Mưa Thu Nhớ Tằm epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Xác Không Chôn
hượng vịn hàng rào của trại y xá nữ để ngắm ánh nắng mai chơi giỡn trên pho tượng Phật sứ đặt giữa bồn bông ở sân nhà thương, bên kia hàng rào, tức bên ngoài của sân trại y xá.
Tuy sự thưởng ngoạn của nàng có đối tượng, nhưug tầm mắt nàng vẫn đi xa hơn, vượt khỏi con suối chảy qua trước những dãy trại bịnh để rình cổng nhà thương.
Phượng đã cố gắng đau ốm một chứng bịnh lặt vặt để được đưa ra nằm ở trại y xá nầy, dành riêng cho những con bịnh mắc những chứng bịnh nhẹ khác hơn là chứng bịnh chánh của họ là bịnh điên. Những con bịnh bị lao phổi hay cùi lại được đưa sang những trại đặc biệt nữa.
Trại y xá nữ xây cất trước mặt các trại khác, trông thẳng ra sân lớn của bịnh viện, và là một tiền tiêu trinh sát lý tưởng để điểm những cuộc ra vào cỗng nhà thương.
Nàng rình cái cổng nầy đã bốn tháng nay rồi, từ sáng đến chiều mỗi hôm, suốt một trăm hai mươi ngày dài đăng đẳng mà không thấy bóng người mà nàng mong đợi, vào qua nơi đó.
Ở dưỡng trí viện nầy có ngót hai ngàn con bịnh, nhưng chỉ có bốn mươi người vừa nam vừa nữ là trông ngóng như Phượng thôi. Đó là những người khỏi bịnh mà chưa được ra nhà thương vì một lý do bí mật nào mà họ không được rõ.
Bao nhiêu người khác, đang chìm đắm trong chốn u minh của vô thức, không chờ đợi ai cả.
Đó là sự chờ mong dai dẳng có lẽ kéo dài cho đến ngày họ hóa đá vọng phu.
Dưỡng trí viện đặc biệt dễ dãi về sự thăm viếng, bất kỳ giờ phút nào trong ngày, xin vào thăm người bịnh cũng được cả, chớ không có thời dụng biểu cho các cuộc viếng thăm như ở các nhà thương khác trong nước, cốt để khuyến khích người nhà không chặt đứt cây cầu liên lạc giữa họ và các con bịnh, thế mà người thăm viếng cũng quá thưa thớt.
Người điên bị kẻ thân yêu bỏ quên chăng?
Thật ra, Phượng chỉ mới trông chờ từ hơn hai tháng nay thôi. Lúc vừa ra khỏi giấc mơ dài, nàng chưa nhớ hết mọi việc, biết rằng mình mắc tâm bịnh và vừa khỏi, chỉ có thế thôi.
Lần lần thức giác trả ra những kỷ niệm cũ và, ráp lai bao nhiêu kỷ niệm ấy, nàng khôi phục lại được dĩ vãng của nàng.
Cuộc tái thiết quá khứ nầy không phải là không đau đớn vì nàng xây dựng nó trên một nền móng nặng nề căm hận.
Cái nền móng ấy là cái đêm cuối cùng của khoảng đời trước của nàng mà nàng thức suốt sáng sau khi Nam, chồng nàng, ra đi với một thiếu phụ mà nàng biết chắc là nhơn tình của hắn.
Nam đã ngoại tình từ lâu rồi, và Phượng đã từ lâu rồi ngấm ngầm đau khổ nhưng không hề dám hở môi vì hắn võ phu như một tên vô lại.
Nhưng cái bất lịch sự đêm đó của hắn mới là vố đánh tàn nhẫn cuối cùng nó làm chấn động cả tâm thần nàng. Uất khí bị dồn ép nhiều ngày, đêm đó đã đầy ứ và tàn phá cả tri giác của nàng.
Ngược dòng thời gian, Phượng nhớ ra rằng nàng là nuột thôn nữ trôi giạt lên Saigon vì chiến tranh. Nàng học nghề làm thợ may ở một hiệu khâu đầm đường Catinat.
Nơi đó, nàng gặp Nam, một anh thơ ký đánh máy ở một hiệu buôn gần đó. Hai người yêu nhau, lấy nhau, ăn ở với nhau hơn ba năm trong đầm ấm rồi thì Nam đổi dạ thay lòng.
Cái đêm cuối cùng ấy là một đêm mưa dầm của năm 1951, nàng nhớ như vậy và cứ bằng theo lịch năm nay thì mười hai năm đã qua rồi, và nay nàng đã băm ba tuổi.
Khi nhớ hết mọi việc, và nghe bác sĩ phụ trách các trại phụ nữ cho hay nàng đã khỏi bịnh, Phượng xin ra nhà thương.
Nhưng vị bác sĩ ấy nói: "Đồng ý nhưng phải đợi chồng chị lên rước."
Phượng không chú ý đến tiếng Phải trong câu nói ấy bao nhiêu và bằng lòng vời lời bác sĩ, nàng chờ đợi.
Người điên bị kẻ thân yêu bỏ quên chăng?
Người thăm viếng thưa thớt quá. Một con bịnh được đưa vào đây, tháng đầu người nhà còn tới lui để nghe ngóng tin tức hoặc để nhìn lại gương mặt thân yêu đã hóa ra ma dại, xem nó có tươi tỉnh lại được phần nào chăng.
Tháng sau đó, họ bắt đầu lơi vào ra rồi thì một khi kia, họ không vào nữa. Bịnh kéo dài lâu quá mà con người ai cũng phải sống.
Phượng hỏi thăm mấy bà giám thị kỳ cựu và biết rằng nàng cũng ở trong trường hợp đó. Tệ hơn nữa, ba tháng sau khi nàng vào đây, chồng nàng không đến để đóng thêm tiền nhà thương, nên bịnh viện buộc lòng đưa nàng xuống hạng bố thí từ ấy những nay.
Phượng chờ đợi, nhẫn nại như pho tượng Phật sứ trước mặt nàng, và như đấng lừ bi đại độ ấy, nàng sẵn sàng tha thứ người chồng có lỗi mà nàng còn yêu như là vào những ngày đầu mới gặp nhau.
Nhớ lắm, nhớ người con trai ấy lắm! Phượng ý thức rằng bây giờ hắn đã khá cao niên - hắn lớn hơn nàng năm tuổi, tức đã băm tám rồi - nhưng nàng không tưởng tượng nhiều về gương mặt của hắn bây giờ mà chỉ thấy trong trí một sắc diện tươi trẻ, hình ảnh cuối cùng mà nàng đã ghi ký và còn giữ được trong lòng nàng.
Phượng chờ đợi và ngày nào cũng thất vọng khi thấy trong những người khách qua cầu không có Nam.
Cầu đây là chiếc cầu gỗ bắt ngang qua suối mà khách vào thăm phải qua đó để đến các trại bịnh.
Có thể là Nam đã thay đổi nhiều, nhưng chiều nghiêng của mặt người thì hình bóng phải bất di, bất dịch, mà từ y xá trông ra cầu, luôn luôn thấy phía nghiêng của mặt khách quá kiều.
Nàng theo dõi họ ngay từ lúc họ vừa bước qua cổng, đứng lại đó giây lát để xin phép thủ môn. Nhưng nàng chỉ hồi hộp thôi vì họ còn xa quá, chưa phân biệt được ai là ai.
Qua mấy lùm cây, Phượng nhìn họ tiến đến cầu và đầu cầu phía ngoài là nơi mà hằng ngày nàng nghe lòng tan rã ra từng mảnh.
Có một lần, cách đây một tuần lễ, nàng hỏi vặn vị bác sĩ trẻ tuổi phụ trách các trại phụ nữ:
- Thưa bác sĩ, tại sao lại Phải đợi chồng tôi lên rước? Nhà thương nào cũng cứ hễ khỏi rồi thì cho về chớ! Tôi có phải là trẻ con đâu?
Ông bác sĩ tuy còn trẻ lắm, nhưng có vẻ khá chững chạc. Tuy nhiên ông ta đã bối rối trông thấy rồi ủ ớ những gì không nghe được, đoạn bỏ đi, khiến Phượng đâm nghi.
Nàng nghĩ rằng cỏ lẽ ông ta làm khó làm dễ nàng để ăn hối lộ. Nàng định bụng sẽ tìm bác sĩ giám đốc để kêu oan, nhưng chưa biết phải hành động thế nào cho khôn khéo để tránh sự trả thù của kẻ bị nàng "lột lặt nạ". Lột mặt nạ là thành ngữ mà nàng nghĩ trong bụng và sung sướng trước mà thưởng thức bước xuống của vị y sĩ không liêm chính đó.
Như hôm nào, hôm nay Phượng cũng lại phải thất vọng. Từ sớm đến giờ, có ba người khách đàn ông vào đây. Nhưng họ toàn là nông dân, có lẽ từ các tỉnh xa đến, chớ không có ai có vó thầy bà gì như Nam hết.
Không hiểu sao, hôm nay Phượng nhớ quá, không phải chỉ nhớ Nam mà thôi, mà nhớ cả xã hội bên ngoài, vui đẹp không biết bao nhiêu.
Không, nàng không phải là một thiếu phụ băm ba mà là một cô gái vừa ngoài hai mươi, vì nàng đã ngưng sống từ cái tuổi đó. Vì thế mà nàng yêu cuộc đời với tất cả tấm lòng con gái hai mươi của nàng, tấm lòng ấy chưa nếm đầy đủ cuộc đời nên cứ còn thèm khát.
Nhưng dãy rào dây kẽm gai bao quanh bịnh viện làm cho dưỡng đường giống một trại tập trung. Thêm vào đó, những tiếng la hét, những tiếng rú rợn rùng của những con bịnh điên loạn dữ làm cho người tỉnh kinh khiếp quá.
Không, người lành mạnh không thể ở chung với người cuồng trí được, trừ phi những nhà chuyên mồn họ có phận sự thì không kể; vả họ không ở chung hẳn với người điên như nàng, vì sau giờ làm việc, họ về với gia đình họ, tuy cũng quanh quẩn trong vòng rào, nhưng an ủi họ được phần nào, còn nàng, nàng nghe trơ trọi một thân đến muốn... điên trở lại.
Phượng bỏ hàng rào; thơ thẩn đi trong sân trại y xá và bỗng thấy ông hác sĩ trẻ tuổi ra khỏi trại phía sau đó, theo sau là sáu con bịnh và một người nữ giám thị khoẻ mạnh.
Mặc dầu không ưa người y sĩ liêm chính khả nghi mà nàng định đi thưa gởi với bề trên, Phượng cũng muốn nịnh ông ta, vì chưa chống lại được với hắn thì nịnh hắn là thượng sách.
Nàng bước ra sát hàng rào bên hông trại y xá, dọn miệng để ông ta đi ngang qua đó thì xá một cái và chào: "Bẩm Quan Lớn!"
Quả ông bác sĩ đi ngang qua đó. Nhưng phượng chưa kịp mở miệng thì ông ta đã mỉm cười và hỏi:
- Chị Phượng có siêng hay không?
Đó là một dịp rất tốt cho nàng nịnh, nhưng bị hỏi bất chợt, Phượng bối rối, ú ớ một hơi lồi đáp một cách lúng túng:
- Da... ơ... bẩm... con... sẵn lòng...
- Đừng xưng con với tôi. Chị có muốn làm việc thì ra khỏi trại đi theo tôi đây.
Ông bác sĩ đi mau quá, vả lại ông đi trước, nên Phượng ra khỏi vòng rào, chỉ giáp mặt với sáu con bịnh đi làm "khổ dịch" thôi.
Phượng nhận ra đó là Phật Bà Quan Âm, một chị trạc bốn mươi, cứ tưởng mình là kẻ đã thọ cái hàm oan to nhứt lịch sử nhân loại, đã đi tu và thành chánh quả; kế đó hai cô gái, một cô cứ thấy ai dặt ống dòm để ngắm cô ta, còn cô thứ nhì thì luôn luôn thấy trước mặt một cục lửa. Hai cô đó bị ảo ảnh ấy suốt một năm trời thì loạn tâm, được gia đình đưa vào Dưỡng trí viện nầy, con bịnh thứ tư tự xưng mình là nữ bác sĩ, rồi không hiểu sao, sau một thời gian được điều trị, chị ta tự hạ bệ và tự xưng là nữ y tá và là má của bác sĩ trưởng trại phụ nữ; con bịnh thứ năm chỉ làm thinh và ngồi yên trong phòng bịnh, bị giám thị đuổi ra sân để chị ta thở không khí trong lành, chị ta tiếp tục ngồi yên ngoài sân; con bịnh thứ sáu là một nữ tài tử ca nhạc, tối ngày ca vọng cổ không ngớt miệng, ca đến khan tiếng mà không chịu thôi.
Đó là những con bịnh gần lành, hoặc mới vào nhưng không nặng. Họ không nguy hiểm, nên họ ra khỏi vòng rào mà chỉ có một người giám thị đi theo họ, mà bà nầy đi thong thả như đi dạo mát một mình.
Bác sĩ đã đi đến bờ suối và dừng chân lại đợi họ.
Đoạn suối chảy ngang qua vùng đất Dưỡng trí viện ngày xưa nước trong và đẹp lắm, vì thuở ấy khu nầy là khu rừng rú.
Giờ thì trên giòng nước, trên xóm Hố Nai, mọc lên nhiều xóm mới đông đúc nên nước suối không trong trẻo được nữa.
Tuy nhiên nhờ ở đây hai bờ suối được cẩn đá nên trông đỡ bẩn hơn nơi các đoạn suối khác.
Xa xa, những bực đá được xây trong thành đá để xuống suối múc nước, và ông bàc sĩ ấy đứng nơi đầu một thang đá gần bồn bông có đặt tượng Phật sứ ở giữa.
Ông ta nhìn dòng nước giây lát rồi day lại thì các con bịnh vừa tới nơi.
Hai con bịnh nhảy ùm xuống suối từ bờ cao, như lông rông ở các hồ tắm.
- Nước nóng quá bà con ơi!
- Huơ làng xóm, tôi chìm xuồng! Cứu tôi!
Phật Bà Quan Âm thì dừng chơn trước pho tượng Phật bằng sứ và nói:
- Ê, rua nghen bồ!
Hai cô gái thấy ống đòm và thấy lửa ngồi phệt lên bờ đá mà nhìn nước trôi. Có lẽ cảnh mát mẻ ở đây giúp họ mất được ảo ảnh hay sao mà xem ra họ vui tươi lắm.
Trong khi đó thì người nữ tài tử ca nhạc, dựa mình vào một gốc dừa trồng dựa bờ suối rồi cất tiếng khàn khàn để than vản: "Úy trời đất ơi! Bến Tầm Dương đêm nào Tỳ Bà nỉ non đưa khách..."
Người nữ giám thị tới sau hết, tay xách một chiếc gàu bằng tre trét phân trâu. Gàu nhỏ, cỡ chứa chừng năm lít nước thôi, còn mới nguyên, có lẽ đặt làm riêng để thích ứng với một công việc đặc biệt nào không rõ, chớ gàu thường thì bé lắm cũng lớn bằng hai gàu nầy.
Ông bác sĩ hỏi người nữ giám thị:
- Tôi dặn đưa ra mười người, sao có sáu người hè?
- Thưa bác sĩ, mấy người kia điên nhiều quá, không biết làm việc, chỉ có sáu người nầy là chịu nghe lời.
Bác sĩ châu mày:
- Chị lại hiểu lầm nữa! Tôi không biết tại sao chị không ráng mà hiểu một điều rất giản dị là dưỡng đường không có ý muốn và không có quyền khai thác lao lực của các con bịnh. Bắt họ làm việc thuộc vào một trị liệu mới phát minh, gọi là công tác trị liệu, như vậy chính những người không tỉnh mới cần được tập luyện làm việc để thích ứng con người của họ trở lại với những trật tự, kỷ luật của đời sống bình thường.
Còn tôi đã cấm hẳn chị dùng tiếng "điên" trong nhà thương nầy, tiếng ấy dễ làm chấn động tâm thần của những con bịnh còn khá tỉnh, hoặc vừa khỏi, sao chị không nghe?
Bây giờ chị đã hiểu chưa?
Người nữ giám thị ngơ ngác trước những ý niệm lộn xộn đó, và chỉ nhe răng ra mà cười.
Ông bắc sĩ lắc đầu. Nhẫn nại, ông ta day xuống suối và dõng dạc hô to, tay chỉ con bịnh đang la làng cầu cứu:
- Đi lại bực thang!
Con bịnh đang lặn hụp dưới suối, đứng dậy và ríu ríu thi hành cái lịnh mà y thị, vì yếu đuối tinh thần, vâng lời một cách máy móc.
Đoạn ông ấy sắp các con bịnh khác thành một sợi dây chuyền người, dài từ giữa lòng suối lên tới bồn bông, tượng phật, Phật Bà Quan Âm đứng cạnh bồn bông, còn bà nữ bác sĩ tự hạ bệ thì ngâm mình dưới nước suối cao lên tới háng bà ta.
Bấy giờ người y sĩ trẻ tuổi mới nhìn Phượng mà rằng:
- Công vệc là như thế nầy: họ múc nước bằng gàu, trao cho nhau để chuyền gàu nước lên tới bồn bông. Nhưng tôi đã thất bại năm lần rồi, vì họ đã quên phản ứng đúng của con người thường. Để tôi cho họ diễn lại cách họ làm sai cho chị xem. Nào, thảy gàu cho họ đi.
Người nữ giám thị, thay vì thảy gàu cho nữ y tá giả hiệu đón bắt, lại ném gàu vào người của bà ta.
Nhưng ông bác sĩ không chỉnh nhân viên vì ông biết con bịnh ấy không thể hứng được chiếc gàu.
Bà ta chỉ chụp thôi vì bị nó bay đến chạm vào bụng bà ta.
- Múc nước! Bác sĩ lại hô lớn.
Bà ấy vâng lời người chỉ huy.
- Trao cho người trên!
Cái chị la làng khi nãy, đứng trên bực đá cuối cùng, rước lấy gàu nước, nhưng lại trao trả cho người dưới suối.
- Ấy đó, bác sĩ nói với Phượng, hoặc họ làm như vậy, hoặc họ tự xối lên đầu họ để tắm, hoặc ném xuống giòng suối, nếu ta không ra lịnh từng giây từng phút.
Giờ cốt tập thế nào cho họ hành động đúng mà ta khỏi sai khiến gì cả. Ban đầu họ chỉ đúng một cách máy móc cũng đủ rồi, nhưng lần lần họ sẽ đúng vì kỷ luật, rồi sau đó thì đúng vì ý thức phần nào.
Mai nầy, chị sẽ được ra khỏi bịnh viện, vậy đâu chị giúp chỉ hụy họ thử xem để chứng tỏ rằng chị đã khỏi hẳn.
Phượng cả giận nói giọng sân si:
- Tôi không cần phải chứng tỏ gì nữa hết. Ông không cho ra, tôi sẽ đi kiện ông.
Sở dĩ Phượng dám phản đối mạnh như vậy, vì nàng chắc bụng rằng người y sĩ nầy không còn làm khó dễ gì nàng được nữa, bởi cho về là do thượng lịnh của bác sĩ giám đốc, mà ngày về là ngày mai thì tức thượng lịnh đã ra rồi, không sửa đổi được nữa.
Bác sĩ bình thản nói:
- Đây là một sự hợp tác cầu vui, chị là người cứ đòi về mãi nên tôi chú ý đến chị, sẵn thấy chị đứng đó, gọi chị ra đây chơi vậy thôi, chớ còn việc nầy tôi làm cũng được, và chị giám thị đây làm cũng được. Vậy chị từ chối hẳn chớ?
Phượng hối hận khi biết ra là nàng chỉ được yêu cầu hợp tác cho vui thôi nên đáp:
- Xin lỗi bác sĩ, tôi vui lòng hợp tác.
- Vậy cứ thử xem.
Phượng suy nghĩ mấy mươi giây và chợt thấy rằng nàng cần bị thử thách lắm,vì nàng không biết phải hành động cách nào ngay.
Nhưng rồi nàng cũng nghĩ ra và bước tới, đi xuống các bực thang cho đến nấc chót.
Bác sĩ lại hô:
- Múc nước lên!
Bà nữ y tá tưởng tượng lại múc nước. Phượng chỉ làm thinh, đưa tay ra tỏ vẻ muốn rước lấy gàu nước, bà kia hiểu ý, trao gàu cho nàng mà không đợi lịnh nữa.
Họ hành động đúng y theo lịnh, nếu lịnh không cũ quá. Mục đích là làm thế nào cho họ không cần cái lịnh mới ràng ràng ấy nữa, chớ cỡ hô lại "Trao cho người khác" là họ làm được ngay, nhưng họ làm như một cái máy.
Phượng trao gàu cho người bên cạnh rồi lẹ như chớp, nàng chạy lên đứng án ngữ nữa người đó và người thứ ba, và cũng đưa tay như khi nãy và con bịnh thứ nhì cũng hiểu ý nàng.
Phượng cứ tiếp tục áp dụng chiến thuật đó cho đến lúc gàu nước tới tay Phật Bà Quan Âm nàng mới phải sai khiến một lời:
- Tưới bông!
Bây giờ, hớn hở vô cùng, Phượng hỏi bác sĩ:
- Có cần tôi nữa không ông?
- Chưa, để họ thử lại một mình xem.
Chỉ có hôm nay, Phượng mới biết hồ nghi về sự khỏi hẳn của nàng lúc phải suy tính cách thức làm việc và nàng sung sướng lắm vì tự tin được nơi mình rồi.
Công việc bắt đầu trở lại, nhưng gàu nước qua tay được ba người thì người thứ tư lại dùng nước ấy mà tưới cỏ mọc ở ven bờ suối.
- Có tiến bộ. Đủ cho bữa nay lắm rồi, bác sĩ nói, đoạn nhìn Phương mà thêm: "Chị theo tôi vào văn phòng."
Trong khi vị y sĩ trẻ tuổi trở gót vào trại thì người nữ giám thị tập hợp các con bịnh lại để đưa họ thay y phục vì phần đông ướt hết áo quần bởi cầm gàu vụng về.
Mấy bộ bà ba bằng vải tám màu ngà ngà xám xám vì lủn củn nên tay chơn của con bịnh nào cũng ló ra ngoài rất dài.
Khi Phượng bước vào văn phòng thì thấy ngồi sẵn nơi đó một nữ nhơn viên của nhà thương mà nàng nghe mấy nhơn viên khác gọi là cô nữ cán bộ xã hội.
Cô ấy đứng dậy chào bác sĩ rồi nhìn Phượng, hơi bối rối y như ông bác sĩ đã bối rối ngày bị nàng hỏi vặn mấy câu.
Phượng đứng trước bàn giấy của nhà chuyên môn mà chờ. Ông ấy chỉ làm thinh mà lật hết xấp hồ sơ nầy đến xấp hồ sơ khác, có vẻ không xem gì, chỉ lật để giết thì giờ thôi.
Tay ông ta run run, mặc dầu ngày thường, đó là hai bàn tay khá rắn chắc. Ông ta đã dám vào buồng của một con bịnh dữ một mình, nói là theo phương pháp mới, con bịnh nầy làm thinh suốt tám tháng từ ngày vào bịnh viện đến cái hôm mạo hiểm ấy của bác sĩ.
Phượng đã bắt đầu mất bình tĩnh. Nàng xoa hai tay vào nhau, đổi thế đứng, cựa quậy như bị kiến cắn. Ông bác sĩ xếp tập hồ sơ cuối cùng lại, thở dài rồi ngước lên, nhìn thẳng vào mắt Phượng mà nói:
- Mai nầy chị sẽ ra khỏi nhà thương...
- Cám ơn ông bác sĩ.
-....Nhưng không phải là để về nhà đâu.
Thất vọng và hoảng sợ, Phượng tái mặt, nuốt nước bọt một hơi mới hỏi được:
- Nhà thương đưa tôi đi đâu bác sĩ?
- Chị là người thường thắc mắc, hay đòi hỏi, nên chúng tôi thấy cần giải thích rõ, chớ mấy con bịnh khác mà đã khỏi như chị, họ nhẫn nại chịu số phận, tôi không phải cắt nghĩa gì hết.
Cứ theo pháp luật thì chồng chị đã đưa chị vào đây thì chỉ có chồng chị mới có quyền lãnh chị ra. Nhà thương không được để chị tự do về nhà một mình.
- Vì vậy mà tôi đợi chồng tôi nhưng đã lâu quá rồi.
- Cô Huệ à, đã tới phiên cô nói.
Người nữ cán bộ xã hội quýnh quíu lên, nhưng trấn tỉnh được phần nào và cũng nuốt nước miếng mấy lần mới bắt đầu được.
- Chị nè, phận sự của tôi là viết thơ về cho chồng chị để mà anh ấy lên rước chị. Nhưng dưỡng đường đã gởi ba bức thơ ra mà không nghe tin tức gì của anh ấy hết.
Tôi đoán rằng anh nầy đã dời chỗ ở, hoặc đã... đã... đã qua đời rồi cũng nên...
Nghe tới đây, Phượng lại tái mặt, trống ngực đánh thình thình, cuối xuống nhìn gạch chớ không dám ngó cô Huệ nữa.
Người nữ cán sự xã hội tiếp:
- Dưỡng đường mới thử gởi một bức thơ bảo đảm và đợi nửa tháng. Thơ không bị trả lại...
Phượng ngước mặt lên, tươi tỉnh trở lại.
- Thế nghĩa là anh ấy còn sống và còn ở tại nhà cũ.
- Nhưng từ ấy những nay, chúng tôi cũng không được tin tức gì của anh ấy hết.
- Lạ quá, Phượng nhận xét.
Thấy cô Huệ nghỉ nói rất lâu, người y sĩ trẻ tuổi giục:
- Dầu sao cũng phải nói cho hết. Cô nên gắng lên.
Cô Huệ tằng hắng một cái cho thông giọng:
- Nhà thương cũng ngạc nhiên và sốt ruột ít lắm cũng bằng chị và dưỡng đường không dư dả để nuôi mãi bao nhiêu người đã lành hẳn rồi. Tôi không đủ phương tiện đi tìm chồng chị; nhưng tôi có nhờ một người bạn thân thay thế tôi để làm công việc ấy.
Bạn tôi có gặp chồng chị, có yêu cầu anh ấy rước chị nhưng anh ấy chỉ lắc đầu chớ không chịu nói gì cả.
Phượng vụt rống lên mà khóc và kể trong tiếng khóc:
- Trời ơi, chồng tôi bỏ tôi rồi! Chắc anh ấy đã có vợ khác rồi!
Đoạn gạt nước mắt bằng tay áo, nàng hỏi cô nữ cán sự xã hội:
- Cô có thấy...
- Không, bạn tôi, người Saigon, gặp anh ấy thay cho tôi.
- Ờ, vậy bạn cô có thấy anh ấy có vợ khác hay không?
- Tôi không biết điều đó.
Bỗng khủng khiếp đến tột độ, người thiếu phụ không may hỏi gặng vị y sĩ trẻ tuổi:
- Thưa bác sĩ, bác sĩ nói sao, theo luật pháp thì chỉ có chồng tôi được quyền rước tôi ra à?
- Ừ.
- Trời ơi như vậy là tôi bị chồng tôi bỏ tù đến chung thân rồi!
Nói xong nàng té quỵ xuống gạch rồi ngã lăn trên nền nhà mà kêu khóc:
- Trời ơi! Ai cứu tôi! Bác sĩ ơi, ông xuống phước cứu giùm tôi, tôi có tội tình gì?
Cả hai nhơn viên nhà thương, một nam một nữ, đều quay nhìn nơi khác, không đủ can đảm nhìn cảnh tượng thương tâm đó nữa.
- Trời đất quỉ thần ơi! Tôi tội tình gì mà bị chung thân khổ sai? Ông ơi, thầy thuốc ơi, ông biết vậy, sao ông không để tôi điên luôn, có phải đỡ khổ cho tôi hay không. Trời ơi, sao chồng tôi lại tàn nhẫn như vậy!
- Anh ấy có thể không ác lắm, và anh ấy làm thế, có lẽ chỉ vì không biết điểm pháp luật đó mà thôi.
Thình lình kẻ tuyệt vọng vùng ngồi dậy thật lẹ rồi đứng lên; y thị đập lên mặt bàn của bác sĩ rầm rầm mà rằng:
- Tôi phản đối cái luật nầy, cái luật bỏ tù khổ sai chung thân kẻ vô tội. Ông thầy thuốc nè, tôi sẽ kiện tới bên Tây.
- Nước nhà độc lập đã lâu rồi, độc lập từ năm chị mới nhuốm bịnh, ông thầy thuốc nói.
- Tôi sẽ kiện tới nước nhà, tôi sẽ kiện nhà thương, tôi sẽ kiện ông.
- Tôi chỉ là một người thừa hành thôi, chớ tôi không hề làm luật.
- Ai làm ra luật, Tây hay ta?
- Không biết, tôi còn trẻ tuổi lắm. Có lẽ luật nầy có đã lâu đời, do người Pháp để lại. Nhưng chắc các nhà lập pháp của ta sẽ sửa đổi. Chỉ có họ là có quyền sửa đổi thôi.
- Trời ơi, ngoài đời không có một người nữ công dân là Bùi Thị Phượng, trong nhà thương, không còn con bịnh nào tên Bùi Thị Phượng nữa hết, thành ra tôi không có trên đời nầy, tôi đã chết rồi, tôi là một cai xác không được chôn.
- Chị nên bình tĩnh. Tôi giải thích mọi việc cho chị rõ để chị nhận giải pháp tạm thời sau đây nó giúp chị đỡ khổ phần nào, chị nên nghe tôi nói tiếp, chớ kêu gào vô ích.
Mệt lã người, Phượng ngồi phệt xuống chiếc ghế mà cô Huệ đã rời khi nãy, nàng tiếp tục khóc khi ông y sĩ tranh bày.
- Ông bác sĩ giám đốc dưỡng đường nầy thỏa thuận với chánh quyền địa phương gởi các người qua Viện bác ái đằng Hố Nai...
Phượng tấm tức tấm tưởi hỏi:
- Viện Bác ái đó ra làm sao?
- Đó là một nông trại mà các vị linh mục lập ra để giúp những người già cả, bịnh tật có nơi dung thân.
Bác sĩ giám đốc đã xin với bên ấy nuôi các người mặc dầu các người không già cả, cũng không tàn tật.
Qua bên ấy, các người được hưởng cái lợi nầy: các người sẽ được nuôi nấng tử tế như ở đây, mà hơn thế, các người còn được tiền, vì các người sẽ trồng rau trồng cải và bán mà thâu lợi lấy, chớ viện không lấy bớt đồng nào.
Nếu dưỡng đường có quyền cho chị ra đi nữa, chị cũng không thể sống được. Chị vô gia cư, vô thân quyến, lại mất hẳn thói quen, tài giỏi ngày xưa, bước đầu chị sẽ ra sao?
Ở Viện một ít lâu, chị sẽ có vốn, và khi nào dịp may đến là chị ra đời mà khỏi bỡ ngỡ, khỏi túng thiếu.
Thế nào, chị nhận chớ?
Thổn thức, Phượng đáp:
- Thưa, tôi còn biết làm sao nữa!
- Tốt lắm. Vậy mai nầy dưỡng đường sẽ đưa chị qua Viện Bác ái với băm tám người khác, Người thứ bốn mươi là người may mắn, vào phút chót, được vợ hứa với bịnh viện sẽ rước y về. Y nằm ở đây đã mười lăm năm rồi, ở nhà chắc có những thay đổi trong gia đình mà người hôn phối của y phải thanh toán khó khăn lắm và may cho y quá là rốt cuộc vợ y cũng sắp xếp được.
Ra khối văn phòng bác sĩ, Phượng đi thất thểu như một cái xác không hồn.
Bỗng nàng thấy một con bịnh đàn ông chạy bay đi như bị chó điên rượt, và sau lưng y, bảy tám con bịnh khác đuổi theo, miệng la:
- Nó trốn, bắt lấy nó!
Cảnh nầy diễn ra rất thường trong nhà thương. Có một số con bịnh, tuy loạn trí, vẫn còn một tối thiểu ý thức là phải ở trong vòng bịnh viện, trốn đi là phạm lệ dưỡng đường, và họ tự động rượt bắt người đồng thuyền mà nổi loạn của họ, đỡ tay cho các giám thị không biết bao nhiêu.
Phượng thở dài mà than thầm: "Họ còn điên, nhưng họ hành động đúng. Cái thằng chạy trốn ấy, hắn về ngoài đời, hắn sẽ ra sao? Biết còn ai chịu nhìn nhận hắn để cho hắn ăn cơm và mặc áo?"
Trưa hôm sau, vào khoản mười giờ sáng, những người giám thị của dưỡng trí viện Nguyễn Văn Hoài có phận sự hộ tống băm chín con bịnh đã lành hẳn qua Viện Bác ái Hố Nai, trở về với tám người bịnh cũ đi đứng như thường và một khiêng trên một chiếc băng ca tạm thời, làm bằng áo quần và hai cây nọc, theo lối cứu cấp giữa đường của các hướng đạo sinh.
Giây lát sau, dưỡng trí viện được biết rằng Viện Bác ái kiểm định lại của cải vào phút chót và thấy rằng chỉ nuôi nổi ba mươi miệng ăn thôi, nên trả lại bịnh viện chín người.
Trong số chín người bị trả lại có Phượng. Trên đường về, nàng đã lao mình vào một chiếc xe du Iịch đi Đà-lạt. May quá, xe hãm kịp và chỉ dụng nàng té gãy cẳng thôi.
Phượng không khóc lấy một tiếng. Hy vọng cuối cùng của đời nàng đã tiêu tan rồi thì nàng không còn thiết đến sự sống và đến những cơn đau đớn nữa!
Mưa Thu Nhớ Tằm Mưa Thu Nhớ Tằm - Bình Nguyên Lộc Mưa Thu Nhớ Tằm