Chương 1 -
à Lợi xách giỏ vào đến nhà là đã thấy bộ mặt cau có của chồng:
– Em có thấy cuốn sổ tay của tôi đâu không?
Để cái giỏ xuống đất, bà vừa giở nón lá ra phe phẩy quạt, vừa nhíu mày như nghĩ ngợi:
– Tật anh hay để đâu quên đó! Kiếm trên mấy kệ sách, bàn học coi con nó có dẹp không?
Ông Lợi làm thinh, bước đến bên chiếc kệ nhỏ kê giữa hai chiếc bàn học.
Ông khom lưng xốc tới xốc lui chồng sách, rồi miệng lại càu nhàu:
– Có thấy đâu đâu?
Bực bội, ông quơ tay trúng đống sách trên bàn, vài cuốn rơi xuống đất, ông cúi người nhặt lên...một tờ giấy pơ-luya hồng xếp tư vuông vức rơi theo.
Ông Lợi tò mò cầm lấy mở ra xem...
“Mi mi!
Ba ngày rồi không gặp. Anh sắp điên vì nhớ. Tối nay, bảy giờ rưỡi tại công viên. Nhớ đến...Anh sẽ chờ dù mưa...
Hôn em.
Gấu xám”.
Ông Lợi giận điên người. Cầm tờ giấy, ông hất hàm đưa vợ:
– Ra mà xem con gái cưng của bà nè!
Bà Lợi ngạc nhiên, tò mò đọc tờ giấy, rồi bà ngước mắt nhìn chồng:
– Mi mi là đứa nào? Trời ạ! Nó lấy biệt danh biệt hiệu có thánh mới biết...con nào.
Bà Lợi xem lại lá thư lần nữa.
– Đồ mắc dịch!
Bà đỏ mặt rồi lo lắng nghe chồng cằn nhằn:
– Hừ! Mới bây lớn mà bày đặt yêu đương. Mà yêu cái giống gì, cặp kè ngoài bờ, ngoài bụi là hỏng rồi. Để cho bà cưng bà chiều chúng nó. Học cao đẳng hay đại học gì cũng là con nhỏ.
Bà Lợi bối rối ngắt lời chồng:
– Đứa nào? Mà đứa nào mới được chứ! Phải chi nó viết tên họ ra.
Ông Lợi gắt gỏng:
– Bà ở đó mà lầm bầm, lẩm bẩm. Xuống lo nấu cơm đi, đợi tối nay hẵng hay!
Ông hầm hầm bước ra sân, rồ ga chiếc Cub chạy mất. Bà Lợi xách giỏ xuống bếp. Lòng bà nặng trĩu nỗi lo lẫn nỗi buồn.
Bà chợt nhớ đến thời con gái của bà. Ngày đó bà nổi tiếng là một cô gái đẹp.
Bà chỉ học đến lớp đệ tứ là gia đình đã ép gả cho ông Lợi để trừ nợ.
Bà thở dài. Lúc ấy bà có thương yêu gì ông đâu. Ông là một gã đàn ông lớn hơn bà gần hai mươi tuổi, với gương mặt lúc nào cũng tai tái, xanh xanh và vóc dáng ròm rõi đến thảm hại.
Mười bảy tuổi, lòng tơ non phơi phới, bà đã khóc và đã định trốn nhà.
Nhưng đêm hẹn ấy bà chờ mãi người con trai trẻ trung khỏe mạnh và bà trót yêu đã không đến để bà lủi thủi về nhà chấp nhận làm vật thế nợ.
Ông Lợi cưới được người vợ vừa trẻ vừa đẹp nên yêu thương bà hết mực. Bà Lợi sống với ông như hoàng hậu trong cung cấm, ông đã ban phát cho bà biết bao ân sủng nhưng bà vẫn không thấy hạnh phúc. Cái hạnh phúc nói ở mặt nào bà cũng không tìm thấy được. Trái tim bà dần dà cũng không còn hướng về mối tình đầu, nó cũng không hướng về ông chồng khô khan chỉ nghĩ rằng vật chất quyết định hạnh phúc con người. Còn thân xác bà...Trời ạ! Cái thân thể mới ba mươi mấy tuổi đầu của người đàn bà đẹp, tràn đầy sinh lực lúc nào cũng khao khát mà ông Lợi lại quá hời hợt, suốt ngày đi làm về không biết lấy một lời hỏi han người vợ trẻ, chỉ đưa bà giữ những món tiền mà ông nghĩ là bà rất thích, tối đến lăn đùng ra vừa ngủ vừa lên cơn suyễn khò khè như tiếng đầu máy xe lửa đang cố kéo bao cái toa nặng nề đến khốn khổ.
Những lúc ấy bà đã tủi thân đến khóc thầm. Trái tim chưa bao giờ hướng về chồng bỗng khao khát đi tìm một trái tim cùng nhịp đập. Hơn một năm nay bà cảm thấy như mình trẻ lại, đắm say sống lại thời hẹn hò thuở mười sáu, mười bảy tuổi. Bà đang có một người tình, để đêm đêm nằm thao thức, bà vẫn tự hỏi lòng đó có phải là chút tình yêu dầu muộn màng không? Hay đó là nỗi đam mê của người đàn bà ngoài ba mươi tuổi.
Bà Lợi thở dài, vung tay quạt mạnh bếp đang cháy âm âm bỗng rực đỏ...Có ai thấu hiểu lửa lòng bà cũng đang cuồng nhiệt như vậy không?
oOo
Hùng ngồi thòng chân trên một nhánh cây chìa ra mặt sông trong khu vườn đầy cây ăn trái của bà ngoại anh. Oanh đang đứng phía dưới. Cầm những trái chôm chôm chín đỏ ném lên, cô vừa ném vừa cười. Hùng một tay đeo chặt cành cây, một tay cố chụp, một số trái cũng vuột khỏi tay anh rơi tõm xuống sông.
Tố Oanh ngừng tay và đột nhiên thách thức:
– Em đố anh dám để nguyên quần áo nhảy xuống sông.
Hùng hơi nhíu mày, rồi anh nói:
– Chuyện đó có gì phải đố. Chỉ ngại không có quần áo khô đưa em về cho kịp thôi.
Tố Oanh tủm tỉm cười. Cô biết mình thách bậy rồi, nhưng chưa kịp nói gì thêm thì Hùng đã phóng mình xuống dòng sông. Dòng nước chảy xiết cuốn anh ra hơi xa. Cố gắng lắm, anh mới bơi sát vào bờ vì quần áo vướng níu.
Bám vào rễ cây gừa, Hùng reo lên. Anh ướt loi ngoi, vừa đi vừa cởi áo ra.
Oanh điềm nhiên nhìn Hùng:
– Cừ thật! Em nói chơi mà anh làm thật.
Hùng không trả lời, anh vắt chiếc áo lên một nhánh cây rồi tỉnh bơ cởi nốt chiếc quần dài đang mặt vắt vào một nhánh cây khác. Anh tủm tỉm nhìn Oanh:
– Anh cũng phải cho em xuống nước mới được.
Vừa nói, Hùng vừa bước về phía cô. Oanh cười khúc khích rồi cô chạy vòng vòng gốc cây trong vườn, miệng không ngớt kêu:
– Em không giỡn à nhe!
Hùng cứ lừ lừ tiến tới. Cuối cùng anh cũng bắt được Oanh.
Lần đầu thấy Oanh, Hùng đã bị đôi môi gợi dục và thân hình con gái mới lớn cùng những đường nét hấp dẫn cứ lồ lộ ra mê hoặc. Anh những tưởng mình phải tốn công sức, tốn thời gian để đeo đuổi Oanh lắm. Nhưng không ngờ ở lần hẹn hò thứ ba, cô đã đáp lại sự ham muốn của anh một cách cuồng nhiệt.
Thế nhưng Hùng chưa bao giờ đạt đến mục đích cuối. Đã có những lúc Oanh hầu như ngây dại trong vòng tay ve vuốt của anh, cô ghịt đầu anh vào ngực mình rồi cũng chính cô đẩy mạnh anh ra và quyết liệt chống đối.
Hôm nay cũng vậy, Oanh như mê đi, nhưng rồi cũng chính cô thở hổn hển xô mạnh anh ra. Hùng bực bội chạy ra bờ sông, nhảy ùm xuống lội một vòng.
Khi anh trở lại thì Oanh đang ăn lôm chôm, cô mở túi xách đưa anh gói thuốc và hộp quẹt.
Hùng nằm gác một tay sau ót, miệng chập chạp nhả những vòng khói. Oanh tựa đầu lên ngực anh:
– Mấy hôm nay em thấy anh có vẻ quạu quọ quá!
Hùng búng tàn thuốc:
– Chuyện gia đình thôi! Bà vợ sau của ba anh rất khó chịu. Từ ngày bà ta về ở chung, anh bỗng chán tất cả. Thỉnh thoảng, anh lại muốn đập phá một cái gì đó xong bỏ đi cho rồi. Bà Thâu tóm mọi thứ trong nhà, xin được tiền không phải là chuyện đơn giản. Anh như cái gai nhọn trước mắt bà ta. Bà ấy soi mói cả giờ giấc anh. Mấy năm trước còn nhỏ, anh chịu được. Bây giờ anh lớn rồi, anh biết sớm muộn gì anh cũng bò đi thôi. Anh không thể nào ở nhà được nữa.
Tố Oanh tròn mắt nhìn anh:
– Không lẽ đó là lý do để thỉnh thoảng anh phải bỏ học. Dầu gì anh cũng đã theo học trường nầy hai năm rồi. Còn một năm nữa, ráng không nổi sao?
Hùng im lặng rít hơi thuốc cuối cùng rồi búng mạnh chiếc tàn thuốc bay ra xa. Một lát sau, anh nói:
– Trước đây anh nghe lời bà ngoại thi vào cao đẳng chuyên nghiệp nầy để trốn nghĩa vụ thôi. Chứ tánh anh không thể nào hợp với việc học lấy một nghề rồi ngày hai buổi cặm cụi với nghề đó mà khổ cực đổi lấy đồng tiền. Bây giờ anh bị gò bó tù túng và bực bội trong gia đình, anh luôn có cảm tưởng như mình là con ngựa muốn cất vó mà cứ bị ghìm cương lại. Anh chỉ mơ ngày nào đó phá vỡ mọi thứ, ra đời tìm những việc gì đó thích hợp với anh hơn, chứ ru rú một xó trong thành phố anh không chịu nổi.
Tố Oanh ném một hột chôm chôm rồi đưa tay ra hứng:
– Làm việc gì, làm ở đâu cũng phải học chớ anh. Đàn ông con trai nào cũng có những ước mơ bay bổng. Con gái bọn em tuy thế mà luôn thực tế, ai cũng muốn người chồng của mình cũng là chỗ dựa vững vàng, nghề nghiệp ổn định.
Nói xong, Oanh cười cười, cái cười mỉm như muốn cho anh hiểu rằng còn gì đó cô chưa nói ra hết ý làm Hùng bất chợt hơi tự ái.
Thật ra, càng ngày anh càng thấy Oanh rõ hơn. Cô không ngây thơ như anh tưởng, suy nghĩ của cô có nhiều điều vượt xa tuổi của cô. Đôi lúc Hùng cảm nhận được những tính toán, nhận xét một vấn đề gì đó qua cái nhìn, lối nghĩ, cách nói của Oanh.
Anh bất chợt nhìn thật kỹ Oanh, cặp mắt đẹp rất sắc của cô đang mơ mộng gì đó. Anh biết cô có nhiều tham vọng, rồi bỗng dưng anh nhận ra chưa bao giờ Oanh thú nhận là đã yêu anh cả.
Hùng chua chát:
– Em cũng muốn có một chỗ dựa vững chắc chứ gì?
Oanh tư lự. Cô nhếch môi cười:
– Đôi lúc em nghĩ mình cũng cần có một chỗ dựa để tự mình vươn lên, chớ chỗ dựa đó không phải là mục đích để mình mơ ước.
Hùng nhún vai. Ít ra cô cũng đã nói thật lòng mình. Cô là đứa bé mà Hùng chưa chiếm đoạt điều anh muốn, cô là cô bé có đôi mắt làm Hùng bồn chồn mỗi khi nhìn. Với Oanh, Hùng luôn có chút gì nể nang, e dè, điều đó vì đâu thì anh vẫn chưa biết.
Hùng bước đến gốc cây lấy chiếc quần dài chỉ vừa ráo nước mặc vào. Khoác cái áo trên vai, anh hất hàm nhìn Oanh. Cả hai bước vào nhà. Bà ngoại Hùng đang ngồi trên bộ ván.
– Sao, hai đứa ăn lôm chôm Lái Thiêu đã chưa? Ngoại có nấu cơm nếp để sau bếp. Hùng! Vào lấy cho bạn con ăn với!
Tố Oanh nhanh nhẩu bước đến bên bà:
– Dạ, ngoại để con!
Rồi cô thoăn thoắt xuống bếp rất tự nhiên, bà ngoại chăm chú nhìn theo:
– Con nhỏ nầy xuống đây mấy lần rồi phải không Hùng. Nó cũng ở Sài Gòn à!
– Dạ!
Bà ngạc nhiên:
– Ủa! Hai đứa bây không còn đi học à?
Hùng ngập ngừng:
– Dạ....tụi con đang nghỉ ôn thi cuối học phần đừ quá nên mới về Lái Thiêu vừa thăm ngoại vừa cho khuây khỏa.
– Lúc nầy mày với ba mày thế nào?
Hùng nhìn ra cửa, chỗ đám vạn thọ đang nở vàng nhức mắt.
– Con với ba con cũng bình thường. Có dì Tư thì khó chịu ra mặt. Nhiều lúc con muốn bỏ đi đâu, hay về đây ở với ngoại cho rồi.
– Tiền bạc thì ba mày cất hay con Tư cất?
– Bả cất, ngoại à! Bởi vậy, sau nầy con cần có tiền tiêu lặt vặt cũng khó mà có. Ba con có bao giờ ngó ngàng gì đến con. Ông lo làm ăn áp phe áp phiết suốt ngày, tối về là đã say khật khưởng. Những lúc đó là lúc để dì Tư kiếm chuyện chửi chó mắng mèo. Con bực bội nhưng nghĩ thương ba nên con ráng nhịn.
Tố Oanh ngồi sau bếp nghe hai bà cháu Hùng nói chuyện. Cô chợt thở dài.
Gia đình Hùng thì rõ là không hạnh phúc. Thế còn gia đình cô thì sao? Oanh nghĩ đến mẹ mình, chuyện gia đình cô cũng lắm điều đáng buồn, thế nhưng cô chưa một lần hé môi nói với ai.
Cô biết mẹ mình còn rất trẻ đẹp, bà sống như dật dờ bên cái xác khô héo của ông chồng già. Bà không hề yêu chồng, điều nầy bà cũng không hề kể với ai.
Những đứa con của bà cũng chẳng hề quan tâm vì cuộc sống phẳng lặng ngày qua ngày của bà vẫn êm đềm tiếp nối.
Thế nhưng đã mấy lần cô bắt gặp mẹ mình đi với một người đàn ông trẻ hơn ba cô nhiều, những lần đó cô đã hốt hoảng tránh mặt, vì cô cũng đang trốn học để đi chơi với đám bạn. Những lần ấy đã khiến cô có một cái nhìn khác về mẹ mình, nhưng nó chưa tạo cho cô một ấn tượng sâu sắc nào cả. Trừ một lần cô cũng cúp tiết đi chơi, nhưng vòng vòng một hồi không có mục nào hấp dẫn, cô đã chán nản bỏ về.
Đến nhà, cô thấy cổng rào đóng và khóa bên trong. Cô lấy chìa khóa riêng của mình mở ra, nhẹ nhàng dắt xe vào và vòng ngã bếp rút êm lên lầu. Ngang phòng của mẹ, cô hơi ngạc nhiên vì cửa phòng đóng kín lại có tiếng người bên trong.
Một linh cảm mơ hồ làm Oanh nhói ngực, cô cúi xuống nhìn vào ổ khóa...Lẽ ra cô bỏ đi đâu đó chờ đến tan trường sẽ về, nhưng không hiểu sao cô lủi về phòng của mình nằm như người mất hồn. Những hình ảnh sống động một cách khủng khiếp làm cô bé vốn sớm phát triển như Oanh vừa sợ vừa thích và vừa giận nữa. Hình ảnh người mẹ đến lúc đó coi như hoàn toàn sụp đổ. Cô nằm trong phòng mình, cố tình mở cửa để chờ bà Lợi đi ngang qua. Bà đã hốt hoảng chạy vào nhìn Oanh, ấp úng:
– Con về lâu chưa Oanh?
– Con mới về! Nhức đầu quá mẹ à!
Giọng bà Lợi tự nhiên hơn:
– Con Phượng đâu?
Oanh ngồi dậy:
– Nó còn ở lớp.
Mắt cô nhìn mẹ ngầm thách thức. Bà Lợi bối rối bước ra khép cửa phòng cô lại. Ắt hẳn bà đang đưa người đàn ông đó về. Oanh nằm vật xuống giường ôm lấy chiếc gối, cô run rẩy nhớ lại...
Rồi từ đó cô có những buổi hẹn hò khác. Trước kia khi cô đậu vào trường X nầy và quen với Hùng, một anh chàng to con, rất bạo và cũng rất điệu nghệ học trước cô một năm. Từ bao giờ Oanh đã tự cho rằng mình là người lớn với những bí mật của riêng mình. Trong khi đó ba cô và con bé Phượng vẫn không hề hay biết gì cả. Dưới mái nhà có bốn người, có hai người vô tư và thấy mình hạnh phúc, còn hai người còn lại luôn khát khao đi tìm những cái mình không bằng lòng trong cuộc sống, hạnh phúc của họ là những phút giây sống ngoài trách nhiệm, ngoài ràng buộc của gia đình.
Ông Lợi nhìn gương mặt của hai cô con gái rồi ông chợt thở dài. Mặt đứa nào cũng để lộ vẻ ngây thơ, trong sáng, thậm chí biểu lộ nét bất bình vì tờ thư quỷ quái kia.
Đầu tiên là Phượng, cô chối đây đẩy:
– Con không biết gì hết. Cuốn sách nầy của chị Oanh chớ không phải của con.
Bà Lợi có vẻ bênh con bé chị:
– Của con Oanh sao lại nằm trên bàn mầy?
Tố Phượng tròn mắt:
– Con đâu biết.
Ông Lợi nhìn Oanh. Con bé lầm lì nhìn mọi người, cái nhìn của nó ngừng ở bà Lợi rồi đáp gọn lỏn:
– Lá thư không phải gởi cho con. Ba mẹ tin hay không thì tùy ba mẹ. Hai đứa con đâu có quen ai tên Gấu tên Beo gì đâu?
Ông hầm hầm quát lên:
– Không lẽ là trò đùa? Phải có người nhận thơ mới có đứa gởi chớ! Lớn rồi, không ai cấm các con có bạn. Nhưng tại sao không đưa bạn về nhà cho ba mẹ biết mà lại hẹn ngoài lùm, ngoài bụi ở công viên hả?
Hai chị em ngồi im re. Cuối cùng, Tố Phượng rụt rè:
– Bữa hổm con cho con Phụng Minh mượn cuốn sách nầy. Dám thơ nầy của nó lắm. Ở nhà nó tên Mini.
Ông Lợi “hừ” một tiếng khô khốc:
– Bắt đầu từ hôm nay ghi thời khóa biểu lên bảng. Tối học thêm Anh văn ba sẽ đưa đi. Hai chị em phải để ý nhau. Bạn bè phải ra bạn bè, phải đàng hoàng tử tế. Muốn gì cũng phải ra trường có công ăn việc làm đàng hoàng. Tụi bây đừng cho rằng mình đã lớn để chê cha mẹ lầm cẩm, cổ lỗ trong chuyện yêu đương.
Ông bực bội bỏ lên lầu. Bà Lợi nhìn hai cô con gái rồi vội bước theo chồng.
Tố Phượng nhún vai nhìn chị:
– Cho bà ham vui, lần sau thì ráng chịu nhé! Tự dưng bị nghe rầy oan vì bà.
Tố Oanh le lưỡi:
– Đưa chị mượn tập hồi sáng.
Phượng hỏi:
– Nầy! Gấu xám là tên nào vậy?
Oanh nhăn mặt:
– Của con Mai Nhi chớ chị đâu biết.
Phượng trề môi:
– Làm như em ngu lắm! Nói cho mà liệu hồn, nghỉ học hoài không đủ điều kiện xét lên lớp đó.
Oanh thở dài:
– Buồn buồn theo tụi nó về Lái Thiêu kiếm trái cây ăn chơi! Bây giờ tụ lại vừa rồi. Cuối năm lỡ ở lại thì đời tàn.
Phượng vẫn còn thắc mắc:
– Dạo nầy chị đi chơi với nhóm nào vậy?
Oanh tỉnh bơ:
– Nhóm con Cúc Hoa chớ ai. Tụi nó hỏi sao em không đi?
Tố Phượng vuốt tóc:
– Đi hai đứa một lúc cho chết chùm hả? Với lại, em cũng không khoái. Mà em nghe nói chị xé lẻ rồi mà?
Oanh hơi khựng một chút. Cô chối:
– Nhảm nhí! Xé lẻ với ai?
– Với anh chàng mà thỉnh thoảng học Anh văn chị cũng cúp để đi uống cà phê đó.
Oanh cười gượng:
– À! Với anh ta thì lâu lâu vào quán nghe nhạc, chớ chị không xẻ lẻ gì cả.
Tụi nó đồn không hà!
Oanh đứng dậy bước đến trước gương. Cô không muốn tiếp tục nói chuyện với Phượng nữa vì giấu đầu cũng sẽ lòi đuôi. Con bé cũng ranh lắm chớ đâu phải vừa.
Cô nhìn mình rồi liếc sang Phượng. Rõ là hai giọt nước, chị em sinh đôi không khác nhau nét nào cả. Chỉ một bớt nhỏ trên đùi Phượng như một vết làm dấu của bà mụ để lúc sinh ra để ba mẹ hai cô không lẫn lộn thôi.
Nhưng về tính nết thì hai người khác xa nhau. Từ lúc nhỏ, Tố Oanh đã là cô bé ít khi thành thật, ích kỷ và ham chơi hơn ham học, ham làm. Điểm nổi bật của cá tính Tố Oanh là cô sẽ làm bất cứ việc gì để đoạt được điều cô muốn. Càng lớn, bản chất của cô càng rõ, bây giờ cô lại thêm cái ma mãnh, thủ đoạn nữa.
Tố Phượng thì trái lại, hiền dịu vô tư, thật thà hay giúp đỡ người khác và thường không giấu kín suy nghĩ của mình đối với người thân.
Bao giờ cô cũng hay kể những chuyện riêng, suy nghĩ của mình cho Tố Oanh nghe. Cô sẵn sàng chia sẻ với chị những lo âu phiền toái một cách hăng hái nhiệt tình. Từ bé đến giờ Phượng đã bao lần đỡ đòn chịu tội “cứu” dùm Oanh rồi! Phượng luôn nghĩ mình phải che chở, bênh vực cho chị, dù việc Oanh làm là ràng ràng có lỗi. Cô vẫn biết tính của Oanh có nhiều cái xấu, nhưng cô không khuyên được chị mình, nên rốt cuộc Phượng như là người cùng chịu buồn vui với Oanh. Miết rồi Oanh có cảm tưởng việc một đứa làm hai đứa cùng chịu là chuyện thường tình, đương nhiên.
Đôi lúc ngẫm nghĩ Oanh cười một mình. Rõ là Phượng đã làm rất nhiều điều tốt cho chị mình. Như làm bài trong lớp, thường Phượng hay làm luôn cả cho Oanh rồi cùng nộp. Ở nhà, cô vẫn gánh vác những việc vặt để Oanh rảnh mà đi chơi. Tính Phượng giống cha, còn có lẽ tính Oanh giống mẹ. Ông Lợi bao giờ cũng suy nghĩ giản đơn và bằng lòng với cái mình có. Ông ít khi để ý đến vợ con, cứ lâu lâu gọi to “Oanh! Phương!”, có đứa nào thưa “dạ” là ông yên tâm nằm miết trong phòng với cái tivi, cái cassette hát những tuồng cải lương cũ rích của ông.
Ông bao giờ cũng tin vào người vợ và hai cô con gái cưng mà ông quý hơn mọi thứ trên đời.
Hùng ngồi lầm lì bên ly cà phê còn một nửa. Long hỏi:
– Hồi sáng mày đánh đứa nào trong sân trường vậy?
Hùng nhún vai:
– Tao ít muốn gây gổ, đập lộn trong sân trường lắm. Hồi sáng nầy tao can thằng Hoàng và thằng Đạt đó chớ tao có đấm đá gì.
Uống một chút cà phê, Hùng nói tiếp:
– Cũng tại ông Nguyễn Du mà ra cả! Tự dưng nhắc lại hồi học phổ thông, hai thằng hứng chí đem Từ Hải ra tranh luận. Đứa khen rằng nhân vật nầy anh hùng, đứa chê Từ Hải là kẻ lụy đàn bà. Có thế thôi mà sanh sự.
Long cười, nháy mắt với Hùng:
– Đàn bà cỡ như nàng Kiều cũng nên lụy mày ạ.
Hùng làm thinh. Long biết mấy ngày nay Hùng “héo” vì không gặp được Tố Oanh nên mới nói khều, nói móc.
Hùng hất hàm:
– Mày mà nhắn được Tố Oanh muốn gì tao cũng đãi.
Long so vai, rụt cổ:
– Tao không phân biệt được hai chị em nhà nó, mày ạ! Lỡ nhắn nhằm con Tố Phượng, nó nói hành, nói tỏi, bể lắm. Mà...sao hổm rày em Oanh lặn mất vậy?
Hùng không trả lời. Anh châm thuốc hút rồi thay hộp quẹt cho Long.
Từ hôm đi lên nhà ngoại về đến nay, Oanh lẩn mất. Cô chỉ viết mấy câu nhờ bà bán thuốc lá ở ngã tư đưa cho Hùng.
Miếng giấy ghi vỏn vẹn.
“Gấu Xám! Nhớ muốn điên, nhưng bể rồi, phải tạm xa...không thì Mimi bị cạo trọc đầu”.
Rồi tối đến, Hùng thấy ông Lợi kè kè Honda theo hai chiếc xe đạp của hai cô con gái. Chờ chuông vào học ông mới về. Tối, chưa đến giờ tan, ông đã đến chờ ở trung tâm sinh ngữ.
Hùng nẫu cả ruột. Vào trường, anh chỉ thấy thoáng thoáng hai chị em cô ở cửa lớp, chả biết Oanh là ai, Phượng là ai. Xồng xộc vào lớp tìm thì thật là bất tiện vì dù sao nah cũng phải nể mặt bọn con trai lớp nầy chứ!
Một hôm, thoáng thấy bóng Oanh bước về hướng căn tin trong giờ chơi ồn ào, Hùng vội chạy xô theo.
– Tố Oanh!
Anh thật bất ngờ khi cái giọng đanh đá rất dễ thương vang lên:
– Gấu Xám, Gấu Nâu gì...là anh á hả? Cho biết nhen! Chị Oanh có tui giám sát kỹ lắm rồi, không ai dụ được đâu!
Trời đất! Con bé không khác Oanh chỗ nào cả. Nét môi trề trề cong cong, ánh mắt đen nhánh lúng liếng, mái tóc mượt dài và vóc dáng thon thả gợi cảm.
Có điều Hùng cũng nhận ra ngay đó không phải là Oanh. Phượng có nét gì rất mơ hồ nhưng cũng rất rõ là cô còn ngây thơ, trong sáng chứ không lõi đời như Oanh.
Trước khi quen Oanh, Hùng thấy hai chị em cô một lúc, nhưng trong hai đôi mắt đen rất đẹp chạm mắt anh, có một đôi nhìn với vẻ dửng dưng vô tâm và một đôi mắt nhìn đầy tình ý. Sau đó, Hùng tình cờ gặp Oanh ngoài công viên với đám bạn. Qua cái buông lơi của hàng mi dầy, anh biết ngay đôi mắt “có tình” với anh chính là đôi mắt của cô bé nầy. Quen nhau chớp nhoáng và say nhau đến mức Hùng không để ý đến Phượng. Anh chưa bao giờ gặp riêng, nói chuyện với Phượng cả, nên hôm ấy anh thật sự sửng sốt trước những nét gần như giống hệt nhau của hai cô gái.
Tiếng Long lại ồ ề vang lên:
– Ê Hùng! Có bao giờ mầy đi với con Phượng mà tưởng là con Oanh không?
Hùng cười tủm tỉm:
– Làm gì tệ dữ vậy!
Long nhịp chân:
– Vậy làm sao mày phân biệt được hai chị em nhà nó?
Hùng ra vẻ sành đời:
– À! Thì tao phải có kinh nghiệm riêng chứ!
Long vứt chiếc tàn thuốc xuống đất, rồi dùng gót dí dí lên:
– Tao thấy nhiều cặp sinh đôi rồi. Nhưng phải công nhận chị em Tố Oanh, Tố Phượng giống nhau quá sức. Mấy đứa bạn học chung với tụi nó từ hồi lớp mười đến giờ vẫn còn lộn đó.
Hùng chắc chắn:
– Tao đảm bảo không bao giờ lộn.
Long nói tiếp:
– Theo tao biết, con Oanh mê chơi hơn ham học, con Phượng trái lại chăm học không thích đi chơi. Trong lớp tụi nó thích con Phượng hơn, vì con Oanh của mầy...
Long bỏ lửng làm Hùng bực. Anh hất hàm:
– Không nói thì thôi. Đã nói thì phải nói cho hết.
Long nhún vai:
– Con Oanh tính toán và giả dối. Nó không vừa gì, dám đi chơi với mấy thằng ở lớp tao và xưng là Tố Phượng.
Hùng hầm hầm nhìn Long:
– Mầy nói sao cho đúng nghe!
Hùng cười gượng”.
– Tao thân nên mới nói với mầy. Phần mầy phải tự xem lại coi đúng hay sai chớ? Nếu mầy ghét, tao để bụng cười mầy chơi, không đã hơn sao?
Hùng lạnh lùng nhìn Long. Giọng anh rất hằn học:
– Mầy nói vậy tao cám ơn. Nhưng nếu mầy là bạn tốt thì mầy còn nghe thằng nào nói như thế nữa, mầy chỉ nó cho tao.
Hùng tức tối xoay xoay chiếc ly trong tay. Anh chợt dằn cái ly xuống bàn:
– Sáng mai vào trường tao nhất định phải gặp mặt con bé Oanh. Giờ mầy rảnh không, đi với tao!
Long ngạc nhiên:
– Đi đâu?
Hùng vuốt tóc:
– Đánh bài chơi.
Long hăm hở:
– Có lý! Tao khoái chầu rìa lắm!
Khoảng Đời Lấp Lửng Khoảng Đời Lấp Lửng - Trần Thị Bảo Châu