Chương 1
ời giới thiệu
Émile Zola là nhà tiểu thuyết nổi tiếng của nước Pháp nửa sau thế kỷ 19. Ông được xem như người sáng lập và nhà lý luận của chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Pháp, nhưng ông trở thành nhà văn lớn chính lại nhờ chỗ ông đã vượt lên trên được những nguyên lý của chủ nghĩa tự nhiên để tiến gần đến chủ nghĩa hiện thực, với một số điểm cách tân so với chủ nghĩa hiện thực phê phán cổ điển của Balzac và Stendhal, và mở ra thời kỳ của chủ nghĩa hiện thực phê phán hiện đại.
I. Đời sống và sáng tác
Émile Zola sinh năm 1840 ở Paris, là con một viên kỹ sư. Nhưng vì cha mất từ lúc ông lên bảy, ông qua thời kỳ thơ ấu trong cảnh túng thiếu ở một tỉnh miền Nam nước Pháp. Năm 1860 ông lên ở Paris. Ông có xu huớng văn chương, nhưng không thể hoàn toàn theo đuổi nghề viết văn được vì phải lo kiêm sống; Một thời gian, ông làm viên chức nhà nước, sau đó làm nhân viên đóng hòm, bọc sách cho nhà xuất bản Hachette, đồng thời ông bắt đầu viết báo. Năm 1864 ông cho xuất bản một tập truyện ngắn đề tài quái đản Truyện ngắn do Ninon. Sau đó, vài quyển tiểu thuyết viết theo phong cách lãng mạn tài tử.
Khoảng từ 1865, Émile Zola trở thành nhà văn chuyên nghiệp đứng đầu nhóm Médan [1] và bắt đầu xây dựng lý thuyết về chủ nghĩa tự nhiên. Ông chịu ảnh hưởng sâu xa của nhà phê bình văn học thực chứng luận Hippolyte Taine, đồ đệ của Auguste Comte [2]; ông say mê nghiên cứu tác phẩm của nhà tiến hóa luận Darwin và của nhà bác học Claude Bernard, người khởi xướng phương pháp thực nghiệm trong khoa học. Nói chung, chịu ảnh hưởng của sự phát triển mạnh mẽ của khoa học tự nhiên thời bấy giờ, nhất là sinh vật học và sinh lý học. Émile Zola muốn tìm lối thoát cho văn học đương thời bằng con đường khoa học trong nghệ thuật. Và ông viết cái gọi là “tiểu thuyết thực nghiệm”, lần đầu tiên được thể nghiệm trong tác phẩm Thérèse Raquin (1867). Trong loại tiểu thuyết này, tác giả ít quan tâm đến cốt truyện mà chú trọng nghiên cứu nhân vật về mặt tổ chức sinh lý, loại trừ hoàn cảnh xã hội của chúng, và ông quan niệm sự khủng hoảng tâm lý chỉ là biểu hiện của rối loạn về sinh lý. Trong tựa tiểu thuyết Thérèse Raquin, Émile Zola viết: “Mục đích của tôi trước hết là mục đích khoa học. Các bạn hãy đọc kỹ cuốn tiểu thuyết của tôi, các bạn sẽ thấy mỗi chương là một trường hợp kỳ lạ về sinh lý”.
Song, do ảnh hưởng của tình hình mâu thuẫn xã hội trở nên cực kỳ gay gắt về cuối thời Đế chính thứ hai, sự bất bình chung đối với trật tự hiện hành lên tới cao độ vào đêm trước Công xã Paris, Émile Zola duyệt lại lý thuyết về tiểu thuyết khoa học của ông để hướng nó mạnh hơn về phía những vấn đề xã hội học. Từ năm 1868, ông dự định viết một bản hùng ca rộng lớn phản ánh cuộc sống các giai cấp xã hội dưới thời Đế chính thứ hai, giống như Tấn trò đời của Balzac Đó là bộ tiểu thuyết mang tên Gia đình Rougon-Macquart với phụ đề Lịch sử tự nhiên và xã hội của một gia đình dưới Đế chính thứ hai. Bộ tiểu thuyết lớn đó bao gồm hai mươi cuốn, cuốn đầu, Vận số gia đình Rougon, ra đời năm 1871, và cuốn cuối cùng, Bác sĩ Pascal, ra đời năm 1893. Viết bộ tiểu thuyết này, Émile Zola nhằm hai nhiệm vụ - Một là dựa trên những cứ liệu mới nhất của sinh lý học, quan sát tác động của quy luật di truyền đối với những phần tử của cùng một gia đình mà sống trong những điều kiện xã hội khác nhau. Hai là, sau khi nghiên cứu đời sống ở nước Pháp dưới Đế chính thứ hai, vẽ lên một bức tranh rộng lớn của cả mọi thời kỳ và chỉ ra đời sống của các giai cấp xã hội khác nhau.
Trên thực tế, bộ tiểu thuyết Gia đình Rougon-Macquart kể từ lúc được thai nghén cho đến khi cuốn cuối cùng ra đời, trải qua hơn 25 năm. Trong thời gian dài đó, nước Pháp đã có những thay đổi lớn về mặt chính trị: nền Đế chính thứ hai từ đỉnh cao của nó đã suy sụp với cuộc chiến tranh Pháp - Phổ, nước Pháp thất bại đã trải qua cuộc khởi nghĩa Công xã Paris rồi đi tới thiết lập nền Cộng hòa thứ ba. Cho nên bộ tiểu thuyết không chỉ đóng khung ở những sự kiện của nền Đế chính thứ hai, nó cũng không hợp thành một hệ thống thuần nhất, ngần ấy cuốn truyện như có một sợi dây liên hệ về mặt di truyền và lịch sử nhưng khá lỏng lẻo, cho nên mỗi cuốn lại có chủ đề và hình thức riêng của nó. Dù sao, bộ tiểu thuyết cũng đã đề cập đến những vấn đề xã hội quan trọng bậc nhất của nước Pháp nửa sau thế kỷ 19, nó bao trùm mọi tầng lớp xã hội, từ những giới chính quyền (Đại nhân Eugène Rougon), giới đại tư sản tài chính (Tiền), đến các tầng lớp nhân dân bình thường như thợ thủ công (Quán rượu), công nhân công nghiệp (Germinal), người buôn bán và nhân viên thương nghiệp (Hiệu Hạnh phúc các bà), Đặc biệt Germinal (1885) là cuốn tiểu thuyết Pháp đầu tiên mô tả cuộc đấu tranh của vô sản công nghiệp chống bọn tư sản. Trong bức tranh xã hội đồ sộ này, Émile Zola chứng minh rằng, mặc dầu một số hành động tàn ác, một phong trào nhân dân về căn bản bao giờ cũng nhân đạo, vì nó bảo vệ quyền lợi của đa số chống lại một thiểu số áp bức, và sự nổi dậy của quần chúng là một hình thức đấu tranh tự nhiên và chính đáng của công nhân để khôi phục quyền lợi của họ bị chà đạp.
Tuy nhiên, Émile Zola, về mặt chính trị chỉ là một nhà không tưởng. Sau bộ tiểu thuyết Rougon-Macquart ông viết hai bộ tiểu thuyết mang nhiều yếu tố chính luận: bộ thứ nhắt nhan đề Ba thành phố (1894-1898), chống Nhà thờ, bộ thứ hai nhan đề Bốn cuốn Phúc âm, mới chỉ viết được ba cuốn (1899-1902), trong đó cuốn Lao động nhằm thể hiện tư tưởng của nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Charles Fourier.
Ngoài tiểu thuyết, Émile Zola còn viết một số tác phẩm lý luận về chủ nghĩa tự nhiên như Tiểu thuyết thực nghiệm (1880) và Những nhà tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa (1881), trong đó ông tin ở sức mạnh vạn năng của khoa học và muốn sáng tác văn học áp dụng phương pháp như nghiên cứu khoa học tự nhiên. Và, ngoài hoạt động văn học, Émile Zola còn tham gia hoạt động chính trị, ông đặc biệt nổi tiếng trong vụ án Dreyfus với bức thư Tôi tố cáo - gửi cho Tổng thống Pháp đương thời, dũng cảm kết án chủ nghĩa sô-vanh của giới chính quyền.
Émile Zola mất năm 1902, một cách bất ngờ ở Paris, giữa lúc ông đang còn đầy sinh lực và đầy hứa hẹn trong sự nghiệp sáng tác của ông.
II. Émile Zola và chủ nghĩa tự nhiên
Trước Émile Zola, anh em Goncourt đã từng cho ra đời một cuốn tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa, tuy nhiên người ta vẫn coi Émile Zola là người sáng lập và thủ lĩnh của trường phái tự nhiên chủ nghĩa ở nước Pháp. Chủ nghĩa tự nhiên xuất hiện trong những điều kiện lịch sử đặc biệt của nước Pháp. Một mặt, đó là sự thất bại của phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Pháp kể yừ những ngày tháng Sáu đẫm máu 1848 đưa đến sự thiết lập nền Đế chính thứ hai tối phản động và kết thúc bằng cuộc thất bại thảm hại của nước Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ 1870-1871, liền đó là sự đầu hàng của giai cấp tư sản tàn bạo và cuộc đàn áp tàn bạo của nó đối với cuộc khởi nghĩa Công xã Paris trong tuần lễ đẫm máu 1871, tất cả những sự kiện đó làm người ta mất tin tưởng vào những lý thuyết xã hội chủ nghĩa, khi mà chủ nghĩa tư bản chuyển mình sang giai đoạn tột cùng của nó là chủ nghĩa đế quốc. Mặc khác, đó là sự phát triển mãnh liệt của khoa học tự nhiên, đặc biệt là của sinh vật học và sinh lý học, trên cơ sớ đó xuất hiện chủ nghĩa thực chúng của Auguste Comte, học thuyết về di truyền và đào thải tự nhiên của Darwin, tất cả tạo nên khuynh hướng coi trọng những yếu tố sinh vật, yếu tố di truyền và coi nhẹ những yếu tố xã hội trong sự hình thành tâm lý con người. Chính trong hoàn cảnh đó, chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học đã đi vào con đường suy thoái kể từ Gustave Flaubert, và với Émile Zola, nó chuyển mình thành chủ nghía tự nhiên. Vì vậy những đặc điểm của chủ nghĩa tự nhiên là:
1. Thái độ khách quan chủ nghĩa, phi chính trị đối với thế giới, mượn cớ tôn trọng chân lý khoa học.
2. Giải thích những sự kiện xã hội theo quan điểm sinh vật học và đi tới một thứ chủ nghĩa định mệnh sinh lý.
3. Rời bỏ hình ảnh điển hình của thực tại để đi tới một thứ chụp ảnh những hiện tượng cá biệt.
Tựu trung, có thể xem chủ nghĩa tự nhiên như một biến tướng của chủ nghĩa hiện thực, khi nhà văn mất lý tưởng xã hội và không còn nhìn thấy viễn ảnh xã hội, do đó mất khả năng khái quát hóa, bị chìm ngập vào chi tiết, sự kiện vụn vặt chỉ nhìn thấy cây mà không nhìn thấy rừng. Và chủ nghĩa tự nhiên sẽ áp dụng đơn thuần những quy luật tiến hóa của thế giới động vật vào xã hội con người, cuộc đấu tranh để sinh tồn được xem như quy luật vĩnh cửu của cuộc sống. Trên thực tế, đó chính là sự chứng nhận lối sống của xã hội tư sản được nêu lên thành nguyên lý tuyệt đối.
Đúng là Émile Zola, với những tác phẩm lý luận của ông đã kể ở trên, là nhà lý thuyết không chối cãi được của chủ nghĩa tự nhiên. Nhưng, về mặt sáng tác nghệ thuật, thông qua những tiểu thuyết của ông, thì vấn đề không đơn giản. Đã đành, trong nhiều cuốn tiểu thuyết của Émile Zola, dễ dàng nhận ra những yếu tố tự nhiên chủ nghĩa; chẳng hạn như sự sùng bái sự kiện và mối quan tâm trình bày sự kiện một cách khác quan, hay như ảnh hưởng của những học thuyết về di truyền và đấu tranh sinh tồn khiến nhà văn có phần mô tả con người như những nạn nhân thụ động thảm hại của sinh lý, của di truyền, hay của những bản năng sinh vật, đặc biệt là bản năng sinh dục. Và, không phải nhiều khi người đọc không cảm thấy bực bội vì sự ám ảnh của những chi tiết tự nhiên chủ nghĩa loại đó, đi đôi với sự kiên cường trong vận dụng những lý thuyết sinh vật học đã nói ở trên để mô tả xã hội và con người.
Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì Émile Zola đã không thể trở thành nhà văn lớn. Nếu những nguyên lý tự nhiên chủ nghĩa đã câu thúc những đồ đệ trung thành của trường phái và dẫn tới những tác phẩm đồi bại, bệnh hoạn, như của một Huysmans thì Émile Zola, người thủ lĩnh trường phái ấy lại không bị bó tay vì những nguyên lý của chính mình nêu lên để vươn tới gần một chủ nghĩa hiện thực sâu sắc. Ví như nguyên lý khách quan chủ nghĩa và phi - chính trị của chủ nghĩa tự nhiên, phải đâu trong tiểu thuyết của Émile Zola đã không vang lên mối phẫn nộ mãnh liệt đối với những bất công xã hội, nhất là khi mà bản thân Zola lại tham gia hoạt động chính trị tích cực, như trong vụ án Dreyfus, hay trong thái độ của ông bênh vực những chiến sĩ Công xã Paris đàn áp. Émile Zola cũng không hoàn toàn chỉ nhìn thấy tác động của sinh lý, của di truyền, bởi trong tiểu thuyết của ông vẫn ló ra những nguyên nhân xã hội tạo nên sự nghèo khổ hay sự sa đọa của con người dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Sự thật, Émile Zola không phải là người bi quan, ông không hẳn mất lý tưởng xã hội cũng như viễn ảnh xã hội. Ví như khi còn thai nghén bộ tiểu thuyết Rougon Macquart, lúc mà nền Đế chính thứ hai đang ở thời kỳ cường thịnh, nhà văn đã nhận ra sự suy sụp tất yếu của nó, và chính bộ tiểu thuyết của ông đã thể hiện một phần quy luật xã hội dẫn tới sự sụp đổ đó. Cố nhiên, lý tưởng xã hội của Zola bị hạn chế trong chủ nghĩa xã hội không tưởng của Charles Fourier, nhưng điều đặc biệt đáng chú ý là ông hoàn toàn đứng về phía những kẻ bị áp bức, các tầng lớp nhân dân lao động. Chính vì thế, cộng với tinh thần khách quan khoa học, ông đã đề cập tới phong trào đấu tranh của nhân dân lao động như thợ thủ công (Quán rượu) hay công nhân mỏ (Germinal)... Điều đặc sắc là trong Germinal, lần đầu tiên văn học Pháp vẽ lên được một bức tranh đồ sộ về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống bọn chủ tư bản, ở trong đó, cũng lần đầu tiên xuất hiện nhân vật tích cực, người anh hùng của thời đại mới là một công nhân, Echiên Lăngchiê, trở thành cán bộ công đoàn, đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân. Và, mặc dầu cuốn tiểu thuyết kết thúc bằng cuộc thất bại của công nhân, có thể khẳng định rằng Émile Zola không hề mất tin tưởng ở tương lai của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhất là với những tác phẩm cuối cùng của ông, như tiểu thuyết Lao động (1901).
Vậy là Émile Zola, từ một nhà lý luận của chủ nghĩa tự nhiên, cuối cùng đã bước tới sát chủ nghĩa hiện thực với những điểm cách tân rất đáng kể so với tiểu thuyết hiện thực phê phán cổ điển, và, mặc dù Émile Zola vẫn tự xem mình kế thừa truyền thống của Stendhal, Balzac, có thể khẳng định rằng, ở thời kỳ nổi dậy của bão táp cách mạng vô sản cuối thế kỷ XIX, với những điểm cách tân của ông, Émile Zola đã mở đầu cho thời kỳ của chủ nghĩa hiện thực phê phán hiện đại sau này, với Anatole France, Romain Rolland, Henri Barbusse...
III. Tiểu thuyết Hiệu Hạnh phúc các bà (1883)
Nếu những tiểu thuyết Quán rượu, đề cập tới đời sống của người thợ thủ công và Germinal, vẽ lên cuộc đấu tranh của công nhân mở mang nhiều yếu tố tự nhiên chủ nghĩa khiến cho bức tranh xã hội có phần đen tối vì một thứ quyết định luận sinh lý khá nặng nề, thì tiểu thuyết Hiệu Hạnh phúc các bà, đề cập tới người buôn bán, tới thương nghiệp lại có thể xem như một tác phẩm vào loại sáng sủa, thậm chí lạc quan của Émile Zola, gần gũi với những tiểu thuyết cùng một đề tài của Balzac như Hiệu Chú mèo đánh vợt hay César Birotteau. Vả chăng, chính Zola đã viết trong phác thảo tiểu thuyết Hiệu Hạnh phúc các bà như sau: “Tôi muốn làm một bài ca về hoạt động hiện đại (...) Vậy là, thay đổi hoàn toàn về triết lý: trước hết không còn chủ nghĩa bi quan, không đi tới kết luận về cái ngu xuẩn và nỗi chán chường của cuộc sống, trái lại kết luận về sự cần lao liên tục của nó. Nói tóm lại, đi với thời đại, biểu hiện thời đại nó là một thời đại hành động và chinh phục...”. Đây quả thật là một bước tiến trên tiến trình la7u dài của Émile Zola đi từ bóng tối tư tưởng triết lý bi quan của Schopenhauer [3] tới ánh sáng của một chủ nghĩa xã hội “cứu thế” thể hiện trong bộ tiểu thuyết Bốn cuốn Phúc âm mà Jaurès [4] đã đón chào. Cụ thể trong truyện Hiệu Hạnh phúc các bà, đó là tư tưởng của Mouret, giám đốc Hiệu Hạnh phúc các bà, thắng tư tưởng bạn anh ta là Vallagnosc, mà tư tưởng của Mouret một phần lại do cô gái Denise, nhân viên bán hàng bình thường mách bảo, được cô khuyến khích và củng cố.
Tựu trung, tiểu thuyết Hiệu Hạnh phúc các bà gồm hai câu chuyện lồng vào nhau, dựa vào nhau và tiến triển song song: đó là một chuyện buôn bán và một chuyện tình yêu. Về câu chuyện buôn bán, Émile Zola viết: “Ý kiến đầu tiên của tôi là về một cửa hàng lớn thu hút, đè bẹp toàn bộ nền buôn bán nhỏ của khu phố (...) Tôi sẽ không khóc chúng (những cửa hiệu nhỏ), mà trái lại, là vì tôi muốn chỉ rõ sự thắng thế của hoạt động hiện đại; chúng không còn hợp thời nữa, mặc xác!”. Và quả thật, với ngọn bút hình ảnh sắc cạnh, như trong một bài bút chiến, nhà văn đã vẽ lên sự suy sụp thảm hại của nền thương nghiệp nhỏ trước bước phát triển mãnh liệt, không gì cưỡng lại được, như một quy luật khe khắt tất yếu, của nền đại thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, ở thời kỳ chủ nghĩa tư bản bước tới đỉnh cao của nó, chủ nghĩa đế quốc. Về mặt này, tiểu thuyết Hiệu Hạnh phúc các bà có thể xem như một tư liệu lịch sử sinh động.
Nhưng không phải chỉ có thế, câu chuyện không chỉ mang tính chất kinh tế đơn thuần, mà cái chỗ sinh động của nó lại là ở mặt xã hội - tâm lý. Phải nói rằng Émile Zola đã thành công trong việc khắc họa tâm lý của cả một tầng lớp buôn bán nhỏ, với bao nhiêu trăn trở, quằn quại của nó, trên bước đường bị sự cạnh tranh của buôn bán lớn đưa tới chỗ hấp hối và giãy chết. Một mặt khác, Émile Zola cũng vẽ lên chỗ rõ nét cuộc sống của một lớp người làm thuê, những thư ký hiệu buôn, những nhân viên phục vụ cửa hàng, với số phận bấp bênh, luôn luôn nơm nớp bị ném ra vỉa hè, do sự quyết định độc đoán, tùy tiện của mấy kẻ trong ban giám đốc. Không phải không có bóng dáng cuộc đấu tranh của những người làm thuê đó, ở thời đại mà phong trào công nhân đã bắt đầu dấy lên sau khi chi nhánh Quốc tế lao động I được thiết lập ở nước Pháp (1866). Tuy nhiên, khác hẳn với cuộc đấu tranh sôi sục của công nhân mỏ được vẻ lên trong Germinal, cuộc đấu tranh của những nhân viên bán hàng bị chìm đắm trong bóng của một thứ chủ nghĩa tư bản gia trưởng, nó dễ dàng gắn bó với chủ nghĩa xã hội không tưởng. Hơn thế nữa, ở đây cái lý tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng tự phát nảy sinh ở một cô gái, tuy đã từng trải qua cảnh đau khổ của một nhân viên bán hàng, nhưng lại yêu ông giảm đốc hiệu buôn.
Đến như câu chuyện tình yêu ấy, nó có hơi hướng quyết định luận sinh lý quen thuộc của một Zola tự nhiên chủ nghĩa.
Ngay việc Zola cho cuốn tiểu thuyết của ông cái phụ đề Eros 1883 [5] cũng nói lên điều đó. Và, mới tình ám ảnh riết róng giữa Mouret và Denise quả là có cái gì như một định mệnh khe khắt. Nhưng, có điều là ở đây Émile Zola lại gắn cho cô gái rất mực đáng yêu đó cái chủ nghĩa nhân đạo trừu tượng, cái chủ nghĩa xã hội không tưởng của ông:
“Phải chăng là nhân đạo, phải chăng là công bằng khi mà bao nhiêu sinh mạng hàng năm bị tiêu phí kinh khủng ở các cửa hàng lớn. Và cô (Denise) biện hộ cho lợi ích cơ cấu cỗ máy không vì những lý do tình cảm, mà vì những lý do thuộc về chính lợi ích của các ông chủ (...) Đôi khi, cô cao hứng, cô nhìn thấy hiệu bách hóa to lớn lý tưởng, tổ chức thương nghiệp tập thể (phalanstère du mégoce) ở đó mỗi người có phần lãi đúng đắn của mình, tùy theo cống hiến, chắc chắn cho ngày mai, do một hợp đồng bảo đảm”.
Và, điều oái oăm, cô nhân viên bán hàng bình thường ấy trở thành một “quân sư”, hơn thế, một người chỉ đạo tinh thần với ý định chủ động biến ông giám đốc hiệu buôn thành “con người tốt”! Hơn thế, oái oăm hơn, rắc rối hơn là chính bản thân Mouret, rất mực xinh trai và lịch sự, hấp dẫn đối với phụ nữ, mưu mô khai thác cái nhược điểm ưa mua sắm, ăn diện của phụ nữ để làm giàu, lại bị chính ngay cô gái bình thường ấy chiếm lĩnh tâm hồn, như một sự trả miếng chua cay! Và cuốn tiểu thuyết có phần thấm đượm cái mùi mẫn yêu đương, như chất men làm dậy sức sống của câu chuyện. Hãy đọc:
“Ở gian hàng tơ lụa cũng đông (...). Những bà tái nhợt vì thèm muốn nghiêng xuống như để soi mình. Trước dòng thác tuôn trào đó ai nấy đứng yên với niềm sợ hãi âm thầm bị lôi cuốn vào cảnh xa hoa ngập tràn đến thế, và cả với nỗi khao khát không cưỡng nổi lao mình vào đó và đắm chìm ở đó (...). Nhất là ở gian hàng tơ lụa, trôi qua, một cơn lốc điên cuồng (...). Bản thân Mouret cũng thấy nhu cầu thể chất được tắm mình vào thành công. Anh hết hơi mà khoan khoái, ở đó, tay chân anh như được toàn thể khách hàng ôm hôn triền miên”.
Nếu như cái sức hấp dẫn “trai gái” đó, ở tiểu thuyết Hiệu Hạnh phúc các bà, không trở thành cái gì nặng nề quá quắt như ở một số tác phẩm khác của Émile Zola, là vì nó làm nền cho hai cuộc đấu tranh gay gắt, căng thẳng, một là cuộc đấu tranh giữa buôn bán nhỏ và buôn bán lớn, như đã nói ở trên, được trình bày dưới hình ảnh huyền thoại hóa của cỗ máy quái vật nuốt dần cả khu phố, hai là cuộc đấu tranh nội bộ giữa những nhân viên bán hàng thể hiện cái học thuyết đấu tranh sinh tồn nằm trong tiến hóa luận của Darwin. Và ở đây, lại ló ra cái nhược điểm của Zola tự nhiên chủ nghĩa phần nào máy móc áp dụng quy luật sinh vật học vào cuộc sống xã hội của con người.
Cuối cùng, phải nói đến một ưu điểm thuộc về phong cách của Émile Zola, đó là sự phong phú về chi tiết đòi hỏi ở nhà văn công phu sưu tầm, đi sâu nghiên cứu như một nhà khoa học, khiến ông đã có thể dựng lên hình ảnh đồ sộ, mang tính sử thi, của một cửa hàng bách hóa, giải thích hùng hồn sự thắng thế của cái mà tác giả ca ngợi gọi là “hoạt động hiện đại”, thậm chí trước “bài ca thương nghiệp” đó, người đọc chúng ta ngày nay (đặc biệt là độc giả Việt Nam) vẫn không thấy là cái gì đã lỗi thời.
Tháng 8-1983
Trọng Đức
------------------------------------------
[1] Médan: tên một câu lạc bộ văn học do Zola sáng lập để tập họp một số nhà văn đương thời như Guy de Maupassant.
[2] Auguste Comte (1798-1857): nhà triết học Pháp sáng lập chủ nghĩa thực chứng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện trong nghiên cứu khoa học, nhưng dừng lại ở hiện tượng mà không đi sâu vào bản chất, vào quy luật của sự vật.
[3] Schopenhauer (1788-1860), nhà triết học Đức, mà tư tưởng bi quan có ảnh hưởng lớn ở nửa sau thế kỷ 19.
[4] Jaurès (1659-1914): chính khách Pháp nổi tiếng, người sáng lập ra Đảng Xã hội Pháp.
[5] Eros có nghĩa là thần Ái tình, và cũng có nghĩa là tình dục.
Hiệu Hạnh Phúc Các Bà Hiệu Hạnh Phúc Các Bà - Emile Zola Hiệu Hạnh Phúc Các Bà