Cầu Ô Thước epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần Mở Đầu
ôi nhận được cuộc điện thoại vào lúc tối muộn. Một giọng nói lạ hoắc, xoe xóe hỏi xem có phải tôi tên là André Garnier, có đúng tôi là con trai của Pierre Garnier không và khi tôi đang lúng búng trả lời rằng đúng là tôi nhưng ai thế? ai vậy? thì giọng nói ấy tiếp tục: “Cha anh, ông Garnier sẽ tới nhà anh ngày mai. Lúc 10 giờ 30 được chứ?” Chắc chắn, chúng ta không sống trong một thế giới mà người cha là đoàn tàu và con cái là sân ga; chắc chắn người phụ nữ này không có thật, bà ta không xưng danh và tôi cũng chẳng hỏi. Thế nhưng, ngày hôm sau, có hai nhân viên cứu thương - một to con, một gầy nhẳng - gõ cửa nhà tôi rồi đưa một tờ giấy màu xanh cho tôi ký, cứ như là họ đi giao thư bảo đảm vậy.
“Đúng 10 giờ 30 phải không nhỉ?” người gầy nhẳng ra vẻ thành thạo hỏi, rồi hai người đàn ông rời đi không để tôi kịp ngậm miệng lại.
Bố và tôi cứ đứng trên lối nhỏ dẫn vào nhà, lạ lẫm với nhau. Ông hơi lắc lư người, hai bàn tay nắm chặt chiếc túi da du lịch.
“Mẹ con có khỏe không?” cuối cùng ông cũng lên tiếng và tôi thấy lòng mình ngổn ngang những cảm xúc đầy mâu thuẫn mà nổi trội là một cơn giận dữ rất thường tình - tức giận vì đột nhiên tôi phải làm người cha chăm sóc ông trong khi ông chưa từng một ngày làm cha tôi.
“Thế còn vợ con?” ông tiếp tục, với giọng niềm nở.
“Tốt cả,” tôi nói nhỏ, không cố để ông nghe thấy.
Ông đến chậm mất ba mươi năm so với ngày mẹ tôi mất, nhưng chỉ muộn có ba hôm so với ngày vợ tôi bỏ đi. Một chút cố gắng thôi là ông đã có thể đến kịp.
***
Tôi chủ yếu túc trực bên ông những tuần cuối cùng. Con trai tôi cũng vào phòng, ngồi quỳ ngay dưới chân giường chơi trò Mikado một mình.
Cô gái trẻ lặng lẽ ngồi bên bố tôi, vừa đan khăn vừa liếc nhìn chúng tôi qua cặp kim đan. Cháu bón cho ông từng thìa khoai nghiền hay những món ăn tráng miệng có vị caramel, giúp ông nhấp môi vào ly bia tươi không cồn. Cháu đến với tư cách là người trông trẻ, rồi ở lại với danh nghĩa một y tá, một quản gia và tôi còn biết gì nữa đây. Tất cả những gì tôi biết về cháu là cháu được sinh ra tại Việt Nam. “Giống như tôi ư?” một lần tôi đã hỏi và cháu chỉ gật đầu; việc góp thêm những khoảng lặng vào cuộc sống của chúng tôi không tạo được một chút thân tình nào giữa chúng tôi và cháu.
Cháu cúi xuống bên ông và ông ngập ngừng đưa tay chạm vào mái tóc của cháu. Cháu xoa bóp cánh tay cho ông rồi hôn ông, ông thì thầm, hoặc có thể chỉ hơi mấp máy môi. Một lần tôi nghe tiếng ông nói: “Không.” Rồi lại: “Tại sao lại không chứ?” Đôi mắt ông nhìn mông lung và tôi nghĩ chắc là ông muốn giữ cháu lại. Tôi thấy buồn nôn vì ghen tị: thế đấy, đến cả khi sắp chết ông vẫn yêu thương một người khác - một người xa lạ - hơn tôi.
Tôi bị ám ảnh bởi những nếp nhăn hằn sâu trên trán ông và cái vết nhăn như trẻ con hằn cả xuống cằm, cứ như thể chúng đang che giấu những bí mật mà tôi bị vùi sâu trong đó. Tôi liên tục bị những mảnh ký ức đeo đuổi. Một đêm - là cái đêm trước hôm ông mất? hay là cái hôm bác sĩ đã sử dụng từ “giải thoát”? - lúc tôi đang gà gật trên chiếc ghế bành cạnh giường ông thì bị cái điệp khúc của ông đánh thức:
“Chúng tớ đang trong quán rượu ở cây số 113 trên đường đi Đà Lạt, một mỏm đá lớn bên vệ đường, ngay bìa rừng. Bên phải tớ là Tikhomirov, người Nga da vàng, nhà báo hạng xoàng, một người đồng chí; bên phải anh ta là Carraz, to lừng lững, vừa luồn tay dưới mông cô nàng Olga vừa tợp bát mì. Những người khác bốc khoai tây chiên ăn. Olga: một thiếu nữ Lào xinh xắn lười nhác. Cũng không biết tại sao lại gọi cô nàng là Olga. Bên trái tớ, ngồi ngay sát, là Katia, người mà anh đã biết, lâu rồi tôi không nói chuyện với cô ấy nữa và bên cạnh cô ấy, trong bóng tối, là một người Việt. Anh ta có muốn giết chúng tớ không? Chúng tớ không có mật khẩu và với lính biệt kích Sénégal thì đừng có dại mà đùa. Tikhomirov nói với anh ta: ‘Thế nào, mày muốn giết bọn tao à?’ Anh ta trả lời: ‘Tao chẳng cách gì giết được tụi mày. Tụi mày đã chết rồi.’ Cậu thấy rõ sự việc rồi đấy, tớ đã kể cho cậu rồi mà. Chúng tớ đang trong quán rượu ở cây số 113, trên đường đi Đà Lạt. Bên phải tớ...”
Cái đĩa ấy đã được ghi nhưng phần lời vẫn có thay đổi, những chi tiết vô nghĩa được thêm vào hoặc lược bớt đi, với một sự liên kết tổng hòa theo một logic vẫn còn là bí ẩn cùng câu kết vang lên như một hồi chuông báo tử: “Tao chẳng cách gì giết được tụi mày. Tụi mày đã chết rồi.”
Ngay trước khi chết, ông run rẩy kéo chăn lên như muốn trùm kín cả người. Ông không nói gì nữa, lúc bấy giờ ông sùi bọt mép và thở ran. Tôi đã nhầm khi tưởng rằng đôi mắt ông trống rỗng hay có thể chúng là tấm gương phản chiếu mắt tôi. Con trai tôi còn đang ở trường và tôi có cả buổi sáng để bố tôi ra đi. Đó là thời gian nhiều hơn cần thiết, nhiều hơn thời gian mà chúng tôi từng có với nhau.
Ông vã mồ hôi đầm đìa và tôi đặt tấm khăn mặt lên trán ông. Tôi ấp lấy bàn tay ông trong tay tôi; nó thật nhỏ bé và yếu ớt.
Giữa lúc hấp hối, ông quay mặt về phía tôi, nhìn tôi chằm chằm với ánh mắt u ám rồi chợt bừng sáng, vẻ nghiêm túc của đứa trẻ vừa mới chào đời. Ông lập bập lưỡi trong vòm miệng nhưng không phải vì khát. Bằng động tác hất cằm, ông ra hiệu cho tôi lại gần.
“Bố có điều muốn nói,” ông thì thầm rất khẽ, nhưng rõ ràng. Và dường như làm thế là chưa đủ, ông nhắc lại to hơn, với tình trạng của ông thì chắc hẳn là một tiếng hét, nhưng chỉ buột ra được một tiếng khào khào: “Bố có điều muốn nói.”
Ánh nắng mùa xuân xuyên qua tấm rèm khép kín. Tôi đứng dậy mở toang rèm ra, hít thở bầu không khí trong lành, chớp mắt và tự nhủ đó là một trong những ngày ấy.
Khi tôi quay lại thì ông đã ra đi, tôi trơ trọi ở lại với những điều ông muốn nói.
***
Ngày hôm sau, chỉ còn tôi và cậu con trai ở lại trong căn hộ trống rỗng. Thằng bé lẩm nhẩm hát và lặng lẽ chơi trên tấm thảm phòng khách. Đồ chơi yêu thích của nó vẫn là những chú lính chì, chúng từng là của tôi khi tôi còn bé, và trước đó là của bố tôi rồi trước bố tôi là của ông tôi: những cuộc chiến tranh đã ào qua đất nước chúng tôi, nỗi nhục năm 1870, cuộc tàn sát năm 1914, nỗi hổ thẹn năm 1940(1)... Chúng tôi xuất thân từ một gia đình nơi người ta hy sinh vì nước Pháp.
Tôi cứ nhìn con trai một lúc lâu mà không nói gì; rồi thằng bé ngước mắt về phía tôi mỉm cười.
“Gấu túi.”
Thằng bé bám chặt lấy tôi, quặp đùi quanh hông tôi và dụi đầu vào vai tôi. Rồi tôi nhẹ nhàng đặt nó xuống đất và ngồi xổm bên cạnh. Tôi trải tấm giấy nền màu xanh sẫm xen lẫn màu hạt dẻ của núi được rừng cây bao phủ; cách khu vực chiến trường một đoạn, tôi bố trí một ngôi làng phía Đông, với những trang trại rộng lớn, gia súc, nhà thờ làng với tháp chuông nhọn màu đỏ. Khung cảnh này là nơi chúng tôi từng sống.
Chúng tôi bốc thăm xem ai nhận được chiếc máy bay trinh sát duy nhất có hai cánh màu xanh lá cây mà khi cất cánh phải thổi vào cánh quạt. Tôi bốc trượt và theo thỏa thuận, phải nhận chiếc xe cứu thương chữ thập đỏ thiếu một bánh, cùng với một cô y tá đội mũ ca lô trắng.
Quân đội của chúng tôi - lính bộ binh mặc áo ca pốt màu xanh dương, lính sơn cước với trang phục màu trắng và áo choàng màu hạt dẻ, long kỵ binh, đại bác, ngựa chiến - bắt đầu di chuyển. Chúng tôi chiến đấu mà không trò chuyện, miệng thổi còi và huýt sáo, họng thở ran và gầm gừ như để lồng tiếng cho một bộ phim lớn về chiến tranh. Là các vị tướng muôn đời trẻ trung, chúng tôi chiến thắng để cười cợt những gì mà cha ông chúng tôi thực ra đã thua.
Sau trận chiến, chúng tôi lên chuyến tàu đêm. Cậu con trai nép sát vào người tôi, còn tôi hát cho nó nghe tất cả các bài hát mình thuộc cho đến khi nó ngủ thiếp đi.
Bác Jean, người bạn thời thơ ấu của bố, ra ga đón chúng tôi. Ông đội chiếc mũ rơm có dải ruy băng màu hạt dẻ mà trên đó vẫn đính mẩu mác bằng giấy bìa: bác Jean đến từ một thế giới nơi người ta không vứt bỏ bất kỳ thứ gì. Hai hàm răng vàng xỉn không làm lu mờ đi nụ cười của bác nhưng nụ cười ấy chẳng dập tắt được nét buồn trong đôi mắt. Bác cân nhắc từng từ trước khi nói. Cả ba chúng tôi lên một chiếc xe vắng khách ám mùi thuốc lá.
Ngay cạnh ngôi làng nơi bố trưởng thành, tôi giải thích cho con trai, có một chỗ dành cho những người không còn sống nữa nhưng có thể vẫn đang tồn tại.
“Ý bố là gì ạ? thằng bé hỏi, giọng ngờ vực. Họ... hồi sinh hả bố?”
Tôi rất bất ngờ. Nó đào đâu ra cái từ ấy nhỉ?
“Bố không biết. Một số người cho là như vậy, một số người khác thì không.
- Nhưng còn bố thì sao, hả bố?
- Bố không biết
- Bố phải biết chứ. Các ông bố đều biết mà.”
Giọng của ông già Gabin vang lên trong tâm trí tôi, cái bài ca ngốc nghếch ấy: Bây giờ thì tôi biết, tôi biết mình chẳng biết gì. Đó là tất cả những gì tôi biết, điều đó thì tôi biết...
Một đám mây dông bao trùm lên những viên ngói tròn màu đỏ trên các nóc nhà trong thị trấn Saint-Gabriel rồi quất mạnh vào những quả đồi xứ Provence; một cơn gió Bắc ẩm, se lạnh, thổi tới từ phía sau, khiến những chiếc áo sơ mi mùa hè của chúng tôi bay phần phật như những cánh buồm.
Ở cổng vào nghĩa trang, hai cây bách lắc lư theo những cơn gió mạnh; một cánh cổng lưới sắt đập vào trụ đá. Gió không để cho thứ gì yên bình, kể cả những tấm bia mộ. Dường như ngay cả những tấm bia giả cẩm thạch khắc chữ “Thương tiếc” hay “Requiescat in pace(2)” cũng đang run rẩy.
Một nhóm những người già mà tôi không quen biết đặt lên má chúng tôi những nụ hôn đẫm nước. Có một người đứng tách ra xa, thậm chí còn chẳng gật đầu làm hiệu với tôi. Ông ta to lớn và gần như hói trọc, phần dưới của khuôn mặt bị bộ râu chớm bạc che lấp. Ông mặc bộ vest màu đen nhàu nhĩ bên ngoài chiếc áo phông trắng, chân thì đi xăng đan. Ông chỉ tiến lại đặt lên quan tài một lá cờ của trung đoàn bộ binh thuộc địa và một tấm huân chương quân nhân. Tôi không rời mắt khỏi ông trong khi ông đứng dậy, cúi đầu rất nhanh rồi bước ra xa.
Cuối buổi tang lễ, một người đàn ông dáng thẳng và gầy còm, đôi mắt xanh lợt, đi về phía tôi, một bên tì vào cây gậy chống, bên kia dựa vào người vợ trông trẻ hơn ông.
“Tôi là Costes. Xin chia buồn, chàng trai trẻ.”
Ông bắt tay tôi và ôm hôn mà không chạm vào mặt tôi. Với ông, việc gọi tôi là “chàng trai trẻ” không làm tôi khó chịu, ngay cả khi tôi vừa tròn năm mươi tuổi cách đây không lâu.
Ông nhìn chòng chọc vào tôi với vẻ chăm chú xa xăm của một người đã lòa mắt.
Bác Jean đứng ở phía sau, và Mireille, con gái bác, đứng ngay bên cạnh. Con trai tôi chạy chơi giữa các ngôi mộ, đặt một cánh hoa hồng lên những ngôi mộ không có hoa. Mireille mặc chiếc váy màu đen bó sát, để lộ cơ thể viên mãn nở nang tự nhiên sau lớp váy. Dưới đôi mắt cô có những vệt sẫm màu, chắc hẳn là do trang điểm hoặc do mệt mỏi.
Tôi cùng ông Costes chậm rãi tản bộ giữa những ngôi mộ.
“Bố cháu nhắc đến nhiều tên người, tên phố nhưng tất cả đều... trống rỗng... Cuộc đời ấy đã trôi qua. Bố cháu bị quá khứ ám ảnh, nhưng cháu lại có cảm giác như đang lật giở một cuốn album ảnh cũ mà chẳng có ai thuyết minh. Nhiều cái tên lặp lại: Tikhomirov, Bằng Sơn. Cái địa danh này: hẻm Éden. Khi cháu hỏi thì bố chẳng bao giờ trả lời; ông chỉ im lặng hoặc tiếp tục nói như đang đọc chính tả. Vì thế cháu thôi không hỏi nữa.”
Ông Costes luồn tay vào mái tóc đã hơi dài, và đang ngả hoa râm. Cùng với đó là bộ trang phục hoàn hảo, thoảng mùi hương cây đoạn. Ông luôn có nụ cười chẳng dành cho ai cả.
Tôi kể cho ông nghe lúc bố lâm chung, “bố có điều muốn nói”.
Ông Costes bước đi khó khăn, chân phải của ông run rẩy như được đỡ bằng một sợi dây chun.
“Đặc trưng của những vết thương cũ đấy. Nó khiến các cựu chiến binh tin rằng cả tôi cũng là một anh lính già.
- Ông không phải lính già sao?”
Ông làm vẻ ranh mãnh.
“Không. Nhưng tôi có những vết thương riêng... Mà suy cho cùng thì cũng chẳng có gì khác. Cậu có thực sự muốn nói chuyện không?
- Nếu ông có điều gì muốn nói.
- Vấn đề là - và cậu biết rất rõ, phải không? - tôi không thể nói cho cậu những chuyện ‘của ông ấy’. Và như thống chế Pétain lúc cuối đời, tôi cũng thế: mỗi ngày chỉ có hai giờ đồng hồ minh mẫn, không hơn.”
Chúng tôi lại đi qua hàng rào sắt. Những nhân viên nhà đòn chỉ mặc sơ mi, áo vest vắt trên vai, lặng lẽ uống bia sau xe tang.
Ông Costes đặt bàn tay thô ráp lên tay tôi. Quờ quạng bám vào tôi, ông kéo tôi đến băng ghế sát tường. Ông thở chậm lại, mắt nhắm hờ.
Ngay lúc ấy, vợ ông quay lại, chìa tay ra cho ông. Ông thận trọng đứng lên.
“Cậu đến gặp tôi nhé, ông nói. Ở Paris. Chúng ta sẽ nói chuyện.
- Cháu có thể hỏi ông một điều được không?
- Bất cứ điều gì cậu muốn.
- Người đàn ông đặt lá cờ trên quan tài bố cháu rồi lẳng lặng ra về tên là gì ạ?
- Carraz.”
Carraz. Lại một cái tên mà bố tôi từng nhắc đến.
“Ông có số điện thoại của ông ấy không?
- Suzanne ơi?”
Vợ ông lấy ra một quyển sổ từ túi xách, chép lại số điện thoại vào mặt sau tấm danh thiếp in tên ông.
Họ cùng nhau rẽ ở góc đường.
Chúng tôi lặng lẽ đi đến chỗ ngã tư cùng với bác Jean và Mireille.
“Đó là một người bạn của bác,” rốt cuộc bác Jean cũng nói ra, mắt nhìn về phía những quả đồi. Sau đó, với vẻ nể trọng, ông nói tiếp:
“Ông ấy quen biết nhiều.”
Ngày hôm sau, tôi gọi điện cho Carraz. Điện thoại đổ chuông rất lâu rồi mới có một giọng nói khàn khàn, khản đặc do khật khừ say rượu và khó chịu bắt tôi nhắc lại tên. “Cháu là André Garnier, bác Carraz ạ. Con trai của người mà hôm trước bác đã đến dự lễ tang ở Saint-Gabriel.”
Hơi thở của ông có vẻ gấp gáp, sốt ruột.
“Không phải cứ đến dự tang lễ của người cha thì tôi lại có điều muốn nói với con ông ta đâu. Tôi không muốn nói về tất cả những chuyện đó, thế thôi. Tôi đã làm hết những gì cần phải làm rồi.
- Ý bác muốn nói gì ạ?
- Không gì cả. Những người như tôi không muốn nói gì cả.
- Bác thừa hiểu ý cháu không phải là vậy mà.
- Những người như tôi chẳng hiểu gì cả.”
Giọng ông bất chợt trở nên giận dữ nhưng ông vẫn không gác máy. Trong vài giây, tôi vẫn nghe thấy tiếng thở như kéo bễ của ông, tôi cố kiềm chế cảm giác khó chịu của mình.
“Còn Bằng Sơn, bác biết người này chứ ạ?”
Tôi thốt ra cái tên này giống như người ta ném viên đá cuội cuối cùng xuống biển, trong màn đêm, với hy vọng nó nẩy thia lia trên mặt nước. Ông mất nửa giây lưỡng lự.
“Tôi chẳng biết ai cả.
- Tốt thôi, cuối cùng tôi nói, nếu bác muốn như vậy, cháu còn có thể làm gì được chứ?
- Cậu còn có thể làm gì được chứ? ông lặp lại.”
Buổi sáng tôi rời nhà trong lúc con trai vẫn đang ngủ và tôi đi chạy bộ trong rừng thông. Ngay trên mặt đường chính, có đến năm sáu khối đá kếch sù nằm trải dài. Chúng được xếp theo hình vòng cung cứ như để dùng cho một mục đích tôn giáo bí ẩn nào đó. Bản hòa tấu inh ỏi của lũ ve sầu vẫn chưa bắt đầu và tôi tận hưởng giây phút bình yên vừa bị những cơn gió mistral(3) đầu mùa đến khuấy động. Rồi tôi đi xuống chỗ con kênh bơi lội cùng với lũ ếch.
Sau đó tôi đi uống cà phê với Mireille và chúng tôi chuyện trò về những chủ đề chẳng ăn nhập gì với nhau, về mây trời, chim chóc, về vị của cà chua mùa này rồi về giá xe hơi.
“Hãy nói cho em biết đi, cô ấy đề nghị.
- Em muốn anh nói gì?”
Tôi những muốn cô ấy im lặng và như vậy tôi có thể được yên trong trạng thái bồng bềnh, tràn ngập ham muốn lặng lẽ và thư thái, chỉ thấy chân trời là đường bờ vai cô ấy.
“Hãy cho em biết khi nào anh tỉnh lại, khi nào anh thôi sống với... những cái bóng... khi nào anh định gọi điện cho vợ để nói rằng anh muốn gặp con trai.”
Tôi tiếc nuối rời mắt khỏi cô ấy. Con trai tôi ư? Nhưng tôi vẫn nói chuyện với nó sớm sớm tối tối. Tôi đâu cần cô ta giúp làm việc ấy. Bố con tôi đã làm biết bao việc cùng nhau và tôi đã tạm dừng cuộc đời riêng để tuổi thơ của thằng bé là một lâu đài hạnh phúc.
“André? Anh nói điều gì đi...”
Tôi không thể nào mở miệng. Tôi thừa biết là cô ấy sẽ không bỏ rơi tôi, với tính cách dịu dàng quá đỗi, với cái cách nhẹ nhàng yêu thương con người tôi, cho dù thế nào đi nữa. Nếu tôi nói ra một lời, thì cùng lúc tôi cũng phủ nhận biết bao điều, để bao nỗi nghi hoặc xâm chiếm hết sự tinh anh của mình, sự tinh anh bất hủ và thân thương.
Tôi lấy tay bịt hai tai lại rồi đi vụt về phía sau khu vườn, ở đó có bậc thang dẫn đến nhà tôi, nơi con trai tôi đang nằm ngủ cuộn tròn trên giường, chờ tôi. Nó sẽ tỉnh giấc khi tôi trở về và kể cho tôi nghe về giấc mơ của nó rồi cả hai chúng tôi lại lim dim ngủ như những chú mèo, một lớn, một bé.
Hiên nhà tối đen, tôi muốn bật đèn nhưng điện đã bị ngắt, tôi không tìm thấy cầu dao. Tôi gọi tìm con trai, con trai yêu quý của tôi còn đang say ngủ, tại sao lại làm phiền nó chứ? Tôi gọi để nó lao đến quặp lấy tôi như con gấu túi, được vỗ về. “Bố chỉ mới để con lại đây một buổi tối thôi mà, tôi nói với nó, nhưng bố không đi xa đâu, lúc nào bố cũng dõi theo con dù con không biết và không chuyện gì có thể xảy đến với con được, bố bảo vệ con trước mọi thứ. Nếu con sợ, nếu con lạnh hay đói, nếu con nhớ bố, con chỉ cần mở mắt là bố đã ở ngay bên cạnh. Không, bố không bỏ rơi con, con đừng nghĩ thế, con trai của bố, con đừng bao giờ nghi ngờ bố, đừng bao giờ nhé.” Tôi gọi con và quờ quạng tiến lên trong bóng tối, từ phòng này qua phòng khác, dò dẫm bước khắp nhà vì đó là một căn nhà nhỏ chất đầy những mớ lộn xộn của quá khứ, tất cả những đồ gãy hỏng này, những chiếc ghế đổ chổng ngược này, cả cái hành trình chông gai này để được ôm con trai trong vòng tay. Tôi mò mẫm khắp giường, tìm kiếm dưới đám ga phủ và chăn, vì một cơ thể bé nhỏ đến thế có thể bị che lấp, chỉ cần một góc nhỏ, một cái gối là có thể bỏ qua mất thằng bé, tờ quảng cáo cũ của hãng Vận tải biển, thạch cao bong ra từng mảng từ đó, và trong căn phòng cũ kỹ nhất, dọc theo tường, một chiếc cầu là, một chiếc bàn ăn dài trong bếp, áp phích quảng cáo phim Con gái người thợ đào giếng. Thằng bé không có đó, đồ ranh mãnh, láu cá này, nó trốn kỹ đến nỗi mặc cho tôi hét gọi, mặc cho tay tôi khua khoắng mò tìm nhưng vẫn không thấy, con ra đây mau, thế là đủ rồi đấy, buồn cười thật đấy nhưng con thôi đi, bọn trẻ con là như thế đấy, chúng không biết điểm dừng trong khi bạn thì lo lắng, tự vấn, cố tìm, tìm nữa, tìm mãi, nhưng bọn chúng thì không.
Tôi bò vào đến giường và rờ rẫm từng ngón tay về phía trước nhưng vẫn không thấy thằng bé, và lần đầu tiên tôi toát mồ hôi, đầm đìa cả người: nó không có ở đó.
Khi tỉnh dậy, cả người tôi đau ê ẩm như bị đánh đòn. Nhưng rốt cuộc, tôi chỉ có một mình, một mình giữa những khoảng lặng mà tôi có nhiệm vụ nhân thêm lên nữa, chứ không phải gọi những hồn ma về.
Đã đến giờ lên tàu.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước