạy.
Ngọc Lam chép miệng vì những lập luận của mình, cô định lên lầu xem tivi thì thấy ông Nam bước ra.
Mỉm cười thân thiện, ông ngọt ngào:
- Chiều này Lam ăn cơm ít quá nhỉ?
Ngọc Lam khinh khỉnh:
- Tại cháu nhường đùi gà cho thím Huệ đó chứ.
Ông Nam cười to:
- Đúng là con nhà nòi, đá giỏi lắm! Thế cháu có biết mình giống ai không?
Nhìn ông Nam bằng đôi mắt dè dặt, Ngọc Lam cảnh giác:
- Cháu chẳng thích giống bất cứ ai.
- Khá lắm! Nhưng hơi kiêu. Con gái cao ngạo quá dễ thất chí khi gặp chuyện không vừa lòng.
Lam liếm môi:
- Từ bé đến giờ cháu luôn bằng lòng với những điều mình có.
Mắt ông Nam loé lên tia khiêu khích:
- Thật sao? Chú lại nghĩ Lam không phải mẫu người dễ dãi với bản thân...
Ngọc Lam cướp lời ông:
-... Và càng khó chịu với người xa lạ...
Rất bình thản, ông Nam gật đầu:
- Chú hiểu. Vì vậy chúng ta nên trò chuyện nhiều hơn để dễ thông cảm với nhau. Cháu đồng ý chứ?
Ngọc Lam im lặng. Đây là lần đầu tiên cô và ông Nam trò chuyện riêng như vầy. Tại sao không hỏi những điều lâu nay cô vẫn thắc mắc?
Giọng ông Nam lại vang lên:
- Lam biết gì về chú nào?
Không suy nghĩ, Lam trả lời ngay:
- Thú thật cháu chưa biết gì hết.
Cười nhẹ, ông Nam nói:
- Chú cũng nghĩ vậy. Trong ngôi nhà chú từng được sinh ra này, chả ai thích nhắc đến chú đâu.
Ngọc Lam nhấn mạnh:
- Dạ... chú nói... ai là ai nào ạ?
Thủng thỉnh ngồi xuống salon, ông Nam từ từ đáp:
- Ba mẹ chú và cả ba mẹ cháu.
Ngọc Lam kêu lên:
- Ông bà nội chết rồi. "Ai" đây chính là ba mẹ cháu. Đúng là chưa khi nào cháu nghe hai người nhắc tới chú, nhưng tại sao vậy?
- Cháu thử đoán xem.
- Chuyện của người lớn, cháu biết gì đâu mà đoán. Nhưng tại sao chú đi nước ngoài?
Ông Nam thở dài, gượng mặt còn khá trẻ trung của ông bỗng tối sầm lại, giọng xa xôi:
- Tại nhiều điều lắm! Nhưng có lẽ chú vì tình yêu nên đã rời bỏ quê hương.
Ngọc Lam ngạc nhiên:
- Thế cô ấy bây giờ ở đâu vậy chú?
Giọng ông Nam lơ lửng:
- Với chú, cô ta đã chết.
Ngọc Lam chép miệng:
- Tiếc thật! Tự nhiên cháu lại gợi chuyện buồn.
Ông Nam nhếch môi như định nói gì đó, nhưng không hiểu sao ông có vẻ ngần ngừ rồi im lặng đốt thuốc.
Vừa lúc ấy chuông điện thoại vang lên. Ông thuận tay nhấc máy. Ngọc Lam chả biết ai tìm ai. Cô chỉ nghe giọng ông Nam thật lịch sự.
- Tiếc quá, Bích Kiều không có ở nhà. Xin lỗi, ông là ai, để tôi có thể nhắn lại...
Lam chớp mắt nhìn khi ông Nam ngồi xuống ghế.
- Tìm mẹ cháu à? Chắc là khách hàng.
Ông Nam khẽ lắc đầu:
- Chú nghĩ ông ta là bạn thân của mẹ cháu.
Lam phá ra cười:
- Bạn à? Mẹ cháu chỉ có bạn hàng thôi. Ngoài một lô một lốc bà đến tiệm vải mở sòng tứ sắc cho vui, mẹ làm gì có ông bạn nào?
Ông Nam từ tốn nói:
- Chính ông ta nhận là bạn mẹ cháu đấy thôi.
Lam ngạc nhiên:
- Ổng có nói tên gì không chú?
Mắt ông Nam lóe lên tia ranh mãnh:
- Làm sao dám, khi nghe giọng đàn ông trong điện thoại.
Ngọc Lam khó chịu:
- Mẹ cháu không như chú nghĩ đâu. Vả lại phụ nữ Việt Nam đàng hoàng không ai kết bạn qua điện thoại như ở nước ngoài.
Ông Nam phân trần:
- Cháu suy diễn quá xa, và cũng cực đoan quá! Tại sao phụ nữ có gia đình lại không có bạn chứ? Bộ họ không được sống riêng cho mình sao?
Lam nói giọng quả quyết:
- Với người khác, cháu chẳng biết, nhưng với mẹ cháu thấy dường như mẹ dồn hết tâm trí vào tiệm vải và vào ba với cháu. Bà đâu có thời gian dành cho mình.
Giọng ông Nam nhỏ hẳn lại:
- Vậy thì cháu lầm rồi.
- Chú nói vậy là ý gì?
Thấy gương mặt đỏ bừng lên của Lam, ông Nam cười xòa:
- Trông cháu kìa! Bênh vực cho mẹ ghê chưa. Chú nào có ý gì đâu, ngoài suy nghĩ rằng người đàn bà nào cũng cái riêng của mình hết.
Lam nhíu mày:
- Cháu hiểu không nổi ý chú.
Chống tay dưới cằm, ông Nam xa xôi:
- Ai cũng có dĩ vãng. Mẹ cháu cũng không ngoại lệ. Càng lớn tuổi người ta càng sống trong hoài niệm. Đó là những giây phút riêng tư thiêng liêng nhất của họ. Lẽ nào mẹ cháu không có những khoảnh khắc ấy?
Lam ngập ngừng:
- Cháu chưa bao giờ nghe mẹ nhắc đến hồi còn trẻ.
Hơi ngả người ra sau, ông Nam đưa đẩy:
- Nếu quá khứ đầy rẫy những chuyện buồn, đâu ai muốn nhớ đến nó.
Ngọc Lam thật thà:
- Chú biết quá khứ của mẹ cháu à?
Lắc đầu nhanh như máy, ông Nam nói:
- Ồ, không!
Lam ấm ức kêu lên:
- Vậy mà chú làm như rành lắm không bằng.
Ông Nam thản nhiên:
- Chú sống đã nhiều, nên chú đoán thế thôi. Nhất định mẹ cháu hồi trẻ không được sung sướng, đầy đủ như cháu bây giờ. chính vì vậy chị ấy mới dốc hết tâm trí vào công việc làm ăn để đổi đời.
Ngọc Lam thở dài:
- Mẹ cháu cực dữ lắm!
Chậm rãi phà khói thuốc, ông Nam nói:
- Chú hiểu. Ba cháu là người tàn tật, quen sống nuông chiều, đâu làm được việc gì ngoài công việc của một công chức ngày hai buổi đến sở rồi về. Mọi việc lớn nhỏ đều đổ lên đôi vai mảnh mai của mẹ cháu. Chị Kiều giỏi, rất giỏi. Chính vì vậy, đời sống tinh thần riêng tư của chị ấy càng dữ dội hơn người bình thường khác. Chú nói thật, mẹ cháu vừa cực xác vừa khổ tâm vì mình giỏi hơn chồng. chính vì nỗi khổ này mà mẹ cháu cần có bạn để quân bình lại sự chênh lệch mà ba cháu không bù đắp được.
Ngọc Lam phản ứng ngay:
- Mẹ cháu không cần bạn đâu. Chú suy diễn vấn đề theo kiểu Mỹ quá.
- Thế nào là kiểu Mỹ?
Lam trề môi:
- Chỉ có sống theo sống Phương tây, người đàn bà có chồng mới cần thêm một gã đàn ông làm bạn tâm tình.
Ông Nam lơ lửng:
- Có thể chú lầm. Nhưng đời mà, biết đâu chừng.
Ngọc Lam tức anh ách vì câu nói của ông chú Việt kiều. Cô chưa biết ứng phó ra sao thì chuông cổng vang lên.
Lam đứng dậy:
- Chắc mẹ về!
Vừa nói cô vừa chạy ra mở cổng. Bà Bích Kiều mệt mỏi bước vào. Ánh mắt còn rất sắc nét của bà lướt ngang chỗ ông Nam ngồi.
Ông lên tiếng trước:
- Hôm nay chị về hơi trễ.
Bà Kiều ngập ngừng:
- Ngoài tiệm nhiều việc quá.
- Sao chị một kiếm một... gã phụ tá nào đó để hắn đỡ đần mọi việc trong ngoài?
Bà Kiều hơi khựng lại vì câu hỏi có vẻ xúc phạm của ông Nam, rồi bà nhanh chóng đáp trả.
- Khó có... thằng đàn ông nào làm việc khiến tôi hài lòng. Thời buổi này đàn ông xum xoe, nịnh bợ thì nhiều hơn hạng chánh nhân quân tử. Tôi cần gì họ, khi mười mấy năm nay một mình tôi đã điều động để mở lớn ra tiệm vải nhỏ bé còn cái vỏ không của gia đình chú.
Ông Nam búng tay:
- À! Vậy mà tôi quên. Mười mấy năm nay chị vất vả quá. Nhưng có vậy một người thông minh nhạy bén như chị mới có đất dụng võ. Chớ nếu anh Quốc làm việc khiến chị hài lòng thì bây giờ chị đâu ngồi chót vót trên tiền tài, danh vọng nhưng trái tim trống rỗng như vầy.
Bà Kiều lạnh lùng:
- Ai cũng có mục đích cho cuộc đời mình. Khi chấp nhận lấy anh Quốc, tôi đã hứa với lòng sẽ thực hiện bằng được ước mơ của mình. Còn chú? Chú đã làm được gì sau bao nhiêu năm xa xứ, để bây giờ dài giọng mai mỉa tôi?
Ông Nam cười rất đểu:
- Những điều tôi muốn, tôi sẽ thực hiện ở đây. không lâu đâu... rồi chị và anh. Quốc sẽ được chứng kiến mà. Đâu cần phải lên giọng như thế.
Bà Kiều làm thinh bước vô nhà. Ngọc Lam te te bước theo. Đây là lần đầu tiên cô thấy mẹ có vẻ căng thẳng với chú Nam.
Mà cách nói xốc hông của ông vừa rồi nghe dễ ghét thật, bảo sao mẹ cô không trả miếng. Nhưng những điều hai người đối đáp nghe mơ hồ quá. Cứ ý như kẻ thù gặp nhau, rồi hăm he nhau không bằng.
Vứt cái ví lên giường, bà Bích Kiều hơi gắt:
- Nãy giờ con làm gì?
- Con nói chuyện với chú Nam.
- Chuyện gì?
Ngọc Lam ngập ngừng:
- Chuyện tại sao chú ấy đi Mỹ? Tại sao mãi bây giờ chú mới có vợ.
Bà Kiều có vẻ quan tâm:
- Thế... chú Nam bảo sao?
Ngọc Lam hỏi lảng đi:
- Bộ mẹ không biết gì về chú ấy hết à?
Bà Kiều co duỗi những ngón tay đeo đầy nhẫn và nói:
- Có! Mẹ có biết, nhưng vẫn muốn nghe xem chú đã nói sao với con.
Buông mình xuống nệm, Lam đều giọng:
- Chú ấy bảo hồi đó chú vượt biên vì chuyện tình cảm. Mới nói tới đó mẹ đã về rồi.
Ngọc Lam thấy mẹ nhếch môi. Cô chả đoán được bà đang nghĩ gì nên nói tiếp:
- Lúc nãy có điện thoại của mẹ. Chú Nam nhấc máy và bảo rằng ông bạn nào đó của mẹ gọi đến. Thật buồn cười...
Mặt hơi đổi sắc vì những lời Lam nói, nhưng sau đó, bà Kiều nhìn thẳng vào mắt Lam:
- Những lời chú Nam nói con chỉ nên tin độ mười phần trăm thôi. Tốt hơn hết ít trò chuyện với vợ chồng chú ấy. Thời gian rảnh để dành nghỉ ngơi học hành.
Ngọc Lam cong môi:
- Mẹ khó chịu quá! Ở chung nhà chả lẽ cứ xa xôi mãi như người dưng? Con phải biết đôi điều về ông chú duy nhất của mình chứ.
Bà Bích Kiều gắt:
- Đủ rồi! Mẹ cấm con tò mò chuyện riêng của người lớn. Không ai thích lật lại những trang đời buồn thảm của mình đâu. Con nên để chú Nam quên. Hỏi những chuyện đó, lỡ thím Huệ nghe được thì mất công lắm.
Ngọc Lam ngồi bật dậy:
- Con biết rồi. Mẹ khỏi dặn nữa.
Dứt lời, cô vừa hát nghêu ngao vừa đi về phòng mình. Mở cửa sổ, Lam thấy ông Nam đang ôm eo dìu Bạch Huệ đi ra cổng.
Cô bĩu môi thầm nghĩ. Lại đưa nhau vào dancing. Có vợ trẻ cũng khổ, nội chuyện chiều chuộng, cung phụng cô ả cũng mệt đứt hơi. Chắc chú Nam phải mê bà vợ trẻ này thật, nếu không cần gì chú phải thể hiện ra ngoài như thế.
Chống tay lên balcon, Lam thở ra một hơi dài. Đúng là khó cắt nghĩa được tình yêu. Nhất là đối với con nhóc chưa biết thế nào là y... ê... u như cô.
Quay vào nhấc điện thoại lên, Lam gọi cho Phương Thảo. Cô sẽ nhắn con bé ngày mai tới chở mình đi học, và cả bọn lại vào quán. Qua thi rồi, tại sao không... thư giãn ở một phòng karaokê có máy lạnh nào đó nhỉ?
o O o
Ngọc Lam lạnh toát người khi tìm hết túi áo túi quần tới túi xách vẫn không thấy thẻ gởi xe đâu.
Cô ấp úng nhìn hai người bạn:
- Mất thẻ rồi!
Cẩm Ly lo lắng:
- Phải làm sao đây?
Phương Thảo gắt:
- Ra bãi coi còn xe không chớ trăng sao gì nữa.
Rồi không đợi ai, Thảo băng băng đi như chạy. Lam lót tót theo sao. Đầu óc hoang mang, cô cứ nghĩ xem mình đã làm rơi cái thẻ ấy vào lúc nào và ở đâu.
Cẩm Ly lải nhải:
- Lỡ mất xe của nhỏ Thảo thì chết. Mẹ nó không sắm nổi cái khác đâu.
Lam cáu lên:
- Mày im đi cho tao nhờ! Toàn nói chuyện xui không hà.
Vừa lúc ấy, Phương Thảo chạy ngược về phía hai người, giọng hào hển:
- Xe vẫn còn. Phải báo với chú bãi ngay mới được.
Ngọc Lam gật đầu. Mới bước được hai bước, cô chợt nghe có người gọi giật lại:
- Này! Các cô làm mất thẻ phải không?
Ba cái miệng đồng loạt vang lên:
- Phải!
- Thẻ số mấy?
Lam đáp ngay:
- Ba mươi lăm! Cái số rất dễ nhớ.
Hai gã thanh niên đứng trước mặt Lam nhìn nhau. Gã mặc áo trắng tủm tỉm đẩy gã mặc áo sọc một cái:
- Đúng rồi! Chính... sư phụ này nhặt được cái thẻ xe ấy. Con số đó hạp với nó. Bây giờ ai muốn được ba mươi lăm thì xin nó đi.
Ngọc Lam liếc vội Thảo lúc con bé trề môi vì câu đùa hơi phô của gã áo trắng. Cô biết Thảo sẽ không mở miệng xin xỏ gì đâu. Người bất cẩn là Lam, cô phải lấy lại thể xe mới được.
Mỉm cười hết sức dễ thương, Lam nhỏ nhẹ nói với gã áo sọc có gương mặt lạnh như nước đá:
- Nãy giờ bọn em lo quá trời. Nhưng may là gặp được anh.
Gã áo trắng nhăn nhở:
- Không may lắm đâu! Muốn được ba mươi lăm phải chuộc đấy.
Phương Thảo chống nạnh, mặt hất lên:
- Bao nhiêu?
Vỗ vai gã áo sọc, gã áo trắng hỏi:
- Nhiêu đây mậy?
Không trả lời, gã áo sọc nhìn đồng hồ và nói
- Đừng đùa nữa. Tao phải đi đây.
Dứt lời, hắn ào ào bước xuống lề đường. Ngọc Lam vội kéo tay áo hắn lại:
- Ơ... cho em xin cái thẻ xe.
Chả một chút lịch sự, gã áo sọc hất mạnh Ngọc Lam ra, giọng cộc lốc:
- Tôi không giữ nó.
Rồi mặc cho cô đứng sượng trân, gã leo lên chiếc Dream dựng gần đó.
Cẩm Ly tức tối nhìn theo:
- Sao có loại người đùa vô ý thức đến thế chớ, đã vậy còn lỗ mãng với con gái.
Gã áo trắng gãi ót phân bua:
- Hắn ta cộc tính lắm.
Móc trong túi áo ra cái thẻ, gã nói tiếp:
- Nãy giờ đùa hơi vô duyên, giờ thì trả lại cô đây!
Dúi vào tay Lam, gã nheo mắt:
- Nhìn cho kỹ xem đúng số chưa? Các cô em đúng là may mới gặp tụi anh.
Lúc cả bọn đang dán mắt vào cái thẻ, gã áo trắng co giò chạy tới chiếc Dream. Chiếc xe vọt ra đường và phóng mất dạng.
Cẩm Ly hí hửng:
- Dù sao cũng còn hên. Tiếc là mình chưa nói tiếng cám ơn họ đã biến rồi.
Phương Thảo cười:
- Lây xe đi Lam, tao ghiền vào quán rồi.
Ngọc Lam làu bàu:
- Nghĩ lại tao đúng là vô duyên. Tự nhiên kéo áo tên đó cho hắn xù lông lên.
Ly an ủi:
- Mày hơi bạo chớ đâu có vô duyên. Nhưng nếu không làm thế, họ còn cù cưa cù nhầy chớ chưa trả lại cho mình ngay đâu.
Phương Thảo chép miệng:
- Trường hợp đó ai cũng phải làm thế. Mày ra tay nhanh hơn tao nên lãnh đủ. Mà cái tên mặt lạnh như đá ấy đúng là bất lịch sự. Bộ hắn sợ mất màu hay sao mà phủi mạnh gớm?
Ngọc Lam làm thinh, cô len lỏi vào bãi gở xe dắt chiếc D.D ra cùng một lúc với Cẩm Ly.
Con bé leo lên chiếc Angel và hỏi:
- Ê tụi bây, có khi nào hai thằng cha lúc nãy chê D.D bèo nên mới trả lại thẻ xe cho mình không?
Phương Thảo đáp gọn hơ:
- Chắc không đâu, mày đừng nghĩ xấu về người tốt nữa, con Lam nó buồn.
Ngọc Lam kêu lên:
- Vô duyên! Ăn thua gì tao lại buồn?
Phương Thảo nheo mắt:
- Thấy mặt mày bơ bơ, tao tưởng mày bị gã áo sọc hớp mất ba phần hồn, phần phần vía rồi.
Ngọc Lam bĩu môi:
- Mày thích chọc thì xin mời, tao chả thấy si nhê chút nào.
Dứt lời, Ngọc Lam vô số, chiếc xe hơi chồm lêm làm Phương Thảo giật mình ôm cô cứng ngắt. Đánh một vòng, cả nhóm dừng lại ở quán cà phê nằm trong khuôn viên một biệt thự cũ.
Phương Thảo nói:
- Cà phê máy lạnh hoài cũng chán. Bữa nay thử vào vườn Ảo Mộng này xem nó xó mộng ảo giống tên quán không.
Ngọc Lam vừa ngồi xuống cái ghế mây đã thấy miệng Cẩm Ly cong lên:
- Ê! Gặp lại cố nhân rồi bây ơi!
Lam dáo dác tìm:
- Ai vậy?
Và cô đụng ngay ánh mắt dửng dưng, lạnh lùng của gã áo sọc lúc nãy. Như một phản xạ, Lam quay ngoắt đi, lòng bối rối khi nghĩ mình còn nợ một lời cám ơn, nếu đúng là hắn đã nhặt được cái thẻ xe.
Lúc Ngọc Lam còn chưa biết phải làm sao cho đúng thì Phương Thảo đã đứng dậy.
Con bé đến bàn của hai gã ân nhân, giọng hết sức hiền lành:
- Cám ơn hai anh rất nhiều! Lúc nãy bọn này có nói gì không phải, mong hai anh đừng chấp nhất.
Gã áo trắng phẩy tay ra vẻ đàn anh:
- Chuyện nhỏ thôi mà. Chà! Không ngờ mau gặp lại đến thế. Mình ngồi chung cho vui nha.
Một thoáng, Lam bắt gặp mắt gã mặt lạnh lóe lên một tia khó chịu, cô thấy bực bội khi nghĩ Phương Thảo quá vội cám ơn làm hai tên này phách lối tưởng mình cao giá lắm.
Giọng nhỏ Thảo vẫn ngọt ngào:
- Tiếc quá! Bọn này đang chờ bạn, nếu không đã ngồi chung rồi, xin phép nhé.
Dứt lời, con bé mỉm cười thật tươi rồi quay về bàn. Rút một điếu thuốc, thản thiên gắn lên môi Thảo thở ra:
- Xong! Khỏi bận tâm về hai gã đó nữa. Kêu cà phê đi Ly.
Ngọc Lam kêu lên:
- Cám ơn xong là làm mặt lạ ngay à?
- Chớ sao nữa, đàn ông không còn chỗ đứng trong tim tao, đừng hòng kéo chuyện cà kê mệt lắm.
Cẩm Ly vờ nhăn nhó:
- Nhưng tim tao và nhỏ Lam thì trống trơn. Mày cắt đứt ngoại giao như vầy uổng quá.
Phương Thảo hất hàm:
- Chắc gì tim hai khứa đó chưa có chủ. Tụi bây nhìn kìa.
Ngọc Lam trố mắt nhìn thấy một cô gái mặc jupe màu đỏ ngắn ngủn đang uyển chuyển ngồi xuống đối diện gã áo sọc. Tim Lam bỗng đập mạnh khi nhận ra cô gái ấy.
Phương Thảo cũng ngạc nhiên không kém, con bé bấu vai Lam:
- Hổng lẽ, là...?
Nuốt nước bọt, Lam ấp úng:
- Đúng là bả rồi. Lạ thật!
Cẩm Ly tò mò nhìn cô gái áo đỏ rồi buột miệng hỏi:
- Tụi bây nói ai vậy?
Ngọc Lam chép miệng:
- Bà thím Việt kiều của tao.
- Bả đâu?
Lam làu bàu:
- Bả ngồi kia kìa. Một đống đỏ chóe mày không thấy sao? Bả làm gì ở đây với hai gã đó vậy kìa?
Cẩm Ly tài lanh:
- Chắc bả đổi tiền đô chợ đen, hoặc nhận chuyển tiền hộ ai để ăn huê hồng.
Thảo bĩu môi:
- Ai mà làm chuyện đó trong quán cà phê. Mày giỏi đoán mò.
Ngọc Lam băn khoăn:
- Theo lời chú tao thì thím Huệ sống từ nhỏ ở Mỹ, mới về Việt Nam sao đã quen hai tên đó.
Cẩm Ly hạ giọng:
- Lỡ hai tên đó cũng Việt kiều hồi hương như bả thì sao?
Phương Thảo xì một tiếng:
- Mã đó mà Việt kiều. Hổng dám đâu!
Ngọc Lam thắc mắc:
- Không biết thím tao đến đây làm gì nhỉ?
Cẩm Ly xúi:
- Muốn biết, mày đến nhận bà con xem thái độ bả ra sao.
Ngọc Lam lưỡng lự:
- Làm vậy kỳ lắm! Cứ ngơ đi cho yên nhà yên cửa. Ngồi chỗ này hơi khuất, chắc thím ấy chưa thấy tao đâu.
Bưng tách cà phê, Phương Thảo uống một ngụm và nói:
- Vậy là những điều tao thắc mắc trước đây với mày có cơ sở rồi đó.
Lam chớp mắt:
- Mày không tin thím Huệ là Việt kiều à?
Phương Thảo gật đầu:
- Tao vẫn tin trước đây đã từng gặp bả.
Cẩm Ly buột miệng:
- Chà! Rắc rối dữ à.
Nhìn quanh một cái, con bé nói tiếp:
- Quán này vừa kín đáo vừa thơ mộng. Việt kiều mới về quê lần đầu mà tìm ra được cũng siêu phàm thật.
Ngọc Lam nuốt cục nghẹn xuống, cô biết hai nhỏ bạn của mình không ác ý khi đưa ra nhận xét về chuyện trước mắt. Khổ nỗi cô chả hiểu phải giải thích sao cho đúng, khi thật sự cô cũng không được gì cụ thể về Bạch Huệ.
Đang cau mày nghĩ ngợi lung tung, Lam giật mình khi thấy gã áo trắng ngồi xuống đối diện.
Giọng gã ngọt xớt:
- Xin lỗi các cô! Tôi có thể tị nạn ở đây được không?
Cẩm Ly đon đả.
- Ồ! Được chứ! Xin cứ tự nhiên. Nhưng nói thật. Anh đi với người gì tệ quá! Ai lại vì bồ bỏ bạn bao giờ. Đúng không?
Gã áo trắng cười toe toét:
- Tôi lại thấy hắn rất dễ thương khi tạo cơ hội cho tôi sang đây. Tôi là Tuấn, đang là kỹ thuật viên tin học của trung tâm Hoa Sen.
Phương Thảo hỏi:
- Vậy sao lúc nãy lại có gặp ở bãi gởi xe Tổng hợp?
Vuốt mái tóc Tabu sang một bên, Tuấn khề khà:
- Bọn tôi đi tìm bạn, nhưng không gặp mà lại lượm được cái thẻ xe...
Ngọc Lam ngập ngừng:
- Anh lượm hay hắn?
Tuấn nhìn Lam:
- Hắn lượm rồi dúi vào túi tôi. Bọn tôi chờ cả tiếng, chả thấy ai đi tìm. Vừa định giao lại cho chủ bãi xe thì gặp các cô. Thằng khỉ gió ấy nôn tới đây nên lúc nãy hơi quạu. Cô đừng giận hắn nghe.
Phương Thảo cắn môi:
- Nhưng hắn tên gì vậy?
- Tên Đông. Phương Đông.
Cẩm Ly cười khúc khích:
- Vậy là có bà con với nhỏ Phương Thảo rồi.
Mắt Tuấn nhanh lẹ đảo một vòng như quan sát rồi hỏi:
- Ba người học chung à?
Phương Thảo gật đầu:
- Năm thứ ba, khoa Anh.
- Vậy là so về tuổi đời lẫn tuổi học đều thua bọn này.
Ngọc Lam nghiêm nghị:
- Tui tôi hơn chớ không thua.
Tuấn ngờ mặt ra:
- Hơn ở chỗ nào?
- Tụi tôi trẻ hơn, học muộn hơn...
Tuấn phì cười:
- Và lanh hơn phải không?
Cẩm Ly chót chét:
- Thông minh thật! Có thể nhập bọn được đó.
Tuấn hớn hở:
- Nếu thế còn gì hơn nữa.
Phương Thảo lừ mắt nhìn Ly khiến con bé cụt hứng.
- Làm như trong chuyện chưởng không bằng, vừa gặp là kết huynh muộn.
Tuấn tủm tỉm:
- Cô bé này khó thật.
Thảo hếch mũi:
- Không khó làm sao sống? Đời nay ra ngoài là gặp người xấu rồi.
- Nhưng tôi vừa làm việc tốt cho các cô đó thôi.
- Biết làm việc thiện chưa chắc đã là người tốt. Người ta vẫn làm việc thiện có mục đích mà.
Lén đá vào chân Thảo, Ngọc Lam nhỏ nhẹ:
- Ai biết vì bạn thì chắc không phải người xấu. Anh Tuấn nè! Nếu không có bọn tôi ngồi đây, anh sẽ tị nạn ở đâu?
Tuấn nhún vai:
- Thiếu gì cách, thí dụ tôi sẽ vờ đi mua thuốc lá, hoặc đi đâu đó ít lâu rồi trở lại.
Phương Thảo châm chọc:
- Vậy anh theo hắn làm chi cho khổ?
Tuấn thản nhiên:
- Không có tôi thì chả nên cơm cháo gì.
Ngọc Lam dò dẫm:
- Ủa! Vậy anh làm ông mai hay liên lạc?
Tuấn hấp háy mắt:
- Sao tôi phải nói điều bí mật nay nhỉ?
Xoay xoay ly cà phê, Phương Thảo vụt hỏi:
- Hắn tên Phương Đông, thế cô bồ tên gì? Phương Nam hay Phương Tây mà trông giống Việt kiều quá vậy?
Tuấn xoa cằm:
- Giống ở chỗ nào?
Cẩm Ly buột miệng:
- Ở cách ăn mặc. Very mát mẻ.
- Nói vậy là lầm to. Cô ta Việt Nam một trăm phần trăm.
Ngọc Lam hấp tấp hỏi tới:
- Nhưng tên gì?
Tuấn nhướng mày:
- Bạch Huệ! Cô bé có quen không?
Lắc đầu thật nhanh, Lam nói:
- Ơ không!
Gật gù, Tuấn hỏi trỏng:
- Hình như các cô quan tâm đến... đó hơn đậy. Sao kỳ vậy cà?
Phương Thảo nhoẻn miệng cười:
- Tôi chỉ quan tâm tới cái áo đỏ ấy thôi, thấy quen lắm, nhưng chả nhớ gặp ở đâu.
Liếc Thảo một cái, Tuấn lơ lửng:
- Thảo có hay đi nhảy không?
- Thỉnh thoảng tôi có vào Đêm Màu Hồng.
- Vậy quen là đúng rồi.
Mặt Ngọc Lam tái đi, cô ấp úng:
- Tại sao vậy? Không lẽ Bạch Huệ là vũ nữ ở Đêm Màu Hồng à?
Tuấn nheo nheo mắt:
- Đúng thế! Chả lẽ ai sinh ra cũng được làm sinh viên đại học như các cô?
Ngọc Lam nói trớ đi:
- Không phải! Ý tôi là đàn ông có bồ làm vũ nữ, chả biết ai... nuôi ai đây.
Tuấn búng tay đánh tróc:
- Một câu hỏi hết xảy. Theo cô thì sao?
Ngọc Lam nhún vai làm thinh. Cô vẫn nghe nhỏ Thảo kể về vũ nữ đời bây giờ thường có cận vệ đưa rước hàng đêm. Nhiều nàng còn sắm cho mình một ông chồng hờ rồi nuôi nấng để chàng phục vụ từ A đến Z. Chàng sẽ cần mẫn đưa nàng đi, đón nàng về, bảo vệ nàng tránh khỏi sự trêu ghẹo của những gã sàm sỡ, còn nàng nghiễm nhiên coi chàng là người đáng trông cậy ngoài đường, và đáng để rủ rỉ tâm tình lúc cô đơn ở nhà. Cứ mỗi ngày, nàng lại dúi cho chàng một khoảng trích ra trong tiền "boa" dồi dào của khách để chàng ăn uống và đổ xăng. Chả lẽ gã Phương Đông này nằm trong số những gã đàn ông sống bám theo váy đàn bà mà người ta gọi là những gã sở khanh tân thời? Thật sự Bạch Huệ và gã ta có quan hệ gì?
Ngọc Lam hoang mang khi nghĩ tới chú mình. Tại sao ông lại nói Bạch Huệ sống ở Mỹ từ nhỏ kìa? Có chuyện gì khiến chú phải nói dối khi chú là người không bị ràng buộc bởi ai hết?
Giọng Phương Thảo vang lên cắt đứt dòng suy nghĩ của Lam:
- Bạch Huệ là cave ở vũ trường Đêm Màu Hồng thật hả?
Ngả người vào ghế, Tuấn nói:
- Tôi đùa làm gì. Nhưng dạo này cô ta tạm nghỉ rồi.
- Tại sao vậy?
Nhún vai, Tuấn đáp:
- Nghe đâu câu được một lão Việt kiều sộp lắm. lão ta bao con nhỏ luôn. Nghỉ là phải!
Cẩm Ly xuýt xoa:
- Vậy là trúng mánh rồi! Anh chàng Phương Đông chắc cũng được hưởng tiêu chuẩn ăn theo.
Tuấn lừ mắt:
- Làm gì mà đánh giá người ta thấp vậy? Tụi này không phải hạng người như cô em nghĩ đâu.
Ngọc Lam vội vàng lên tiếng:
- Xin lỗi! Chỉ là đùa thôi mà.
Tuấn nhún vai làm thinh. Lam hiểu mình khó có thể moi thêm tin tức về Bạch Huệ. Dù sao cuộc hội ngộ đây ngẫu nhiên này cũng hết sức lý thú. Cô sẽ nói gì với chú Nam? Có cần lật tẩy hai vợ chồng chú không?
Tuấn bỗng nói:
- Các cô có thường vào quán không?
Thảo tỏ vẻ chán chường:
- Hết giờ học không vào quán thì làm gì khi ở nhà chẳng ai mong mình về hết?
- Đi bộ ba như vầy à?
Cẩm Ly hóm hỉnh gật đầu:
- Ba vẫn vui hơn hai. Nếu có tị nạn như anh cũng có đôi có cặp.
Tuấn nhìn ba người, giọng chân tình:
- Nãy giờ vẫn chưa biết tên hết cả nhóm. Thật đáng tiếc!
Cẩm Ly cười rất tự nhiên:
- Tôi là Cẩm Ly, còn con nhóc này là Ngọc Lam.
- Tên ai cũng đẹp hết.
- Đương nhiên! Thời bây giờ khó tìm ra tên xấu lắm. Đôi lúc tôi nghĩ hình như bố mẹ cho rằng cho con cái tên đẹp là đã hoàng thành hơn phân nửa trách nhiệm với nó rồi.
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Phố Bụi Hồng
Trần Thị Bảo Châu
Phố Bụi Hồng - Trần Thị Bảo Châu
https://isach.info/story.php?story=pho_bui_hong__tran_thi_bao_chau