Love In The Dark epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 1
usanna bước xuống cầu thang phía sau nhà, đi dọc theo hành lang tiến vào phòng khách chính, căn phòng này rất ít khi được sử dụng trong nhà. Đây là lối cho nàng vào phòng tiếp tân, bởi vì nếu đi bằng cầu thang phía trước, ông quản gia Hibbert sẽ lại thông báo tên nàng vang lên khắp nơi.
Nếu có điều gì đấy làm cho nàng ngượng nhất thì đó chính là khi bước vào phòng tiếp tân lúc mà tất cả bạn bè của mẹ nàng đang trò chuyện chung quanh bàn trà. Khi tên nàng được xướng lên thì tất cả đều yên lặng và mọi cặp mắt đều đổ dồn vào nàng. Nàng thừa biết dung mạo mình gây ấn tượng thế nào cho người đối diện: quá đẫy đà, dáng người không cân đối cho dù là diện áo mới đi chăng nữa, thiếu vòng eo nhỏ nhắn thanh lịch như của mẹ nàng, người mà sắc đẹp luôn được xưng tụng khắp mọi nơi bà đặt chân đến.
Phu nhân Lavenham là một mỹ nhân mà sắc đẹp khuynh thành của bà được truyền tục khắp nơi từ công viên cho đến báo giới khắp nơi. Điều mà người ta thật sự muốn nói đến là – bà là một trong những người phụ nữ xinh đẹp nhất trong vòng sinh hoạt của nhà vua, người đàn bà bị ghanh ghét nhất trong xã hội thượng lưu.
Susana biết mình là nỗi thống khổ mẹ nàng phải chịu đựng, khi cô con gái thứ nhì của bà lại quá tầm thường mờ nhạt. Nàng thường soi mình trong gương và tự hỏi sao mình lại có một nhan sắc như thế - khuôn mặt tròn, má thì xệ xuống trong khi mắt, mũi, miệng lại quá nhỏ.
Mái tóc thay vì mang màu vàng óng ả như của mẹ nàng hay màu hạt dẻ sẫm quyến rũ của ba thì chả có gì đặc biệt, là một sự kết hợp giữa màu tóc của ba và mẹ.
Mỗi lần soi gương xong thì nàng lại đi tìm chocolate, ăn lấy ăn để cho vị ngọt của kẹo xoa dịu tinh thần nàng bớt u uất.
Chị của nàng, May, thì hoàn toàn khác hẳn. Chị từng là một cô gái thanh tú xinh xắn trước khi rời trường nội trú, và đã trở thành một thiếu nữ đến tuổi cập kê.
“May cũng xinh đẹp như em thuở đầu anh mới gặp em.” Ba nàng thường hay nói vậy với mẹ, và duy chỉ có nàng là nhận ra lời khen tặng đó của ba đã khiến mẹ cau mày. Bà không thích bất cứ đối thủ xinh đẹp nào, cho dù người đó là con gái mình.
Nhưng có một điều rất đỗi hiển nhiên – khi liên quan đến Susana thì lại không hề nảy sinh sự cạnh tranh nào.
Giờ đây khi nàng băng ngang qua phòng khách chính và vào thư phòng nối liền với phòng tiếp tân, nàng thấy bóng mình phản chiếu trong những tấm gương khung mạ vàng và nhận thấy dáng dấp mình trông vừa thấp vừa cục mịch.
Những từ ngữ ấy đúng một cách chính xác!
“Hay đúng hơn,” nàng tự nhủ với đôi chút trào phúng, “là y như ổ bánh mì cottage!” (ổ bánh mì này có hai khoanh tròn chồng lên nhau, khoanh nhỏ ở trên khoanh lớn ở dưới)
Eo nàng được xiết chặt cố làm cho có vẻ nhỏ hơn, nhưng thân hình phía trên phía dưới vòng eo thì lại phình ra.
Cái áo nàng đang mặc bằng nhiễu màu ngà đính đường viền xếp nếp bằng lụa xung quanh gấu áo sẽ làm cho May giống như một nữ thần trẻ trung, nhưng khoác lên người Susana thì lại trông quê kệch.
“Đành chịu thôi, mình cũng chả còn cách nào!” Nàng tự bảo mình một cách ương bướng.
Nàng đột nhiên cảm thấy muốn ăn một chiếc bánh Merigue nhỏ và mấy cái bánh bông lan be bé bắt kem màu hồng mà nàng biết thế nào cũng có phần trong bữa tiệc trà cầu kỳ ở phòng tiếp tân, và thế là nàng nhanh chóng băng qua phòng đến chỗ cửa nối hai phòng.
Khi nàng nhẹ tay vặn núm cửa thì nghe tên mình được nhắc đến.
“Thế chị tính giới thiệu Susanna trong phòng tiếp tân nào đây?” có giọng ai đó đang hỏi.
“Ồ, phòng đầu tiên!” mẹ nàng đáp lại. “Thật là chán, nên lo xong càng sớm thì càng tốt cho tôi.”
“Sau đó thì chị có dự tính gì hả, Daisy?” một người khác lên tiếng hỏi.
Phu nhân Lavenham bật cười, giọng cười thanh tao mà những người ái mộ bà diễn tả nghe y như nhạc.
“Thì đương nhiên là đám cưới!” bà trả lời. “Và phải cho mau vào.”
“Chị nói hoàn toàn đúng,” người nói đầu tiên tán thành, giọng nói đó Susanna nhận ra là của phu nhân Walsingham. “Chị đã để ý ai cho nó chưa? Lại một quận công nữa hở?”
Một tràng cười khẽ bật lên đáp lại câu hỏi đó trước khi phu nhân Lavenham nói một cách mát mẻ:
“Thì tất nhiên rồi!”
Susanna nhận thấy ngón tay nàng đang cầm núm cửa chạm hoa văn chợt sững lại.
Phu nhân Walsingham hỏi:
“Vị quận công nào đây? Nói cho chúng tôi nghe đi Daisy, chị lưu ý đến ai hở?”
“Tôi hy vọng là các chị sẽ giúp tôi,” phu nhân Lavenham đáp lại, “tôi nói thật với các chị là trong lúc này chỉ có một người duy nhất là Southampton thôi!”
Có tiếng xuýt xoa nho nhỏ vang lên hầu như là tiếng suỵt khẽ khi phu nhân Lavenham cất tiếng, và rồi phu nhân Walsingham nói:
“Nhưng, Daisy thân mến của tôi ơi, Hugh Southampton chả có xu nào đi kèm với tên tuổi của ông ta cả!”
“Chính xác!” phu nhân Lavenham trả lời. “Thì đấy là lý do ông ta rất mừng rỡ khi cưới Susanna.”
Lại thêm một tiếng suỵt trước khi ai đó ướm lời:
“Chị đang bảo với chúng tôi là Susanna có tiền sao?”
“Dĩ nhiên là nó có tiền!” phu nhân Lavenham đáp lời. “Tôi nghĩ là các chị đã biết mẹ đỡ đầu của nó, người đàn bà chán không thể tưởng, đã để cho nó cả gia tài đấy.”
“Thú vị nhỉ! Tôi chả biết gì cả!” phu nhân Walsingham ngạc nhiên thốt lên, rồi các vị phu nhân khác quanh bàn trà cùng nhau kêu lên sửng sốt.
“Con bé Susanna tội nghiệp phải tận dụng đến từng xu một mới được,” phu nhân Lavenham tiếp tục. “Mình đều biết là Hugh Southampton cần một người vợ giàu kia mà, thế thì còn gì tiện lợi hơn nữa?”
“Thực vậy à?” ai đó thốt lên. “Thật chứ, Daisy, chị đúng là thiên tài nhé! Nhưng về mặt khác chị lúc nào cũng thế!”
Giọng nói đó có vẻ ganh tị, vì vị trí của phu nhân Lavenham trong xã hội thượng lưu chắc chắn đã tạo cho bà một số đối thủ gai góc.
“Thật không công bằng,” họ vẫn thường ca cẩm như thế, “rằng bà ta không những xinh đẹp và kết hôn với anh chàng Charles Lavenham khả ái, người được ngưỡng mộ trong giới thể thao, là một tay thiện xạ, mà bà ta còn là người tính tình thú vị đủ để quyến rũ trái tim của nhà vua và gả cô con gái đầu cho hầu tước xứ Fladbury, sau này sẽ là quận công Haven khi ba anh ta qua đời.”
Nhưng cô con gái thứ nhì của Daisy thân mến thì lại rất ư là mập và xấu đến độ sẽ làm sụp đổ nấc thang dẫn đến đỉnh cao chót vót trong xã hội của mẹ mình, cái vị trí mà không một ai có thể truất phế bà ta cả!
Nhưng giờ đây con vịt xấu xí đó lại là một nữ thừa kế nhân thì đúng là qúa đáng!
Hầu hết các vị phu nhân đều nghĩ thầm rằng quận công Southampton, nhân vật mà tòa nhà từ đường của anh ta sắp sụm đến nơi và lại còn mang công mắc nợ tứ phương tám hướng thì qúa hớn hở để bán tước vị của mình để đổi lấy cô vợ giàu có và là dân Anh nữa chứ.
Họ đều biết rõ mười mươi là chàng ta đã từng ngắm nghía vài cô nàng thừa kế nhân người Mỹ tuốt luốt bên kia bờ Đại Tây Dương đang hy vọng tóm được một người chồng hiển hách.
Chỉ có những cô gái thậm chí tương đối kha khá mới chuộng những vị quận công có thế lực hơn, hay nói đúng ra là các bà mẹ của họ thích những nhân tuyển này hơn.
Ai cũng hiểu ngầm là trong bộ luật bất thành văn lạ lùng của xã hội thời Edwardian rằng công việc của các đấng mẫu thân là gả con gái, ngay khi cô gái vừa rời khỏi trường lớp vào vị trí nào cao nhất trong xã hội mà họ với tới nổi. Còn các cô con có cảm tưởng như thế nào đi nữa thì cũng chả quan trọng.
Đứng nghe ngay cửa Susanna nhớ lại đã nghe May nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần.
“Chị không thể lấy hắn đâu, Susanna, chị không thể nào đâu! Chị ghét hắn lắm, khi hắn chạm vào chị là chị cảm thấy buồn nôn!”
Susanna vẫn nhớ hết đêm này đến đêm khác May khóc lóc rất thê thảm
Ngoại trừ nàng không một ai chịu nghe lời chị ấy. Còn Susanna lúc đó trang phục như phù dâu đã theo chị đến tận lối đi dẫn tới cung thánh của nhà thờ St. George trong quảng trường Hanover, và đã nghe chị đọc lời tuyên thệ hôn nhân bằng giọng yếu ớt, đầy nước mắt.
Ngay lần gặp đầu tiên nàng đã không thích ông anh rể. Dù khuôn mặt đỏ ửng do tiêu thụ qúa nhiều rượu claret, hắn vẫn được mọi người xưng tụng, kể cả ba nàng, như là một tay thể thao và thiện xạ hàng đầu, và không một ai tin nổi là May lại có những ý tưởng khác về người chồng hoặc là chị ấy thấy hầu tước rất ghê tởm.
Sau khi đi hưởng tuần trăng mật trở về, mặt mày May nhợt nhạt, ánh mắt đờ đẫn. Và đấy là đầu tiên trong đời chị không buồn trò chuyện với cô em mình. Kể từ đó Susanna tự nhủ nàng sẽ không bao giờ, nhất quyết không bao giờ để mình bị ép hôn với bất kỳ người đàn ông nào. Nhưng giờ đây khi nghe những gì họ vừa nói nàng biết điều đó sẽ không dễ dàng chút nào.
Phu nhân Lavenham thống trị chồng và con bà bằng ngọn roi sắt. Thực tế là bà không mấy hứng thú với con cái. Khi chúng còn nhỏ thì bà thấy chúng nhàm chán, khi lớn lên thì lại thấy vụng về, phiền hà.
Bà hài lòng là sau hai đứa con gái không mong muốn bà có thể mang một đứa con trai và là người thừa tự trình diện với chồng. Nhưng rồi, bà qủa quyết tuyên bố, thành viên gia đình tới đó là đã đủ.
Henry hiện giờ ở Eton, đứa bé đẹp trai giống ba y hệt và là cục cưng của mẹ. Vào những dịp lễ mẹ thường đưa nó đi dạo chung với bà trên phố Rotten Row. Đó là một đãi ngộ đặc biệt mà thỉnh thoảng bà ban cho May, nhưng không bao giờ xảy đến cho Susanna.
Nàng nhận thức rõ đấy chính là vì mẹ cho rằng nàng tầm thường xấu xí và bà không bao giờ chấp nhận bất kỳ điều gì không toàn hảo có liên hệ với bản thân bà. Điều đó có nghĩa là bà cảm thấy xấu hổ về đứa con gái thứ nên vì thế Susanna phải lánh mặt thậm chí còn tệ hại hơn cả May.
Con cái trong nhà đã được ấn định là không được lộ mặt, không được lên tiếng.
Khi họ còn nhỏ, vào năm giờ là được bảo mẫu đưa xuống dưới lầu vào phòng tiếp tân đúng nửa tiếng. Khách khứa của mẹ tỏ ra vồn vã với họ, rồi đám trẻ được ban cho một chiếc bánh quy ngọt. Xong rồi chúng phải ngồi yên trong góc cho đến khi bảo mẫu đến đón và đưa lên phòng trẻ trên lầu.
Đấy là một thử thách cam go đã khiến Susanna lúng túng ngượng nghịu thậm chí khi nàng còn rất nhỏ, nhưng lại là một niềm khuây khỏa không thể diễn tả khi nàng lớn lên xấu và mập. Mẹ nàng bảo rằng hai đứa con gái trong phòng tiếp tân thì nhiều qúa và May phải xuống lầu một mình.
“Thật là bất công,” May phản đối dữ dội khi bảo mẫu bắt nàng mặc bộ áo đẹp nhất, “rằng tôi phải xuống dưới lầu còn Susanna được ở lại trên đây.”
“Cô biết câu trả lời mà,” bảo mẫu đanh giọng đáp lại. “Cô hãy vâng lời và làm cho bà vui đi, bằng không cô sẽ phải hối tiếc đấy.”
“Tôi không hối tiếc gì hết! Mẹ không cần tôi, tôi còn mừng nữa là khác,” May phản bác, nhưng bất kể cô nói sao cũng bị bắt xuống dưới.
Susanna hoàn toàn thỏa mãn khi phải ở lại. Tình trạng cũng tương tự khi họ ở viên trang Lavenham trong Hampshire. Lúc ở miền quê họ cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều, được tự do thoát khỏi những ràng buộc không cách gì né tránh như ở London.
Họ có thể cưỡi những con ngựa nhỏ của mình, chơi trốn tìm trong các bụi dâu dại, hay hái trộm đào trong vườn bếp, và hầu như bỏ mặc những tiệc tùng lớn trong nhà mà mẹ tổ chức, ngoại trừ đôi lúc lén nhìn qua song balcony khi nhà vua tới.
Có lần có đến ba vị vua ở trong nhà họ cùng một lúc, và dù rằng người ta cảm thấy ngưỡng mộ vua Edward thì có tinh thần ái quốc, nhưng rõ ràng ai cũng thấy vua Tây Ban Nha Alfonso da ngăm, đẹp trai là người hấp dẫn nhất.
Dẫu ở tuốt trên lầu ba của chái nhà phía tây nhưng trẻ con vẫn nhận ra cả một sự chấn động khi vị khách mời kín đáo là nhà vua. Biết bao món sở thích của ngài được đặt mua cơ man là nhiều nào là cà tím, bánh quy gừng từ Biarritz, các loại muối tắm, và thuốc hút ống điếu.
Một căn phòng trong nhà được biến thành văn phòng bưu điện và điện tín riêng cho nhà vua. Rồi các đường dây thì được dẫn mười miles tới viên trang Lavenham. Đoàn tùy tùng của nhà vua bao gồm tùng sự, thư đồng, thư ký, mã phu và trong mùa săn còn có người hầu nạp đạn, ngựa và chó.
Cho dù có đến ba vị vua lưu lại trang viên Lavenham hay không, khi Susanna ngắm các vị khách của mẹ xuống dùng bữa tối nàng nghĩ lúc nào họ cũng xuất hiện như một đoàn diễn hành hoàng gia.
Mẹ nàng với vòng eo thon gọn và bờ vai choàng voan mỏng sẽ sáng chói với kim cương từ chiếc vương miện khổng lồ được đặt cẩn thận trên mái tóc gợn sóng cho đến khóa kim cương lóng lánh trên giầy dạ hội bằng satin.
Các vị phu nhân đi sau mẹ nàng thì qúa đỗi huy hoàng nếu không nói là đẹp lộng lẫy.
Điều hiển nhiên là mọi qúy ông ở lại với họ sẽ đem theo thư đồng, thế nên mọi qúy bà sẽ đem theo một nữ hầu bê một cái tráp da đựng nữ trang lớn có khắc hình mũ miện nhỏ của chủ nhân.
Khi vua Edward ngụ trong nhà họ, kim cương, vương miện, vòng cổ, trâm cài áo, hoa tai, và vòng tay dường như đóng khung mỗi một vị nữ khách trông gần giống bộ áo giáp của các hiệp sỹ thời trung cổ.
Mọi người trong nhà, thậm chí trong phòng trẻ đều biết rằng nhà vua muốn nhìn phụ nữ rực rỡ, và lời trách cứ gay gắt của ngài khi nữ quận công Malborough đã xuất hiện trong bữa tối đeo mỗi cái trâm cài tóc kim cương hình trăng khuyết đã được thiên hạ thuật lại không thiếu mảy may nào.
Susanna nhìn thấy May mang nữ trang của họ Haven khi chị về thăm nhà với chồng sau đám cưới. Vương miện của chị cẩn kim cương và ngọc bích lục, có vẻ giống chiếc mũ miện, kèm theo vòng cổ cho tương xứng và trâm cài áo hình nơ to tướng mà May đính trên ngực áo.
“Chị trông giống nữ hoàng Sheba qúa!” Susanna thốt lên trầm trồ.
Nhưng rồi thấy vẻ đau khổ hiện lên trong mắt chị nàng hiểu rằng không có món nữ trang nào, cho dù lộng lẫy tới đâu, có thể bù đắp những cái chị phải chịu đựng khi ở cạnh hầu tước.
“Chị... không có hạnh phúc hả May?” nàng khẽ hỏi.
May không nhìn vào em nàng nhưng chỉ đăm đăm ngó vào gương như thể nàng không thấy bóng mình trong gương nhưng là hình ảnh những năm tháng trước mắt.
Trong khoảnh khắc Susanna nghĩ chị sẽ bỏ qua không trả lời. Nhưng rồi chị nói bằng giọng già giặn lạ lùng:
“Chị không kể được đâu, Susanna. Chẳng có gì để mà nói, chị chẳng làm được cái gì cả, nên đừng hỏi nữa.”
Susanna thấy dường như sau đó May có vẻ tránh né nàng cho đến khi chị đi về với hầu tước trong cỗ xe du lịch sang trọng.
Nàng hôn chị từ biệt và trong giây phút đó tay nàng cứ níu lấy chị mình như buông chị ra không nổi.
Dù cả hai người không hề nói với nhau lời nào, Susanna biết rằng May rất đau khổ khi phải về nhà với người đàn ông chị ghét nhưng giờ đây lại là người mà chị lệ thuộc.
“Chuyện đó nhất định không xảy ra với mình đâu,” lúc ấy Susanna từng nghĩ như thế.
Nhưng giờ, đứng tại cửa phòng tiếp tân, nàng cảm thấy như thể nàng đang nghe được ngày phán quyết cuối cùng.
Nàng khép cửa rất, rất ư là khẽ, rồi quay trở lại lối đi mà nàng vừa tới, leo lên cầu thang phía sau nhà về phòng nàng chỗ gần phòng học trên lầu ba.
Ở London phòng trẻ này được đổi tên thành phòng học khi bảo mẫu rời đi và được thay thế bằng nữ gia sư.
Trong lúc bảo mẫu dường như lúc nào cũng cố định thì các gia sư lại thay đổi thường xuyên là do họ không thích phu nhân Lavenham. Nàng thấy họ bất lực và chưa bao giờ tự dằn được để khỏi phải nói ra những lời đó.
“Tôi xin thưa với phu nhân,” một trong những cô giáo đã lên tiếng có mặt Susanna ở đấy, “nữ bá tước Bresington rất hài lòng với tôi trong suốt mười năm tôi làm việc với bà ấy.”
Thế là cô ấy bỏ đi, cũng như hai cô giáo kế tiếp. Rồi, theo Susanna nghĩ, phép lạ đã xảy đến.
Cô Harding là một nhà giáo khôn khéo đủ để biết cách xoa dịu lady Lavenham và thu hút sự chú ý của học trò và khuyến khích tinh thần nàng.
May không may mắn là chỉ học có một năm với cô Harding trước khi chị lấy chồng, nhưng Susanna được cô dạy hơn hai năm.
Đối với nàng, cô Harding từng là cả một khám phá trọng đại vì cô không những có khả năng trả lời những câu hỏi làm cho nàng khó hiểu nhưng còn hướng sự hiếu kỳ của nàng vào đúng đường lối để nàng có thể tự tìm lời giải đáp cho mình.
Lady Lavenham chẳng hề quan tâm một lấy một chút đến sự giáo dục của những đứa con gái, ngoài việc họ nên học nói tiếng Pháp và Ý thông thạo.
Lord Lavenham thường nói rằng ông cảm thấy chán khi ở Sandringham bắt buộc phải trò chuyện bằng cả hai ngôn ngữ Pháp và Anh cùng lúc trong suốt bữa ăn, cứ phải đổi hết từ tiếng này sang tiếng khác, có lẽ ngay trong cùng một câu nói.
Nhưng đối với lady Lavenham thì đấy như là bản năng thứ hai của bà. Bà nhất quyết rằng tối thiểu thì hai cô con gái của mình phải tinh thông trong lĩnh vực đó.
Ngoài ra thì họ học hay không học cái gì bà hoàn toàn dửng dưng, ngoại trừ việc họ phải biết trông nom nhà cửa cho khéo, và có thể tổng kết các hóa đơn và viết chi phiếu.
Việc đó thì bà không bao giờ tự làm cả, vì bà đã thuê một thư ký vô cùng năng lực để làm những chuyện đó cho bà, nhưng bà bảo mấy cô con gái:
“Nếu các con không muốn bị đám gia nhân bất tài hay xảo quyệt lừa gạt thì liệu mà nắm rõ tiền bạc!
Trong phương diện này thì lady Lavenham khác hẳn với các bạn bè đồng song là những người chỉ biết tiêu tiền và rất thành công trong việc tiêu xài!
Dù thế nào đi nữa, Susanna phản kháng lại việc giam mình trong các con toán và mớ từ vựng Pháp và Ý. Nàng khởi đầu bằng niềm hứng thú trong lịch sử, nhưng rồi nàng nhận thấy văn chương vô cùng thú vị chứ không chỉ như trong tiểu thuyết nói về thời trang đương thời hay là những mẩu chuyện ngắn nhạt nhẽo xuất hiện trên các tạp chí phụ nữ.
Khi đọc sách nàng quên hết mình là con người thất vọng đủ mọi đường với ba và mẹ và với bóng hình nàng trong gương.
Cô Harding chính là người dạy nàng về nghệ thuật và khiến cho nàng biết thưởng thức các bức tranh treo trên tường ở nhà nàng và những tấm họ ngưỡng mộ trong phòng triển lãm quốc gia.
Dạo trước nàng chưa bao giờ nhận ra mẹ mình biết rất ít những cái như thế, và bà quan tâm với cây cảnh trong nhà kính và các loại hoa trồng trong nhiệt độ ấm áp để trang hoàng phòng khách hơn là các trân ngoạn trong nhà đã được tích tụ bởi các bậc tiền nhân của họ Lavenham.
Với Susanna đó chính là một thế giới mới!
Nàng và cô Harding lục lạo trong các hiệu sách tìm cách bộ sách có những phó bản của các bức họa trong các phòng triển lãm lớn của Âu châu như Louvre ở Paris và Uffizi ở Florence.
Mỗi lần Susanna tìm ra một bức họa mình đặc biệt thích, nàng bắt đầu có cảm tưởng như đấy là một kho tàng thuộc về nàng và nàng sở hữu nó bằng cách không ngôn từ nào có thể diễn tả được.
Thế rồi, thật bất ngờ, vào đầu năm lady Lavenham bảo cô Harding rằng cô phải rời đi trong vòng ba tháng.
Thế là không đợi nghe cô giáo mình giải thích, Susanna ào xuống thang và xông vào phòng riêng của mẹ nàng với thái độ mà nàng chưa bao giờ tỏ ra trước đó.
“Mẹ a, con nghe rằng mẹ sắp cho cô Harding nghỉ việc!” nàng hét lên. “Tại sao chứ? Tại sao cô ấy phải đi? Con không thể mất cô ấy được!”
Lady Lavenham đang nằm trên ghế trường kỷ, người mặc bộ trà phục bằng sa mỏng ôm sát vào người, kiểu áo đang là thời trang cho mọi qúy bà mặc buổi chiều.
Bộ áo đó theo nàng hiểu rất là thoải mái vì người mặc khỏi phải mặc áo độn ngực thắt dây chặt cứng xiết vào eo.
Nhưng nàng qúa ngây thơ nên không hiểu là bộ trà phục thực ra được chế tác cho một lý do hoàn toàn khác.
Tuy nhiên nàng cũng nhận thức được khi mẹ nàng ở London, nhà vua và đôi khi các qúy ông khác thường đến thăm vào giờ giấc rất riêng tư mà không một ai dưới bất kỳ tình cảnh nào có thể quấy nhiễu bà.
May mắn là khi họ về quê, lady Lavenham ở một mình vì bà không tiếp khách cho mãi đến ngày hôm sau.
“Làm ơn đừng có lao vào phòng mẹ bằng thái độ thô lỗ như vậy,” lady Lavenham nói bằng giọng lạnh như đá thường làm cho con gái bà run rẩy.
Nhưng lúc đó Susanna đã qúa bực bội nên không cảm thấy gì khác ngoài phẫn nộ.
“Vì sao mẹ lại bảo cô Harding đi?” nàng gặn hỏi.
“Con còn ngu ngốc hơn thường ngày nữa!” lady Lavenham đáp lại. “Tóc tai con thì bù xù và mẹ còn thấy có vết mực dính trên áo con nữa.”
“Con đang hỏi mẹ đấy!”
“Thế thì mẹ chỉ có thể giải thích tách bạch rằng,” lady Lavenham đáp lại, “rằng con đã trên mười tám, thực tế là hầu như qúa lớn để coi như thiếu nữ đến tuổi cập kê, nếu không vì chuyện con phải để tang trong mùa lễ hội năm ngoái thì con đã được ra mắt rồi.”
Susanna tròn mắt nhìn bà.
“Nhưng cái đó không có nghĩa là cô Harding phải đi?”
“Thì đương nhiên rồi! Con không cần gia sư nữa khi con đã ra mắt, và mẹ cầm bằng là dù có nản đến đâu mẹ cũng phải tháp tùng con đi khắp mọi nơi.”
Từ thái độ mẹ nàng nói thì không còn nghi ngờ gì nữa, lady Lavenham đã thấy nhiệm vụ đó là hết sức nhàm chán. Rồi bà gằn giọng nói thêm trước khi Susanna kịp lên tiếng.
“Vì Chúa, đi lên lầu chải chuốt lại xem cho được đi. Có Chúa mới biết nhìn con như thế này thì không biết đến chừng nào mẹ mới phủi tay với con được đây.”
Trong khoảnh khắc Susanna chỉ đứng ngó mẹ mình chăm chăm, rồi khi máu dồn lên mặt đỏ ửng nàng quay đi bước ra khỏi phòng.
Lên đến trên lầu, nàng vào phòng và ngồi trên giường, cảm tưởng như thể toàn thể thế giới đã đổ ụp lên đầu mình.
Nàng đúng là khờ, nhưng nàng đã quên mất rằng nàng phải ra mắt và có người đưa đi cũng như May từng làm, đi hết dạ vũ này đến dạ vũ khác, buổi tiếp tân này đến buổi tiếp tân khác. Nàng biết mình sẽ ghét từng giây từng phút những cái dịp đó.
Nàng có thể làm được gì khác đây, khi biết mẹ mình xấu hổ vì mình và rằng không có người đàn ông nào chịu nhảy với nàng trừ phi là bị ép buộc.
Thật là ngu mà, nàng chưa khi nào để ý rằng vì phải ra mắt mà nàng đành mất cô Harding.
Trong hai năm vừa qua nàng hạnh phúc hơn bao giờ hết, nhưng giờ đây nàng biết nàng phải thấy rõ là mình đang sống trong thiên đường của những kẻ khờ khạo, vì lẽ ra nàng đã phải ra mắt vào mùa hè trước.
Năm ngoái thì không thể nào vì bà nàng qua đời và họ có đại tang, cái dịp mà làm cho mẹ nàng trông thật xinh đẹp lộng lẫy thì nàng lại nhìn giống như con qụa đen mập ú!
Nhưng bây giờ, mười tám tuổi, nàng sẽ phải lộ mặt ra ngoài xã hội, và nàng cũng đủ thông minh để hiểu rằng dựa trên quan điểm của mẹ nàng cũng như nàng là lần ra mắt này sẽ là một thảm họa!Ý tưởng đó hãi hùng đến nỗi Susanna lại đi tìm một gói kẹo mà nàng mua ở tiệm trong làng và dồn hết một phát vào miệng.
“Tôi sẽ nhìn kinh khủng lắm và cảm thấy tệ hơn nhiều,” nàng tự nhủ, “khi cô Harding đi rồi, tôi không còn có ai để nói chuyện, không có ai quan tâm đến bất cứ cái gì tôi nghĩ hay muốn bàn luận cả.”
Rồi, như thể mọi chuyện đã lướt đi êm ái trong chuyến xe lửa tốc hành, các chương trình được đề ra, nhà ở London được mở lại, họ rời miền quê, và là dịp cho cô Harding nói lời từ biệt.
Vào đêm trước khi cô đi, Susanna khóc cho đến khi nàng không thể nào khóc nổi nữa.
“Không có cô em biết phải làm gì đây?” nàng vừa hỏi vừa khóc nức nở. “Cô là người duy nhất đối xử với em như em là người thực sự. Khi cô đi rồi em chẳng còn ai nữa!”
“Thật lòng mà nói, Susanna,” cô Harding lặng lẽ nói, “cô cũng không thể dạy em thêm chút nào nữa.”
Susanna ngạc nhiên đến độ nàng ngưng khóc và nhìn cô giáo mình chăm chăm, nước mắt vẫn nhòa trên má.
“Là thật đấy,” cô Harding nói. “Đến giờ thì em phải nhận ra rằng em rất thông minh, qúa thông minh đối với cuộc sống em sẽ sống sau này.”
“Nhưng em sẽ... phải... sống đời sống đó,” Susanna trả lời.
“Cô cho rằng em phải sống thế thôi,” cô Harding thở dài, “với một cô gái sinh ra trong vị trí xã hội như em thì chẳng còn lựa chọn nào khác. Nhưng cuộc sống đó đâu bắt em không được có tư tưởng, đọc sách và phát triển đâu.”
“Cho cái gì cơ chứ?” Susanna cay đắng hỏi.
“Cho bản thân em.” Cô Harding đáp lại.
Cô ngưng một lát như để lựa lời đoạn nói tiếp.
“Có người tuyệt đối hạnh phúc với vòng sinh hoạt xã hội, trong sự hưng phấn ngày hôm sau họ sẽ mở những buổi tiệc càng lúc càng lớn hơn cái mà họ tham dự hôm qua, nhưng cô cho rằng em khác với họ.”
“Em mong là thế,” nàng thì thầm.
“Cô đoan chắc như thế,” cô Harding nói, “vì thế cô nghĩ rằng, Susanna, lúc nào em cũng có thể tìm một chân trời mới cho chính em. Nếu em không thể thực hiện tất cả mọi điều em muốn làm, ít ra em cũng có thể làm trong trí tưởng tượng của mình.”
Susanna chắp hai tay lại.
“Nhưng... cô không có ở đó để... giúp em.”
Cô Harding ngưng một lát trước khi tiếp lời.
“Cô luôn luôn tin rằng khi chúng ta thật muốn một điều gì, và cô đang nói đến lĩnh vực tinh thần chứ không phải là vật chất, thế nào cũng có người ở đấy để hướng dẫn và trợ giúp chúng ta. Nếu không phải là người thì là sách vở, âm nhạc, hoặc lời cầu nguyện, chúng ta không bao giờ hoàn toàn bị bỏ mặc đâu.”
(1-3)
Susanna lặng thinh một hồi rồi nàng nói.
“Em hiểu lời cô nói, nhưng điều đó rất, rất khó, và dường như em không thể tìm ai trong số bạn bè của mẹ để giúp em.”
Cô Harding cũng nghĩ tương tự nhưng cô biết nói như thế nghe có vẻ không trung thực. Thay vì thế cô trả lời.
“Em phải tự tin Susanna. Em phải tìm con đường của chính mình, hãy chọn hướng đi của riêng em, bởi vì cô hiểu rõ em, cô biết rồi đây em sẽ không làm cho mình thất vọng đâu.”
“Hay là cô nữa,” nàng khẽ khàng nói thêm.
“Cô sẽ nghĩ đến em,” cô Harding nói, “và để cô nói cho em biết, cô chưa từng thương người học trò nào hơn hay đặt kỳ vọng cao như thế đâu.”
Lời nói của cô khiến Susanna lại rơm rớm nước mắt, nhưng giờ đây đó không phải là những giọt lệ tuyệt vọng mà là mừng rỡ vì trước đây chưa có ai khen nàng như thế cả.
Khi cô Harding rời khỏi, Susanna lại khóc vì nàng không thể đè nén nỗi đau khổ của mình. Nàng cảm thấy như thể mình đang bắt đầu một cuộc sống mới nhưng không hề biết một tí gì.
Lady Lavenham dẫn nàng đến London sớm hơn thường lệ vì Susanna cần trang phục mới.
Mỗi sáng họ lái xe đến các cửa tiệm và theo Susanna là tốn hàng giờ dài dằng dặc, mệt lả cả người để chọn vật liệu, thử áo, và mua giày, găng tay, dù che nắng, nón, và nội y bằng cái kiểu mà nàng có cảm tưởng cứ như mình đang được trang bị cho buổi trình diễn dài những hai mươi năm.
“Ít ra thì mẹ cũng phải cố làm cho con coi cho được,” mẹ nàng đanh giọng nói khi Susanna nêu ý kiến là nàng đã có qúa nhiều áo dự tiệc.
Rồi bà nói thêm.
“Ba con nói là mẹ có thể tiêu tùy thích, vì thế cứ thử đi không hại gì đâu và phải tỏ ra biết ơn, cho dù không may là chúng ta không thể thay đổi gương mặt hay vóc dáng của con!”
Cứ mỗi lúc ở riêng với mẹ nàng khiến cho Susanna càng cảm thấy mình tầm thường, vô nghĩa. Nàng thấy được sự cách biệt giữa họ phản chiếu trên mỗi cửa sổ của cửa tiệm.
Âm điệu trong giọng nói của bạn bè mẹ nàng khi họ gặp những người đó trên phố Bond hay trong các cửa hiệu rất ư là khôi hài nếu không nói là xúc phạm.
“Daisy thân!” họ thốt lên. “Chị thật là đẹp, giống như gió xuân vậy! Ồ! Còn đây là Susanna sao?”
Lúc nào họ cũng ngập ngừng trước khi nói đến mấy chữ cuối, sự ngập ngừng mà Susanna biết ám chỉ rằng họ ngạc nhiên hay thậm chí sửng sốt một chút trước diện mạo của nàng.
Nàng cũng biết những người thợ may nghĩ rằng may đồ cho nàng chỉ là phí thời gian thôi, ngoại trừ các tấm hóa đơn chất chồng càng lúc càng cao để họ cố ra sức làm cho nàng trông thu hút.
Họ tròng áo nịt có gắn khung xương rồi thắt dây cho đến khi nàng suýt tắt thở. Nàng phải thử những tấm áo chẽn, được thêu thùa, viền tua, hoặc trang hoàng với các nếp xếp tổ ong, như dù áo có kết đường viền như thế nào đi nữa, hiệu qủa vẫn giống nhau – nàng vẫn đơn giản là mập.
Các thợ làm tóc đã đến nhà để thử các kiểu tóc mới cho nàng.
Khi mẹ nàng kiểm tra thành qủa của họ thì đương nhiên họ đã đem lại chút ít khác biệt, và nhún vai như ngầm bảo họ mong có đủ can đảm để nói trắng ra rằng họ phải làm việc với mớ vật liệu đã vô phương cứu vãn.
Thử áo rồi lại thử áo! Hết vào tiệm này rồi lại ra tiệm kia!
Trong tháng chót Susanna chả làm được chuyện gì khác, và lúc này thì đã gần cuối tháng ba và phòng tiếp tân đầu tiên tổ chức tiệc là vào khoảng đầu tháng tư.
Nàng thấy mình ngồi đếm ngày cho đến khi mùa hội chấm dứt và họ có thể vê quê. Ở đó nàng sẽ có cơ hội cưỡi ngựa và không phải đứng hàng giờ trong các hiệu may ngột ngạt! Nàng sẽ đi dạo trong vườn không cần mẹ nàng đi chung hay quản gia đi kèm khi lady Lavenham bận việc.
Nàng nhớ cô Harding qúa đỗi.
Vì nàng cảm thấy làm như thế cô Harding sẽ hài lòng, bất cứ khi nào nàng ra ngoài với ai ngoại trừ mẹ nàng, thế nào nàng cũng khăng khăng đòi dừng lại tại hiệu sách trên đường về nhà. Các chồng sách trong phòng ngủ của nàng cao thêm lên mỗi ngày, nhưng tìm được thời gian để đọc hết qủa là khó. May làm sao cho đến lúc ra mắt, nàng không được phép xuống tham dự các buổi tiệc ăn tối và chỉ xuống lầu khi ba mẹ nàng ở riêng hay ngồi chung với họ hàng.
Rồi khi họ trò chuyện, tán gẫu Susanna ráng hiểu những chuyện họ đang nói và gắn nhân vật thích hợp vào mấy câu chuyện tai tiếng mà họ đang thấp giọng xì xào với nhau. Nàng nghĩ nghe mấy cái lời gièm pha đó giống như nghe tiếng nước ngoài vậy và chỉ hiểu được phân nửa những cái họ nói. Cảm tưởng này sao khá giống như đọc phải một quyển tiểu thuyết viết tệ ơi là tệ.
Cái tin Isobel đã mất Henry, anh chàng đã chầu chực bên cô ấy hơn cả năm có lẽ sẽ thú vị hơn nếu Susanna biết được ai là Isobel ai là Henry. Rồi chuyện Bertie đi tham dự chuyến đi săn thú lớn bởi vì ngày kia ông ta về nhà bất chợt và khám phá ra cái điều mình đã nghi ngờ từ lâu thì nàng hoàn toàn hiểu không thấu!
“Ôi! Cuộc sống ở Lavenham! nàng cứ tự nói với mình hết lần này đến lần khác.
Cứ nghĩ đến ánh nắng soi trên mặt hồ, hương thơm của rừng cây, và làn sương lam giăng mắc trên các ngọn đồi thì y như một giọt nước đối với người đang chết khát trên sa mạc.
Giờ đây, lòng dạ tan nát, hãi hùng, nàng biết mình sẽ không thể nào về nhà nữa. Rồi đây nàng sẽ lấy quận công, cũng như May, bị lưu đày ra khỏi mọi cái nàng từng quen thuộc, mọi cái mà ít ra mang ý nghĩa là sự an ổn của nàng trong thế giới riêng nhỏ bé của nàng.
“Thật là qúa đáng! Tôi không cách nào đương đầu với viễn cảnh đó! Tôi nhất định sẽ không kết hôn với người chỉ muốn tiền bạc của tôi!” Susanna tự nhủ.
Dù gần như quên bẵng đi nàng biết mẹ đỡ đầu của nàng đã để lại gia tài cho nàng khi nàng lên mười tuổi.
“Susanna! Tại sao là Susanna chứ?” lúc đó mẹ nàng cứ hỏi một cách cáu kỉnh.
Nhưng rồi khi lớn lên nàng hiểu ba mình đã giám quản tiền của nàng và vẫn tiếp tục như thế cho đến lúc nàng lập gia đình. Chuyện đó dường như chẳng có hứng thú đặc biệt nào cả.
Lord Lavenham là người rất giàu có và rộng rãi. Mẹ nàng có tất cả mọi cái bà muốn, dù chi phí các buổi tiệc khi họ chiêu đãi khách ở trang viên Lavenham chắc cũng lên tới con số thiên văn như ông không bao giờ phàn nàn. Thường thường tiệc có đến ba mươi khách, cùng với sáu mươi người hầu của họ và nguyên cả đoàn gia nhân khổng lồ của gia đình trong ngôi nhà lớn kiểu Gothic có các ngọn tháp, máng xối, và cơ man các công trình bằng đá được bổ sung vào thời ông nội nàng còn sống.
Tòa nhà đó chẳng có thẩm mỹ gì cả, Susanna biết, nhưng đấy chính là tổ ấm của nàng và nàng yêu thương nó.
Còn bây giờ, vì có gia tài nàng phải trở thành nữ quận công, và sống ở nơi khác và mẹ nàng sẽ hài lòng với nàng lần đầu tiên trong đời bà!
Phòng học trên lầu dạo này dường như luôn trống vắng vì cô Harding đã đi, Susanna lao xuống ghế trước lò sưởi. Tất cả những cái nàng thấy được trong lúc này là nét mặt buồn bã của May và nghe được giọng nói đau khổ của chị.
Nàng phân vân tự hỏi không biết nàng có nên đi gặp May và xin lời khuyên của chị không, nhưng nàng biết nếu May không có khả năng ngăn cản hôn nhân của chính mình với người mà chị ghét bỏ, thì chị sẽ hoàn toàn bó tay với hôn nhân của em gái mình.
“Tôi có thể làm gì được đây?” Susanna tự hỏi mình, và tâm trí nàng lóe lên hình ảnh cô Harding.
Giá mà nàng có thể đi gặp cô, nói chuyện với cô, nàng biết cô sẽ thông cảm. Nhưng cô Harding chỉ viết thư cách đây hai ngày bảo rằng cô đã tìm được việc làm trong nhà nữ quận công Northumberland, thế nên cô sẽ đi lên mạn bắc.
“Tôi phải suy nghĩ xem đã,” Susanna tự nhủ. “Tôi phải suy nghĩ một cách bình tĩnh và lý trí làm thế nào để ngăn cản chuyện này xảy ra cho tôi.”
Nàng có cảm giác như thể đang bước đi trên một con đường thẳng tắp không hề có bảng cảnh cáo nào và thình lình phát hiện một hố sâu khủng khiếp ngay trước mắt mình.
“Tôi không nên hốt hoảng,” nàng tự nói với mình. “Chỉ cần tìm cách để thoát ra thôi.”
Tuy thế nàng biết chuyện đó chỉ là hy vọng mong manh. Làm thế nào mà nàng có thể chống lại ý muốn của mẹ nàng. Chắc chắn bà sẽ tạo áp lực cho quận công để thực hiện những cái bà đã sách hoạch vì anh ta cần tiền.
Ngoài chuyện đó ra, bà lúc nào cũng có kế sách tối hậu là nhà vua!
Susanna từng nghe những mẩu chuyện rằng nhà vua đã giúp các bạn bè đặc biệt gả con gái họ cho những nhân vật danh giá một cách xuôi chèo mát mái.
“Em đã thưa với hoàng thượng,” Susanna nghe mẹ mình từng nói khi trước, “ ‘Ngài rất là anh minh khéo léo, nên làm ơn hãy giúp Vera gả con gái cho bá tước Bexley đi. Ngài biết là ông ta sẽ làm bất cứ điều gì ngài bảo mà. Ngài chỉ nói một lời thôi là mọi chuyện sẽ khác hẳn.’ ”
“Rồi hoàng thượng trả lời ra sao?” Lord Lavenham hỏi.
“Tất nhiên là ngài rất vui vì em đã nhờ ngài giúp rồi.” Mẹ Susanna trả lời. “Ngài khá là thích thấy mình như là thần tình yêu mà. Anh phải công nhận là ngài thành công trong biết bao là vụ rồi nhé!”
“Gần như không có ai đủ gan dạ để từ chối hoàng thượng bất cứ cái gì ngài thích cả,” lord Lavenham đáp lại có vẻ châm biếm.
Susanna biết mẹ nàng sẽ không ngần ngại nhờ nhà vua giúp nếu dự tính của bà gả Susanna cho quận công không xuôi buồm thuận gió.
“Thế là tôi phải lấy chồng cuối mùa hội này!” Susanna thì thầm và kêu lên nho nhỏ.
“Tôi sẽ bỏ đi,” nàng tự bảo, “tôi sẽ trốn ở đâu đó.”
Nếu nàng thực sự phải bỏ trốn, thì may là nàng có khá nhiều tiền. Nàng cũng chưa khi nào gặp khó khăn khi hỏi thư ký của mẹ nàng lấy tiền mặt để mua sách ở những cửa tiệm nàng không có tài khoản.
Nàng cũng thấy từ khi đến London nàng thích mang theo tiền trong ví để cho vô số kẻ ăn xin chìa những cánh tay giơ xương trên lề đường trong lúc nàng băng ngang đường từ các tiệm may sang trọng đến chỗ cỗ xe ngựa xa hoa của ba mình.
“Họ có qúa ít ỏi trong lúc mình lại có nhiều tiền,” nàng tự nhủ.
Rồi sau lưng mẹ, nàng lén lút ấn một đồng vàng vào bàn tay dơ bẩn nào đấy và biết rằng dựa trên nét rạng rỡ ngơ ngác trong cặp mắt mờ đục của người phụ nữ đó nàng đã trao một niềm hạnh phúc thoáng qua, chỉ là trong khoảnh khắc mà thôi, cho người vô cùng xấu số hơn mình.
“Nhưng nếu tôi bỏ đi, tôi không thể cứ ngồi một chỗ không làm lụng gì,” giờ đây nàng nghĩ ngợi. “như vậy không được.”
Nàng mơ hồ nghĩ rằng nàng sẽ thuê một căn phòng ở chỗ nào đó và ngồi đọc sách cả ngày. Nhưng rồi nàng biết đó thật không phải là giải pháp cho vấn đề của nàng, dù nàng chưa biết phải làm thế nào.
Trên chiếc ghế đẩu trước lò sưởi bên cạnh ghế của nàng có một số báo chí.
Cha nàng đặt mua báo “The Times” và “Morning Post” và hay đọc vào lúc ăn sáng. Sau đó gia nhân lại đem báo vào thư phòng của ông, nơi mà ông sẽ đọc vào ban tối nếu có thời giờ trước khi ăn tối.
Susanna biết nếu nàng lấy báo đi trước khi ông đọc xong thì sẽ gây ra nhiều nghi vấn, vì thế nàng nói với người hầu mang lên lên phòng học vào sáng hôm sau.
Tuy báo cũ mất một ngày nhưng không thành vấn đề, vì cũng chẳng có ai bàn luận tin tức với nàng hay cần nàng quan tâm đến bất cứ điều gì khác mà không dính líu đến y phục hay là người.
Lúc này nàng cầm lên tờ Times ra ngày hôm qua và tự hỏi nếu nàng có thể tìm việc làm nào đó, không phải vì nàng cần tiền nhưng chỉ để giết thời giờ.
“Có lẽ tôi có thể làm trong thư viện,” nàng thầm nghĩ.
Rồi nàng nhớ rằng mình có thể bị bắt gặp bởi chính những người mà mình muốn tránh.
Công việc mà nàng thực tình thích làm là trong phòng triển lãm nghệ thuật, dù nàng có cảm giác không thoải mái là trong tất cả các phòng triển lãm mà nàng từng tham quan, các nhân viên luôn luôn là đàn ông.
“Tôi có thể làm gì đây?” nàng lại tự hỏi, và nghĩ rằng mình đang thực sự trửng giỡn với vấn đề này.
“Tôi nhất định không lấy quận công đâu!” nàng lớn tiếng kêu lên.
Nhưng nàng nghĩ giải pháp không nằm trong việc bỏ đi mà là đương đầu với ba mẹ và cho họ biết nàng không có muốn lấy người mình không yêu.
Tuy vậy khi ý tưởng đó hiện lên trong tâm trí, nàng biết trông dáng điệu nàng như bây giờ thì không một ai sẽ yêu nàng cả, và trong xã hội của mẹ nàng tình yêu là một trò tiêu khiển chỉ xảy ra sau khi kết hôn chứ không phải trước đó.
“Con có thể làm gì? Ôi Chúa ơi, con có thể làm gì đây?” Susanna tự hỏi.
Nàng đặt tờ Times trên đầu gối. Đi tìm một công việc không hề hiện hữu ngoại trừ trong trí tưởng tượng của nàng thì có ích gì đây?
Rồi trong lúc nhìn mông lung vào tờ báo, lòng phân vân không biết còn cách nào khác có thể giúp được nàng, nàng chợt thấy mục đăng trên đầu cột báo “Tìm người”
Nàng đọc đoạn báo đó mà hầu như không để tâm xem nó nói cái gì vì tâm trí nàng đang lan man ở tận đâu đâu.
“Cần người đọc sách cho một người mù tạm thời. Sẵn sàng ra nước ngoài, thông thạo cả tiếng Pháp và Ý. Nộp đơn từ mười giờ cho đến mười hai giờ trưa tại số 96 đường Curzon.”
Susanna đọc lại mục đăng hầu như trước khi nó ngấm vào trí óc nàng. Bản tin đó cho nàng biết đây là việc nàng có thể làm.
Nàng chắc chắn có thể đọc thông thạo hai ngôn ngữ Pháp và Ý; thế rồi một hàng chữ khác lóe lên trong đầu nàng.
“Sẵn sàng ra nước ngoài.”
Nếu nàng ở ngoại quốc, mẹ nàng sẽ không thể nào tìm ra nàng. Nàng không phải gặp quận công và vì thế không bị ép hôn.
Nàng đọc tin quảng cáo một lần nữa. Đúng là điên mà, nàng tự nhủ – đương nhiên là nàng làm được việc đó mà!
Thế rồi lời của cô Harding vọng lại với nàng.
“Lối thoát sẽ đến khi mình cần nó.”
Lối thoát mà nàng muốn là đây! Làm sao nàng có thể ngu ngốc chối từ nó khi nó đang ở đó đợi nàng, mời mọc nàng cơ chứ?
Nàng cảm thấy tim mình đập khá nhanh và đứng lên đi đến cửa sổ.
Trời đang mưa. Những mái ngói của các căn nhà như trải dài đến vô tận, trông xám xịt ảm đạm.
“Đó là tương lai cho tôi,” Susanna tự nhủ, “trừ phi tôi có thể tìm cách tránh né nó.”
Đột nhiên nàng quyết ý.
“Tôi sẽ đi tới 96 đường Curzon,” nàng bảo mình. “Nếu họ nhận tôi, thì đây sẽ là cứu cánh, là bàn tay cứu giúp tôi đang đợi. Nếu bị từ chối, tôi sẽ phải nghĩ đến phương pháp khác!”
Love In The Dark Love In The Dark - Barbara Cartland Love In The Dark