Viết để tạ ơn mẹ cha, anh em và những người cho tôi ân tình làm hơi thở cuộc sống. Viết để thứ tha cho những ai đã cho tôi nếm chén đắng khổ đau vì nhờ họ mà tôi có thêm kinh nghiệm để yêu người và yêu mình hơn nữa.
o O o
Chương 1
ó lẽ suốt đời tôi vẫn là người luôn khao khát tình cha, cho dù tôi không thể hình dung cha tôi là một mẫu người như thế nào. Thời thơ ấu, khi tôi vừa có đủ trí khôn để biết mình không được quyền vòi vĩnh những món đồ chơi tầm thường mà những đứa trẻ cùng trang lứa trong cái xóm trung lưu này vẫn thường có, tôi đã không thấy sự hiện diện của cha trong gia đình. Có điều, nhìn vào căn nhà bề thế của mẹ mà tôi đang sống từ khi tôi mới lọt lòng ở số 308/2 đường Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, tôi mơ hồ hiểu rằng đã có thời mẹ rất khá giả, nhưng thời đó đã qua lúc nào tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết giờ đây cả nhà đang lâm vào cảnh khó khăn và tôi phải chịu bỏ học từ khi vừa xong lớp sáu.
Mẹ tôi, người đàn bà nhan sắc nhưng có lẽ đã phải trải qua những điều không may trong đời sống lứa đôi lại không quen chịu đựng khổ cực bởi thể chất yếu đuối nên khó lòng kham nổi một nách với đàn con bảy đứa mà chỉ mình tôi là con gái, trong số đó anh Hai tôi lại thường lầm lì ít nói, tánh tình lại dỡ dỡ, ương ương như kẻ không bình thường. Tôi không hiểu mẹ có mang trong lòng nỗi đau nào không để trở nên lạnh lùng đến độ dửng dưng, nhưng chưa bao giờ mẹ nói với chúng tôi về cha mà bà chỉ thường xuyên nhắc nhở anh em chúng tôi sống không có cha thì phải biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Tôi tự hình dung trong đầu hình ảnh cha bằng xương bằng thịt theo trí tưởng tượng non nớt của mình để những lúc cô đơn, tôi vẫn gọi cha ơi bằng cả niềm tha thiết. Không biết bao lần tôi đã chôn chân ở một góc phố thèm khát nhìn theo những đứa trẻ cùng trang lứa với mình được bước đi bên cạnh cha, được cha nâng niu săn sóc mà thấy tủi thân đến rưng rưng nước mắt. Nhiều khi bắt gặp đâu đó bóng dáng một bác xích lô gò tấm lưng gầy guộc, ướt đẫm mồ hôi đạp xe ngược xuôi trên phố, hay một bác ba gác oằn mình đẩy một xe gạch nặng nề vào một con hẻm nhỏ, tôi ước ao đó là cha mình. Tôi sẽ ôm chầm lấy cha, rúc vào lòng cha để được nói vơi cha rằng: “Cha ơi con thương cha lắm!”. Đến niên thiếu, nhiều đêm dài tôi ấp ủ, mơ mộng hình ảnh của cha để rồi viết nên những bài thơ hồn nhiên, vụng về mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ:
 
“Con thương cha lắm cha ơi
Một mình con, lúc đi chơi cũng buồn
Đêm nằm con nhớ cha luôn
Mộng mơ cha đứng bên đường chờ con”
Đến lớn khôn, những lúc trên bước đường cùng, ngồi xót phận mình, tôi lại tưởng tượng đến cha bằng những vần thơ chua chát:
 
“Cha ở đâu? Đêm nay lòng con sầu thảm
Nhớ thương cha lệ ứa lưng tròng
Con mơ hồ cha là suối, là sông
Là gió, là mây, là trời, là biển
Là xương thịt cho đời con hiển hiện
Là trái tim đập nhịp yêu thương
Che chở cho con trên vạn nẻo đường”
Rồi một hôm, vào năm tôi lên tám hay lên chín gì đó, lần đầu tiên tôi loáng thoáng nghe mẹ nhắc đến cha với một vài người bạn thân của mẹ rằng cha đã qua đời. Không dám hỏi nhưng tôi đã âm thầm khóc một mình. Cha tôi, người cha mà tôi chưa hề biết mặt đã không còn, thế là ước mơ có ngày được gặp cha, được sống trong tình yêu thương của cha, được cha che chở đùm bọc như bao đứa trẻ khác sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.Tôi chờ đợi ở mẹ những giọt nước mắt như tôi đã từng nhìn thấy những dòng nước mắt nhạt nhòa, đau đớn của vài nhà hàng xóm mà tôi từng chứng kiến khi chồng, cha họ qua đời. Nhưng không, mẹ vẫn dửng dưng và bình thản như mọi ngày trong khi lòng tôi lại đau như cắt. Bao năm tháng đi qua, sống bên cạnh sự lạnh lùng và vô cảm của mẹ, trong ước mơ non nớt của tôi vẫn nuôi một hi vọng mãnh liệt là có ngày sẽ được gặp cha. Thế mà giờ đây, cha đã thành người thiên cổ, số phận sao mà cay nghiệt với tôi đến thế.
Nhiều người nói tôi may mắn được trời cho cái nhan sắc ngời ngợi như mẹ ắt sau này cuộc đời sẽ lắm an nhàn. Nhưng không, tôi đã trải qua lắm gian truân từ thuở thiếu thời. Những gian truân mà giờ đây có kể ra cũng chẳng mấy ai tin bởi ngoài sức tưởng tượng của con người. Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, tôi thấy thương mình muốn khóc và cũng không hiểu nổi tại sao một con bé ngô nghê như tôi lại có thể vượt qua được những bão tố triền miên luôn ập xuống đời mình. Mẹ vốn không quen với cuộc sống tảo tần bởi một đời chẳng làm gì nặng nhọc. Hơn nữa, dạo này xem chừng sức khỏe của mẹ không còn được như xưa, cứ nay đau, mai ốm trong khi kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Mới mười tuổi đầu, tôi chưa biết gì về ý thức trách nhiệm gia đình mà chỉ cảm thấy thương yêu vô cùng những anh em ruột thịt của mình. Và chính tình yêu thương vô bờ bến đó về sau này đã biến thành niềm tin, cho tôi sức mạnh để đấu tranh với cuộc sống và biết hi sinh. Tôi trở thành cô bé lọ lem gánh nặng trên vai bao điều cơ cực kể từ buổi sáng mẹ trở bệnh và bất lực nó với anh em chúng tôi vẫn bằng cái giọng lạnh lùng:
- Mẹ sẽ về dưới quê tạm sống với dì một thời gian để lo chữa bệnh, mẹ không còn đủ sức để lo cho các con. Ở trên này, các con phải đùm bọc lẫn nhau, thỉnh thoảng mẹ sẽ cố gắng kiếm chút đỉnh gạo, tiền gửi lên cho các con đắp đổi qua ngày.
Thế là mẹ đi. Mẹ gửi gắm chúng tôi lại cho vài nhà hàng xóm thân tình rồi đi. Ngày đầu tiên không có mẹ, lòng tôi sợ hãi vô cùng, căn nhà trở nên hoang vắng, đêm nghe tiếng thạch sùng chắc lưỡi cũng giật mình hoảng hốt.Trong khi anh Hai tôi thì dường như chẳng hề lo lắng, chẳng biết buồn vui là gì, cứ như một người vô cảm. Còn lại sáu chị em chúng tôi mà đứa này cách đứa kia năm một chỉ biết nhìn nhau mà không dám khóc. Bản năng sinh tồn của con người quả thật kinh khủng, không còn mẹ bên cạnh, tôi trở thành trụ cột trong gia đình, hàng ngày phải lo cơm nước cho cả nhà như một người nội trợ thuần thục. Có gì khó khăn ngoài sự hiểu biết của mình, tôi lại chạy qua những nhà hàng xóm tốt bụng nhờ chỉ vẽ và dường như chẳng ai nỡ lòng từ chối. Có điều tôi còn non dại quá, tôi chưa đủ trí khôn để tiên liệu rồi những đồng bạc ít ỏi mà mẹ để lại sẽ nhanh chóng cạn dần và anh em chúng tôi sẽ bươn chải cách nào để kiếm sống. Vậy mà chúng tôi vẫn sống dù là sống trong cùng khổ, nhục nhằn và hầu như suốt thời niên thiếu của tôi, miếng cơm nào cũng có vị mặn của nước mắt.
Cuộc sống gian lao đã cướp đi sự hồn nhiên của tôi rất sớm. Mười tuổi, tôi đã thấm thía bởi sự hành hạ của cơn đói triền miên, đã biết hi sinh cho các anh em mình từng hơi thở cuộc sống. Hết tiền, những ngày đầu tôi chẳng biết làm gì ngoài việc chạy quanh mấy nhà hàng xóm thân tình mà mẹ đã gởi gắm để xin cơm đem về cho anh em chúng tôi qua bữa. Thoạt đầu ai cũng sốt sắng, không chỉ cho chúng tôi đủ cơm no mà còn cho cả thức ăn đầy đủ. Đêm, anh em chúng tôi không dám nằm xa nhau mà dồn chung vào một phòng nằm sắp lớp như cố nương tựa vào nhau để tìm sự che chở mong manh. Tôi bắt đầu biết lo sợ ngày mai, tôi không muốn có ngày mai mà chỉ mong đêm dài vô tận, dài thăm thẳm cho đến ngày mẹ trở về. Nhưng cho dù lúc này mẹ có trở về đi nữa thì chắc chắn cuộc sống anh em chúng tôi vẫn không thể khá hơn, bởi mẹ không phải là người giỏi xoay xở, mẹ đã bất lực bỏ đi như không còn sức chịu đựng hơn nữa. Lòng hảo tâm của những láng giềng đầy ắp tình người rồi cũng cạn dần, chẳng lẽ người ta phải nuôi anh em chúng tôi mãi khi họ cũng chẳng lấy gì làm dư dả trong thời buổi cả xã hội cùng đang gặp phải khó khăn chung. Hơn nữa, chẳng ai buộc phải có trách nhiệm gì với anh em chúng tôi ngoài tình nghĩa xóm giềng, mà tình nghĩa xóm giềng như thế cũng là quá đẹp đẽ. Dần dà, chỉ còn mỗi dì Núi, một người bạn không thân với mẹ cho lắm ở cuối hẻm, dù gia đình dì cũng gặp khó khăn trăm bề nhưng vẫn dang rộng vòng tay cưu mang ngày một bữa chỉ tạm đủ cơm lưng lững nên chẳng còn cách nào khác hơn là anh em chúng tôi phải dắt díu nhau ra đường kiếm sống sau khi được các dì hàng xóm,bạn cũ của mẹ khuyên nhủ, động viên một cách chân tình:
- Hết cách rồi Phượng ơi! Xóm giềng như thế cũng đã cạn tình, cạn nghĩa rồi. Thôi thì mỗi ngày mày dắt mấy em ra đường xin ăn, thiên hạ không thiếu những người giàu lòng nhân ái đâu, chẳng lẽ cứ ở nhà chờ chết đói cả lũ. Thấy mày xinh đẹp như thế người ta cũng dễ động lòng, khi nào không bươn chải được nữa, các dì sẽ tính phụ mày.
Thoạt nghe, tôi rất ngại, tôi không sợ xấu hổ mà chỉ lo không biết nói năng như thế nào để kiếm được chén cơm, lỡ người ta không cho mà còn đánh đập thì sao? Nhưng làm gì còn có một con đường nào khác nữa cho tôi lựa chọn, ngờ đâu, chính con đường tủi nhục này là một trường học quá lớn dạy cho tôi nhiều điều mà mãi đến khi lớn khôn tôi mới tiêu hóa được hết đắng cay mỗi khi nhớ lại để thấm thía : Làm người quả lắm gian truân.
o O o
Tôi không còn cách lựa chọn nào khác là phải lê gót xin ăn để đắp đổi qua ngày. Ngày đầu sống kiếp cái bang, tôi còn rất hồn nhiên, chẳng chút ngượng ngùng nhưng cũng cảm thấy tủi thân đến rưng rưng nước mắt. Cõng thằng Huy, em thứ sáu của tôi trên vai, tôi chỉ dám quẩn quanh trong xóm làm thứ ăn mày hẻm nhỏ. Đến nhà nào, tôi cũng đứng tần ngần trước cửa, ca cẩm mỗi một điệp khúc quen thuộc :
- Cô, dì ơi! Cho con xin chút cơm nguội đem về nuôi em.
Không ít người hiểu rõ hoàn cảnh của anh em chúng tôi đã sốt sắng, vét hết phần cơm còn lại trong nồi cho tôi kèm theo những lời thương xót. Nhưng cũng có những người không biết chúng tôi ở cùng xóm đã buông giọng khó chịu :
- Mày đi nhà khác mà xin, nhà tao làm gì có cơm nguội mà cho.
Thậm chí có người còn chì chiết nặng nề :
- Ăn xin cái gì, hôm qua có mấy đứa như mày đến nhà tao xin cơm, tao mới bước ra sau bếp chưa kịp đem cơm ra cho, tụi nó đã quơ mấy bộ quần áo phơi trước hiên rồi biến mất. Thương người chỉ hại đến mình. Tưởng quân ăn mày té ra ăn cắp. Từ rày có cơm dư cũng đổ chó ăn chứ chẳng dại đem cho chúng mày !!!
Những lần bị cư xử như thế, bước chân tôi như nặng nề thêm mà nước mắt lưng tròng. Không, không bao giờ tôi dám làm một đứa trẻ ăn cắp cho dù có bị dồn vào bước đường cùng. Dần dà, hầu như mọi nhà trong con hẻm 308 Hoàng Văn Thụ này đều biết mặt tôi, không có nhà nào mà không từng ít nhất một lần đã cho tôi những chén cơm cứu tử. Một buổi chiều, tôi cõng em đến trước nhà của một dì vẫn thường cho chúng tôi cơm. Có lẽ hôm đó dì đang gặp chuyện bực mình nên vừa thấy tôi lấp ló ngoài cửa, dì đã không còn nhìn bằng ánh mắt nhân từ như mọi khi mà đã lớn tiếng :
- Tao đâu có mắc nợ mà ngày nào cũng phải nuôi cơm tụi bay.
Thế là tôi biến ngay và không bao giờ còn dám lại ăn xin nhà dì nữa. Về sau mỗi lần có đi ngang qua, tôi cũng bước thật lẹ mà chẳng dám nhìn vào bên trong. Từ biến cố đó, tôi nhận ra rằng: không thể nào tiếp tục kiếm ăn quanh quẩn chỉ trong con hẻm nhà mình thôi, bởi lòng nhân ái của xóm giềng riết rồi cũng trở nên bão hòa, đó cũng là lẽ thường tình. Đối với con người thì bất cứ thứ tình cảm nào dù thiêng liêng đến mấy cũng chỉ tràn đầy ở thuở ban đầu và nếu cứ kéo dài mãi sẽ vơi cạn, thậm chí sẽ làm cho trái tim người ta chai lì cảm xúc. Tôi quyết định mở rộng lộ trình khất thực nhưng cũng chỉ trong vài con hẻm lân cận chứ không dám bước ra ngoài mặt tiền đường phố. Ẩn nấp trong không gian hẻm nhỏ không làm cho một con bé ăn mày như tôi sợ sệt và cô đơn như ở ngoài phố xá thênh thang. Ở địa bàn mới này, hầu như chẳng có ai quen, tôi là một khuôn mặt mới cho nên nhiều người đã nhìn tôi đầy lòng thương xót như buổi đầu, nhưng cũng không thiếu những ánh mắt nghi kị bởi chẳng biết tôi từ đâu tới. Hơn nữa, thói thường ai cũng nghĩ ăn xin với ăn cắp vặt chỉ cách nhau một lằn ranh quá mỏng manh. Ở đây, nhà nào cũng có nuôi một vài con chó, để canh trộm cũng có mà để làm kiểng cũng có. Tôi không ưa lũ chó già mồm và hung hăng này, cái lũ chó láu cá luôn nhìn mặt để bắt hình dong. Hễ thấy những người ăn mặc tử tế, bọn chúng chỉ sủa qua loa, bằng giọng sủa có phần lịch sự, có khi còn im thin thít. Còn như thấy bọn ăn mày chúng tôi và đám ve chai ngang qua thì chúng nó không chỉ sủa hết công suất mà còn nhe nanh, nhe vuốt như sẵn sàng vồ lấy để xé xác ra từng mảnh.
Nhếch nhác đến thế mà tôi cũng xoay đủ cơm để nuôi sống sáu miệng ăn từ tháng này sang tháng khác. Một buổi trưa, tôi cõng em Huy về nhà với một bịch ni-lông đầy cơm trên tay thì thấy mẹ đã ở trong nhà từ lúc nào. Trông mẹ hơi gầy hơn trước. Vẫn với sự lạnh lùng cố hữu, mẹ nói mẹ lên khám bệnh và mang theo cho anh em chúng tôi mấy kí gạo, dưa mắm, cá khô và ít tiền lẻ. Nhìn tôi cơ cực, hốc hác chắc lòng mẹ cũng đau lắm nhưng biết làm gì hơn! Thể chất mẹ vốn yếu đuối nay lại thêm bệnh tật nên cũng đành bất lực nhìn đàn con nheo nhóc. Nhưng có mẹ bên cạnh, tôi vẫn thấy an tâm, nỗi cô quạnh như tan biến và mơ hồ thấy mình được đùm bọc che chở. Mẹ ở lại với anh em chúng tôi vài hôm rồi quay trở lại dưới quê. Từ đó thỉnh thoảng mẹ về rồi lại đi nhưng cũng chẳng bao giờ nói trước. Tôi thì vẫn hàng ngày cõng em trên lưng, lê bước chân trần lang thang trong mấy con hẻm để kiếm ăn. May mà tôi chưa biết thấm thía nỗi buồn thân phận, chưa biết nghĩ đến tương lai mù mịt mà đau đớn. Và cơ cực mãi rồi cũng thành quen để dễ dàng chịu đựng mà chẳng hề biết mình đang chịu đựng.
Hạt Bụi Còn Vương Hạt Bụi Còn Vương - Ngô Thị Bích Phượng Hạt Bụi Còn Vương