Chương 1
gược lên con đường nhỏ phía sau khu chuồng trại nhà ông Bean, bạn sẽ gặp một cây cầu nhỏ băng qua một con suối. Và nếu rẽ trái rồi men theo con suối hướng lên trên, bạn sẽ gặp một cái ao, nơi hai con vịt Alice và Emma sinh sống. Qua cái ao rồi băng tiếp qua bãi cỏ chăn thả, xong men theo bìa rừng, bạn sẽ lọt vào giữa khu rừng, nơi mọi thứ đều ui ui, lạnh lạnh, chỉ có tiếng cười lặng lẽ của dòng nước chảy và thỉnh thoảng tiếng hót của một con chim te te phá tan sự yên lặng. Đi thêm vài phút bạn sẽ gặp một cái hồ nhỏ. Một bên bờ hồ dốc đứng và đầy đá, với đám cây len lỏi bộ rễ ngay bên dưới những tảng đá, thò cả vào trong nước. Nhưng bờ bên kia lại là một bãi cỏ êm thoai thoải. Hầu như ngày nào cũng vậy, nếu đến, bạn sẽ chẳng gặp ai ngoài một con ếch có tên Theodore sống ngay tại đó. Nhưng nếu đến vào một ngày hè cực nóng, nhiều khả năng bạn sẽ gặp thêm cả heo Freddy nằm ngửa trên bờ cỏ, đắm mình trong sáng tác thi ca.
Nếu định làm thơ, bạn sẽ cần hai thứ. Bạn cần yên tĩnh và bạn cần mát mẻ. Bạn không thể để nhiều kẻ đến tán chuyện mình, và càng không thể để quá nóng nực với nhớp nháp. Dĩ nhiên cũng cần cả giấy với bút chì nữa, thế nên Freddy luôn mang theo mấy thứ đó; và chú thường nằm trên bờ mà viết một tí, rồi lại nghĩ một lúc thật lâu, rồi lại viết thêm một tí. Đôi khi chú nghĩ quá nhiều mà viết lại quá ít đến nỗi Theodore tưởng rằng chú đang ngủ. Nhưng Freddy nói không, chú đang nghĩ rất ghê đấy chứ.
“Nhưng nếu đang nghĩ thì cậu đâu có ngáy,” Theodore nói.
“Thỉnh thoảng tôi thế đấy,” Freddy trả lời. “Thỉnh thoảng tôi thế đấy. Khi nào nghĩ cực kỳ lung là tôi ngáy ghê lắm.”
Theodore rất lịch sự và vì thế không nói gì nữa.
Thế đấy, một ngày kia, Freddy lại ngồi bên bờ hồ cố nặn ra một bài thơ về kiến. Bài thơ là một phần của một cuốn sách cho bọn súc vật - chắc chắn đây là cuốn sách đầu tiên được viết cho súc vật. Dĩ nhiên đa phần súc vật không đọc được, thế nên đây phải là một cuốn sách vỡ lòng, dạy chúng các mẫu tự. Thoạt tiên, Freddy dự tính viết chương đầu bằng toàn những từ bắt đầu bằng vần A, chương hai chỉ toàn những từ bắt đầu bằng vần B, và cứ thế. Nhưng Freddy nhận thấy làm vậy khó quá, thế nên chú quyết định chỉ viết một dòng với tất cả các từ bắt đầu bằng cùng một mẫu tự, rồi viết một bài thơ về mẫu tự đó. Chú đã có dòng đầu tiên: Kiến Khùng Kinh Khủng[1]. Và giờ chú đang nghĩ tiếp.
Tôi đoán rằng Freddy đang nghĩ không căng cho lắm, vì hai mắt chú vẫn đang mở. Và chẳng mấy chốc, chú nhìn thấy ngay một cái gì đó vừa bé vừa trắng đang nhảy lóc chóc dọc theo lối mòn về hướng mình. Trông cái vật ấy tựa như một quả banh tennis. Nhưng khi nó tới gần, chú nhận ra ngay là một con thỏ.
“Này này!” Freddy gọi, giọng rất cáu. “Cái gì mà nhặng cả lên thế?”
Con thỏ dừng ngay lại, thở hồng hộc, rồi chạy ào đến.
“Ối, ông Freddy ơi,” nó hổn hển. “Tôi... tôi sợ quá!”
Trong trang trại ông Bean có rất nhiều thỏ, khi Freddy bước vào nghề thám tử, chú đã thuê bọn chúng điều tra tội ác và theo dõi những kẻ đáng ngờ... Ở bang New York thời này, có lẽ chú là kẻ sử dụng nhiều thỏ làm công nhất. Hầu hết bọn thỏ đều không có tên, và chú phải đánh số chúng để tiện theo dõi.
“Chà, chà,” Freddy nói. “Nào, để coi, mi là Thỏ Số Hai Mốt, đúng chưa? Rồi. Ta nhớ rồi. Mi đã giúp ta vài vụ. Nào, mi sợ cái gì?”
Thế là Số Hai Mốt kể Freddy nghe, rằng nó mới vào trong Rừng Lớn cùng thằng anh để tìm cải xoong, thứ mà bọn thỏ rất ưa chuộng. Và có cái gì ấy làm nó sợ quá đi mất. Nó không rõ lắm là cái gì, nhưng Freddy không lấy đó làm ngạc nhiên. Những kẻ sợ hãi thường không rõ lắm cái gì đã làm mình sợ. Freddy bảo Số Hai Mốt thế. “Nếu mi biết cái gì làm mi sợ thì chắc chắn mi sẽ không sợ nữa. Bởi mi càng biết rõ về một thứ nào đó, thứ ấy càng bớt đáng sợ. Và nếu mi đã biết nó thật tỏ tường, mi sẽ thấy nó hoàn toàn chẳng có gì đáng sợ cả,” Freddy nói. “Ta cho là mi đã nghe có cái gì đó sột soạt trong bụi cây.”
“Có cái gì đó sột soạt và gây ra một tiếng động kỳ lắm,” con thỏ nói, “rồi nó đi theo tôi.”
“Có lẽ là gió thôi,” Freddy nói. “Hoặc một con chuột. Và ta đoán rằng bà cô của mi đã dặn mi đừng bao giờ đi vào Rừng Lớn, có phải không?”
“Vâng,” con thỏ đáp lời. “Bà nói ở đó có cái kia kìa ăn thịt thỏ. Bà nói ông cố tụi tôi có lần đi vào Rừng Lớn và chẳng bao giờ nghe tăm hơi ông nữa. Trước giờ tụi tôi chẳng quan tâm lắm; tụi tôi nghĩ đó chỉ là một câu chuyện bà bịa ra để tụi tôi khỏi vào đấy và đi lạc thôi. Nhưng trời ạ, tụi tôi sẽ không bao giờ vào đó nữa đâu.”
“Rồi,” Freddy nói. “Ta không biết gì về ông cố của mi; ông ấy có trước thời ta. Nhưng ta nghĩ bà cô của mi cố dọa bọn mi bằng những câu chuyện kiểu đó là sai lắm. Vì trong Rừng Lớn thực sự đâu có gì khác với những gì trong rừng chúng ta đang sống đây. Dĩ nhiên có một câu chuyện về Rừng Lớn. Giờ thì chẳng ai biết khu rừng ấy thuộc về ai, nhưng tít ngày xưa nó là của một người đàn ông có tên là Grimby. Ông Grimby không thích súc vật và không được tử tế cho lắm. Ông ta thường thét mắng và chọi đá chúng. Chà, cứ thế một thời gian dài, rồi tất cả chim với thú ra khỏi Rừng Lớn hết, cũng không con nào trong đám súc vật trang trại tới đó nữa.
“Thế rồi ông Grimby cũng chuyển đi. Nhưng bọn súc vật nghĩ biết đâu có ngày ông ta quay lại thì sao, và thế là chúng cứ tránh xa khu rừng. Dĩ nhiên ông ta không quay về nữa, và căn nhà cũ của ông ta, ngay giữa rừng, đã đổ sụp thành đống.Đám súc vật rồi cũng quên mất vì sao không ai vào rừng nên bắt đầu dựng nên những câu chuyện để lý giải, mà nếu nghe thì mi sẽ có cảm tưởng rằng Rừng Lớn giờ nguy hiểm rất nhiều, thậm chí còn hơn cả thời ông Grimby còn sống ở đó. Rồi thể nào cũng có những đứa nói với mi là trong rừng có cả sư tử, hổ và tê giác bay cho mà xem!”
“Ông đã bao giờ vào Rừng Lớn chưa, ông Freddy?” Số Hai Mốt hỏi.
“Sao, rồi chứ,” Freddy nói. “Ta đã... chà... không hẳn là vào trong Rừng Lớn, mi hiểu chứ, nhưng ta có ở gần đấy. Và chưa từng nghe thấy gì nhìn thấy gì; tịnh không có gì. Chẳng có gì để mà sợ cả.”
“Tôi chắc sẽ không sợ nếu được cùng vào đó với ông,” con thỏ nói, “nhưng khi có một mình...”
“Khi có một mình,” Freddy quả quyết, “và lại nghe hay thấy gì đó làm mi sợ, thì việc cần làm là tiến thẳng tới mà xem xem đó là thứ gì. Thế rồi xem xem nó chỉ là một cái bóng, hay một con chuột, hay một mẩu giấy phất phơ trong gió, và mi sẽ không còn sợ nữa.”
“Ông can đảm quá đi mất, ông Freddy ơi!” Hai Mốt trầm trồ thán phục.
“Xì!” Freddy nói, “Không, không phải. Ta chẳng can đảm hơn bất kỳ con heo nào cả. Đó chỉ là xử sự thông thường mà thôi.”
“Tôi cũng cho là thế,” con thỏ nói. “Nhưng, ôi, ông ơi... ước gì ông vào Rừng Lớn với tôi, như thế tôi có thể thấy điều ông nói hiệu quả thế nào. Nếu tôi được nhìn ông làm một lần thôi, thì biết đâu lần sau, khi chỉ có một mình, tôi lại chẳng thu xếp được đâu vào đấy.”
Nhưng Freddy nói không, chú đang bận quá chừng chừng. “Ta có bài thơ phải hoàn tất hôm nay. Mi thấy đấy, Hai Mốt,” Freddy nói giọng quan trọng. “Ta đang viết một cuốn Sách.” Freddy nói đúng như thế, với chữ sách viết hoa, và tôi cho rằng chú nói thế cũng phải lắm, vì trên thế giới này có rất ít cuốn sách nào mà tác giả lại là heo.
Thế là Hai Mốt cảm ơn Freddy đã cho lời khuyên rồi nhảy về nhà; Freddy vừa yên ổn quay trở lại với công việc thì Theodore từ trên bờ bò ra.
Theodore là một kẻ ở ẩn. Nó thích một mình và hoàn toàn hạnh phúc khi sống một mình trong cái hồ giữa rừng. Theodore có một giọng trầm thật hay, và thỉnh thoảng, khi đám súc vật trong trang trại ông Bean muốn được một buổi giải trí, chúng thường mời nó tới hát. Nhưng nó luôn luôn từ chối, nó nói nó sẽ căng thẳng lắm nếu phải đứng trước chừng ấy súc vật, đến nỗi sẽ không thể hát nổi lấy một nốt. Nó chỉ thích hát khi được hoàn toàn một mình trong hồ, đúng hệt cái kiểu người ta thích hát trong bồn tắm ấy mà thôi. Vào những đêm tĩnh mịch, ta có thể nghe giọng nó oang oang khắp làng quê, và đám súc vật thường tụ tập trong sân chuồng trại để lắng nghe. Ngay cả Charles - con gà trống - kẻ tự cho mình là ca sĩ, cũng nói rằng Theodore có một trong những chất giọng hay nhất y từng nghe.
So với một con ếch thì Theodore thuộc loại đẹp trai. Ít nhất những con ếch khác đều bảo rằng nó đẹp trai, dù bà Wiggins - một con bò - lại thường nói, so với cả bầy ếch có lẽ Theodore đẹp trai bội phần, và thậm chí còn đẹp được gần bằng con gia súc nào mặt xấu nhất. Xét cho cùng, nếu mặt bạn màu xanh lục, bạn có một cái miệng khổng lồ, đôi mắt lồi, lại chẳng có cái gì để gọi là mũi, thì bạn cũng phải thừa nhận rằng mặt mình xấu quá đi chứ. Nhưng Theodore có thứ còn hay hơn nhiều cái vẻ ngoài đẹp mã; nó có phong cách. Da nó xanh lá cây tươi điểm những chấm đen, trông vô cùng hợp với nó, và khi Theodore nhảy hay bơi thì trông khỏe mạnh, duyên dáng, đến nỗi bạn chỉ biết ngắm nhìn mà chẳng còn nhớ gì vẻ mặt xấu xí của nó.
“Chào, Fờ... Fờ... Freddy,” Theodore nói. “Hy vọng cậu thứ... thứ lỗi, như... nhưng... nhưng tôi vừa mới dưới bờ... bờ... bờ nước và không... không... không thể không nghe tiếng cậu. Như... nhưng sao cậu không đi vào rờ... rờ... rờ... ý tôi là vào Rừng Lớn với thằng nhóc tội nghiệp kia chứ?” Theodore cà lăm ghê gớm. Nhưng tức cười là khi ca hát, nó hoàn toàn chẳng cà lăm chút nào.
“Trời ơi!” Freddy nói. “Nếu cứ phải chăm lo cho từng con thỏ sợ hãi trong cái trang trại này thì tôi còn làm xong được việc gì cơ chứ. Anh có nhận thấy mỗi ngày trên cái chỗ tí hin này có bao nhiêu con thỏ phát hoảng không? Mà Hai Mốt cũng đủ lớn để tự đi mà giải-sợ không cần tôi giúp rồi chứ!”
“Ừmm, có lẽ thế thật,” Theodore nói, “nhưng tôi hơi cảm... cảm... cảm thấy rằng, biết đâu tại cậu nghĩ nếu vào đấy cậu sẽ phải tự giải-sợ hệt như thằng kia.”
“Xì!” Freddy nói. “Sợ cái gì? Làm gì có gì ở đấy.”
“Chà, đó... đó chính là cái mà cậu bảo thằng kia sợ còn gì: cái thứ không hề có. Và tôi nghĩ, biết... biết... biết đâu cậu cũng sợ chính cái ấy. Nào, vào Rừng Lớn đi, Freddy. Tôi vẫn nghe những câu chuyện về khu rừng ấy từ cái hồi tôi còn là một con nòng... ý tôi là con nòng nọc, nhưng tôi chưa bao giờ đến gần đó cả. Tôi cá là cậu cũng chưa từng.”
“Chưa,” Freddy nói, “và không muốn đến.”
"Trời ơi!" Freddy nói.
“Tôi không thề... thể hiểu cậu, Freddy ạ,” Theodore nói. “Một kẻ du hà... hà... hành... vĩ đại như cậu, đã từng đến cả Florida và Bắc Cực và đủ chốn, thế mà chỗ này chỉ cách có một dặm cậu lại chưa từng đến bao giờ. Hồi đó cậu đâu có sợ phải đi... đi... tới Fờ... Fờ... Florida đâu...”
“Tôi không sợ, nói cho anh biết,” Freddy bảo. “Tôi chỉ không thể mất thời gian. Đây, cuốn sách của tôi mới xong có một phần...”
“Xong có một phần!” Theodore kêu lên. “Cậu làm cả tuần mà chỉ được có mỗi câu ‘Kiến Khùng Kinh Khủng’. Có bốn từ ranh! Nghỉ một hôm nay thì cậu cũng chỉ bỏ lỡ... lỡ... lỡ có khoảng nửa từ.”
“Không phải chỉ có thế,” con heo bực mình. “Anh không hiểu gì về làm thơ cả, Theodore. Anh phải nghĩ ra cả đống thứ trong đầu trước khi viết gì lên giấy. Thí dụ, tôi đã có dòng đầu, ‘Con kiến bận rộn làm cả ngày.’ Giờ tôi phải làm cho có vần với chữ ‘ngày’.”
“Bay, hay, ngay... có gì khó đâu,” con ếch nói. “Này, nếu tôi đưa cậu dòng thứ hai cậu có chịu vào Rừng Lớn không?”
“Nhưng anh có phải nhà thơ đâu,” Freddy nói. “Làm sao anh đưa tôi dòng thứ hai được.”
“Con kiến bận rộn làm cả ngày,” Theodore đọc luôn, “không dừng không nghỉ lấy một giây. Đấy, dòng thứ hai của cậu đấy. Tôi có thể không phải là một nhà... nhà... nhà thơ, nhưng tôi có thể làm thơ đấy.”
“Chà, không tệ,” Freddy nói. “Không tệ tí nào.”
“T... t... tệ!” con ếch kêu lên.
“Chà, ý tôi là... anh hoàn toàn có thể học làm thơ được. Dần dà thôi. Dĩ là thế rồi. Vâng, tôi nghĩ anh học được đấy.”
“Ô, đừng... đừng... đừng có... có... có kẻ cả thế,” Theodore nói, vẻ ghét cay ghét đắng. Khi kích động nó càng cà lăm tợn. “Chỉ vì tôi là một thằng cóc khờ... khờ... khờ...”
“Khùng?” Freddy đề xuất đầy tính giúp đỡ.
“Không!” Theodore hét lên. “Ý tôi là, cóc khô... khô... khô... Ôi trời, thực là vô tích sự!” Và nó quay lưng, lặn luôn xuống hồ.
“Ôi thật là,” Freddy nói. Chú ngó những vòng nước gợn lăn tăn rộng dần ngay chỗ Theodore vừa biến mất. “Đó là một dòng thơ hay thật mà, phải công nhận. Đúng ra mình không nên đùa Theodore. Và mình cho rằng mình nên đi vào Rừng Lớn với cậu ấy. Mình cũng hơi hơi muốn thấy khu rừng.”
“O... K,” Theodore vừa nói vừa phóng ra. “Đi thôi.”
Freddy giật nảy mình. “Tôi tưởng anh ở dưới nước!”
“Không, tôi bơi vào bờ lại rồi. Cậu lẩm bẩm một mình rất nhiều, Freddy à. Nên tôi nghĩ thể nào cậu cúng... cúng... cúng... ý tôi là cậu cũng đưa ra vài lời bình luận.”
“Ồ, thôi được,” con heo nói một cách lưỡng lự. Nó nhét giấy và bút chì dưới một tảng đá, và hai đứa lên đường.
Freddy & Kẻ Mặt Mịt Freddy & Kẻ Mặt Mịt - Walter R. Brooks Freddy & Kẻ Mặt Mịt