Bài Thơ Kinh Dị epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 1
ăm 19…
Hồi đó vào tháng Mười âm lịch. Tiết trời khô ráo. Gió thổi rét căm căm.
Cách Phú Bình, một tỉnh nhỏ địa dầu miền thượng du hơn sáu cây số là đồn điền Phú Hộ, trồng toàn cà phê, trà. Cà phê và trà Phú Hộ thơm ngon đã nổi tiếng khắp miền.
Trên một trái đồi rộng, dốc thoai thoải, giữa vườn cây trái xanh um, là dinh cơ đồ sộ của cụ Án Bùi Đình Quang. Khu gia cư gồm một tòa kiến trúc lớn xây theo hình móng ngựa, hai tầng lầu, có hơn một chục buồng, không kể phòng khách, phòng ăn, các nhà phụ thuộc dùng làm kho, nhà để xe…tòan thể trông như một tòa cổ thành. Nhất là cái chòi canh xây phía trên hai cánh cửa chính diện vượt cao khỏi dẫy tường bao quanh, nổi lên sừng sững, với những lỗ châu mai, mái ngói phủ rêu, bốn góc uốn cong cong, trông phảng phất giống hình phú ông đứng ngạo nghễ, tay chống nạnh, giương mắt ngắm nhìn mặt nước sông xuôi chảy lững lờ.
Quanh sườn đồi, toàn một giống cà xanh tốt thấp lè tè, mọc xoe tròn như cái nấm khổng lồ.
Dưới chân đồi, ruộng chỉ toàn trơ gốc rạ, phẳng lì nằm nối tiếp nhau trông như những ô vuông trên mặt bàn cờ tướng.
Phong cảnh nói chung, đẹp nên thơ, nhưng yên tỉnh quá nên đượm vẻ buồn bã quạnh hiu.
Từ ngoài đi vào, phía bên tay trái là cánh rừng già. Bóng rợp âm u của nó chứa chất nhiều kỷ niệm ghê rợn. Người địa phương kể lại rằng: ngày xưa, một tay cường đạo lẩn trốn trong đó. Y đã một mình chống cự ròng rã hai ngày, hai đêm liền. Rốt cuộc, gã sơn lâm đại đạo phải ra quy hàng. Đôi mắt gã bị trúng đạn nát ngướu. Hỏi, thì hắn cười khanh khách, chỉ tay vào bụng: “Đói quá mới chịu thua đó!”. Trong nhiều tiếng đồng hồ liên tiếp, gã đã bình tĩnh chống trả toán nhân viên công lực, mặc dầu đã bị mù tịt. Thì ra, tay tướng cướp đã thuộc lòng địa hình, địa vật trong cánh rừng.
Phía tay mặt là một vũng ao lớn: ao xanh. Ao xanh? Chắc vì nước lúc nào cũng xanh ngắt như màu lá cây nên người ta gọi nó là ao Xanh? Không hẳn thế! Thực ra, cái ao này có chủ và ông chủ của nó tên là Xanh, ông ba Xanh. Cách đây hơn ba năm, một em bé mười hai tuổi đã chết đuối trong ao Xanh, gần bờ, ngay bên cạnh cái cầu con. Mặt chiếc cầu con lúc nào cũng ẩm ướt, rợp mát dưới bong râm một cây si cổ thụ, rễ trùm rễ phụ xõa buông rũ rượi. Người trong vùng đồn rằng từ đó ao Xanh có “huông”.
Cách ao Xanh khoảng hai trăm thước là một nông trại nhỏ, có cái tên gọi thật chất phác: trại Con. Trại Con cũng nằm trong địa ranh, thuộc quyền sở hữu của cụ Án Bùi. Chung quanh trại Con, cây lớn, bụi nhỏ mọc um tùm xanh tốt, che khuất gần hết nông trại. Từ con đường cái lớn trải nhựa ngược thẳng Tuyên Quang, cách đó chỉ chừng năm chục thước, nhìn vào cũng không thấy được trại Con.
Nói chung, khu vực phía Đông Nam xã Phú Hộ, nơi tọa lạc đồn điền cụ Án Bùi, quang cảnh êm dịu, nên thơ thật đấy, nhưng bàng bạc một vẻ buồn man mác.
Buổi sáng hôm ấy, tại phòng ăn lớn, ba người yên lặng ngồi ăn điểm tâm. Bà Án Bùi, khoảng ngoài năm mươi tuổi. Sắc diện, thái độ, cử chỉ cao sang đài các, nhất là mái tóc tuy đã điểm sương nhưng vấn bới vẫn còn đẹp. Bà đưa mắt hết nhìn cô con gái tên Tường Vân lại đến Bạch Xuyến, cô giáo của Tường Vân.
Tường Vân tuổi mới gần mười bảy đã phát triển như một thiếu nữ 18, 19. Da trắng mịn, hồng hào khỏe mạnh, đôi mắt to đen lay láy, khuôn mặt nàng đẹp tự nhiên không điểm phấn tô son.
Cô giáo thì lại là cả một thái cực trái ngược hẳn với học trò: nước da trắng xanh trát đầy phấn, đôi môi ít khi không thoa son vẫn không che giấu được số tuổi đã ngoài ba chục.
Điểm khác biệt nhất giữa hai thầy trò là hai làn nhãn quang. Đôi mắt tròng nâu của cô giáo, tia nhìn lúc nào cũng sâu thẳm xa vời vợi khác hẳn với ánh mắt hồn nhiên, dịu dàng của học trò. Phải công nhận cách nhìn xa xăm của Bạch Xuyến khiến sắc diện cô gái hơi luống tuổi có một vẻ đẹp khá kiêu kỳ, mặc dầu làn môi mỏng dính, đôi khi nhếch lên tạo thành một nét nhăn trông rất đáng ngại trên khuôn mặt hầu như lúc nào cũng khắc khổ đăm chiêu.
Không khí trong phòng, bao quanh bàn ăn, im lặng ngột ngạt. Mãi sau, nữ chủ nhân mới buông sõng mấy câu. Giọng nói của bà tràn đầy phẫn nộ:
_ Hơn nửa tiếng đồng hồ rồi đấy! Cái thằng Sinh này thật là quá lắm. Nó muốn người ta phải bưng hầu lên tận phòng ngủ chắc! Con trai con đứa gì mà…! Sáng bạch nhật ra, hơn chín giờ rồi, còn chưa muốn dậy nữa.
Tường Vân rụt rè nhìn mẹ:
_ Thưa mẹ, đây là lần đầu tiên anh Sinh dậy trễ!
Bà Án Bùi quắc mắt nhìn con gái:
_ Đúng đó Tường Vân! Đúng, đây là lần đầu tiên anh con bắt đầu mất đi đức tính tôn trọng giờ giấc, đồng thời, tất cả các thói quen tốt nữa. Nhiều…rồi sẽ còn nhiều nữa…hừ!
Tiếp theo câu nói là một tiếng thở dài.
Cậu Sinh, người con trai duy nhất của bà, năm nay đã hai mươi tuổi. Cao lớn, khỏe mạnh, chàng đúng là hình ảnh của cụ Án ông, người chồng yêu quý của bà đã bị ngộ nạn tử thương trong một cuộc đi săn hồi mười năm về trước.
Ngòai hai cô gái, một cô chị, một cô em, cậu Sinh, con trai duy nhất thừa hưởng máu huyết của cha, vóc người khôi ngô, cường tráng. Sắc diện thanh tú, chàng có vẻ đẹp hào hoa. Nhưng Sinh giống cha nhất ở điểm tính tình bay bướm. Do đó, dân trong vùng Phú Hộ, nhất là các cô gái sinh đẹp con nhà giàu, hầu hết không nhiều thì ít, đều thầm mong được lọt vào mắt của cậu công tử con quan, nhà giàu, đẹp trai, học giỏi.
Lại tiếng nói của bà Án:
_ Tường Vân! Chị con đi vắng, bữa nay con giúp mẹ sửa sọan mấy khóm hồng nhung ngoài vườn cho xong đi, nghe!...Ồ, quái thật! Thằng Sinh làm cái gì mà giờ này cũng chưa thấy xuống?
Bấy giờ mới nghe cô giáo Bạch Xuyến lên tiếng:
_ Thưa cụ, hay cậu Sinh bị đau chăng?
Một tia nhìn hoài nghi loáng nhanh trong đôi mắt nữ chủ nhân. Nhưng sau vài giây ngập ngừng do dự, bà Án Bùi cũng bấm chuông gọi gia nhân. Chị người làm tên Duyên xuất hiện. Đúng là: Thầy nào tớ ấy! Quân của một dũng tướng ắt không phải nhược binh. Chị Duyên cũng có một nhan sắc rất khả ái. Nước da bánh mật, vóc người đẫy đà nhưng chắc lẳn như mình cá tram. Khuôn mặt trái soan càng duyên dáng với đôi mắt đen sáng long lanh.
Bà chủ ra lệnh:
_ Lên mời cậu Sinh xuống ăn điểm tâm. Nói với cậu lẹ lên một chút kẻo thức ăn nguội hết.
_ Thưa vâng!
Chưa đầy ba phút sau, chị người làm đã quay xuống. Sắc diện lộ vẻ ngạc nhiên cùng cực, đôi mắt mở lớn, chị Duyên nhìn bà chủ:
_ Dạ…thưa…cậu Sinh không có ở trên lầu!
_ Ồ lạ! Thế nó đi đâu? Sáng nay nó dậy sớm lắm mà? _ nhận thấy chị gia nhân chưa có ý định rút lui, bà hơi cau cặp chân mày hỏi tiếp:
_ Gì thế nữa, Duyên?
_ Dạ…dạ…thưa bà…cậu Sinh không…a…a…Con vào phòng thì thấy gối nệm vẫn phẳng nếp y nguyên.
Bà Án thoáng giật mình. Niềm lo ngại đột ngột nhen nhúm trong long khiến nét mặt bà hơi cau lại. Hai bàn tay ngón nuột nà của bà xoay xoay chiếc bát sứ Giang Tây đựng thức ăn. Đồng thời khuôn mặt xinh đẹp của Tường Vân, cô gái cưng, từ sắc trắng mịn cũng trở thành hồng ửng.
Tuổi mười sáu, mười bảy là cái tuổi dễ nổi cơn bất bình. Tính nết lả lơi, bay bướm của người anh trai yêu quý là nguyên nhân bốc nóng nơi nội tâm thiếu nữ. Tường Vân dư biết: về khía cạnh này, bà Án Bùi mẹ nàng, vẫn tỏ ra rất nghiêm khắc khi các con có hành vi muốn vượt qua vòng lễ giáo. Vậy giờ đây, sự vắng mặt của anh Sinh biết giải thích ra sao nếu không phải lý do một cuộc hẹn hò vụng trộm, rồi mãi vui, đã kéo dài hơn thường lệ.
Cô giáo Bạch Xuyến ngồi cắn môi im lặng. Thần thái nhà nữ mô phạm lộ ra vẻ mệt mỏi, cằn cỗi già nua hơn số tuổi thực ngoài ba mươi nhiều lắm.
Mãi sau, bà Án mới thốt:
_ Thôi được! Duyên! Con xuống nhà đi!
Chợt bắt gặp khuôn mặt nhợt nhạt của cô giáo, nữ chủ nhân hỏi ngay:
_ A, cô Bạch Xuyến sao thế? Cô thấy khó chịu trong người hả?
_ Dạ, tôi hơi choáng váng hoa mắt. Xin phép cụ lớn cho được về phòng riêng nằm nghỉ.
Tường Vân sốt sắng:
_ Cô, để em đưa cô lên nhé!
_ Cám on em! Cô lên một mình cũng được.
Bạch Xuyến khuất dạng, bà Án không cần giữ gìn ý tứ nữa, hỏi con gái:
_ Tường Vân! Tối qua con có thấy anh con đi đâu không?
_ Thưa mẹ, không! Rõ ràng anh Sinh ăn cơm tối xong lên lầu ngay mà, mẹ.
Tiếp theo câu nói là một nụ cười tươi như để trấn an người mẹ yêu quý.
Bà Án Bùi khẽ gật đầu, ánh mắt vẫn lộ vẻ băn khoăn:
_ Để coi, chờ một chút xem!
Nói thì thế, nhưng nữ chủ nhân chẳng chờ đợi chút nào. Bà đứng phắt lên, đi tới bàn, quay điện thoại gọi bà chị họ. Ông chồng bà chị họ, chủ nhân biệt thự Dưỡng Tâm Trang ở cách đây chừng hai cây số, có người con trai vốn là bạn thân của Sinh.
Không một ai trông thấy con trai yêu quý của bà đâu hết.
° ° °
Cho tới bốn giờ chiều, niềm bồn chồn khắc khoải mỗi phút lại gia tăng trong dinh cơ cụ Án. Nhất là từ lúc “chị” Cầm tới. “Chị” Cầm là tá điền, được cụ Án tin yêu giao cho trông coi trại Con.
“Chị” Cầm vóc người nhỏ nhắn, tóc đã bạc trắng, vấn bới rất khéo, quấn chặt trong vành khăn nhiễu Tam Giang. Mặc dầu đã trên sáu chục tuổi, đôi mắt “chị” vẫn tinh tường, long lanh sáng trên khuôn mặt phúc hậu da dẻ hồng hào, đôi má đầy đặn, nếp nhăn rất ít. Chiếc áo cánh trắng, chiếc quần nái đen, không là ủi nhưng lúc nào cũng thẳng nếp, sạch sẽ trong trắng như tâm hồn trong trắng thật thà của “chị”. Danh từ thân mật “chị” do bà Án dung để gọi bà Cầm bắt nguồn ở chỗ: từ đời cụ, cho đến đời ông, rồi đến đời cha mẹ, gia đình bà Cầm nối tiếp nhau làm việc cho “trên cụ Án”, trông giữ trại Con. Đến đời bà, ngay từ thưở ấu thơ, bà cũng được cha mẹ cụ Án ông cho phép vào “trên nhà bất cứ lúc nào. Và giờ đây bóng dáng bà Cầm đứng giữa khoảng sân gạch rộng trông cũng quen thuộc, thân yêu như bóng dáng của chị Duyên, của anh Giang tài xế. bà Cầm đã được coi như người nhà.
Nhưng hôm nay, vẻ mặt bà có nhiều nét lạ khiến chị bếp hoảng hốt níu lại hỏi han. Đứng bên ô cửa sổ trên lầu, bà Án Bùi bắt gặp, nghe “chị” Cầm nhắc đến tên Sinh, liền vội vàng chạy xuống.
_ Sao? Cái gì thế, chị Cầm?
_ Dạ! Thưa bà Án! Tôi lên xem cậu Sinh có đưa thằng cháu Ngây đi đâu không. Suốt từ sáng sớm không thấy cháu đâu, mà cho tới giờ này cũng vẫn chưa về. Thường đêm nào nó cũng ngủ trong nhà kho, nên tối qua tôi đâu có đợi chờ, cứ yên trí vào giường đi ngủ. Sáng nay không thấy cháu đâu, tôi ngỡ cháu lên ngủ trên này.
Bà Án Bùi giật mình:
_ Sao? Chị Cầm nói sao?
Không kịp đợi trả lời, người mẹ đã bị sự xúc động khiến cho ngây người đứng lặng.
Thằng Ngây, cháu ruột của bà Cầm, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mười bốn tuổi nhưng nó cọc người, trông chỉ bằng thằng bé lên mười. Trí thông minh không phát triển được cho nên nó chỉ hành động theo bản năng. Tên thật của nó chính là Đông, Lê Văn Đông. Nhưng vì cứ ngây ngây ngốc ngốc nên ai cũng đùa giỡn gọi nó là thằng Ngây, lâu ngày quen miệng thành danh, một biệt danh khá ngộ nghĩnh. Nó sống với bà nội, được bà nội cưng yêu lắm. Đối lại, nó cũng kính yêu bà vô cùng, quấn quít bên bà như một con chó con. Thằng Ngây cũng yêu quý cả cậu Sinh con trai cụ Án nữa. Cậu Sinh đối với nó bao giờ cũng tử tế, kiên nhẫn dạy bảo nó đủ thứ, từng li từng tí. Không như bao nhiêu người khác thấy mặt nó là trêu chọc hoặc trẻ con thì đấm đá làm khổ nó, cậu Sinh thường dắt nó vào rừng chơi, đến nhà các bạn điền thăm viếng. Lần nào đi săn hoặc đi câu, cậu cũng cho thằng Ngây đi theo. Anh em tá điền cấy ruộng, làm trà cho cụ Án, ai ai cũng đều vui vẻ yêu quí cậu Sinh. Lý do: con quan mà không làm bộ làm tịch, biết thương yêu thằng bé mồ côi khờ dại. Như thế theo trí óc chất phác của đồng bào xã Phú Hộ, là những điềm tốt lành, đem lợi ích chung cho toàn xã.
Thế rồi ngày hôm nay, mối dây mật thiết giữa chàng thanh niên và thằng nhỏ ấy lại khiến bà Án thêm kinh hãi vô cùng: sự vắng mặt, bà nghi rằng có thể là mất tích của Sinh, con trai bà với việc thằng Ngây biệt tăm cùng một ngày giờ. Bấu víu, căn cứ vào đâu mà có thể cho rằng đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Bà Án ngẩng đầu, lên tiếng gọi con gái ở tầng lầu hai. Đúng lúc đó, bà chợt thấy khuôn mặt cô giáo Bạch Yến ở tầng lầu một thụt nhanh vào. Ý chừng cô không muốn để bà chủ biết là cô có tính xấu hay nghe lỏm chuyện của người khác.
Bà Án nghĩ thầm:
_ Hừ! Nghe lỏm thì nghe! Đâu có ăn thua gì cái nhà cô giáo Xuyến này! Nhưng quả thật cái việc thằng Sinh khiến mình lo lắng quá đi. Lo phát điên lên được, không ít đâu!... Bà cất tiếng gọi to: Tường Vân à, Tường Vân! Xuống mẹ bảo đây!
Rồi quay lại bà Cầm lúc đó đang đờ người ngó bà với đôi mắt sầu thảm như có ý chờ đợi một lời khuyên nhủ trấn an:
_ Ráng bình tĩnh nha chị Cầm! Cuống quít lên là hỏng hết cả đấy! Cậu cháu nó chắc lại vui chân đi chơi đâu xa đấy, ra ngoài Phú Bình không chừng! Sớm muộn gì rồi cũng phải về chứ! Có gì mà ngại!
Miệng bà nói “có gì mà ngại”. Nhưng trong lòng bà cảm thấy lo ngại không để đâu cho hết.
Tường Vân từ trên lầu hai chạy xuống. Sắc mặt cô gái lộ rõ nét băn khoăn:
_ Mẹ ơi! Con đã vào phòng anh Sinh xem anh có viết giấy để lại dặn dò gì không thì không thấy gì cả! Có điều này hơi lạ: áo “ba đờ suy” và mũ dạ của anh vẫn còn ở trên đó mẹ à.
Bà Cầm đã bước đi lại quay trở lại. Giọng nói của bà run rẩy nhiều hơn:
_ Ồ, lạ! Thế là sao nhỉ? Thằng cháu Ngây lại đi cả giày tây đội mũ vải. Không biết cậu cháu nó có cùng đi với nhau không chứ?
Bà Án cảm thấy hai thái dương nhức buốt như búa bổ. Trong từng thớ thịt, từng lóng xương, tựa hồ có muôn vạn con gì gặm nhấm như mọt gặm gỗ. Hai đầu gối bà như lỏng ra, hai cẳng chân không còn sức đỡ nổi thân mình. Bà chỉ muốn được nằm lăn, chết lịm ngay ra đấy chắc là dễ chịu lắm. Ai đời tiết tháng mười giá lạnh như thế này, con trai quý của bà bỏ đi chơi xa mà chỉ lại phong phanh có bộ đồ “vét”. Không mặt áo ba đờ suy, đầu không đội mũ…hừ!
À, nếu vậy thì có thể Sinh chỉ quanh quẩn gần đây, không đi đâu xa khỏi vùng Phú Hộ. Người mẹ lại thấy lóe lên một chấm sáng hy vọng:
_ Này, chị Cầm! Thử chờ hết chiều nay xem sao. Để coi! À, đến bữa cơm tối! Nếu bấy giờ cậu cháu nó vẫn chưa về, mình sẽ đi trình lý trưởng.
_ Vâng, phải đấy ạ! Nếu bảy giờ tối mà cháu Ngây vẫn chưa về, tôi sẽ chạy lên cụ.
Hai mẹ con bà Án ân cần nắm tay bà Cầm đưa ra tận cổng cái.
Quay vào, gặp cô giáo Bách Xuyến đi ra, Tường Vân nhanh nhẩu:
_ Thưa cô, cô thấy trong mình khá chưa?
_ Cám ơn em, đỡ lắm rồi! Cô ra nhà thờ một lát. Tường Vân đi chơi luôn thể đi?
Bà Án gật đầu, bảo con gái:
_ Phải đấy, con đi với cô giáo cho vui! Nhớ cầu xin chúa che chở cho mọi điều má con mình lo sợ không thể trở thành sự thật được nghe!
Bài Thơ Kinh Dị Bài Thơ Kinh Dị - Nam Quân Bài Thơ Kinh Dị