Ổ Kiến Lửa epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 1
ô giáo đã ngừng nói, nhưng cả lớp vẫn còn ngồi im bất động. Cái không khí bi hùng của ngày Yên Bái cơ hồ sống lại ở đây, sống lại trong ánh mắt đỏ hoe và giọng nói xúc cảm của cô giáo, sống lại trong những cặp mắt ngô nghê và hơi thở dồn dập của học trò. Cô giáo đến ngồi trên ghế của cô, hai tay khoanh lại, cô nhìn chúng tôi như muốn đoán biết ý nghĩ của học trò cô. Chúng tôi lặng lẽ liếc nhìn nhau. Đứa nào như cũng sợ tiếng cử động của mình phá tan không khí yên lặng này. Đã biết bao lần, trong giờ Việt Sử, cô giáo giảng bài cho chúng tôi nghe về các anh hùng dân tộc chống Pháp, mà chưa có lần nào chúng tôi nghe xúc động như bây giờ.
Bỗng hồi chuông reo vang phá vỡ cái yên lặng đáng quý. Chúng tôi vẫn nhìn cô giáo. Cô đứng lên, ra dấu cho chúng tôi về. Như bầy ong vỡ tổ, mấy mươi cái miệng mở ra, xôn xao. Tôi nghe rõ ràng tiếng thằng Sơn xuýt xoa:
- Hay quá mày ơi! Cô giảng bài hay quá!
Thằng Hùng bày tỏ sự khâm phục của nó:
- Thích quá! Tao nghe cô giảng bài, tao khoái môn Việt Sử nhất.
Thằng Thụy nói nghiêm trang hơn cả:
- Tớ có một cuốn Quốc Sử dày, có in hình các anh hùng Việt Nam. Hình ông Nguyễn Thái Học oai lắm! Các bồ tới nhà tớ, tớ cho xem.
Cả lũ nhao nhao, đồng ý đến nhà Thụy để chiêm ngưỡng chân dung của vị anh hùng Yên Bái trong sách. Bàn tán một hồi chúng tôi giải tán, đứa nào về nhà đứa nấy. Khi ra đến cửa lớp, tôi chợt đứng lại. Một đứa đứng choán cả lối đi: thằng Rơ-nê! Tự nhiên tôi giận cay lên. Tôi đằng hắng một tiếng. Rơ-nê quay lại. Nó vội vã đứng nép vào dãy bàn. Tôi vẫn không đi. Tôi nhìn chăm chăm vào mắt nó. Đôi mắt xanh như mắt mèo của nó quỵt xuống, ngại ngùng. Bọn thằng Sơn đi phía sau, bảo tôi:
- Ra mau đi Hải! Tụi bây đứng chắn đường chi vậy?
Tôi không nói. Thằng Hùng nhận thấy có Rơ-nê đứng đó, bèn nói to:
- À! Tại có thằng Tây lai kia tụi mày ơi! Nó muốn gây với thằng Hải mà!
Cả bọn cùng nhìn thằng Rơ-nê trừng trừng. Những bàn tay nắm lại như muốn khiêu chiến. Rơ-nê cất nhanh mấy quyển vở vào cặp, chạy vụt ra khỏi lớp. Bọn chúng tôi cười vang lên đắc chí. Thằng Sơn to miệng nhất:
- Tây lai nhát như chó cụt đuôi há!
Chúng tôi ùa chạy ra ngoài. Dưới ánh nắng chói chang buổi trưa, tôi thấy bóng thằng Rơ-nê thấp thoáng sau hàng rào bông giấy. Bọn Sơn, Hùng đã rẽ sang ngõ khác. Tôi đi cùng một đường với Rơ-nê. Nó đi trước cách tôi không xa. Dáng dấp nó to lớn dềnh dàng, mái tóc trần màu đỏ hung của nó như muốn bốc cháy với ánh nắng. Tay nó đút vào túi quần cũ kỹ, chiếc cặp bên kia lỏng lẻo như sắp rơi. Trông nó chẳng có vẻ học trò tí nào.
- Rơ-nê!
Rơ-nê đứng lại, nhìn quanh. Cô giáo đang đạp xe đi đến phía nó. Sau khi cô mỉm cười với tôi, cô ngừng xe bên cạnh Rơ-nê, dịu dàng hỏi:
- Nhà em ở đâu?
Rơ-nê ấp úng những gì tôi không nghe rõ. Cô giáo tỏ vẻ ái ngại khi nhìn nó. Cô xuống xe, dắt bộ, vừa đi vừa nói chuyện với Rơ-nê. Trong lớp, đứa nào cô cũng biết nhà, biết cả tính tình và học lực, chỉ trừ thằng Rơ-nê, vì nó mới vào học một tuần nay, mà lúc nào nó cũng len lét như sợ sệt, đi học thì rất trễ mà ra về thì chạy ù như sợ ai đuổi. Hôm nay vì nó chậm trễ nên cô mới có dịp gặp nó, hỏi thăm về nó. Cô giáo hỏi chuyện nó thật nhiều. Tôi đi đàng sau, bỗng nhiên thấy tức tối thế nào! Tại sao cô giáo lại hỏi han thằng tây lai? Cô không ghét nó ư? Cô đã dạy chúng tôi những bài Việt sử, kể những giai đoạn đầy máu và nước mắt, khiến chúng tôi căm hờn thực dân vô hạn. Thế mà sao cô lại dịu hiền với thằng Rơ-nê, thằng tây lai, thằng mà chúng tôi đã ghét ngay từ hôm đầu? Chúng tôi cay thằng Rơ-nê lắm! Cái mặt tây lai mắt xanh mũi lõ trông mà ghét. Mà lúc nào nó cũng nhìn chúng tôi như chọc giận vậy. Chúng tôi đã nói với nhau có ngày cũng sẽ đánh cho nó một trận. “Chúng tôi sẽ rửa nhục!”, cái nhục mà mỗi giờ Việt sử cô giáo mỗi nhắc lại, mỗi đè nén trong lòng chúng tôi một mối căm hờn kỳ lạ, đang chờ dịp bùng lên. Thằng Rơ-nê sẽ là cái đích cho chúng tôi “rửa nhục”.
Rơ-nê vừa chào cô giáo để rẽ vào một ngõ hẹp. Cô giáo lên xe đạp đi. Và tôi, tôi cũng trở về trong xóm nghèo của tôi. Vào đến nhà, tôi vẫn miên man suy nghĩ. Tôi đang moi óc tìm kế gây sự với thằng Rơ-nê. Cả bọn chúng tôi phải gây sự với nó, phải đánh nó để… “rửa nhục” (!)
Ổ Kiến Lửa Ổ Kiến Lửa - Nguyễn Thị Mỹ Thanh