Mắt Thù epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 1
rên bao lơn nhìn xuống, vườn hoa hình chữ nhựt. Những khóm dừa dại, những cụm trắc bách diệp mới trồng, lá có khía lăn tăn. Hai luống hoa tím, tên gì, tôi không biết, chia khu vườn thành hai phần đều nhau.
Từ đầu hôm, không biết đây là lần thứ mấy, tôi đứng nhìn xuống, vẩn vơ như thế này. Đêm từng vũng trên những bụng lá ngửa đầy sương. Tòa nhà trước mặt chắn ngang tầm mắt, làm tôi không nhìn thấy biển. Nhưng sóng vỗ thì nghe rõ lắm, nhất là về khuya. Càng khuya, sóng vỗ càng mạnh. Từng đợt, từng đợt, tấp vào bờ, ì ào, lúc xa, lúc gần, như tiếng gọi kêu không nguôi về một cảnh đời đã mất.
Những cơn gió, như cũng thấm cảm nỗi đơn lẻ, âm thầm của một kiếp rền rĩ, gửi âm thanh vào đất liền, hoài hoài, để rồi không nhận được một dội vang nào tạt lại.
Tôi thấy tâm hồn tôi mở lớn, mở lớn mãi theo cùng cảnh vật. Tôi nghĩ tới những con dã tràng, nhỏ xíu, trong khuya này, không biết chúng có ngủ yên? Hay những thì thào của gió, những vật vã của biển, đã rủ rê chúng dời khỏi lòng cát ẩm...
Những viên cát của những con dã tràng ấy, chính là những cọng rơm hạnh phúc, tôi đã ngậm, đã tha về cho cuộc đời riêng, từ ngày bước chân vào đấu trường đời sống. Không, đúng hơn là từ ngày tôi biết yêu, và yêu lần đầu tiên vào năm tôi mười lăm tuổi. Những con dã tràng hoài công kia chính là những năm tháng đã chồng chất lên hai mí mắt tôi, và những con song xô dồn, đuổi lấn ấy, chính là dư âm của những cuộc tình đã sớm lụn.
Kể ra thì tôi thuộc loại phụ nữ lãng mạn, yêu đương quá sớ. Bây giờ, tôi không còn muốn suy nghĩ gì về con người tôi hay tìm hiểu xem mình đang khát khao những gì? Cũng có thể tại tôi đã nghĩ quá nhiều lắm, nhưng kết quả cuối cùng, cũng chẳng đi đến đâu. Thỉnh thoảng, tôi vẫn tự hỏi tôi: Muốn gì? Mày có muốn gì không hở Nữ. Hở Nữ, đứa con gái vừa qua tuổi vị thành niên?
Nhưng tất cả, cũng như những đốm đèn vàng dăng ngang thân dãy núi Bà Hỏa, phía tay phải tôi, yếu đi rồi mờ dần. Nhiều lúc bị khao khát ham muốn, nóng dậy, cháy bừng, hực lửa điên cuồng, tôi tưởng có thể chạy phăng phăng, thoát khỏi khu nội trú tù hãm này, vào thành phố, kiếm tìm một người yêu, nhặt gom hạnh phúc cũ.
Nếu có mười lần như vậy, thì cả mười lần tôi sôi sục đều tan đi rất nhanh. Chỉ một thoáng thôi, trí óc tôi chảy nhiễn, lợn cợn những vẫn đục không tên...
- Vào ngủ đi chứ Nữ. Khuya rồi.Tôi giật mình, không quay lại. Đây là lần thứ tư, tôi được nghe giọng điệu đó, hoặc khó chịu, hoặc thương xót, của những con bạn học. Như con Thủy ở phòng năm, nó thường rêu rao với mọi người rằng tôi khùng, tôi có máu (( tốc)). Tôi nhớ, một đêm, tôi cũng đứng thế này, ngay trước cửa phòng nó. Nó chạy ra, bảo: Chị về cửa phòng chị mà đứng, chỗ chúng tôi ngủ. Tôi biết, nó cũng như con Tuyết, con Nhung, con Lợi, không ưa gì tôi. Tôi quay lại nhìn nó định làm mặt khinh bỉ, nhưng nghĩ thế nào, tôi lại cười nhạt, bước xích sang cửa phòng bên cạnh.
Có tới hơn tháng này, tôi bị bệnh mất ngủ và thường hay hoảng hốt. Thỉnh thoảng tôi máy mắt bên trái, con Uý ngủ chung phòng tôi bảo máy mắt ăn sôi, máy môi ăn thịt. Tôi nghĩ mà cười hoài. Thật khôi hài. Thời buổi này, còn gì mà ăn nữa. Dù nghĩa đen hay bóng thì cũng không còn gì hết. Chúng ta chỉ còn máu và nước mắt. Không lẽ uống máu thân nhân và nuốt nước mắt bằng hữu!
Những bồn chồn hoảng hốt của tôi, quả không thể giải thích được. Từ ngày dời Đà-lạt về đây học, tôi vẫn nhận được thư gia đình đều đặn, tháng hai cái. Mẹ tôi vẫn trợ cấp cho tôi hai ngàn rưởi, bù thêm tiền học bổng quá ít oi, hai trăm một tháng. Ở một xã hội loạn lạc liên miên thì còn cái gì được coi trọng nữa. Kể cả nhân phẩm danh dự, tổ quốc quê hương...
Huống hồ chi đối với chúng tôi, những đứa chỉ có mảnh bằng tú tài nhất, thất nghiệp, thì đi làm cái nghề gõ đầu trẻ, gọi là kiếm thêm chút cơm, chút cháo, đỡ cho chồng con sau này.
Đúng ra thì không hẳn thế. Qủa thực nhiều lần tôi đã nghĩ tới chuyện chồng con. Người phụ nữ nào khi yêu, chẳng mơ tưởng tới lúc được lấy người yêu. Nhưng tuyệt nhiên, tôi không hề nghĩ tới chuyện phải có nghề gì chắc chắn, để dễ bề kiếm chồng.
Tôi biết tôi đẹp, tuy không đẹp lắm. Với nhan sắc trung bình và những nét dịu dàng, có vẽ kín đáo, cộng chung cùng đôi mắt lúc nào cũng buồn ( theo nhận xét của thiên hạ), tôi tin đủ để có thể lấy chồng và hy vọng có chồng khá.
Một lần, Tấn, người tình thứ hai của tôi nói: Làm con gái như Nữ, đã là một đóng góp quý hóa cho cuộc đời rồi, anh nghĩ, Nữ chẳng cần phải làm gì khác hơn ngoài những nhiệm vụ làm con gái rồi làm đàn bà. Không phải tôi không biết đó là trong những cách nịnh của bọn đàn ông con trai, nhưng Tấn nói cũng có phần hữu lý. Tôi cho là thế.
Rồi tình tôi với Tấn tan, khi Tấn gặp một người đàn bà đáng tuổi chị cả của Tấn. Một góa phụ. Bà ta có ba con khá lớn. Nhưng đáng nói nhất là bà ta có một gia tài đồ sộ do chồng để lại. Khi biết được sự thực chua chát, tôi không oán hận gì Tấn cả.
Trái lại, tôi còn lấy làm may vì xuýt nữa, tôi có một người chồng coi đồng tiền to như cái bánh xe. Trong khi gia đình tôi, cố gắng lắm mới đủ ăn, lấy đâu ra của chìm của nổi, chia cho Tấn!
Ba tôi thường bảo: Con trai ngày nay, nó không trọng nghĩa khinh tài như trước đâu. Con phải nhớ kỹ thế. Có thể có nhiều đứa nó yêu con, nhưng nó yêu để lợi dụng con hoăc để... yêu khơi khơi vậy thôi. Chớ lúc lấy vợ, bao giờ chúng cũng chọn vợ giàu, hoặc ít ra cũng phải có một nghề ngỗng gì, tương đối bảo đảm được đời sống gia đình. Nhà mình thì nghèo, con đã biết. Sắc đẹp khuynh nước khuynh thành con không có. Một trong hai nghề chính của con gái con thời này là bán Bar và đi làm cho Mỹ con cũng không chịu. Thử hỏi làm sao con có thể dễ dàng về đường chồng con cho được. Vậy con nên có một nghề nuôi thân...
Mặc dù tôi được nghe rất nhiều bài thuyết trình của bố mẹ tôi về cách sống trong thời buổi gạo châu củi quế thế này, óc tôi vẫn không hề bật lên một chương trình kiến thiết tương lai nào đến. Lý do tôi xin thi vào sư phạm để rồi đây mình dời nơi khốn khổ khốn nạn này, không phải vì tôi thấm lời khuyên nhủ của bố, mẹ tôi.
Tại tôi buồn, buồn đến muốn tự tử không thiết sống nữa. Chắc các bạn đã đoán được bệnh trạng của tôi. Thất tình? Vâng, tại tôi thất tình. Chẳng là năm ngoái, tôi gặp Đạt là sinh viên võ bị quốc gia đang học năm chót. Không biết tôi có bị bùa mê bả ngự gì không mà vừa gặp Đạt, tôi đã yêu chàng ngay.
Tôi yêu Đạt chẳng phải vì Đạt to lớn, hay ở Đạt luôn tỏa thoát một sức sống mãnh liệt, tưng bừng một cái vẻ đàn ông. Tôi yêu và mê Đạt chính ở lối nói chuyện dí dỏm và nhất là chiếc miệng đặc biệt quyến rũ. Hồi ấy tôi đã nghĩ rằng, bất cứ lúc nào, chiếc miệng ấy ghé gần môi tôi xin hôn, chắc tôi sẽ không đủ can đảm để từ chối.
A, tôi phải nói cho đầu có đuôi chứ. Phải rồi, Đạt là bạn thân của Quang. Quang quen biết với tôi từ trước. Quang yêu tôi điên dại và đã ngỏ ý với gia đình tôi, khi ra trường sẽ xin cưới tôi. Quang hiền lành, hơi khờ khạo. Mẹ tôi chú ý lắm. Bà cụ bắt mỗi tuần đi phép, Quang phải về nhà tôi ăn cơm. Tôi thì chỉ có cảm tình với Quang thôi. Yêu thì không bao giờ.
Tôi không hề nào chịu nổi người chồng thuộc loại gọi dạ bảo vâng như một cái máy. Xã hội này đã bị máy móc hóa nhiều rồi, lại còn đeo thêm bên đời sống riêng của mình một cái máy khác nữa quả là số của một kẻ bất hạnh. Thấy Quang chưa một lần ngỏ lời thẳng với tôi, khây kệ, mặc cho anh chàng tơ tưởng. Tôi không tỏ dấu lạnh nhạt, cũng chẳng có thái độ vôn vã. Tôi coi Quang hệt như một người bạn, không thân, sơ.
Một buổi sang chủ nhật, Quang dẫn Đạt về nhà tôi. Ý chừng Quang muốn khoe với bạn rằng có người yêu là tôi đó. Nhưng chẳng may cho Quang, như trên tôi đã nói, tôi yêu Đạt ngay buổi gặp đầu này. Dĩ nhiên chúng tôi yêu nhau lén lút để khỏi bị gia đình ngăn cản cũng như tránh cho Quang cái mặc cảm tủi nhục, hèn yếu.
Sui cho chúng tôi là những ngày Đạt được đi phép thì Quang cũng được đi, vì hai người ở chung một toán. Chúng tôi chỉ có thể đi chơi riêng với nhau vào những ngày thường, những chiều hay đêm Đạt chui rào, trốn khỏi trại. Tôi và Đạt hợp nhau ở nhiều điểm lắm. Càng ngày, Đạt càng cho tôi ý nghĩ Đạt là người tình lý tưởng của tôi. Chẳng hạn Đạt nói Đạt chỉ thích có được một căn nhà nhỏ, nhỏ thôi, với một người vợ hiền, thật hiền, chỉ biết lo bếp núc và săn sóc chồng con. Đạt cũng cố ý cho tôi hiểu rằng người vợ hiền ấy phải là tôi, với một bày con xinh ngoan. Bày con ấy, chúng sẽ có nước da mát mịn của mẹ, chiếc miệng của bố, chiếc mũi của mẹ, đôi mắt của bố... Nghĩa là chúng tôi chia nhau đều... thật đều.
Đạt đã cho tôi những giây phút thần tiên như thế. Những giây phút mà tôi tưởng chừng như mình bay bổng trong một không gian ngọt ngát hương hoa, hay đang được ngụp lặn giữa đại dương chan chứa yêu thương, ứ tràn hy vọng. Dĩ nhiên, khoảng không gian hay đại dương xanh ngát ấy, mang tên Đạt.
Mỗi ngày trí tưởng của tôi một nở lớn, tâm hồn tôi một no căng, ắp đầy cảnh tượng tương lai hạnh phúc. Theo từng lời phủ dụ, từng ánh mắt mơn trớn, từng nụ cười đắm đuối, từng cử chỉ vuốt ve, săn đón tế nhị của Đạt, nổi trôi, tôi bềnh bồng, lâng lâng, như một dải lụa mây, một cánh chim vỗ về phía mặt trời nắng ấm...
Lần đầu tiên, Đạt chạm tay vào da thịt tôi là lần Đạt đưa tôi ra ngồi ngoài hồ. Một buổi tối, gần mùa hè, hình như tháng ba. Lúc Đạt đặt tay lên lưng tôi, tôi không ngờ bàn tay đó tỏa ra một sức mạnh kỳ diệu, khiến tôi phải rùng mình, nổi gai ốc. Thật không thể ngờ được. Cái bàn tay mà thầm nguyện không bao giờ cầm nắm đã làm tôi chếnh choáng, ngây ngất. Tôi không muốn cầm nắm những ngón tay dài, sần sùi, như củi khô ấy, bởi khi người ta nghĩ tới cầm giữ, là lúc ít nhiều bị ám ảnh vuột mất. Trong khi tôi là đứa con gái rât nhiều tự tin.
Tự tin nơi mình cũng như tin nơi tình yêu bốc lửa của Đạt. Hơn nữa, đôi khi tôi có cảm tưởng lẩn thẩn rằng, nếu, một phút tình cờ nào đó, tôi nắm lấy nó, có thể, nó sẽ dòn tan, vụn vỡ.
Dưới mắt tôi nó không còn là một vòng tay bình thường, nó chính là một nhành củi khô, mục nơi những chạc cây ấy, tôi đã treo, đã mang tâm hồn mình, như những giọt sương dính trên cuống lá.
Nhiều lần Đạt thì thầm bên tay tôi: Nữ biết không, trời sinh hoa nên phải sinh bướm, cũng như trời đã sinh Nữ nên phải có thêm anh. Nếu không có Nữ, đời anh sẽ chả còn nghĩa gì và ngược lại, nếu không có anh, ai hiểu được tình Nữ! Ai đón nhận được hết những gì Nữ không nói, qua đôi mắt buồn, buồn như hai giọt mưa lớn.
Những lần nghe Đạt nói, tôi đã cảm động ứa nước mắt.
Phải, nếu không có Nữ đời anh sẽ còn gì? Sẽ còn gì? Thời gian đã phũ phàng đem đến cho tôi lời giải đáp.
Ngày mãn khóa, Đạt không gửi giấy mời tôi, chỉ có Quang. Tôi không quan tâm điều ấy lắm,nghĩ rằng chắc Đạt bận nhiều chuyện, nên vô tình quên mất.
Tôi mua sẵn cho Đạt một cặp lon và một chiếc phù hiệu của trường võ bị Đà-lạt, định bụng sẽ trao cho Đạt, ngay sau khi nghỉ lễ mãn khóa chấm dứt. Tôi tưởng tượng tôi vẻ mặt cảm động, ánh mắt hân hoan, sung sướng của Đạt, khi nhận quà mừng, lòng tôi rộn rã rưng rưng...
Nhưng số kiếp tôi có lẽ chẳng hơn số kiếp con dã tràng là bao. Một đời chỉ hoài công xe cát. Mộng tưởng của tôi vỡ vụn ngay bước chân vào cổng trường Quang đón tôi và cho biết Đạt bận tiếp "thân nhân" từ Sài Gòn mới lên. Tiếng nói ấm úng của Quang, đã như một loạt đạn ghim nát tâm hồn tôi. Tôi hiểu. Tôi nói vậy, với Quang và lảo đảo muốn ngã. Đi thêm được dăm bước, tôi thấy như muốn kiệt sức rồi.
Chân tay rời rã lún xuống, như sợi dây cao su bị kéo căng quá mức. Đầu tôi nặng ê ẩm như bị một vật nặng đè lên.Tôi dừng lại đưa gói quà cho Quang: Lên thăm anh và anh Đạt. Định chung vui với các anh. Nhưng bỗng dưng tôi bị nhức đầu. Có lẽ trúng gió, lúc xe xuống đèo. Tôi gửi tặng anh món quà mọn này và thành thực xin lỗi anh, phải bỏ dỡ cuộc vui này. Quang càm gói quà ngơ ngác.
Trong mắt Quang, tôi đọc được vẻ nghi ngờ thoáng hiện. Kể cũng tội nghiệp cho Quang. Tôi lẩm bẩm trên đường về. Bấy giờ tôi mới hiểu lý do nào, Đạt nằng nặc tôi phải trao thân cho Đạt. Đạt bảo có như thế mới chứng tỏ được tình yêu tha thiết, chân thực.
May mà tôi không nghe theo. Tôi không nghe theo, không phải vì tôi không tin Đạt. Tại tôi thấy chưa có hoàn cảnh thuận tiện. Người con gái một khi đã yêu, nào có tiếc gì. Chẳng qua sự vì sự vội vàng hấp tấp của Đạt làm tôi sợ. Nếu Đạt từ tốn và đừng tỏ quá nôn nả, chắc tôi đã hiến đời con gái cho Đạt rồi!
Hôm sau, Đạt lại từ biệt. Tôi bảo em tôi nói: đi vắng. Thực ra tôi nằm khóc trong buồng và nghĩ tới " thân nhân", tới vợ chàng.
Phải chăng người đàn bà được sinh ra để giúp vui và lấp đầy phần nào khát vọng, tự ái ngút đỉnh của người đàn ông? Tôi cũng vậy nữa sao? Cũng chỉ là một thứ dụng cụ thí nghiệm, một hy sinh cho bản năng tình dục hay tính háo thắng của người đàn ông? Không. Không thể đê mạt như vậy được. Tôi không là nạn nhân của ai hết.
Mỗi người chỉ có thể là nạn nhân của chính dục vọng mình mà thôi. Tôi yêu Đạt. Tôi ý thức được điều đó, tôi hoàn toàn chủ động đời tôi. Tôi tự an ủi tôi như vậy.
Buổi chiều Quang lại. Tôi định từ chối luôn lời khẩn khoản xin được gặp mặt của Quang. Nhưng lúc nhớ tới Đạt, bỗng dưng tôi ra gặp Quang, tôi muốn ban phát cho Quang những gì mà tôi chưa cho Đạt. Những gì mà Đạt còn khao khát, thèm muốn nơi tôi. Đây là phản ứng tự nhiên, mù quáng của một kẻ bị phụ tình.
Tôi nhận lời đi chơi phố với Quang dù mặt tôi hốc hác, mắt còn đỏ hoe. Quang đưa tôi vào tiệm cà phê... Lúc ra đi tôi hỉ hả bao nhiêu vì nghĩ mình đang trả thù được Đạt, thì lúc ngồi trong quán, nhìn vẻ mặt quan trọng đăm chiêu một cách lung túng, bứt rứt ngô nghê của Quang tôi lại càng thấy chán chường bấy nhiêu.
Suốt buổi, Quang nói với tôi rất nhiều chuyện. Những gì, tôi không nghe rõ và cũng chẳng buồn hỏi lại. Trạng thái tôi lúc đó, là trạng thái của một người đang đứng trên đỉnh đồi tuyệt vọng. Tôi thấy tất cả đều trở thành khôi hài. Khôi hài vô cùng. Ngay cả tình yêu.
Trong khi Quang nói, nói mãi, như say sưa, như đắm cả tâm hồn mình trong câu chuyện. Hình như Quang kể nhiều về người chị dâu đi lấy Mỹ, sau khi anh Quang chết trong một trận phục kích của VC ở đèo Cù Mông. Mẹ Quang nửa điên, nửa tỉnh, suốt ngày uống rượu, và chửi con, cháu... Sống giữa khung cảnh ấy, Quang vừa đau lòng vừa tủi nhục, không chịu được, đành bỏ đi lính... Quang còn nói lung tung về nhiều vấn đề khác. Khi Quang dứt lời, tôi chẳng ghi nhận được gì. Và dĩ nhiên, tôi im lặng, không ý kiến. Sự im lặng nhận chìm Quang vào cô quạnh,lẻ loi, sướng sần. Tôi cũng chẳng hơn gì. Tôi lúc ấy, cũng lều bều tan nhiễn trong một khoảng rỗng tuếch, chán chường, cùng cực. Tôi nghĩ, lúc đó, nếu Quang nói thẳng với tôi, hỏi lấy tôi, chắc tôi sẽ không ngần ngại, nhận lời. Tôi cũng chẳng biết tại sao tôi lại có cảm tưởng như vậy! Xui cho Quang và cũng có thể là may cho Quang, ở chỗ đó. Làm sao nói trước được. Có điều Quang đã quên rằng khi người đàn bà chán nản tuyệt vọng, họ có thể từ chối tất cả hoặc ngược lại, chấp nhận tất cả, luôn những cái mà trước đây họ ghê tởm khinh bỉ, hoặc không hề nghĩ tới.
Tôi đem chuyện này kể cho Thúy nghe. Thúy bảo: Thế bây giờ nó hỏi mày, mày có bằng lòng không? Tôi lắc đầu: Không bao giờ, dịp may chỉ dành cho những kẻ ngu khờ một lần mà thôi. Tuy hắn vẫn còn liên lạc thư từ với gia đình tao và đôi khi cả tao. Bây giờ giữa tao và nó, chỉ còn là tình bạn. Thứ tình bạn gượng, về một phía. Không phải tại giờ tao có người yêu, nên tao nói thế. Như mày biết, tao không hề thêm một người nào, từ khi vào học ở đây.
Sau vụ Đạt ít lâu, tôi có yêu thêm hai người nữa. Cũng ở Đà-lạt. Một người là giáo sư, một người là sĩ quan. Nhưng cả hai tên này đều bỏ rơi tôi rất mau. Một tên chán vì thấy gạt gẫm tôi mãi mà không ăn thua gì. Một tên bỏ sau khi vớ được một đám khác giàu và có bề thế. Cái lầm lẫn lớn nhất của người thứ nhất là hắn chưa tạo được một niềm tin tưởng mãnh liệt nơi tôi, hắn đã để lộ bộ mặt thật bẩn thỉu.
Thật ngu ngốc, bọn con trai. Chúng đóng kịch rất khéo ở những màn đầu, nhưng lại quá vụng về, hấp tấp những màn cuối. Một khi yêu đắm đuối tôi nào có tiếc gì. Tôi vẫn thường đinh ninh như vậy. Và tôi tin, quan niệm của những người phụ nữ khác, cũng không khác biệt với tôi là bao nhiêu. Sở dĩ tôi dám bạo phổi nói vậy, bởi tôi xét ngay trong cái xã hội thu nhỏ là số hơn trăm nữ sinh lưu trú tại đây.
Nếu chúng tôi có phần nào khác nhau thì cái khác đó chỉ là phần nổi trên bề mặt, cái mà người ta quen gọi là cá tính, của mỗi người. Cái lộ bên ngoài đó, theo tôi, có từ bản chất hoặc từ mặc cảm từ những cố tình làm ra vẻ như vậy. Chứ ẩn bên trong, tôi biết, chúng tôi đều như nhau. Cùng một lứa tuổi, một hoàn cảnh sống người ta thường có những ao ước, những thèm khát, giống nhau.
Như cách đây vài tháng, tại ngôi trường này, chính tại những phòng học tối tăm trước mặt tôi đây, đã xảy ra một vụ mà chúng tôi gọi là << truyền thống nội trú >>.
Đó là chuyện con Hoa ở phòng một, yêu ông Tước dạy môn tâm lý học. Cái cảnh trò yêu thầy hoặc thầy tằng tịu với trò, ở xã hội chúng ta ngày nay, nó thường đến độ tất nhiên và gần như không có gì đáng nói.
Riêng trường hợp con Hoa, có thê thảm, kinh khủng quá, khiến tinh thần chúng tôi, không khỏi bị giao động, xao xuyến. Bây giờ con Hoa đã chết rồi. Mồ nó, chắc cỏ mọc đã xanh. Tôi nghĩ, có đem chuyện nó ra kể cũng không có hại gì cho nó.
Con Hoa người Quãng-ngãi. Sinh trong một gia đình gia giáo, Hoa hiền lành và ngoan ngoãn có tiếng. Nó đã có một ý trung nhân làm sĩ quan, đóng ở Đà-nẵng. Bởi nó quá hiền lành và kín đáo, nên không ai biết nó bắt tình với ông Tước. Ngay cả hôm người thuyền chài, nhặt được chiếc bào thai khoảng bốn năm tháng của ai, vứt ngoài bãi biển.
Dân chúng trong vùng đồn ầm lên, cho là của nữ sinh lưu trú. Chúng tôi chỉ nghỉ cho những đứa nổi tiếng lăng nhăng từ trước, chứ tuyệt nhiên, không ai nghĩ tới nó. Mãi cho đến một buổi trưa, con Hoa treo cổ tự tử trong phòng ngủ, để lại một lá thư thú nhận tội lỗi. Lúc ấy chúng tôi mới ngã người ra... Trong lá thư tuyệt mệnh, con Hoa không nói tới tên người đã hại đời nó. Một tuần sau, khi ông Tước, nổi cơn điên, cắn lưỡi chết bất đắc kỳ tử ngoài bãi biển, ngay chỗ người thuyền chai nhặt được chiếc bào thai của con Hoa người mới biết ông ta là tác giả.
Nhân vụ án tình ly kỳ này, người ta kể rất nhiều chuyện báo oán của những đứa trẻ bị chết oan như vậy. Không biết bao nhiêu kẻ bị hồn thiêng theo đuổi, báo thù, nhiều khi nó báo oán tới ba bốn đời chưa hết. Như con Hoa và ông Tước bị vật chết ngay thế là còn có phước đó. Tôi thì tôi cho rằng số con Hoa xui xẻo, chẳng may bị, chứ thiếu gì những đứa ở trong này, cũng như nó... Chỉ khác là chúng may mắn hơn không (( bị )) mà thôi.
Từ ngày con Hoa buộc dây thừng vào chiếc quạt trần, thắt cổ chết giữa phòng, tôi không dám nhìn lên chiếc quạt trần trong phòng tôi nữa. Tôi sợ cả tiếng cạch cạch đều đều của nó...
Hễ cứ nhìn lên là tôi lại hình dung thấy con Hoa chới với dưới cánh quạt, lưỡi lè ra, dài ngoằng, tím bầm mắt trợn trừng, nước ứa thành dòng ở hai khóe. Lúc hạ nó xuống, tôi không dám đên xem, nhưng con Thúy kể rằng vừa đặt nó nằm xuống đất, máu tươi từ mồm con Hoa trào ra, lênh láng...
Gió lay động những luống hoa dưới thấp. Tôi rùng mình lạnh tanh cả hai má. Tiếng ú ớ của con Dung ở phòng tôi vọng ra, nghe xa xôi như tiếng gọi mơ hồ vẳng lên từ cõi chết. Dãy núi Bà Hỏa cùng ngọn đèn báo của đài kiểm soát đặt trên đỉnh núi, mờ đi và tôi có cảm tưởng như nó đang xích lại gần tôi hơn.
Tôi nhìn đồng hồ. Hơn mười một giờ. Tôi không muốn vào phòng tý nào hết. Với lại, tôi sợ phải giáp mặt Nhiệm, người đàn ông mà tôi đã gặp trong phòng, sáng nay. Tôi không hiểu ai đã cho phép chàng lên phòng tôi từ mấy ngày hôm nay. Và tôi không hiểu tại sao bao nhiêu cương quyết, tự nhủ không nói chuyện với chàng của tôi đều tiêu tán trước sức thu hút lạ lùng cuả con người kỳ dị ấy. Tôi tiếp chuyện chàng say sưa, thật say sưa, để rồi sau đó, khi chàng đi khỏi, tôi mới lại âm thầm tự trách.
Tôi cũng không biết có phải chính chàng là người đã cắm một bông hoa đỏ trên cửa sổ gần giường ngủ của tôi, mỗi sớm mai, lúc tôi còn ngủ?
Lúc đầu, tôi lấy làm thích thú vô cùng khi thấy hoa đỏ mượt ướt sương đêm. Tôi kiêu hãnh và càng tự tin hơn nữa, nơi sắc đẹp và sức quyến rũ mà trời đã ban cho riêng tôi.
Sau, màu đỏ trở thành một đe dọa, ám ảnh tâm trí tôi, đến độ, nhìn vào đâu tôi cũng thấy màu đỏ tươi ấy. Thoạt nó còn là một khoanh tròn, nhỏ như bông hoa, sau nó lớn dần, lớn mãi và cứ thế nó lớn cho tới lúc tôi thây chóng mặt, xây xẩm, quay đi, muốn ngã...
Ngày đầu tiên, tôi thấy bóng hoa đỏ cùng mấy con bạn thân của Hoa tổ chức cúng trăm ngày cho nó. Không biết có sự liên quan nào giữa bông hoa đỏvà con Hoa không?
Tôi chỉ dám nghĩ thầm chứ không đem kể cho con Thúy nghe. Sợ nó bàn ra tán vào, chỉ tổ cho tôi lo sợ thêm.
Một lần, đánh bạo, tôi đem chuyện bông hoa kể cho chàng nghe, thử xem thái độ của chàng ra sao.
Nhưng chàng chỉ cười úp mở nói: Màu đỏ là màu đắc thắng, màu của tươi vui hạnh phúc. Nữ vẫn thích màu đỏ cơ mà. Sao lại sợ vô lý vậy. Tôi không biết trả lời chàng thế nào định tâm hôm nào sẽ dạy thật sớm, làm bộ nhắm mắt ngủ để rình thử xem ai là người cắm hoa. Nhưng lạ một điều là dù tôi có thức sớm mấy chăng nữa, lúc hé mắt nhìn, lần nào cũng thấy bông hoa ở sẵn đó rồi.
Tôi vào phòng, lúc trăng hạ tuần đã lên ngang đỉnh núi. Tôi lẳng lặng ngồi vào bàn viết, ghi mấy chữ vào nhật ký, theo thói quen... (( Ngày thứ I2, tôi nhận được bông hoa đỏ. Vẫn chưa hề biêt danh tánh người cho. Nếu một ngày kia tôi chết, dù trong trường hợp nào, như Hoa chẳng hạn biết đâu, xin những người còn yêu tôi, hãy trồng trên mộ tôi một bông hoa đỏ. Để mỗi sớm mai, bông hoa ấy được ướt mượt sương khuya... như bông hoa ngày mai, khi mở mắt tôi hy vọng sẽ lại được trông thấy... ))
Tôi đọc lại mĩm cười một mình. Tôi chợt thấy mình có vẻ lãng mạn quá, cái lãng mạn của những thi sĩ thời... trung cổ.
Tôi thiếp đi trong ánh mắt ai đắm đuối, cúi xuống, cùng tiêng sóng biển vỗ điều ngoài xa... hay tiếng gọi kêu khôn nguôi của một oan hồn, vọng về một cảnh đời đã mất.
Hai giờ sư phạm thực hành qua trong chán nản, nhạt nhẽo. Sáng nay, trở dậy lần đầu tiên, tôi không thấy bông hoa đỏ. Chỉ có những giọt nóng chảy dài trên tấm gương soi mặt. Tôi nhìn sát và tưởng mặt mình loang lổ đầy vết máu. Lúc xuống phòng ăn sáng, tôi cũng không gặp chàng đứng chờ ở chân cầu thang. Điềm gì đây? Điềm gì đây? Ba tiếng ấy rền vang trong trí óc tôi. Thấy vẻ mặt tôi lo lắng, thảng thốt. Thúy ái ngại hỏi: Mày xanh quá. Đêm qua lại mất ngủ hả? Tôi cúi mặt nói với Thúy nhưng chính là nói cho riêng tôi: Tao tin có điềm gở.
Tiếng kẻng ra chơi, cứu tôi thoát khỏi không khí nặng nề nghẹt thở của buổi học. Tôi bước thật nhanh, ra khỏi phong. Hình như tôi gặp ngay thầy Sáu giám thị ông ta có ý chờ tôi từ trước. Ông ta bảo: Cô có thư khẩn ở Đà-lạt gửi đó.
Tôi cám ơn và uể oải xuống văn phòng. Tôi nhận được hai lá thư, một của em tôi, một của ai đó, nét chữ lạ và không hề tên người gửi. Tôi mở thư của em tôi trước, ngoài bì có chữ khẩn. Tai họa đã xảy đên cho gia đình tôi? Nhưng không. Không có gì hết. Gia đình tôi vẫn thường.
Đoạn chót, em tôi viết. À thưa chị anh Quang đã chết hôm chín tây tại đèo Nhông trong cuộc hành quân Thần Mã 6. Mẹ bảo báo tin cho chị hay! Tôi nhẩm đọc lại đúng. Quang đã chết ngày chín.Trong một thoáng rất nhanh không hiểu mãnh lực nào đã bật mở trí nhớ tôi.
Ngày chín...ngày chín... chính là ngày tôi nhận được bông hoa đỏ lần đầu tiên. Hôm nay là ngày 22...
Tôi bàng hoàng như kẻ mất hồn, chạy lên phòng ngủ, gục đầu xuống nệm, khóc nức nở. Tôi cũng chẳng biết vì lý do nào, tôi lại khóc mùi như vậy. Trong khi thâm tâm, đến giờ phút này, tôi vẫn không mảy may yêu Quang...
Tôi lau mắt, ngửng lên, định trở lại phòng học. Bỗng tôi lạnh người, thấy một bông hoa đỏ, còn ướt mượt sương đêm, ai đã lén cắm trên cửa sổ tôi, từ bao giờ?
Mắt Thù Mắt Thù - Du Tử Lê Mắt Thù