Tác giả: Banana Yoshimoto
Thể loại: Truyện Ngắn
Dịch giả: Nguyễn Phương Ch
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1751 / 46
Cập nhật: 2015-07-21 18:48:30 +0700
Download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Xem thông tin ebook
rong câu chuyện này, tôi gọi nàng là Thằn Lằn, hoàn toàn không phải vì nàng có hình xăm con thằn lằn nhỏ xíu trên đùi.
Mắt nàng đen tròn. Đôi mắt của loài bò sát. Đôi mắt ngơ ngác, thờ ơ.
Nàng bé nhỏ, toàn thân giá lạnh, lạnh đến nỗi tôi chỉ muốn ấp ủ nàng trong hai lòng bàn tay mình. Không phải như ôm một con gà chiếp hay một chú thỏ con, mà để tôi cảm thấy trong lòng bàn tay mình đôi chân sắc nhọn lạ thường đang nhộn nhột động cựa, rồi khi hé nhìn vào tôi sẽ thấy cái lưỡi bé tí xíu màu đỏ thè ra, trong đôi mắt như hai viên bi thủy tinh tôi sẽ thấy phản chiếu khuôn mặt âu lo dường như đang mong muốn được yêu thương vỗ về một vật gì đó của chính mình.
Nàng gợi cho tôi cảm giác như thế.
"Em mệt."
Bằng giọng không vui, Thằn Lằn vừa nói vừa bước vào phòng.
Tôi không nhìn rõ khuôn mặt nàng, chỉ thấy tấm áo choàng trắng tỏa sáng. Nhìn đồng hồ đã hai giờ sáng, tôi lên giường chuẩn bị đi ngủ. Tôi định với tay bật đèn lên thì Thằn Lằn đã nhanh hơn, trườn lên người tôi. Rồi nàng dụi thật mạnh đầu mình vào khoảng giữa hai và ngực tôi, lòng bàn tay lạnh buốt luồn vào trong áo ngủ. Bàn tay giá lạnh như băng chạm vào làn da trần đem lại cảm giác thật dễ chịu.
Tôi, hai mươi chín tuổi, là một chuyên gia tư vấn và điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ em tại một bệnh viện nhỏ, và đã quen Thằn Lằn được ba năm.
Chẳng biết tự khi nào, Thằn Lằn hầu như không thể nói chuyện với ai ngoài tôi. Về cơ bản, con người không thể sống mà không trò chuyện với người khác. Vì vậy, tôi cho rằng mình chính là phao cứu sinh của nàng.
Nàng dụi mặt thật mạnh vào ngực tôi, ngay dưới xương quai xanh. Lúc nào nàng cũng làm vậy. Mạnh khủng khiếp, giống như nàng muốn xuyên vào người tôi vậy, đến phát đau lên. Khi nàng áp chặt vào ào tôi như thế, tôi đoán chắc là nàng đang khóc, nhưng không phải. Khi Thằn Lằn ngẩng mặt lên, khuôn mặt nàng vẫn tưới tắn, cặp mắt nàng vẫn ngọt ngào, mềm dịu. Có lẽ buổi trưa nàng đã trút bỏ được một chuyện gì đó khó chịu rồi, như kiểu đã vùi mặt vào gối mà khóc chẳng hạn, hoặc có thể đơn giản là nàng đã mệt đến nỗi không muốn suy nghĩ thêm gì nữa, và việc nàng dụi đầu mạnh vào tôi chỉ là một cách tách rời y thức ra khỏi bản thể hiện đã quá mệt mỏi của mình.
Tôi nghi vậy.
Nhưng đêm hôm đó Thằn Lằn đột ngột giải đáp thắc mắc của tôi.
"Thật ra, hồi nhỏ, em đã có thời gian bị mù."
Lời thổ lộ của nàng vang lên bất ngờ trong bóng tối.
"Em bảo sao? Hoàn toàn không nhìn thấy gì hết à?"
Tôi ngạc nhiên hỏi nàng.
"Đúng thế đấy, hoàn toàn."
"Có chuyện gì xảy ra thế?"
"Bác sĩ nói đó là do chấn động thần kinh. Suốt từ lúc em năm tuổi cho tới khi tám tuổi."
"Thế sao em lại nhìn lại được?"
"Nhờ được chăm sóc tận tình tại một bệnh viện nhỏ, giống như bệnh viện anh đang làm bây giờ."
"À ra thế."
Tôi đáp.
"Anh hỏi em điều này có được không? Tại sao em lại bị mù?"
Thằn Lằn thở thật sâu rồi nói.
"Anh ạ, một việc khủng khiếp đã xảy ra ở nhà em. Và em đã tận mắt chứng kiến việc đó..."
"Nếu không thấy thoải mái thì em không cần phải nói đâu," tôi bảo nàng.
Dường như nói ra điều đó có vẻ rất khó khăn đối với nàng, nhưng tôi không hiểu sao lại thế. Bố mẹ Thằn Lằn hãy còn khỏe cả và hiện đang sống hạnh phúc cùng nhau. Tôi đã có lần gặp họ. Nàng là con một, nên cũng chẳng phải lo lắng gì cho anh chị em. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy gia đình nàng gặp phải chuyện gì trong quá khứ.
"... Thật ra vì lúc nhỏ đã từng bị mù, nên nếu chỉ chạm vào thôi thì không yên tâm, em phải ấn thật mạnh. Nhất là lúc mệt mỏi, giác quan không còn nhạy bén, nếu không nhắm chặt mắt, rồi ấn thật mạnh, hay nắm thật chặt thì em không thể yên tâm được." Nàng nói và siết chặt tôi.
"Anh bị đau à? Em xin lỗi nhé."
"Anh không sao, đừng lo cho anh. Ở bệnh viện cũng có rất nhiều em nhỏ rất bám người lớn vì chúng cảm thấy bất an. Anh rất hiểu những điều em nói"
"Em biết là anh hiểu mà."
"Mình lấy nhau đi, em chuyển tới đây, mình sống chung."
Tôi đột ngột nói ra điều mình vẫn nghĩ từ trước tới giờ.
Thằn Lằn vẫn áp mặt lên ngực tôi, tiếp tục im lặng. Xuyên qua im lặng, tôi cảm nhận được nàng đang căng thẳng, tim đập thình thịch. Bên dưới lớp da khác lạ bao bọc một trái tim khác lạ. Tôi cảm nhận rõ rệt về một người xa lạ hằng đêm vẫn mơ những giấc mơ khác biệt với tôi.
"B..."
Thằn Lằn thì thầm, nhưng rõ từng tiếng. Rồi cô ngưng lại, không nói tiếp. Chúng tôi lại chìm vào im lặng. Tôi phán đoán một hồi. Bạc ác? Bị bỏ lại một mình? Biện pháp ngừa thai? Búp bê? B... là cái gì mới được chứ?
Cuối cùng, từ đôi môi đang áp chặt vào ngực mình, tôi đã nghe thấy câu trả lời.
"Bí mật của em."
Lần đầu tiên gặp Thằn Lằn là thời gian tôi đi tập ở câu lạc bộ thể thao.
Tôi đi bơi ở đó hai tuần một lần, còn Thằn Lằn làm huấn luyện viên thể dục nhịp điệu. Một cô gái kỳ lạ, tôi thường nghĩ thế mỗi khi nhìn thấy Thằn Lằn.
Nàng nhỏ bé, thân hình săn chắc với đôi mắt xếch u sầu, so với vẻ tươi vui của những huấn luyện viên khác, sự khác biệt chẳng biết là tốt hay xấu ấy khiến tôi thấy rất lạ lùng. Chẳng biết có phải là tình yêu hay không, nhưng thoạt đầu tôi bị lôi cuốn bởi vẻ dị biệt ấy. Lần nào lên khỏi bể bơi tôi cũng thấy nàng đang dạy thể dục nhịp điệu tại phòng tập. Đối diện với một biển thân hình nung núc thịt đang chuyển động của các bà các mợ, hình dáng nhỏ bé quá mức, lúc nào cũng như đang bất động trong đủ các tư thế khó của nàng trông tựa như một tác phẩm điêu khắc của Dali 1.
Tôi dùng từ "bất động" bởi nàng chuyển động uyển chuyển đến nỗi trông như không hề chuyển động chút nào. Mặc cho tiếng nhạc trong phòng có kích động đến dâu, riêng nàng vẫn như đang ở trong một thế giới hoàn toàn tĩnh lặng, một mình.
Trong lúc tôi tiếp tục quan sát nàng, một chuyện đã xảy ra.
Hôm đó, sau khi bơi xong, tôi cũng đi ngang qua trước cửa phòng tập. Nàng đứng trong phòng như thường lệ, hướng dẫn học viên viên bài tập trên thảm. Tôi vừa uống nước hoa quả, vừa lơ đãng nhìn cảnh tượng ấy, thầm nghĩ nếu một ngày nào đó, cô gái này mà nghỉ không dạy nữa thì chán thật. Thời gian đấy, tôi vừa mới chấm dứt cuộc tình dài với một phụ nữ đã có chồng, hơn thế nữa lại còn bị người ta ruồng bỏ nên thấy mệt rã rời, chẳng còn hơi sức đâu mà tơ tưởng tới chuyện yêu đương. Thế nên việc tự dưng có suy nghĩ như vậy khiến tôi cảm nhận có một cái gì đó đang nảy mầm trong mình.
Tôi có thể miêu tả chính xác cảm giác của mình khi đó - hồ hởi như một thiếu niên. Cảm giác đó rất giống với cảm giác tôi từng có vào một buổi tối mùa xuân ấm áp nhiều năm về trước, hẹn hò với một cô gái mới quen nhưng đã thầm cảm mến, ngồi trên tàu điện và nghĩ xem sẽ đưa nàng đi ăn tối hay đi uống nước ở đâu, không cần băn khoăn xem đêm nay có làm chuyện đó hay không, chỉ cần nhìn thấy những cử chỉ quan tâm, những họa tiết trên chiếc khăn quàng nàng làm dáng vì mình, nếp gấp của tấm áo choàng hay nụ cười rạng rỡ, giống như được ngắm cảnh đẹp xa vẫn, là đã đủ để tâm hồn mình cũng trở nên tươi đẹp.. Và khi tôi nhìn thấy Thằn Lằn ngày hôm đó, tất cả những niềm vui tưởng đánh mất tù rất lâu rồi ấy bỗng đột ngột trở lại như hương hoa xuân sực nức ngày xưa.
"Nào, về nhà thôi." Khi tôi vừa nghĩ vậy và định cất bước đi khỏi thì bỗng nghe thấy tiếng kêu thét lên: "Ôi, đau quá..." Quay đầu lại, tôi thấy trong phòng tập, một bà đang ôm chặt lấy chân. "Điệu này chắc là bị chuột rút rồi," tôi nghĩ. Thằn Lằn tức tốc chạy đến bên cạnh, đặt tay lên chân bà ta. Trong phòng tập lờ mờ tối, tiếng nhạc vẫn đang vang lên, Thằn Lằn bình tĩnh xoa bóp chân cho người đàn bà đó, thành thục như một thầy thuốc. Khoảnh khắc tôi lặng ngắm nàng làm việc đó dường như kéo dài bất tận. Trong bóng tối, Thằn Lằn ngồi đó với cánh tay vươn ra, trông như pho tượng loang loáng tuyệt đẹp, tỏa sáng lung linh. Ngay lập tức khuôn mặt người đàn bà đó tươi tỉnh trở lại, Thằn Lằn cũng mỉm cười, môi đỏ thắm.
Qua tấm kính, tôi chi nghe lõm bõm được vài tiếng động và giọng nói, nên cảnh tượng trước mắt lại thêm phần huyền bí. Rồi Thằn Lằn đứng dậy. Khi nhìn thấy trên đôi chân đang duỗi ra, ở khớp đùi bên phải có hình xăm một con thằn lằn nhỏ xíu, tôi đã bị hạ gục hoàn toàn. Mối tình kỳ lạ của tôi và Thằn Lằn đã bắt đầu như vậy.
Quả thật công việc hiện tại đôi khi khiến tôi bải hoải. Nếu thật sự muốn giúp bệnh nhân, tôi không được hòa đồng, cộng hưởng với họ. Nhưng việc tránh né bước sóng của những người bệnh đang thiết tha yêu cầu sự cảm thông ấy thật khổ vô cùng. Việc này khó khăn như khi bụng đang đói, nhìn thấy một bàn bày đầy đồ ăn trước mắt mà phải ngoảnh mặt làm ngơ vậy. Những bệnh nhân của tôi tập trung toàn bộ năng lượng của họ vào việc yêu cầu tôi chia sẻ những cảm xúc của mình, thông báo với tôi từng ly từng tí mỗi khi họ giận dữ hay đau đớn. Những tôi vẫn luôn phải bình thản, khách quan. Nói một cách hình ảnh, tôi phải giữ gìn ý thức của mình giống như nhân viên phục vụ bàn chuyên nghiệp, nghĩ rằng đó không phải của mình. Việc của tôi là phớt lờ những chiếc đĩa đầy món ngon và đơn giản là mang chúng đến nơi chúng cần tới.
Tôi luôn cố gắng tập trung vào mục tiêu của mình: giúp người bệnh khỏe lại. Nếu tôi kiểm soát được mình, tôi có thể duy trì sự khách quan đó. Tôi nhận ra rằng kỷ luật với bản thân như thế cũng là một kỹ năng thiết yếu trong công việc của mình.
Người bệnh thì không bao giờ chịu hợp tác. Việc này đôi khi làm tôi thấy mệt mỏi quá chừng. Nhất là những khi có điều gì đó khiến mình phải bận tâm như lúc này.
Vừa ăn trưa, tôi vừa nghĩ mãi không hiểu điều bí mật của Thằn Lằn là gì... Có khi chỉ đơn giản là vì nàng không muốn lấy tôi cũng nên.
Tôi hay ăn trưa ở tiệm mỳ bên cạnh công viên khá xa bệnh viện. Có lẽ vì ở đó tôi không phải chạm trán với bệnh nhân. Bên ngoài cửa sổ, cây cối xanh tôi thơm ngát, công viên tĩnh lặng, ngập tràn ánh nắng ban chiều. Trên những băng ghế dài, những nhân viên bán hàng và các cụ già đang thảnh thơi ngồi sưởi nắng, trông hoàn toàn hòa hợp, hoàn toàn đồng điệu, và có thể nói là đẹp... Mọi người, đàn ông, phụ nữ, đã già hay còn trẻ, ai ai trông cũng đều đẹp đẽ. Điều đó khiến tôi bình tâm trở lại, nhớ ra vì sao từ đầu tôi đã chọn nghề này và tại sao nó lại khiến tôi hài lòng. Tôi tự nhủ "Tiếp tục làm việc thôi." Dưới cùng một bầu trời, có lẽ Thằn Lằn cũng suy nghĩ giống tôi, và đang chăm chỉ làm việc.
Lần đầu tiên tôi mời Thằn Lằn đi ăn chính là buổi tối hôm tôi chứng kiến nàng chữa khỏi chân một cách thần kỳ cho bà học viên đó. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nàng trong trang phục dạo phố. Nàng mặc một chiếc áo len đen với quần Jeans giản dị, là như đang che giấu một điều gì đó. Cởi bỏ bộ đồ tập, nàng giống như mọi người khác, không có gì nổi bật.
Thằn Lằn chẳng bao giờ thèm che miệng e lệ khi cười. Gò má nàng lấm tấm tàn nhang và trang điểm cũng đậm quá mức. Nhưng tôi không quan tâm. Thậm chí cả dáng đi của nàng nữa. Tôi yêu nó, chỉ đơn giản là yêu thôi.
Mỗi lần nhìn nàng, không hiểu sao tôi luôn nghĩ đến từ "Sứ mệnh". Giống như nàng đang phải mang một gánh nặng trên vai, bắt buộc, không thể chối từ, một sứ mệnh nghiêm trọng đến mức cảm nhận được. Không rõ tại sao tôi lại có cảm giác như vậy về nàng, chỉ biết nàng hấp dẫn tôi chính ở điểm đó. Khi một người như nàng cười hết cỡ, điều đó thật tuyệt vời, có cảm giác đấy mới là khuôn mặt tươi cười thực sự. Thằn Lằn rất biết cách mỉm cười.
Chúng tôi ăn tối tại một tiệm ăn Nhật nhỏ.
Ngồi đối diện nhau. Quán ăn vắng lặng chỉ có hai chúng tôi. Tôi hồi hộp như chưa tưng hồi hộp bao giờ. Thằn Lằn im lặng, ăn nhỏ nhẻ, hầu như không uống chút rượu nào.
Khi tôi nói với Thằn Lằn rằng tôi thấy nàng là một huấn luyện viên giỏi, nàng đột ngột nói.
'Ừm, nhưng tôi sắp thôi việc rồi. Từ tháng sau."
Quá bất ngờ, tôi hỏi.
"Sao thế?"
"Có việc khác tôi muốn làm hơn."
Thằn Lằn mỉm cười.
"Việc gì vậy?"
Tôi hỏi.
"Hi vọng cô không phiền khi tôi hỏi như vậy. Chỉ vì cô thật sự có tài, nên tôi thấy tiếc thôi mà."
"Có gì đâu, tôi sẽ theo học ở trường dạy châm cứu."
Thằn Lằn nói.
"Sao cơ?"
Tôi hỏi lại, thậm chí còn ngạc nhiên hơn.
"Tại sao lại thế?"
"Vì tôi biết trong chuyện đấy mình còn có năng khiếu hơn rất rất nhiều. Chỉ cần nhìn qua là tôi đã phát hiện ra chỗ không ổn của người đối diện. Tôi cũng có thể chữa bệnh chỉ bằng cách chạm tay vào cơ thể. Vì thế tôi muốn nâng cao khả năng đó..."
"Lại có cả năng khiếu như thế nữa cơ à?"
"Có chứ anh!"
Trong lúc ăn món kem tráng miệng, nàng say sưa triết lý.
"Aerobic là một phương tiện tốt để biểu đạt bản thân bằng cơ thể, nhưng tôi đã nhận ra rằng thay vì tiếp tục dùng thân thể để biểu đạt cái bên ngoài, tôi cần phải giải phóng được cái có ở bên trong mình, nếu không tôi sẽ không bao giờ thấy thỏa mãn. Tôi đã luôn cố gắng duy trì sức khỏe bằng cách tích cực vận động, nhưng tôi vẫn nghĩ mình sẽ tìm một cách khác. Dù sao, tôi cũng đã ba mươi ba rồi mà."
"Cái gì? Ba mươi ba tuổi á?"
Tôi tưởng nàng chỉ mới hăm nhăm.
"Đúng thế đấy, tôi lớn tuổi hơn anh nhiều."
Thằn Lằn cười.
Khi chia tay tại nhà ga, Thằn Lằn nói với tôi:
"Cảm ơn anh đã mời tôi đi ăn. Anh thấy đấy tôi vốn chẳng có bạn bè, mà hầu như cũng ít khi gặp bố mẹ. Lâu lắm rồi tôi mới lại nói chuyện với người khác nên hình như nói quá nhiều rồi thì phải."
Màn đêm tối thẫm. Vài người bước qua đường. Ngọn gió đêm. Cửa sổ các cao ốc. Tiếng chuông báo hiệu giờ khởi hành của tàu điện từ đâu đó vọng lại. Khuôn mặt bình thản của Thằn Lằn. Và đôi mắt đen.
"Anh muốn gặp lại em."
Tôi nói, rồi nắm lấy tay nàng.
Ôi, tôi muốn được chạm vào nàng, muốn tưởng như phát điên lên được. Thượng Đế ơi, chỉ cần được chạm vào tay nàng, tôi có thể làm bất cứ điều gì. Nên tôi đã làm thế. Tôi đã chạm vào tay nàng. Đơn giản là tôi không thể làm khác được.
Đó là điều tôi thực sự cảm thấy khi đó. Khởi đầu của chúng tôi không phải tình cờ, không phải như kiểu bạn tình cờ bị một cô gái cuốn hút, rồi hẹn hò với cô nàng, khi trời tối hai người cùng đi ăn, uống chút gì đó, rồi nhìn nhau băn khoăn. "Mình sẽ làm gì tiếp nhỉ?", và bạn chỉ biết rằng có lẽ mình sẽ làm tình với cô ấy hàng đêm. Với Thằn Lằn, tôi bị choáng ngợp bởi khao khát muốn chạm vào nàng, hôn nàng, làm tình với nàng, không cần biết là làm thế nào để thực hiện được điều đó, tôi nhất định phải có nàng, Thằn Lằn chứ không phải ai khác. Ngay lập tức, ngay tại đây. Nước mắt dâng lên trong mắt tôi. Tôi quá muốn có nàng.
"Vâng, gặp lại sau nhé."
Nàng nói, cho tôi số điện thoại.
Không ngoái đầu nhìn lại, nàng leo lên cầu thang của nhà ga. Dáng nàng biến mất trong làn sóng người đi lại trên sân ga. Đi mất rồi. Tôi bỗng có cảm giác mất mát giống như ngày tận thế.
Thằn Lằn đi học ở trường dạy châm cứu, rồi được cấp bằng.
Trong khi theo học ở trường, nàng đã được một bậc thầy khí công phát hiện ra năng khiếu đặc biệt và nhận làm đệ tử. Sau khi đi du học nửa năm tại Trung Quốc, nàng về nước, mở một phòng điều trị nhỏ. Nàng nổi tiếng chữa bệnh mát tay nên phòng điều trị rất đông bệnh nhân, phải tuyển thêm nhân viên.
Mỗi ngày, các bệnh nhân từ khắp nước Nhật đổ về chỗ nàng để chữa bệnh, trong đó có rất nhiều người mắc bệnh nặng. Họ đều nghe đồn mà tìm đến đây. Mặc dù ngày càng bận rộn nhưng khả năng điều trị của nàng không vì thế mà giảm đi Chỉ có điều nàng ngày càng ít nói hơn. Có một lần, tôi đã thử ghé qua phòng điều trì của nàng. Đó là một căn phòng trong khu chung cư, chỉ có độc một chiếc giường. Bệnh nhân lặng lẽ xếp thành hàng dài chờ đến lượt vào khám. Phòng điều trị sơ sài đến nỗi nếu ai không biết có thể tưởng đây là phòng khám chui. Thằn Lằn mặc áo choàng trắng đi lại nhẹ nhàng trong phòng. Tôi có một cảm giác rất kỳ lạ. Thằn Lằn không dùng những lời lẽ ngọt ngào, vồn vã để chào đón bệnh nhân. Vì thế, nếu là người bệnh nhẹ, không cần thiết phải điều trị lắm thì lập tức sẽ không quay lại đây lần thứ hai. Nhưng những người mắc bệnh nặng, đã từng bị những cơ sở khác trả về rồi trôi dạt đến đây, đau đớn, cực khổ, bất an, thì lại bước ra khỏi phòng bệnh với cặp mắt rưng rưng lệ ngước nhìn nàng đầy biết ơn. Khi những bệnh nhân vốn bị liệt ra khỏi phòng khám trên đôi chân chính họ, dựa vào Thằn Lằn, người nhà đang đợi bên ngoài bỗng rơi nước mắt vì mảng vui. Nhưng Thằn Lằn chỉ hơi mỉm cười rồi lại tiếp tục chữa bệnh cho người tiếp theo.
"Nàng thật sự tận tâm với công việc," tôi nghĩ. Nàng chỉ mong muốn được chữa bệnh. Nàng có thực tài, và không quá quan tâm tới lòng biết ơn hay sự mến mộ của người khác. Tôi cảm thấy ngực mình thắt lại, và thầm tự hào về Thằn Lằn. Tôi tự cảm thấy có đôi chút hổ thẹn, và muốn được như nàng.
Đêm đó, tôi về nhà và đợi Thằn Lằn trong phòng.
"Tám giờ em đến nhé."
Nàng nói trong điện thoại.
"Anh đặt pizza đi, loại cay ấy."
Thằn Lằn rất thích bánh pizza giao tận nhà. Nàng ghét ra ngoài ăn. Nàng nói nàng không ghét con người, chỉ không muốn gặp ai nữa sau giờ làm việc thôi. Tôi hiểu cảm giác của nàng. Làm công việc có đối tượng là con người như cả hai chúng tôi dễ khiến người ta mệt mỏi khi tiếp xúc với mọi người. Vì thế hầu hết thời gian ở nhà chúng tôi thường chỉ ở trong phòng, không để đèn, hầu như không cả nói chuyện, chỉ bật nhạc, ngồi yên lặng lắng nghe trong bóng tối. Đi du lịch cũng chỉ đến những vùng núi xa xôi hẻo lánh thưa vắng bóng người. Một mối quan hệ kỳ lạ.
Đã tám giờ ba mươi mà Thằn Lằn vẫn chưa thấy đến.
Tôi ăn pizza trước, một mình, vừa uống bia vừa nghĩ ngợi. Có khi nàng không đến nữa cũng nên. Nàng đang chuẩn bị kể cho tôi một bí mật thì bị tôi cầu hôn. Tôi nghĩ với tính cách của Thằn Lằn, nếu muốn chia tay với tôi thì đêm nay nàng sẽ không đến..
Đúng là giữa chúng tôi, nhân tình cảm mãnh liệt buổi ban đầu đã biến mất, nhưng đó không phải là lý do. Tôi vẫn muốn có nàng bên cạnh. Tôi thấy buồn. Với một mối quan hệ như của tôi với nàng, đừng trông đợi sự vui tươi hay thanh thản. Nói thật là ở bệnh viện, đôi khi tôi cũng thấy bị cám dỗ bởi các cô y tá tươi xinh vây quanh, những chẳng ai có thể thay thế được Thằn Lằn. Không ai có cái mà nàng có.
Tuyệt vọng, tôi ngồi uống tới say. Đến khoảng mười một giờ hơn, cửa mở ra đánh sầm một tiếng. Thằn Lằn bước vào phòng.
"Xin lỗi nhé, em đến muộn quá."
Thằn Lằn nói và choàng tay ôm tôi. Từ mái tóc dày rậm của nàng tỏa ra hương thơm của tưng ngọn gió.
"Anh cứ tưởng em sẽ không đến nữa."
Tôi nói, một cách bình tĩnh (Nếu là ngày trước, thì miệng tôi đã méo xệch đi rồi).
"Em bối rối quá."
Vừa nói, Thằn Lằn vừa ngồi xuống ghế nuốt vội vàng miếng pizza nguội ngắt.
"Anh hâm nóng tại cho em nhé?"
"Không cần đâu anh, cứ nguội thế này cũng được."
Thằn Lằn đáp.
"Em chỉ có thể nói chuyện với mỗi mình anh."
"Anh biết. Nhưng dù thế thì em vẫn nói chuyện với bệnh nhân cơ mà? Không phải lo đâu."
Tôi nói.
"Thế nhưng em vẫn còn điều chưa nói nói anh. Một điều rất quan trọng."
"Em nói thử xem nào."
Tôi bảo nàng.
Thằn Lằn im lặng. Rồi nhìn chằm chặp lên bức tường sơn trắng nàng thở thật sâu. Lúc này, nàng có dáng dấp của hình nhân rối bóng.
Nàng giống như một sinh vật khác loài với tôi, lặng lẽ sống trong bóng tối.
"Em từng kể là có thời gian em bị mù rồi, đúng không anh?"
Thằn Lằn hỏi.
Những ám ảnh thời thơ ấu. Tôi đã đoán đúng.
"Hồi em năm tuổi, một tên điên đã đột nhập vào nhà em. Tự dưng hắn xuất hiện ở cửa, rồi gào lên những câu gì không rõ. Hắn ta chộp lấy con dao cắm trong nhà bếp đâm thẳng vào đùi và cánh tay mẹ em. Rồi hắn trốn mất. Em gọi điện đến công ty cho bố, bố bảo bố sẽ gọi xe cấp cứu, con cứ ngồi đó chờ một lát nhé. Tới khi xe cấp cứu đến, em ở bên cạnh mẹ suốt. Em biết mẹ sắp chết, em sợ, sợ ghê lắm, em áp tay mình vào miệng vết thương chí mạng mong cầm được máu cho mẹ. Lúc đó, em phát hiện ra mình có khả năng chữa bệnh. Không có cảnh máu ngừng chảy ngay hay vết thương biến mất như trong phim hay truyện tranh đâu, nhưng rõ ràng em cảm thấy tay mình phát sáng. Vết thương của mẹ có phản ứng. Dường như máu chảy ra ít hơn. Sau đó xe cấp cứu đến, chở cả em lẫn mẹ, người bê bết máu vào bệnh viện. Em vô cùng hoảng sợ, không mở miệng ra được, ngồi chết trân một chỗ. Bố chạy bổ đến chỗ em, cảnh sát cũng tới, nhưng em chẳng nói được lời nào. Bác sĩ bảo máu chảy ít như có phép lạ, nên cứu được mẹ. Tuy mẹ không được cầm máu một cách đàng hoàng. Ông khen em làm tốt."
Tôi im lặng lắng nghe và nhớ tới hình ảnh mẹ của Thằn Lằn hơi lệch người về một bên lúc bước đi, còn khi đứng dậy thì chân phải trông rất nặng nề.
"Sau đó mẹ bị sức nặng, tâm trí khôn bình thường suốt một thời gian. Em bị mù, bố thì thần kinh có vấn đề, lúc nào cũng lo khóa chặt cửa nẻo một cách bệnh hoạn. Nhà em hồi ấy khổ ghê lắm. Đó đúng là một cơn ác mộng. Đến một ngày em bắt đầu nhìn lại được, mẹ tự đi loanh quanh được một mình, bố không cần phải khóa đến bảy lần cửa mà vẫn có thể yên tâm ra ngoài. Qua nhiều năm thì từng chuyện một rồi cũng quay trở lại như xưa. Một thời kỳ đen tối của gia đình em. Nhưng chính trong thời gian đó, em hiểu được bí mật của sinh mệnh. Em cảm nhận điều đó bằng chính cơ thể mình. Dạo ấy, mẹ là cả vũ trụ mà em tôn thờ. Mẹ có cãi vã với bố, rồi khóc lóc nữa, nhưng với em mẹ vẫn là một người mẹ hoàn hảo, là điểm tựa vững chắc cho em. Thế nhưng ngày hôm đó, khi em thấy mẹ gào khóc, và chạy trốn, rồi bị chảy máu, rồi ngã xuống, khắp người đầy máu, em thấy mẹ là một cái gì đó khác, như một thân thể không có linh hồn, một vật thể. Sau đó em hiểu ra rằng thân thể chỉ đơn thuần là vật chứa đựng mà thôi. Vì thế nên em nghĩ cũng có thể chữa khỏi bệnh cho thân thể giống như là sửa xe ơ tô. Để tâm nhìn ra xung quanh trên đường phố, em thấy những người sắp chết có màu đen. Nếu gan có vấn dề cùng gan đen kịt. Mỏi vai thì vai có màu xám. Em tiếp tục tập aerobic để không phát điên do phải thấy quá nhiều. Cuối cùng, từ khi em quen anh, em đã lấy lại thăng bằng. Em cảm thấy mãn nguyện lắm rồi. Hơn nữa, em được làm công việc vốn là sứ mệnh của mình."
"Chuyện của em hay thế còn gì. Anh chẳng thấy có vấn đề gì cả."
"Chuyện chưa hết mà anh. Vẫn còn một điều tối quan trọng."
Thằn lằn đáp. "Điều mà em thậm chí không kể cả với bố mẹ."
Rồi nàng lại lặng im. Im lặng một lúc lâu. Giữa lúc đó, Thằn Lằn lạo xạo cắn thêm một miếng pizza. Nhìn nàng, tôi ngạc nhiên thấy nước mắt nàng đang chảy tràn trên mặt. Lần đầu tiên chứng kiến Thằn Lằn khóc khiến lòng tôi xao động. Tôi hiểu rằng việc đó vượt quá sức chịu đựng của nàng.
"À, đúng rồi, thế còn tên tội phạm thì sao? Người ta có bắt được hắn hay không?"
Tôi chợt hỏi. Thằn Lằn ngẩn người nhìn tôi.
Tôi cuống cả lên, nghĩ bụng thôi chết, lẽ ra mình không nên hỏi câu đó vào thời điểm này. Nhưng đã lỡ nói ra mất rồi. Vì tôi yêu nàng. Và vì không muốn mất nàng. Có lẽ là thế.
"Hắn bị bắt, bị đưa đi giám định thần kinh, rồi được thả ra ngay lập tức."
Thằn Lằn nói, giọng nghẹn ngào.
"Và rồi em đã giết hắn."
Tôi kêu lên kinh ngạc.
"Một mình em à?"
"Không phải như anh nghĩ đâu, em đã nguyền rủa cho hắn phải chết. Anh không tin chứ gì? Thật đấy. Em đã nguyền rủa hắn đến chết."
"Em lại còn có thể làm cả việc đó nữa cơ đấy."
Tôi nói. Đây là lần đầu tiên tôi thấy Thằn Lằn nói chuyện lâu và đầy kích động như vậy.
"Ngày lại ngày em chỉ cầu cho hắn bị ô tô đâm chết. Mỗi khi ở nhà có chuyện buồn hay chuyện không hay xảy ra em lại cầu nguyện như vậy. Rồi đến năm thứ hai, một buổi chiều, khi em đang ngồi hướng về phía ánh hoàng hôn, đột nhiên em nhận thấy lời cầu xin của mình đã được chấp thuận. Em đã nhận thấy thế. Em chắc chắn rằng hắn ta sẽ chết, và rằng mắt em chắc chắn sẽ nhìn lại được. Sau đấy một tuần, em tình cờ nghe trên bản tin thời sự. Hắn ta tự nhiên phát khùng, đâm đầu vào xe tải. Em đã làm điều đó. Đáng đời hắn, em nghĩ. Nhưng rồi ngày qua ngày, em đã trưởng thành và hiểu được ý nghĩa của việc mình làm. Dù em có chữa khỏi bệnh cho bao nhiêu người đi chăng nữa cũng không thay đổi được sự thật là em đã giết chết một người. Điều đó ngày càng trở thành gánh nặng với em. Nhất là từ khi quen anh, em càng hiểu rõ điều này. Nếu em ghét ai, em có thể giết chết người đó. Hồi ấy em còn nghĩ là mình ghê gớm lắm. Mình đã thành công rồi, em đã cười. Có lúc em đã như thế đấy. Nhưng đó không phải là câu chuyện kể mua vui, cũng chẳng phải là bi kịch báo thù hoành tráng thời Edo. Ngay trên đất nước Nhật Bản thanh bình này, thực tế là em đã kết liễu sinh mạng của một con người không hề có ý định chết. Em sẽ bị trừng trị, một ngày nào đó sẽ đến lượt em. Ngày đó, em rất căm thù hắn nên em đã quyết tâm làm như vậy. Nhưng mà, em thật không hay biết thời gian... thời gian lại vĩ đại đến thế. Bố mẹ em sống hòa thuận, em lại nhìn thấy được, em có công việc, em được gặp anh... Hồi ấy em không hề nghĩ được là những ngày như vậy sẽ lới. Em hoàn toàn không hình dung được cái cảnh nhà đóng chặt cửa sổ trong phòng tối om, nhốt kín những con người với ngần ấy nỗi đau lại có thể chấm dứt. Em đã tưởng là mình không có gì để mất, nên chẳng sợ bị nguyền rủa. Hắn ta cứ việc quay lại tìm em trả thù. Nhưng bây giờ... Bây giờ dù cho mọi thứ đều thay đổi, riêng em vẫn còn rất sợ hãi. Gã đàn ông ấy thường xuất hiện trong giấc mơ của em. Hắn ta bảo em: 'Tao không giết mày, mà mày lại giết tao...' Hắn ta nói đúng. Và em sợ lắm."
Thằn Lằn tiếp tục kể bằng giọng mũi ngàn ngạt.
An ủi nàng rằng cái chết của gã là ngẫu nhiên, em không phải chịu trách nhiệm gì hết là điều đơn giản, nhưng vì nàng đã hoàn toàn bị ám ảnh rằng sức mạnh của mình là có thật nên tôi chẳng biết nói thêm gì. Tôi biết điều này vì đã gặp rất nhiều đứa trẻ tự tử do bị ám ảnh về tội lỗi của chính mình. Có em treo cổ tự tử vì chậu cảnh mình đã từng hứa sẽ chăm sóc cẩn thận bị héo khô, em thì lại cắt cổ tay vì lỡ quên mất không cầu nguyện vào giờ đã định...
Chắc nàng đã phải đấu tranh với bản thân dữ dội lắm. Nàng cố gắng làm nhiều việc tốt, cố gắng hết sức để phát huy khả năng của mình. Nhưng càng cố gắng lại càng cảm thấy nặng nề. Kiểu mặc cảm tội lỗi này cũng giống như chuyện kinh nguyệt, tình dục hay bài tiết, đều là những việc hoàn toàn riêng tư, là gánh nặng vô thức mà người khác không tài nào chia sẻ được. Thứ năng lượng hắc ám từ mặc cảm tuyệt đọng ấy cứ ngày một tăng thêm, trở thành nguồn gốc của những vụ sát nhân hoặc tự tử trên thế giới này.
Hiểu rõ nhưng lại chẳng làm được gì cảm giác ấy làm tôi day dứt. Đối với bệnh nhân của tôi cũng vậy, tôi cũng luôn có cảm giác này. Tôi thấy mình yếu ớt vô dụng như một kẻ đồng bóng vốn quen được mẹ cưng chiều. Đã đến mức như vậy thì còn làm được gì nữa.
Nhưng tôi vẫn rất vui vì Thằn Lằn đã kể cho tôi bí mật của nàng.
"Mình ra ngoài đi em." Tôi nói.
Thằn Lằn nhíu mày.
"Không sao đâu mà. Sẽ không đến những chỗ em ghét đâu. Cứ ở nhà mãi mình khó nói chuyện với nhau lắm."
Tôi bảo.
"Không lẽ anh định dẫn em đến chỗ anh làm để chỉ cho em thấy có chứng bệnh nhân còn nặng hơn em rồi động viên em phải cố gắng lên?"
Thằn Lằn nói rồi cười, khoác chiếc áo choàng mỏng lên người.
"Anh chưa nghĩ đến việc đó nhưng nếu em thích thì anh sẽ chiều theo ý em."
Tôi đùa, rồi đứng lên.
Tôi thích ngắm Thằn Lằn - cái cách nàng choàng áo khoác qua vai, cách nàng cúi đầu khi thấp người xuống để buộc dây giày, cách đôi mắt nàng lấp lánh trong gương khi nàng lén nhìn bản thân - tôi thích quan sát Thằn Lằn trong mọi tư thế... Bao nhiêu là Thằn Lằn trong muôn vàn hình ảnh khác nhau. Những tế bào đang chết dần chết mòn. Những tế bào vẫn tiếp tục sinh sôi. Đường cong của gò má, hình bán nguyệt trăng trắng trên móng tay. Tôi cảm thấy nàng căng tràn nhựa sống, chảy trôi cùng vũ trụ. Nhất cử nhất động của nàng đều mang sự sống đến cho tôi, một kẻ đã ngủ quên quá lâu.
Hương những ngày đầu hạ ngập tràn đường phố.
Mùi cỏ vừa dìu dịu vừa nồng nàn đến ngột ngạt.
"Mình đi đâu hả anh?"
Thằn Lằn hỏi.
"Lâu lắm rồi hai chúng mình mới đi ra ngoài thế này nhỉ."
"Bận quá mà."
Khi đó, đột nhiên tôi nghĩ hai chúng tôi có lẽ đã chấm hết rồi. Không có việc gì để làm. Hướng đi tiếp đã bị chặn lại. Giống như cây trồng trong lồng kính, chúng tôi phụ thuộc nhau, nhưng cả hai đều không có cảm giác được cứu rỗi, dược giải thoát.
Liếm láp vết thương trong bóng tối, chúng tôi tựa như vợ chồng già nương tựa vào nhau tìm chút hơi ấm.
Chỉ thế thôi.
Ý nghĩ đó dâng đầy lồng ngực, chi phối tôi.
Nhưng ngay lúc đó Thằn Lằn dột ngột lên tiếng. Nàng lên tiếng đúng lúc đến mức như có phép màu, khiến cho mọi thứ thay đổi. Nàng nói một cách hạnh phúc, những lời nói sống động, hân hoan, ngập tràn niềm vui cuộc sống.
"Phải rồi, đến núi Narita 2 đi anh?"
"Gì cơ?"
"Được quá đi chứ. Này nhé, ngày mai em chỉ phải làm buổi chiều, mình đi đi anh. Nếu đi taxi thì chỉ mất khoảng một tiếng thôi."
"Sao lại là Narita, có bao nhiêu nơi khác mà?"
"Em cũng không biết nữa. Ngày xưa em đã có lần đến đó và giờ rất muốn thăm lại. Buổi sáng, chúng ta có thể ngũ dậy rồi đi mua dưa muối, mua bánh gạo giòn trên đường lên chùa. Em muốn ngắm nhìn dãy hàng quán ngoài trời nhộn nhịp đông vui."
Thằn Lằn ngước nhìn tôi bằng đôi mất tròn xoe.
Sự nảy mầm của ham muốn là rất quan trọng, người bác sĩ trong tôi nghĩ. Nhưng trên hết thảy, việc Thằn Lằn đã chia sẻ việc nàng muốn làm, với lôi chứ không phải với ai khác, đã khiến tôi thấy thật sung sướng.
"Được thôi, đi nào."
Chúng tôi đang đi tới nơi cả hai đều muốn đến. Cả hai chúng tôi.
Chúng tôi đến Narita vào khoảng gần một giờ sáng. Tôi gọi điện và may mắn kiếm được phòng trọ. Hai chúng tôi cất bước đi trên con ớ đường dốc quanh co tối mịt dẫn lên chùa. Nhà cửa cũ kỹ, tỏa ra mùi gỗ. Gió thổi dữ dội, ngước lên sẽ thấy những vì sao lấp lánh ở khoảng trời đen thẫm giữa các mái nhà san sát nhau trên con đường hẹp. Gió thổi thật mạnh, mái tóc Thằn Lằn buông xõa rờn trong bóng tối.
Cổng chùa hãy còn đóng chặt, nhưng qua hàng rào chúng tôi có thể thấy hình dạng dãy hàng quán ngoài trời đủ màu sắc đang đóng cửa và những chữ Phạn viết trên chiếc đèn lồng lớn đang đung đưa.
Phố vắng tanh không một bóng người, yên lặng đáng sợ. "Trông cứ như thành phố ma ý nhỉ...," Thằn Lằn vừa nói vừa cười.
Chúng tôi tựa vào cổng chùa, cá với nhau xem liệu trong khoảng năm phút nữa có ai tới không. Chúng tôi chờ đợi, nhưng cuối cùng chẳng có một ai. Trên con đường lên chùa cổ kính, chỉ có ngọn gió trân dữ dội rít qua chúng tôi tựa như âm thanh của những đám đông đang trên đường đi lễ. Trong bóng đêm, hàm răng và chiếc sơ mi của Thằn Lằn trắng như trong một giấc mơ.
"Thật ra, anh cũng có một bí mật."
Tôi nói.
"Anh không phải là con đẻ của bố mẹ anh."
Thằn Lằn không thốt lên một lời, cũng không ngước lên nhìn tôi, nhưng tôi chắc toàn thân nàng đang lắng nghe.
"Mẹ anh đầu tiên hẹn hò với chú anh, sau đó bỏ chú ấy rồi lấy bố. Chú anh nghĩ ngợi đến phát điên. Một hôm chú đột nhập vào nhà anh, dùng dao đe dọa, trói gô bố mẹ anh lại, hãm hiếp mẹ ngay trước mắt bố, rồi tưới dầu lên mình, châm lửa tự thiêu. Hàng xóm nghe náo loạn vội vàng chạy tới nơi cứu được bố mẹ anh ra ngoài. Hai người không sao. Đáng tiếc là vì thế mà đã có anh."
"Nghe có lẽ còn kinh khủng hơn cả chuyện nhà em."
Thằn Lằn nói.
"Ừ. Theo ý bố, mẹ anh đã sinh ra anh, sinh xong ngay lập tức phát bệnh. Anh được gửi đến nhà họ hàng nuôi nấng, mãi đến năm tuổi mới về sống chung với bố mẹ. Sau đấy mẹ anh tự tử. ‘Xin lỗi nhé...' chỉ có anh nghe thấy lời trăng trối ấy của mẹ. Tội nghiệp mẹ."
"Thế còn mẹ anh bây giờ là...?"
"Là mẹ kế, sau này bố anh tái hôn."
"Vậy ư?"
"Cùng chứng kiến những điều khủng khiếp, nhưng cách phản ứng lại khác nhau. Có người thì tự sát như mẹ anh, có người sau cùng thì vẫn ổn như mẹ em, có gia đình gắng gượng hàn gắn được. Có gia đình hoàn toàn đổ vỡ, bao nhiêu tình cảnh khác nhau. Anh cũng không rõ sự khác biệt đấy là do bản chất của sự việc hay do tính cách của mỗi người. Nhưng những đứa trẻ bao giờ cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Anh đã nhìn thấy cái chết bi thảm của mẹ và có lẽ đến cuối đời này anh cũng không thể quên được. Nhưng ít ra anh cũng còn sống, và dù cho có bị tổn thương chăng nữa, anh vẫn có thể cảm thấy thoải mái khi ăn một món ngon hay tận hưởng những ngày đẹp trời. Chí ít là như vậy."
"Thế nên anh mới trở thành bác si phải không?"
"Ừ, có lẽ cũng vì thế nữa."
Tôi đã trở thành bác sĩ bởi cuộc chạm trán với cái chết ở lứa tuổi nhạy cảm đó. Nó đã gây cho tôi một ấn tượng sâu khắc. Tôi đã bị ám mùi cái chết. Không thể lách rời.
Tôi thật sự bị sốc khi biết cả hai chúng tôi đã trải qua những gì. Cuối cùng tôi đã hiểu vì sao chúng tôi bị hút vào nhau một cách định mệnh như vậy
Mà thôi, những chuyện kinh khủng có kể đến sáng cũng không hết mất. Em cứ vui vẻ dọn đến ở với anh đi, hai đứa mình sẽ sống ở một chỗ nào có nhiều cây xanh. Anh nghĩ là mình sẽ hợp nhau lắm đấy."
"Anh có biết tiểu thuyết 'Ngày thứ sáu ngắn ngủi' không?"
Thằn Lằn hỏi.
"Anh không biết. "
"Chuyện về cái chết của ruột cặp vợ chồng người Do Thái mộ đạo. Họ đã kết thúc một ngày hạnh phúc trọn vẹn, rồi đi ngủ bên nhau, không nhận Ia là đã vô tình quên không khóa gas sau khi chuẩn bị bữa ăn cho lễ Sabbath vào ngày hôm sau. Hơi gas thoát ra bay đầy phòng ngũ. Khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Nhưng họ bình thản chấp nhận. Cứ hạnh phúc như thế mà chết."
"Anh sẽ thử đọc xem sao."
"Được như thế thì hay thật. Em ghét phải nhìn thấy người khác chết lắm. Em chỉ muốn được chết thật hạnh phúc, giống như đôi vợ chồng trong truyện ấy."
Thôi mà em, mình đừng nghĩ tới nấy chuyện đó nữa. Hãy nghĩ thật nhiều, thật nhiều đến hiện tại thôi. Mình còn trẻ mà, phải sống vui vẻ chứ, phải tận dụng thời gian, nghĩ đến những điều tốt đẹp và làm thêm thật nhiều điều. Nếu không, không thể nói là mình đang sống được. Dù đã trải qua những chuyện tồi tệ đến thế nào thì cũng chẳng sao."
Thằn Lằn, dù trong lòng đang nổi cơn giông bão, vẫn gật nhẹ đầu. Khi ở bên Thằn Lằn, tôi giống hệt cậu nhóc mười lăm tuổi, tự hào với mấy anh bạn khác vi không ai có được người yêu như mình.
Chúng tôi nằm xoài trong căn nhà trọ cũ kỹ, mệt nhoài.
Thằn Lằn giống như mọi khi dụi mặt vào ngực tôi thật mạnh, chuẩn bị chìm vào giấc ngủ. Tôi cũng buồn ngủ, cảm thấy mi mắt mình trĩu xuống khi nghe thấy Thằn Lằn lầm bầm một điều gì đó. Không nghe rõ nên tôi hỏi "Gì vậy em?"
"Em ước gì có một ai đó giống như Thượng Đế, xuất hiện trên cõi đời này để lo toan mọi việc, đứng ra xem xét kiểu như chuyện này làm quá rồi, chuyện kia tuyệt đối không được phép, hay nếu là người này thì được phép làm đến mức đó. Nhưng chẳng có ai. Nếu có, và ông ấy ngăn em lại thì hay quá. Nhưng đã không có ai ngăn em lại. Em cứ tự làm mọi chuyện. Dù chứng kiến những việc khủng khiếp đến mức nào, người ta cũng chỉ có thể nghĩ được là điều gì cũng có thể xảy ra mà thôi. Đêm nay, không biết có bao nhiêu người đang đau khổ? Kẻ mất đi người thân, người phải chết. Người bị phản bội, kẻ bị giết. Đó là thực tế. Vào chính lúc này. Trên thế giới rộng lớn. Em ước gì có ai đó có thể ngăn lại được, dù chỉ ít thôi, để bớt đi những đứa trẻ như mình hồi đó thì tốt biết bao. "
Lời ước nguyện buồn bã vang lên như một bài thơ u sầu trong căn phòng kiểu Nhật ẩm thấp, mờ mờ tối. Tôi vừa chìm vào giấc ngủ vừa nghĩ về con đường đi lên chùa sáng ra sẽ lại trở nên tấp nập, sẽ có rất nhiều người qua lại, tất cả các hàng quán đều mở cửa, cánh cổng chùa cũng sẽ rộng mở đón khách. Sẽ là một nơi hoàn toàn khác. Sớm muộn gì cũng sẽ thay đổi. Vui lên đi thôi. Mùi thịt thỏ nướng, mùi bánh gạo giòn. Tôi muốn nói với Thằn Lằn rằng hãy đi mua thuốc bắc, đi lễ hay là xin lá bùa về treo ở căn nhà mới. Hãy nhìn ngắm mọi người qua lại. Hãy xem đường phố đêm nay không một bóng người sáng mai sẽ được hồi sinh không ngưng nghỉ.
Nhưng tôi buồn ngủ quá không mở được miệng ra nữa. Sáng mai tôi sẽ nói với nàng.
Chết là gì nhỉ?
Là không còn hiện hữu, không còn nàng bên mình nữa, không nói chuyện được nữa, là không còn cảm thấy cái mũi hiện giờ đang dụi thật mạnh, là mất đi nguồn gốc của sức mạnh đang ấn xuống. Là không còn bộ phận thể hiện ước muốn làm điều đó. Tất cả sẽ biến mất không còn dấu vết. Lớp biểu bì của những sợi tóc nàng mềm mượt. Sợi lông mi rơi xuống vương trên gò má. Vết sẹo bỏng nhỏ xíu trên đầu ngón tay, những móng tay sơn sửa gọn gàng. Cả sự chuyển động của linh hồn dang khiến tất cả những thứ đó tồn tại nữa. Tôi muốn nói với nàng về những điều ấy, tất thảy những gì không thể diễn tả bằng lời. Chỉ cần còn sống.
Ngày mai tôi sẽ nói.
Trong khi tôi nghĩ như thế, Thằn Lằn thì thầm.
"Chúc anh ngủ ngon."
Tưởng là nàng đã ngủ say nên tôi hơi ngạc nhiên, mở mắt. Tôi nhìn thấy Thằn Lằn đang nhắm mắt, giờ như sắp chìm sâu vào giấc ngủ. Khi tôi đáp: "Chúc em ngủ ngon," Thằn Lằn mắt vẫn nhắm nghiền, thì thào.
"Em chết đi có khi sẽ phải xuống địa ngục."
"Em sẽ không sao đâu," tôi bảo nàng.
"Nhưng mà vậy cũng tốt."
Thằn Lằn tiếp. "Vì dưới địa ngục có nhiều bệnh nhân hơn."
Nói dứt lời nàng bắt đầu say ngủ. Trông nàng như một đứa trẻ, đang thở nhẹ nhàng.
Tôi nhìn nàng đăm đắm vài giây, rồi trong vài phút bỗng khóc thương cho tuổi thơ của hai đứa.
--------------------------------
1 Salvador Dai (1904-1989): Họa sĩ Tây Ban Nha, là một trong những họa si có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 thuộc trường phái siêu thực. Ngoài ra còn được biết đến như một nhà điêu khắc, nhiếp ảnh và nhà sản xuất phim.
2 Thắng cảnh ở Chiba, Nhật Bản.
Thằn Lằn Thằn Lằn - Banana Yoshimoto Thằn Lằn