Dũng Sĩ Chép Còm epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 1
Ở một làng nọ thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có cái ao tục gọi Ao Cây Sung. Ao nằm ngay đầu làng, một mặt dựa vào lũy tre, ba mặt kia tiếp giáp cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay. Trên bờ ao, phía mặt trời lặn, mọc nghiêng một cây sung già, thân sần sùi lồi lõm. Như người già lưng mỗi năm một còng, gốc sung già cứ xiêu mãi cho đến lúc cành lá gần chấm mặt ao. Chắc vì cây sung già này mà ao có tên Cây Sung. Ao vốn có cửa thông thủy với những kênh rạch lớn nhỏ chạy ngang dọc trên khắp cánh đồng. Quanh bờ lắt lẻo mấy chiếc cầu tre, ván lát phong rêu. Dân làng thường ra cầu ao vo gạo rửa rau, gánh nước. Các chú bé thích đứng trên cầu ao nhảy ùm ùm xuống nước hụp lặn, lội bơi... làm ván cọc cầu kêu kót két.
Ngày ấy... trước khi xảy ra chuyện dân gian truyền miệng sau đây, nước Ao Cây Sung bốn mùa trong mát. Mặt ao lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng động của cuộc sống lao động thuần phác ở nơi thôn ấp; tiếng vỗ rá bồm bộp, tiếng chiếu đập xuống nước, tiếng chao thùng khỏa chân tiếng reo đùa trửng giỡn của con nít... Những đêm trăng sáng trai gái làng kéo nhau ra quanh bờ ao, chuyện trò ngắm trăng... Mùa sung chín, chim chóc bay đến ríu rít suốt ngày trên cành la, cành bổng, nung núc trái chín màu đuôi cá rô cờ... Sung chín rơi lõm bõm xuống nước, cá lớn cá nhỏ nhào lại tranh nhau đớp.
Dân cư ngụ Ao Cây Sung ngoài họ hàng nhà cá còn có họ hàng nhà Tôm, Tép Lươn, Ốc, Cua, Hến... Chung sống với nhau lâu đời nên dân ao quen tên thuộc mặt hầu hết bà con lối xóm. Họ hay nhắc đến chị Tám đầu quấn khăn rằn như... vảy chị Cá Thia mốc, má Năm mồm móm như mồm mấy bà cá Thiểu, má Bảy miệng lúc nào cũng nhóp nhép nhai trầu như miệng mấy bà cá Mương lúc nổi lên mặt nước hóng mồi... Rồi chị Sáu Thìn mắt bị lông quặm, đỏ nòng nọc như mắt mấy chị Diếc, chị Chày, cô Nguyệt lưng thon mình Chắm, bác Ba Xung ít khi thấy mở miệng như mấy bác Ốc Bươu, Ốc Vặn, thằng Nạy thằng Đực bơi lặn giỏi không thua gì bọn Xin Xít, Rô cờ...
Mỗi lần cầu ao có tiếng khua động là lũ cá bốn phía nháo nhào xô đến. Các bé Mài Mại, Cân Cấn, Hạt Bòng, Rô Don... nhảy vào cả rổ rau, rá gạo mà đớp mồi. Các chị các má phải kêu lên:
- Cái tụi cá con này chúng dạn mới ghê chứ!
Mỗi lần thấy các cô gái lội xuống ao vớt bèo, tụi cua mới lột vỏ từ các hang, ngách mò ra, nghịch ngợm đưa càng cắp ngón chân, bắp chân các cô, cắp nhẹ thôi như kiểu chó con, mèo con cắn đùa. Các cô kêu dãy nảy và cười rúc ra rúc rích...
Ngày ấy... về mùa mưa, nước ao theo nước kênh mương dềnh cao, mấp mé tràn bờ. Họ hàng nhà Mương, nhà Chày tha hồ họp đàn nổi lên mặt ao nhóp nhép hớp mồi. Các bé Cân Cấn, Đòng Đong, Rô Don... tha hồ tung tăng bơi lượn, chơi đuổi bắt, trốn tìm, hoặc chia làm hai phe đánh trận giả. Các cô Trôi dậy thì đua nhau đánh đuôi khoe dáng, các chú Chép tơ thi nhau tung cao mình khỏi mặt nước khoe sức. Mùa hè mưa rào, các chị Chép, chị Chuối đến kỳ sinh nở tha hồ vật đẻ ầm ĩ suốt đêm trong các lùm rong đuôi chó, rong liễu sát ngay bờ...
Ngày ấy... theo lời các cụ già, cuộc sống Ao Cây Sung yên ả, thanh bình như bài thơ kể chuyện ao hồ, đồng nội...
Nhưng rồi đến một hôm, có một bọn người “áo quần rằn ri”, “mặt mày dữ tợn” mà bà con lối xóm gọi chung một tiếng là quân Mỹ ngụy đã kéo đến chiếm cái làng có Ao Cây Sung, cùng với bao nhiêu làng thôn xa gần khác. Thấy chúng mặc thứ áo quần màu xanh, loang lổ giống lông chim Bói cá - bà con dân Ao Cây Sung mới gọi chúng là bầy “Bói cá rằn ri”.
Mới đầu không ai hiểu có chuyện gì xảy ra với dân làng nhưng bà con Ao Cây Sung cứ nơm nớp lo sợ không dám nổi lên mặt nước thả tăm, hớp mồi như mọi bữa. Họ lặn hết xuống đáy ao, nép bụng sát bùn hoặc chúi đầu vào các lùm rong, các bè cỏ nước. Chỉ khi nào ngạt thở quá, không nhịn nổi, họ mới ngoi lên mặt nước, hớp vội một hớp không khí, rồi lại lặn xuống ngay.
Một buổi chiều tà, có mấy anh chị chim chào mào từ đâu bay đến ăn sung chín. Một vài cụ cá già đánh bạo ngoi lên mặt nước hỏi chuyện đàn chim. Một anh chào mào cụt đuôi vừa mổ quả sung vừa tíu tít kể:
- Suốt mấy ngày qua tụi “Bói cá rằn ri” đã dùng roi, súng, lưỡi lê, lùa bắt dân làng phải rời khỏi nơi đẻ trứng ấp con. Chúng đưa họ đến một nơi rất xa, cạnh con đường lớn có nhiều xe chạy, mà chúng gọi là... là... cái gì ấy mình nhỉ? - Anh ngoái cái đầu có mào khá đẹp hỏi vợ.
- “Ấp chiến lược”... - chị chào mào đáp thay chồng. - Tôi đã được nhìn thấy cái ấp chiến lược “phải gió” ấy rồi. Chả là tôi phải bay ngang qua đó, đến một vườn mãng cầu xiêm, kiếm mồi cho sắp nhỏ. Nó giống hệt cái ao lớn trên cạn. Bờ ao là hàng rào lông nhím, cửa ao có thằng lính cầm súng gác. Bà con dân làng sống trong đó chen chúc như một đàn cá bị mắc cạn.
- Thế còn cái làng xinh đẹp này? - Bác Chắm đen kinh ngạc hỏi.
- Nghe đâu chúng sẽ biến thành một cái tổ thật to.
- Vậy mà dân làng đành chịu à? - Bác Ngão móm tức giận kêu lên.
- Dân làng nhiều người cũng gan liều chống lại, không chịu đi. - Chị chào mào thở dài nói - Nhưng chúng đông quá, lại có súng, có lưỡi lê. Chúng đã bắn, đã đâm chết khá nhiều người. Còn hầu hết bị chúng đánh bằng gậy gộc, báng súng. Không biết bao nhiêu máu đã tưới xuống đất làng.
Rạng sáng hôm sau, mặt đất và mặt ao bỗng rung rinh chuyển động như sắp rạn vỡ làm nhiều mảnh. Từ phía làng dội tới tiếng ầm ầm, gầm rú, loảng xoảng kéo dài không dứt như tiếng sấm rền trước cơn giông lớn. Dân ao nghe thấy sởn vẩy, dựng vây cuống cuồng chui xuống bùn, rúc vào tận đáy hang, đáy ngách. Nhiều bà cá, chị cá hoảng sợ quá, mang bạc trắng phếu. Bác Chắm cỏ có tiếng liều lĩnh nhất ngoi lên mặt ao, nghiêng ngó xem xét, Bác thấy từ đầu làng đến cuối làng bụi bốc mù trời như khói một đám cháy lớn. Cây cối, tre pheo đổ la liệt như đang giữa tâm bão. Xóm làng trống huyếch hoác như đáy ao bị quét sạch rong. Chim chóc từ phía làng bay tán loạn ra cánh đồng kêu la như vỡ tổ.
Bác Chắm cố hỏi với theo một cặp vợ chồng chim cườm bay đáp qua ao:
- Trên đó đang xảy ra chuyện gì vậy?
- Tụi Bói cá rằn ri đang lăn những hòn núi sắt biết gầm thét, nhổ bật hết cây cối, nghiền nát hết nhà cửa, san bằng hết vườn tược để xây hang ổ... - Anh chim cườm hấp tấp trả lời, rồi sải cánh đuổi theo vợ.
Khi biết rõ công chuyện xảy ra trên làng, dân ao càng nơm nớp lo sợ hơn, Mấy cụ cá, cụ ốc, cụ trai, cố tìm cách làm yên lòng con cháu “Có thể tụi Bói cá rằn ri chỉ tàn hại dân làng, còn đối với bà con dân ao ta, chúng chẳng thèm đụng đến” - Các cụ nói vậy và bà con tin lời các cụ.
Nhưng chỉ sau một con trăng, dân cư Ao Cây Sung hiểu ngay ra họ đã lầm!
Chỉ sau một con trăng, xóm làng trở thành bình địa trống trơn. Không còn bóng người dân nào trong làng. Tưởng như chưa từng bao giờ có một cái làng nào ở đây cả. Trên những nền nhà vườn tược xanh tươi cũ, bọn Bói cá rằn ri đào hang xây tổ với đủ các hình thù kỳ dị mà chúng gọi là lô cốt, tháp canh, ụ súng. Hang tổ chúng mọc lên nhanh và nhiều như nấm độc sau những ngày mưa dai dẳng. Thay cho những lớp hàng rào so đũa, dâm bụt, chè tàu... là những lớp rào kẽm gai bùng nhùng rải kín quanh làng... Dây kẽm gai rải vòng cả trên ba mặt bờ ao nối liền với cánh đồng, in bóng xuống ao trông ghê rợn như những dàng lưỡi câu cá. Mấy hôm đầu dân ao không ai dám bơi lại gần ria nước, họ sợ bóng những cây gai chọc mù mắt.
Nhưng tai họa thật sự bắt đầu với dân ao là cái hôm tên Bói cá rằn ri đầu đàn sai bọn tay chân dùng xẻng cuốc lấp kín cửa ao, biến ao thông nước thành ao tù. Hắn trỏ tay xuống ao oang oang ra lệnh:
- Lấp thật kín vào! Cái ao này ngó bộn cá đây. Không được để cho một con tép nào lọt ra kênh mương nghen!
Hắn tặc lưỡi, chép miệng, nước miếng nhểu ra hai bên mép, kể với bọn tay chân, các món nhậu làm bằng thịt của họ hàng nhà cá:
- Cá lóc bọc bẹ chuối nướng, gỡ thịt chấm nước nắm gừng, nhậu hết chê! Cá gáy bự, loại cắt ba cắt tư, để nguyên cả con nấu cháo, làm món giã rượu thì tuyệt cú!
Họ hàng nhà cá nằm nép dưới đáy ao, lắng nghe trên bờ trò chuyện. Mặc dầu cá là loài có máu lạnh nhưng tất cả đều thấy máu trong huyết quản mình reo sôi vì căm giận.
Bọn Bói cá rằn ri sống ở đây, xa đường cái lớn, xa chợ búa, quán hàng, chúng buồn lắm. Chúng tìm đủ cách tiêu khiển giết thì giờ. Chúng nốc rượu như thùng thủng đáy, thứ rượu mạnh đến nỗi chai chúng súc xuống ao, nhiều cô cậu cá hớp phải, say dứ dừ, nôn thốc nôn tháo muốn lộn cả bong bóng ra ngoài.
Chúng bày trò cờ bạc, sát phạt nhau suốt ngày đêm, rồi gầm gừ xông vào nhau loạn xạ. Cờ bạc rượu chè chán chúng bắt đầu lần mò ra Ao Cây Sung, lấy tính mạng bà con dân ao làm trò giải trí.
Một buổi trưa, chúng đi càn quét, cướp bóc ở đâu về, kéo nhau ra ao giặt giũ, rửa ráy. Chúng cọ rửa những lưỡi dao găm bết máu, vò giũ nhưng bộ quần áo rằn ri khoang đốm, có những chiếc túi to bằng cái lờ, cái nơm. Chúng lộn túi ra, túi nào cũng đầy cứt gà, lông vịt, lầy nhầy lòng trứng vỡ.
Nghe tiếng khua động, các bé mài mại, cân cấn, đòng đong... quen như hồi còn dân làng ra rửa rau, vo gạo, nhao nhao bơi đến. Một thằng Bói cá rằn ri mép vểnh ngược như râu trê gọi to:
- Nhiều cá quá chúng mày ơi, ném cho tao khẩu súng, mau lên! - Hắn cầm khẩu súng lên đạn: rốp! Rồi chúc mũi súng rê rê gần sát mặt nước, theo đàn cá con đang bơi lượn tìm mồi. Hắn siết cò súng. Một tiếng nổ rung rinh mặt ao. Sức ép của phát đạn làm hơn hai chục bé cá bong bóng bị vỡ tan, chết nổi lên mặt nước, bập bềnh như những cái phao. Bọn đứng xem thích thú vỗ đùi, dậm chân, cười ré, chúng kháo nhau:
- Sức ép của loại đạn Mỹ này khiếp thật!
Cả bọn liền đua nhau bắt chước, bắn xuống ao mấy chục phát liền. Nhưng các bé cá lúc này sợ hãi, bơi toán loạn ra xa, lặn biến xuống đáy ao nên chúng chỉ giết thêm được một hai bé.
Hình như việc giết chóc tàn bạo, vô nghĩa này làm cho bọn Bói cá rằn ri thích thú lắm. Sau hôm đó, ngày nào chúng cũng kéo ra ao chơi trò bắn cá. Và từ trò chơi chúng biến thành cuộc cờ bạc, sát phạt. Chúng đặt tiền cược ngay trên bờ ao, mỗi thằng bắn một phát. Thằng nào bắn chết được nhiều cá hơn cả, sẽ vơ tất tiền. Để được bạc, chúng nghĩ đủ mưu mẹo đánh lừa các bé cá bơi đến gần họng súng. Chúng quẳng xuống ao nào cơm, nào bánh vụn. Có thằng còn công phu hơn, rang gạo bắp với bơ, tán nhỏ trộn với mẻ đất bột làm thính nhử.
Mặc cho cha mẹ, ông bà khuyên can, đe nẹt, các bé cá đói quá chẳng tưởng gì đến chết, thấy mồi ngon là nhao nhao bơi đến. Kết cục các bé cá bị sức ép của những viên đạn Mỹ làm vỡ tan bong bóng ngày càng nhiều. Nhìn các con cháu bé bỏng, dại dột, chết phơi bụng bập bềnh trên mặt nước nhiều bà con khóc rưng rức nói:
- Rồi chẳng bao lâu nữa cả cái Ao Cây Sung này sẽ chẳng còn lấy một đứa cá con!
Mấy chị Chày, chị Diếc, Chị Dưng... thấy các con cháu bị bọn Bói cá rằn ri giết để tiêu khiển thương khóc nhiều đến nỗi mắt hóa đỏ ngầu và không bao giờ còn trong lại được nữa. Cụ Ngão móm nhìn mắt các chị kêu to đau đớn:
- Ối chao! Mấy chị này không phải khóc ra nước mắt mà ra máu, trời đất ạ!
Một số bà con khác mắt cũng đỏ ngầu nhưng không phải vì khóc. Họ căm thù. Và họ nghĩ cách trả thù cho các bé. Một buổi trưa, bọn Bói cá rằn ri lại xách súng, bưng mồi thính nhử ra ao, bắn cá đánh cược. Một tên cao lớn, mặt rỗ, mồm rộng ngoác như cái hom giỏ mèo, quần xắn quá gối lội hẳn xuống nước để bắn cá. Hắn đang rê họng súng vào chỗ vừa ném thính nhử chờ các bé cá đến đông để bóp cò. Bất thần hắn kêu thét như bị ai cắt gân và đánh rơi khẩu súng xuống nước. Hắn hốt hoảng nhảy vọt lên bờ. Giữa bắp chân trái lờm xờm lông lá của hắn, quắp chặt một anh cua đá. Đôi càng lực lưỡng màu rêu đá với hai hàm răng trắng nhọn lởm chởm của anh cắn ngập vào thịt hắn khác nào hai gọng kìm. Anh cắn mạnh đến nỗi cặp mắt lòi hẳn ra ngoài. Và khi tên giết trẻ con bặm môi giựt anh ra, anh đã để lại trên bắp chân hắn cả đôi càng cắm ngập vào thịt. Hắn quật anh xuống đất, lấy gót chân sắt dẫm vào anh cho kỳ nát bét như bùn. Hắn phải vất vả lắm mới nạy được đôi càng anh ra khỏi bắp chân. Máu tóe ra từ những vết thương sâu hoắm, đỏ lòm cả bắp chân hắn.
Cung cách trả thù dữ dội và cái chết thành bùn của anh Cua đá làm bà con dân ao vừa kính phục vừa kinh ngạc.
Bà con gọi anh là Cua đá gốc sung, vì hang của anh ngay bên dưới gốc sung. Xưa nay anh có tiếng là chàng trai hiền lành, hiền đến thành tục ngữ:
Hiền như anh Cua đá gốc sung
Hung như bác Măng chột mắt
Thấy anh hiền quá, các bé cá Rô nghịch ngợm hễ trông thấy anh đâu là bơi xúm lại trêu chọc, chúng trèo lên mai anh nhong nhong làm ngựa. Chúng lấy đuôi ngoáy vào giữa càng anh cù cho anh nhột. Tha hồ các bé trêu chọc, anh chỉ cười nói:
- Khéo đấy các em ạ. Đuôi mà vướng vào răng anh rách ra thì anh chẳng có đuôi mà đền cho các bé đâu!
- Thế tại sao chúng em có đuôi? Mà đuôi dài đẹp thế này còn anh lại không có?
- Trước kia anh cũng có đuôi như các bé, mà những hai đuôi cơ! Nhưng anh đã tìm đến mụ phù thủy đổi hai cái đuôi lấy hai cái càng.
- Sao anh làm thế! Mà anh đổi lấy càng để làm gì?
Anh trả lời:
- Nếu không có càng thì lấy đâu ra chỗ để các bé ngoáy đuôi mà cù cho anh nhột!
Các bé Rô cờ nghe anh trả lời, cứ húc đầu vào lưng nhau cười rúc ra rúc rích.
Sau khi anh bị dẫm nát thành bùn, nhiều bà con sực nhớ lại, trước đó một hôm, anh được tin mấy bé cá Rô cờ thường cưỡi lên mai anh nhong nhong làm ngựa vừa bị bọn Bói cá rằn ri bắn chết. Trưa đó, anh cắm ngập đôi càng xuống bùn, đứng sững như hóa đá. Anh ứa nước mắt nói:
- Các bé ơi, anh thề sẽ lấy máu chúng rửa thù cho các bé!
Anh Cua đá đã nói và làm như thế đó!
Sau ngày bị bọn Bói cá rằn ri lấp chặt cửa ao, nước trong ao cứ mỗi ngày một cạn dần. Bờ ao rải dây thép gai cứ cao mãi lên che khuất dần chân trời và những áng mây bổi buổi sáng. Nước ao xưa trong mát như buổi sáng thu đẹp giời nay ngả sang màu rêu. Mặt ao nổi đầy váng bọt màu han đồng. Qua lớp váng bọt này, ánh trăng những đêm đẹp trời nhất cũng ngả sang màu bụng cá chết. Những hôm động trời, khí độc dưới đáy ao bốc lên mờ mịt. Những bé cá yếu đuối, họ hàng nhà tôm tép, bị khí độc làm cho ngạt thở, nổi hết lên mặt nước mà chết.
Một lần sau trận mưa to, họ hàng nhà mương, ngão, chày... nổi lên mặt ao hớp màu mưa trôi xuống. Lâu lắm mới được cơn mưa to, cá lớn bé, già trẻ đua nhau hớp màu căng cả bụng. Nhưng chỉ một lúc sau, tất cả bỗng quay lộn trong nước như hóa dại. Tiếng kêu la ran ran nổi lên khắp bốn phía ao:
- Úi chao, ruột gan tôi sau đau quá vậy!
- Tôi đứt hết ruột gan rồi bà con ơi!
Nhiều anh chị kêu chưa dứt câu đã lật ngửa mình phơi bụng ngo ngoe một lúc rồi tắt thở. Thảm nhất là các bé, mắt lồi ra vì đau đớn, khóc không khóc được, kêu không kêu được, chỉ ngáp vài cái rồi chết.
Các cụ cá già nhìn thấy cảnh tượng này thất sắc kêu to:
- Bị - ngộ - độc - rồi!
Cá thường ngộ độc lúc bị thuốc, chất độc thuốc cá thường chứa trong một số quả, vỏ và rễ cây rượu, lá cây cọi... Nhưng bà con chưa từng thấy một loại chất độc nào lại giết họ hàng mình nhanh chóng và khủng khiếp đến như thế!
Chiều hôm sau các cụ hỏi chuyện mấy chị chim én chao mồi trên mặt ao. Các chị cho biết, chất độc ghê rợn này là do một tụi Bói cá rằn ri hung ác nhất rải từ trên giời xuống. Chúng rải để tàn phá cây cối, hoa màu, giết người và gia súc những thôn xóm nổi dậy chống lại chúng. Chất độc bay theo gió vương vãi quanh bờ ao. Trận mưa làm trôi xuống ao và bà con đã vô tình hớp phải. Cũng may chất độc vương vãi không nhiều. Nếu nhiều hơn chắc chắn dân ao không một ai sống sót. Không thể chịu dựng mãi cuộc sống đọa đày tù hãm, một số trai tráng Ao Cây Sung như chuối, chép, măng, chắm, sộp... liên tiếp tìm cách vượt ao. Họ lợi dụng những đêm tối trời, mưa gió, dùng hết sức bình sinh nhảy phóng lên bờ, hòng thoát khỏi ao. Nhưng hầu hết các cuộc vượt ao, đơn độc đều bị thất bại cay đắng. Một số chỉ nhảy được đến lưng chừng bờ, đầu đập phải thành đất cứng văng nhào trở xuống ao. Chú thì đầu toạc, mũi dập, chú thì miệng vêu, răng gãy. Một số khác nhảy giỏi hơn lên được bờ nhưng lại bị mắc kẹt vào giữa những lớp dây thép gai bùng nhùng, khác nào chui vào hom đó, hom lờ. Sáng ra tụi Bói cá đi vòng quanh ao nhìn thấy, xách mang họ về đánh vẩy, mổ bụng rồi. Những anh may mắn hơn, chúng không nhìn thấy, thì nằm cho đến lúc chết thối rữa, kiến tha hết thịt để lại những bộ xương trắng hếu, che lấp dưới các búi cỏ dại.
Trong số trai tráng vượt ao kiên trì và gan liều nhất có anh Sộp bẹt đầu. Số lần anh vượt ao thất bại nhiều không ai nhớ xuể. Đầu anh vốn tròn trịa như các anh sộp khác nhưng vì va phải thành đất cứng bờ ao nhiều quá hóa thành bẹt dí. Do đó mà anh có tên Sộp bẹt đầu. Cái mồm rộng ngoác của anh gãy gần hết răng và khắp mình anh vẩy tróc từng mảng lớn. Sau mỗi lần vượt ao thất bại, anh lại lao vào tập luyện để vượt lần khác. Anh tập nhảy cao, tập trườn trên cạn, tập nhịn đói, nhịn thở, tập nhìn sao để tìm phương hướng trong đêm tối. Nhờ dày công luyện tập mà nhiều lần anh thoát chết, có khi cái chết chỉ còn cách cái vẩy. Bà con dân ao nhìn cái đầu bẹp dí, gương mặt sứt sẹo, tấm thân đầy thương tật của anh đều phải nghiêng mình kính nể.
Lần vượt ao cuối cùng của anh vào một buổi sáng tinh mơ. Từ đám lục bình giữa ao, anh bơi như xé nước lấy đà, rồi phóng vút lên bờ như một vên đạn súng cầu vồng. Lần đó có lẽ anh sẽ thành công nếu lúc rơi xuống đầu không xóc phải cái cọc thép nhọn đóng chênh chếch chăng dây thép gai phía bên kia bờ. Anh phóng mạnh đến nỗi cái cọc thép nhọn xuyên suốt từ miệng đến bụng anh. Thân hình anh thẳng đơ như bị xiên để nướng. Dưới ao nhìn lên, bà con thấy cái đuôi màu chì và rách bươm của anh chĩa thẳng lên bầu trời vẫy vẫy, ai cũng thương xót.
Kể từ ngày Ao Cây Sung biến thành ao tù nhiều năm tháng đã trôi qua. Hoa súng trong ao nhiều lần nở và nhiều lần tàn, Dây thép gai giăng quanh ao đã rỉ vàng, rỉ đen, Nhiều thế hệ cá, cua được sinh ra và lớn lên trong bầu nước tù hãm đầy tai họa chết chóc. Hình ảnh có một thời nước ao trong mát như buổi sáng mùa thu đẹp trời đã trở lên xa vời, huyền hoặc... Chuyện về các anh Cua đá gốc sung, Ngạnh lầm lì, Sộp bẹt đầu... đã nhuốm màu truyền thuyết. Nhưng có điều lạ lùng là lòng khao khát một cuộc sống trong sạch, tự do vẫn không ngừng sôi sục trong tim các thế hệ sinh sau đẻ muộn. Những tấm gương nghĩa liệt của các bậc cha anh trong việc báo thù rửa hận, trong các lần vượt ao thất bại, vẫn không một chút phai mờ trong trí nhớ lớp lớp cháu con. Nó như lời kêu gọi thống thiết của những ước mơ chưa thực hiện được, vang vọng không ngừng trong mỗi ngấn nước, cọng rong, trong mỗi lá cỏ, rễ bèo... Lời kêu gọi được cụ Nheo mù tạc khắc thành thơ lại càng vang vọng mãnh liệt hơn.
Và lớp lớp anh hùng, dũng sỹ mới của Ao Cây Sung lại xuất hiện. Trong số những trang anh hùng dũng sỹ này có chú Chép còm con trai út chị Chép vây hồng.
Chị Chép vây hồng nổi tiếng khắp Ao Cây Sung vì sắc đẹp và tính đoan trang hiền thục. Các chị chép khác sinh ra và lớn lên trong cảnh tù hãm, nước đục bùn rêu nên chị nào thân hình cũng to bè bè, ngắn cũn cỡn, vây vẩy xám nhờ màu bùn rêu. Riêng chị Chép vây hồng thân dài thon thả, vẩy trắng ánh bạc, vây và đuôi màu cánh sen. Cặp mắt chị màu ngọc lam, viền quanh một vòng trắng khảm những mảnh bụi vàng. Sắc đẹp chị thừa hưởng từ mẹ. Nghe đâu mẹ chị là dòng chép lai anh vũ, trước kia sống ở một dòng sông lớn. Một năm lụt to bà theo con nước bơi lạc vào Ao Cây Sung. Các bậc trưởng lão của ao như Nheo mù, Trê cọc, Ngão móm, Ốc bươu, Vòm vọp... kể lại rằng: Hôm bà bơi lạc vào ao bà con kéo đến thăm hỏi rất đông. Họ khẩn thiết mời bà ở lại, con nước đã rút cạn, ra đi lúc này là vô cùng nguy hiểm. Họ mời bà ở lại, còn một lẽ nữa mà không ai nói ra: Bà đẹp quá! Nhìn bà, các cụ xưa nay có tiếng là sống kín đáo như Ốc bươu, Ốc vặn, cụ Hến, cụ Trai... đều ngẩn ngơ, ngơ ngẩn cả ra. Có cụ mải há miệng ngắm bà lâu quá, suýt nữa thì không ngậm lại được.
Bà vừa sụt sùi khóc vừa kể cho họ nghe về dòng sông quê hương. Nghe bà kể, các cụ mới nhận ra trong đôi mắt màu ngọc lam của bà thấp thoáng hình ảnh những con sóng to những bãi bờ bát ngát ven sông. Riêng cụ cá Măng quả quyết rằng cụ còn nhìn thấy một cánh buồm no gió màu cánh cò, lướt trôi đung đưa trong đáy mắt bà...
Cửa ao bị lấp ít lâu thì bà chuyển bụng đau đẻ. Đó là một buổi sáng mùa xuân, sau cơn giông nhẹ đầu mùa. Bà bơi quanh quẩn tìm kiếm mãi mới chịu vật đẻ trong đám rễ cỏ dừa sạch gần sát bờ. Thật không may, một tên Bói cá cầm chĩa năm răng, ngồi phục sẵn trên bờ từ lúc nào không hay. Bà mới vật đẻ được một phần ba bọng trứng, hắn vụt đứng dậy cầm chĩa lao tới. Bà con dưới ao dựng hết cả vây bụng, nhìn thấy bà oằn oại đau đớn giữa năm lưỡi chĩa sáng lóa ngạnh thép, xuyên suốt qua tấm thân ánh bạc của bà. Cái đuôi màu cánh sen rung lên từng chập trước giây phút hấp hối. Trứng trào ra bám vàng cả các đầu ngạnh chĩa.
Theo lời các cụ, chị Chép vây hồng giống mẹ như hai chị em sinh đôi, giống từ cặp mắt cái đuôi giống đi. Bọn cá trẻ trong ao thường hay tìm gặp chị hỏi chuyện loăng quăng cốt để nhìn vào cặp mắt màu ngọc lam của chị. Chúng hy vọng được thấy hình dáng cánh buồm no gió màu cánh cò, lướt sóng trong mắt bà mẹ lai Anh Vũ của chị còn sót lại và lướt trôi trong mắt chị... Chúng cãi nhau loạn xạ, đứa bảo có, đứa bảo không. Nhiều đứa cả quyết là có nhìn thấy, nhưng cánh buồm xưa đã trôi xa lắm rồi, nên trông bé như một vệt lông ngỗng tận cuối chân trời.
Nhưng dù nhìn thấy hay không, hình ảnh cánh buồm no gió lướt trôi trên những con sóng to của một dòng sông lớn, vẫn làm bồi hồi xao xuyến biết bao trái tim trai trẻ của Ao Cây Sung.
Chị Chép vây hồng căng bụng trứng vào mùa xuân năm đó. Một đàn chép con ra đời. Khi các con bằng cái lá chanh, chị cho chúng đi mỗi đứa một ngả, tự kiếm lấy ăn theo tục lệ lâu đời của họ hàng nhà chép. Riêng đứa con trai nở sau cùng, bé nhỏ gầy còm hơn hết, chị giữ lại sống chung với chị thêm ít lâu cho cứng cáp hơn. Tại nó bé nhỏ nên chị thương nó nhất đàn, chị thường gọi nó bằng cái tên âu yếm: Chép còm.
Chép còm lớn khá chậm. Lúc các anh các chị được bà con gọi là chép tai trâu, Chép còm mới được gọi là “chép lá chanh”. Tính tình chú cũng khác các anh chị. Chú ít nói, ít ham đùa nghịch hay nghĩ ngợi và rất tò mò. Cái gì cũng muốn hiểu, muốn biết. Thấy việc lạ, chú cứ hỏi mẹ hoài cho đến lúc kỳ hiểu mới thôi, mẹ chú đã lựa lời giảng giải cho chú hiểu cuộc sống khốn cùng của ao quê và tình cảnh thảm thương không lối thoát của bà con dân ao.
Ở Ao Cây Sung có có nhiều cụ cá ông, cá bà kể chuyện rất tuyệt. Và các bà, các cụ rất thích kể chuyện cho Chép còm nghe. Nhiều lần câu chuyện của họ làm cho đôi mắt màu ngọc lam của Chép còm rướm lệ. Còn có sự thưởng công nào xứng đáng hơn cho người kể chuyện bằng những giọt lệ trong người rướm từ đôi mắt trẻ thơ? Có thể nói, Chép còm đã được mẹ và bà con dân ao nuôi lớn bằng những sự tích hào hùng bi tráng đã từng xảy ra tại ao quê.
Nhiều đêm hai mẹ con dựa lưng vào đám rong sát đáy ao, Chép còm quạt mạnh vây hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, con không có ngạnh như anh Ngạnh lầm lì, cũng không có càng như Cua đá, con biết lấy gì để đánh lại tụi Bói cá rằn ri hở mẹ?
Không thấy mẹ trả lời. Chép còm nói thêm:
- Mà nhảy phóng qua ao để thoát thân lấy một mình như mấy anh thì con chẳng muốn.
Chị Chép vây hồng đưa tay vuốt ve lưng con thay cho câu trả lời. Thật ra chị cũng không biết trả lời thế nào.
Trong số các câu chuyện cổ tích được nghe mẹ và các cụ kể. Chép còm thích nhất là chuyện “cá chép hóa rồng”. Chú nghe đến thuộc lòng nhưng lần nào cũng đòi mẹ kể lại. Chú thường hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, Rồng giống con gì hả mẹ?
- Rồng có vẩy như cá, có sừng như tê giác, có chân như người, ngón chân có vuốt sắc như ngạnh thép, lại biết bay như chim.
- Rồng có ích không mẹ?
- Ngay cả loài người cũng kính trọng rồng.
- Rồng có khỏe không mẹ?
- Rồng phun ra lửa, thở ra khói, đủ sức đánh chết hết các loài ác thú hung dữ nhất.
- Có đánh chết được tụi Bói cá rằn ri không mẹ?
- Rồng hay cứu giúp những ai bị đày đọa khổ cực và đem lại tươi vui, hạnh phúc cho những ai đau đớn, khốn cùng...
- Thế muốn hóa Rồng thì phải làm gì hả mẹ?
- Phải tu luyện... phải dấn thân vào những việc nghĩa, dù phải bơi lặn vào sông khó biển nguy... nhưng mẹ cũng chỉ được nghe các cụ kể lại vậy thôi, chứ biết rõ làm sao được.
- Thế con có hóa Rồng được không mẹ?
- Đó chỉ là tích chuyện đời xửa đời xưa, chứ hóa làm sao được.
- Tiếc quá - Chép còm hăm hở nói, - nếu mà hóa được thì dù phải tu luyện cực khổ đến đâu con cũng không sợ mẹ ạ. Con sẽ đánh nhau với tụi Bói cá rằn ri, đưa bà con thoát ra khỏi ao, rồi bơi đến dòng sông lớn...
Ngay lúc đó, như để chế diễu ước mơ viển vông của Chép còm, một con chim lông trắng kẻ sọc xám, từ giữa lưng trời bất thần đâm bổ xuống mặt ao theo chiều thẳng đứng. Tiếng một chị Mại bầu kêu thét lên:
- Cứu tôi với... ới i i...!
Đang từ mặt ao tiếng kêu thét vụt chới với giữa lưng trời. Chép còm nhìn lên thấy chị Mại bầu vùng vẫy tuyệt vọng giữa cái mỏ dài nhọn hoắt của con chim trắng vằn xám. Nó quắp chị ngang lưng, bay vút lên ngọn tre.
Những cảnh tượng như vậy diễn ra ngày càng nhiều ngay trước mắt chú. Nó giống như một thứ mật cá bị vỡ ra, pha đắng dần những ngày thơ ấu ngọt ngào của Chép còm. Lòng thường xót bà con, nỗi căm ghét, ghê tởm cuộc sống tù hãm, đọa đày một ngày một bén rễ, đâm chồi trong lòng chú và cứ lớn dần lên mãi... gương mặt niên thiếu của chú nhiều lúc đã hiện vẻ suy tư của những tâm hồn sớm nghĩ sớm đau...
Cũng giống như hầu hết dòng họ nhà Chép, Chép còm rất yêu trăng. Những đêm trăng sáng, Chép còm thường thức rất khuya, chú bơi tha thẩn trong các mảnh ao không bị bèo rong che khuất, mê mải ngắm vừng trăng khuyết đầy, in lồ lộ đáy nước. Vừng trăng trên trời sáng lấp lánh màu bạc chuốt, vừng trăng in đáy ao ngả màu rong liễu non. Chú quạt khẽ vây bơi về phía vừng trăng chập chờn lung linh, đớp nhẹ. Vừng trăng liền tan ra làm muôn nghìn mảnh. Nhưng chỉ trong chớp mắt các vụn trăng xao xuyến tự tìm đến với nhau, gắn lại vẹn nguyên như cũ và không hề có một vết nứt rạn nào. Trò chơi đớp trăng chú chơi mãi không biết chán. Trong những giây phút đó chú thấy lòng khuây nguôi, quên đi cuộc sống đắng cay tủi cực nơi ao tù. Gương mặt chú rạng rỡ trẻ thơ trở lại.
Nhưng một đêm, trăng rất sáng, mẹ bắt gặp chú đang mải mê chơi đớp trăng thì tỏ vẻ vô cùng hoảng sợ, tưởng như bắt gặp con đang dại dột chơi với lưỡi câu. Chị dặn con từ giờ trở đi không được đùa giỡn với trăng như thế nữa. Chú ngạc nhiên hỏi mẹ:
- Nhưng chơi với trăng thì làm sao hả mẹ?
- Con ơi - Chị Chép vây hồng nói, giọng còn run vì chưa hết sợ - biết bao nhiêu họ hàng nhà chép ta chỉ vì mải chơi trò đớp trăng như con mà đã bị tụi Bói cá rằn ri bắt mang đi mà không bao giờ trở về được nữa?
- Phải sống khổ như vậy suốt đời thì chịu sao thấu hở mẹ? - Chép còm uất ức kêu to.
Chị Chép vuốt ve lưng con giọng xót xa:
- Biết làm sao được con ơi! Tình cảnh ao quê ta lúc này gian khổ lắm. Con phải nghe lời mẹ. Những đêm trăng càng sáng bao nhiêu con càng phải tìm chỗ tối mà ẩn núp thật kín đáo, không được bơi lặn, không được đớp mồi, sủi tăm... Có như vậy mới tránh được tai họa.
Chép còm nín lặng, không dám cãi lại sợ mẹ thêm buồn. Nhưng trong lòng chú cho là mẹ đã lo lắng sợ hãi quá đáng. Chú nghĩ không dễ tụi Bói cá rằn ri muốn giết mình lúc nào thì giết. Chúng ở trên mình dưới nước. Mình có nước, có rong, có bùn che chở, mình lại thạo nghề đóng cọc chúi bùn...
o O o
Một đêm trăng rất sáng Chép còm lén mẹ chơi khuya. Vừng trăng tròn vành vạnh đã lên thẳng đứng giữa bầu trời. Sương sa đầy mặt ao, tí tách như mưa rắc. Ếch nhái giun dế quanh bờ ao đều đã ngủ thiếp chắc vì kêu la đã mệt lả. Chép còm bơi lượn vòng trong làn nước chan đầy ánh trăng.
Vừng trăng khuya đã chênh chếch về phía ngọn sung. Chép còm định quay về nằm ngủ, nhưng trăng đẹp quá chú chưa nỡ rời. Chú nổi lên ao, bơi nhè nhẹ về phía vừng trăng lung linh đáy ao, định đớp chơi thêm lần nữa. Chú há miệng chưa kịp đớp bỗng thấy đầu mình vướng phải một vật gì lùng nhùng và suýt nữa kẹt đầu vào đó. Chú vội vàng ngoặt đuôi bơi vòng lại phía sau, chúc đầu định chúi bùn nhưng cái vật bùng nhùng ma quái đấy đã nằm ngay dưới bụng chú. Và làn nước chan trăng xung quanh chú bỗng xao động với những tiếng răng rắc lạ tai. Chú có cảm giác mình đang bị vật bùng nhùng ấy nâng dần lên mặt nước. Chú kêu thét:
- Mẹ ơi, cứu con với!
Chị Chép vây hồng đang sục bùn cách đó không xa, nghe tiếng con kêu cứu lao vút đến. Liếc mắt chị đã hiểu ngay tai họa gì đang đến với mẹ con chị. Chị thất sắc kêu:
- Bơi mau ra khỏi đây con.
Nhưng chưa kịp quạt vây, hai mẹ con chị đã bị những mắt lưới vuông vây tròn bốn phía.
- Mẹ con ta bị nạn rồi! - Chị rụng rời kêu lên.
Vũng nước chan trăng trong lòng vó nhỏ dần lại, Chép còm theo mẹ tung mình cố lao qua thành vó. Nhưng đầu hai mẹ con liên tiếp đập vào triêng vó, ngã nhào trở lại. Vây lưng hai mẹ con chị đã phơi ra dưới ánh trăng. Chị Chép vây hồng vùng vẫy như phát điên, quật đuôi, húc đầu liên tiếp vào các mắt vó, chị đã húc một phát như đạn phá bắn vào những mắt vó gần sát trôn. Gần một chục mắt vó bị xé toạc. Nhưng chị không thoát ra mà nhảy tránh sang một bên, hối hả gọi con:
- Chui thoát ra mau con.
Chép còm lao đến, lách mình qua chỗ thủng mẹ vừa phá, lặn biến xuống đáy ao.
Bụng vừa chạm bùn, Chép còm ngoái lại không nhìn thấy mẹ. Chú quên hết sợ hãi, bơi phóng lên mặt ao tìm. Chú nhìn thấy mẹ đang vùng vẫy tuyệt vọng trong một cái vó nhỏ xíu, sau này chú mới biết đấy là cái vợt.
Chú gọi thất thanh:
- Mẹ ơi, mẹ!
Chị Chép vây hồng nghe tiếng con gọi liền thôi vùng vẫy. Chị chúc cái đầu xinh đẹp đầm đìa máu tươi nhìn con qua những mắt vợt lấp lánh ánh trăng. Cặp môi dập nát của chị mấp máy nói với con những lời vĩnh biệt, nhưng không thành tiếng. Bởi không nghe được mẹ nói gì trước giây phút vĩnh biệt, nên gương mặt và ánh nhìn thăm thẳm của mẹ lúc đó, đã suốt đời nhức nhối trong trí nhớ Chép còm, như một vết thương không bao giờ lành.
Vì mình không nghe lời mẹ mà mẹ phải chết!
Ý nghĩ đó khác nào một cái ngạnh lưỡi câu cứ đâm sâu vào ruột gan Chép còm, chú thấy đau đớn tưởng chừng như không thể nào sống nổi. Suốt mấy ngày liền chú cứ chúi đầu vào búi rong mà khóc, chẳng còn thiết gì đến ăn uống. Bà con dân ao kéo lại dỗ dành, an ủi chú, Cụ Ngão móm nói:
- Cháu đừng nghĩ vậy mà thêm khổ cái bụng cháu ạ. Ngắm trăng, chơi trăng thì nào có tội tình chi, cũng chỉ tại cái tụi Bói cá rằn ri trời chu nước diệt kia hết. Hễ còn tụi chúng thì bà con ta dù có chui xuống tám tầng bùn rồi cũng bị chúng lùng tìm giết chết. Không sớm thì muộn bà con dân ao ta sẽ chẳng con ai sống sót đâu cháu ạ.
Nghe cụ nói Chép còm bỗng thấy lòng sôi lên uất hận. Và nỗi giận đã lấn lướt đau buồn. Chú không khóc nữa, rời khỏi đám rong chúi đầu, chú bơi đi khắp ao, lòng mơ tưởng tìm ra được một mưu kế gì đó có thể cứu tất cả bà con thoát khỏi cảnh tù hãm, chết dần chết mòn ghê rợn này.
Năm đó, nắng hạn rất to. Mực nước ao rút cạn đến mức đáng sợ. Vào giữa trưa, nước ao như bị đun nóng muốn tuột cả vảy. Một số bà con sức yếu không thạo chúi bùn đã phải chết nắng.
“Hùa lưỡi câu, xâu mang cá”, lũ cò, vạc, cạp nong, rắn mòng, rắn nước... từ các ngả đổ xô về Ao Cây Sung kiếm ăn mỗi ngày càng đông.
Thêm nữa tụi Bói cá rằn ti dạo này bị du kích các thôn làng đánh trả quyết liệt. Chúng không còn cướp bóc được gì, xoay hết ra ao kiếm ăn. Chúng vó, nơm, câu, đâm cả ngày lẫn đêm.
Bơi đến góc ao nào, Chép còm cũng gặp những cái mang tái nhợt, những cái đuôi run rẩy, những tiếng khóc than xé ruột, những cặp mắt đỏ ngầu khóc con, khóc chị, khóc mẹ...
Cái chết rình rập, từng giây từng phút sát bên vây vẩy mỗi bà con. Cái chết rình từ lưng trời dưới đáy bùn, trong mỗi đám rễ bèo, trong lùm cỏ, búi rong. Cái chết rình cả khi trăng sáng, cả lúc tối trời... Cái chết hiện ra với bà con đủ hình đủ dạng, khi là một tiếng nổ rung mặt ao, khi là những răng chĩa có ngạnh như gươm, khi là những mắt vó mềm mại, điệp với màu nước, khi là cái mỏ dài nhọn hoắt siết chặt như bẫy kẹp, khi là cái mồm lởm chởm răng túa đầy chất độc.
Tình cảnh dân Ao Cây Sung lúc này đúng là tình cảnh trên dao dưới thớt.
o O o
Chao ôi, giá có ai bày được cho mình cách tu luyện hóa Rồng! Mỗi lần nhìn thấy cảnh bà con dân ao bị giết chóc thảm thương, Chép còm lại thầm kêu như vậy. Chú tự nhủ: Nếu có phải chịu đựng những cực hình như chặt vây, lột vẩy, móc mang để hóa thành Rồng thì mình cũng chẳng từ nan.
Và từ đó, không mấy đêm Chép còm không nằm mơ thấy mình hóa Rồng. Trong mơ chú thấy mình từ dưới đáy ao bơi phóng lên mặt nước. Chú tung mình nhảy vọt lên thật cao. Một sức mạnh kỳ lạ nâng bổng chú lên trời. Chú trở lên to lớn hơn cả những con chim sắt của tụi Bói cá rằn ri thường bay ngang qua in bóng xuống ao. Miệng chú phun lửa đỏ lè. Vây chú hóa thành những bàn chân có vuốt nhọn, to bằng cái lá súng, lá sen. Chú chỉ phun có ba cái là lửa khói bốc lên cuộn cuộn, tụi Bói cá hoảng hốt xéo đi ngay. Chú dùng bàn chân ó vuốt sắc cào tung hết những lớp rào chắn quanh ao. Chú hất tung những tảng đất đá lấp cửa ao. Nước từ các kênh mương bên ngoài lại chảy ào ào vào ao. Chớp mắt nước đã dâng cao mấp mé bờ. Và ao quê trở lại như xưa, nước trong mát như buổi sáng mùa thu đẹp trời...
Một đêm chú nằm mơ gặp một cụ Chắm đen già lụ khụ, vây vẩy mốc thếch không biết từ đâu bơi đến, Cụ chỉ lối cho chú đến hang mụ phù thủy tài giỏi, có chín mươi chín phép lạ. Chắc mụ ta có thể giúp chú hóa Rồng. Chú hăm hở bơi đi. Lối bơi đến hang mụ, phải chui qua không biết cơ man nào là hom giỏ, hom đó, hom lờ... Chui qua hết các lớp hom, đến một rừng rong mà mỗi nhánh đều treo lủng lẳng hàng trăm chiếc lưỡi câu lớn nhỏ, ngạnh và mũi sáng lóe trong làn nước đen thẫm. Hàng nghìn bộ xương cá trắng hếu bị lưỡi câu móc vào hàm, vào đuôi, vào vây... đung đưa trước mặt Chép còm. Vượt khỏi rừng rong, chú phải bơi dọc một con kênh nước bốc hơi nghi ngút. Nóng... chao ôi, chú có cảm giác mình sắp chín nhừ, vây thịt sắp rụng ra từng mảng. Bơi hết con kênh lại phải càn qua con mương nước cạn xăm xắp bùn, phơi hết cả vây lưng. Hai bên bờ mương tụi Bói cá rằn ri đứng sắp hàng, trong tay lăm lăm nào súng, chĩa ba, chĩa năm, nơm, dặm, rập, chài, vó...
Hang mụ phù thủy nằm sâu dưới đáy nước, phải qua ba lớp cửa. Lớp thứ nhất có hai con cò cói xù lông cổ, mỏ nhọn như mũi lao đứng co một chân canh gác. Lớp cửa thứ hai có hai con rái cá nhe răng trắng xóa, mắt trừng trừng như sắp ăn tươi nuốt sống những ai lọt qua đó. Lớp cửa thứ ba có hai con rắn cạp nong khoanh trắng khoanh đen, nằm cuộn tròn, ngóc cao dầu thở phì phì lưỡi có ngạnh thè ra thụt vào liên tiếp. Chép còm đã vượt qua ba lớp cửa như thế nào chú không nhớ rõ. Chú chỉ nhớ là vượt qua khỏi hiểm nguy này, chú lại xông thẳng vào hiểm nguy khác, không một chút chùn vây, run đuôi. Cuối cùng chú cũng đã lọt vào chỗ mụ phù thủy ở. Gan dạ liều lĩnh là thế, mà khi nhìn thấy hình dạng cổ quái của mụ phù thủy Chép còm phải khựng lại, vi vẩy dựng ngược vì kinh hãi. Mụ ta đầu mèo, mình rái cá, đuôi rắn cạp nong. Bàn tay bàn chân mụ ngón nào cũng cong cong, nhọn hoắt và có ngạnh. Khi biết rõ Chép còm muốn gì, mụ cất giọng khàn đặc như nghẹn bùn nói:
- Khá khen cho mi đã dám liều lĩnh bơi thấu đến đây. Việc biến cá chép thành rồng trừ tay con mụ già này thì không ai đủ sức giúp mi đâu. Nhưng tiền công cán thuốc men mi phải trả ta đầy đủ mới được.
- Mụ muốn tôi trả công bằng gì? Chép còm hồi hộp hỏi.
- Ta chẳng tính đắt mi đâu. Một bộ vẩy, một cái mang, hai vây bơi chèo một vây lưng và một bong bóng.
- Thế mà mụ còn bảo không đắt. - Chép còm rùng mình kêu lên, - thân con cá mà mụ lấy đi chừng ấy thứ thì tôi còn biết sống ra sao, bơi lặn bằng gì?
Mụ ngúc ngoắc cái đầu mèo, ngoe nguẩy cái đuôi rắn, giọng trở nên đanh đá:
- Cái đó tùy mi khách hàng, ta chẳng thiếu.
- Mụ có thể tính bớt cho tôi một ít không? - Chép còm nói gần như năn nỉ.
- Một cái vẩy ta cũng không bớt, ta đã tính với mi cái giá chung.
- Thôi được, tôi đồng ý trả mụ với giá đó - Chép còm cố nén giận nói.
Mụ phù thủy lôi trong gầm giường ra một cá mai ba ba khá lớn, lật ngửa làm chảo nấu nước phép. Mụ vẩy một nắm nào ruột cá trôi, bong bóng cá mè, hoa khế cá trê làm rác chùi chảo. Mụ vừa chùi vừa nói:
- Ta ghét nhất là những đứa làm ăn bẩn thỉu. Nồi chảo mà cứ để tanh ngòm ngòm là ta không chịu được.
Chép còm nhếch mép cười thiểu não:
- Nếu không được hóa rồng thì tôi cũng được chết trong sự sạch sẽ quý hóa của mụ.
Tưởng khách hàng khen mình thật bụng, mụ ngoác miệng cười toe toét:
- Không sạch sẽ lỡ mà nó nhiễm trùng thì khốn!
Mụ rót vào chảo hàng chục thứ nước phép. Màu bùn non rau rêu, rễ bèo... đựng trong những chiếc lọ làm bằng sọ cá. Mụ nhóm lò đun sôi. Trong lúc chờ nước phép sôi, mụ móc một ngón tay vào mang Chép còm đặt lên thớt, dùng một con dao phay cùn rỉ đánh vẩy chú. Mụ chặt hết vây lưng, vây bụng, ngoáy mũi dao vào bụng moi ra cái bong bóng. Mụ chích bụng chú thành sáu cái lỗ. Nước phép sôi, mụ bưng cả chảo dốc tuột vào miệng chú. Chú tưởng mình phải nuốt cả một khối lửa vào bụng. Một cơn đau khủng khiếp xé ruột, xé gan. Và chính ngay lúc đó đã xảy ra chuyện thần kỳ. Chú thấy thân hình mình dài rộng ra một cách khác thường. Trên làn da vừa bị đánh vảy đầm đìa máu tua tủa mọc ra một lớp vảy mới, có thể xòe ra cụp vào và kêu lanh canh như thép. Sáu cái lỗ bị chọc thủng dưới bụng mọc ra sáu cái chân có móng vuốt nhọn sắc như gươm. Chớp mắt Chép còm đã hóa thành một chú rồng to đẹp và dũng mãnh có thể làm cho tất cả các con Rồng trên các mái đình, mái chùa phải chết uất vì ganh tỵ. Chép còm bay vụt lên khỏi mặt nước, trở lại Ao Cây Sung. Chú lặn xuống ao. Thân hình chú to lớn đến nỗi làm cho nước ao phải dềnh lên chực tràn bờ. Chú xòe rộng bộ vẩy kêu lanh canh như thép, mời tất cả bà con dân ao, lớn bé, già trẻ chui hết vào bên trong và chú bay vút lên trời chú kêu to:
- Bà con gắng bám vào cho chắc. Đừng để rớt. Tôi phải bay nhanh đây!
Chú bay cho đến lúc gặp một dòng sông xanh màu cốm mới, hai bên bờ cách xa nhau đến năm, mười tầm gọi, nhấp nhô muôn ngàn con sóng lớn, xuôi ngược những cánh buồm màu cánh cò... Chú liền chúi đầu lao thẳng xuống dòng sông. Chú lặn mãi, lặn mãi vẫn không tới đáy sông. Chú bỗng thấy lưng mình nhẹ bỗng. Bà con mừng nước đã rời khỏi lưng chú từ lúc nào không hay. Tiếng bà con quẫy đuôi, quạt vây, lao xao reo mừng khắp bốn phía...
Chép còm bừng tỉnh giấc mơ. Chú thấy mình đang dựa lưng vào chân một khóm cỏ nước trơn nhớt rêu trong làn nước tù hãm, sặc bùn. Những hình ảnh kinh dị và rực rỡ trong mơ vẫn còn làm tim chú đập mạnh, xao xuyến mãi không thôi. Đặc biệt hình ảnh con sông màu cốm mới, lặn mãi không tới đáy, dào dạt muôn ngàn con sóng lớn, xuôi ngược những cánh buồm, cứ bám riết lấy trí nhớ chú, không làm sao dứt ra được. Chú tự hỏi: liệu có một dòng sông như vậy trên đời này không?
Nếu có thì ở đâu? Và làm cách nào để bơi tới đó?
Không thể tự trả lời Chép còm liền bơi đi khắp ao, tìm các cụ già để hỏi. Nhưng cụ nào cũng lắc đầu.
- Một dòng sông như thế thì may ra chỉ trong chuyện thần tiên cổ tích mới có cháu ạ!
- Ờ, mà dù cái gì đi nữa thì ông cháu ta làm sao thoát khỏi ao để bơi tới đó. Họa là có phép tiên!
Một đêm trăng sáng, cụ Ngão móm lúc nghe Chép còm hỏi liền đưa cái miệng vểnh ngược trở xuống vừng trăng lung linh đáy nước nói:
- Đúng là có một dòng sông như vậy, và nó nằm kia kìa! - Và bất thần cụ nổi con thịnh nộ, quật mạnh đuôi làm cho vừng trăng đáy nước tan nát ra muôn nghìn mảnh. Cụ không nói không rằng quay ngoắt bơi đi.
Chép còm buồn lắm nhưng vẫn không nản.
Chú lại bơi đến hết mọi ngóc ngách trong ao, tìm hỏi các cụ già chưa kịp hỏi.
o O o
Một buổi chiều, đang bơi ven mí nước gần gốc sung già. Chép còm bỗng nghe tiếng một cô gái khóc nức nở trong một đám rễ bèo, chú liền ngoặt đuôi bơi đến. Một cô cá Chày đang chúi đầu vừa khóc vừa dụi dụi mắt vào rễ bèo. Chày thân tròn lẳn, thon dài, bộ vẩy trên lưng cô rung rinh theo tiếng khóc. Chép còm sẽ sàng hỏi:
- Bạn làm sao thế?
Chày ngước cặp mắt đỏ hoe nhìn Chép, trả lời qua tiếng khóc:
- Chị tôi đêm qua bị một con thú gì hung tợn lắm, lặn xuống đây bắt đem đi ăn thịt.
- Con thú ấy hình dáng ra sao?
- Nó to gần bằng con chó nhưng lùn thấp hơn. Bốn chân nó có vuốt rất sắc, lông nó màu bùn non. Nó bơi lặn giỏi không thua gì loài cá chúng mình. Hai chị em tôi đang dựa lưng ngủ say trong đám rong liễu đằng kia,nó bất thình lình bơi đến vồ chị tôi, ngoạm ngang mình, rồi bơi lên bờ ngồi nhai rau ráu cả thịt lẫn xương... Mẹ chúng tôi chỉ có hai chị em chúng tôi. Mẹ bị tụi Bói cá rằn ri giết mất, bây giờ chị tôi lại bị làm thịt... tôi chẳng còn ai thân thích trên đời... - Kể đến đó Chày òa khóc to hơn.
Nhìn bạn khóc Chép còm tự nhiên mủi lòng cũng muốn khóc theo. Nhưng chú đã ghìm lại được, lựa lời an ủi bạn, chú kể cho bạn nghe tình cảnh của mình, cũng đau buồn không kém. Mẹ bị cất vó cách đây chưa lâu và bây giờ chú cũng chỉ đơn độc một mình. Chú kể về những giấc mơ hóa Rồng, về dòng sông xanh màu cốm mới trong mơ và niềm ước mong sôi sục cứu bà con dân ao thoát khỏi cảnh chết dần chết mòn hiện nay.
Nghe chuyện Chép còm, Chày đỏ mắt nguôi nguôi buồn khổ. Cô nín khóc từ lúc nào không hay.
Cùng cảnh ngộ, Chép còm ngỏ ý được kết nghĩa anh em với Chày. Cô suy nghĩ rồi gật đầu nói:
- Dù anh là Chép, em là Chày nhưng từ nay chúng mình sẽ là ruột thịt như cùng một lứa trứng mẹ nở ra.
Chép còm nói:
- Suốt mấy hôm nay, anh lặn lội khắp ai tìm hỏi các cụ, liệu có thể có một dòng sông như dòng sông anh đã nhìn thấy trong mơ.
Chày hồi hộp ngắt lời Chép còm:
- Anh đã hỏi được chưa?
- Chưa, hầu hết các cụ đều trả lời một dòng sông như vậy chỉ có trong chuyện cổ tích mà thôi.
- Thế anh đã hỏi cụ Nheo mù chưa?
- Cụ Nheo mù? Chưa, anh chưa hỏi. Cụ hiện giờ ở đâu?
- Cả ao này, anh là người vô tình số một! Chày nói giọng trách móc - Cụ Nheo là mù là bậc trưởng lão già nhất ao, và còn là nhà thơ lớn của loài ta. Cụ bị mù cả hai mắt, quanh năm suốt tháng sống trong cái hang tối lạnh dưới chân rặng tre. Nhưng chuyện gì xảy ra trong ao cụ cũng biết và đều đặt thành thơ, anh đã bao giờ nghe thơ cụ chưa?
- Hồi nhỏ mẹ anh vẫn thường hát ru anh bằng những bài thơ của cụ. Nghe nhiều lần anh đâm thuộc. Anh thích hất là bài thơ cửu tuyệt, vịnh cái chết, bác Sộp bẹt đầu... Vi vây vẫn xòa như đang bơi. Về phía tự do nắng rực rỡ. Không hiểu sao mỗi lần bất chợt nhớ đến hai câu thơ này anh chỉ muốn làm ngay một việc gì thật tốt đẹp, thật hữu ích...
- Em thì không bài nào của cụ em không thuộc. Em thuộc cả trong khi mê ngủ - Chày nói, gương mặt cô rạng ngời niềm thán phục. - Cụ thông thái tài giỏi biết bao! Em tin chắc thế nào cụ cũng biết rõ có dòng sông đó hay không.
- Em đưa anh đến gặp cụ ngay bây giờ nhé?
- Em với anh phải bơi đi kiếm vài con trùn nước đem biếu cụ. Ngày mẹ còn sống bao giờ dẫn hai chị em đến thăm cụ mẹ cũng đều có quà, cụ sống khổ lắm, quanh năm chỉ ăn lá mục, bùn hôi...
Hang cụ Nheo mù là một hốc đá sâu hun hút, sát đáy ao, ngay dưới chân rặng tre. Bóng tre trùm lấp suốt ngày nên nước quãng này lúc nào cũng lạnh và tối hơn những chỗ khác. Trước cửa hang mọc san sát một rừng rong, bởi vậy nếu không biết lối, khó mà tìm thấy cửa hang.
Chày ngậm con trùn nước còn sống ngọ nguậy bơi trước dẫn đường. Cô rẽ ngang, lượn dọc, bơi nhanh như tên bắn. Chép còm phải vất vả mới theo kịp. Hai anh em bơi ngoắt ngoéo, vượt qua khỏi rừng rong xanh sẫm bóng nước, cửa hang cụ Nheo mù đã hiện ra trước mắt. Mùi bùn, mùi lá mục thối rữa từ bên trong hang xông ra nồng nặc. Chày gởi con trùn nước cho Chép còm ngậm hộ rồi thò đầu vào cửa hang gọi thật to:
- Ông ơi ông - Cô quay lại nói với Chép còm - Cụ nặng tai, phải gọi to cụ mới nghe tiếng.
- Ai gọi gì lão đấy? - Bên trong hang tiếng hỏi vọng ra, giọng khàn và trầm đục.
- Cháu đây ông ạ!
- A, cháu Chày đấy phải không? Sau lâu nay không lại chơi với ông?
Từ bên trong cửa hang tối mờ mờ, một cụ cá nheo to... da mốc thếch màu rêu, dò dẫm trườn ra. Cụ gầy quá cái đầu to lấn át cả thân mình, gồ ghề lồi lõm, da nhăn nheo dán sát vào xương. Cụ mù cả hai mắt, hai hốc mắt trám đầy bùn. Khi cụ bơi nghiêng, mảng da bụng lộ ra, trắng nhợt. Cụ vừa bơi vừa khua khua hai sợi râu mép dò đường. Hai sợi râu cụ chạm vào mình Chày và Chép còm. Chép còm xếp vây cung kính chào:
- Cháu chào ông!
- Còn cháu nào nữa đây?
- Thưa ông, anh Chép còm đấy ạ!
- Chép còm nào? Có phải cậu con trai út chị Chép vây hồng vừa bị mắc nạn tuần trăng trước không?
- Dạ phải đấy ạ!
- Đâu, Chép còm đâu, bơi lại gần đây để ông nhận mặt.
Chép còm nhích lại sát bên vây cụ. Cụ đưa hai sợi râu rờ mặt, lưng, vây, đuôi Chép còm rồi trầm ngâm nói:
- Ông biết mẹ cháu từ ngày mới bằng cái lá chanh. Trên thế gian này hiếm có bà mẹ nào xinh đẹp, hiền thục, gan dạ, thương con đến như mẹ cháu... Được tin mẹ cháu mất, ông có vịnh một bài tứ tuyệt nhưng vì bài thơ không đạt nên chẳng muốn cho ai nghe. Cụ cất giọng khàn đục khẽ ngâm:
Đầu mẹ khi cứu con,
Đã hóa thành thép cứng.
Lưới nào cũng xé toang,
Vó nào cũng phá thủng... ủng... ủng...
Giọng cụ bỗng nhiên nghẹn tắc. Im lặng một lúc khá lâu, cụ hướng hai hốc mắt trám đầy bùn về phía Chép còm nói:
- Phải phải gắng sống làm sao cho xứng với sự hy sinh của mẹ cháu.
Nghe cụ già tàn tật mà lỗi lạc này nhắc tới mẹ Chép còm rưng rưng nước mắt. Chú mím mím môi, cố nuốt nước mắt đang chực trào ra, vội nói lảng sang chuyện khác.
- Ông ơi chúng cháu kiếm được hai con trùn nước đem biếu ông đây, ông ăn đi cho tươi...
- Chà các cháu còn nhớ đến ông thỉnh thoảng đến thăm là quý hóa rồi. Chớ bày quà cáp làm gì?
Chày và Chép còm nài ép mãi cụ mới chịu ăn và ăn với vẻ ngon lành trông thấy.
Trong lúc cụ ăn, hai anh em kể cho cụ nghe tình cảnh hết sức đau thương khốn quẫn của ao quê hiện nay.
Cụ Nheo mù cúi thấp mái đầu gồ ghề lồi lõm ép sát bùn, thở dài buồn bã:
- Cả một đời ông, đã nhận thấy tận mắt mọi loài ác thú, nhưng chưa từng thấy một loại nào hung ác hơn cái bọn “rằn ri” kia...
Chép còm kể cho cụ nghe giấc mơ hóa rồng và dòng sông nhìn thấy trong mơ rồi hỏi cụ:
- Ông ơi, liệu có trên đời này có một dòng sông như thế nà không?
Cụ Nheo mù rung rung đôi râu chậm rãi nói:
- Có, quả là có một dòng sông như vậy... Thật là chuyện lạ cháu đã nằm mơ thấy một dòng sông có thật.
Chày thích quá reo lên:
- Em đã bảo rồi mà cứ hỏi cụ thể nào cũng cũng biết, cụ là nhà thơ!
- Dòng sông ấy ở đâu hở ông? Có cách xa đây lắm không? - Hai anh em tranh nhau hỏi - Trời ơi, ông kể đi chúng cháu nóng lòng muốn biết quá.
Nghe giọng mừng rỡ cuống quýt của Chày và Chép, gương mặt hốc hác của nhà thơ mù càng lộ vẻ buồn rầu ảm đạm hơn:
- Dòng sông đó tục gọi là dòng sông lớn nằm về phía mặt trời mọc và cách đây khá xa, nhưng xa bao nhiêu thì ông không rõ. Ông được nghe kể về dòng sông lớn từ cái thuở còn trai tráng. Chính bà ngoại cháu và các anh cò anh vạc thường bay đến đây kiếm mồi kể cho ông nghe. Đó là một dòng sông hùng vĩ và tuyệt đẹp, như lưỡi gươm rộng mênh mông, sóng vỗ ngang trời. Nghe đâu dòng sông bắt nguồn từ đỉnh núi quanh năm chìm khuất trong mây, chảy qua biết bao nhiêu thác ghềnh hiểm trở, những bãi bờ xanh ngút, những làng mạc trù phú, những cánh đồng thẳng cánh cò bay... rồi dào dạt tuôn ra biển lớn...
Chép còm và Chày cùng hăm hở nói:
- Nếu đúng là có một dòng sông như ông vừa kể thì nhất định chúng cháu phải tìm cách đưa tất cả bà con thoát khỏi cảnh chết dần chết mòn hiện nay và cùng bà con bơi đến đó.
- Các cháu còn ít tuổi mà đã biết nghĩ đến bà con đồng loại như vậy là tốt, tốt lắm... nhưng việc này khó quá, khó quá các cháu ơi...
- Khó như thế nào hả ông?
- Cái khó trước tiên là dân ao chúng ta chưa một ai biết lối bơi đến dòng sông lớn. Mà lối bơi đến đó lại vô cùng xa với cách trở, dọc lối bơi có biết bao nhiêu ngã bảy ngã ba, có biết bao nhiêu cái kênh ngang, mương tắt... Lúc nào cũng chỉ rình đánh lạc hướng ta, đưa ta vào chỗ không còn lối thoát. Đấy là chưa kể đến tụi Bói cá rằn ri rình rập trên khắp các kênh mương. Rồi nhung nhúc trong mỗi kênh rạch đủ cá loài ác thú, ác điểu, cò, vạc, bồ nông, rái cá, rắn mòng, rắn nước, rắn cạp nong, cạp nia... không không... - Cụ Nheo mù lắc cái đầu to sụ, gồ ghề lồi lõm như muốn xua đuổi những ám ảnh ghê rợn trong đầu. - Không một ai trong loài ta, dù có phép rồng phép tiên đi nữa, đủ sức, đủ tài, đủ trí, thoát ra khỏi chốn ao tù này và bơi đến được dòng sông mộng tưởng đó... Phải phải, dòng sông lớn cũng chỉ là dòng sông mơ ước của loài ta... - Giọng cụ trở nên thì thầm gần như một tiếng nấc dài.
Càng nghe cụ nói Chày và Chép còm càng buồn rầu thất vọng. Cặp mắt Chày đã đỏ càng đỏ hoe. Chép còm im lặng một lúc khá lâu, gương mặt hiền lành của chú bỗng trở lên lầm lì giận dữ. Chú nói giọng bướng bỉnh:
- Dù khó đến đâu cháu cũng quyết tìm cách thoát khỏi đây và bơi được đến dòng sông lớn. Cháu chẳng chịu thua đâu!
Cặp râu lang mốc của cụ Nheo mù khua nhẹ nhẹ trong làn nước tối sẫm bóng rong như muốn tìm kiếm một cái gì đó mà không tìm thấy. Cụ nói, giọng trầm khàn rung lên nỗi xót xa, nuối tiếc.
- Chao ôi, nghe cháu nói làm ông nhớ bồn chồn tuổi trẻ của ông. Cụ ngâm khe khẽ: Nhớ đứt ruột những ngày mũi dũ... Ngày đó, bày Bói cá rằn ri kéo đến chiếm cái làng này xây tổ đào hang và ao vừa bị chúng lấp kín. Ông cũng trạc tuổi các cháu bây giờ và tính khí cũng giống các cháu: cứng đầu cứng cổ, tim sôi sục máu nóng, mặc dầu loài ta là loài máu lạnh - đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện vá trời lấp biển, nung nấu những ước mơ táo bạo, táo bạo đến liều lĩnh. Ông cũng không hề biết sợ là gì, và chưa bao giờ chịu cúp vây, co đuôi trước những trở lực khó khăn. Cũng như các cháu, khi nghe bà cá Chép lai Anh Vũ và mấy anh Cò anh Vạc kể về dòng sông lớn, và trùng trùng khó khăn, gian nan, nguy hiểm mà loài ta không thể nào vượt qua để bơi thấu, ông liền nói: “Tôi sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời trai trẻ của tôi dù chỉ để được nhìn thấy một con sóng, một cánh buồm căng gió...”
Chày hồi hộp ngắt lời cụ:
- Thế rồi sau đó ông có dám làm không?
- Có... có... các cháu ạ! Cụ khó nhọc trả lời, như phải bộc bạch một kỷ niệm đau lòng mà từ lâu muốn giấu kín chôn chặt. Chính vì sự xốc nổi của tuổi trẻ làm mà không lượng sức ông đã phải trả giá khá đắt... Ông đã bị mù cả hai mắt.
Chày sửng sốt hỏi:
- Ơ, thế mà lâu nay cháu cứ tưởng ông bị mù từ nhỏ.
Cái miệng rộng ngoạc cụ Nheo mù hơi nhếch cười:
- Ngày bằng tuổi các cháu, mắt ông cũng sáng không thua gì mắt các cháu đâu. Mà sức lực thì còn gấp ba, gấp năm các cháu kia. Có lần ông chúi đầu vào hốc đá nằm ngủ, vô ý thò cái đuôi ra ngoài. Một lão cua đá bò ngang qua tưởng ông đã chết, mon men định dứt thịt ăn. Lão đưa cả hai càng túm chặt lấy đuôi ông. Ông đau quá bừng tỉnh giấc, vùng một cái mà cả hai cái càng lởm chởm răng nhọn của lão ta gãy lìa khỏi thân, bám nhũng nhiễng vào đuôi ông, phải giũ mãi mới ra. Đầu ông rắn như lưỡi xẻng, muốn đào hang, húc mạnh bờ đất một lúc là thành hang. Hai ngạnh ông to bản và nhọn sắc như hai thanh mã tấu. Một lần ông đánh nhau với một tên rắn mòng vì nó chặn đường định ăn thịt chú cá diếc con. Ông lừa miếng, dùng thế võ hiểm “Cò bợ xỉa mồi” đâm một nhát xuyên từ bụng ra lưng hắn. Phải vất vả lắm ông mới rút được ngạnh ra.
Sợ bà con can ngăn, chế diễu, ông bí mật lầm lũi một mình, dùng đầu và ngạnh đào một con đương ngầm vừa mình ông chui lọt, xuyên qua ao. Ông phải đào suốt một tuần trăng với cái quyết tâm và sức mạnh của người tù tử hình đào tường vượt ngục. Thoát ra khỏi ao, ông nhắm mắt theo một con kênh chảy về hướng mặt trời mọc, cắm đầu cắm cổ bơi. Ông bơi cả ngày lẫn đêm, chỉ khi nào không nhấc nổi vây, đuôi thẳng đơ không lái nổi đường bơi ông mới chịu ép bụng xuống sát bùn nằm nghỉ một lúc cho lại sức, rồi ngoi lên bơi tiếp. Đói ông chỉ ăn bùn, rong, rêu, cầm hơn vì sợ mắc phải lưỡi câu. Các cháu thử tưởng tượng đang cái tuổi ăn tuổi lớn, lại đang đói thắt ruột thắt gan mà cứ phải nhìn thấy treo lủng lẳng trước miệng mình là là trùn đất, trùn xoăn, cào cào, châu chấu, nhái cốm, chuồn chuồn... con nào cũng béo mầm mẫm, mà phải cắn răng, nhắm mắt lướt qua, thì nó khó khăn khổ sở đến như thế nào.
Ông cứ bơi như vậy không biết bao nhiêu ngày đêm, vượt qua không biết bao nhiêu kênh, mương, máng, lạch. Ngày kia, ông bơi đến một vùng chi chít kênh rạch nhìn cứ hoa cả mắt. Ông dành chọn liều một con kênh chảy về hướng mặt trời mọc bơi đi. Ông phải bơi suốt một ngày một đêm, té ra con kênh cụt. Ông phải quay lại chỗ xuất phát, đâm đầu vào con kênh khác để rồi lại lạc nữa. Ông cứ bơi vào như một trận đồ bát quái, có lối vào mà chẳng có lối ra. Rồi đến một hôm ông bơi lạc vào một vùng rong nước đục lờ lờ. Mệt quá, ông dừng lại một lúc để nghỉ vây. Bỗng một con trùn nước béo mập không biết từ đâu hiện ra ngay trước mặt ông. Con trùn lượn lờ, nhấp nhỏm trong làn nước đục mờ như chực lẩn trốn. Lâu ngày không có chút chất tanh vào bụng nên vừa nhìn thấy con trùn, ruột gan ông cồn cào đau thắt vì thèm. Đầu óc ông phút chốc mê mụ đi. Ông quên phứt hết nguy hiểm. Cái đói trói cái khôn là thế đấy cháu ạ. Ông trườn nhanh đến không kịp rỉa cũng không kịp nhay, đớp một miếng gọn cả con trùn vào miệng lôi thật mạnh. Bỗng một sức mạnh ghê gớm giật ngược ông trở lại. và một vật sắc nhọn giấu trong mình con mồi đâm ngược từ trong hàm xuyên qua con mắt của ông. Ông chưa kịp vùng, chưa kịp quẫy, đã bị giật bắn từ đáy kênh lên khỏi mặt nước. Xung quanh loang loáng nắng, rộ lên tiếng cười reo: “- Ha ha ha, ông thiếu úy câu được con nheo to quá! Hai ký chứ không ít!”
Thằng Bói cá rằn ri có tên là thiếu úy chưa thèm bắt ông vội. Hắn cầm cần đung đưa ông ở đầu dây câu để kéo dài thêm sự khoái trá. Một thằng đứng cạnh la lên: “Ối, ối! Thiếu úy đưa nó vào bờ không lỡ sẩy mất thì uổng lắm!” Thằng thiếu úy nhe răng cười: “-Cần câu Tây, dây cước Mỹ, lưỡi câu Nhật, nó có sẩy đằng trời!”. Trước cái chết không còn cơ chi tránh khỏi, ông bỗng thấy tức giận tràn hông, giận mình ngu dại tham miếng mồi ngon mà đến nông nỗi này... Thế rồi, trong cơn giận dữ điên khùng, ông đã vùng một cái với tất cả sức lực còn lại. Không ngờ cái vùng tuyệt vọng ấy đã cứu sống ông. Ông thấy mình tự nhiên rơi tõm xuống nước. Thì ra cái vùng của ông mạnh đến nỗi lưỡi câu bằng thép trắng bạc phải duỗi thẳng ra. Ông thoát chết nhưng đã để lại trên ngạnh thép lưỡi câu đôi mắt của mình. Với cặp mắt mù, ông biết mình chẳng còn hy vọng gì bơi đến được dòng sông lớn, mà có ở lại trong cái miền rong nước xa lạ ấy rồi cũng có ngày thân biến thành chả nướng.
Kể đến đây cụ Nheo mù thở dài nặng nhọc như người ta mỗi lần phải nhắc lại những kỷ niệm đắng cay, cố quên mà không sao quên nổi. - Cụ kể tiếp - Thôi, ta đã không đủ tài đủ chí để đến đắm mình trong giòng sông mộng tưởng thì cũng phải quay về để được chết trong đáy nước ao quê... Thế rồi ông mò mẫm, vừa bơi vừa hỏi dò đường, trở lại với bà con. Ông rời ao quê bơi đi vào lúc mùa hoa súng hoa sen nở rộ, khi trở về thì rong nước đã ngả màu thu... Từ đó, ông chui vào hốc đá này, sống nốt những ngày còn lại. Sức tàn, lực kiệt, mộng ước tiêu tan... Nhưng nhiều lúc, mộng ước xưa lại thức dậy trong lòng, ông chỉ còn biết đem gửi gắm vào thơ. Cụ hắng giọng cất tiếng ngâm khe khẽ:
Chỉ tuy không đạt a a a... mộng không thành,
Dũng khí i i i... ngàn đời con cháu nhớ ơ ơ...
Giọng cụ rè, rạn vỡ, trầm đục, có âm hưởng da diết đến xé lòng, làm cho Chày và Chép còm đều rưng rưng nước mắt.
Khi nỗi xúc động đã dịu lắng, Chép còm chợt quật mạnh đuôi như cố vùng thoát khỏi những ý nghĩ thất vọng đang xiết chặt mình như những mắt lưới. Chú nói:
- Dù khó khăn nguy hiểm như ông vừa kể hay hơn nữa, cháu cũng quyết không từ bỏ con đường đã chọn ông ạ. Cháu sẽ theo gương ông, bơi lại con đường mà ông đã bơi. Một là cháu sẽ phơi xác trên kênh mương cho quạ rỉa, kiến tha. Hai là cháu thực hiện được ước mơ của giống ta.
Chú ngoảnh sang hỏi Chày:
- Em có cùng với anh đến dòng sông lớn không?
- Có, - Chày nói nghiêm trang như một lời thề. - Dù có phải vượt qua “nơm đó, vó, lờ” em cũng quyết theo anh.
Cụ Nheo mù nói, giọng trầm ngâm:
- Ông biết, ông biết! Khi dòng sông lớn đã cất tiếng gọi thì khó ai đủ dức cưỡng lại, nhất là khi trong huyết quản ta dạt dào máu trẻ và trong đầu ta đầy ắp những ước mơ cao cả. Xưa ông cũng thế và ngày nay các cháu cũng sẽ thế. Ông đâu có muốn làm nhụt khí phách của các cháu, ông đã đi và đã thất bại, ông cứ đinh ninh rằng việc này vượt quá sức loài cá chúng ta...
- Ông đừng lo, - Chày nói với giọng cả tin, - rồi chúng cháu sẽ bơi được đến dòng sông lớn cho ông xem. Hay... hay ông cùng bơi với chúng cháu ông nhé, Đúng rồi, phải đấy! Ông không thấy đường chúng cháu đã ngậm râu ông dắt ông. Dọc lối bơi, ông sẽ dạy cho chúng cháu cách tránh khỏi những cạm bẫy. Những lúc nghỉ vây, ông sẽ đọc thơ cho chúng cháu nghe. Ông biết không, mỗi lần được nghe một bài thơ mới của ông là cháu thấy háo hức muốn làm ngay được một việc gì thật tốt thật có ích cho bà con, và cháu quên hết mọi buồn khổ trên đời...
Những lời sôi nổi của Chày làm nảy ra trong đầu Chép còm những ý tưởng mới mẻ. Chú nói:
- Ý của Chày thế mà hay đấy ông ạ. Ông cùng bơi với chúng cháu nhé. Trước đây, ông đơn độc vượt ao, dọc lối bơi gặp khó khăn hoạn nạn ông chẳng còn biết trông cậy vào ai ngoài sức khỏe và đôi ngạnh của mình. Bây giờ chúng cháu sẽ chia nhau bơi đi rủ tất cả bà con cùng hợp sức thoát khỏi nơi đây, và bơi đến dòng sông lớn. Gặp nguy khốn, cả đàn sẽ cùng nhau bàn bạc tìm cách đối phó. Gặp khó khăn sẽ cùng nhau hợp sức để vượt qua. Gặp hoạn nạn sẽ nương tựa vào nhau, cùng nhau chia xẻ. Cháu tin chắc thế nào cũng bơi được đến nơi.
Cụ Nheo mù ngẫm nghĩ rồi nói:
- Các cháu tôi giỏi giang thông minh lắm. Các cháu đã nghĩ ra những điều mà trước đây ông không nghĩ thấu. Thật đúng như lời người xưa “Hậu sinh khả úy” ừ... ừ... mà biết đâu làm như các cháu dân ao ta bơi được đến dòng sông lớn cũng nên...
Chày quạt vây, múa đuôi reo lên:
- Hay quá! Thế là ông bằng lòng đi với chúng cháu! Ngay bây giờ chúng cháu sẽ chia nhau bơi đi khắp ao để rủ bà con...
Cụ Nheo mù vội đưa hai sợi râu ra khua khua trước mặt nói.
- Hượm đã các cháu. Đây là chuyện mất còn sống chết của tất cả bà con, không thể quyết định vội vã hay nôn nóng được. Để ông suy nghĩ kỹ thêm rồi sẽ bàn bạc với các cháu thật chu đáo.
Vừa lúc đó, từ trong rừng rong trước cửa hang có tiếng gọi giật giọng:
- Ông ơi, ông ơi!
- Cháu nào gọi ông, có chuyện gì mà nghe hớt hải vậy?
- Hình như tiếng bạn Rô nhọ ấy ông ạ!
Chày nghiêng đầu lắng nghe.
Một chú cá rô luồn lách ra khỏi từng rong bơi như xé nước đến phía ba ông cháu. Chú rô này có bộ vây đen anh ánh như tắm bùn vì vậy mà các bạn gọi là Rô nhọ, Rô nhọ thân hình tuy bé nhỏ nhưng trông thật cứng cáp, nhanh nhẹn, Vây chú nhỏ, cứng cáp và ken dày khin khít khác nào một bộ áp giáp, mọi thứ chông chà, gai nhọn bộ vẩy chú đều coi khinh. Vây lưng chú chạy dài suốt từ cổ đến đuôi, lúc dựng lên nhọn tua tủa như một hàng chông. Đặc biệt hai nắp mang chú hình bán nguyệt, rất cứng, sắc lẻm và có răng cưa, có thể xòe cụp nhanh như cánh chim. Đôi nắp mang của Rô nhọ vô cùng lợi hại, nhờ nó mà chú nổi tiếng khắp ao về tài rạch, lách, trèo. Sau trận mưa rào, Rô nhọ có thể men theo những lạch nước chảy, dùng nắp mang như một cặp chèo, rạch ngược lên những bờ đất dựng đứng, rong chơi thoải mái đó đây, rồi rạch trở lại ao một cách dễ dàng. Do đó chú là kẻ độc nhất trong Ao Cây Sung am tường chuyện kỳ thú về cuộc sống của các loài ở trên cạn. Cũng nhờ cặp nắp mang lợi hại này, Rô nhọ đã từng thực hiện những cuộc vượt ngục kỳ tài: Trèo ngược thành giỏ dựng đứng lách qua những khe hom lờ, hom đó, trườn rạch từ những nơi giam giữ rất xa trên mặt đất trở về ao... Chỉ nhìn cái trán hẹp mà vồng lên, vững chắc như một tấm lá chắn, cặp mắt tròn xoe óng ánh xanh, viền một vòng đỏ của Rô nhọ, cũng biết được chú là một chàng trai ngỗ ngược, không biết sợ là gì và sẵn sàng lao vào mọi việc nguy hiểm.
Rô nhọ bơi đến trước mặt cụ Nheo mù, kêu to đau đớn:
- Ông ơi bạn Lóc hoa...
- Lóc hoa làm sao? - Cụ Nheo mù thảng thốt hỏi.
- Bạn ấy mắc phải lưỡi câu của tụi Bói cá rằn ri!
- Trời ơi! Chứ mắc vào lúc nào! Sáng nay nó vừa tạt vào đây thăm ông kia mà!
- Dạ, vừa bị mắc xong... thì cháu bơi thẳng xuống đây!
Đuôi và vây Rộ nhọ run lên trong làn nước mờ tối, bóng rong như bất thần bị đánh một sống dao vào giữa trán.
Chày thì thầm nói với Chép còm:
- Không ai thân thiết nhau hơn hai cậu ấy! Cứ liền nhau như vẩy với da. Muốn tìm Lóc hoa cứ hỏi Rô nhọ, muốn tìm Rô nhọ cứ hỏi Lóc hoa. Khổ thân bạn ấy quá!
Lóc hoa bạn chí thân của Rô nhọ còn có tên là Lóc bông. Chú là con trai chị Lóc - chết hụt, một bà mẹ lừng danh của Ao Cây Sung. Cái tên Lóc - chết hụt nảy sinh từ cuộc đời đầy những tai họa kinh hồn mà chị đã trải qua.
Mẹ của Lóc hoa vốn không phải dân Ao Cây Sung, chị sinh trưởng ở một đầm nước cạn mọc đầy cỏ năn, cỏ lác phía sau làng. Có lần, chị bị tụi Bói cá rằn ri bắt được giữa giữa lúc đang bụng chửa gần sắp đến ngày vật đẻ. Cũng vì bụng tức trứng nặng nề quá nên chúng mới bắt được chị. Hồi đang con gái thì chúng đừng hòng! Chị có thể lao phóng qua miệng nơm, thành vó nhanh như một tia chớp đen.
Lần đó chị Lóc thoát chết nhưng khắp thân hình đầy thương tích. Xương đầu chị rạn vỡ nhiều chỗ và vẫn không ngớt rỉ máu. Nửa mình bị tróc sạch vẩy, chỉ cần một cọng rong chạm vào cũng rát như lửa đốt. Bà con dân ao vừa kinh hãi vừa khiếp phục, ngay chiều hôm đó, tất cả đều gọi chị là Lóc - chết hụt.
Hai hôm sau chị vật đẻ. Trứng bám trắng xóa một khóm rễ bèo cái. Bà con dân ao kéo đến giúp chị, nhưng chị đều lễ phép và kiên quyết từ chối: “Cảm ơn bà con có lòng tốt, nhưng khi tôi sinh nở một mình đã quen rồi. Xin bà con cứ để mặc tôi”.
Mặc cho các vết thương vẫn như lửa cháy khắp mình, chị Lóc - chết hụt vẫn bơi lượn suốt ngày đêm vòng quanh ổ trứng. Hễ thấy bất kỳ ai mon men đến gần ổ trứng là chị trừng mắt, há miệng rộng hoác đến mang tai, trắng lóa những hàng răng nhọn hoắt, dày sin sít, làm tất cả đều phải sợ hãi lánh xa. Chị đã cắn gần chết hai lão ếch cốm, cắn đứt ngang mình một con rắn mòng, và tiện lìa chân một ả vịt trời, mon men đến gần ổ trứng. Bà con dân ao chưa từng thấy một bà mẹ nào chăm con và dữ tợn đến như chị. Cuộc đời đầy những tai họa, bất trắc đã làm chị luôn đề phòng, không kể khác loài, hay cùng loài. Cả khi chị chợp ngủ, hai mắt chị cũng mở trừng trừng, răng cũng nhe ra, sẵn sàng trong tư thế lao vào những kẻ địch ám hại các con mình.
Ít lâu sau trứng nở. Một đàn rồng rồng đỏ hỏn ra đời. Chị dẫn con đi ăn quanh rìa nước có bóng sẫm bờ ao. Đàn con ăn nổi trên mặt nước, chị lội ngầm bên dưới trông con. Thoáng một bóng nghi ngờ, đe dọa là chị đánh đuôi ra hiệu cho con lặn biến xuống nước rồi sau đó nổi lên ở một chỗ khác.
Thức ăn trong ao ngày một khan hiếm, mà đàn con lại quá đông. Thiếu mồi, chúng cứ gầy rạc đi, không lớn được. Nhiều đứa xuôi vây nằm lả trên mặt nước vì đói. Mắt chị long lên ánh hung dữ khác thường, và hai hàm răng chị càng nghiến chặt hơn. Chị phải dùng đến cách kiếm mồi quyết liệt đến điên khùng. Chị nhảy phóng lên bờ, nằm phơi mình giữa khoảng đất dưới nắng trưa như đội lửa. Kiến vàng, kiến đen, kiến lửa đánh hơi thấy mùi tanh, lũ lĩ kéo đến bâu lấy thân hình chị. Chúng cắn, chúng xé, chúng vục răng vào các vết thương mưng mủ lở loét trên làn da đã bị tróc hết vảy. Chúng chui cả vào mang, vào các vết rạn nứt trên đầu chị. Chúng rứt thịt chị miếng lớn miếng nhỏ, kìn kìn khiêng đi. Mặc, chị vẫn nằm im giả chết và cắn răng chờ. Chị chờ cho đến lúc chúng kéo đến bâu kín không còn hở một chỗ nào trên thân mình. Lúc bấy giờ chị mới bất thần tung mình lao vọt xuống ao. Chị lặn biến xuống nước, đàn kiến bâu trên mình chị chới với buông bị ra, nổi hết lên mặt nước. Đàn rồng rồng xô lại tranh nhau đớp kiến. Mỗi lần kiếm mồi bằng cách đó, đàn con chỉ được một bữa lưng lửng dạ. Cung cách kiếm mồi nuôi con của chị làm bà con dân ao vừa thương xót vừa khiếp đảm. Nhưng không một ai dám ngỏ lời khuyên can. Nhìn ánh mắt long lanh hung dữ và hàm răng nghiến chặt của chị, họ biết mọi lời khuyên can đều vô ích.
Nuôi con và thường xuyên kiếm mồi cho con bằng cách đó, đầu chị mỗi ngày một to ra, thân hình quắt lại, mỏng dính như lưỡi dao, vẩy sát vào xương. Bà con nhiều lần bắt gặp chị đang bơi bỗng ngất xỉu, xuôi vây, ngay đuôi, chìm từ từ xuống đáy bùn. Nhưng chỉ chốc lát chị lại cựa mình quạt vây. Lòng thương con và hơi mát lạnh của bùn ao giúp chị tỉnh lại, nâng đỡ chị ngoi lên tiếp tục cuộc đời làm mẹ bi tráng và lẫm liệt của mình.
Một buổi sáng, bà con dân ao ngạc nhiên thấy đàn rồng rồng bơi lặn xao xác như chim vỡ tổ, họ xô cả lại xem có chuyện gì xảy ra thì thấy chị đã chết tự bao giờ. Đầu chị ghếch lên một đám rễ cỏ dừa, miệng còn ngậm chặt con cào cào. Hình như chị vừa nhảy lên bắt mồi, chưa kịp nhả ra cho các con thì gục chết vì kiệt sức.
Ôi, lòng các bà mẹ cá lóc thương con. Kể sao cho xiết.
Cụ Nheo mù vịnh một bài bốn câu khóc chị:
Đầu rạn nứt, nửa mình không vẩy,
Thoát tử thần đuôi xé làm đôi.
Phơi thân dụ kiến nuôi con đói,
Tình mẹ mênh mông động đất trời.
Chỉ ít lâu sau, đàn rồng rồng mồ côi mẹ chết dần chết mòn gần hết. Chúng còn nhỏ dại non nớt quá, không có mẹ che chở nên lần lượt làm mồi cho lũ rắn mòng, cò, vạc, bói cá, ếch, chẫu chàng... Chỉ một mình Lóc hoa sống sót. Chú sống sót là nhờ nhanh nhẹn, khỏe mạnh hơn hẳn các anh chị. Nhờ rong nước chú lớn nhanh như thổi. Đang mới bằng đầu đũa, ngoảnh đi ngoảnh lại chú đã bằng cái ngó sen. Và ngoảnh lại ngoảnh đi chú đã bằng cái cán dao. Bà con dân ao thấy vậy đều rất mừng, nói với nhau: “Nó lớn cho cả phần mấy trăm anh chị nó, không may sớm nằm trong bụng rắn, bụng cò...”
Lóc hoa đầu thuôn nhọn như được nước gọt đẽo mà nên, hai má phinh phính, cặp mắt đen huyền sáng óng ánh, viền một vòng màu lục trong, miệng rộng đến mang tai, hai hàm răng dày sin sít, sắc nhọn, trắng đẹp như thép mạ. Thân mình chú dài hơi quá cỡ, tròn lẳn, ức nở, rốn thon, vây bơi chèo rộng, vây bụng xuôi, đuôi mềm mại như cọng rong giữa dòng nước chảy. Bộ vẩy chú láng ánh như bùn non dưới trăng, phía trên lưng màu xám nhạt điểm những vân hoa màu đỏ tươi, phía dưới bụng màu rơm phơi nắng. Do những vân hoa trang điểm trên lưng mà chú có tên là Lóc hoa hoặc Lóc bông.
Chẳng bao lâu Lóc hoa đã trở thành một chàng trai lực lưỡng, vạm vỡ, nhảy cao, bơi nhanh, bắt mồi mười phát không sai một. Nhìn chú lướt bơi vun vút như con thoi đen vân hoa gieo trong rong nước hoặc nhảy phóng lên khỏi mặt nước đớp bắt cào cào, châu chấu, chuồn chuồn đang bay, đang đậu, dân ao ai cũng phải dựng vây ngắm, trầm trồ tấm tắc khen.
Lóc hoa không ở chỗ nào nhất định cả, cả cái Ao Cây Sung này là nhà của chú. Chú có rất đông bạn bè và anh em kết nghĩa. Chú quen biết gần hết bà con dân ao, coi ai cũng là bà con ruột thịt. Bởi vì chú thường không tiếc sức giúp đỡ các cụ cá già bệnh tật, yếu đuối, và che chở bênh vực các bé cá nhỏ dại. Bơi đến đâu, hễ gặp chuyện chướng tai gai mắt là xông ngay vào can thiệp, lấy việc thiên hạ làm việc của mình. Chú sẵn sàng liều mạng đánh nhau với những địch thủ to xác và mạnh gấp hai ba gấp ba, dùng hàm răng nhọn sắc, cái đầu như mũi lao và toàn bộ sức lực cường tráng của mình để bênh vực lẽ phải. Mỗi ngày thân hình chú lại dày thêm những vết xây xát sứt sẹo, vết cũ chưa lành đã chồng lên vết mới. Bộ vẩy láng ánh vân hoa của chú bị tróc mất nhiều mảng. Bà cụ Vền một hôm ngắm nhìn cái thân hình đầy thương tích của chú phải chép miệng nói:
- Cháu cứ ham đánh lộn như vậy rồi cũng đến như má cháu thôi chẳng còn lấy một chiếc vẩy mà hộ thân!
Lóc hoa nói:
- Nhưng hễ nhìn thấy những chuyện chướng tai gai mắt là cháu sôi gan nóng tiết, không sao dằn lòng được.
Chú bơi ngang qua một khóm bèo chợt nghe một bà Thiểu than thở với một bà Mương:
- Ối dào, nhìn lũ chuồn chuồn, châu chấu chao liệng trên mặt ao mà tôi thèm rệu cả nước miếng. Bây giờ già yếu quá rồi, chẳng còn đủ sức bắt lấy nổi một con chuồn chuồn kim chị ơi!
Thế là Lóc hoa phóng ngay lên mặt ao, bơi vào sát bờ, nép dưới đám cỏ ống, rình mồi. Hôm đó trời nắng rất to, nước gần rìa bờ nóng như luộc. Nhưng chú vẫn gan liều nằm phục suốt cả buổi trưa. Chú nhảy đớp được một con bọ ngựa cái béo mẫm, con bọ ngựa cũng không phải tay vừa, vung cặp kiếm răng cưa, cứ nhè vào mắt chú mà bổ liên tiếp, chú không nhanh nhẹn dìm nó xuống nước thì chắc đã bị nó chém mù mắt rồi. Chú ngậm con bọ ngựa bơi khắp ao tìm trao cho bà Thiểu.
Sau đó, chú bơi lướt quanh bờ ao định rình bắt con nhái bén thật béo, biếu bà cụ Cua - một càng. Bà là bạn thân của mẹ chú từ thủa chú đang tuổi rồng rồng. Bà già yếu lại tàn tật sống thui thủi một mình trong cái hang nông choèn. Hôm đó, vừa trông thấy chú bà đã sụt sùi, kể lể một hồi: “-Cơ khổ mẹ cháu. Mẹ cháu trông bề ngoài hung dữ như vậy nhưng bụng dạ như hoa súng, hoa sen, nở ra mà thơm cho cả thiên hạ. Một lần, mẹ cháu đến chơi với thím, mang cho thím một con nhái lưng sọc xanh, béo cứ múp ra bắp tay bắp đùi nần nần toàn những thịt. Lần đầu đời thím được nếm mùi thịt nhái, nuốt tới đâu biết tới đó. Thịt nó ngọt, mềm, mà cứ thơm phưng phức”.
Lóc hoa hỏi:
- Thế lâu nay thím có được ăn thịt nhái không thím?
Bà Cua - một càng cười mếu máo:
- Cháu làm như thịt nhái là lá mục không bằng! Một đời thím được ăn một lần cũng là phúc phận lắm rồi.
Bà ngo ngoe cái càng độc nhất, xuýt xoa, chắp chắp miệng, nuốt nước bọt.
Lóc hoa nhìn bà lòng đau nhói vì buồn và xót thương. Chú quyết ngay trong ngày hôm đó phải lùng bắt cho bằng được một con nhái thật béo để biếu bà bạn già của mẹ, dù cho có phải bơi vào giữa một dàn lưỡi câu rà.
Chú lướt bơi hết sức nhẹ nhàng, cố tránh không làm động một thân cỏ một cọng rong không để ngời lên một gợn nước. Tụi nhái cực tinh mắt thính tai. Chúng ngồi chồm chỗm trên các lá bèo, lá súng vẻ mơ màng trầm ngâm như không nhìn thấy gì. Nhưng chỉ cần một tiếng động rất nhỏ, hoặc một thoáng khả nghi là chúng đã nhảy tót xuống nước, lặn biến như tan vào trong nước.
Đang bơi, Lóc hoa chợt dừng vây, chững lại dưới một khóm rễ bèo. Chú nghe có tiếng quất nhẹ trong không khí và tiếp theo tiếng bõm! Cặp mắt chú vụt lóe sáng, vây lưng dựng đứng, miệng mím khít, toàn thân thẳng căng. Đó là tư thế quen thuộc của chú chuẩn bị lao lên bắt mồi. Chú biết rất rõ tiếng bõm vừa xong là tiếng con nhái từ trên bờ nhảy phóng xuống nước. Chú nghếch cao đầu, lắng tai để định hướng. Chỉ trong nháy mắt chú đã phát hiện ra con mồi đang lao chạy ngay trước mặt. Chú xòe rộng đuôi, quạt mạnh vây lao vút đến con mồi như một mũi tên. Con nhái béo mẫm chỉ còn cách chú một nhảy, một lao và một đớp. Nó có vẻ hoảng sợ vì biết mình đang bị săn đuổi nguy kịch. Nó bơi một đường bơi ngoắt ngoéo theo bờ nước, nhảy chồm qua những khóm bèo lục bình, rồi hấp tấp nhào xuống nước như muốn lẩn trốn. Nhưng đời nào chú chịu để nó tẩu thoát! Chú rượt theo như bay, vừa đúng tầm, chú quật mạnh đuôi lấy đà, lao phóng lên khỏi mặt nước, phối hợp tuyệt khéo giữa cú nhảy và cú đớp. Tốp! Cú đớp chính xác như một phát súng của nhà thiện xạ. Con nhái đã nằm gọn giữa hai hàm răng chú. Con nhái to quá làm miệng chú cứ bạnh ra. Đúng lúc đó, chú nghe tiếng Rô nhọ kêu thét từ xa:
- Nhả ngay ra! Nhả ngay ra! Mồi lưỡi câu quang đế... ế...
Nhưng không kịp nữa rồi, Một cái giật rất mạnh, con nhái nằm giữa hai hàm răng như bất thần nhảy vọt, tha luôn cả chú bay qua đám bèo nằm chắn ngang trước mặt. Mép bên trái vụt đau nhói tưởng chừng như có ai cầm mà tước ra. Chú há miệng to vùng quậy dữ dội, muốn khạc con nhái ra, nhưng vô ích. Con nhái như bị khâu chặt vào miệng chú.
Rô nhọ bơi xé nước đến bên cạnh la đến khản giọng:
- Vùng thật mạnh ra! Vùng thật mạnh ra! Bẻ thẳng lưỡi câu hoặc rách mép!
Nghe lời bạn. Lóc hoa vùng quẫy, liên tiếp tung cao mình lên khỏi mặt nước, cố giằng mép ra khỏi lưỡi câu. Nhưng lưỡi câu quăng làm bằng thép trắng to như gọng dù, ngạnh dài và nhọn như mũi lao, sức cá chục cân cũng khó lòng bẻ thẳng. Và mép của Lóc hoa đâu có dễ dứt như mép các cậu diếc. Chú vẫn bị lôi phăng về phía trước không sức gì cưỡng lại nổi. Thân hình Lóc hoa trượt vùn vụt qua những xơ rau muống, những búi cỏ dừa, thoáng chốc chú đã nằm gọi trong cái thùng đạn của tên lính rằn ri. Trong đó đã có mấy anh Lóc và một chị Sộp đang có mang bụng trứng.
Lúc này cái “xà lim thép” đặt ở xó bếp, nằm phía góc trái đồn. Lóc hoa nghe chúng bàn soạn: Làm món cháo ám thật ngon mời ngài đại úy đồn trưởng. Một bàn tay khét mỡ rán thọc vào đáy thùng, khua khoắng tóm cổ từng anh chị lóc, quật đánh bốp xuống nền bếp. Lóc hoa nghe rõ tiếng xương đầu, xương hom rạn vỡ, tiếng dẫy đau đớn của các bạn, tiếng đập đuôi hấp hối. Một... hai... ba... bốn... chú nhẩm đếm tiếng giáng quật, nhắm mắt, xuôi vây, chờ đến lượt mình. Trước cái chết hiển nhiên không còn cách gì tránh khỏi, chú bỗng thấy lòng trở lên bình thản lạ thường. Không sợ hãi, cũng chẳng tiếc nuối. Chú chỉ ân hận một điều là không còn bao giờ được bắt một con nhái thật béo biếu bà bạn già tàn tật của mẹ. Chú thở dài:
- Thế là bà cụ sẽ nghĩ đến mà thèm cho tới chết...
- Xin các ông làm ơn làm phước tha chết cho tôi... tôi đang bụng mang dạ chửa... - Chị Sộp khóc lóc van vỉ, nghe muốn đứt ruột: bàn tay khét mùi mỡ rán lại thò vào đáy thùng, tóm trúng lưng chị Sộp, chị quẫy mạnh tuồn ra được khỏi tay hắn, run rẩy nép sát vào góc thùng. Lóc liền lách đến luồn vào giữa bàn tay đang khua khoắng, bụng nghĩ. Biết đâu chúng chỉ làm thịt đến mình còn chị Sộp chúng sẽ để lại... Những ngón tay đầy nhớt như gọng kìm bóp chặt ngang cổ chú. Chú nằm im chẳng buồn ngúc ngoắc đuôi. Cổ họng chú tự dưng đắng nghét như mật vỡ ra, trào lên cổ. Cũng vừa lúc đó trên cao có tiếng hỏi:
- Còn mấy con trong đó mày?
- Dạ bẩm đại úy, hai ạ!
- To không?
- Dạ cũng khá, to hơn bốn con vừa rồi.
- Để hai con đó lại. Sáng mai làm món nướng nhậu chơi! - Những ngón tay gọng kìm đang xiết ngang cổ họng Lóc hoa buông ra. Tiếng tên được bẩm là đại úy hỏi:
- Ao còn nhiều cá không mày?
- Dạ bẩm đại úy còn bộn.
- Hôm nay là ngày mấy ra nhỉ?
- Dạ bẩm mồng tám ạ!
- Thế thì đến đúng ngày rằm ngài cố vấn Uyn-sơn sẽ về đây kiểm tra đồn ta. Chúng ta sẽ bắt cá ao mời ngài nhậu một bữa ra trò.
- Dạ bẩm nếu vậy thì đại úy phải cho người lên quận mượn cái máy bơm về bơm từ sáng ngày mười hai đến rằm mới có thể cạn được.
- Cần gì máy bơm máy biếc cho mệt mày. - Tiếng tên đại úy cười khành khạch - Tao đã có cách. Tương xuống ao một trái mìn là xong.
- Bẩm đại úy cái ao khá rộng, một trái mìn sợ không ăn thua.
- Một không ăn thua thì hai! Loại mìn điện hai mươi cân của Mỹ cho nổ cả hai cùng một lúc thì cả ao chẳng còn một mống tôm tép sống sót. Lo gì mày. Tha hồ cho chúng mày bắt cá. Bắt sướng tay thì thôi.
Câu chuyện trao đổi giữa hai tên Bói cá rằn ri lọt vào tai Lóc hoa không sót một tiếng. Bốn câu thơ tứ tuyệt nghe hàng trăm lần chú chỉ nhớ nổi hai câu thế mà đoạn đối thoại trên chỉ nghe có một lần chú nhớ như được đục vào óc. Mãi rất lâu về sau, mỗi lần sực nhớ lại chuyện này Lóc hoa vẫn không thôi ngạc nhiên. Chú cứ băn khoăn tự hỏi: Cái gì đã giúp mình trong khoảnh khắc ấy trở lên thông minh kỳ lạ như vậy! Thế là cái chết của Lóc hoa và chị Sộp được lùi lại đến sáng hôm sau. Và sẽ không phải chết theo cách đánh vẩy, chặt vây, chặt đầu, cắt thành khúc bỏ vào nồi nước sôi sùng sục. Họ sẽ chết theo cách bó sống vào bẹ chuối và đặt lên giàn lửa.
Hình như đã khuya lắm. Gian nhà bếp vắng tanh, bóng tối quánh đặc tưởng dùng muỗng múc được. Dưới đáy “Xà lim thép”, Lóc hoa chốc lại trở mình, bên cạnh chú chị Sộp mê man ngủ thiếp. Chị vùng quẫy, nức nở khóc trong mơ, Lóc hoa cũng mệt và đau như dần từ đầu đến đuôi nhưng không tài nào chợp mắt. Câu chuyện tình cờ nghe được đang thiêu đốt ruột gan chú. Chú chưa được biết loại mìn điện hai mươi cân ấy hình dạng ra sao, nhưng chú cũng mường tượng nó giết bằng sức nổ, ép vỡ tan bong bóng như kiểu những phát súng đã giết các bé cá mài mại rô cờ, đòng đong, xin xít...
... Cho nổ cả hai cùng một lúc thì cả ao chẳng còn một mống tôm tép sống sót... Câu nói của tên Bói cá rằn ri, như cái dùi sắt nung đỏ cứ xuyên qua xuyên lại trong đầu chú. Nó nhắc nhở thôi thúc chú phải làm ngay, làm gấp một việc gì đó để cứu bà con dân ao thoát khỏi thảm họa bị giết sạch.
- Việc trước tiên là ta phải vọt ra khỏi thùng nhốt, gắng sức trườn về ao báo cho bà con biết cái tin ghê gớm này - Lóc hoa nghĩ vậy - Biết đâu từ hôm nay đến ngày rằm lại chẳng có một và con tài giỏi nghĩ ra được kế cứu thoát dân ao...
Chú lắng nghe tiếng động tĩnh xung quanh. Gian nhà bếp hoàn toàn im ắng. Xa xa đâu phía ngoài sân khu hang ổ có tiếng bàn chân mang vuốt sắc đi lại. Tiếng sắt thép va nhau lách cách. Một tràng súng nổ chí chát làm chao đảo bóng đêm. Tiếng nổ đập vào vách thùng, dội vào tai chú, như đang nằm dưới đáy ao nghe tiếng sấm rền rung chuyển bầu trời tối sầm giữa cơn giông. Chú lập tức tung mình lao vọt lên miệng thùng. Soảng! Soảng! Soảng! Chú nhảy ba cái liền nhưng đầu đều bị dập vào vách thùng rơi xuống. Tối quá chú không nhìn rõ được miệng thùng để ước lượng chiều cao. Lần thứ tư, chú thu hết sức vọt lên theo hướng chênh chếch. “Uỵch” Thân hình chú rơi thẳng, đập mạnh xuống nền nhà cứng như đá, đau nổ đom đóm mắt. Cửa bếp mở toang nhìn ra khoảng sân rộng mờ mờ ánh trăng mồng tám. Chú nhắm phía cửa trườn ra khỏi bếp. Tiếng vây bụng cọ nền bếp kêu lạo xạo sao mà vang mà to! Chú cố lóc thật nhẹ hơn. Ra khỏi cửa bếp, chú lóc men theo giải bóng tối sát tường một cái tổ cao bằng ngọn cây sung. Quanh cái tổ có những lỗ đen ngòm, sâu hoắm như những con mắt trợn trừng nhìn chú. Một tràng tiếng nổ xé tai. Từ trong những cái hố mắt có phun ra những tia lửa đỏ khé, bay ngang qua đầu chú. Chú ngẩng nhìn lên, bầu trời đầy sao. Chú sực nhớ có lần cụ Sộp dạy chú cách nhìn trăng tìm phương hướng. Vừng trăng khuyết màu vàng nâu sắp lặn khuất sau dãy mái nhà trước mặt. Cụ Sộp dặn trăng lặn về hướng Tây, còn Ao Cây Sung nằm hướng Đông Nam làng. Như vậy là ao nằm phía vây trái mình, chú nghĩ vậy và quay đầu về phía đó, lóc đi. Khoảng sân đầy đất bụi, rác rưởi. Họ hàng nhà cá lóc được trên cạn là nhờ có lớp nhớt bọc quanh mình. Bụi đất thấm khô rất nhanh lớp nhớt dính trên mình Lóc hoa, dính bết vào vảy. Lóc qua khỏi khoảng sân, cả thân hình chú bị bó chặt trong một lớp áo đất. Dọc lối đi dựng đứng như thành lũy vào vào nóc hầm ngầm, những đống hòm sắt, gỗ, những bộ phận gì đó bằng sắt to lù lù như những bộ xương quái vật.
Mấy lần chú suýt lộn cổ xuống giao thông hào miệng hầm ngầm hun hút như miệng giếng. Chú hú vía, rơi xuống đó coi như là chôn sống. Lớp vảy dưới bụng chú tróc gần hết, đầu vập liên tiếp vào bê tông, đá, sắt thép... môi mặt chú bầm dập tóe máu. Một tên Bói cá rằn ri xách súng đi ngang, bước sượt qua đầu chú. Chỉ một li leo là bàn chân có vuốt sắc của hắn dẫm chú lòi óc.
Bây giờ thì phải khó khăn lắm chú mới có thể nhích lên được một chút, có thể nói nhích lên từng cái vẩy. Nhưng chú vẫn tiếp tục lóc lên với cái ngoan cường dữ tợn mà chú thừa hưởng được của mẹ. Gặp một cái dốc, đầu chú bất thình lình chúc xuống. Chú chưa kịp gượng dậy thì đã lăn lông lốc như một khúc củi. Bầu trời và mặt đất quay lộn trước mặt chú. Đang lăn bỗng có những cái gai nhọn sắc tua tủa ôm giữ chú lại. Khi đã bớt chóng mặt chú định thần nhìn kỹ thì té ra đó là những lớp rào thép gai, giống hệt lớp rào gai rải quanh bờ ao.
Chú ngước nhìn trời, hy vọng tìm thấy vừng trăng để định hướng. Nhưng trăng đã lặn từ bao giờ. Bầu trời lúc này chỉ có lốm đốm đầy sao. Sao óng ánh, nhấp nháy như những cái vẩy cá diếc, cá trôi, ai đánh ra làm vương vãi khắp bầu trời. Không có trăng chú hoàn toàn bị mất phương hướng. Ao Cây Sung nằm phía nào đây, đằng trước, đằng sau, bên trái, bên phải! Chú vụt nhớ cụ Sộp có tài nhìn sao để tìm phương hướng. Nhờ vậy cụ từng thoát chết trong nhiều lần vượt thùng nhốt vô cùng mạo hiểm. Chú thắc mắc hỏi cụ: “Ông ơi, nhìn trăng hoặc mặt trời mà tìm ra phương hướng đã đành, vì mỗi thứ chỉ có một. Nhưng sao thì có man vô vàn thế kia, ngôi sao nào cũng nhấp nha nhấp nháy đều lượt, biết nhìn vào ngôi nào mà tìm? - Cụ Sộp cười: “-Hòn đá biết nói cho cái tai biết nghe cháu ạ. Bầu trời đêm với hàng triệu ngôi sao cũng giống như cuốn sách chi chít những chữ đối với người. Người biết chữ nhìn vào sách sẽ đọc được đủ điều nghĩa lý, chuyện lạ, việc hay. Người không biết chữ nhìn vào chẳng khác gì nhìn mặt bùn đáy ao. Cháu ạ, mọi việc trên đời, cả những cái dễ nhất mà muốn hiểu biết cho thấu đáo cũng đều phải khổ công học hỏi. Từ chuyện sao trên trời, đến chuyện ngọn rong, chuyện cỏ, là dễ à? Cháu thử kể cho ông nghe xem đáy nước có bao nhiêu giống rong, bên bờ nước có bao nhiêu loại cỏ nào? Đây là chưa kể đến những cái khó hơn, như tiếng nói, tập tục, những bài hát, điệu múa... của mỗi giống cỏ, loại rong.”
Rồi cụ giảng cho chú nghe, sao trên trời cũng có tên gọi như cá, như các giống cỏ, rong... Sao Hôm, Sao Mai, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Tua Rua, Sao Thần Nông, Sao Hiệp Sỹ, Sao Bò Cạp, Sao Nùng Cày, Sao Thiên Vương, Đại hùng tinh, Tiểu hùng tinh... Ngôi nào, chòm nào, nằm ở góc trời nào, giờ nào mọc, giờ nào lặn, mùa nào có, mùa nào không... Muốn nhìn sao để tìm phương hướng nhất nhất đều phải biết rõ, nghe cụ Sộp giảng giải về rong, cỏ, sao trời, Lóc hoa lúc đó mới cảm thấy mình dốt nát hết chỗ nói. Chú định bụng sẽ bớt rong chơi, thường xuyên đến xin cụ dạy cho cách nhìn sao để tìm phương hướng. Nhưng rồi chú cứ lần lữa tự hẹn rày, hẹn mai. Chú quá quen lang thang, cứ nghĩ đến học là ngại “Giá mình chịu khó học từ ngày ấy thì đâu đến nỗi bây giờ phải mù tịt nằm kẹt cứng ở đây”. Chú nghĩ vậy là lòng cồn lên vì hối tiếc. Nhưng có hối cũng đã muộn mất rồi. Có lẽ chỉ chốc nữa là trời sáng. Tụi Bói cá sẽ đổ xô đi tìm mình. Mất con cá nhốt trong thùng khác chi mất miếng ăn kề tận miệng. Giả dụ chúng không tìm thấy, thì phơi nắng một ngày mai là mình sẽ chết khô ở đây. Kiến sẽ lũ lĩ kéo đến kìn kìn tha thịt mình đi. Một vài ngày sau, mình cỏ còn lại bộ xương trắng hếu... Những ý nghĩ cay đắng đó bỗng làm bùng lên trong lòng chú một nỗi tức giận sôi sục - Không! Chú thầm kêu mình không thể chết vô ích, khốn khổ như vậy được. Nếu mình chịu xuôi vây nằm đợi chết ở đây thì lấy ai báo cho bà con dân ao biết đến ngày rằm, bọn chúng sẽ giết tất cả bằng hai trái mìn điện! Thu hết bao nhiêu hơi sức còn lại, chú lại càn lên, cố vượt thoát ra ngoài những lớp rào kẽm gai. Gai thép rỉ tua tủa cào xé chú từ đầu đến đuôi. Vẩy rụng từng mảng. Vây lưng, vây bơi chèo, đuôi bị xé rách tướp như rễ bèo. Gai thép chọc vào mép, ngoắc vào mang, quào vào mắt. Cựa phía nào gai đâm phía ấy. Cũng may gai thép không có ngạnh như lưỡi câu nên chú mới có thể vùng ra mà trườn lên. Khắp thân mình chú rướm máu. Đau đớn và kiệt sức, chú nằm im thở dốc và đột ngột ngất xỉu... Một làn nước nhẹ mơn man vỗ quanh mình chú. Làn nước bỗng nóng dần lên rồi sôi bỏng như muốn luộc chín da thịt. Chú quẫy mạnh cố nhảy thoát ra khỏi làn nước và bừng tỉnh cơn ác mộng.
“Đến ngày rằm... loại mìn điện hai mươi cân...” Câu nói ghê rợn này lại rành rọt vang lên bên tai chú. Nó như một sức mạnh kỳ dị lôi kéo chú lóc lên phía trước. Cuối cùng chú đã chui ra khỏi những lớp rào kẽm gai. Chú lóc vào một đám cỏ rậm trước mặt. Lá có ướt sương quật lên mình chú, chú rùng mình, Một cảm giá dễ chịu lan khắp cơ thể. Như có ai dấp nước mát lên làn da khô cháy, bọc trong lớp áo bụi và rát bỏng nhưng vết thương. Chú nằm im một lúc và thấy sức dần dần hồi lại.
Rích, rích, rích! Chú giật mình chưa kịp hiểu tiếng kêu của loài thú gì, đã thấy xông đến trước mặt những con vật bốn chân lông như lông rái cá, mõm nhọn, đuôi dài, mắt tròn xoe, thao láo. Chúng dừng lại cách chú một tầm nhảy chúng kêu rích rích, trừng mắt nhìn chú hăm dọa, và nhe hết răng ra. Răng chúng nhọn hoắt, dày khít khịt và trắng lóa, trông còn dữ dằn hơn cả hàm răng bác Sộp chột nổi tiếng hung dữ của của Ao Cây Sung.
Nhìn cái mõm, cặp mắt, hàm răng. Lóc hoa hiểu ngay rằng chúng sắp nhảy chồm lên mình xé xác mình trong khoảnh khắc. Chúng còn chần chừ vì chưa trông thấy mình bao giờ, liệu có phải là một địch thù đáng sợ không?
Chú gầm lên trong cổ họng:
- Tao sứt đầu, toạc mang, tróc vẩy, trầy vi, rách tan nát hết cả vây lẫn đuôi mới thoát ra được đến đây. Bây giờ lại để cho chúng mày xé xác tao ăn thịt à? - Trong cơn tức giận, Lóc hoa trở lên hung dữ, quyết liệt. Chú đập mạnh đuôi tung cao mình như lúc phóng lên đớp mồi. Cái thân hình rách nát của chú rơi thẳng xuống trúng mõm một con thú có vẻ hung hăng to lớn nhất. Trước cú tấn công bất ngờ của Lóc hoa, đàn chuột kêu rích rích và bỏ chạy toán loạn - À, thì ra chúng mày cũng chẳng đáng sợ như tao tưởng! Chú khinh bỉ nhìn theo - Nhưng bây giờ mình phải lóc gấp ra khỏi đây đề phòng chúng có thể quay trở lại.
Chú ngọ nguậy hồi lâu trong đám cỏ nhưng không biết nên chọn hướng nào để càn đi. Bỗng một làn gió mát lạnh từ xa lướt tới, rì rào trên ngọn cỏ. Với khứu giác nhạy bén lạ lùng của loài cá. Lóc hoa ngửi thấy phảng phất trong gió có mùi vị quen thuộc của ao quê, Đó là mùi nước đọng, mùi bùn, mùi rong, mùi những thân cỏ bị gãy dập, mùi hoa bèo tím nhạt, mỏng manh, chú thấy lòng bồi hồi không tả. Đúng rồi, đúng là Ao Cây Sung ở phía đầu ngọn gió. Chú tưởng như ao quê biết chú mắc nạn ở đây, đã gửi gió mang đến cho chú những mùi vị của mình, dẫn lối cho chú lóc về. Lóc hoa quay mình, đón làn gió mát lạnh, đi ngược về phía gió thổi. Càng tiến lên chú càng ngửi thấy mùi ao quê đậm đà hơn.
Chân trời phía đông ửng hồng. Lóc hoa đã lóc đến mấp mé bờ ao. Nhìn thấy mặt nước màu rêu, lăn tăn gợn sóng, mắt chú bỗng hoa lên. Bầu trời sáng hồng dưới đáy ao quay lộn trước mắt chú. Mặt nước như nở nụ cười xanh mát, dang rộng âu yếm chờ đón chú. Thu hết chút hơi sức còn lại Lóc hoa quẫy đuôi lao đầu xuống ao, Nhưng sức đuối quá, chú không vượt khỏi rìa cỏ nước. Chú rơi xuống một bè cỏ nổi lềnh bềnh gần sát bờ, chú cố quẫy để tụt xuống nước nhưng cũng vừa lúc ấy chú ngất đi...
Dũng Sĩ Chép Còm Dũng Sĩ Chép Còm - Phùng Quán Dũng Sĩ Chép Còm