Nhốt Gió epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Cái Bách-Xê 1
nh Công về Sàigòn vào có lúc mà số nhơn khẩu ở thủ-đô miền Nam nước Việt được công bố là một triệu rưỡi.
Sau những năm mướn ghế bố ngủ ở các đường hẻm, anh được một người bạn điềm chỉ sang một căn phố lá ở xóm X.
Đừng tưởng xóm X ở ngoại ô nào đó đâu. Nó ở ngay trung tâm thành-phố, núp sau lưng những dãy phố gạch sang trọng dựa đại lộ. Nơi đó là một đám đất trống, nguyên trước kia là một chỗ trũng, mùa mưa như mùa nắng quanh năm ứ nước, một thứ nước xanh như nước lá bồ ngót. Nơi đó tha hồ cho thủy thảo, cho bèo mọc, cho cá bã trầu sanh sản. Nơi đó là chỗ nương náu cuối cùng của nhái bầu, của ễnh-ương trong thành phố.
Mấy năm trước cuộc khởi nghĩa, chủ đất xin phép địa-phương cho đổ rác lên cho đầy, rồi phủ lên đó lột lớp đất. Thế là ông chủ có một đám đất cất nhà giữa châu-thành. Ông chỉ phiền địa-phương không xẻ đường qua đó, thành ra miếng đất của ông vô dụng.
May thay cho ông chủ, lại xảy ra cuộc loạn ly. Bao nhiêu người dồn về mà không có chỗ ăn nằm. Thôi thì cho chúng nó cất nhà lá. Cho dẽ đất, ông nói.
Nhà có ba căn, thấp cỡ cóc nhảy lên mái nhà được và không cần học võ theo lối kiếm-hiệp, cỡ có biến thì nhảy lên nóc nhà trốn dễ như chơi.
Cái nhà cất xa nhà khác chừng năm tấc thôi. Nhưng Công cũng mừng được ở căn bìa, bề gì cũng có cái khoảng không đó, đỡ bớt sự khó chịu bị kẹp giữa hai căn. Nhà lại ở ngoài bìa hàng trăm nhà lá lúp-xúp, lụp-xụp khác, cái nào cũng lùn xủn như đám dân bị bố ngồi bên đường.
Ngày đầu, Công giậm chơn lên mặt đất, nghe nó xèm-xẹp như là đất mặt võng. Mỗi lần xe điện chạy ngang qua lối đó, ngoài xa kia, thì ly, tách trên bàn anh rung len-ken, y như là nhà có ma nó dời chén, dời tách để phá chủ nhà.
Có khi đang đêm trời mưa ầm-ĩ, anh nghe chõng tre anh đang nằm lắc lay, giao động, toàn thể đám đất rung chuyển như cơn địa-chấn sắp đến. Đó là rác mục đang biến thành đất, gặp mưa nó dẽ xuống, lớp đất trên cũng xụp theo.
Những đêm khuya trăng lặng,
Công nghe rõ-ràng có tiếng động ở dướí đất, hình như không sâu cho lắm. Chuột hang chăng?
Dầu sao, anh cũng thấy sướng hơn là ở ngoại ô. Ở ngoải còn khổ vì nhiều việc khác nữa. Ở đây thì hoàn toàn an thân, nếu không có vợ chồng cái anh láng giềng ở căn giữa.
Trời sao lại xui anh Công có một anh láng giềng khó chịu như vậy.
Anh ta không biết làm gì ở đâu, mà cũng đi đúng giờ về đúng khắc như người làm ở sở. Nhưng đó là người không bao giờ nghỉ ngơi, trưa như tối. Hết dỡn với bạn ỏ đâu kéo về, lại cãi lộn với vợ. Rồi hết hai cái đó, lại quay hát máy. Có khi cùng giỡn, cùng cãi lộn, cùng hát máy một lượt.
A, cái sự hát máy nầy mới thật là một hành hạ lớn nhứt trong đời Công. Hễ cứ đúng giờ nghỉ ngơi, từ đúng ngọ đến ba giờ trưa, từ bảy giờ chiều đến nửa đêm là nó ong-óng lên như con mẹ điên, thế là thần trí Công bấn loạn, không mong nghĩ gì được.
Có nhiều đêm, Công mới chợp mắt được đâu vài giờ thì bỗng giựt mình thức dậy để phải hứng đầy tai những câu hát chướng chết được người.
Anh nghe con vợ nói:
- Thôi mà, để cho xóm giềng người ta ngủ.
Anh chồng nạt giọng:
- Thôi gì, hát giờ nầy êm tai, ngủ mới sướng chớ! Vọng cổ thì phải rỉ rả về khuya mới mùi chớ.
Thế là vọng-cổ éo éo tới sáng.
Cái thứ vách lá thì như là không có vách gì hết.
Nếu ra ngoài đưòng mà nằm được, thì Công cũng sẵn lòng đi trốn cái nạn hát máy ấy.
Mỗí lần anh nghe nó khởi sự lên dây thiều rồn-rột thì
ruột gan anh cũng lên theo. Mà lạ, sao nó hát mãi như thế mà không đứt dây thiều lần nào. Công chỉ mong có bao nhiêu đó, để nghỉ lỗ tai vài bữa.
Trưa và tối, anh nằm dài, thở ra: "Thế nầy thì đến loạn óc mất!" Quả thật, bộ thần-kinh anh bị khích động thái quá. Mỗi lần nghe nó mở máy hát là mỗi lần anh tức, rồi cứ nằm mà đợi
giờ nầy qua giờ kia, toàn thể thần-kinh anh bị căng thẳng trong chờ mong và trong khó chịu. Máy đóng lại cái sập, anh mới nghe nhẹ người, thần-trí mới giãn ra, nhưng anh đã mệt nhoài khó thể dỗ giấc ngủ được.
Một hôm, Công yêu cầu anh láng giềng ấy bớt hát, nhứt là bớt lúc gần sáng, thì anh ta sừng sộ nói: Nội đây, không ai nói gì, có mình anh là kiếm chuyện thôi. Đời thuở nào mà hát máy gì lại nghe khó chịu. Anh muốn êm tịnh sao không ở xóm nhà giàu, xóm Tây è!
Công sò ngay, nhưng người kia còn nói nữa, nói nhỏ riêng với vợ bên nhà, nhỏ mà đủ lớn cho Công nghe: "Thứ đồ thực-dân! đồ trưởng-giả, người ta hát cho mà nghe, sướng hòng chết mà còn làm bộ hoài. Để tao lát sáng đêm tối ngày coi ai làm gì tao".
Chết chưa! Bây giờ anh đã hóa thành thực-dân mũi xẹp rồi đó. Và trưởng-giả nữa. Đây là thứ trưởng giả học làm nhà nghèo, đi ở nhà lá đây, và được hân hạnh người ta hát cho nghe!
Nhưng những lời nói xấu ấy không làm anh khổ bằng câu hâm dọa, hát tối ngày sáng đêm. May thay, đó chỉ là câu hâm dọa, vì va cũng phải ngủ chớ thức sáng đêm sao được. Và tối ngày va mắc đi làm. Chỉ có bữa trưa là va hát trọn từ đầu chí cuối.
Con vợ cũng tùng đảng. Nó lên dây hoài sao không biết mỏi tay. Mỗi lần hát hết dĩa, nó quên, để kim chạy không, còn bị rầy nữa là khác.
Cái bọn nầy có lẽ là dân quê mới lên. Máy hát lại kêu là giàn hát máy. Và nó mê "giàn hát máy" như trọn đời nó mới thấy lần đầu.
Quả thật Công rất ghét vợ chồng anh láng giềng. Nhiều khi anh mong cho anh chồng thua cờ bạc, bán hay cầm máy hát đi. Anh lại mong cho vợ chồng nó đánh lộn, đập bể hết dĩa hát. Đánh lộn thì chúng nó có đánh. Cũng có đập bể dĩa nữa, nhưng mà dĩa ăn cơm. Còn dĩa hát thì hai vợ chòng đồng lòng bảo vệ, y như là hai nước giao chiến với nhau, bằng lòng theo ước-lệ quốc tế, kính trọng những nơi có dấu hiệu Hồng-thập-tự. Có nước tham chiến thua quá còn xâm phạm ước-lệ đó chớ hai vợ chồng nầy thật là đứng đắn, thành tâm, thật ý.
Có khách trò chuyện với nó, nó cũng hát, không biết để ai nghe. Mạnh người, người nói, mạnh máy, máy la ào ào. Người ta rán nói lớn hơn máy để cho nhau nghe. Công khiếp sợ, bịt tai ôm đầu lại.
Đó là một hạng người chịu sự im lặng không được. Họ thấy rỗng không trong sự yên tĩnh, không biết nghĩ gì hết, nên phải cho máy nó làm ồn đế lấp chỗ trống rỗng ấy đi. Không phải họ nqhe hát hoài đâu, Công chắc chắn như vậy. Bằng cớ là có nhiều khi vừa khởi sự cãi lộn, họ vừa lên dây máy hát. Như vậy có phải để nghe đâu.
Thét rồi không biềt làm sao để thoát nạn, Công định lợi dụng tình thế ấy cho đỡ khổ. Anh nghe hát, có thưởng thức điệu đàn, câu ca. Nhưng ác một nỗi là nó chỉ hát vọng-cổ. Mà vọng-cổ là điệu đàn anh ghét nhứt. Không phải vì vọng-cổ ủy-mị. Không, nó không đủ ủy-mị để anh sợ mà tránh. Nó ngô-nghê, lố-bịch, không nghệ-thuật gì hết
Trời! bộ họ sống để mà nghe ca vọng-cổ sao chớ! Hết rên tới khóc. Vọng-cổ từ trưa tới khuya, từ khuya tới sáng.
Kể từ những ngày ấy, Công kết luận hai điều.: Bình dân không biết lịch sự, bình-dân chưa hiểu nghệ-thuật. Anh còn hoài nghi về lời kết luận thứ nhứt. Anh tin như đinh đóng lời kết luận sau.
Công sợ nhứt bài "Đêm đông". Không phải điệu Đêm đông tuyệt tác của Nguyễn văn Thương đâu nhé! Đó cũng là điệu vọng-cổ mà lời là Đêm đông. Nó khởi sự như thế nầy: "Đêm đông cô tịch dưới ánh trăng mờ, cảnh vật đìu-hiu của tiết trời thu u ám..."
Trời ơi, văn-chương kỳ lạ, đêm đông mà lại có tiết trời thu!
Nhưng hình như mỗi lần dĩa ấy bắt đầu rên khóc thì Công nghe ở bển chắt lưỡi khen: Hay! Hay lắm!
° ° °
Một đêm, sau mấy giờ lỗ tai và bộ gân bị hành hạ, Công vừa thiếp ngủ thì bị tiếng la bài hãi làm anh giựt mình choàng dậy. Anh lắng tai nghe rõ thì hiểu hết mọi việc: bà hỏa viếng xóm nầy. Biết rằng có ngày thế nào nạn nầy cũng xảy đến, Công không hốt hoảng. Anh vội xách va-ly quần áo, tất cả giang-sơn của anh, chạy ra ngoài.
Lửa cháy cách căn anh lối mười căn phố. Đờn bà con nít la khóc inh-ỏi, trong khi đờn ông hè-hụi lo dọn đồ ra. Nhưng không một ai lo chữa lửa hết, không hiểu vì họ không biết tháo-vát, phó mặc cho sở chữa lửa công việc ấy, hay là vì họ thấy chữa cũng vô ích. Nhà khít nhau như là chiến thuyền Tào-Tháo trên sông Xích-Bích, lại làm toàn bằng đồ dẫn hỏa, ai tài nào mà chữa cho được.
Lửa cháy lấn qua hai bên, lấn vô trong sâu. Người ta, từ trong đó chạy ra như kiến. Con nít khóc, đờn bà la, tre, nứa nổ rắc rắc. Mái nhà cứ nối tiếp nhau mà chảy như sáp. Nhiều căn nhà hình như là có chứa dầu xăng trong chai. Khi lửa bò qua đó thì nghe tiếng nổ, rồi ngọn lửa bùng lên một vài giây.
Gió nghe lửa rủ, kéo tới. Lửa gặp gió mừng rỡ, càng hung hăng thêm.
Công vừa muốn bỏ va-ly đi khiêng đồ phụ với họ, thì thấy lửa cháy đã gần tới căn anh. Anh đứng nhìn. Thì lửa cháy căn anh cũng như cháy căn khác, có gì đâu lạ. Nhưng anh vẫn muốn xem. Xem coi khi chính căn nhà mình cháy, cảm tưởng mình ra làm sao.
Anh. nghe sau lưng có tiếng đờn bà hỏi:
- Anh đem ra được cái gì? Tôi ôm quần áo ra hết.
Đó là tiếng chị hát máy. Công sực nhớ lại vụ hát máy, cười thầm:
"À, thế thì từ đây mình thoát. Trọn đời nhứt định không dám ở gần người có máy hát nũa."
Công nghe vui vui vì anh thấy như là đã trả thù được thằng cha đáng ghét. Và không hiểu sao anh cứ tưởng là cái máy thế nào cũng phải cháy, còn cái nhà thì còn, và từ đây anh khỏi bị nghe hát nữa. Rồi anh nghe anh chồng trả lời:
- Tao đem được hết mớ dĩa vọng-cổ ra.
- Khôn dữ hôn, cái máy mắc tiền không lo, để ôm dĩa!
- À phải, thôi để tao chạy vô lấy, kìa lửa cháy tới kia!
Công rầu lắm, cứ trách sao chị vợ lại khôn quá như vậy. Để cái máy quỉ ấy cháy cho rồi, có phải đỡ khổ xóm giềng không.
Bỗng có người la:
- Úy trời ôi, cái "bách-xê" của tôi, để trong hộc tủ. Thôi, chết tôi rồi!
Đó là tiếng của anh ở căn thứ ba, khít vách anh máy hát như tôi. Anh làm cu-li ở đâu đó, hổm rày bị thương nơi chơn, đi không được. Không hiểu làm thế nào mà anh lết ra được nơi đây.
Thằng cha hát máy vừa chạy vừa day lại hỏi:
- Hộc tủ nào?
- Hộc tủ ở cái bàn nước đó!
Công thấy thằng cha hát máy không chạy vô căn phố anh ta, mà lại vô căn anh bỏ quên "bách-xê",
Anh ta ra liền. Nhưng lửa đã cháy tới nửa căn nhà anh. Đôm đốm đỏ bầm bay túa ra, tre, nứa nổ lốp-bốp. Anh ta do-dự, rồi bỏ đi chầm chậm trở lại chỗ Công đứng.
- Nè cái "bách-xê" của anh. Bậy quá, tôi lo giùm anh nên lấy "giàn hát máy" không kịp!
Công nghe vợ nó thở dài:
- Buồn quá anh há! Từ đây làm sao nghe hát được nữa. Sắm sao cho nổi cái máy khác!
Công cũng buồn chết đi. Và anh hết thấy ghét vợ chồng thằng cha đó nữa.
Chú thích
1.Laisser-passer (giấy thông-hành thời Pháp trị)
Nhốt Gió Nhốt Gió - Bình Nguyên Lộc Nhốt Gió