Bến Không Chồng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 1
guyễn Vạn xốc lại ba lô, phanh ngực áo đứng trên con đê nhìn về làng Đông. Cây quéo trước cửa đình tán lá xanh sẫm cao lừng lững giữa khoảng trời chiều. Người làng Đông không còn nhận ra Nguyễn Vạn mắt toét bỏ làng đi bây giờ về đây. Đố ai còn dám coi thường Nguyễn Vạn; hãy cứ nhìn những tấm huân chương rung rinh lấp lánh trên ngực Vạn...
Những con sóng lép bép chân đê. Trời ong ong, biển tím ngắt.
Chà! Gió mát quá, đái cái đã, Vạn vén quần đái tè tè rồi vuốt lại áo cho thật chững. Quan trọng nhất phút giây đầu tiên gặp lại người làng. Vạn tập tễnh bước rẽ xuống con đường đất mấp mô vết chân trâu. Từ xa có hai cái bóng loắt choắt đang đi về phía Vạn, tới gần Vạn nhận ra hai đứa trẻ quẩy hai đôi quanh gánh ngắn cũn nhũng nhẵng đi bên nhau. Thằng bé trai có cái đầu to sù, trán dộ, sống mũi lại gẫy gập khiến hai lỗ mũi hếch lên giữa khuôn mặt bè bè đen nhẻm. Đứa bé gái thấp tè đến tai thằng con trai nhưng trông mặt lại rắn câng.
- Chúng mày đi đâu đấy?
- Cháu đi gắp cứt trâu - thằng trán dô mắt thô lố nhìn Nguyễn Vạn lạ lẫm.
- Còn cháu đi cắt cỏ - cô bé nói li nhí, e thẹn nép vào thằng trán dô.
- Chúng mày là con cái nhà ai hử?
- Cháu là con ông Dĩ. Cháu tên là Sinh, mọi người cứ gọi cháu là thằng Ngốc.
Nguyễn Vạn bỏ đi để mặc hai đứa trẻ đứng ngây nhìn theo. Rõ ngược đời, cái thằng xấu như khỉ mà lại tên là Sinh. Trông ngô ngố thì gọi thằng ngố hay thắng ngốc là phải, đúng là thằng ngốc. Mẹ kiếp, vừa về đến đầu làng đã gặp thằng ngốc. Nguyễn Vạn biết thừa mọi người đang làm đồng đang lố nhố đứng lên nhìn Vạn. Hãy nhìn cho kỹ đây. Chẳng gì Nguyễn Vạn đây cũng là lính Điện Biên chiến thắng trở về. Dấu tích oanh liệt trên chiến trường là vết thương trên bả vai và một ống chân bị gẫy, làm bước đi của Nguyễn Vạn cứ tập tễnh. Từ nhỏ Vạn đã là đứa trẻ đầy dũng khí đếch coi cái chết là gì, lúc bị thương ngoài mặt trận máu chảy đẫm cả áo quần đau điếng, Vạn vẫn cố cười. Vạn cười rống lên để khỏi khóc. Vạn cười đến khi ngất xỉu lúc nào cũng không biết nữa.
Nguyễn Vạn tập tễnh bước. Đàn chim két ào qua vạch một đường cong ngang trời. Cây duối già đầu cánh mả Rốt lơ thơ mấy chiếc lá trên những cành cong queo. Cánh mả Rốt dày đặc những mồ mả mấp mô mà Vạn vẫn còn nhận ra mộ bố nằm bên mép ruộng cạnh một ngôi mộ xây bằng gạch giống như ngôi miếu nhỏ. Trên trốc mộ bố Vạn xưa, đóng một cây cọc to bằng bắp chân, giờ đã mục rữa trơ lõi nhọn hoắt như một mẩu xương gãy. Nơi đây cũng là bãi chiến trường thời thơ ấu của Nguyễn Vạn. Những vết thương lòng còn hằn in trong tâm trí Vạn từ ngày đi ở chăn trâu cho nhà Hậu. Quanh năm Vạn mặc quần cộc phơi tấm lưng trần đen nhánh trên lưng trâu, lăn lóc bên gò mả. Nguyễn Vạn quỳ sụp xuống, hai tay chống lên mộ bố, Vạn thấy cay cay trong mắt. Hai giọt nước mắt nóng ấm rỉ ra làm Vạn hoảng sợ đứng vụt dậy. Những mầm cỏ non nhầu nát lẫn trong nắm đất trên lòng tay Vạn tả tơi rơi xuống. Có lẽ lần đầu tiên trong đời Vạn khóc.
Tới đầu làng, tụi trẻ rồng rắn bám theo Vạn. Đứa bế em vẹo cả sườn lách nhách chạy, đứa thì nhảy tâng tâng. Mặt đứa nào cũng lem nhem mắt thô lố nhìn Vạn. Mấy bà già ngấp ngó bên cửa, tần ngần nhìn theo Vạn như thể có sự kiện gì lớn đang xảy ra.
- Bác về đâu hả bác? - Một đứa trẻ loi choi nhón chân níu áo Vạn, hỏi.
- Về Uỷ ban xã, Uỷ ban xã ở đâu?
- Dạ! Ở đình Đông bác ạ.
Tụi trẻ lốc nhốc bám theo Nguyễn Vạn tới sân đình Đông, Vạn đặt ba lô xuống gốc cây quéo lấy kẹo chia cho tụi trẻ. Những bàn tay nhỏ xíu lọ lem rụt rè chìa ra nhận kẹo. Vạn nhìn mặt từng đứa trẻ mà không nhận ra chúng nó là con cái nhà ai. Tụi trẻ được chia kẹo tản ra nhảy nhót quanh sân đình. Vạn thấy tim đập rộn lên khi gõ gót giầy lên bậc thềm đá xanh biếc, nhẵn bóng trước cửa đình. Những ánh mắt ngỡ ngàng nhìn xoáy vào Nguyễn Vạn.
- Cho tôi gặp chủ tịch xã - Nguyễn Vạn nói với một thanh niên trẻ măng, mặt xanh rớt, Anh ta chỉ cho Vạn người đàn ông đang ngồi trước một chiếc bàn lim đen bóng cao lênh khênh kê giữa đình. Vạn nhìn người đàn ông và nhận ra nét quen quen ở cặp mắt hấp háy hơi hiêng hiếng của anh ta.
Chà! Đúng rồi. Thằng Đột, Đột "đơm ràng". Thằng Đột con ông Hách chiều nào cũng để truồng vận mỗi chiếc áo vá của bố dài đắp đít nhong nhong trên bờ mương cái chắn đăng, bắt ngoé làm mồi đơm rạm.
- Chết chửa. Đột! Mày không nhận ra tao à? - Nguyễn Vạn nháy nháy mắt, quằng ba lô xuống tóm lấy tay Đột - Vạn ma lem mắt toét đây, hề hề...
- Vạn hử! Vạn đại ca đây sao?
- Ừ! Vạn đây!
- Ôi! Vạn mà oách thế này ư? Ai mà ngờ Nguyễn Vạn lại là bộ đội. Rõ là hắc xì dầu nhỉ.
Vạn véo vào đùi Đột một cái:
- Mày làm chủ tịch à?
Tiếng cười, tiếng nói của đôi bạn nối khố thuở nào vang lên trong đình Đông. Ngoài cửa chợt xuất hiện một ông lão râu tóc trắng phơ, lộc cộc chống gậy bước vào. Ông lão đến đứng trước bàn chủ tịch trịnh trọng lấy từ trong túi áo ra tờ giấy trình chủ tịch Đột. Chủ tịch Đột nghiêm mặt xoay xoay tờ giấy trên tay mà vẫn không nhận ra mình cầm ngược đọc.
- Nhờ các ông làm văn tự giúp cho - Ông lão nói.
Chủ tịch Đột đưa tay gãi gáy:
- Ông bán nhà à?
- Dạ không, con nghé nhà tôi sắp kéo cày được rồi. Tôi xin xã cho bán con trâu.
- Thì ra ông định bán trâu!
Nguyễn Vạn ngồi nghe chuyện bán trâu rõ nhạt hoét. Vạn lơ đãng đưa mắt liếc cô gái ngồi trước chiếc bàn nhỏ cạnh đó. Vạn đã nhận ra cô ta là ai rồi, đúng là cô Tý Hin, em gái chủ tịch Đột. Vạn thấy nóng mặt. Cô Tý Hin cũng đỏ mặt liếc Nguyễn Vạn. Vạn ngỡ ngàng vì cô bé ngày xưa còm nhom giờ lại phổng phao đẹp vậy. Ánh mắt, của cô ta lúng liếng, đôi má đỏ hồng hồng.
- Này, có phải Tý Hin không? - Vạn ỡm ờ hỏi Đột.
- Con Hin chứ còn ai, nó bây giờ là chánh văn phòng rồi đấy. Đổi đời rồi!!!.
Bến Không Chồng Bến Không Chồng - Dương Hướng Bến Không Chồng