Chương 1
ột quê hương tan nát, một cuồng vọng tiêu ma. Đồng khởi thực sự là cái gì? Có giải phóng ba phần tư đất đai và bốn phần năm dân chúng không? Súng ngựa trời có tác dụng như đài Hà Nội rêu rao không? Đạo Quân Đầu Tóc có được mấy người và do ai chỉ huy? Nữ tướng Ba Định làm gì trong kháng chiến chống Pháp, và trong chiến tranh chống Mỹ? Tại sao Nguyễn Chí Thanh bốc mụ ta lên đặt trên đầu bọn trí thức hùa và đám cán ngố Bắc Kỳ? Trần Văn Trà bị rượt chạy suýt chết vì mưu toan sát nhập bộ đội Hai Phải vào các đơn vị dưới quyền chỉ huy của y.
Ông Đốc Huệ, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, học giả Ca văn Thỉnh và các vị trí thức khác được Cộng Sản xử dụng ra sao?
Vì quyển IV Đến Mà Không Đến hơi dầy nên tác giả sẽ đưa các vấn đề sau đây vào quyển Đồng Bằng Gai Góc:
Cái chết của Tư Trang, Thái Trần Trọng Nghĩa, Quách Vũ, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Chí Thanh và các vấn đề khác chưa nêu lên trong quyển IV, như Lưu Hữu Phước làm con bài hiếu hĩ, hai thứ Trưởng Bộ Văn Hóa của Chánh Phủ ma nuôi gà giỏi cỡ nào và bị bọn Giải Phóng khinh miệt ra sao? Tác giả cãi lộn với cấp chỉ huy và viết thơ cho Trần Bạch Đằng trước khi hồi chánh. Khi tác giả hồi chánh về Sài gòn được Chánh phủ, đồng nghiệp và bạn bè cũ đón tiếp niềm nỡ ra sao.
Xuân Vũ
Khi tôi về đến nhà gặp ngoại tôi thì tôi mới thấy bộ mặt thật của đảng, hi sinh dân Nam Kỳ đến người cuối cùng để thống trị họ. Riêng tôi, tôi cảm thấy mình ngu. Cái ngu của một thằng học trò ba chớp ba nháng đang đi học lại bỏ trường để nhào theo Việt Minh hát Tiến Quân Ca. Nhưng không phải một mình tôi mà toàn dân Nam Kỳ quốc. Bây giờ, 1993, thì tất cả nam phụ lão ấu xứ Nam Kỳ đều thấy rõ điều đó rồi. Đã muộn! Dọc đường Trường Sơn và khi về R, tôi thường mở đài Sàigòn. Thỉnh thoảng nghe tên những thằng bạn học. Chúng đang làm Tổng Giám Đốc, Giám Đốc, Kỹ Sư, có thằng làm tướng. Mẹ kiếp, còn mình đi theo Việt Minh hai mươi năm chỉ được cái danh hiệu tên ăn trộm, chui luồn ngõ hẹp.
Tôi nhìn ngoại tôi mà hết biết nói năng gì. Ngoại đứng cho vịt ăn ở bên mái chòi lụp sụp chỉ xô một cái là đổ ngang. Ngoại nhìn tôi. Ngoại nhìn ông cán lạ mặt mang súng ngắn một giây rồi hỏi:
- Cậu là ai?
- Dạ, cháu là…
Tôi bật lên tiếng khóc và chạy tới ôm lấy ngoại, không nói nên lời. Ngoại tôi vẫn ngạc nhiên không hiểu.
- Con là thằng Triết nè ngoại?
- Ủa, con đó hả Triết?
Ngoại tôi cũng khóc theo và buông xụi vùa lúa xuống đất Tôi đi thẳng vào chòi. Trời đất! Sao chiếc bàn thờ bằng gỗ trắc lại đặt ở trong chòi vịt. Chiếc bàn thờ chạm trổ. Thuở nhỏ tôi vói tay nhón gót mới lấy được bánh trái cúng trên đó bây giờ sao lại dời xuống đây? Còn nhà cửa đâu?
Ngoại tôi chậm chạp đi vào mắt cứ nhìn tôi trân trân như chưa tin tôi đã về tới nhà. Ngoại quệt mắt:
- Nếu ngoại biết con ở đâu thì ngoại đã đi tìm rồi. Hai chục năm nay ngoại có biết con ở đâu?
Chia ly, nước mắt. Sum họp, cũng nước mắt. Cả hai dòng nước mắt đều đắng cay, hờn tủi. Ngôi nhà ngói xưa năm căn rộng và một ngôi nhà dài dính liền hình chữ Đinh đủ sức chứa hai trăm người đã biến mất. Ngày xưa khi cái gọi là Cách Mạng Tháng Tám vừa nổi lên, đây là nơi đóng quân, đóng cơ quan liên tục. Lúa trong bồ xúc ra tha hồ ăn, nước mưa tha hồ uống, trái cây ngoài vườn tha hồ hái. Trần Văn Trà, Đồng Văn Cống nào có lạ gì ngôi nhà này.
Tất cả, bây giờ chỉ còn lại cái chòi vịt, một chiếc bàn thờ ba chân và một mình ngoại. Tôi nhìn lên thấy hình cậu tôi, người cậu thứ Tám tôi yêu quí nhất, chỉ lớn hơn tôi năm, sáu tuổi, tôi coi như một người bạn thuở ấu thơ.
- Cậu Tám sao vậy ngoại?
Như một bọc nước mắt bị gai châm, ngoại òa lên khóc. Tôi nghe trong tiếng khóc của ngoại hàm chứa một sự u uất khác thường, nhưng chưa đoán được nguyên do. Có lẽ ngoại không muốn để cho đứa cháu đi biền biệt mấy chục năm nay mới trở về buồn nên ngoại lại quệt nước mắt, rồi đi nấu cơm. Tôi trút ba lô xuống giường, lột súng máng trên đầu cột Tôi ngó quanh nhà, ngó đến đâu kinh hoàng tới đó. Tôi không ngờ quê hương tan nát và nhà cửa của ngoại tôi trở thành cái chòi như thế này, một cái chòi cất trên bờ chuối mà hai hàng cột bìa cắm dưới mương vì mặt bờ không đủ rộng. Cái chòi có vách lá sơ sài te tua bao bọc chung quanh còn bên trong thì không có vách ngăn. Phía trước là chiếc bàn thờ, dựa lưng vào bàn thờ là giường ngủ chung quanh là thùng, hũ, nia, sàng, đồ rách, chai lọ lớp bể lớp còn nguyên như chiếc thúng tản cư thời chạy Tây, hai mươi năm trước. Trời ơi! Thời đó Tây nó không đốt nhà ngoại để bây giờ bọn cán bộ chi ủy tổ trưởng đảng, du kích, rút rỉa ăn hết, từ cây cột, chiếc đòn tay, cục gạch, tấm ngói, không chừa một thứ gì còn lại có thể chứng minh rằng nơi đây từng là một ngôi nhà ngói xưa.
Ngoại tôi đi ra bàn thờ rút một cây nhang và bảo tôi:
- Đốt nhang trên bàn thờ đi con!
Tôi đang lớ ngớ không biết làm gì, thì câu nói của ngoại làm tôi tỉnh lại. Mấy chục năm nay, tôi bất biết nhà cửa, ông bà cha mẹ. Bất biết cúng quải là gì. Cách mạng làm cho người ta quên nguồn cội, bắt đầu từ những chuyện tưởng-như-nhỏ này, thực tình là không nhỏ. Có quên ông bà thì mới thờ phượng được Mác Lê Mao. Có quên cha mẹ thì mới gào “Hồ Chí Minh muôn năm” được. Rồi từ đó mới quay lại đấu tố cha mẹ ông bà.
Tôi cặm cây nhang trên bàn thờ mà không biết van vái những gì. Ngoại bảo:
- Vái vong hồn cậu con về phò hộ con.
Tôi hỏi ngoại:
- Cậu Bảy đâu ngoại?
- Cậu Bảy con ở trên Sài Gòn.
- Dì Năm đâu ngoại?
- Dì Năm đi ở đợ cho người ta cũng ở trên Sài Gòn.
Tôi không hỏi dì Tư tôi. Vì tôi biết dì đang ở đâu. Trên đường về từ Phước Hiệp tới đây, tôi đã nghe danh dượng Tư. Ông là Cai Tổng. Chợ làng tôi đã trở thành thị trấn. Quận Mỏ Cày chia thành hai quận. Trên có Quận Trưởng, dưới có Cai Tổng. Tôi không dám nói tới những tên tuổi thân yêu vì sợ đụng tới cái lập trường của mình. Cách mạng là như thế đó. Cách mạng quái gỡ như thế đó. Không rõ ai bày đặt ra mà dân ta phải theo như thế này. Giá đừng có cái tháng Tám trong cuốn lịch thì dân ta đỡ hơn nhiều.
Tôi hỏi ngoại:
- Ngoại ở nhà có một mình vầy sao ngoại. Rồi có máy bay hoặc cà nông ngoại làm sao?
Ngoại chỉ cái hầm ở sau chòi.
- Chun vô đó.
Cách Mạng đã biến nhân dân thành những con chuột ở hang. Suốt từ Vàm Cỏ Đông về đến đây, tôi đến đâu cũng dớn dác tìm hầm. Khi thấy được cái hầm rồi mới yên tâm mắc võng nghỉ hoặc làm việc gì khác.
Ngoại nói:
- Ngoại mướn người ta làm hết năm giạ lúa..
Nghe nói tới tiếng “lúa” tôi nhớ tới lúa ruộng, nhưng cũng không dám hỏi. Vì lại sợ mất lập trường.
Ở ngoài Bắc, tôi từng nghe các ông lớn khoe rằng sau Đồng Khởi giai cấp địa chủ đã đầu hàng nhân dân vô điều kiện. Nhiều nơi địa chủ không nhận lúa ruộng hoặc chỉ lấy lúa ruộng tượng trưng một lon sữa bò. Và: Địa chủ trong Nam tiến bộ hơn địa chủ ngoài Bắc. Không cần học tập, không đợi đưa ra đấu trường mà đã giác ngộ Cách Mạng. Trong lúc Ban Chấp Hành Trung ương Đảng thì lại trở thành địa chủ khoác áo bần cố nông, mới đáng nực cười.
Ngoại tôi bảo:
- Để ngoại kêu em Sơn của con vô cho má con hay.
- Em Sơn nào ngoại?
- Con gái của dì Năm con.
Bỗng một cô bé chừng mười một mười hai tuổi bế em đi vô chòi. Ngoại bảo:
- Con đi đằng xóm coi chừng có máy bay, cà nông thụt chạy về không kịp.
Cô bé hỏi.
- Ai vậy ngoại?
Ngoại bảo:
- Anh Hai mày đó.
- Con đâu có anh Hai như vầy.
Ngoại giải thích cho cô bé.
- Con của dì Hai mày. Anh Hai con đi Cách Mạng hồi con chưa có. Đi lại mừng anh Hai đi con.
Cô bé đến cúi đầu. Ngoại bảo:
- Con đi lên nhà chị Sơn kêu nó đi vô Cầu Mống cho dì Hai con hay.
- Hay gì ngoại?
Ngoại bảo cô bé đưa em cho tôi. Tôi bồng bé gái ba tuổi mà rung động cả tim gan: mình đi xa nhà quá lâu. Ngoại giải thích tiếp:
- Em Sơn, con của dì Năm con, đẻ hồi 45. Khi con đi lên tỉnh với cậu Bảy con thì nó chưa dứt sữa. Bây giờ con của nó đã lớn chừng đó. Con hôn cậu Hai đi con.
Đứa bé biết máu mủ, hôn tôi và ôm cổ tôi. Tôi không ngờ tôi được một đứa cháu xinh xắn ngộ nghĩnh như vậy. Bao nhiêu gian lao chết chóc vượt Trường Sơn băng ĐồngTháp Mười tưởng chừng như tan biến trong phút chốc. Tôi hôn hít nựng nịu liên hồi. Bấy lâu nay chỉ hôn khính con cháu người ta.
Chập sau mẹ nó tới, một cô gái xinh đẹp, nước da trắng như bông bưởi, giống hệt dì Năm tôi, bước vô chòi, kêu:
- Anh Hai!
Ngoại tôi trêu:
- Ai là anh Hai của mày, coi kỹ lại coi!
Nó bỗng òa lên khóc. Ngoại tôi nói:
- Cha nó hi sinh đâu ở dưới miền Tây trước đình chiến. Dì con đi tìm mà không ra tông tích.
Gia đình ngoại tôi đang sống trong thảm cảnh, ly tán hoàn toàn. Không còn gì hết. Trên bảy mươi tuổi, sống trên hai mươi năm trong vùng Việt Minh kiểm soát, nay thành một bà cụ trơ trọi cô đơn và nghèo nàn tột bực. Dượng Năm tôi là một nhà Cách Mạng bị tù Côn Đảo. Dì Năm tôi là cán bộ Phụ Nữ tỉnh, đã đào tạo nhiều lớp cán bộ Phụ Nữ Cứu Quốc dưới thời bà Ba Định, cậu Bảy tôi là Trưởng Ban Huấn Luyện Thanh Niên Cứu Quốc tỉnh, có bằng Brevet Supérieur, từng được chọn đi học Đông Âu năm 1947 nhưng cậu “không đi” với lý do ngoại tôi già yếu. Ruộng đất bị Cách Mạng tịch thu, vẫn vui lòng. Nhà cửa được Cách Mạng ở dùm. Vẫn cứ vui lòng. Ngoại tôi âm thầm chịu đựng, một tiếng bất mãn cũng không thốt ra.
Thế mà cậu Tám tôi bị chúng giết trong Đồng Khởi. Có gì đâu Chúng mời cậu đi học tập chánh sách. Cậu không đi Cậu bảo:
- Tụi chăn trâu chăn bò dạy ai mà học?
Chỉ có thế thôi. Nửa đêm chúng đến “mời” và cậu không về nữa. Bọn tá điền và lũ chăn trâu dùng búa đập đầu cậu Nhưng còn tàn nhẫn hơn, chúng không cho ngoại tôi xin xác.
Nghe tôi về, có mang “Colt”, chúng nó sợ lắm. Một tên tá điền cũ của ngoại tôi đến ngay tối hôm đó năn nỉ tôi. Hắn nói:
- Cậu có đòi thì tôi xin đong đủ số lúa ruộng.
Tôi bảo:
- Tôi không cần.
Vài hôm sau tên Trưởng Ty Công An, vốn là bạn học cũ cửa tôi ở trường Quận, cho người mang thơ đến trao tận tay tôi. Xem thơ xong, tôi mới tá hỏa tam tinh. Chẳng những Cách Mạng giết cậu tôi, mà chúng còn giết cả cô tôi nữa.
Cô bị mấy thằng tổ trưởng, chi ủy đảng ve vãn, cô mắng chúng là đồ chăn trâu. Chỉ có thế. Chúng giết xong cũng không cho nội tôi xin xác cũng không nói là tội gì. Bức thư của ông bạn vàng Trưởng Ty Công An cố ý giải thích cho tôi về trường hợp cậu và cô tôi, và xin lỗi (!) tôi. Chuyện đã như vậy rồi, còn nói gì được nữa. Cho nên tôi đành làm thinh. Nếu nổi giận chúng sẽ giết tới gia đình tôi và cả tôi nữa rồi đổ thừa cho biệt kích thì ai làm gì được, khi bọn côn đồ đã có dao găm và lựu đạn trong tay.
Trong lúc em Sơn đi vô Hương Mỹ, giáp ranh với làng Minh Đức, để cho má tôi hay thì ngoại tôi dọn cơm cho tôi ăn. Đáng lẽ bữa cơm sum họp đầu tiên là bữa cơm ngon đầy ý nghĩa, nhưng tôi nuốt không vô. Tôi lại hỏi ngoại:
- Cậu Bảy, dì Năm làm gì ở trên Sài Gòn, ngoại?
- Dì Năm con thì ở đợ cho người ta.
Tôi kêu lên một tiếng như chim bị đạn. Đôi đũa trong tay tôi rơi xuống bàn. Ngoại tiếp:
- Con nhớ con Tám hồi trước bán bánh bèo ở chợ không? Ý mà không phải con Tám. Má nó mới bán bánh bèo còn nó hồi đó còn nhỏ. Tụi đó bỏ nhà lên Sài Gòn lâu rồi. Lên Sài Gòn nó vẫn bán bánh bèo mà làm giàu. Kỳ vừa rồi nó về thăm quê, nó có đến đây. Nó thấy dì Năm con sống cơ khổ quá, nó mới nhờ lên coi nhà dùm cho vợ chồng nó ra Vũng Tàu nghỉ mát hay tìm mối làm ăn gì đó.
Tôi nói để chữa thẹn:
- Vậy đâu phải ở đợ, ngoại.
- Ừ, không phải ở đợ thì thôi.
- Chừng nào ở hoài thì mới gọi là ở đợ ngoại à! Chớ còn coi nhà giùm người quen…
Ngoại tôi cười:
- Vậy lâu nay ngoại tưởng là ở đợ đó con à!
Tôi đau đớn không tả nổi từng câu. Tôi hỏi tiếp về cậu Bảy tôi, thì ngoại nói:
- Cậu Bảy con đi làm công gì cho người ta ở trển, ngoại không rõ, lâu lâu mới về một lần. Hồi Hòa Bình nó không ở nhà được vì lọ mặt kháng chiến, xóm làng đều biết, không trốn được nên phải đi xa. Chẳng ngờ lên trên đó thì bị đồng chí của nó chỉ chỗ cho mật thám bắt.
Tôi thấy bị chạm tự ái vì hai tiếng “đồng chí”.
- Đồng chí nào vậy ngoại?
Ngoại nói:
- Thì cũng mấy ông đi chung với nó trong chín năm. Lúc Hòa Bình thằng kia bị bắt bỏ tù, khi ra tù thì làm tai mắt chỉ chọc cho mật thám. Ngoại với dì Năm con khóc hết nước mắt con ơi! Dì Năm con đi tìm qua không biết bao nhiêu nhà tù. Nhưng cũng khá, người ta bỏ tù có sáu tháng rồi thả ra, cho phép đi làm ăn với điều kiện không được làm Cách Mạng nữa. Cậu Bảy con định cạo đầu lập Am tu niệm, nhưng dì Năm con bảo: “Em là trai, còn mẹ già phụng dưỡng.” Do đó nó đi Sài Gòn làm ăn nguôi ngoai.
- Còn mợ Bảy?
- Cũng ở trển lo nuôi mấy đứa con đi học. Cậu con có được hai trai ba gái. Thằng lớn sắp đỗ tú tài. Con em nó cũng học giỏi lắm. Vào dịp bãi trường chúng nó thường về đây chơi.
Đồng Bằng Gai Góc Đồng Bằng Gai Góc - Xuân Vũ Đồng Bằng Gai Góc