Phần Mở Đầu
ôi mặc bộ comple đen với sơ mi trắng, thắt cà vạt đen, mang giày đen, tất thảy đều tinh tươm lịch sự: đây là loại trang phục vẫn thường làm tôi thấy không được thoải mái, cứ như đang mặc bộ đồng phục lấy trộm hay giả làm người lớn vậy. Nhưng hôm nay nó lại khiến tôi thấy dễ chịu, tạm cho là thế. Tôi đang ăn mặc phù hợp với một ngày nặng nề.
Tôi đã làm xong phận sự trong buổi sáng, đã nói những câu phải nói, nhưng là nói thật lòng, thế rồi khi xong lễ, tôi lên xe chạy đi, bâng quơ, không có dự tính gì, để cho qua khoảng thời gian độ một tiếng trước khi lại gặp thêm những người đã nhiều năm rồi tôi không gặp, rồi lại bắt tay, lại uống thật nhiều trà trong mấy bộ đồ sứ hảo hạng. Tôi chạy xe dọc những con đường làng quanh co ở Sussex mà tôi chỉ còn nhớ mang máng cho đến khi nhận ra mình đang tiến vào trung tâm thị trấn, vậy là tôi rẽ qua một đường khác, rẽ trái, rồi rẽ phải. Đến lúc ấy tôi mới nhận ra mình đi đâu, nhận ra từ nãy đến giờ tôi đang đi đâu, và tôi nhăn mặt, tự thấy mình thật ngớ ngẩn.
Tôi đang chạy xe đến ngôi nhà đã không còn tồn tại hàng chục năm nay rồi.
Thế rồi, khi chạy xuống một con đường rộng rãi đã một thời là con đường làng ven cánh đồng lúa mạch, tôi tính quay xe lại, tính quay về mà không làm xáo trộn dĩ vãng. Nhưng tôi thấy tò mò.
Ngôi nhà cũ tôi từng sống bảy năm, từ hồi năm tuổi cho đến khi lên mười hai, ngôi nhà đó đã bị đập bỏ và không còn nữa. Ngôi nhà mới mà bố mẹ tôi xây ở tận cuối vườn, giữa đám đỗ quyên và vòng tròn cỏ xanh mà chúng tôi gọi là nhẫn thần, ngôi nhà đó đã bị bán đi ba mươi năm nay rồi.
Khi nhìn thấy ngôi nhà mới, tôi chạy xe chậm lại. Trong tâm tưởng tôi, nó vẫn luôn là căn nhà mới. Tôi vừa chạy xe vào lối vào vừa để ý thấy cách họ sửa sang lại theo kiến trúc thập niên bảy mươi. Tôi không nhớ là gạch có màu nâu sô cô la. Họ đã biến ban công của mẹ tôi thành phòng tắm nắng hai tầng. Tôi ngây người nhìn ngôi nhà, tưởng rằng mình sẽ nhớ được nhiều hơn về những năm niên thiếu: không có những quãng thời gian hạnh phúc, cũng chẳng có những lúc đau buồn. Tôi từng sống ở đấy một thời gian, thời còn niên thiếu. Vậy mà dường như nó không góp một phần nào tạo nên con người tôi hiện nay cả.
Tôi lùi xe ra khỏi lối vào.
Tôi biết mình cần phải tới mái nhà nhộn nhịp, vui tươi của cô em gái, ngôi nhà đã được dọn dẹp tinh tươm đâu ra đấy cho ngày hôm nay. Tôi sẽ trò chuyện với những người mà từ nhiều năm rồi tôi đã quên mất là có tồn tại, họ sẽ hỏi thăm về cuộc hôn nhân của tôi (thất bại từ mười năm trước, một mối quan hệ cứ xơ xác dần, đến cuối cùng thì đứt bung, dường như các mối quan hệ bao giờ cũng vậy), rồi họ lại thắc mắc tôi có đang gặp gỡ ai không (tôi không gặp gỡ ai cả; tôi còn không chắc mình có thể làm được việc đó hay không nữa, vẫn chưa đến lúc), rồi họ sẽ hỏi han về con cái tôi (đã lớn cả, chúng nó có cuộc sống của chúng nó, chúng nó cũng ước gì có thể ở đây hôm nay), công việc của tôi (tôi sẽ trả lời là tốt cả, cảm ơn anh chị, tôi chưa bao giờ biết phải nói sao về công việc của mình. Nói ra được thì tôi đã không phải làm việc đó rồi. Tôi làm trong lĩnh vực nghệ thuật, đôi lúc tôi cũng sáng tạo ra được nghệ thuật đích thực và đôi lúc nó lấp đầy những khoảng trống trong đời tôi. Một số thôi. Không phải tất cả). Chúng tôi sẽ nhắc đến người quá cố. chúng tôi sẽ nhớ về người đã khuất.
Con đường làng nhỏ thời thơ ấu giờ đây là con đường nhựa đen như một vùng đệm chắn giữa hai khu dân cư ngổn ngang, lộn xộn. Tôi chạy xuôi con đường đó ra khỏi thị trấn, vốn không phải là lối tôi cần đi, và tôi thấy thật thích.
Con đường đen trơn láng nhỏ hẹp lại, gió mạnh hơn, biến thành con đường làng một làn mà tôi nhớ từ thuở ấu thơ, con đường đất nện với đá dăm lồi lõm.
Chỉ một lát sau, tôi đã chạy từ từ xuôi một con đường làng hẹp và gập ghềnh, hai bên lề mọc những bụi mâm xôi và cây tầm xuân chen giữa mấy giàn cây phỉ hoặc bờ giậu mọc hoang. Tôi có cảm giác như đang chạy xe ngược dòng thời gian. Con đường làng vẫn hệt như tôi nhớ khi mà những thứ khác thì không.
Tôi chạy xe ngang trang trại nhà Caraway. Tôi nhớ hồi mới mười sáu, tôi đã hôn Callie Anders má hồng, tóc vàng sống ở đó, khi ẩy gia đình cô bé sắp dọn đến sống ở Shetlands nên tôi sẽ không bao giờ còn được hôn hay gặp lại cô bé nữa. Thế rồi, ở cả hai bên đường chỉ còn là những cánh đồng trải dài suốt gần cả dặm: những đồng cỏ chằng chịt, mênh mang. Đường làng dần dần trở thành đường mòn. Sắp hết đường rồi.
Lúc chuẩn bị rẽ, tôi đã nhớ ra nó trước cả khi nhìn thấy nó trong ánh hào quang rỡ ràng của cả một khối gạch đỏ lụp xụp đổ nát: căn nhà trang trại của gia đình Hempstock.
Tôi thấy bất ngờ khi đã đi hết đường, mặc dù đường làng vẫn luôn kết thúc ở đó. Tôi không thể đi xa hơn được nữa. Tôi đậu xe lại bên hông sân trang trại. Tôi không có dự tính gì. Tôi băn khoăn tự hỏi liệu sau chừng ấy năm có còn ai ở đây không, hay đúng hơn là liệu gia đình Hempstock có còn sống ở đây không. Xem ra điều đó thật phi lý, nhưng nghĩ lại thì, theo những gì ít ỏi tôi còn nhớ được, họ cũng là những người kỳ lạ.
Khi bước xuống xe, tôi ngửi thấy mùi phân bò nồng nặc xộc vào mũi, vậy nên tôi cẩn trọng bước qua khoảng sân nhỏ đến cửa trước. Tôi không tìm được chuông nên đành gõ cửa. Cửa cài then không được chặt nên khi tôi gập ngón tay gõ khẽ, nó nhẹ nhàng bật ra.
Tôi từng đến đây hồi lâu lắm rồi, phải không nhỉ? Tôi tin chắc mình đã từng đến đây. Đôi khi, ký ức tuổi thơ bị khuất lấp nhạt nhòa bên dưới những thứ đến sau, như những món đồ chơi tuổi thơ bị bỏ quên dưới đáy tủ đồ người lớn chật như nêm chứ không bao giờ mất hẳn. Tôi đứng ở hành lang và cất tiếng gọi, “Xin chào? Có ai ở nhà không?”
Tôi không nghe ai ơi hỡi. Tôi ngửi thấy mùi bánh mì đang nướng, sáp đánh bàn ghế và gỗ lâu năm. Mắt tôi từ từ điều tiết được với bóng tối: tôi ngó vào nhìn, đang chuẩn bị quay đi thì một bà lão từ trong hành lang âm u bước ra, tay cầm miếng giẻ trắng lau bụi. Mái tóc bạc của bà để dài.
Tôi hỏi, “Có phải bác Hempstock không ạ?”
Bà nghếch đầu nhìn tôi. “Phải. Ta biết cháu mà, chàng trai,” bà nói. Tôi không phải chàng trai. Không còn là chàng trai nữa. “Ta biết cháu, nhưng khi nào cháu tới tuổi ta rồi thì mọi thứ đâm ra lẫn lộn cả. Chính xác thì cháu là ai?”
“Con nghĩ lần trước đến đây, có lẽ con bảy hay tám tuổi gì đó.”
Bà nhoẻn miệng cười. “Cháu là bạn của Lettie phải không? Nhà ở đầu đường làng, đúng chứ?”
“Bác cho con uống sữa. Sữa bò mới vắt, còn ấm.” Thế rồi, tôi nhận ra đã bao nhiêu năm trôi qua rồi nên nói, “Không, không phải bác, chắc hẳn người cho con uống sữa là mẹ bác. Con xin lỗi.” Khi già đi, ta trở nên giống cha mẹ mình; sống đủ lâu rồi thì sớm muộn gì ta cũng sẽ thấy những gương mặt lặp lại. Tôi nhớ bác Hempstock, mẹ của Lettie, là một phụ nữ mập mạp. Người phụ nữ này gầy nhom, trông cũng mỏng manh. Bà trông giống mẹ mình, giống người phụ nữ tôi từng biết với cái tên bà Hempstock.
Nhiều lúc soi gương, tôi thấy khuôn mặt của bố chứ không phải của mình, và tôi còn nhớ bố vẫn mỉm cười với chính mình trong gương trước khi ra khỏi nhà. “Trông được đấy,” bố nói với bóng hình mình, vẻ hài lòng. “Trông được đấy.”
“Cháu đến để gặp Lettie sao?” bà Hempstock hỏi.
“Chị ấy có ở đây sao ạ?” Ý nghĩ đó làm tôi ngạc nhiên. Cô bé đi đâu rồi mà, không phải sao? Mỹ chăng?
Bà cụ lắc đầu. “Ta vừa định bắc ấm nước lên. Cháu có muốn uống tí trà không?”
Tôi ngập ngừng. Rồi tôi nói nếu bà không phiền, tôi muốn bà chỉ đường cho tôi tới chỗ ao vịt trước.
“Ao vịt ư?”
Tôi biết Lettie từng đặt cho nó một cái tên ngồ ngộ. Tôi còn nhớ chuyện đó. “Chị ấy gọi nó là biển. Đại loại như vậy.”
Bà cụ bỏ cái khăn xuống chạn bát đĩa. “Ta đâu thể uống nước lấy dưới biển, đúng không? Mặn chát. Như uống máu sự sống vậy. Cháu còn nhớ đường không? Cháu cứ đi vòng bên hông nhà là tới. Cứ men theo lối đi ấy.”
Một giờ trước, bạn mà hỏi thì tôi đã nói không, tôi không nhớ đường. Tôi còn không nghĩ mình nhớ được tên của Lettie Hempstock nữa là. Nhưng khi đứng trong hành lang đó, mọi chuyện lại hiện về với tôi. Những ký ức đang chờ bên lề mọi sự vẫy gọi tôi. Bạn có nói tôi lại bảy tuổi một lần nữa thì ắt trong chốc lát tôi cũng sẽ tin phần nào.
“Cám ơn bác.”
Tôi bước ra sân. Tôi đi ngang chuồng gà, qua cái chuồng bò cũ rồi men theo rìa cánh đồng, vừa đi vừa nhớ lại chỗ mình đang tới và cái mình sắp được nhìn thấy, rồi cảm thấy hân hoan vì mình nhớ được những điều đó. Hàng cây phỉ chạy ven đồng cỏ. Tôi hái một nắm hạt phỉ còn xanh bỏ vào túi.
Kế đến sẽ là cái ao, tôi nghĩ. Mình chỉ cần đi vòng qua nhà kho này là sẽ thấy nó.
Tôi nhìn thấy cái ao và cảm thấy tự hào kỳ lạ, như thể chỉ mỗi việc nhớ được nó thôi cũng thổi đi được chút mạng nhện của ngày hôm ấy.
Cái ao nhỏ hơn là tôi nhớ. Phía bên kia bờ có một nhà kho bằng gỗ nhỏ xíu, và cạnh lối đi có một bảng ghế nặng nề, cũ kỹ làm bằng gỗ với kim loại. Mấy thanh gỗ bong ra được sơn màu xanh lá từ đôi ba năm trước. Tôi ngồi xuống băng ghế, nhìn đăm đăm bóng mây lồng trong nước, nhìn lớp váng bèo tấm viền mép ao và năm bảy chùm hoa súng. Chốc chốc, tôi lại ném một hạt phỉ ra giữa ao, cái ao mà Lettie Hempstock từng gọi là...
Đâu phải biển nhỉ?
Lettie Hempstock, có lẽ bây giờ cô bé già hơn tôi rồi. Ngày ấy, cô bé lớn hơn tôi có vài tuổi, dù cô bé toàn nói những chuyện kỳ lạ. Cô bé mười một tuổi. Tôi thì... tôi thì mấy? Lúc đó là sau buổi tiệc sinh nhật tồi tệ. Tôi còn nhớ chuyện đó. Cho nên có lẽ tôi bảy tuổi.
Tôi tự hỏi phải chăng chúng tôi đã từng ngã xuống nước. Có phải tôi đã đẩy cô bé, đứa con gái lạ lùng sống trong trang trại ngay cuối đường làng ấy, xuống ao vịt hay không? Tôi nhớ là có thấy cô bé ở dưới nước. Có lẽ cô bé cũng đã đẩy tôi xuống.
Cô bé đến nơi nào? Mỹ? Không phải, Úc. Đúng là vậy rồi. Một nơi nghìn trùng xa.
Mà đó cũng không phải biển. Nó là đại dương.
Đại dương của Lettie Hempstock.
Tôi nhớ ra điều đó, và khi nhớ được chuyện ấy, tôi nhớ lại tất cả.
Đại Dương Cuối Đường Làng Đại Dương Cuối Đường Làng - Neil Gaiman Đại Dương Cuối Đường Làng