Gặp Lại epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 1 -
hoảng trời phía trên vịnh San Francisco rực đỏ. Bên ngoài cửa sổ máy bay, cầu Golden Gate nhô ra từ một đám mây mù. Máy bay chúc thấp đầu về phía Tiburon, hạ dần độ cao, hướng về phía nam rồi ngoặt lại, bay vòng phía trên cầu San Mateo. Ngồi trong máy bay, có cảm giác như nó đang tự trượt dần về phía những cánh đồng muối hắt lên hàng ngàn tia sáng.
Chiếc Saab mui trần luồn lách giữa hai chiếc xe tải, vượt chéo qua ba làn xe, lờ đi những cú nháy đèn pha cảnh báo của một vài tài xế bất bình. Xe rời đường cao tốc 101 và vừa kịp để rẽ ngay vào làn đường dẫn ra sân bay quốc tế San Francisco. Đến chân dốc, Paul đi chậm lại để xem bảng chỉ dẫn đường. Anh thở hắt ra khi thấy mình bị nhầm đường rồi cho xe lùi lại hơn trăm mét để đến được lối vào bãi đậu xe.
Trong buồng máy, máy tính trên bàng điều khiển thông báo đang ở độ cao bảy trăm mét. Khung cảnh tiếp tục thay đổi. Vô số toà nhà chọc trời, cái này hiện đại hơn cái khác, nổi bật lên trong ánh hoàng hôn. Những cánh trập của máy bay xoè ra, mở rộng bề mặt của máy bay và giúp nó giảm thêm tốc độ. Tiếng ồn khô khốc từ càng hạ cánh sắp sửa phát ra.
Bên trong sân bay, trên bảng chỉ dẫn đã hiện lên thông báo chuyến bay AF 007 vừa hạ cánh. Paul hồng hộc chạy xuống từ cầu thang cuốn và lao vội ra lối đi. Sàn đá hoa trơn bóng, anh trượt chân ở chổ rẽ, túm ngay được tay áo của một viên lá trưởng đang đi ngược chiều, vội vã xin lỗi rồi lại chạy đi như điên.
Máy bay Airbus A 340 của hãng Air France tiến từ từ trên đường băng, cái đầu ngộ nghĩnh của nó áp sát lại gần bức tường kính của sân bay một cách đầy ấn tượng. Tiếng ồn của động cơ máy bay bị một tiếng rít dài làm át đi, và đường ống nối máy bay với sân bay được kéo ra áp sát tận thân máy bay.
o O o
Phía sau tấm vách ngăn ở lối ra của hành khách xuống từ các chuyến bay quốc tế, Paul gập người, tay chống vào đầu gối, thở lấy hơi. Cửa mở, và dòng hành khách đầu tiên bắt đầu ùa ra.
Từ xa, tay vẫy rối rít giữa đám đông, Paul len lỏi lách đến chỗ bạn thân nhất của mình.
- Cậu ôm tớ hơi chặt quá đấy – Arthur nói với Paul khi bạn ôm hôn anh.
Cô bán hàng ở một quầy gần đó nhìn họ, cảm động.
- Thôi đi, trông bắt đầu chướng rồi đấy – Arthur lại nói.
- Thì tớ nhớ cậu mà, cậu biết đấy – Paul vửa nói vừa kéo bạn về phía thang máy dẫn xuống bãi đậu xe; Arthur nhìn anh, vẻ giễu cợt:
- Chiếc áo Hawais này là cái trò gì vậy, cậu tưởng cậu là Magnum à?
Paul nhìn vào gương ở buồng thang máy, vừa bĩu môi vừa cài cúc áo lại.
- Tớ đã đến mở cửa cái nhà mới của cậu ở Delahaye Moving rồi – Paul nói. – Hôm kia hãng dịch vụ dọn nhà đã chuyển các hòm đồ của cậu đến. Tớ đã dọn dẹp một tí trong khả năng của tớ. Cậu đã mua hết cả Paris hay vẫn để lại vài ba thứ trong các cửa hàng của họ?
- Cảm ơn cậu đã giúp; nhà trông có được không?
- Rồi cậu sẽ thấy, tớ nghĩ là cậu sẽ thích, hơn nữa nó lại không xa nơi làm việc.
Từ khi Arthur kết thúc việc xây dựng trung tâm văn hoá đồ sộ, Paul đã ra sức thuyết phục bạn trở về sống ở San Francisco. Sự ra đi của người được Paul quý như anh em ruột thịt đã tạo nên một khoảng trống không gì bù đắp nổi trong cuộc đời anh.
- Thành phố chẳng thay đổi mấy nhỉ - Arthur nói.
- Bọn mình đã xây hai toà nhà cao tầng ở giữa phố 14 và phố 17, một khách sạn và mấy văn phòng, vậy mà cậu lại cho rằng thành phố không thay đổi hả?
- Công ty của bọn mình thế nào?
- Nếu không tính đến những vấn đề gặp phải với các khách hàng Paris của cậu thì mọi việc cũng không đến nỗi. Hai tuần nữa Maureen sẽ đi nghỉ về, cô ấy có để lại cho cậu vài chữ ở phòng làm việc đấy, cô ấy rất nóng ruột mong gặp lại cậu.
Trong thời gian thực hiện công trình ở Paris, Arthur và cô trợ lý ngày nào cũng nói chuyện điện thoại với nhau nhiều lần, cô giải quyết cho anh tất cả những việc đang làm dở.
Suýt nữa thì Paul bỏ lỡ mất lối ra khỏi đường cao tốc, anh lại lái xe xuyên chéo để rẽ vào nhánh đường dẫn đến phố số 3. Một dàn hợp xướng những tiếng còi xe vang lên để đáp lại cái thao tác nguy hiểm đó.
- Tôi rất tiếc – anh vừa nhìn vào gương chiếu hậu vừa nói.
- Ồ, cậu đừng lo, cậu mà biết quảng trường Étoile thì cậu chẳng còn sợ gì nữa hết.
- Đó là cái gì vậy?
- Bãi chơi trò ôtô húc nhau lớn nhất thế giới, mà lại không mất tiền!
Arthur tranh thủ lúc xe dừng lại ở ngã tư tại đại lộ Van Ness để ấn nút điện mở mui xe. Mui xe gập lại với một tiếng ken két ghê tai.
- Tớ không thể từ bỏ cái xe này được, - Paul nói – nó hơi bị thấp khớp một tí nhưng vẫn vững vàng đấy.
Arthur hạ cửa kính xuống và hít không khí từ biển thổi vào.
- Sao, Paris thế nào? – Paul hỏi vẻ đầy nhiệt tình.
- Có nhiều người Paris!
- Thế các cô gái Paris ra sao?
- Lúc nào cũng thanh lịch!
- Thế cậu với các cô gái Paris thì thế nào? Cậu có cuộc tình nào không?
Arthur im lặng một lúc rồi mới trả lời.
- Tớ không phát nguyện làm thầy tu đâu, nếu tớ hiểu đúng ý cậu hỏi.
- Tớ nói về những mối quan hệ nghiêm túc cơ. Cậu có yêu ai không?
- Còn cậu? – Arthur hỏi lại.
- Độc thân!
Chiếc Saab rẽ sang Pacific Street, đi lên phía bắc thành phố. Đến ngã tư Filmore, Paul đỗ xe lại sát vỉa hè.
- Chúng mình đang ở trước home sweet home mới của cậu đây; tớ hy vọng là cậu sẽ thích, nếu cậu không thấy thoải mái ở đây thì mình vẫn có thể thu xếp với hãng bất động sản. Chọn nhà cho người khác không phải dễ…
Arthur ngắt lời bạn, anh sẽ thích nơi này, anh đã tin chắc là như vậy.
Họ vác hành lý đi ngang qua lối vào của toà nhà nhỏ. Thang máy đưa họ lên tầng ba. Khi đi dọc hành lang đến trước căn hộ số 3B, Paul thông báo với Arthur rằng anh đã gặp hàng xóm của Arthur, “một người đẹp”, anh vừa thì thào như vậy vừa mở khoá cánh cửa trước mặt.
Từ phòng khách nhìn ra là những mái nhà của Pacific Heights. Đêm đầy sao tràn vào căn phòng. Các nhân viên dọn nhà thuê đã đặt rải rác chỗ này chỗ khác những món đồ gỗ gửi từ Pháp sang và đã dựng lên chiếc bàn vẽ đặt đối diện với cửa sồ. Những thùng sách đã được dỡ ra và sách đã được bày chật trên các giá.
Arthur lập tức dịch chuyển đồ đạc, xoay chiếc đi văng ra đối diện cửa kính, đẩy lại một chiếc bành về phía lò sưởi nhỏ.
- Tớ thấy là cậu vẫn chưa bỏ được cái thói gàn dở của cậu.
- Như thế này hay hơn chứ?
- Hay lắm – Paul trả lời. – Bây giờ cậu đã thấy thích chưa?
- Tớ có cảm giác đúng là ở nhà mình!
- Vậy là cậu đã trở lại thành phố của cậu, khu phố của cậu, và nếu có thêm đôi chút may mắn thì còn là trở lại với cuộc đời cậu nữa đấy!
Paul dẫn bạn đi xem những căn phòng khác, phòng ngủ khá rộng rãi, đã kê sẵn một cái giường to, hai cái bàn nhỏ đầu giường và một chiếc bàn chân quỳ. Một vệt trăng lọt qua khe cửa sổ nhỏ của buồng tắm ở kế bên, Arthur lập tức mở cửa số ra, khung cảnh nhìn thật đẹp.
Paul khổ sở vì phải bỏ rơi bạn ngay buổi tối Arthur vừa mới trở lại, nhưng anh phải đi dự buổi chiêu đãi để bàn chuyện làm ăn: công ty anh đang tranh thầu một dự án quan trọng.
- Giá mà tớ đi cùng với cậu được – Arthur nói.
- Với cái đầu hãy còn bị lệch múi giờ của cậu, cậu ở lại nhà thì tớ thích hơn! Mai tớ sẽ ghé qua đón cậu và sẽ dẫn cậu đi ăn trưa.
Paul ôm vai Arthur rồi nhắc lại rằng anh rất vui vì Arthur đã trở về. Bước ra khỏi buồng tắm, anh quay lại, chỉ tay vào bức tường trong đó:
- À! Có một điều rất tuyệt trong căn hộ này mà cậu còn chưa nhận ra.
- Cái gì vậy? – Arthur hỏi.
- Không hề có một cái tử tường nào cả!
Giữa San Francisco, một chiếc Triumph màu xanh lá cây bóng nhoáng lao vun vút ở đại lộ Pottrero. John Mackenzie, trưởng ban bảo vệ bãi đậu xe của bệnh viện Memorial San Francisco, đặt tờ báo xuống. Ông đã nhận ra tiếng máy nổ rất đặc biệt phát ra từ chiếc ôtô của cô bác sĩ trẻ ngay khi cô vừa mới vượt qua chỗ cắt với phố 22. Lốp xe nghiến kin kít trước chòi gác của ông, Mackenzie rời khỏi ghế và nhìn về phía cái mui xe đã thò vào dưới thanh chắn đến tận tấm kính trước cửa xe.
- Cô phải đi mổ khẩn cấp cho ông trưởng khoa, hay cô làm như thế chỉ đề chọc tức tôi thôi – Ông bảo vệ vừa lắc đầu vừa hỏi.
- Bớt đi một tí ađrênalin thì không có hại gì cho tim của bác đâu, bác phải cảm ơn tôi chứ, bác John. Bác làm ơn cho tôi vào với?
- Cô không có ca trực đêm nay, tôi không dành chỗ cho cô.
- Tôi để quên cuốn giáo trình phẩu thuật thần kinh ở trong tủ của tôi, tôi chỉ vào một chút thôi.
- Với công việc của cô và cái xe phóng như điên này, rồi cô sẽ tự giết mình thôi, bác sĩ ạ. Ô số 27, hàng cuối cùng bên phải, còn trống đấy.
Lauren cảm ơn ông bảo vệ bằng một nụ cười, thanh chắn được nâng lên và cô đạp ngay vào chân ga; lốp xe lại kêu kin kít. Gió thổi bật lên vài món tóc trước trán cô, để lộ ra vết sẹo trên trán, dấu tích của một vết thương cũ.
o O o
Một mình ngồi giữa phòng khách, Arthur làm quen với cái nhà mới. Paul đã đặt một dàn hifi nhỏ trên một giá sách.
Anh bật đài lên và xăng xái mở những thùng đồ còn lại đang xếp chồng trong một góc. Tiếng chuông cửa vang lên, Arthur ra mở cửa. Một bà cụ đẹp lão đưa tay về phía anh.
- Tôi là Rose Morrison, hàng xóm của anh.
Arthur mời bà vào, nhà nhưng bà từ chối.
- Tôi cũng muốn trò chuyện với anh lắm, - bà nói – nhưng tối nay tôi rất bận. Thế này nhé, chúng ta hãy thống nhất với nhau, không có nhạc rap, không có nhạc techno, R&B thì có thể được nhưng chỉ loại chất lượng thôi, còn đối với hip hop thì để xxem đã. Nếu anh cần gì thì cứ bấm chuông cửa nhà tôi, bấm mạnh lên một tí, tôi điếc đặc đấy!
Bà Morrison quay đi ngay lập tức. Thú vị, Arthur còn đứng lại vài giây ở ngưỡng cửa rồi mới quay vào tiếp tục công việc.
Một giờ sau, cái dạ dày cồn cào nhắc anh nhớ rằng anh chưa ăn gì sau bữa ăn trên máy bay. Anh mở tủ lạnh ra tuy chẳng hy vọng gì mấy và ngạc nhiên nhìn thấy một chai sữa, một tảng bơ, một gói bánh mì cắt lát để nướng, một bịch mì sợi tươi và vài dòng chữ của Paul chúc anh ăn ngon miệng.
Gian đại sảnh của khoa cấp cứu đầy ứ. Băng ca, ghế lăn, ghế bành, ghế dài, chổ nào cũng có người. Sau tấm kinh nơi cửa tiếp đón, Lauren xem danh sách nhập viện. Tên của các bệnh nhân đã được khám chữa bệnh vừa mới được xoá khỏi tấm bảng to màu trắng là đã có ngay tên khác thay vào.
- Tôi đã bỏ lỡ mất một trận động đất à? – Cô hỏi người trực ban bằng giọng đùa cợt.
- May mà chị đến, mọi người đang ngập đầu ngập cổ đây.
- Tôi thấy rồi! Xảy ra chuyện gì vậy?
- Một cái xe kéo bị tuột ra khỏi xe tải, đâm sầm vào quầy kính của siêu thị. Hai mươi ba người bị thương, trong đó mười người bị thương nặng. Bảy người đang ở trong dãy phòng sau lưng tôi, ba người được đưa đi chụp scan, tôi đã gọi lên tầng hồi sức để họ gửi người đến chi viện cho chúng ta – Betty vừa nói vừa chìa cho Lauren một chồng hồ sơ.
- Thé là bắt đầu một buổi tối rõ đẹp! – Lauren vừa nói vừa khoác áo blouse vào người.
Cô bước vào phòng khám thứ nhất.
Người phụ nữ trẻ đang nằm thiêm thiếp trên giường chắc khoảng ba mươi tuổi. Lauren xam nhanh phiếu nhập viện của cô ta. Một tia máu chảy ra từ tai trái. Cô bác sĩ nội trú dày kinh nghiệm bèn lôi ra cái đèn pin nhỏ cài ở túi áo blouse ra và vạch mi mắt nạn nhân, nhưng đồng tử không có phản ứng gì khi ánh sáng rọi vào. Cô xem xét những đầu ngón tay thâm tím rồi nhẹ nhàng đặt bàn tay bệnh nhân xuống. Để yêm tâm, cô dùng ống nghe khám phần dưới cổ bệnh nhân rồi mới kéo vải che kín đầu cô gái. Lauren nhìn lên đồng hồ treo tường, ghi vào bìa hồ sơ rồi đi ra để sang phòng khám bên cạnh. Trên tờ giấy mà cô để lại trên giường, cô ghi giờ chết là 20h21, giờ chết cũng cần chính xác như giờ sinh.
Arthur lục lọi mọi xó xỉnh trong bếp, anh mở từng ngăn kéo ra xem rồi đành tắt cái bếp đang đun nồi nước sôi đi. Anh ra khỏi nhà, đi ngang qua hành lang, đến bấm chuông cửa nhà hàng xóm. Không thấy trả lời, anh đã định quay đi thì cánh cửa mở ra.
- Thế này mà gọi là “bấm mạnh”à? – bà Morrison nói.
- Tôi không muốn làm phiền bà, bà có muối không ạ?
Bà Morrison nhìn anh, vẻ kinh ngạc:
- Thật khó mà tin rằng đàn ông vẫn còn sử dụng những mánh khoé thô thiển như vậy để ve vãn!
Một ánh lo ngại hiện lên trong mắt Arthur. Bà già cười phá lên.
- Nhìn cái mặt anh kìa! Anh vào nhà đi, các loại mắm muối để ở cái giỏ to cạnh bồn rửa bát ấy – bà vừa nói vừa chỉ vào căn bếp nhỏ cạnh phòng khách. Anh cần gì thì cứ lấy nhé, tôi để tự anh lo đấy, tôi đang rất bận.
Và bà vội vã trở lại chổ ngồi của mình trong chiếc ghế bành to, đối diện với tivi. Arthur đi qua phía sau tủ bar, tò mò nhìn mái đầu bạc trắng của bà lắc lư sau lưng ghế bành.
- Này, anh bạn, anh đi hay ở gì cũng được, tuỳ ý anh, nhưng đừng làm ồn nhé. Một phút nữa, Bruce Lee sẽ đi một đường Kata cực siêu và sẽ giáng một chưởng ra trò cho cái gã trưởng băng đang khiến tôi điên tiết này.
Bà già ra hiệu mời anh ngồi xuống chiếc ghế bành bên cạnh, và phải yên lặng!
- Hết cảnh này thì anh ra tủ lạnh mà lấy đĩa thịt nguội rồi lại đây xem nốt phim với tôi, anh sẽ không phải tiếc đâu! Thêm nữa, ăn hai người bao giờ cũng vui hơn là ăn một mình!
o O o
Người đàn ông đang nằm, thân mình bị buộc vào bàn khám, đau đớn vì nhiều chổ gãy xương chân; nhìn vẻ mặt nhợt đi của ông ta, “đau đớn” là một từ diễn tả chính xác.
Lauren mở tủ thuốc ra lấy một ống thuốc nhỏ và một ống tiêm.
- Tôi không chịu được tiêm đâu – người bệnh rên rỉ.
- Ông bị gãy hai chân mà lại đi sợ một cái kim tiêm à? Giới đàn ông bao giờ cũng khiến tôi ngạc nhiên!
- Chị tiêm cho tôi cái gì thế?
- Loại thuốc chống đau lâu đời nhất.
- Có độc không?
- Cơn đau gây ra stress, làm tim đập nhanh, tăng huyết áp và để lại những hậu quả về bộ nhớ không thể khắc phục được… Ông cứ tin tôi đi, nó còn độc hơn là vài miligram morphin đấy.
- Bộ nhớ à?
- Ông làm nghề gì vậy, ông Kowack?
- Thợ sửa ôtô!
- Vậy thì tôi đề nghị với ông thế này, ông cứ tin tưởng tôi về chuyện sức khoẻ của ông đi, rồi khi nào tôi mang cái xe Triumph của tôi đến chỗ ông, tôi sẽ để cho ông muốn làm gì nó thì làm.
Lauren lắp kim vào ống tiêm và ấn bơm tiêm. Truyền chất ancalôít vào máu bệnh nhân, cô sẽ giải thoát cho Francis Kowack khỏi cơn đau đang giày vò ông ta. Thuốc phiện đi vào tĩnh mạch nền, vừa lên đến sọ não, nó lập tức ức chế cảm giác đau. Lauren ngồi xuống chiếc ghế đẩu nhỏ có bánh xe và lau trán cho bệnh nhân, theo dõi nhịp thở của ông ta. Người bệnh dịu dần.
- Thứ thuốc này được gọi là morphine vì lấy tên của thần Morphée đấy, vì vậy, bây giờ ông hãy ngủ đi! Ông may mắn lắm đấy.
Kowack ngước mắt lên.
- Tôi đang đi chợ một cách yên lành – người đàn ông lẩm bẩm. – Tôi bị một chiếc xe tải đâm vào khi đang ở quầy đông lạnh, chân tôi gãy vụn ra, vậy cái định nghĩa may mắn trong nghề của chị chính xác là như thế nào?
- Là ông không nằm ở phòng bên cạnh!
Tấm rèm ở phòng khám bị kéo ra. Giáo sư Fernstein vẻ mặt không lấy gì làm dễ chịu.
- Tôi lại cứ tin là cô nghỉ mấy ngày cuối tuần này chứ? – Fernstein nói.
- Lòng tin là một vấn đề thuộc về lĩnh vực tôn giáo! – Lauren trả lời chan chát. – Em chỉ rẽ qua đây thôi, nhưng thầy cũng thấy đấy, chả thiếu gì việc cả - cô vừa nói thêm vừa tiếp tục khám bệnh.
- Ở khoa cấp cứu thì có mấy khi thiếu việc. Cô coi thường sức khoẻ của cô thì cũng là coi thường sức khoẻ của bệnh nhân. Tuần này cô đã trực bao nhiêu giờ rồi? Tôi chẳng hiểu sao tôi lại hỏi cô câu này nữa, rồi cô lại bảo là khi người ta yêu thì người ta không đếm cho mà xem – Fernstein vừa nói vừa bực bội đi ra khỏi phòng.
- Thì đúng vậy mà – Lauren vừa lầm bầm vừa đặt ống nghe lên ngực ông thợ sửa ôtô, ông này nhìn cô, hốt hoảng. – Ông đừng ngại, tôi vẫn khoẻ lắm, còn cái ông ấy thì lúc nào chả làu bàu như thế.
Đến lượt Betty bước vào.
- Để ông này chị lo cho – cô nói với Lauren – phòng bên cạnh đang cần em đấy, đúng là quá tải thật rồi.
Lauren đứng dậy và yêu cầu nữ y tá gọi điện cho mẹ cô. Cô sẽ ở lại đây đêm nên cần có người chăm sóc con chó Kali của cô.
Bà Morrison đang rửa bát, Arthur thiu thiu ngủ trên chiếc đi văng.
- Tôi nghĩ đã đến lúc anh phải đi ngủ ngay thôi.
- Cháu cũng nghĩ vậy – Arthur vừa nói vừa vươn vai, - Cảm ơn bác về buổi tối hôm nay.
- Mửng anh dọn đến ở nhà số 212 phố Pacific. Tính tôi bình thường rất dè dặt, nhưng nếu anh cần gì thì cứ bấm chuông cửa nhà tôi.
Khi ra về, Arthur nhìn thấy một con chó màu đen trắng nằm dưới gầm bàn.
- Đây là con Paolo, nhìn nó thế cứ tưởng như nó chết rồi, nhưng nó ngủ thôi, đó là hoạt động yêu thích nhất của nó. Ngoài ra thỉnh thoàng tôi cũng đánh thức nó dậy để đi dạo.
- Bác có muốn cháu giúp bác làm việc đó không?
- Tốt hơn là anh đi ngủ đi, trong tình trạng anh bây giờ, tôi sợ là sáng mai lại thấy cả anh lẫn chó nằm ngáy dưới một góc cây.
Arthur chào bà cụ và về nhà. Anh còn muốn dọn dẹp thêm chút nữa nhưng cơn mệt mỏi đã thắng sự hăm hở của anh.
Nằm trên giường, đầu gối lên tay, anh nhìn qua cánh cửa phòng hé mở. Những thùng đồ xếp đống trong phòng khách gợi lại kỷ niệm một đêm của một thời đã qua, khi anh dọn đến ở tầng trên cùng của ngôi nhà kiểu Victoria cách nơi này không xa.
Đã quá hai giờ sáng, nữ y tá trưởng đi tìm Lauren. Gian đại sảnh của khoa cấp cứu cuối cùng đã vợi hết người. Tranh thủ lúc yên ắng này, Betty quyết định đi bổ sung thuốc men cho tủ thuốc của các phòng khám. Cô đi dọc hành lang và kéo rèm cửa ở phòng cuối cùng. Nằm còng queo trên giường, Lauren đang ngủ say sưa. Betty kéo rèm lại và vừa bỏ đi vừa lắc đầu.
Gặp Lại Gặp Lại - Marc Levy Gặp Lại