Chương 1
ăm ba tháng Chạp.
Bỗng nhiên trời hửng. Gió hơi se se lạnh. Nắng mới rọi trên mái nhà phố cũ. Những ngày mùa đông ảm đạm, bầu trời xám xịt, lạnh lẽo dường như tạm lánh, biến mất. Bọn sinh viên đã lác đác rời ký túc xá, nhà trọ về quê. Quất cành, hoa tươi từ ngoại ô theo xe thồ, gồng gánh vào phố cũ. Lá dong, đào rừng Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La... cũng theo người xuống núi về Thủ đô. Không khí sắm Tết đã tràn ngập đường phố. Người ta đang vội vã, hối hả trở về quê sum họp, sau một năm đi xa nhọc nhằn, vất vả. Còn tôi vẫn phải đi mổ trâu.
Tôi bảo, cho tôi về que thôi đừng bắt tôi cắm mặt ở cái lò mổ này nữa. Tết nhất đến nơi rồi, nhà quê bao nhiêu việc. Áo mới cho con chưa mua. Ao cá chưa lát. Thịt lợn chưa biết đụng với nhà ai. Lá dong, gạo nếp, dưa hành... chẳng biết vợ lo đến đâu. Nóng ruột lắm.
Nàng bảo, đang là mùa trâu ăn sương, về thế nào được.
Nàng bảo, kéo giúp cái khóa móc xanh tuya sau lưng lên giúp nàng.
Nàng bảo, chuyện vặt, điện thoại về nhà bảo con vợ ra chợ là có hết.
Nàng bảo, trưa ba mươi Tết ăn tất niên xong, về cũng kịp chán. Một trăm cây số đáng là bao, nàng cho xe ô-tô chở về đến tận nhà.
Thợ mổ trâu còn gọi là đồ tể. Đồ tể chẳng dính dáng chi với cái luận văn cao học tôi sắp bảo vệ. Mổ trâu là nghề cực nhọc, sát sinh man rợ. Làm thạc sĩ vãn chương là cái cần câu cơm ốm đói mà lãng mạn. Dao búa, máu me ghê răng và có tiền, so với thanh sạch trữ tình, là hai phạm trù đạo đức đối lập, phủ định nhau. Miếng cơm manh áo và sĩ diện, chọn một hay hai?
Mùa đông năm trước, tôi liều đưa chân nhắm mắt, chọn bừa cả thạc sĩ văn chương và mổ trâu.
Mùa Trâu Ăn Sương Mùa Trâu Ăn Sương - Sương Nguyệt Minh Mùa Trâu Ăn Sương