Mở Đầu
ác giả cuốn tiểu thuyết bạn đang cầm trong tay, Robert James Waller hiện sống trong một nông trại hẻo lánh trên những chóp núi cao hoang vắng bang Texas và theo đuổi những ham thích của mình: viết văn, chụp ảnh, âm nhạc, kinh tế và toán học. Ông là tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Những cây cầu ở quận Madison, và đây là phần kết của cuốn sách đó.
PHẦN CÒN LẠI CỦA CÂU CHUYỆN
Sau nhiều năm với số lượng phát hành lên tới hàng chục triệu bản, cuốn Những cây cầu ở quận Madison vẫn là một trong những chuyện tình hay nhất của mọi thời đại. Tình yêu của Robert Kincaid, một nhà nhiếp ảnh tự do và Francesca Johnson, vợ một nông dân truyền thống, đã là lời nói thay cho khát vọng tình yêu nam nữ ở khắp nơi, nó cho chúng ta biết tình yêu là gì, rằng khi con người yêu và được yêu mãnh liệt, cuộc đời sẽ lật sang một trang mới ra sao.
MỘT NGÀN CON ĐƯỜNG QUÊ cuối cùng, trong cuốn truyện mới, thấm thía đắng cay này, Robert James Waller kể nốt phần còn lại chuyện tình của Robert và Francesca. Robert Kincaid chỉ còn lại những hồi ức tình yêu, và rồi ở tuổi sáu mươi tám, ông quyết định lên đường một lần nữa. Ông gọi cuộc hành trình này là Lần Cuối cùng, với ý định trở lại không gian cũ và thầm nói lời từ biệt với Francesca. Trên đường trở lại cầu Roseman ở quận Madison, Iowa, ông thình lình bắt gặp quá khứ xa xưa, bất ngờ...
Một lần nữa,
dành tặng những con chim ưng,
những người xa lạ,
những chàng cao bồi cuối cùng.
Và tặng tất cả các bạn đọc
những người đã hỏi về phần còn lại của câu chuyện.
Và đây, là cuốn sách của những hồi kết.
THƯ CỦA TÁC GIẢ
Có những bài ca nảy sinh từ lớp cỏ xanh rờn, từ bụi bặm của hàng ngàn con đường quê.
Đây là một trong những bài ca ấy.
Tôi bắt đầu cuốn Những cây cầu ở quận Madison bằng những lời như thế. Nhưng trên thực tế, có hai câu chuyện. Đôi khi, các câu chuyện phải đợi đến lượt mình, để không giẫm chân lên nhau. Những năm qua, đã có nhiều thư của các bạn đọc Những cây cầu, đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu niên, cả nam lẫn nữ, của những người lái xe tải, các bà nội trợ, các luật sư, phi công và công nhân giàn khoan dầu. Chắc chắn là có tới hàng ngàn bức từ khắp nơi trên thế giới, đầy những ý nghĩ tử tế và những mong ước tốt lành.
Trong số những người viết thư ấy, có một tỉ lệ đáng kể muốn biết thêm về Robert Kincaid và Francesca Johnson, về cuộc sống của họ, về những chuyện xảy ra với họ sau bốn ngày chung sống ở quận Madison, Iowa. Tôi đang sống trong một nông trại yên tĩnh, hẻo lánh trên chóp núi cao hoang vắng của bang Texas, trở lại với những nghiên cứu kinh tế, toán học và chơi nhạc jazz bằng ghita, tôi cảm thấy không cần đào bới các ghi chép nghiên cứu, và không muốn viết thêm nữa. Tuy nhiên, ở đâu đó, vào lúc nào đó, vì những lý do không rõ ràng, sau khi đọc thêm một bức thư hỏi về các thông tin trên, tôi quyết định kể nốt câu chuyện còn lại.
Tôi thường kinh ngạc vì những điều không chắc có thực, vốn là bản chất của sự tình cờ. Những cây cầu ở quận Madison là một truyện nhỏ, xảy ra trong thời gian ngắn, ban đầu cuốn sách được viết làm quà tặng cho gia đình và bạn bè, một cuốn sách mà tôi không bao giờ ngờ là đến nay, đã được xuất bản hơn 35 thứ tiếng; và khi viết, tôi cũng không hề có ý định xuất bản. Một cuốn sách chạy từ cái máy in rẻ tiền, phát thành tiếng lục cục khi tôi dùng phần mềm giá năm đôla trên chiếc máy tính Zenith 286.
Thế nên, đây là phần còn lại của câu chuyện, dành cho các bạn đã yêu cầu và những người khác cũng đang tò mò muốn biết. Nếu bạn chưa đọc cuốn Những cây cầu, có thể không cần cuốn sách ấy ở bên bạn. Với những ai đã đọc cuốn Những cây cầu, tôi nghĩ bạn sẽ tìm thấy, giữa bao điều khác, sự kinh ngạc vì niềm vui bất ngờ mà Robert Kincaid khám phá ra lúc cuối đời.
Một Ngàn Con Đường Quê Một Ngàn Con Đường Quê - Robert James Waller Một Ngàn Con Đường Quê