Con Đường Lá Me epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 1
hị Quyên ngồi xỏa tóc bên cửa sổ, đôi mắt đỏ hoe. Nắng chiều vàng vọt xuyên qua song cửa, vẽ lên nền nhà những đường nét nhợt nhạt, buồn bã như tia nhìn chị Quyên đầy van lơn hướng về me tôi:
- Con không đi mô hết con xin me, cho con ở lại Huế.
Me tôi phác một cử chỉ chán nản:
- Quyên ơi, con báo cha báo mẹ vừa vừa thôi chớ, xấu hổ quá rồi, thiên hạ chỉ chỏ, dư luận bàn tán. Con phải xa Huế một thời gian, khi câu chuyện ni chìm lắng xuống và tâm hồn con lấy lại được cân bằng, con hãy trở về. Ba me không đời mô hẹp lượng với con.
Chị Quyên quay sang tôi:
- Ngọc!
Tôi ngước lên, me tôi đỡ lời:
- Ngọc sẽ cùng đi với con, nó vào học Luật trong đó luôn. Hai đứa sẽ ở nhà bác Phán bên cầu chữ Y.
Tôi rùn vai:
- Trời, ở chi mà xa rứa me. Thôi, con không chịu mô.
Me tôi trừng mắt:
- Ngọc vẫn luôn luôn cải lời me, cái tật la hoài không chịu bỏ.
Me tôi đấu dịu:
- Ngọc à, điều quan trọng là chuyện của chị Quyên con đó. Thương chị, con cố gắng ở bên chị, an ủi chị. Theo me thấy, chỉ có nhà bác Phán là me tin cậy được mà thôi. Đất Sàigòn không hiền như xứ Huế mình mô con.
Vành mi me tôi rơm rớm nước mắt, tôi cảm động đến bên me, cúi mặt nói lí nhí:
- Con xin lỗi, con đã cải lời để me buồn.
Me tôi đứng dậy:
- Thôi hai chị em bây bàn chuyện với nhau đi, me ra sau bếp coi chị Tâm nấu cơm.
Chị Quyên vẫn thút thít khóc, tôi gieo mình xuống chiếc ghế fauteuil cạnh cửa ra vào, chán nản kỳ lạ. Tôi chả muốn vào Saigon học tí nào. Hôm xem kết quả kỳ thi toàn phần xong, tôi rủ Tuyết, con bạn thân nhất của tôi, ghi danh Văn Khoa vì tôi biết Tuyết nó có khiếu về văn chương và tôi thì tuy không bằng Tuyết, nhưng cũng vốn yêu thích văn thơ từ tấm bé. Thuở mới chập chững bước chân vào đệ thất Đồng khánh, tôi đã làm nên những bài thơ đầu đời vụng dại ca tụng mùa thu về có lá vàng bay, mùa Xuân sang với hoa đào nở, rồi chép trang trọng lên từng tờ giấy mỏng mầu xanh. Tôi suy tư, tôi mơ mộng, tôi sống bằng con tim hơn bằng trí óc, me tôi cứ bảo với tôi hoài mỗi lần thấy tôi ngồi hàng giờ nhìn mông lung ra ngoài cửa sổ:
- Mơ mộng cho lắm vào rồi sau khổ đó con. Con gái không nên lãng mạn như rứa.
Con gái không nên lãng mạn như rứa. Tôi thầm hỏi, tôi có thật lãng mạn lắm không? Làm một bài thơ ca tụng thiên nhiên, hát khẽ những bài hát trữ tình thơ mộng, thả hồn theo những đám mây trắng bềnh bồng cuối chân trời xa mỗi buổi chiều học về xuôi chuyến đò ngang Thừa Phủ, như vậy là lãng mạn ư? Thật ra, đến giờ tôi vẫn còn lẫn lộn giữa hai chữ lãng mạn và mơ mộng, tôi chỉ nhận thức được rằng, tôi là con gái đa sầu đa cảm, trót sinh ra giữa cái thành phố diễm tình nầy, nơi mà biết bao du khách ước ao được chiêm ngưỡng những đêm trăng vàng lung linh soi bóng trên giòng Hương Giang êm đềm loang loáng hào quang của rừng tinh tú trên cao, nơi mà biết bao thi nhân đã rút hết tơ lòng để nói lên nỗi nhớ niềm thương khi vì sinh kế phải rời xa xứ Huế, xứ của "núi Ngự Bình trước tròn sau méo, sông An Cựu nắng đục mưa trong", xứ của "Gió đưa cành trúc la đà, tiếng chuông Linh Mụ canh gà Thọ Xương"…
Chị Quyên đến bên tôi:
- Ngọc, em buồn chị đó hả?
Tôi cúi đầu:
- Mô có, thật ra em chỉ buồn vì… em không thích vào Saigòn học.
Chị Quyên chép miệng:
- Me thật là vô lý.
Tôi cãi:
- Me có lý của me cũng như chị có lý của chị. Chị Quyên, theo em nghĩ, chị nên xa Huế ít lâu, em… em cố gắng, em theo chị.
Chị Quyên nhíu mày:
- Răng… răng em lại phải nói là cố gắng?
Tôi rơm rớm nước mắt:
- Cố gắng chứ chị, vào Saigon học là một chuyện bất đắc dĩ, em đã sai lời hứa với Tuyết, đã…
Chị Quyên cướp lời:
- Đã lỗi hẹn với Hoàng chớ chi.
Tôi thoáng đỏ mặt, chị Quyên tiếp:
- Chị biết, em đã hứa hẹn với Hoàng thật nhiều, bây giờ lại bỏ ngang mà đi.
Tôi bào chữa yếu ớt:
- Em và Hoàng có chi mô, thật ra thì… à em có hẹn với Hoàng là em sẽ theo Văn khoa như Hoàng, rứa thôi.
Chị Quyên ngồi xuống bên tôi:
- Thì vào trong nớ, em cũng theo Văn Khoa, răng tự nhiên em lại bốc đồng đòi học Luật rứa?
Tôi vuốt nhẹ nếp áo:
- Tính em đôi lúc thật kỳ lạ, em muốn học Văn Khoa ở Huế nhưng phải Luật ở Saigon, đôi lúc em cũng không còn hiểu em nữa.
Vâng, đôi lúc tôi cũng không còn hiểu tôỉ nữa, khoảng thời gian sau này, tâm hồn tôi bàng hoàng kỳ lạ như vừa nhấp ly rượu say. Từ đêm liên hoan văn nghệ tưng bừng hôm tất niên ở Văn Khoa, từ một ánh mắt vô tình soi nhẹ vào hồn tôi giữa lời ca ý nhạc mừng mùa Xuân tới, đôi chân tôi bước ra khỏi vùng tuổi thơ ngà ngọc tự lúc nào tôi không hay không biết, những ngón chân trần lướt nhẹ trên ngàn giọt sương nhỏ long lanh suốt con đường thênh thang hoa cỏ tình yêu, mình lớn rồi, tôi thầm nghĩ. Tôi vừa đủ lớn để nghe thấy nhịp đập của trái tim ngân vang như những phím ngà rung động dưới mười ngón tay mềm, tôi vừa đủ lớn để đọc được trong đôi mắt Hoàng những lời nồng nàn không thoát ra bằng tiếng, những êm đềm tha thiết anh đang gửi trọn về tôi cùng tất cả say mê. Từ Tết đến giờ, Hoàng tới nhà thăm tôi ba lần, những mẩu chuyện vu vơ, những câu thăm hỏi thông thường nhưng chứa đựng nhiều trìu mến, đã khiến tôi có cảm tình với Hoàng sâu đậm. Tôi chưa phân biệt được tình cảm và tình yêu đối với một người bạn trai, nhưng dưới mắt các bạn tôi, cả chị Quyên nữa, tất cả mọi người đều trêu tôi là "bồ" của Hoàng.
Bóng đêm xuống chậm, không gian còn oi nồng sau một ngày nắng hè gay gắt. Tôi đưa tay ra sau gáy buộc cao mái tóc:
- Mình xuống bếp phụ chị Tâm dọn cơm đi, chị Quyên.
Dáng dấp bé nhỏ của chị Quyên vẫn im lim bất động:
- Chị buồn khổ quá Ngọc ơi. Em có cảm thấy xấu hổ như me đã xấu hổ vì chị không Ngọc?
Tôi bóp nhè nhẹ tay chị:
- Không bao giờ chị Quyên, theo em nghĩ, trái tim chị có riêng những lý lẽ của nó. Chị yêu thầy Thông không phải bằng lý trí, không ai điều khiển nổi tình cảm theo ý mình.
Chị Quyên giọng xúc động:
- Chị cám ơn em, người duy nhất cảm thông được tâm hồn chị.
Tôi cắn môi, lời nói thoát ra ngập ngừng:
- Nhưng còn danh dự gia đình, chị Quyên, thầy Thông đã có vợ con. Thiên hạ đã phong phanh hay biết và vợ thầy Thông dọa sẽ bêu rếu việc này…
Chị Quyên ngắt lời:
- Thì bởi vậy chị mới rời bỏ xứ Huế này mà đi, chị khổ quá, Ngọc đừng nhắc đến nữa.
- Em nhắc đến để chị nghĩ lại rằng me chúng ta có lý, dư luận ở đây độc ác lắm, me bảo chị đi vì me thương chị, chị đừng giận me, chị Quyên nghe.
Chị Quyên đứng dậy:
- Chị mô dám giận me, thôi mình vào ăn cơm đi em.
Chúng tôi đi vào phòng ăn, chị Tâm cũng vừa bưng mâm cơm lên. Ba tôi đi làm về còn đang tắm rửa sau nhà, Toại, em kế tôi và cũng là em út đang ngồi chễm chệ trên ghế tựa. Tôi kêu lên:
- Thằng ni hỗn, chưa ai vô bàn hết răng mi dám ngồi trước?
Toại nhe hàm răng sún:
- Chưa chi đã đổ hô. Em ngồi chơi chớ có dành cơm của chị mô nờ.
Ba tôi vừa vào tới, me tôi theo sau kéo ghế cho ông ngồi. Gương mặt ba tôi nghiêm nghị, hình như ông sắp nói một điều gì quan trọng, tôi thầm đoán, chắc chẳng có vấn đề gì lạ ngoài chuyện chị Quyên. Mà quả vậy, lời ba tôi tuy trìu mến nhưng vô cùng đanh thép, đôi mắt ông hướng về chị Quyên:
- Quyên, con đã quyết định chưa? Con có chịu vào Saigon không?
Me tôi bộp chộp:
- Răng lại không, tôi…
Ba tôi trừng mắt:
- Bà để yên tôi hỏi nó. Này Quyên, hãy cho ba biết cảm tưởng của con.
Chị Quyên cúi đầu, tay mân mê những sứa dài trên chiếc khăn bàn:
- Dạ thưa ba me, con vâng lời, con xin vào Saigon tránh tiếng cho ba me vui lòng.
Nét vui thoáng hiện trong lời nói của ba tôi:
- Rứa là ba me bằng lòng. Quyên à, con cần phải xa Huế một thời gian, nỗi buồn trong con sẽ nguôi ngoai rất nhanh chóng vì đó chỉ là tình yêu bồng bột nhất thời. Con còn trẻ quá, tương lai còn đầy hoa bướm, con hãy ra đi và con sẽ thấy lời khuyên của ba là đúng, con sẽ tìm thấy chân hạnh phúc bằng lòng can đảm dứt khoát của con.
Chị Quyên nói như trong mơ:
- Dứt khoát…
Ba tôi đứng dậy, siết chặt tay chị Quyên:
- Phải, con phải dứt khoát, hãy trả thầy Thông về với gia đình.
Bữa cơm diễn ra trong bầu không khí tẻ nhạt, tôi cứ nghe me tôi nhắc mãi về vụ lo đi mua vé máy bay, hình ảnh Hoàng bỗng nhiên thật xa vời trong tâm não chán chường của tôi.
Con Đường Lá Me Con Đường Lá Me - Thuỳ An Con Đường Lá Me