T
iểu thuyết cổ điển Trung Quốc nằm trong mảng "Văn học cổ điển Trung Quốc", gồm những tác phẩm được giới bình dân ưa chuộng, hoan nghênh đã lâu năm, truyền từ đời này sang đời nọ. Một đặc điểm khó phủ nhận là: mảng văn học đó có tính chất "văn học truyền khẩu", "văn học dân gian". Lúc đầu có thể do một hoặc một số người có văn tài, dựa vào truyền thuyết, huyền thoại hoặc lịch sử để kể lại sự tích của các anh hùng, liệt nữ, hoặc các vị thần tiên, đề cao trung hiếu, tiết nghĩa, mà sáng tác ra. Nhưng rồi, qua quá trình kể lại cho giới bình dân nghe, lại được sự sửa chữa, góp ý của những người này, nên cuối cùng bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc là sự đóng góp của tập thể, không mang tên người sáng tác. Ngay cả những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, như "Tam Quốc Chí" của La Quán Trung, "Thuỷ Hử truyện" của Thi Nại Am, "Tây du ký" của Ngô Thừa Ân, "Phong thần diễn nghĩa" của Hứa trọng Lâm…, lúc đầu người ta cũng không biết tên tác giả, sau này giới nghiên cứu tìm tòi mải, mới nêu ra được danh tính La Quán Trung, Thi Nại Am..vừa nêu trên, nhưng cũng không chắc lắm, vì có người cho rằng "Tam Quốc Chí" là của Thi Nại Am, hoặc của 2 thầy trò La và Thi cùng sáng tác. Vả lại, "tiểu truyện" của các tác giả cũng rất sơ sài và mơ hồ, có khi chỉ được ghi rất vắn tắt: kẻ ẩn dật đời Minh, ông già ở ẩn đời Thanh… ngoài ra, các bộ tiểu thuyết khác đều là "khuyết danh".
Bát Tiên Đắc Đạo cũng nằm trong trường hợp đó: tác giả không biết là ai, sống vào thời đại nào, nhưng qua những lời tác giả tự nhận là "Kẻ làm sách này" thỉnh thoảng lên tiếng, ta có thể đoán chừng đó là một nhà văn ở thời cận đại, có thể là ở cuối đời nhà Thanh, và đầu đời Dân Quốc. Đây chỉ là lời phỏng đoán, không lấy gì làm chắc chắn lắm. Nhưng thiết nghĩ việc đó cũng chẳng quan trọng gì.
Truyện này thuật lại sự tích của tám vị tiên, được dân gian truyền tụng. Đó là 1. Lý Thiết Quài 2. Hán Chung Ly 3.Lam Thái Hoà 4.Trương Quả Lão 5.Hà Tiên Cô 6. Lã Động Tân 7. Hàn Tương Tử 8.Tào Quốc Cửu. Tám vị thần tiên này sống ở nhiều thời đại khác nhau, ẩn cư ở Bồng Lai đảo, kết thành nhóm bạn, kéo nhau ra biển Đông Hải (Bát Tiên quá hải), giao chiến với vợ chồng lão long vương, đánh bại họ. Để kết nối Bát tiên lại với nhau, tác giả đã cho họ sống qua nhiều kiếp.