Liếp Ly epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 1
râm nào phải là khách lữ hành ưa cái thú cầu sương điếm cỏ, cảnh lạ phương xa như bao nhiêu người khác mà hằng ngày Trâm vẫn gặp.
Năm hai mươi nhăm tuổi, chán cái vô vị của phồn hoa đô hội, vả cũng không có đủ tiền mua những cuộc hành lạc mà chẳng đoán vị tất đã có thú gì, Trâm bèn từ bỏ xã hội văn minh, bước chân lên đường phiêu lưu mạo hiểm...
Cái học vẫn chắc chắn ban đầu khiến Trâm càng ham thấy xa nghe rộng. Anh chàng mơ mộng ấy rất ưa cái thú thâm trầm của triết lý và những giờ mặc tưởng thực dài. Chàng sớm đã yêu mến cái văn minh Chiêm Thành do văn minh Ấn Độ tạo nên, mà chàng đã từng thấy các sách vở ca tụng. Chàng sớm đã say sưa cái bí mật sâu thẳm của rừng hoang.
Cuộc phiêu lưu của Trâm bắt đầu bằng chuyến thăm các tháp cổ Chiêm Thành còn rải rác trên đất Trung Kỳ. Rồi tự đấy chàng sang Cao Mên, mò đến Đế Thiên Đế Thích.
Nhưng, đứng trước cái khối ngổn ngang ấy, trước những mảng lâu đài cao lớn, những tượng Phật những rắn thần đã bị nghẹt thở giữa đám rễ cây luồn lỏi, bền bỉ và ghê gớm như những cái chân bạch tuộc đến nỗi tựa hồ có dáng tiều tụy thẹn thùng. Phải giấu mặt dưới rêu phong bụi phủ ấy, Trâm tuyệt nhiên không nhận thấy một dấu vết nào của những triết lý tôn giáo cao siêu nó đã khiến cho hàng ức vạn linh hồn phải say sưa, tin tưởng.
Đế Thiên Đế Thích chỉ còn là một bức tranh ảm đạm trong đó cái mộng tưởng bất diệt của người ta luôn luôn bị thời gian hủy hoại đã được tả ra một cách não nùng.
Lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo
Dấu cũ lâu đài bóng tịch dương!...
Chàng ngậm ngùi từ biệt đất Cao Mên cam ly, quay đầu về Huế. Thì trên dòng nước tang thương in lộn bóng mây trời, ngoài tiếng:
Sóng lớp phế hưng nghe đã rộn,
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau...
Trâm tuyệt nhiên chẳng thấy gì đáng để ý. Chàng não nùng, thất vọng, có cái cảm giác của người đi tìm bóng, đẹp chung tình mà chẳng thấy. Từ Huế ra đi, Trâm tiến thẳng sang Lào.
Tức khắc, Trâm bắt đầu có một cảm giác nghỉ ngơi thư thái...
Trước mắt chàng, bát ngát cái màu xanh bất diệt của rừng cây. Thỉnh thoảng một xóm con khuất nẻo giữa tràn cỏ rậm, một cánh đồng, một cái cối máy bền gan đang cọt kẹt giã gạo suốt ngày đêm ở cạnh một dòng suối nước trắng như thủy ngân... Nếu ở những nơi Đế Thiên Đế Thích, loài người cậy tài cậy khéo tỏ ý kình địch với thiên nhiên để rồi thua thiên nhiên một cách đau đớn thì ở đây người ta và tạo vật gần như thân thiện nhau, giúp đỡ nhau, điều hòa sức mạnh cùng nhau. Loài người ngoan ngoãn chịu sự bảo hộ của tạo vật cầu lấy một cuộc sống bằng phẳng để chờ cái phút tiêu trầm trong tạo vật. Người vẫn thua mà thua một cách lặng lẽ, cuộc xung đột không đến nỗi hung tàn.
Trâm đi từ phía Bắc xuống phía Nam và dừng chân ở một làng nhỏ, trên cù lao Khong, giữa một chi nhánh sông Cửu Long, đối diện với cái làng nhỏ bên địa giới Cao Mên: Kompòng - Sralao.
Ở đây, Trâm gặp một người bạn học cũ: Thọ, một viên cán sự lục lộ được cử sang họa địa đồ.
Đôi bạn cũ gặp nhau trong một nếp nhà gỗ kiểu Lào dựng lên giữa một vườn cây râm mát. Ngoài hai tên cao phu mà Thọ mang từ Bắc Kỳ sang, có một toán người Lào do các nhà quyền chức địa phương cắt ra để giúp Thọ về việc phát rừng đo vẽ.
Lần thứ nhất Trâm trực tiếp với thổ dân Vạn Tương: một đám người lực lưỡng, hiền lành, da ngăm đen, tính ưa nhàn đến thành lười biếng. Trong đám thổ dân ấy, mấy người Việt Nam được coi như thần thánh. Nhất là Thọ, không những bởi địa vị, Thọ còn làm cho những người ở dưới quyền phải kinh sợ và yêu mến bởi sự thông minh, bởi tài cán, bởi sự ngay thẳng và tấm lòng tốt của chàng.
Thọ nói cho Trâm biết rằng người Việt Nam hiện ở Lào nhiều lắm, tỏ ra dân tộc Việt Nam là một dân chinh phục rất giỏi vì không bao giờ phải chinh phục bằng võ lực hay chỉ phải dùng vũ lực rất ít như khi xưa đối với dân tộc Chiêm Thành. Hiện nay, vẫn lời Thọ nói, có nhiều thành thị và cả những vùng quê nữa trở nên những nơi đặc Việt Nam.
Trước sự tràn lấn êm đềm nhưng chắc chắn của người Việt Nam, dân Lào cứ lui dần, lui dần, không hề tỏ ra phản kháng gì cả.
- Nhưng sự đắc thế đó, vẫn lời Thọ, không nên là một cớ cho mình tự đắc. Trái lại, nó nên là một bài học cho mình ngẫm nghĩ, nó chứng tỏ cái lẽ "Thích giả sinh tồn" và cái luật cạnh tranh "Ưu thắng liệt bãi" rất tàn khốc. Bài học ấy, nếu được nghiền ngẫm cẩn thận sẽ có một ảnh hưởng rất tốt cho một số đông người Việt Nam giàu thói ỷ lại ươn hèn.
Thọ càng nói càng tỏ ra một người có tinh thần phấn đấu tự cường khiến Trâm lại nhớ đến những người mà chàng đã gặp ở Huế. Không biết rằng vì hoàn cảnh ảnh hưởng hay là do thiên tính tự nhiên, dân Huế phần đông ẻo lả biếng lười. Lại những câu ca giọng hát Huế nữa mới buồn làm sao. Nó gợi trong lòng một ham muốn quái gở về nhục dục và tự tử. Nó là một hóa chất mãnh liệt đánh tan cái nghị lực phấn đấu của tuổi trẻ, nó tựa hồ một tiếng than vọng lại tự bên kia mồ mả của một cái gì đã tàn...
Thọ tha thiết bảo Trâm:
- Anh Trâm ạ, anh là một người học rộng thấy nhiều, anh nên làm sách viết báo nói kỹ về những điều tôi vừa nói với anh. Tôi lắm lúc tiếc rằng mình không có đủ tài để diễn tả những cảm tưởng và ý nghĩ của mình mà mình cảm thấy có thể rất bổ ích cho đồng loại. Người mình, nếu không thể đi xa thấy rộng, cần phải đọc sách nhiều lắm. Mà những sách thuộc về loại tôi vừa nói lại càng không thể thiếu được.
Trâm cười:
- Anh nói vậy là vì tâm địa anh thực thà và bởi anh tin ở sức mạnh của văn chương. Anh không biết rằng một bài văn, một quyển sách dù hay đến đâu, ảnh hưởng của nó bất quá như cơn gió thoảng nếu người đọc nó là một kẻ hoài nghi hoặc tấm lòng đã nguội lạnh.
Để chiều ý bạn, Thọ cũng cười.
- Nghe anh nói thì ra anh đã làm một học giả chán đời. Nhưng, dù thế nữa, chỗ này vẫn là nơi khách phiếm du nên dừng bước trong ít lâu.
- Tại sao thế? Có gì đặc sắc?
- Chỉ tại ở đây người ngoan, cảnh đẹp, phong tục thuần lương và rừng cây kín đáo, ta có thể nhất thời quên cái phiền nhiệt của thị thành, ru mình trong giấc mộng Thuấn Nghiêu...
- Ồ! Thọ văn chương lắm đấy chứ? Và nếu quả như lời Thọ nói thì cuộc phiếm du này của tôi đã đạt mục đích rồi.
Câu chuyện của đôi bạn thân đương nồng nàn điểm những tiếng cười trong trẻo thì cả hai bỗng cùng lắng tai nghe mớ tiếng ồn ào đâu đó mỗi lúc một gần.
Thọ rủ Trâm xuống thang rồi cùng chạy lại đám đông xem sự gì.
Thì ra một đám làm trò quỷ thuật. Trước tài khéo và những phép lạ của anh thầy Lào, dân chúng hò reo vang động. Anh ta lôi trong bị ra một con rắn hổ mang hoa. Một nhát dao chém mạnh, đầu con rắn tức khắc lìa khỏi cổ. Anh thầy Lào chờ cho máu trong mình con rắn chảy ra hết. Con vật đã ngay đờ mới đem cái đầu chắp vào vết thương đoạn phù phép. Con hổ mang lại sống lại, bò quyềnh quàng dưới cặp mắt ngạc nhiên và tán thưởng của quần chúng.
Xu, hào kế tiếp nhau mưa xuống chiếc chậu sắt men xanh...
Cạnh anh thầy Lào, một chị chàng mặc những áo sống kỳ dị đương xem tướng và đoán số cho những người băn khoăn về hậu vận. Những kẻ được chị thầy tướng xem cho đều tỏ ý thán phục chị và vui mừng hớn hở.
Nhưng thấy Thọ và Trâm đến, đám đông bỗng dạt ra, ai nấy kính cẩn nhường lối cho hai người.
Chị thầy tướng gật đầu và chào hai chàng trai trẻ sang trọng bằng một nụ cười tình tứ.
- Các thầy bằng lòng xem số, xem tướng không nào?
Thọ đú đởn:
- Ồ, sao lại không?
Chàng quay lại nói với Trâm bằng tiếng Việt:
- Anh Trâm, may mắn cho anh quá! Xem đi, xem cho biết chuyến du lịch này của anh sẽ có những kết quả gì?
Rồi, không đợi Trâm đáp, Thọ nói tiếng Lào bảo thị thầy tướng:
- Này chị, chị càng nói đúng bao nhiêu thì tiền thưởng chúng tôi cho chị lại càng hậu bấy nhiêu.
Chị Lào vênh ngay mặt lên, cặp lông màu chau lại:
- Sao lại không nói đúng. Không nói đúng không lấy tiền. Cái thầy hãy đưa cho tôi cái bông hoa mà ông bạn cái thầy đương cầm ở tay kia.
Đó là một bông liếp ly, thứ hoa rừng màu tím, có mùi hương rất dịu.
Thọ đưa bông liếp ly cho mụ thầy số.
- Chị đừng giận nhé. Tôi không định làm mất lòng chị đâu. Tôi tin chị lắm, và đây tôi xin trả tiền trước cho chị.
Vừa nói chàng vừa giơ ra một tờ giấy bạc.
Mụ ngẩn ngơ, nhưng một cái liếc mắt sắc như dao của anh thầy Lào nọ khiến mụ vội tươi cười đỡ lấy.
Mụ hơ cánh hoa rừng lên trên cái lò lửa mà mụ vừa nhóm lên bằng mấy mảnh trầm.
Nhìn về phía Trâm, mụ khẽ gật đầu, miệng lẩm bẩm:
- Cầu cho cái thầy nhé?...
Khói trầm bốc lên nghi ngút. Bông hoa dần dần xòe cánh, rung động như hít mạnh hương thơm... Nhưng cùng lúc ấy, những cánh hoa lần lượt phai màu. Những nếp nhăn hiện ra... Bông hoa gục xuống, rũ rượi tả tơi như bị ai vò nát...
Mụ thầy số tức khắc đưa cánh hoa cho Trâm.
Lạ thay! Trâm vừa đỡ lấy bông hoa héo thì nó đã tươi mơn mởn. Cánh hoa đương mềm nhũn giờ trở nên cứng cáp; màu tím dịu như nhung lại hiện trên những cánh phẳng phiu.
Thọ ngạc nhiên và thành thực khen ngợi:
- Ô! Thực là tài tình! Đáng thưởng.
Mụ thầy tướng cao giọng, nói một cách nghiêm trang và bí mật:
- Hai thầy đã hỏi thì cái ma bó bảo thực cho hai thầy nghe.
Quay vào Thọ, mụ tiếp:
- Thầy, thầy còn phải nhiều gian nan mới được hưởng phúc. Hai thầy sẽ cùng yêu mến ao ước một người đàn bà nhưng...
Mụ trỏ Trâm:
- Thầy kia sẽ được thắng lợi hơn. Sự may mắn ấy sẽ bù cho thầy sự chán nản do cuộc đi chơi không được như ý.
Đôi bạn nhìn nhau kinh ngạc, im lặng không dám trao đổi cảm giác riêng cho nhau biết nữa. Ô hay, người đàn bà gở lạ kia sao đã khéo đoán rõ tâm sự Trâm và nói bóng bẩy cho chàng biết?
Tuy không tỏ ý gì mà cả hai cùng bối rối hết sức. Rồi giữa lúc Thọ và Trâm định quay về, đám đông chợt lại dạt ra lần nữa, nhường lối cho một con voi khổng lồ, lưng đóng lầu bành rực rỡ như một con voi mã.
Quản tượng ra hiệu cho voi quỳ đoạn hắn nhảy xuống trước và đặt một cái thang gỗ dựa vào sườn voi.
Một thiếu nữ ngồi trên lầu voi từ từ đứng lên, nàng vịn một tay vào cái thanh và nhanh nhẹn bước xuống đất.
Trâm và Thọ khẽ thích cánh nhau, cùng nói qua một hơi thở:
- Trời!...
Thực chưa bao giờ xuất hiện thần tiên nào có thể rung động lòng người như vậy!...
Màu da nàng thắm hồng như hổ phách; tuổi xuân của thiếu nữ in trên gò má cái màu mơn mởn hoa đào; cặp mắt nàng lấp lánh sau rèm mi dài uốn cong cong giống như hai ngôi sao bằng ngọc huyền đính trên nền trời bạc; mũi thẳng dọc dừa; trên sống mũi, giữa khoảng hai nét lông mày cong thoai thoải xuống thái dương, một bông hoa nhỏ bằng chiếc cúc áo do một thầy bùa đã trổ vào da nàng bằng mực màu xanh; hai má nhẵn, phẳng như ngà truốt lượn theo khuôn mặt trái xoan rất đẹp. Mái tóc nàng phân đôi bởi một đường ngôi kẻ lệch búi lại thành một búi thõng lại sau gáy và cài bằng những bông hoa ngàn rực rỡ.
Một tấm lụa bạch quàng chéo trên ngực thiếu nữ, hai đầu lẩn vào chiếc xiêm thêu rất đẹp bó chẽn tấm lưng ong.
Hai cánh tay nàng để hở, tròn và nhẵn như hai gióng ngọc. Một chiếc vòng san hô nạm vàng lấp lánh ở cổ tay nàng, trổ thành hình một con rắn hổ mang hoa. Hai bàn tay xinh với những ngón búp măng tròn móng nhuộm đỏ. Hai bàn chân gót đỏ như son lồng trong mọt đôi dép cao róc bằng dây giấm biếc. Nàng rún rẩy bước lại gần mụ thầy số, dáng đi như một con chim nhảy trên cành liễu buông mành... Toàn thân thiếu nữ tiết ra một mùi hương thoang thoảng mà thấm thía say sưa...
Thọ lẩm bẩm:
- Thực là thần tiên!...
Đoạn, quay lại phía Trâm, Thọ mỉm cười:
- Số anh này may hơn Từ Thức! Mình ở đây hàng nửa năm mà tuyệt nhiên chẳng thấy gì cả.
- Nhưng mà cô tiểu thư nào vậy?
- Chịu. Đã bảo đây không từng thấy bao giờ mà lại. Nhưng, ta cứ thử hỏi xem.
Thọ và Trâm tiến lại chỗ quản tượng đứng, chàng dùng tiếng Lào hỏi hắn:
- Bẩm hai thầy, đó là con gái của quan tôi.
Thọ nhờ quản tượng giảng cho biết rằng vị quan ấy là chúa tể một địa phương này, quyền thế hách dịch và nhiều của lắm. Vị quan chỉ có một cô con gái tức là thiếu nữ nọ.
Hai chàng thanh niên im lặng quay về, ủ trong lòng mỗi người một say mê ngây ngất. Lúc bước chân vào cổng. Trâm hãy còn ngoảnh lại, tần ngần trông về phía đám đông, về nơi mà ái tìnhvừa thực hiện cho Trâm những lời tiên đoán của mụ thầy Lào...
Mặt trời lặn đã từ lâu.
Trong không khí mờ mờ bóng tối và ngào ngạt mùi hoa bỗng văng vẳng cất lên đâu đó một điệu khèn êm ái...
Liếp Ly Liếp Ly - Lan Khai Liếp Ly