Chương 1
ịnh không biết nhảy, nhưng cứ vào những nơi nầy mỗi đêm, sợ người ta sinh nghi, nên chàng cố bươi trí để làm cho sự có mặt của chàng được ổn. 1
Dân chơi thì họ bất kể chàng, chàng chỉ lo bị nhơn viên của các hộp đêm nầy ngạc nhiên, tìm biết rồi có thể sẽ biết. Các em ca-ve, người tài-pán, các bồi bàn, toàn là những kẻ điểm mặt từng khách một để ghi họ vào sổ hồng, nếu họ sộp, vào sổ đen, nếu họ keo kiệt.
Mà không phải chỉ điểm mặt mà thôi đấy nhé. Họ sẽ truy tầm căn cước, nghề nghiệp chàng, thì nguy to.
Nguy to là vì cái nghề tạm bợ mà chàng quơ đại để ăn cơm, cái nghề ấy, họ mà biết thì chàng không còn làm được nữa, tức là bể chén cơm, chớ không phải sợ ai ám sát đâu.
Chẳng là chàng đang thất nghiệp, tới xin tiền một thằng bạn, ngỡ sẽ bị nó hất hủi chàng, không dè nó lại mừng rỡ reo to lên:
- Cứu tinh đã đến!
Rồi nó lại hỏi thêm:
- Mầy có cần tiền không?
Có mỉa mai chưa? Chàng tưởng nó giễu chàng, nên chàng nín lặng hồi lâu vì căm tức rồi mới nhẫn nại đáp:
- Ơ... hơ... cũng hơi cần.
- Mầy có thích chỗ làm lương cao chăng?
- Tao chỉ mong có bấy nhiêu đó thôi.
- Vậy mai đi làm, nói đúng ra là tối mai. Tối nay, tao sẽ tiến dẫn mầy với "ổng" là xong.
- Nhưng làm cái quái gì mới được chớ?
Câu chuyện nầy xảy ra lúc ông Diệm đang cầm quyền.
- Nè, thằng ấy nói, phải giữ mồm giữ miệng đa nhé. Hiện ông Mật vụ trưởng vừa lập một cơ sở lấy tên là "Lữ đoàn mông đen" và cần vài nhơn viên lỗi lạc cho Lữ đoàn, mỗi nhơn viên được xem như là ông xếp của một khu riêng biệt.
Mầy có vó sang trọng, tức là mầy khá mông đen, thì mầy được lắm. Ổng nhờ tao tìm người đáng tin cậy, có khả năng, tao cũng chẳng biết ai, nên đang bể óc đây thì mầy tới, may quá!
- Nhưng Lữ đoàn ấy sẽ đánh giặc với ai?
- Định hỏi.
- Không có đánh giặc, đánh giả gì hết ráo. Đó là dịch ở danh từ "Brigade mondaine" ra. Lữ đoàn mông đen chỉ cần len lỏi vào các giới ăn chơi để theo dõi những công chức, những nhơn vật tăm tiếng mà ăn chơi quá khả năng tài chánh của họ để mà báo cáo lên thượng cấp, rồi thượng cấp làm gì họ, mình cũng chẳng cần biết. Dễ ăn lắm mà.
Mới nghe qua thì quá dễ ăn thật đó, nên chi Định nhận lời lập tức, lòng phấn khởi vô cùng.
Nhưng đêm nay, đêm đầu làm việc, vào vũ trường Eldorado, chàng mới thấy là khó ăn.
Chàng có vó sang trọng thật đó, nhưng lại không sang trọng tí nào, vì chàng là học trò mới ra trường vừa tìm được một chỗ làm thì vài tháng sau đã bị đuổi, vì cự với ông chủ hãng, thế thì lấy tiền đâu mà chàng ăn chơi để sang trọng? Như vậy, mặt mũi của những ông bự mà chàng có phận sự theo dõi, chàng không biết ra sao cả, chàng như thằng mù thì còn làm ăn gì được.
Mà cho đến cái chuyện tầm thường là cứ tạm thủ vai một khách hào hoa phong nhã, đi khiêu vũ, chàng cũng chẳng làm được thì nghĩ ra, khó ăn không biết bao nhiêu.
Nhưng may quá, uống cạn chai Bireley là chàng có hứng liền, như nhà thơ Tản Đà uống hết chai rượu Văn Điển vậy.
Trong ánh đèn mờ, chàng thoáng thấy cô thu ngân viên ngồi đằng kia không biết ra sao, nhưng chắc chắn là cũng khá đẹp.
Vậy chàng cứ làm bộ si cô nầy cái đã, cho có lý do la cà ở đây, rồi sau hãy hay.
Định đã nghiên cứu kế hoạch rất kỹ.
Chàng không giả đò si vũ nữ vì thu ngân viên khó xơi hơn nhiều, tức là phải tốn lắm thời gian, mà chàng thì rất cần sự tốn kém ấy.
Với lại si thu ngân, có vẻ tư cách hơn si vũ nữ nhiều lắm. Chàng chưa có được bộ vó ăn chơi thì si người nào trang nghiêm, thiên hạ thấy là ổn hơn, không chú ý đến chàng.
Thứ nữa, là thu ngân làm việc tương đối lâu bền hơn vũ nữ, các cô vũ nữ thì có thể đầu hôm sớm mai, đã đi làm nơi khác rồi, mà chàng thì có phận sự công tác ở đây rất lâu.
Nghĩ xong mưu mẹo tài tình ấy, Định len lỏi giữa các bàn để tiến đến cái quầy thu tiền, quầy nầy chỉ là quầy của một quầy bar rất dài, bên trong quầy, cách cô thu ngân viên mấy thước, có mấy cô chiêu đãi viên đang ngồi ngáp vặt và nhìn những chiếc ghế cao đặt bên ngoài quầy, trước mặt họ, góa bụa khách nhậu vì bọn vào vũ trường, thường thì không hoan nghinh họ bao nhiêu.
Định gọi một cái Martini phía bên bọn chiêu đãi viên, nhưng lại không thót lên ghế trống mà ngồi, bưng ly rượu bước ngang như con cua để qua phía cô thu ngân viên. Thình lình chàng lặng người đi.
Con người mà chàng chỉ tính làm bộ si lại đẹp không thể tưởng tượng được.
Ở đây tương đối sang hơn toàn thể vũ trường, vì trước mặt cô thu ngân viên có đặt một cây đèn bàn viết, chụp pha lê xanh đục, không chiếu ánh sáng ra ngoài, nhưng soi tỏ mặt quầy ở đó và mặt cô ta. Như vậy, Định không thể bị ảo ảnh như khi nhìn các vũ nữ dưới ánh đèn màu, da nhăn cũng cứ trông như là non mởn.
- Không, cô nầy đẹp thật sự.
Cô thu ngân viên không làm gì cả, vì mới khai nhạc, chưa có ai trả tiền. Cô đang ngó mong ở đâu không rõ, chợt thấy một người đàn ông rà sát quầy, tiến đến trước mặt cô, cô cúi xuống dưới quầy lấy ra một quyển tiểu thuyết để đọc.
- Xin lỗi cô, cho tôi hỏi chút việc.
Cô ngẩng lên và bốn mắt gặp nhau.
Không ai nói gì cả, vì cả hai đang ngạc nhiên. Định nhìn kỹ lại thì "Nàng" đã khá cao niên rồi, chớ không còn trẻ nữa. Chàng đoán là nàng cũng ít lắm là ba mươi tuổi.
Còn "Nàng" thì lấy làm lạ mà thấy một anh con trai đáng em nàng, lại định tán nàng.
Vâng, nếu không phải là người quen, thì bất kỳ kẻ nào nam phái, lò mò đến đây cũng chỉ để thử tán nàng mà thôi, chớ không thể có lý do nào khác cả. Có chối cãi về việc tính tiền sai thì khách họ chối cãi với bồi bàn, bằng như muốn "kháng cáo" thì kháng cáo với quản gia, quản lý, với Mết Cơ gì gì ấy, chớ thu ngân viên hoàn toàn không liên hệ đến những xung đột đó.
Nhưng Định không thất vọng. Chàng chỉ cần chỗ núp thôi, cho thiên hạ khỏi nghi, chớ có phải là si thật đâu.
Vả lại, người đẹp thì chỉ cần đẹp là đủ lắm rồi, điều kiện tuổi tác chỉ là việc phụ thuộc.
- Ông cần việc chi? Cô ấy hỏi.
- Tôi xin phép cô, đứng đây uống một ly rượu.
Người đẹp chắc cũng đã bị nhiều đàn ông xin phép lạ đời như vậy rồi, nên chỉ mỉm cười nói:
- Đáng lý thì không được nhưng mời ông cứ tự tiện.
- Thế nghĩa là, đây là một ân huệ phải không cô?
- Tùy ông hiểu.
- Tôi hiểu đây là một ân huệ. Rất lớn. Và tôi sẽ biết ơn cô.
Thiếu phụ cũng chẳng buồn mỉm cười, mà cũng chẳng thèm làm bộ đọc tiểu thuyết nữa, ngó mông ra ngoài như trước. Nàng thấy rằng cậu em nầy rồi sẽ vỡ mộng ra, lát nữa đây, khi mà cậu em ngắm nàng mãi, rồi thế nào cũng đoán được tuổi của nàng. Như vậy mối quen biết giữa hai người sẽ không thọ được một đêm mà trò chuyện cho mất công.
Nhưng Định thì cần nói, bởi thằng si, phải tán chớ. Hơn thế, các em chiêu đãi viên đang xầm xì với nhau, chắc các em đang chế giễu chàng bị người đẹp cho leo cây.
"Ừ, cho đáng kiếp cái thằng làm tàng, nó chê chị em ta, đi tán bà già, để nó bị chìm xuồng một lần cho nó ê cả mặt nó!"
Có lẽ các nàng đang rủa như vậy.
Tự ái đàn ông bắt chàng phải cứu vãn cái ê của chàng, nên chàng lại cố bươi trí tìm đầu đề câu chuyện thế nào mà người đẹp có muốn làm thinh cũng không làm thinh được với chàng.
Trí óc chàng đang chạy nước rút ba trăm cây số một giờ. Và nó chạy tới đích.
Chàng hỏi:
- Thưa cô, cô có biết vì sao mà tôi lại uống rượu không phải chỗ như thế nầy hay không?
Quả nhiên thiếu phụ bật cười, day lại nhìn chàng mà đáp bằng một giọng hóm hỉnh:
- Vì ông nhìn tôi từ đằng xa, không thấy rõ được nên ông lầm.
- Không. Muôn ngàn lần không.
- Chớ vì sao?
- Vì cái búi tóc của cô.
Thiếu phụ bị xúc động trông thấy. Nàng có lẽ là người đàn bà trẻ đẹp độc nhất ở Sài Gòn còn để búi tóc.
Có lẽ nàng đã được lắm người si, nhưng chưa hề có ai si vì búi tóc của nàng cả.
Người đẹp, đẹp một vẻ đẹp thùy mị, hóa trang rất kín đáo và theo lối xưa, chớ không phải hóa trang dữ dội như đào hát, hoặc hóa trang phong trần như những gái hộp đêm, thành thử trông nàng cứ như là nữ sinh.
Mà cái búi tóc lỗi thời của nàng cũng không biến nàng thành thôn nữ quê mùa đâu, bởi nàng biết ăn mặc hợp thời trang, gương mặt và dáng điệu thị thành và đài các, y như là một chiếc lọ Khang Hy đặt vào giữa một phòng khách trang trí tối tân, không có vẻ lọ cổ chút nào, hay vẫn là cứ lọ cổ, nhưng đó là cái cổ bất hủ, đi đôi được với cái kim như thường, mà cả hai thứ lại nương tựa lẫn nhau, tôn vẻ đẹp cho nhau nữa.
Người đẹp cũng hóm lắm. Đã đẹp, lại còn muốn độc đáo. Mà khó lòng độc đáo bằng cái gì được, bởi phụ nữ Sài Gòn ngày nay họ đã bày vẽ đủ thứ trò mới lạ rất téc-ni-co-lo để được nổi bật lên, thì còn biết may áo lối nào, uốn tóc kiểu gì cho đặc sắc bây giờ?
Thế nên nàng cho mái tóc của nàng "de" lại lối ba mươi năm về trước, các cô gái khác không đủ can đảm de theo, bởi phải đẹp kinh hồn kia mới cứu vãn được cái điểm cổ lỗ là búi tóc.
Cô thu ngân viên đã đổi nét mặt và đổi giọng, vẫn còn hóm hỉnh, nhưng đã hơi có cảm tình:
- Nói thế không phải. Chắc ông tưởng nhớ đến một người chị cả thương mến, đã qua đời, khi thấy búi tóc của tôi?
- Thưa cô không! Tôi là trưởng nam, hay nói cho đúng là con một của ba má tôi. Tại tôi thấy ai cũng phi-dê hết thảy, hóa ra họ xoàng quá, cô khác họ nên tôi mới chú ý đến cô.
Thiếu phụ mỉm cười rất tinh nghịch:
- Thế ông chú ý từ xa không được hay sao?
- Tôi cần biết người có mái tóc độc đáo, nhan sắc có độc đáo hay không. Giờ thì tôi đã chắc bụng rằng hai thứ ấy ăn khớp với nhau, nơi cô.
- Ông nịnh cũng khá giỏi đó.
Các em chiêu đãi viên đã hết dám khinh chàng nữa. Họ thủ phận, trò chuyện như thường với nhau và ngáp vặt.
Định lại tán:
- Tôi rất buồn mà không được nịnh cô lâu hơn, vì cô sắp có công việc rồi. Nhưng tôi cầu khẩn cô cứ để cái ơn huệ mà cô ban cho. Tôi sẽ hưởng nó một cách im lặng.
- Ông cứ tự tiện. Nhưng tôi không nỡ để cho ông đứng ngậm câm mãi, nên thỉnh thoảng giữa lúc hai lần thu tiền, thối tiền, tôi lại sẽ nói với ông một câu.
- Ơn huệ lại càng to hơn. Thật khổ cho tôi! Rồi tôi không biết lấy gì để đáp cái ơn ấy cho xứng đáng?
Định biết rằng đêm nay chàng không làm việc gì được đâu. Chàng chỉ vào đây để quen với không khí. Chàng còn phải học nhảy nữa, và sớm lắm, tuần lễ sau mới công tác được.
Dầu sao, mọi việc cũng xuôi chèo mát mái nhờ buổi chuyện trò nầy. Và chàng còn đóng kịch vài đêm nữa với cô thu ngân viên thì trời sinh ra cái người đẹp năm 1960 nầy mà còn để búi tóc, là ổng muốn giúp chàng thành công về nghề nghiệp vậy.
Giờ nầy chỉ leo heo có vài khách ăn ra về, còn dân nhót thì họ mới chỉ vào lai rai thôi, nên công việc của người đẹp cũng chẳng có gì. Định khỏi phải đứng trơ một mình quá lâu.
Thoạt tiên, trong những lúc nàng soạn tiền, chàng nghe hơi hơi mặc cảm vì "trai ba mươi tuổi còn xuân" mà chàng thì chỉ mới hăm sáu: "Gái ba mươi tuổi như chình mắm nêm". Mặc dầu trong trường hợp đặc biệt của người đẹp, đó là một câu nói sai, bởi chàng đoán nàng ba mươi mà nàng đẹp hơn con gái 18 thì đâu có là mắm nêm được. Mặc dầu vậy chàng cũng khó chịu.
Nhưng rồi chàng hãnh diện ra được.
Nếu có thằng nào chê cười chàng thì thằng đó nhà quê. Những thằng sành điệu sẽ thán phục chàng biết thưởng thức cái đẹp bất kể tuổi tác.
- Sao ông không nhảy? Nàng ngước lên, sau khi trao dĩa tiền thối cho một người bồi bàn rồi cười hỏi thư vậy.
- Tôi cô đơn lắm, vô đây cố tìm ảo tưởng cho đỡ buồn mà lại may mắn gặp một tâm hồn bạn thật sự rồi thì còn nhảy nhót làm gì?
Kể ra thì ai cũng cho rằng những thằng nịnh thì xạo lắm, nhưng ai cũng phồng mũi lên khi được nịnh.
Mới nói chuyện với nhau có một buổi, chưa tâm sự với nhau, mà "tâm hồn bạn" cái khỉ khô gì, vậy mà cô thu ngân viên vẫn nghe sung sướng không phải vì tánh cách "bạn" mà vì tánh cách "đẹp" của tâm hồn cô.
"Ừ, cái thằng cha nầy đi tìm tâm hồn thì hẳn tâm hồn nó đẹp chớ không khô khan. Mà nó nói đã gặp tâm hồn bạn là mình, thì hẳn chính là tâm hồn của mình cũng phải đẹp".
Hai cái "tâm hồn bạn" ấy lại rình nhau như hai kẻ thù cần giữ thế với nhau. Họ quan sát nhau để cố đoán tuổi tác của nhau.
Người đẹp bị mặc cảm vĩnh viễn, chớ không phù du như thằng con trai, bởi chỉ có nàng mới biết tuổi tác thật của nàng thôi, và nàng cứ lo cậu em kỳ cục nầy vỡ mộng.
Nàng không hy vọng gì cả đâu, vì đã sống nhiều, nàng biết quá, bọn đàn ông chúng nó si ghê lắm thật đó, nhưng lửa tình của thằng nào cũng chỉ là một mớ lửa rơm mà thôi, phương chi thằng cha nầy lại quá trẻ. Không hy vọng gì, nhưng nàng vẫn lo sợ vì dầu sao, hết được ai thấy là trẻ đẹp, cũng là chuyện đáng buồn.
Thà là nàng cứ ngồi trong bóng tối một mình, chớ đã được có kẻ chú ý, rồi kẻ ấy lạnh lạt sau đó, nó ngậm ngùi làm sao ấy!
Vâng, mặc dầu quầy thu tiền là nơi tương đối sáng đèn nhứt trong một vũ trường, cô thu ngân lại là người tối tăm nhứt của các hộp đêm. Khách thấy họ khó ăn, nên họ có đẹp bao nhiêu, ong bướm cũng chỉ bu quanh các đóa hoa dễ dãi khác mà thôi.
Định thì lẩn thẩn nghĩ đến một đạo vụ của nhà vua nước Anh hồi thế kỷ 18. Đạo vụ ấy như thế nầy:
"Người phụ nữ nào bất luận tuổi tác, địa vị xã hội, bất luận là trinh nữ, kỹ nữ hay góa bụa mà dùng nước hoa, sự hóa trang, sáp, nước thuốc nhuộm tóc, nhuộm mi, răng giả, tóc giả, ngực giả, giày cao gót và các đồ độn bên trong để gạt gẫm quyến rũ một thần dân của nhà vua, sẽ bị trừng trị y như bọn phù thủy".2
Thật là đạo đức triệt để! Và nếu đạo vụ ấy mà được ban hành ở xứ ta, ngày nay, thì cô thu ngân viên nầy đáng bị xét xử trước hết.
Đành rằng nhờ sức khỏe tiên thiên nên sự tươi trẻ tự nhiên còn được sống dai trên gương mặt nàng. Nhưng người ta vẫn đoán được niên kỷ của nàng, chỉ xê xích vài ba năm là cùng.
Nàng đã giỏi làm đẹp thế nào mà Định cứ ngẩn ngơ tự hỏi nàng trẻ hay già. Nói trẻ thì quả nàng cũng trẻ lắm, nhưng mà bóng dáng của tháng, năm vẫn lấp ló đâu đó trên gương mặt của nàng.
Vì phải đóng kịch si cho thật khéo, để khỏi bị người đẹp bỏ đứng trơ một mình, nên những đêm sau đó. Định lại càng nỗ lực kinh hồn trong việc tán cô ta.
Thật sự thì lòng người đẹp là một tảng đá to, không gì lay chuyển nổi. O bà già, một ngàn lần khó hơn o con gái.
Nhưng nàng vẫn đóng kịch y như chàng, vẫn thủ vai kẻ đang rung động, vì mục đích khác, mà xin đừng ai hời hợt đoán rằng nàng định cho cá cắn câu để rút rỉa tiền bạc. Nếu thế thì câu chuyện nầy xoàng quá, đâu có đáng kể ra.
Cả hai đều đóng kịch, chỉ khác nhau ở điểm nầy, là Định còn khờ nên tin rằng cô Liên ấy đã mê chàng rồi.
Chàng đẹp trai, lại trẻ tuổi hơn cô ta, trông là thấy ngay, hơn thế chàng còn mang gần đầy đủ sự chơn thật của một người con trai chưa lăn lóc trên đường tình thì Liên mê chàng là sự thường, rất dễ hiểu.
Trong khi đó thì Liên vẫn cứ bán tính bán nghi. Nhiều kinh nghiệm sống nàng biết rằng con trai mới lớn lên rất mê đàn bà đứng tuổi mà còn đẹp chớ không mê con gái.
Nhưng cái anh chàng Định nầy không còn là con trai mới lớn lên nữa.
Hắn đã vượt qua cái giai đoạn mê đàn bà rồi, ít lắm là bốn năm năm.
Mà từ mấy đêm nay hắn đã có dịp ngắm kỹ nàng, có dịp đoán tuổi tác của nàng, chắc gần đúng sự thật, và nịnh nàng mãi?
Vì cái búi tóc độc đáo của nàng? Đó là một lý do khá ổn, nhưng đồng thời cũng đáng ngờ lắm.
Vì thẩm mỹ, người ta có thể mê một món đồ đẹp, chỉ vì món đồ ấy mà thôi, không bắt buộc mê luôn chủ của món đồ.
Có nhiều bà già mặc áo rất đẹp, may rất khéo, con trai vẫn biết thưởng thức áo quý của các bà, mà có vì thế mà chúng mê các bà đâu?
Tuy nhiên, rồi nàng không thắc mắc cho lắm nữa. Nếu hắn đóng kịch vì lẽ gì đó, cũng cứ mặc hắn, miễn nàng đạt mục đích riêng của nàng là đủ rồi, mà mục đích của nàng, muốn đạt được, lại rất cần hắn tiếp tục si, si thật hay giả đò si gì cũng tốt cả.
° ° °
Để đền ơn vị cứu tinh của chàng, đêm sau Định mang vào Eldorado tặng người đẹp một hộp kẹo, kẹo Tây chớ không phải kẹo Nhựt Bổn đâu, kẹo nầy từ lâu rồi không được nhập cảng nữa, chàng nài lại của một viên phi công nên mới có để làm quà cho Liên.
Liên khui kẹo ra ngay để cùng ăn với chàng, và hỏi:
- Ông chỉ mới cô đơn đây thôi, hay lâu rồi?
- Lâu rồi.
- Bao nhiêu năm?
- Không còn nhớ nữa.
- Tức không phải mới bị tình phụ?
Định cười ha hả mà rằng:
- Nếu tôi "ĐƯỢC" tình phụ thì thú vị lắm.
- Ông nói lạ. Sao lại "ĐƯỢC" chớ không "BỊ" và sao lại thú vị?
- Nầy nhé, nếu bị tình phụ, tức là đã được yêu người tình và được người tình yêu, ít lắm là sáu tháng. Như vậy không thú à? Kế đó là bị nàng phụ thì được đau khổ, mà đau khổ thì là một thứ tình cảm rất hay ho, rất vừa khó chịu lại vừa dễ chịu.
- Tôi thật không hiểu.
- Có gì mà không hiểu. Nãy giờ cô đã ăn hết viên kẹo nào chưa?
- Vừa nốt viên kẹo đầu đây thôi.
- Cô có nghe gì lạ không?
- Kẹo có nhưn, mà không phải là nhưn đặc, nhưn làm bằng rượu.
- Rượu cay phải không cô?
- Ừ.
- Nếu không có chất cay ấy, sau vị ngọt, cô sẽ ngấy ra vì kẹo chỉ là đường thôi, mà đường thì viên nào như viên nấy. Hưởng của ngọt xong, lưỡi cô bị tê tái vì vị cay, có thú không?
Cô thu ngân viên cười rất giòn mà rằng:
- Ông nói đúng lắm và hay quá! Vậy ĐƯỢC tình phụ là sướng hơn là loan phụng hòa minh bách niên giai lão?
- Hình như thế.
- Và ông hiện đang hòa mình với một con chim loan, nên đâm ngấy ra và cô đơn.
- À, không phải vậy. Tôi chưa hề có con chim loan nào cả, mà cũng chưa hề bị ai phụ.
- Tôi không tin rằng ông chưa hề yêu ai. Nhưng ông cần gì cái vặt ấy, ông ăn nói ngộ nghĩnh là đủ rồi.
Đêm nào Định cũng cà rà trước quầy thâu tiền và cũng có vài câu ngồ ngộ khiến cho người đẹp cười giòn lên những chuỗi cười chơn thật, nhưng chàng ngạc nhiên lắm mà thấy sau những chuỗi cười ấy, người đẹp có vẻ lo xa, và một niềm sầu muộn gì không rõ cứ chực chờ để xâm chiếm lấy gương mặt tươi trẻ và ngày thường hẳn phải rất yêu đời của nàng.
Có những lúc người đẹp nhìn sững chàng bằng đôi mắt đi vắng, nhìn mà có vẻ không thấy, và chàng định bụng rằng người đẹp đang đau tương tư vì bị bồ cho ra rìa.
° ° °
Một tuần lễ sau đó, Định đã nhảy được, và đêm đầu mà chàng ra sân, người đẹp hết cả hồn vía, thấy kế hoạch của nàng sụp đổ cả rồi.
Trong khi nàng ngồi đó mà thẫn thờ rất lâu, thì Định đóng kịch si người vũ nữ đầu nhảy với chàng.
Dân chơi người mình mắc phải cái bịnh nầy là thích xưng tên tuổi, chức tước với các em lắm, để le chăng, nên chi các em là một thứ thông tấn xã rất thạo tin mà Định quyết định khai thác họ cho tới giọt "biết" cuối cùng của họ.
Với em ca-ve, chàng khỏi phải trổ tài như với cô thu ngân viên, vì em có phận sự làm vui lòng chàng, nên chẳng mấy hồi, chàng biết được ba sĩ quan cao cấp, một ông tổng giám đốc, một chuyên viên cao cấp, một thầy ký, hai ông chủ báo, một nhà văn nghệ, một ký giả.
Thật ra, thì người vũ nữ đã cho chàng biết căn cước cả khối người, nhưng chàng quên hết, chỉ nhớ có bấy nhiêu đó thôi, nhứt là nhớ cái thầy ký ấy mà chàng đoán rằng tinh thần thượng cấp của chàng là muốn theo dõi những người như vậy, lương năm bảy ngàn mà dám đóng đô nơi các hộp đêm thì tức họ là con hạm thứ bự.
Giờ thì Định đã hết cần người đẹp rồi, nhưng chàng là con người khá tấm lòng, ăn ở đoản hậu quá, chàng chịu không được, mà chàng lại cứ tưởng rằng người đẹp si chàng, nên chỉ vì thương xót, một lát sau đó, chàng trở lại cái quầy cứu tinh của chàng trong những đêm đầu bơ vơ.
Người đẹp đóng kịch ghen, gay gắt hỏi:
- Anh đã tìm thêm được một "tâm hồn bạn" nữa rồi đó hả?
Lần đầu tiên, nàng gọi chàng bằng "anh". Chàng cười hề hề đáp:
- Thì cũng nhảy bậy vài bản cho đỡ cuồng chơn cuồng cẳng vậy mà!
Thái độ của Định đêm nay, thoạt biết thì có vẻ vô lý lắm nhưng thật ra, chàng đã trót lại đây vì thương xót, thì chàng phải tiếp tục đóng kịch là rất hữu lý vậy. Mà chàng còn đóng xuất thần hơn trước, để xí xóa mọi việc.
Chàng nghĩ rằng mai mốt, người đẹp đã quen chịu đựng rồi thì chàng có lờ luôn cũng không sao cả, chớ đêm nay nàng đang bị rối loạn tâm tư thì nên từ thiện để cho nàng đỡ khổ.
Người đẹp lại thủ vai đau khổ, không xụ mặt như một người vợ, một cô tình nhơn vụng về rồi làm khó chịu người đàn ông. Nàng ta chau mày, cắn môi rồi rưng rưng lệ dài, tài tình thế nào mà Định gần gần tin là cô ta đã yêu chàng thật sự. Thế nên chàng lấy giọng vỗ về mà nói:
- Cô Liên ơi, xin cô biết cho. Tôi cứ ngỡ tôi còn rảnh rang nên có quyền vui, không dè, trong tinh thần của người kia, tôi là kẻ có bổn phận trung thành. Nhưng giờ đã hết điều ấy rồi, tôi nguyện sẽ không làm buồn người đó nữa đâu.
Định giả dối vì nghe tội nghiệp ai kia ngỡ rồi chẳng có gì lôi thôi, nào ngờ chàng bị dính ngay, y như một con chim đậu phải cây que quện mủ mít của bọn đánh bẫy mủ, vừa đặt chơn xuống là rút lên không được nữa.
Người đẹp đã bắt mạch được "cậu em" nầy rồi. Cậu ta vỡ mộng, nhưng cậu ta là người đa cảm, biết điều, tốt bụng, thích làm quân tử Tàu, mà nếu không thích, cậu ta cũng đã trót làm anh hùng rơm rồi thì không thể thoát ra khỏi cái bẫy mà nàng đặt.
Bài toán bể đầu của nàng đã đến lúc phải được giải lý hỏa tốc, mà anh con trai nầy vừa lọt vào rọ thì phải chụp ngay lấy hắn, nếu không hắn sẽ vùng vẫy để cố thoát và có thể thoát được thì nguy quá.
Nàng không mong đợi một vị cứu tinh nào cả, nhưng khi khổng, khi không, hắn lại nhào vô để nạp mạng, và ràng đã chụp được đầu con lươn rồi, phải mần thịt nó ngay, bởi lươn hay vuột lắm.
Thế nên người đẹp quẹt nước mắt cá sấu rồi nghẹn ngào nói:
- Làm thế rào mà em còn tin anh được?
- Tôi xin thề.
- Khỏi, đời bây giờ ông bà không bẻ cổ, không vặn họng ai nữa hết mà thề cho mất công. Em chỉ cần một bằng chứng nho nhỏ thôi.
- Rất sẵn lòng, vậy cô thích loại bằng chứng nào?
- Anh đã bảo rằng anh chưa vợ, vậy anh có dám mời em về nhà một lần hay không?
- À, ngỡ gì chớ chuyện đó thì không có gì dễ dàng bằng, và đó là một vinh hạnh cho tôi.
Định đã nhận được của quỹ đen một số tiền khá to, tiền đi ăn chơi mỗi đêm, nhưng chàng lại lấy đó mà mua sắm y phục và đồ đạc trong nhà, nhà chàng bây giờ đã khá tư cách, khỏi phải xấu hổ mà tiếp một người có phong độ như cô Liên nầy.
Chàng thấy rằng mình đã bị dính một cách miễn cưỡng, nhưng không sợ. Nàng đẹp, và qua đường với nàng một thời gian cũng đỡ buồn. Nàng sẽ không bám níu vào chàng đâu mà lo, vì chàng không xu.
Còn nếu như nàng yêu thật tình, quyết tính chuyện lâu dài với chàng đi nữa, cũng chẳng sao. Căn nhà ấy chàng thuê chớ không phải mua, bất quá chàng quất ngựa chuối là thoát.
Hai tháng sau, chàng sẽ sang công tác ở các hộp đêm khác rồi, mà nàng là thu ngân viên chớ có phải là ca-ve đâu mà đổi chỗ làm dễ dàng để theo truy nã chàng ở các nơi khác.
Người đẹp đổi buồn làm vui, và chính nàng gọi cho chàng một ly rượu, rồi nói:
- Mời anh ly rượu nầy, để nhớ ngày hạnh ngộ đêm ấy và để liên hoan trước cái ngày mà ta sẽ quen thân nhau. À, hôm nào em đến thăm anh được? Phải ban ngày đa nghen vì ban đêm em bận ở đây. Nhưng em thích đến anh ngày mai nầy, để anh không kịp sắp đặt cho bà xã về quê.
Định cười ha hả mà rằng:
- Năm giờ khuya tôi sẽ cho nái xề của tôi về vườn với tám đứa con của tôi, để chúng nó thăm ngoại của chúng nó. À, ngày mai chắc cô phải ngủ suốt buổi sáng. Vậy cứ đến vào buổi xế, kể từ ba giờ rưỡi trưa, giờ ấy tôi đã ngủ trưa dậy rồi, đã tắm xong rồi.
- Ô kê.
° ° °
Người đẹp đi xét nhà của Định từ trước tới sau mới chịu tin rằng Định độc thân, mà hiện cũng chẳng có nhơn tình. Một người đàn bà, nếu có, đã để dấu vết lại đây, không sao che giấu được trước một cặp mắt giỏi quan sát, mà Liên thì không tìm thấy lấy một sợi tóc nữa.
Họ trở ra buồng tiếp khách trước nhà để nói chuyện. Người đẹp quả nhiên đã khá cao niên rồi. Giờ ngắm nàng trong ánh sáng ban ngày, Định thấy những nhăn tiên phuông mà sự khéo tay hóa trang đã che đậy được ngay cả giữa ban ngày nữa, đối với những kẻ chưa có dịp nhìn nàng nhiều lần như chàng, tức là còn bị chóa mắt vì những đường nét khéo tạc vô song nơi nàng.
Đây là một nhan sắc xưa kia vô địch, nay tuy chưa hẳn về chiều chớ cũng đã xế bóng rồi, nhưng nhờ vô địch nên nó còn giữ được phần nào cái lộng lẫy mong manh của nó.
Người đẹp từ lúc vào nhà đến giờ luôn luôn cố vui tươi, nhưng Định tế nhận được rằng nàng đang lo lắng nhiều lắm.
Chàng rất kinh ngạc mà bị tấn công một cách chớp nhoáng quá sức tưởng tượng, chưa hề nghe ai kể một trường hợp như thế bao giờ.
- Anh Định nè, em tưởng ta nên sòng phẳng với nhau là hơn, nàng nói như vậy.
- Tôi cũng nghĩ như cô.
- Em xin hỏi anh điều nầy. Anh có thật tình yêu em hay không?
Thật là không thể tưởng được, không phải là sự thay bậc đổi ngôi, nữ lại chinh phục nam, mà lại chinh phục trắng trợn quá, nhưng không tưởng tượng được là tánh cách vô lý của câu hỏi.
Nào chàng có tỏ tình với Liên lần nào đâu mà nàng hỏi như vậy? Cái lời hứa "trung thành" đêm rồi trong vũ trường, nàng có phải là con gái ngây thơ đâu mà không biết rằng đó là lời hứa ăn trợt của một anh con trai, anh ấy chưa bị ràng buộc vì cái gì cả.
Mãi lâu lắm về sau, Định mới hiểu rằng cái điểm vô lý nầy thật ra không vô lý chút nào hết. Liên đang quýnh lên rồi, vì một bài toán bể đầu, nên chụp đại câu hứa mà nàng dư biết là hứa bướng, để cột chàng luôn.
Sau mấy giây sửng sốt, Định suýt bật cười vì ngỡ người đẹp si chàng lắm rồi, nhưng vì lịch sự, chàng cố cầm giữ lại, chỉ mỉm cười và nói láo:
- Còn phải hỏi!
Thật ra thì cho đến cả muốn hưởng Liên một lần vì xác thịt, chàng cũng không thèm khát cho lắm, mặc dầu Liên quả thật rất đẹp. Nếu tự nhiên mà Liên cho, thì chàng cứ nhận, nhưng không thích bỏ công ra chinh phục nàng đâu. Chàng thấy không có gì mạo hiểm trong trò đùa nầy thì cứ đùa, nhưng nghiêm trang, phiền phức, tốn công thì xin tha vậy.
- Như vậy, anh có thể hy sinh chút ít vì em được chăng?
Định bắt đầu lo và tự bảo: "Chắc cô ả xin tiền. Nhưng còn lâu nghen chị hai! Con gái mười tám chắc sẽ thành công, chớ chị hai thì già quá; chị hai cho không tôi hoan nghinh, còn cái chuyện tài chánh thì xin hẹn kiếp sau".
Rồi chàng nói lớn lên:
- Cái đó cũng còn tùy.
- Tùy gì?
- Tùy khả năng của cái bóp phơi của tôi.
- Anh lầm to rồi, anh tưởng em là hạng người gì mà anh lại ngộ nhận? Không, không hề có chuyện tiền bạc.
- Vậy sao gọi hy sinh?
- Anh nầy lạ! Không có thể hy sinh cái khác được sao? Tình cảm chẳng hạn.
- Hiện nay tôi đang không yêu ai cả, và khỏi phải bỏ rơi ai cả, nếu cô mà có muốn tôi hy sinh tình cảm đi nữa.
- Cũng không hề có chuyện ấy. Em chỉ nói thí dụ vậy thôi. À, cửa trước của anh có mấy chìa khóa?
- Hai.
- Ấy đó, anh có thể hy sinh đi một, để em kiểm soát xem có quả thật anh đang không có nhơn tình hay chăng.
Định cười ha hả, rồi lấy ngay xâu chìa khóa cửa, chiết ra một cái, trao cho Liên rồi nói:
- Cô cứ kiểm soát.
Chàng buồn cười quá. Té ra người đẹp si chàng lắm rồi.
Liên nắm được chìa khóa, bỏ ngay vào xắc và nói:
- Chưa hết đâu.
- Tôi sẵn sàng hy sinh thêm nữa.
Định cứ ngỡ rằng Liên chỉ đòi hỏi những chuyện trẻ con như thế thôi.
Nhưng bỗng nàng nghiêm sắc mặt lại, tạo ra một không khí nghiêm trọng vô cùng rồi nói:
- Em sẽ hiến dâng tất cả cho anh, cả linh hồn em nữa, em sẽ làm nô lệ cho anh, khi công việc xong đâu đó cả. Mà anh đừng tưởng rằng như thế là không có gì đáng kể đối với em đâu. Anh cứ điều tra tỉ mỉ về em và sẽ biết hạnh kiểm của em. Một người có tác phong đứng đắn như em mà hứa với anh như vậy, có khác xa một cô gái dễ dãi nào, hoặc một người đang đói. Không, em không giàu, nhưng không đói.
Định đã bắt đầu lo. Đối với chàng, trò tình ái chỉ là trò đùa. Chàng chưa bao giờ yêu chơn thật, và rất sợ bị lôi kéo vào những rắc rối tình cảm phiền phức. Người đàn bà nầy chưa hề đánh sét lên đầu chàng, nàng đẹp thì qua đường với nhau cũng thú vị, chí như nàng long trọng hóa trong câu chuyện như thế nầy thì thật lôi thôi.
Nên chàng chỉ làm thinh, không dám nói gì nữa sợ bị nàng cột chặt thêm.
Cô thu ngân của vũ trường Eldorado lại nói:
- Em lại cần thú thật với anh là em chưa yêu anh.
À, điều nầy kỳ lạ lắm. Chàng cứ ngỡ là nàng mê chàng chết đi, mê như điếu đổ chớ không phải vừa đâu.
Nàng lại tiếp:
- Từng tuổi em, hẳn em không phải nhắm mắt mà yêu bừa như gái tơ đâu. Nhưng em sẽ nguyện yêu anh với tất cả tấm lòng em. Những điều nầy em nói ra với mục đích cho anh thấy rõ là sự hiến dâng của em đáng kể lắm vì có cân nhắc để bù lại sự hy sinh của anh. Em là người sòng phẳng.
Định đã bắt đầu nhức đầu. Chàng không thích nghe phụ nữ triết lý hay nói chuyện đời. Nếu họ không chọc chàng cười được thì họ nên nói cái gì cho nhõng nhẽo, chàng sẽ được thoải mái.
Nhưng vì lịch sự và hơi sợ con người nầy, chàng đành nhẫn nại chịu đựng.
Hơi sợ?
Vâng. Kể từ lúc mà Liên nghiêm nét mặt để long trọng nói lên những điều làm chàng nhức đầu. Định bắt buộc phải ngắm nàng với một con mắt khác hơn là con mắt một chàng trai tán gái.
Và chàng thấy rằng đó là một người có phong thái nhã lịch lắm, cái oai phong như một mệnh phụ phu nhơn. Không, con người nầy không phải là một người tầm thường đâu, mặc dầu hành động của nàng hôm nay thiếu tư cách đứng đắn, có lẽ vì một lý do đặc biệt nào đó thôi.
- Anh nghĩ thế nào? Người đẹp hỏi.
Chàng bối rối, ấp úng hỏi:
- Ơ... hơ... tôi rất cảm động.
- Đây, em bắt đầu van xin cầu khẩn anh đây. Anh sẽ thấy lời hứa làm nô lệ của em, không phải nói ra cho văn vẻ đâu. Em cần anh thật sự, và nếu phải lạy anh, em cũng lạy ngay bây giờ nữa. Em đang lâm vào một ngõ bí không lối ra, thì may mắn lại gặp anh. Em vốn không định thờ anh, nhưng thấy tình cảm của anh đối với em, em mới nghĩ ra một sự đổi chác sòng phẳng, là xin anh một hy sinh nhỏ, nhỏ đối với anh, nhưng nó lại cứu em được. Để bù lại, em sẽ dâng cả linh hồn em cho anh.
Nói ra thì xấu hổ lắm anh ơi, nhưng thế nào cũng phải chịu xấu với một người, và xin anh chớ cười chê em tội nghiệp.
Số là em có một đứa em gái, nhà chỉ có hai chị em thôi nó mới 17 tuổi.
Mặc dầu chưa đoán được điều gì, Định cũng thoáng thấy một câu chuyện ly kỳ, nên sốt ruột lắm, muốn nghe tới.
Chàng hỏi:
- Hình như là cô góa bụa.
- Dạ, đúng như vậy. Nếu chồng em còn, em đâu có phải bể đầu với cái bài toán nan giải nầy, bởi có vợ, có chồng, giúp đỡ lẫn nhau, thì cái gì cũng có thể giải quyết dễ dàng hơn là một mình.
- Nếu cô không gặp tôi thì sao? Tôi xem hình như cô đang cuồng lên, tức chuyện rủi ro đó cần được giải quyết cấp bách lắm. Đó là một vấn đề tùy ngày, tùy giờ, chớ không tùy thuộc tháng hay năm, có phải thế không cô?
- Vâng, đúng như vậy. Nếu không gặp anh à? Thì em bảo là em đang bể đầu đây, và nếu không gặp anh, có thể tai họa lớn sẽ xảy ra.
- Dữ vậy lận?
- Ừ, em nó có thể đi đến quyên sinh.
Định đã hơi đoán hiểu, nhưng chưa dám chắc rằng mình đoán đúng. Có thể cô bé ấy bị ép duyên mà cô ta chống cự lại, gia đình cô định nhờ chàng thuyết phục cũng nên, hoặc cô bị cậu cao bồi nào đòi bắt xác, họ muốn nhờ chàng trị cậu du đãng ấy chăng?
Liên đã bảo là chàng khỏi phải hy sinh tiền bạc đó hay sao? Mà khỏi phải hy sinh tiền bạc, thì có thể chỉ là làm những trò như vậy.
- Tôi đã sốt ruột lắm rồi, xin cô kể nốt.
- Nói ra thật xấu hổ...
Liên lại lặp lại câu nói khi nãy mà Định không chú ý tới bao nhiêu, giờ thì chàng mới nhận ra là then chốt ở đó. Nhưng chuyện gì kìa, thật là đoán không ra.
-... Không nói giấu gì anh, em nó đã lỡ dại, và đã rủi ro mang thai được ba tháng rưỡi rồi.
"Hà, thì ra chỉ có thế" Định nghĩ như vậy và nghe nhẹ nhõm cả người.
Chuyện đời thật là buồn cười một cách quái ác. Một việc đã làm cho điêu đứng một gia đình, làm cho cô bé gái tính chuyện quyên sinh, thế mà phản ứng của một người ngoại cuộc là như thế đó.
Định nghe nhẹ lắm là vì cái họa của gia đình Liên, chàng không thấy rằng chàng có thể hy sinh để giúp đỡ họ ở chỗ nào cả, thì không sợ Liên đòi hỏi, cậy mượn gì khó khăn cho lắm đâu.
Nếu Liên đã chẳng đề nghị hiến dâng cả thể xác lẫn linh hồn cho chàng, có lẽ chàng đã đoán rằng cô thu ngân viên nầy định nhờ chàng nôm cô bé có chửa hoang. Nhưng cái lối đền ơn của Liên, không phù hợp với một giải pháp như vậy, vì nếu thế là loạn luân rồi, mà Liên thì xem ra không phải là con người ca-líp bất kể đạo đức.
- Chắc anh cũng thấy ngay rằng em chỉ có hai lối ra, một là giấu nó đâu đó để nó đợi ngày khai hoa nở nhụy, hai là giúp nó phá thai.
- Ý chết, sao cô lại nghĩ đến cái giải pháp ghê gớm đó? Ở tù chết.
- Làm gì mà ở tù?
- Nếu rủi ro...
- Xuya lắm, người ta mới dám làm chớ.
- Không sợ tội với đất trời à?
- Thật ra thì cũng sợ, nhưng chỉ tương đối thôi. Cái gì cũng tùy hoàn cảnh anh à. Nhựt Bổn, Trung Hoa, Ấn Độ họ không sợ mang tội sao? Nhưng họ lại chánh thức cho phép phá thai, thì sao?
- Họ mắc họa nhơn mãn.
- Còn gia đình em thì mắc họa khác. Nếu em giấu nó suốt 6, 7 tháng để đợi ngày sanh nở, em sẽ biết tìm cớ gì để giải thích sự đi vắng của nó, với bà con bạn hữu của em.
- Thì cô cứ nói sự thật rủi ro ấy cho họ rõ.
- Như vậy còn chết nữa. Chính em nuôi nó vì không còn cha mẹ mà nuôi tức phải dạy dỗ. Giờ họ thấy nó hư thân mất nết họ qui tội cho em thì chết.
- Nhưng sao không bắt cái thằng tác giả của bào thai cưới nó?
- Làm sao mà bắt được? Kiện à? Nếu kiện và thắng kiện cũng thiệt hại hơn là nín luôn, bởi tòa án không bắt thằng ấy phải cưới nó. Cùng lắm là bắt hắn bồi thường và cấp dưỡng tiền bạc mà thôi.
Nhưng gia đình em có cần tiền lắm đâu mà chỉ cần nó làm lại cuộc đời dễ dàng. Kiện xong và thắng kiện, nó sẽ có tiền, nhưng đồng thời cũng có một cục nợ trên tay không làm sao lấy chồng được, trong khi đó báo chí lại làm rùm lên đăng ảnh nó, tùm lum xấu hổ quá.
Vả lại, phải đợi nó đẻ xong mới kiện được, vì chừng ấy tòa án mới có thể nhờ pháp y truy tầm phụ hệ, còn bây giờ kẻ bị kiện mà chối thì ăn trợt, mà như thế còn lâu quá và chuyện xấu đã xảy ra rồi là cái bụng thè lè của nó không sao che được nữa nay mai đây.
Vả lại, nhứt định không chịu cung khai ai là tác giả của cái bào thai của nó thì biết làm sao?
- Sao nó lại tùng đảng với kẻ ấy một cách dại dột như vậy?
- Em cũng chẳng biết sao nữa.
- Sao cô không la mắng nó, bắt nó phải khai?
- Trời, nước đã tới trôn rồi còn ở đó mà mắng nó. Với lại nó cứ nay đòi tự tử, mai đòi quyên sinh chỉ vì cái thai không mà thôi, hành hạ tinh thần nó thêm, nó còn chết lẹ hơn nữa.
Định chỉ biết thở dài, và Liên nói tiếp:
- Anh thấy hay không là em chỉ còn nước chọn giải pháp thứ nhì?
Định lại thở dài. Chàng không phải là nhà đạo đức, mặc dầu vậy chàng cũng rất ghê tởm trước chuyện liều lĩnh tội lỗi đó.
Chàng hỏi:
- Bác sĩ nào?
- Em không biết bác sĩ nào mà nhận làm. Vả lại, em cũng không đủ tiền mời bác sĩ. Họ mách cho một bà mụ trong Bình Đông, bà ấy giỏi, đã thành công trong rất nhiều "ca" rồi.
- Nguy hiểm!
- Thuốc gia truyền của bà ấy hay lắm!
- Khó tin.
- Chỉ phiền là cái chỗ nằm. Bà ấy không chịu làm tại nhà bả, mà nhà em lại không tiện vì khách khứa, bà con tới lui nườm nượp, lại còn kẻ ăn người ở nữa. Em lại không đủ mướn thêm căn nhà.
Định hết cả hồn vía, chàng chợt hiểu cả. Chàng đang tìm cách từ chối khéo thì Liên tiếp:
- Ấy, sự hy sinh mà em xin anh là đó. Anh có thấy hay không là anh không tốn tiền tốn bạc gì cả. Anh chỉ cần cho mượn nhà trong sáu tiếng đồng hồ là xong hết.
- Thật ra thì gì kia, tôi còn không tiếc với cô huống chi là căn nhà nầy mà tôi thường vắng mặt, phương chi cô chỉ mượn có sáu tiếng đồng hồ mà thôi.
Nhưng tôi đã không đồng ý với cô về giải pháp ấy, thì không lẽ tôi tùng đảng với cô.
- Xin anh thương xót mà đừng dùng tiếng tùng đảng. Người ta chỉ tùng đảng với một tội ác, mà chuyện nầy, có phải là tội ác hay không, đều tùy quan niệm, tùy hoàn cảnh cả, như em đã trình bày khi nãy.
Thình lình, có hai người khách lạ bước vào nhà mà không gõ cửa.
Dẫn đầu là một bà già trạc ngoại ngũ tuần, gương mặt rất có vẻ đâm heo thuốc chó lắm.
Theo sau vị nữ hung thần ấy là một cô gái, mặc đầm, gương mặt bơ phờ của cô ấy nhăn nhó như là cô ta đau đớn vì một vết thương nào. Liên đứng lên ngay và nói:
- Em nó đã tới và nó đã uống thuốc rồi. Nếu anh mà từ chối thì chết cả nhà em.
Định rụng rời. Bọn nầy âm mưu liều mạng và quyết nằm vạ nơi nhà chàng đây. Chàng nghiêm sắc mặt, nhìn Liên, toan cự nàng thì bỗng nghe một tiếng nấc.
Chàng quay lại thì bắt gặp đôi mắt của con bé, nó chắc đã hiểu cái gì, và hoảng sợ, nó van lơn cầu khẩn chàng một cách im lặng, cầu khẩn, nhưng không hạ mình thái quá, vì nó vẫn còn phong thái kiêu hãnh của một đứa bé cứng đầu.
Nó năn nỉ xin xỏ, nhưng chắc chắn nó không chịu lạy như chị nó đâu. Chính vì điểm ấy mà chàng do dự. Chàng thuộc hạng người chỉ biết thương xót kẻ nào còn biết tự trọng đôi chút mà thôi.
Định chau mày, cắn môi, suy nghĩ rất nhiều, rồi hai phút sau, chàng lặng lẽ nhìn con bé và bà già đâm heo thuốc chó, rồi chỉ tay vào buồng.
- Vạn tạ ơn anh!
Liên nói rồi mở xắc tay ra, lấy chìa khóa khi nãy mà trao lại cho Định.
Định cười gay gắt rồi hỏi:
- Té ra cô gạt tôi, lấy chiếc chìa khóa nầy để có thể vào nằm vạ ở đây, nếu tôi cương quyết từ chối, chớ không phải để kiểm soát cái khỉ khô gì hết ráo? Ha...ha...ha...Tôi còn non quá! Nhưng đây là một bài học hay cho tôi.
- Xin anh tha tội cho em và bỏ qua tất cả, giờ mà anh đã ban ơn bố đức rồi.
Thưa anh, giờ đã bốn giờ rưỡi, lối mười giờ rưỡi là xong hết, và nó sẽ tự lực ra về một mình vì giờ đó em làm việc, còn bây giờ thì nó đã có bà mụ. Em ở đây, chỉ làm khổ cho anh mất công tiếp em mà thôi chớ chẳng ích gì, vậy em xin phép anh em về, và một lần nữa xin vạn tạ ơn anh.
- Cô về! Ha... ha... ha... Thôi thì cô cứ về.
Cô bé đã bắt đầu rên xiết trong ấy, nhưng Định không hay. Chàng đang no nức giận và đang no nức ghét bà chị không thương em, đành bỏ con bé một mình mà đi về.
Giây lát sau, chàng mới nghe tiếng rên và mới trở về với thực tại.
Chàng chỉ hơi khó chịu vì tiếng rên ấy thôi, tuy nhiên chàng cũng quyết ra đi, để cho khuất mắt, với lại để lát nữa ăn cơm tối luôn thể.
Chàng không cho người trong buồng hay biết gì cả, cứ lặng lẽ rút êm.
Đêm nay Định không công tác. Chàng phải ở nhà để đóng cửa, sau khi con bé ra về. Chưa hề có vợ, chưa hề biết chuyện sinh nở của phụ nữ, chàng cứ tin theo Liên bằng lời rằng con bé sẽ ra đi hồi mười giờ rưỡi.
Như thế chắc hồi chín giờ rưỡi công việc đã xong và con bé phải nghỉ mệt trong một tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, bà mụ hẳn phải đi hồi chín giờ rưỡi.
Trong lúc con bé còn mệt nằm đó, không biết gì cả, thì không để cho cái mụ đâm heo thuốc chó ấy thấy rằng nhà không ai, lỡ mụ ta chọt chiếc ra-đi-ô chẳng hạn thì cũng phiền.
Thế nên ăn cơm rồi một lúc là chàng về nhà.
Chàng đẩy cánh cửa không khóa hồi đúng chín giờ và kinh sợ đến cực độ mà nghe tiếng rên la rất to và nhất là rất có vẻ thất vọng.
Cũng liền khi ấy, bà mụ từ trong buồng bước ra. Bà ta thấy chàng về thì hơi hoảng nhưng cố trấn tĩnh, và bình thản nói:
- Đã xong rồi cả. Thưa cậu tôi về.
- Đã xong thật à?
- Dạ.
- Sao nó lại kêu la, rên xiết?
- Dạ, tại hễ phá thì như vậy. Nhưng lát nữa là nó khỏe lại như thường.
Định không tin lắm, nên bước thử vào trong xem sao và chàng suýt ngất đi khi thấy cảnh tượng trước mắt: tấm ra trắng của chàng bị huyết nhuộm đỏ cả trọn phần dưới, từ mông con bé đổ xuống.
Con bé thì lõa lồ thân thể, da mặt trắng như tờ giấy bạch, đôi mắt trợn dọc lên, tiếng rên la đã dịu lại, không phải vì đỡ đau mà vì nó đã mòn hơi, kiệt lực rồi.
Chàng hốt hoảng hỏi to và hỏi thật nhanh:
- Sao, sao thế nầy?
Con bé thở rất mau, nhưng lại rất nhẹ, nói đứt khúc câu sau đây:
- Bà ấy làm không được... nên kiếm cớ... bỏ trốn đi... em sắp chết đến nơi.
Định cũng sắp chết đến nơi, vì tim chàng hình như ngưng đập rồi. Mồ hôi lạnh của chàng toát ra dầm dề trước cái viễn ảnh thoáng thấy: một xác chết trên giường chàng, đầy máu me.
Dầu sao, chàng cũng phải vào tù, không thể tránh khỏi, vào tù về tội tiếp tay phá thai, đó là nếu Liên chỉ trốn mất, không thưa kiện gì chàng, chớ nếu nàng trở mặt, cho rằng chàng là tác giả bào thai, rồi kiện đòi bồi thường nhơn mạng thì tội chàng còn nặng hơn không biết bao nhiêu.
Chính chàng cũng muốn kêu lên, không phải là kêu đau, mà kêu trời, than khóc cho tai họa giữa đàng của mình mà mình mang vào cổ một cách oan uổng, và kêu cầu cứu.
Vâng, trong lúc hoảng hốt, kinh sợ, con người dễ có khuynh hướng kêu cứu tầm ruồng như vậy, mặc dầu họ biết rằng không ai mà cứu họ được cả.
- Trời ơi, tôi chết! Ông ơi, ông chở tôi đi nhà thương ngay, không thì muộn mất.
Cô bé van nài như vậy, giọng thỏn mỏn thấy rõ là cô ta đã yếu lắm rồi, nhưng bản năng tự tồn còn giúp cô ta sáng suốt nghĩ ra phương thoát chết, nghĩ ra cái công việc cần thiết và cấp bách phải làm mà Định, vì hoảng quá, đâm ra mù mờ trí não không hề nghĩ tới.
Lời van xin của cô bé bỗng rọi vào trí chàng một tia sáng, và chàng không nói không rằng, nhìn sơ lại cô bé lần cuối rồi dông đi thật lẹ, khiến cô bé nầy cũng đâm ra tuyệt vọng ngỡ hắn là người thứ nhì bỏ trốn.
Cô ta nhắm mắt lại, nhẫn nại chịu số phận, cầm chắc rằng mình sẽ chết âm thầm nơi nầy, và cho tới xế mai, chị nàng mới hay biết, bởi chị ta tối nay bận làm việc cho tới khuya, rồi mệt nhọc chị về nhà luôn
- Vả lại, chị ấy cũng chẳng ghé đây làm gì, vì bà mụ đã bảo đảm là lối mười giờ rưỡi, nàng sẽ như thường và sẽ gọi xe về nhà được.
Về tới nhà không thấy em, chị ấy đinh ninh rằng nó còn mệt lắm và ân nhơn của chị ấy cho nó tạm nghỉ lại đó một thời gian ngắn, ít nhứt là đêm nay.
Rồi chị ấy ngủ mãi tới trưa mai mới thức dậy ăn cơm, ăn cơm xong, lại ngủ trưa liền, theo thói quen.
Xế đến chị ấy mới bắt đầu băn khoăn, đến đây để tìm thấy cái xác đã lạnh ngắt từ bao giờ rồi.
° ° °
Trong vụ nầy, có rất nhiều người muốn lạy ai đó, mà người cuối cùng là Định.
Chàng muốn lạy vị bác sĩ quen, bởi ông ấy nhứt định không đi. Ông ta không dại gì mà dính líu vào một vụ phá thai cho khổ thân.
Sở dĩ Định không chở cô bé đi nhà thương, vì chàng không biết nhà thương họ sẽ nhận con bịnh hay không, với lại sợ bị điều tra, lôi thôi lắm.
Chàng thề bán sống bán chết với vị bác sĩ quen ấy rằng cái thai đã ra xong, cô bé chỉ bị nhiễm chứng thôi, và thầy thuốc rất cần để trị bệnh cho cô ta, chớ không phải là để tiếp tục một vụ phá thai hỏng giữa chừng. Không biết vị bác sĩ ấy suy nghĩ thế nào mà rồi rốt cuộc ông ta nhận lời, đi soạn mọi thứ cần dùng rồi năm phút sau đó, ông ta tròng ngoài bộ bi-da-ma một chiếc áo choàng trắng, đoạn bảo Định lên xe ông để cùng đi với ông.
Định đã đỡ lo phần nào, nhưng vẫn chưa hết sợ vì khi nãy, giọng cô bé rất là mong manh như sợi chỉ nhuyễn sắp đứt và da mặt cô trắng dờ, thấy mà bắt sợ, thì có thể đã quá trễ rồi.
Dọc đường lại suýt xảy ra tai nạn. Không việc gì, nhưng người đi xe gắn máy, y có lỗi mà vì dốt luật đi đường nên y cứ lo đứng đó mà gây sự mãi.
Chẳng, tới một ngã tư kia, xe bác sĩ quẹo tay mặt, suýt đụng phải một xe gắn máy quẹo trái mà ôm sát cua.
Cái điểm hễ cua tay trái thì phải quẹo lơi, không bao giờ ôm sát cua hết, điểm ấy không cần học luật đi đường cũng biết được, nếu ta thông minh. Nhưng không lẽ hàng triệu người không có bằng lái xe đều kém thông minh? Vậy mà những người ấy không hề biết điều đó, đáng sợ nhứt là những người chuyên chở công cộng, như phu xích lô chẳng hạn.
Ông bác sĩ thắng xe lại kịp lúc nên không gây tai nạn.
Nhưng người cỡi xe gắn máy lại sân si hỏi:
- Anh có biết lái xe hay không?
Ông bác sĩ chỉ cười thôi. Nhưng người kia lại hỏi nữa:
- Đâu đưa bằng lái xe tôi xem coi.
Nổi xung thiên, ông bác sĩ hỏi lại:
- Anh là ai mà có quyền hỏi bằng lái xe của tôi?
- Để tôi thanh toán cho. Định nói.
Nhân phố vắng, Định toan xuống đánh cho thằng đó chết giấc, rồi chạy luôn là êm chuyện chớ cứ cãi qua cãi lại mãi thì con bịnh sẽ chết mất. Nhưng đoán được ý chàng khi thấy chàng vừa mở cửa xe, vừa nói câu đó, ông ấy vội lắm tay chàng lại, và có lẽ ông đã chợt nhớ đến thực tại nên ông ta cho xe vọt, bất kể lời mắng nhiếc của người đi xe gắn máy đuổi theo ông.
Câu chuyện ấy cũng làm họ mất gần năm phút, khiến Định nghe lòng chàng như lửa đốt.
Cũng may là lúc bấy giờ, đèn vàng đã bắt đầu chớp liên miên, chớ nếu còn đèn xanh, đèn đỏ thì chắc chàng hóa điên mất, sau hai ba lần kẹt đèn.
Không, chàng không lo sợ cho tính mạng của một cô gái không mảy may liên hệ tới chàng, mà chỉ sợ vào tù một cách lãng nhách mà thôi.
Hình như là tội giúp phá thai, và xúi phá thai, bị pháp luật trừng trị nặng lắm, không rõ là mấy năm tù, chỉ nghe ai cũng nói nặng lắm thôi, mà chàng thì có thể bị khép vào cả hai tội.
Lại còn cái tội dụ dỗ gái vị thành niên nữa, nếu Liên trở mặt để gỡ nhục đối với dư luận và đối với bà con nàng.
Ờ, nàng cứ khai là con bé trốn nhà theo trai mấy bữa rày, nàng chưa kịp cớ bót, thì họ sẽ tin nàng hơn là tin một anh con trai bá vơ, mà họ tìm thấy xác con bé trong nhà.
Chớp được một anh con trai đẹp mã và có vẻ có địa vị trong xã hội, bằng cớ là hắn có nhà cửa đàng hoàng, có tiền đi nhảy đầm thường xuyên mỗi đêm, lại độc thân nữa, chớp được một anh chàng như vậy để bắt hắn làm bung xung đỡ đạn, làm cái bia che lỡ lầm của em nàng, Liên hẳn sẽ không bỏ qua dịp tốt đâu, bởi qui tội cho chàng, dầu sao cũng ít xấu hơn là để thiên hạ đoán bậy, đoán bạ.
Vâng, họ sẽ lập nhiều giả thuyết động trời để cắt nghĩa tại sao cô gái nạn nhơn lại cố giấu giếm danh tánh tác giả của cái bào thai.
Có lẽ Liên là người không ác, nhưng những người không ác vẫn có thể đâm ác khi họ lăn vào thế bí, sống chết mặc ai, miễn họ đỡ xấu thì thôi.
Khi cả hai đẩy cửa bước vào nhà, thì Định mừng rỡ như vừa trúng số độc đắc vì chàng nghe tiếng rên hừ hừ, nho nhỏ vẫn còn. Bấy giờ chàng mới hoàn hồn lại phần nào, nhưng vẫn không dám mong rằng vị bác sĩ nầy sẽ cứu được một con bé hấp hối.
Chàng không dám theo vị lương y vào trong và mệt lả người, chàng nằm dài trên đi văng, bịt tai lại y như con đà điểu trong sa mạc chúi đầu vào cát để khỏi thấy cơn nguy tiến đến.
Rồi chàng ngủ quên luôn.
Khi bị đánh thức dậy, Định càng hoảng hơn, vì chàng đang ngủ say, nhớ mang máng mình đang mắc họa, nhưng quên phức là họa gì.
Thấy chiếc áo choàng trắng của bác sĩ, chàng ý thức lại mọi việc và càng sợ hãi hơn nữa.
Chàng vụt ngồi dậy và hỏi lia:
- Sao, có hy vọng gì không bác sĩ?
Ông thầy thuốc cười ngất mà rằng:
- Câu ấy, đáng lý gì anh hỏi bốn tiếng đồng hồ trước đây, vì bây giờ đã là hai giờ sáng rồi. Anh thật là con người vô ưu. Không sợ ở tù hả?
- Trời ơi, té ra nó đã chết rồi?
Chàng tái mặt mà hỏi như vậy.
- Nếu nó chết tôi đâu có cười.
- Chớ thế nào bác sĩ?
- Anh đã gạt gẫm tôi, nhưng may quá lại đúng sự thật. Quả thật cái bào thai đã ra rồi, nhưng còn sót nhao nên cô ấy bị băng huyết dữ. Người giúp phá thai có lẽ là một bà mụ vườn dốt nát, chỉ có trong tay thuốc gia truyền mà không biết gì khác hơn nên bà ta hoảng hốt, bỏ trốn, có phải thế không?
- Bác sĩ thật tiên tri.
- Không có gì mà khó đoán. Tôi đã nạo nhao ra hết cả rồi, đã sang máu, tiêm nước biển cho cô ấy, và cô ấy đã khỏe.
- Trời, thật là bác sĩ đẻ tôi một lần nữa.
- Nghe đây, đừng nói nhiều vô ích. Anh nên coi chừng cô ấy, nếu cô ấy trở mệt hay gì gì thì anh gọi tôi ngay. Nhưng chắc không có gì.
- Sáng nay tôi sẽ trở lại thăm hồi mười một giờ.
- Rồi sao nữa bác sĩ?
- Rồi thì cứ ăn uống và tiêm thuốc bổ một tuần lễ là cô ấy sẽ như thường. Anh dại dột lắm đa nghen. Vào tù như chơi. Mà đừng tưởng là giờ anh có thể yên thân được đâu. Nếu tôi không nghĩ tình quen biết tôi "si-nha-lê" cái vụ nầy cho nhà chức trách, anh cũng chết như thường, mặc dầu cô ấy đã thoát nguy.
- Xin bác sĩ thương xót.
- Đáng lý gì tôi không thương xót một người làm xằng như anh. Anh phải có can đảm gánh lấy hậu quả của tình yêu chớ.
- Thưa, không phải là tôi, bác sĩ à!
- Thôi đi, đừng có chối, tôi đâu có phải là nhà chức trách đi điều tra anh. Mà khi anh bị điều tra, anh có chối cũng vô ích. Thôi tôi đi đây.
Định thừ người ra. Thì ra ông thầy thuốc nầy nghi cho chàng là tác giả của cái thai. Nhưng ai lại không nghi như vậy chớ?
Bây giờ sống thụt lùi lại trọn ngày nay, chàng mới nghe ghê sợ khi xem lại cuốn phim, trong đó ghi những bước mà chàng bước lần đến miệng hố sâu.
Thật là tai bay vạ gió.
Và bây giờ chàng mừng ghê lắm, mừng thoát đại rạn, nên dễ tha thứ hơn, hết oán người đẹp như chàng đã oán kể từ lúc bà mụ trốn đi tới giờ.
Chàng bước vào trong.
Con bé mắt nhắm thiêm thiếp, nhưng mặt nó đã đỏ hồng hào, có lẽ nhờ nước biển, và máu sang cho nó.
Tủ của chàng không có khóa và ông bác sĩ ấy chắc ổng gọi chàng mãi không được, nên ổng đã mở tủ lấy tấm ra mới thay cho tấm đã nhầy nhụa máu, tấm nầy được cuốn tròn lại vứt trên gạch nơi cửa ra nhà sau.
Chàng nhìn con bé, thì thấy rõ lại là nó không bé lắm đâu.
Mười bảy tuổi, vóc vạc nó không kém chị nó bao nhiêu, chỉ thua cô ấy ở bề ngang thôi. Gương mặt nó cũng khá già giặn đối với cái tuổi 17, và quả thật là một đứa con gái đẹp ít thấy.
Nó đang mặc "bi-da-ma" của chàng mà có lẽ ông bác sĩ đã thay cho nó, vì ông ta không thể để cho nó chịu lạnh trong sự lõa lồ mà mặc chiếc áo đầm của nó vào cho nó, ông ta làm không được.
Ăn mặc xúng xính, xung xình và kỳ dị như vậy mà nó vẫn đẹp không chỗ chê.
Phải mà! Nó thừa tự nhan sắc của một người đàn bà mà có lẽ năm mươi năm trước đã là hoa khôi Sài Gòn. Còn cha nó cũng đẹp trai lắm mới được mẹ nó.
Chàng đứng đó mà ngắm con bé, nghĩ lung tung về bước lỡ lầm của nó, tự hỏi không biết đó là bước đầu hay bước thứ mấy, và nó sẽ ra sao, về sau nầy.
Mối thắc mắc lớn nhứt của chàng là cái điểm nó không chịu tiết lộ cho chị nó biết, xem nhơn tình của nó là thằng nào. Một người anh em cô cậu chăng?
Định nghe đói ghê lắm, nên đi lấy rê-sô nấu nước hầu pha cà phê để ăn với bánh mì nướng. Giờ cũng đã ba giờ sáng rồi thì không còn ngủ nữa được, vả lại, chỗ đâu mà ngủ? Vậy ăn điểm tâm luôn cho xong, nhứt là để nhờ chất cà phê mà gượng gạo cho khỏi bơ phờ.
Bỗng chàng lỡ tay đánh rớt xoong nhôm xuống gạch kêu cái rổn, khiến chàng giựt nẩy mình, không phải vì yếu bóng vía, nhưng vì đã vô tình phá cho con bịnh mất nghỉ ngơi, chàng làm công việc nầy, tại buồn ngủ, chỉ nơi đó mới có cái "bơ-ri" điện độc nhứt trong nhà chàng.
Sợ hãi, đang ngồi chồm hổm dưới gạch, chàng len lén bước lên nhìn con bịnh thì thấy quả nhiên nàng giựt mình thức dậy.
Nàng nhìn cái trần lạ bằng đôi mắt ngạc nhiên giây lát rồi nhớ lại mọi việc, nàng quay sang để tìm cái nguồn của tiếng động và bốn mắt gặp nhau.
Định đứng lên, cười hỏi:
- Đã đỡ chưa, cô bé?
Nàng mỉm cười, chào chàng bằng một cái gật đầu, thật là thoáng nhẹ rồi nói, giọng còn yếu lắm:
- Cám ơn, em đã khỏe khoắn như thường.
- Cô bé đừng có nói láo làm gì. Nói rằng đỡ là đủ cho tôi mừng rồi.
Thôi ngủ lại đi, không có gì lạ đâu, tôi lỡ tay đánh rơi cái soong ấy mà!
Chàng toan ngồi trở xuống thì thoáng thấy thiếu nữ cố gắng để ngồi dậy. Chàng lại đứng lên, sảng giọng nói:
- Đừng có báo hại tôi nữa. Cứ nằm yên, không thôi tôi nổi giận lên bây giờ!
- Em muốn xin một tách cà phê và vì thấy...
- À, ngỡ gì: Cái đó thì sẵn lòng và rất an lòng vì nó là dấu hiệu cô đã thật đỡ.
- Và em muốn nói câu chuyện.
- Có cấp bách lắm không?
- Cũng tùy
- Lạ! Tùy gì?
- Đối với em thì rất cấp bách.
Định chắc lưỡi, bước lại giường rồi nói:
- Cô bé đừng có ráng nói to lắm. Cứ có bao nhiêu hơi, dùng bấy nhiêu. Tôi đã đến sát bên giường rồi, nói khẽ cũng được.
- Em thấy cần ổn định lối xưng hô.
- Vậy mà cấp bách à?
- Vâng, bởi đâu phải ra đó cho nó đẹp trong việc xử thế.
- Vậy cô bé muốn xưng hô thế nào?
- Xin ông đừng gọi em là cô bé nữa.
- Ô kê! Vậy còn gì nữa, người lớn?
- Xin ông thương xót mà đừng mỉa mai.
- À không, tôi chỉ đùa thôi.
- Em chịu trách nhiệm về lỡ lầm của em. Em không bị ai gạt gẫm gì hết, thì em không thể là một đứa bé.
- Đồng ý.
- Còn ông, thoạt tiên, em ngỡ ông là nhơn tình của chị em, nhưng em nghe lõm bõm được vài câu đối thoại nên em biết rằng không phải thế.
- Đúng như vậy.
- Nhưng em cũng không thích gọi ông bằng ông. Ông còn trẻ quá, lại là người đã trót biết một phần bí mật của đời em thì em gọi ông bằng anh vậy.
- Cũng được. Thôi thì em cứ nhắm mắt lại mà nghỉ để đợi nước sôi.
Mười lăm phút sau, Định cũng ngồi uống cà phê, ăn bánh mì nướng với Lan, Lan ngồi trên giường, chàng ngồi trên chiếc ghế để gần giường, giữa họ là một chiếc mâm thiếc tráng men nằm trên nệm.
Nhà có sữa hộp, nhưng Định chỉ làm cà phê đen, vì chàng thấy cả hai đều cần rất nhiều chất kích thích, chàng thì để khỏi buồn ngủ, Lan để tạm đỡ mệt.
- Hình như là chị "cua" anh.
Lan đột ngột hỏi như vậy, giữa bữa điểm tâm, khiến Định rụng rời, suýt đánh rơi miếng bánh mì nướng xuống mâm.
Chàng chưa già, đã bảo chàng mới có hăm sáu, tức chưa xa thế hệ 17 là bao, vậy mà chàng không dè nó trắng trợn đến thế. Hèn chi mà nó thú nhận rằng nó không bị ai gạt gẫm và nhận lấy trách nhiệm.
Nàng không nói "chị của em" nữa, mà lại nói "chị" gọn lỏn như là nói với một nhơn tình.
Người con trai già nầy đã lấy lại được bình tĩnh và đáp:
- Không, chính anh "cua" chị, nhưng vì mục đích khác, chớ không phải vì yêu, hay vì nhan sắc của chị.
- Thế à? Và chị ấy chụp dịp đó để giao gánh nặng cho anh?
- Đúng như vậy.
- Hình như chị ấy có hứa gì?
- Cũng đúng nữa. Nhưng anh không có đòi hỏi cô ấy hứa gì cả, mà cũng không nhận lời hứa của cô ấy. Té ra em đã nghe?
- Chỉ nghe lõm bõm lúc đau đớn, nhưng cũng hiểu được. Dầu sao em cũng không bao giờ quên ơn anh, và xin tạm biệt sau buổi điểm tâm nầy.
- À không, bác sĩ đã dặn...
Lan cười giòn lên mà rằng:
- Ông ấy làm sao mà biết được sức lực con bịnh hơn là chính con bịnh. Với lại, ổng chỉ làm thế vì lương tâm nghề nghiệp thôi. Miễn ổng có đến đây là đủ cho lương tâm ổng bình an, còn con bịnh có mặt hay đi vắng không quan trọng lắm. Em phải đi, vì hễ đi được thì không nên làm phiền anh nữa, mà em đã nghe rõ trong người em là đi được. Anh đừng cầm cọng mất công, cá tính em mạnh lắm, không thể xiêu lòng vì yếu bóng vía đâu.
- Thôi thì mặc kệ em vậy.
- Nhưng em sẽ trở lại thăm anh ngày nào đây. Em chỉ xin anh đón tắc-xi dùm em, để khỏi phải đứng đợi trên vỉa hè vào lúc tảng sáng, coi hơi kỳ thôi.
- Ô kê.
--------------------------------
1 Đã đăng báo TIN SỚM năm 1996.
2 Trước đó ở Âu châu có phong trào bài trừ phù thủy, xử rất nặng, thường thì cho họ lên giàn hỏa.
Lữ Đoàn Mông Đen Lữ Đoàn Mông Đen - Bình Nguyên Lộc Lữ Đoàn Mông Đen