Mấy Lời Ngỏ Trước
iết quyển sách nhỏ này về Nguyễn Trường Tộ tiên sinh, tôi không dám có cao vọng khảo cứu tường tận về học thức, tài hoa, sự nghiệp của bậc vĩ nhân đệ nhất của nước Nam, vì tôi tự xét không đủ tài và cũng không có được nhiều tài liệu.
Song một người có cái kiến thức sâu rộng như tiên sinh, một người có lòng yêu nước trên hết mọi sự như tiên sinh, ta có bổn phận phải luôn luôn nhắc nhỏm đến tên tuổi, để tỏ lòng thành kính nhớ ơn, để treo một gương sáng giữa các anh em thiếu niên ngày nay, và nhất là để bày trước mắt các bạn du học tấm hoài bảo thiết tha của nhà Tây học sớm nhất của đất nước.
Sở học của tiên sinh có thể không bằng học thức của một vài người trong các bạn (vì tiên sinh có đâu được cái hân hạnh sống ở bên Âu hàng chục năm như các bạn, và cái trí thức của người ta từ tám mươi năm về trước đối với sự hiểu biết ngày nay có khác xa nhiều); nhưng tấm lòng yêu nước thương nòi và chí quả quyết thay cũ đổi mới của tiên sinh đáng để các bạn suy nghĩ.
Một nước muốn chóng tiến bộ, cần phải có nhiều nhân tài; nhưng nếu sau khi công thành danh toại, nhân tài chỉ mong ở một địa vị cao quý, được lương nhiều bổng hậu, để vinh thân phì gia, sống một cuộc đời trưởng giả, rồi nhìn những người xung quanh bằng con mắt hoặc khinh ngạo, hoặc ngờ vực, thì dù có nhiều chăng nữa, phỏng những nhân tài ấy có ích lợi gì cho xã hội, cho quốc gia!
Nguyễn Trường Tộ tiên sinh hăng hái hiến thân cho nước quên cả gia đình, quên cả hạnh phúc, quên cả những nỗi khó khăn ùn ùn nổi lên trên con đường tiên sinh đã tự vạch lấy mà đi, thực đã cho chúng ta một bài học sáng sủa rõ rệt.
Một người như thế đáng cả Quốc Dân tôn sùng; tượng đồng bia đá, kể cũng còn là ít. Thế mà, nếu ta có thể về chơi xã Bùi Chu, ta sẽ thấy một nấm mộ đất lè tè tiêu điều ở giữa đá mài hiu quạnh, ấy là chỗ nghỉ đời đời của một bậc vĩ nhân! Ôi! Một nước vẫn tự nhận là văn hiến, một dân tộc vẫn có tiếng là biết nhớ ơn, lẽ nào lại lãnh đạm với một nhà ‘’Đại học vấn, đại kiến thức, đại tư tưởng, đại nghị luận’’ đã đem hết tâm can ra phụng sự quốc gia, lẽ nào lại rẻ rúng một nhân tài đã làm vẻ vang cho đất nước!
Vì nghĩ thế, chúng tôi không ngại bất tài, mạo muội viết quyển sách nhỏ nầy, mục đích chỉ là để tỏ lòng kính phục một bậc tiền bối có công với xã hội và để có dịp nhắc đến tên tiên sinh giữa các bạn trẻ.
Trong công việc này, chúng tôi được bạn Đào Đăng Vỹ ở Huế và bạn Vũ Tuấn Sán ở Vinh giúp nhiều tài liệu quý báu. Tiện đây xin có lời trân trọng cảm ơn hai bạn.
Huế, ngày 2.4.1941
Từ Ngọc
VÀI LỜI NÓI THÊM TRONG BẢN IN LẦN THỨ HAI
Sau khi cho xuất bản lần thứ nhất quyển ‘’Nguyễn Trường Tộ’’ chúng tôi rất cảm động được thấy các nhà phê bình (Các ông: Trung Cương-Việt Báo, Hương Trai-Vì Chúa, Tảo Trang-L'Annam Nouveau, Nguyễn Tiến Lãng-La Patrie annamite, Thiếu Sơn-Gió Mùa, T.A.-Tràng An, Kiều Thanh Quế-Tri Tân...) và các độc giả đon đả hoan nghênh tác phẩm mỏng manh ấy của chúng tôi.
Chúng tôi cũng biết rằng quyển sách đó được Quốc Dân chú ý, không phải là vì cái giá trị cố hữu của sách, mà là do ở tấm lòng thành kính của đồng bào đối với một bậc nhân tài hiếm có của đất nước. Nhưng chính bởi thế mà chúng tôi vui mừng, vì nếu nhờ quyển sách ấy mà nhiều người hoặc nhớ lại, hoặc biết đến học vấn, tư tưởng và nhất là lòng yêu nước sáng suốt của Nguyễn Trường Tộ tiên sinh, thì chúng tôi đã đạt được cái mục đích thiển cận của chúng tôi.
Chúng tôi chỉ tiếc rằng không có tài và không đủ tài liệu để khảo cứu kỹ lưỡng hơn cho nên không thể làm hài lòng các bạn đọc đã muốn chúng tôi nói rõ thêm nữa về thân thế của tiên sinh.
Kể những tài liệu có thể giúp ta nghiên cứu về người, thì chỉ có tập điều trần có chữ châu phê và một bản sao tập di cảo hiện ở Bảo Đại Thư Viện. Ngoài ra ở Sử Quán có một ít bài phiến của đình thần dâng những tờ điều trần của tiên sinh lên ngự lãm, nhưng cũng chẳng cho ta biết gì hơn về thân thế của người. Chính trong bộ ‘’Quốc thiều chính biên’’ nói đến việc phái tiên sinh qua Pháp hồi tháng tám năm Tự Đức thứ 19 (1866) cũng chỉ có một câu gọn lỏn ‘’Khiến Giám Mục Hậu cùng học trò là Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Điều qua Tây thuê thợ, và mua đồ máy’’. Trong một tạp chí ở Paris năm 1867, nhan đề là ‘’La Sémaine religieuse’’ cũng có một câu nói đến tiên sinh ‘’Người phương Đông trong phái bộ thì có hai ông quan và một kiến trúc sư theo Đạo Thiên Chúa là một người có trí nhớ khác thường, có tài năng siêu việt và chính là người đã xây giáo đường của chúng ta ở Sài Gòn’’.
Những tài liệu ấy không đủ cho ta biết được rõ ràng cuộc đời của tiên sinh.
Chúng tôi có về tận làng Bùi Chu để thăm hỏi người nhà họ Nguyễn Trường Tộ nay tiên sinh còn một người con dâu là bà Đồ Cửu (vợ ông Nguyễn Trường Cửu) và hai người cháu trai là Nguyễn Trường Võ và Nguyễn Trường Văn. Ông Văn thì vắng nhà, vì tu ở giáo đường Đức Hậu (Đò Lương Nghệ An). Còn ông Võ thì ở nhà làm ruộng, ông có cho chúng tôi biết rằng lúc sinh thời, ông Nguyễn Trường Cửu có viết một quyển ‘’Sự tích ông Tộ’’ bằng chữ Nôm. Nhưng bản sự tích ấy đại khái cũng chỉ giống bản tiểu sử của ông Lê Thước, ông bạn đồng nghiệp đáng kính của chúng tôi, đã đăng trong tạp chí Nam Phong (số 102 phần chữ Hán). Ông Võ lại còn đưa chúng tôi đến thăm một bà già, em gái họ của Nguyễn Trường Tộ tiên sinh, là người có thể biết rõ tiên sinh hơn hết, nhưng tiếc thay! Bà cụ này đã già quá nên lú lẫn, không còn cho ta biết gì hơn nữa.
Có bạn đọc lại viết thư hỏi chúng tôi sao không nói gì đến cuộc gặp gỡ của Nguyễn Trường Tộ tiên sinh với Y Đằng Bác Văn (Ito Hirobumi), một bậc công thần của nước Nhật Bản hồi mới duy tân. Về câu chuyện đó chúng tôi cũng nghe thấy nói rằng khi tiên sinh gặp Y Đằng Bác Văn ở Hương Cảng, hai người trò chuyện rất tương đắc, nhà chí sĩ Nhật có phục tài tiên sinh và nói rằng ‘’Kể tài trí thì ông hơn tôi nhiều, nhưng cứ theo tình thế hại nước ta, thì tôi sẽ có thể dễ dàng thành công còn ông thì e sẽ hoàn toàn thất bại’’. Tuy vậy, câu chuyện đó có thực hay không, chúng tôi không biết rằng cứ vào đâu mà dám nói ra.
Nói tóm lại, về thân thế Nguyễn Trường Tộ tiên sinh, chúng ta chưa có thể biết được tường tận vì chưa có đủ tài liệu chắc chắn. Có lẽ chỉ vì tiên sinh lo việc nước hơn việc nhà và hơn cả bản thân nên ngày nay chúng ta không được biết rõ về đời riêng của tiên sinh. Song tập điều trần lâm ly thống thiết kia còn đời đời nhắc lại cho hậu thế cái tư tưởng lỗi lạc của bậc vĩ nhân đệ nhất của nước Nam hồi Thế Kỷ thứ 19, thì dầu không biết được rành mạch những tung tích hành vi của tiên sinh, ta cũng đã hiểu rõ tấm lòng yêu nước tha thiết của người.
Chỉ một tấm lòng ấy cũng đã khiến cả Quốc Dân tôn sùng, chỉ một tấm lòng ấy cũng đủ là một tấm gương sáng láng cho cả dân tộc soi chung!
Ấy thế mà trong hơn nửa thế kỷ tên tuổi của tiên sinh hầu như đã bị xóa nhòa trong ký ức của đồng bào.
Mãi đến năm 1926, nhờ có tấm lòng sùng kính của ông Lê Thước người đầu tiên có công biểu dương sự nghiệp của tiên sinh một trường tiểu học ở Vinh mới được mệnh danh là Trường Nguyễn Trường Tộ (Năn ngoái ở Huế, một nhóm thân sĩ có lập một ký túc xá ở Phố Khải Định cũng lấy tên là Ký Túc Xá Nguyễn Trường Tộ). Cũng hồi đó, ông Lê Thước và mấy bạn đồng chí lại có vận động để xin Nam Triều tặng phong cho tiên sinh hàm Trực Học Sĩ (chánh tam phẩm).
Rồi từ bấy đến nay chỉ lẻ tẻ có một vài bài báo thỉnh thoảng đả động đến tiên sinh. Thậm chí ngôi mộ của người cũng chỉ là một nấm đất lè tè hiu quạnh ở giữa một cánh đồng khô khan.
Chính vì đã được nhìn thấy nấm đất ấy mà chúng tôi đã có ý trích số tiền nhuận bút trong kỳ xuất bản lần thứ nhất để lấy tiền sửa sang phần mộ.
Ngày nay bán xong hơn chín trăm quyển sách, chúng tôi đã thu được 110 $. Một vài người bạn của chúng tôi lại tự ý thêm vào ít nhiều, nên hồi tháng hai tây chúng tôi đã gửi ra nơi Cố Layguc là linh mục Xã Đoài một số tiền là 133 $ để nhờ xây lại mộ cho tiên sinh.
Số tiền ấy tuy nhỏ mọn nhưng nó có một ý nghĩa cảm động, là vì gần một nghìn độc giả đã có thể tự hào rằng mình đã gom góp một phần vào cái công cuộc thiêng liêng ấy.
Gần đây chúng tôi lại được tin rằng một số thân hào ở Thanh và Nghệ vì muốn tán thành ý kiến của chúng tôi cũng đã góp được 271 $ gửi đến Xã Đoài để thêm vào việc xây mộ. Vậy thì chẳng bao lâu nữa, khách hoài cổ qua xã Bùi Chu sẽ được thấy một ngôi mộ xứng đáng với tấm lòng yêu nước thiết tha của Nguyễn Trường Tộ tiên sinh.
Song bổn phận của bạn hậu sinh chúng ta không những chỉ là phải biểu dương cái tài trí và tư tưởng của tiên sinh mà còn phải theo gương người coi việc nước hơn việc nhà điều công ích lên trên cả những tư lợi nhỏ nhen.
Giờ này không phải là giờ bàn xuông tán rộng nữa!
Giờ này là giờ ta phải nhận cái bài học của tiền nhân mà dọn một con đường sáng sủa cho tương lai.
Huế ngày mồng 1 tháng 6 năm 1942
Từ Ngọc
Nguyễn Trường Tộ Nguyễn Trường Tộ - Nguyễn Lân Nguyễn Trường Tộ