Chương 1: Phật Thích Ca (560–480 Ttl)
rên thế giới ngày nay, hai tôn giáo lớn nhất là, Thiên Chúa giáo với gần 900 triệu con chiên và Phật giáo với hơn 500 triệu tín đồ.
Chúng ta nhận thấy hai tôn giáo này khác biệt nhau trên đạo lý và đối chiếu nhau giữa hai đức tin. Hai vị giáo chủ Jesus và Phật Thích Ca cũng không giống nhau.
Tuy nhiên, tình thương của Thiên Chúa giáo và nhân sinh quan của Phật giáo đều đặt trên căn bản tình yêu thương vô bờ bến đối với chúng sinh cũng như cứu rỗi nhân loại bằng chính sự chịu đựng và hi sinh cao cả của hai vị giáo chủ.
Trong thế giới loài người rộng lớn và sống quây quần nhau, có nhiều điểm tương quan và tình thân hữu giữa con người với con người. Do đó, nhìn vào kinh Phật, chúng ta biết về đạo lý Phật Thích Ca, và dường như chúng ta cũng có thể nhận ra dễ dàng vài nét thấp thoáng của cá nhân Jesus. Phật là người đầu tiên và Chúa là người tiếp tục làm nảy nở thêm sự toàn mỹ của nhân loại.
Phật Thích Ca là con trai của tiểu vương dòng Sakya, thuộc giai cấp quý tộc, xếp thứ hai trong bốn giai cấp ở xã hội Ấn Độ. Phật Thích Ca có lẽ sinh vào khoảng 560 trước Thiên Chúa, và được nuôi nấng trong một gia đình quyền quý, sống trong nhung lụa suốt cả thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành.
Chúng ta không thể nào nói vào thời kỳ nào mà ông bắt đầu lo nghĩ, khi lần đầu tiên, ông nhận thấy sự rỗng tuếch của thú vui ăn chơi vật chất và thắc mắc với một vấn đề về sự khổ của kiếp người. Nhưng có một điều chắc chắn là khi đứa con trai ông chào đời, Phật lúc đó vừa 29 tuổi, quyết định thay đổi tất cả lối sống của mình, và cuối cùng mang theo bên mình tư tưởng cách mạng tôn giáo ở phương Đông.
Ngày hôm đó, tự nhiên Phật khám phá ra là phải từ giả gia đình êm ấm, vợ đẹp, con ngoan, dứt bỏ tất cả những công danh sự nghiệp, đền đài cung diện, cũng như những tài sản của cuộc đời này, dồn hết tâm trí trong việc đi tìm một chân lý đích thực của cuộc đời. Phật đã đạt được quyết định này với thật nhiều ý chí vĩ đại, vì phải dứt bỏ trong giây phút những ràng buộc với gia đình khỏng phải là chuyện dễ dàng.
Thức dậy trong đêm khuya thanh vắng, tư tưởng đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng Phật không thể nào cưỡng lại ý muốn nhìn vợ con lần cuối cùng. Khi nhìn vợ con yên giấc giữa những bông hoa la liệt, quà tặng của những người đến dự lễ sinh nhật, lòng Phật bừng lên ý muốn siết chặt đứa con trai thân yêu lần cuối. Nhưng Phật dằn lòng được, vì sợ vợ thức dậy, và rồi chiến thắng được sự ham muốn của mình, Phật rón rén bước ra, leo lên ngựa và băng mình trong đêm tối.
Đi xa khỏi quê hương đất tổ, sau khi băng qua những cánh đồng phì nhiêu ở thung lũng sông Ganges, Phật đến dãy đồi Vindhya, vùng ranh giới cây cối um tùm, tách rời Ấn Độ khỏi vùng đất cao khô khan của Decan, miền đất phía Nam. Phật sống tại đây sáu năm, tìm đạo lý bằng sự hành xác ghê gớm của người tu khổ hạnh.
Ông cạo râu, tóc, mặc quần áo màu vàng của các tăng và lang thang đi khất thực cũng như chịu đựng sự hành xác bằng cách hạn chế ăn.
Phật sống cô độc trong một khu rừng già với năm môn đồ. Phật cố gắng tự ép mình trong giới luật và đày đoạ thể xác để tinh thần đạt đến một sự thanh tịnh hoàn toàn.
Phật trở nên nổi tiếng, được khắp nơi tán tụng như một con người thánh thiện trong sạch, nhưng chân lý mà Phật muốn tìm kiếm vẫn còn xa lắc. Cho đến một hôm, sau một cơn mê mang bất tỉnh vì đã hành xác quá độ, Phật tỉnh dậy và một tia sáng lóe lên trong trí. Tất cả những sự nhịn ăn và kiềm hãm con người ra khỏi những điều kiện tiên quyết của đời sống bình thường, như sự hành xác không chăm sóc đến sức khoẻ sẽ không mang lại kết quả gì, mà chỉ làm gia tăng sự suy nhược về tinh thần cũng như thể xác. Để có thể giữ gìn lý trí được vững bền, sự suy tư được hoàn mỹ, quan sát được sự diễn biến của tư tưởng và để có một cái nhìn sáng suốt, thấu đoạt được kết quả tốt đẹp, con người phải ăn thức ăn tinh khiết và giữ một đời sống khoẻ mạnh. Rùng mình trước sự khám phá, Phật vội vàng chia sẻ sự xúc động đó với năm môn đồ. Nhưng khi nghe vị thầy tôn kính của họ từ bỏ cuộc sống khổ hạnh và đòi ăn trở lại, họ vô cùng sửng sốt và khiếp đảm trước đề nghị có vẽ nổi loạn ngoài sức tưởng tượng của họ, cho nên họ bỏ rơi Phật.
Những ngày kế tiếp thật đã gây nhiều hậu quả cho thế giới phương Đông. Bị bỏ rơi trơ trọi, Phật lang thang khắp các khu rừng ở Gaya, ngày nay gọi là Bihar. Khi đến bờ sông Neranjara, Phật mới an toạ dưới tán cây bồ đề hay cây sung rừng. Một người đàn bà đến dâng cho Phật một cốc sữa, Phật nhận lấy và uống để bồi bổ sức khoẻ, tiếp tục kiên tâm theo đuổi khám phá chân lý.
Và tại nơi đó, sau những giờ triền miên trong suy tư mãnh liệt cũng như sự khổ não của tinh thần. Phật đã trải qua tất cả những xúc động của một con người, từ sự tuyệt vọng đen tối nhất đến niềm hy vọng tuyệt hảo, cuối cùng Phật đã tìm được sự bình thản của tâm hồn, và khám phá ra chân lý, ông trở thành Phật Thích Ca, một vị Phật rực rỡ sáng chói.
Lúc đầu, quá đỗi vui mừng với sự khám phá của mình, Phật bị cám dỗ giữ niềm vui đó một mình và sống nốt quãng đời còn lại trong niềm hạnh phúc cô đơn. Phật không muốn san sẻ với ai niềm hạnh phúc vĩ đại mà Phật đã tìm ra được bằng một giá rất đắt. Nhưng ý muốn quá ích kỷ đó không thể tồn tại trong quả tim của một người như Phật, đã đạt đến chân lý bằng sự thăng hoa của con người, là phải vượt lên trên tất cả những ham muốn tầm thường. Vì thế chẳng bao lâu, Phật Thích Ca lại lên đường đến Benares phổ biến cho tất cả mọi người chân lý đã ngự trị Phật.
Tại thành phố, Phật tìm được những môn đồ cũ. Họ mau mắn trở lại làm đệ tử trung thành của Phật, vì Phật đã nói chuyện với họ, với tất cả phẩm cách cao cả và lòng tự tin. Sự bình tĩnh điềm đạm, sáng suốt của Phật Thích Ca đã trấn an họ, dẹp tan tất cả mọi nghi ngờ ngần ngại. Cả nhóm họp lại tự xây cất chỗ ở trong công viên Deer, tạo thành một làng của những người hiền triết ở Benares, và tại đó Phật Thích Ca đã giảng cho tất cả mọi người nghe chân lý mà Phật khám phá được.
Phật Thích Ca nói “có bốn điều chân lý cao xa mà ta phải thấu đáo. Thứ nhất là chân lý của sự khổ. Sự khổ ở thế gian và kéo dài suốt cuộc đời. Sinh, lão, bịnh, tử đều là khổ. Không được thương yêu cũng là sự khổ. Bị chia sớt tình yêu cũng là sự khổ. Không đạt được ý muốn cũng là sự khổ. Nói tóm lại, những điều căn bản của cá tính con người là sự khổ”.
Chân lý đó đã được khẳng định trong giáo lý nhà Phật. Phật dạy rằng, nằm sâu trong sự ham muốn của con người là được trường sinh bất tử kèm theo bằng dục vọng và sự khao khát lúc nào cũng đòi hỏi để thoả mãn, thèm khát sống, thèm khát quyền lợi. Đây là chân lý thứ hai được khám phá ra là những nguyên nhân của sự khổ.
Chân lý thứ ba là dạy cách tiêu diệt nỗi đau khổ, dập tắt ngọn lửa tham, sân, si, và xua đuổi không cho nó có nơi sinh tồn.
Chân lý thứ tư là bát chánh đạo, giải thích phương thức giải thoát con người bằng cái nhìn xác đáng, trong ý nghĩ, ngôn ngữ, hành động, trong đời sống, trong sự nỗ lực làm việc, cẩn thận và chú tâm. Những điều đó bao trùm ba con đường sinh hoạt chính yếu của con người là, thân xác, trí não và ngôn ngữ.
Ông tự xưng là Phật Thích Ca, vì đã nghiền ngẫm và thông suốt được bốn điều chân lý cao quý ấy, đã đạt tới bực thánh, một bực chân tu toàn mỹ nhất của nhân loại.
Bây giờ, Phật đã lĩnh hội được cách giải thoát, được mệnh danh là con đường trung dung giữa cực đoan, sự hưởng thụ vật chất quá đáng, cũng như sự hành xác thái quá. Do đó, Phật Thích Ca đã đạt tới con đường đưa đến cõi Niết Bàn, trên cả sự chết, nơi con người được cứu rỗi hoàn toàn, thoát ra khỏi lòng ham muốn vị kỷ, và mỗi linh hồn đều hợp nhất quây quần trong hoà bình thân ái của cõi vô vi.
Chủ thuyết của Phật Thích Ca, trong lúc chiếm ưu thế tốt đẹp, đã phải đương đầu chống lại với khuôn khổ đời sống cũng như ý nghĩ của Ấn Độ đương thời, trước khi chúng ta có thể xác định tầm quan trọng của đạo Phật. Tôn giáo ngự trị miền Bắc Ấn Độ vào thời Phật Thích Ca là Ấn Độ giáo, được người Bà La Môn truyền bá đầu tiên hay những giáo sĩ. Đối với họ, đời sống căn bản là nghi lễ, chỉ biết trung thành tuân theo lời phát nguyện, những luật lệ và quy chế mới có thể bảo đảm được đạo đức và thể chất của con người. Đời sống được giảm thiểu trong một phương thức máy móc, không thay đổi, không tiến bộ, giữ gìn đời sống khắc khổ theo kinh Dharma. Xã hội bị chia ra làm bốn giai cấp, và sự phân chia được ấn định từ thuở lọt lòng. Cho nên địa vị con người đóng khung bất di bất dịch, từ khi mới sinh ra cho đến lúc nhắm mắt lìa đời. Sự cứng rắn phân chia giai cấp trong xã hội Ấn Độ đã tạo nên, khiến cho giới quý tộc luôn luôn cố gắng thống trị giai cấp bần cùng. Giai cấp hạ tiện này không có cơ hội để tự bày tỏ tư tưởng. Bổn phận của họ là phải phục vụ và lệ thuộc hoàn toàn vào giai cấp được đặc quyền, do đó chủ nghĩa định mạng đã được an bày. Chủ nghĩa này là một thiệt thòi quá lớn, không mang lại cho đám đông dân chúng bất hạnh, nghèo khổ, và ngăn cản không cho một tư tưởng tự do nào được dịp phát triển. Tín điều chính của họ là lòng tin tưởng một cách mù quáng, và hoàn toàn nô lệ theo ý muốn của các thần linh. Trong khi đó, tư tưởng tôn giáo bắt nhịp cầu thông cảm giữa con người với con người, không phân biệt giai cấp, làm phát triển tình tương giao của nhân loại lại không được biết đến.
Một bức tranh u tối của đời sống thấp kém, tuyệt vọng bị bỏ rơi của đại đa số quần chúng được phơi bày ra, khi Phật Thích Ca đi giảng đạo lý cho dân chúng nghe. Phật Thích Ca đến với họ, không kêu gọi sự cảm động của mọi người, nhưng Phật đến với họ bằng chính ngôn ngữ của họ, và những điều giảng dạy của Phật đều đặt trên căn bản tình yêu thương, cũng như ôn hoà trong lời nói, ý nghĩ hay trong hành động. Cá tính nhân từ vượt bực của Phật đã hấp dẫn tất cả mọi người, già cũng như trẻ, giàu cũng như nghèo, có quyền thế cũng như kẻ hạ lưu.
Phật Thích Ca thừa nhận thuyết luân hồi với sự tái sinh không ngừng nghỉ của kiếp người, nhưng Phật cũng đã tìm ra cách để thoát ra khỏi vòng sinh tử ấy. Thấu suốt được bốn chân lý cao xa để đạt đến cõi Niết Bàn, con người có thể tự giải thoát mình ra khỏi cá tính một con người, và không còn vướng trong vòng sinh, lão, bịnh, tử. Những lời giảng dạy của đức Phật mang lại kết quả khả quan đối với những đệ tử nhà Phật. Triết lý này chỉ có thể đạt được bằng những tâm hồn đầy nghị lực và nhiệt tâm, và phải ép mình trong đạo lý cũng như tự răn mình. Bát chánh đạo đặt ra một đạo pháp thật cao làm phương châm cho con người đến cõi Niết Bàn.
Phật Thích Ca bỏ đi tư tưởng phân chia giai cấp. Đối với Phật, tất cả mọi người đều bình đẳng, và tất cả đều được đối đãi như anh em bạn bè. Không sinh vật nào bị giết vì tất cả mọi đời sống đều linh thiêng, Phật cấm các đệ tử không được nói dối, không được trộm cắp, thông dâm, không được chìm đắm trong men rượu hay đòi hỏi những quyền lực vượt quá con người.
Để truyền bá đạo lý và giúp ích cũng như cải thiện đa số quần chúng có một đời sống khả dĩ hơn, Phật Thích Ca thiết lập quy chế cấp bực cho các tu sĩ. Các luật lệ này rất nghiêm khắc, những người xuất gia đều bị bắt buộc phải từ bỏ thế giới bên ngoài, mọi liên hệ với gia đình, sống một cuộc đời trong sạch, tuyệt đối cự tuyệt với tất cả những đòi hỏi của chính mình. Các tu sĩ phải mặc áo vàng, mang bình bát đi khất thực, rồi chia nhau đi khắp các ngả đường để truyền bá đạo lý nhà Phật.
Những tín đồ được thu nhận, bổn phận họ là phải tiếp tục nghe lời giảng dạy của các tu sĩ và gìn giữ giới luật nhà Phật. Trong số tín đồ này có nhiều Hoàng Tử cũng như con nhà quý tộc. Sau đó, Phật Thích Ca còn cho phép phái nữ có thể theo tu học, thay vì trước kia xã hội Ấn Độ tin rằng, đàn ông là sinh vật vượt trên đàn bà. Phật Thích Ca không đồng ý với quan niệm chung cho rằng, tài năng người đàn bà chỉ có giới hạn. Hơn nữa, Phật Thích Ca còn làm cho phụ nữ ý thức được uy quyền cũng như sức mạnh tiềm ẩn của họ.
Đức Phật tự mình làm một tấm gương cho các môn đồ, bằng cách tự trở thành một khất sĩ rày đây mai đó trong suốt khoảng đời còn lại. Rất ít chi tiết được biết về bước đường lang thang phiêu bạt của Phật đến miền Bắc Ấn Độ và trong các quận Oudh, Bihar, nhưng trong bốn mươi lăm năm trời, đức Phật tiếp tục giảng đạo và truyền giáo.
Suốt mùa mưa, Phật lui về một tỉnh hay làng nào đó, và trong suốt thời kỳ gió mùa lạnh lẽo, Đức Phật lang thang khắp nơi khất thực và xin trú mưa như một tu sĩ bần cùng nhất.
Vua chúa tiếp đón Phật nồng hậu, người giàu có cũng niềm nở và dành riêng các khu vườn cho Phật và các tín đồ của Phật, vì các khu vườn rộng rãi, mới thích hợp cho đám đông dân chúng mộ đạo xin yết kiến Phật Thích Ca mỗi ngày, và trong các khu vườn mát mẻ tịch mịch, Phật và các môn đồ có thể thiền tịnh.
Nhưng không phải những hoa viên của các Hoàng Tử và dinh cơ đồ sộ của người giàu có lúc nào cũng là nơi mà Đức Phật và các đệ tử của Phật chọn lựa. Vì câu chuyện dưới đây sẽ tiết lộ rõ ràng sự thanh cao trong sạch vĩ đại của bậc đại thánh, đại sư này.
Một ngày kia, một người dân cư ngụ tại tỉnh Alavi trong khu rừng Sinsapa, tình cờ gặp Đức Phật đang tĩnh toạ bên vệ đường dành cho súc vật đi. Tiến gần đến Đức Phật với sự tôn kính, người kia hỏi “Thưa Thầy, kẻ phẩm cách vượt bực như thầy có sống hạnh phúc không?”
“Có chứ, hỡi chàng tuổi trẻ. Ta sống rất hạnh phúc. Ta là một trong những người sống hạnh phúc ở thế gian này”.
Người kia hỏi tiếp “Thưa thầy, cái lạnh lẽo của đêm đông, sương lạnh lại sắp đến, mặt đất thì lòi lõm gồ ghề vì dấu chân súc vật dẵm lên, lá dùng làm chiếu ngủ lại quá mỏng, áo vàng của tu sĩ lại quá mong manh, trong khi gió đông rét buốt như cắt da nữa?”
Với sự trầm tĩnh siêu phàm, Đức Phật Thích Ca trả lời “Hỡi người trẻ tuổi, quả đúng như vậy, ta sống rất hạnh phúc. Ta là một trong những người sống hạnh phúc ở thế gian này”.
Suốt nhiều năm lang thang đây đó, thu được biết bao kinh nghiệm khác nhau, Đức Phật đã đạt được sự thanh khiết vĩ đại của tâm hồn và lòng tin to lớn vào chủ đích cứu rỗi chúng sinh của Phật.
Đối với các giáo sĩ Bà La Môn và các giáo phái khác, Đức Phật hay tổ chức các cuộc tranh luận và không bao giờ sợ bị đánh bại trong khi tranh luận, Đức Phật tuyên bố “Trong cuộc tranh luận với bất cứ ai, tôi có thể bị dồn vào những vấn đề rắc rối khó khăn, nhưng điều đó không thể có được, và chính vì tôi biết rằng không bao giờ việc đó có thể xảy ra nên tôi giữ im lặng và tin tưởng”.
Đức Phật đã thu thập được một phương pháp giảng dạy quần chúng và riêng những người bình dân, Đức Phật thường dùng tục ngữ và các bài thơ ngụ ngôn, chúng ta không thể nào bỏ qua không kể lại câu chuyện anh chàng nông dân Bhardwaja, đã bảo Đức Phật đừng lười biếng mà phải làm việc như anh ta để tự kiếm lấy miếng ăn. Đức Phật trả lời cho anh ta biết Phật cũng là một nông dân, và tạo được cho ông bằng chính sự cày cấy và trồng trọt. Anh chàng nông dân rất ngạc nhiên vì Đức Phật có bao giờ làm chủ một miếng ruộng nào đâu?
Đức Phật nói “Đức tin chính là hạt giống của ta, sự suy tư của ta là mưa, tâm trí ta là chiếc ách bằng da trên cổ trâu bò, và sự siêng năng của ta là chiếc roi chăn trâu bò. Gìn giữ cơ thể, lời nói và trí óc, hạn chế ăn uống, cùng với chân lý mà ta đã tìm ra và sự cứu rỗi chúng sinh là bổn phận mà ta đã khẳng định. Năng lực ta cũng giống như chiếc ách đeo vào cổ cho trâu bò, đưa ta đến sự an lành tuyệt đỉnh của cõi Niết Bàn. Nó đưa ta đến nơi không còn sự khổ nữa. Đó là sự cày cấy trồng trọt của ta và công việc đó cho ta quả bất tử”.
Cũng giống như thế, đối với người mẹ bị cuồng trí sau cái chết của đứa con yêu quý, Phật Thích Ca đã giảng một bài về sự không thể tránh được cái chết của kiếp người bằng một câu chuyện ngắn đặc sắc tỏ ý khuyên răn người đàn bà.
Lúc Phật Thích Ca quả tám mươi tuổi, sự bịnh hoạn bắt đầu báo hiệu sự nguy ngập ngày cuối của cuộc đời. Bằng tất cả cố gắng ý chí vượt bực, Đức Phật trì hoãn lại cái chết và thổ lộ “Không được quyền đi khỏi sự sống mà chưa trăn trối điều gì với các môn đồ”.
Cho nên, mặc dầu phải chịu nhiều đau đớn vì bịnh hoạn, Đức Phật cũng cố gắng suốt mùa mưa, và cho gọi các môn đồ tụ tập lại nghe lời giảng dạy. Đức Phật nói “Cuộc đời ta sẽ chấm dứt trong vòng ba tháng tới đây, và các con sẽ không còn được nghe lời ta giảng dạy nữa”. Đức Phật khuyến khích các môn đồ phải tỏ ra cương quyết, tìm một chỗ an toàn và tiếp tục học hỏi không ngừng. Và gọi Ananda đến gần, Đức Phật dặn dò, “Ananda ơi, ta cũng già quá rồi, cuộc hành trình của ta sắp sửa chấm dứt, ta đã trải qua biết bao nhiêu năm hành đạo và tám mươi tuổi rồi.
Ananda ơi, ta cũng như một chiếc xe bò cũ kỷ, chỉ có thể xê dịch được nhờ sự giúp sức. Cho nên, ta nghĩ rằng, thân xác của vị minh chủ chỉ có thể tiếp tục gượng gạo được nhờ sự chăm sóc thật nhiều”.
Rồi, với sự cương quyết không chút mệt mỏi. Đức Phật lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình và điều này chỉ làm cho thể xác càng chịu thêm sự dày vò đau đớn. Đến Kusinara, Đức Phật đã trải qua những giờ phút cuối cùng trong khi ban huấn tử cho các tu sĩ “Hãy xem kìa, các con, ta khuyên nhủ các con, sự mục nát thúi rửa là lẽ tự nhiên của tất cả muôn loài. Hãy làm siêu đổ chúng sinh một cách thận trọng trong công việc cao cả này”. Nói xong, Phật Thích Ca về cõi Niết Bàn.
Những lời giảng dạy của Đức Phật Thích Ca đã phong phú hoá đời sống và tư tưởng của biết bao nhiêu thế hệ phương Đông Mặc dầu sự tinh khiết của giáo lý nhà Phật chẳng bao lâu vẩn đục đi nhiều, mặc dầu dân chúng tôn sùng Đức Phật một cách linh thiêng và thờ phượng vị giáo chủ của Phật giáo một cách ngây thơ khờ khạo, thay vì cố gắng tìm hiểu những giáo lý của Đức Phật và chú tâm thực hành đúng đắn, đạo Phật cũng mang lại hai điều lợi ích quý giá đối với các tín đồ, đạo Phật đã giải phóng họ khỏi bức tường giai cấp, và đạo Phật cũng đã dạy họ cuộc đời vẫn tràn đầy hi vọng.
Triết lý biến hoá và tiến bộ của Phật Thích Ca có nghĩa rằng “Con người hoàn toàn chịu trách nhiệm chính hành động của họ”, và chủ thuyết này đã thổi một luồng sinh khí mới mẻ vào đám đông đang mê ngủ. Những lời vàng ngọc của Đức Phật đã mang lại kết quả rất lớn cho những tín đồ Phật giáo về lòng bác ái độ lượng của người Phật Tử. Cho nên, suốt hành trình lịch sử dài hơn 2000 năm của Phật giáo, Phật Tử không bao giờ kêu gọi sự chiến tranh bằng gươm giáo, mà chỉ kêu gọi đến sự ôn hoà và đạo đức. Hơn nữa, không bao giờ có sự kỳ thị hay ngược đãi tôn giáo khác đối với người Phật Tử.
Những lời giáo huấn của Đức Phật Thích Ca, thật ra đã lót đường cho tôn giáo là sự ngoan đạo tích cực, đặt trên căn bản là niềm tin ở chân, thiện, mỹ của linh hồn con người.
Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới - Đỗ Châu Huyền-Hoàng Trí Đức Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới