Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Ba sinh hương lửa
Tác giả:
Sưu Tầm
Thể loại:
Tùy Bút
Up bìa:
Azazel123
Số chương:
1
Phí download:
1 gạo
Nhóm đọc/download:
0 / 1
Số lần đọc/download: 1607 / 17
Cập nhật: 2021-10-09 07:53:56 +0700
Download:
ePub
A4
A5
A6
Xem thông tin ebook
Năm nay bà nội tôi lên 120 tuổi.
Bà răng đen, vấn tóc, quanh năm áo trắng quần đen. Bà là nhà thầu độc quyền cung cấp bữa cơm, quần áo và những vật dụng trong và ngoài vòng tưởng tượng cho toàn thể gia đình.
Nắp ấm nước, yên xe đạp, áo trấn thủ, áo gối chăn màn, màn cửa, áo cánh, và cả áo… đầm! Bà đo đo cắt cắt, tháo ra tháo vào đến bao giờ vừa ý mới thôi. Khỏi phải nói, tôi là người phụ việc đắc lực nhất, xâu kim, xỏ chỉ, ngâm vải… và tháo ra khi bà may hỏng. Bà dạy luôn, lược, đột, vá, mạng, đan giỏ, đan võng… Chỉ có hai món bà không thể trổ tài khéo tay làm lấy cho thiên hạ thất kinh. Sau khi chị tôi khóc mếu vì áo dài bà may bó chặt thân hình con gái xinh xắn, khiến chị giống như... cuốn chả giò, bà mới cho phép “Mẹ con nhà mày đến tiệm Thu Hương Ngã Bảy mà may”. Còn món thêu, bà gửi tôi đến lớp bà Cát Tường, một người Hà Nội sang trọng, nề nếp, tinh tế... với ước mong vô vọng là tôi sẽ thêu áo gối, khăn bàn, khăn mùi soa cho cả nhà.
Bà tôi không thuộc loại bà thông bà phán hay “em là gái bên song cửa”. Bà nhìn quanh quất, song cửa hớ hênh, bà rút ngay ra “chèn cái hàng rào”. Kéo là bè, xi măng là bạn. Đinh là họ, búa là hàng. Kìm là con, cưa là cháu. Muốn củi phơi mau khô, mua ngay 4 xe ba bánh gạch đỏ lát sân. Chum hứng nước vại muối dưa sứt miệng, trộn xi măng vá. Muốn ăn riêu cua hóa phép nặn ngay một cối xi măng, cua giai cua gái be bét ngay lập tức không kịp làm thơ than thở phận cua cáy nghèo hèn. Bà đóng bàn, ghế đẩu, ghế con, sửa trạn bát, làm giàn thoa thiên lý, leo lên mái thay vài miếng ngói… "Không làm chó nó làm cho mình". Các ông thợ mộc, thợ nề trong vòng hai ki lô mét lé xệch cả mắt. Các chị tôi rất sợ hãi, chỉ e nhằm đầu thu hay cuối một mùa đông, bà trét xi măng vào bất cứ món đồ nào để bừa bãi làm bà ngứa mắt, bất kể là tập thơ hay khăn mùi soa thêu tặng người tình cưỡi xe đạp Peugeot lạng qua lạng lại lúc trăng tàn trên hè phố.
Chợ ở bên kia đường. Bà luôn chạy ầm ầm băng ngang, không bao giờ thèm nhìn xe qua lại. Lịch trình đi chợ của bà, chỉ đại thi sĩ mới làm nổi bài vè:
Sáu giờ rau tươi
Tám giờ cá thịt
Mười giờ cam quít
Không tươi cũng rẻ
Chẳng sợ mua lầm
Đứa nào lầm bầm
Bà cho ăn cám
Bà chỉ huy hành quân suốt từ sáng đến tối. Tôi lúc nào cũng ở sát bên bà, vo gạo chẻ rau muống nhổ lông lợn chẻ củi cuốc đất trồng rau răm húng quế tía tô... Bà là người lạc quan, có thể anh dũng tái bản một món ăn trong vòng một tháng, nếu có lời khen ngợi, thường là lỡ lời! Bà dậy tôi lấy hoa nhài ướp trà, nấu súp đuôi bò, nấu canh hoa thiên lý, làm ô mai, gói bánh chưng, quậy bánh bèo, viên bánh trôi bánh chay... Vừa làm vừa nếm vừa phụ vừa la vang dội cả sơn hà, chó mèo thằn lằn rất kinh hãi...
Bà không biết chữ. Chỉ với vài cái tăm, bà tính nhanh hơn máy. Bà nhớ vanh vách ai hốt hội rồi, ai chưa hốt. Tháng này nên bỏ hội bao nhiêu… Bà còn nhớ rành rành ngày tháng nào cho mẹ tôi mượn bao nhiêu lạng vàng mua nhà. Đứa cháu nào nợ tiền mắt trước mắt sau muốn quịt cũng không cãi đuợc. Thủ lãnh luật sư đoàn chắc cũng chỉ giỏi đến thế, đa phần còn kém vài phân mới vẹn được tám chỉ.
Thú vui của bà, xem phim và nghe đọc sách. Bà là khán giả trung thành của phim Ấn Độ, rạp Thanh Vân, đường Lê Văn Duyệt, Chí Hòa. Đất rắn nở hoa tình, Sữa rừng thay sữa mẹ, Công chúa cá phò mã cùi, Hoàng hậu Thủy cung… Trước khi đi xem, bà sửa soạn cơm nắm, rang thịt, làm ruốc… cứ như tiễn Kinh Kha chết đói. Năm bẩy cái miệng phản đối, nhưng vào đến rạp ăn nhanh hơn cào cào châu chấu, còn hỏi "có nữa không bà". Mỗi tối, tôi đọc cho bà nghe 5 trang được nửa cái bánh giò, 10 trang được nguyên một cái. Thỉnh thoảng bà gắt om lên, làm như tôi là tác giả "tại sao lão Lưu Bị hơi một tị là khóc mếu, lão Tào Tháo thế mà hay, không gian thế thì làm sao lấy thiên hạ, thế ông Tôn Tẫn trốn đâu?" Chỉ có Ngọn cỏ gió đùa, Vì đâu nên nỗi của ông Hồ Biểu Chánh là bà lặng im, thút tha thút thít. Bà hiếm khi khóc mếu. Chỉ hai lần bà hạt châu lã chã. Tháng mười năm 1955 khi thủ tướng Ngô Đình Diệm đốt hình nộm hoàng đế Bảo Đại, và tháng mười một năm 1963 khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát. Dù không biết chữ, bà là người tử tế nên vẫn mang trong đầu ý niệm tôn quân hoặc cảm thấy phút mở đầu cho một thảm kịch mang tầm cỡ quốc gia.
Bà yêu mẹ tôi hơn ba tôi, đó là điều hiếm thấy nơi người Bắc. Ấy thế, những cháu và chắt đích tôn mới chính là thượng khách của hoàng cung, bà yêu quí một cách đặc biệt, luôn luôn dành bánh trái cho những nhân vật bà cho là nối dõi tông đuờng, dù bà vốn ít lời, hiếm khi nhắc đến tông đường ở đâu, ai còn ai mất.
Gia đình tôi không có nhiều cỗ bàn. Một năm chỉ có hai ngày, giỗ ông nội và cúng Giao thừa. Ngày giỗ ông nội trùng với ngày giỗ ông Khuất Nguyên, mồng năm tháng năm ta. Không chắc bà có biết ông Khuất Nguyên là ông nào. Chỉ nghe ba tôi kể ông ấy mò mẫm ra bờ sông xem trăng, lăn tòm xuống, ba tôi đỡ không kịp, đến khổ. Bà làm rượu nếp từ mấy ngày trước. Vo gạo, rửa lá chuối là tôi, nhưng lúc rắc men, bà đuổi cổ ra ngoài. Vài lần rượu nếp kém ngon, bà chắc lưỡi tại tôi nặng vía. Bà mua bánh tro bánh mật, buổi trưa cúng chay ông Khuất Nguyên, sau cúng cái mồm, bà thực tế bảo thế. Bà dậy tôi vót đũa tre nhỏ xíu ăn rượu nếp. Vuốt chỉ hơi to, bà bắt vuốt đi vuốt lại bao giờ rõ xinh, rõ trơn. "Rượu nếp ai mà ăn với đũa to như con đỉa? Khéo không ông Khuất Nguyên ông ấy giận, ông ấy là bạn của ông nội nên mới mất cùng ngày đấy."
Buổi chiều cúng ông nội tôi, cúng mặn. Ông mất khi bà mới 37 tuổi. Như những bà góa cùng thời, bà không tơ hào thêm ông lão nào cho nặng bụng. Bà ở vậy, hết nuôi con rồi theo con dâu nuôi cháu. Ngày giỗ cả nhà tất bật như một bầy kiến. Ngâm măng miến, ngâm gạo đậu xanh từ hôm trước. Rửa trái cây, làm gà, thái bắp cải su hào, lau chùi bàn thờ, dọn dẹp nhà cửa…
Những ngày cuối năm bận rộn gấp bội, vì phải chợ búa cho năm ngày. Các món khô mua từ một tháng trước cho rẻ, đèn hương măng miến mộc nhĩ kim chi táo tầu hạt sen nhãn nhục đường phèn thạch trắng. Còn nửa tháng, bà mua cam quít, vùi vào thùng cát giữ được lâu. Còn một tuần, bà mua một đôi gà, mang về nuôi thêm cho béo nung béo núc. Ngày 29 Tết, hai bà cháu đi chợ, mua nhiều đến nỗi phải đi xích lô về. Bà ì ạch kéo kìn kìn lá chuối dây lạt bắp cải su hào súp lơ củ cải cà rốt, rau thơm hành ngò gừng nghệ hành tỏi, khoai lang khoai tây cải xanh dưa chuột cà chua dưa hấu, cá thu cá quả chân giò, bò bắp, nước mắm đường. Muối phải đầy hai lọ kẻo nhạt nhẽo cả năm.
Ngày 28, bà gói bánh chưng. Nồi bánh chưng để ngoài sân, suốt đêm canh củi buồn ngủ tít mắt. Năm nào bà cũng gói cho tôi vài cái bánh bé tí tẹo. Chiều 30, Giao thừa, gia đình các anh chị và các cháu, càng ngày càng gia tăng dân số, kéo nhau về đông đủ. Sáng mồng một, bà xuất hành, mặc áo dài mình khô hoa ướt vấn khăn nhung đen quần sa tanh bóng chân dận hài cong, đi một vòng hàng xóm rồi về xông nhà lấy. Suốt những ngày Tết, bàn thờ hương thắp ngào ngạt. Pháo hồng ròn rã, mừng tuổi ríu rít, đánh tam cúc đến khuya, cắn hạt dưa tí tách, người lớn hoà nhã, trẻ con không sợ cốc đầu tha hồ ăn uống chạy nhảy ồn ào không được chí choé không được gọi nhau là con khỉ con tườu.
Anh rể tôi đi đạo, những năm đầu làm rể môi cứ là mím chặt nhất định không ăn đồ cúng. Không ăn thì thôi, càng tốt. Mãi đến khi đẻ đứa con thứ năm, anh mới rón rén nhập cuộc cỗ bàn, không thấy đấm ngực bình bịch nữa, mà đã ăn thì không kém thuồng luồng ba ba. Anh rể tôi không hề biết là cùng khoảng thời gian ấy, từ 1962 đến 1965, đức Giáo Hoàng Paul VI ban hành Vaticano II cho phép (!?) tín đồ Việt Nam cúng giỗ tổ tiên theo phong tục của mình. Nhưng trời thì cao đất thì thấp, vua ở xa quan nha thì gần, cho nên dù Giáo Hoàng không phải vua thường, mà là le Roi des Rois, vua của các vì vua, phép vua Vatican vẫn thua lệ làng xứ Việt. Bảo hoàng hơn vua là thế. Người mình lại còn thêm cái tật rất thích vun xới giấc mơ của người khác. Cha không rao giảng (hoặc không thành thật rao giảng), giáo dân đâu dám tự tiện. U Tam, người làm nhà tôi, không ăn là không ăn. Mấy ngày Tết, thương u mời mỏi miệng, u chỉ thì thào làm dấu thánh giá, một tay xua như xua ruồi, một tay túm chặt "áo Đức Mẹ", may bằng vải bằng hai ngón tay lúc nào u cũng đeo trong người không bao giờ giặt. Chị dâu tôi cũng đi đạo, trong gia đình chị hình như còn có cả linh mục, chị ăn giỗ ăn chạp chí cha chí chát. Tôi yêu cái hồn nhiên của chị quá, đi trước cả Vaticano II.
Nếu có dư luận phàn nàn "người chết có biết ăn đâu mà cúng", thì quả là chỉ nghĩ đi mà không nghĩ lại, hoặc mượn cái gương của ngưòi khác mà soi mắt của mình. Dân tôi không giầu, nghèo là đằng khác, nhất là miền Bắc. Có người cả đời chưa được ăn cơm trắng, lúc nào cũng phải độn ngô khoai. Quanh năm không phải lúc nào cũng được ăn gà ăn miến, ăn quít ăn cam. Phải đợi đến ngày giỗ, hóa kiếp một con gà ngả ra đến năm bảy món. Không biết người lớn thế nào, trẻ con như tôi, đi qua đi lại, liếc lên liếc xuống mong hương mau tàn còn… hạ cỗ.
Càng ngày, tôi càng nhận ra, cúng giỗ không phải để người đã khuất hưỏng, nhưng là dịp con cháu sum vầy. Một gia đình có phúc hay không, không phải giỗ to hay nhỏ, con vinh cháu hiển, nhưng là do con cháu yêu thương đùm bọc nhau trong ý thức rằng ông bà mình chính là cái cầu nối những thế hệ với nhau, những thế hệ chung những mất mát và những khổ đau, trăm năm này qua ngàn năm khác. Không tư tưởng nào thành bất tử nếu không có ai làm nó sống lại. Linh hồn tổ tiên có cần gì cúng giỗ? Người cần là những người còn sống. Thức ăn chỉ là phương tiện. Sì sụp trước bàn thờ là thì thầm với ông bà, nhớ lại thuở ánh đèn leo lắt hoang sơ nhưng cố chắp lại thành ngọn hải đăng.
Càng lớn, tôi không mong hương tàn nhanh. Mỗi lần đi ngang bàn thờ, tôi liếc lên ảnh ông nội. Hôm ấy hình như ông linh động hơn. Nếu ông cất tiếng: "A, hôm nay chúng mày nhớ đến ông đấy à!", tôi cũng không ngạc nhiên. Mỗi lần thắp thêm nén hương, tôi lại nghĩ đến ông bà tôi, cả hai bên nội ngoại. Các cụ tên gì, bây giờ các cụ ở đâu, đã đầu thai kiếp khác chưa? Linh hồn có về đây với con cháu? Sinh thời các cụ làm gì? Làm ruộng hay chài lưới, đào giếng hay làm guốc. Cụ tôi cao như cây tre, tròn như hột mít? Các cụ có thích uống rượu, có biết chơi cờ. Có cụ nào được nửa chữ, có lè nhè câu thơ Thi Xã con thuyền Nghệ An. Các cụ nằm xuống ra sao, ho lao hay bêu đầu chốn pháp trường vì chống Pháp? Các cụ bà, hồi bé có bị đòn không? Ngày tư ngày tết mặc áo tứ thân thắt lưng hoa đào hay hoa thiên lý? Lấy chồng có biết mắt ngang tai dọc hay rốn lồi quả quít? Có hẹn hò nhau ra bờ ao nghẹn ngào thề thốt chờ nhau kiếp này kiếp nữa?... Cũng lạ, không bao giờ tôi hỏi bà những điều trên. Quả là tiếc, bà đã nằm xuống rồi.
Năm bà tôi 85 tuổi, thằng chắt nội gần 2 tuổi bà rất yêu, bị bệnh mất. Mẹ cháu đi đạo, nên tiễn cháu có nhiều màn linh đinh đầy kịch tính. Cháu đuợc quàn trong nhà thờ, bình an và ấm áp, hoa phủ đầy, đèn nến lung linh không tắt, cha mặc áo thêu đăng ten rẩy nước phép tá lả, các bà mẹ công giáo đi theo ê a cầu nguyện cho cháu lên thiên đàng. Cháu có muốn lạc xuống địa ngục cũng khó, vì đi chưa vững. Tuy không bao giờ nghe bà nội tôi làm ruộng, nhưng bà vẫn có máu nông dân. Mà theo sách địa lý của ông bà Tăng Xuân An, lúc đó "90% dân Việt Nam làm nghề nông". Máu nông dân xui khiến người ta giữ dịt những gì đã có, và cào cấu cầu khẩn cho được những gì chưa có. Oan cho nông-dân-bà-nội, bà đâu độc quyền cào cấu chủ nghĩa? Bà chỉ là người cơ hội chủ nghĩa không kém cô nàng Scarlett O’Hara trong Gone With the Wind của Margaret Mitchell. Vì thế dù bà đã qui y tam bảo, pháp danh Diệu Đế, bà tuyên bố muốn «đi đạo để có đất chôn» như thằng bé cháu. Các bà trong hội Bà mẹ Công giáo như cởi tấm lòng, đến thăm bà tôi mỗi ngày dạy bà đọc kinh. Trí nhớ bà lúc ấy đã kém, lại thích bếp núc hơn nên dạy bà khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Các bà mẹ Công giáo hết sức kiên nhẫn khi bà vừa học vừa quát nạt dưới bếp: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời, vặn nhỏ lửa khéo không khê cơm, ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, đậy lồng bàn lại không thôi con mèo ăn vụng cá con ranh con dạo này hư quá, và Giê-su con lòng bà gồm phước lạ a á á. Thánh Maria Đức Mẹ, khoai khét khèn khẹt sao không lấy ra, Amen, chúng mày đi đâu cả..."
Một hôm, các bà mẹ rụt rè tuyên bố bà nội tôi đã thuộc lầu kinh đủ làm vui lòng Thượng đế trên trời lẫn loài người dưới thế, các bà xin rút lui trong vòng trật tự, chỉ cần tôi đọc thêm cho bà nghe về ông thánh Gioan Tẩy Giả, ông thánh Phao Lồ, ông vua Ê Dzò Dzè [1] … là bà có thể chịu phép rửa tội.
Chúa gọi bà rất nhanh về hưởng nhan thánh chúa. Bà cảm từ sáng đến chiều rồi đi, nhẹ nhàng tươi tốt. Lúc ấy có một mình tôi ở nhà. Bà nắm tay tôi hỏi đi hỏi lại: "Mẹ mày đâu rồi, đi sao lâu thế, sắp về chưa". Nửa tiếng sau mẹ về, hơi bà còn ấm. Linh mục nhà thờ Trương Minh Giảng đến tận nhà ban đủ các phép Bí Tích. May bà không biết, nếu không quyết hỏi cho ra phép gì vào với phép gì rồi cất vào túi áo trong cài hai ba kim băng cho khỏi rơi rớt. Đám ma bà tôi vui như hội. Có đất, có hoa kết phủ kín bà, có con cháu chắt chít đông như một bộ lạc da đỏ.
Tôi vẫn thắc mắc không biết bà tôi nói tiếng gì với ông thánh Phêrô, người giữ chìa khóa cửa thiên đàng? Tiếng Việt hay tiếng La-tinh, tiếng Hebrew hay tiếng Tây Ban Nha? Nếu ông còn đi tìm thông dịch viên hữu thệ, liệu bà có đứng ngoài cổng thiên đàng rút ngay song cửa múa vèo vèo, hay tìm búa đóng đinh tịt lại không cho ai vào hết. Nếu bà rình lúc thánh Phêrô say ngủ, (thánh cũng phải ngủ chứ) lọt được vào, liệu bà có gặp ông nội tôi ở đó? Không chắc. Bà ở thiên đàng có rào có dậu, có cửa có nẻo, có phép có tắc, còn ông tôi bay tứ tung khắp tám từng trời. Giải Ngân hà mênh mông, ông bà tôi như hai vì sao ngược chiều nhau, có bao giờ gặp gỡ? Dẫu đã hết duyên, chẳng hay còn có nợ? Ôi mối tình già vẫn nặng, mà liệu thấy nhau có đặng?
Các bà mẹ Công giáo khuyên: "Ông bà và các cô các cậu trở lại đạo để còn cầu nguyện cho cụ". Không gia đình nào dân chủ và cởi mở như gia đình tôi. Ai muốn đi đâu thì đi, không ai ép, không ai phản đối ai, mà cũng không thắc mắc mình có đi lạc hồi nào khiến phải "trở lại". Gia đình tôi đi đạo, có lượng chứ kém về phẩm. Giả dụ có ai hỏi tại sao tòa thánh từ Trung Đông chuyển sang La Mã, Amen có nghĩa gì, sẽ không có câu trả lời, không bị năm lườm sáu nguýt là may. Xét ra chỉ có mỗi mẹ tôi là có ý thức, vì từ bé, mẹ tôi yêu hình ảnh các bà sơ nhân từ làm việc phước thiện. Ba tôi chỉ thích nếm rượu nho bánh thánh và ăn bánh Noël "một mình một cái". Hôm làm lễ rửa tội, ba tôi lượn lên lượn xuống rước lễ mấy lần, nếm rượu nho và bánh thánh đến nỗi cha xứ thầm thì bảo: "Này, thôi đi chứ!". Ba tôi cũng thì thầm: "Rượu tạm được còn bánh xốp xồm xộp". Còn tôi vì yêu bà và thích hát thánh ca "Bà là ai bông huệ giữa chùm gai như hồn thiêng mầu nhiệm như đền vua vinh hiển như thành thánh Salem. Bà là ai như hào quang Thiên chúa như mùa xuân không úa như vì sao mai rạng như chính cửa thiên đàng…"
Cho đến một hôm, tôi ngộ ra rằng ai cũng có mẹ để yêu, không cần phải làm phiền mẹ Maria rồi cầu khấn lung tung khiến khuôn mặt dịu hiền của mẹ từ ngàn năm nay có bao giờ bớt thương khó sầu bi? Tôi cũng vẫn yêu nhạc nhà thờ dù biết rằng thật ra đó là lòng yêu tiếng Việt, vì nghe thánh ca bằng tiếng Ý, lòng tôi chẳng mảy may rung động. Chị Ba tôi vì muốn lấy chồng phải theo đạo. Tóm lại, toàn cơ hội chủ nghĩa kiểu Scalett, rất kém "ơn kêu gọi". Còn các cháu nhỏ thì không kể, vì sinh ra đã được rửa tội. Phe từ chối, có chị Tư không thích vì "đi đạo hết thì lấy ai làm giỗ ông bà". Em trai út, thích đọc sách triết lý, nên bảo Chúa ở khắp mọi nơi, Phật ở trong tâm, không cần qua trung gian ai cả.
Bà mất cách ông chỉ vài ngày, nên mẹ và chị tôi vẫn cúng giỗ ông bà cùng một ngày mồng năm tháng năm ta. Sau 75, giỗ chỉ sơ sài. Khi cả nhà "đoàn tụ" ở Hoa Kỳ thì hoàn toàn không còn những ngày đoàn tụ trong hương khói nữa. Chị Tư còn ở Việt Nam và có qua đây cũng thuộc thành phần... dân tộc thiểu số.
Hương tàn khói nhạt và tình gia đình cũng nhạt phai. Thỉnh thoảng mẹ tôi soạn hộp ảnh gia đình, tôi thoáng thấy hình ông nội trong ấy. Có lẽ ảnh ông bà lạc hậu không hợp với nồi niêu soong chảo bóng loáng dưới bếp, nói chi đến phòng khách ngời sáng ánh đèn đồ đạc made in nơi này nơi nọ. Cái bàn thờ made in Vietnam thoắt lạc lõng, để bên cạnh giàn karaoke bóng loáng trông rất quê mùa, coi sao tiện. Ngày năm tháng năm, mẹ tôi đi nhà thờ xin lễ cho linh hồn Maria yên nghỉ trong tay Chúa. Ô, thế còn ông nội yên nghỉ ở đâu?
Trong nhà chỉ có tôi nằm mơ thấy bà luôn. Bà chẻ củi, nhặt rau muống, giã cua đồng, leo lên mái nhà, giăng dây thép… in hệt như khi còn sống. Lạ một điều, từ khi tôi định cư ở Mỹ, tôi không gặp bà trong giấc mơ nữa. Ngăn sông cách biển hay bà đã đầu thai? Hay tại toàn thể gia đình đã "đi đạo", không còn hương khói cúng giỗ như dạo còn ở bên nhà? Các chắt gọi bà bằng cụ nội cụ ngoại không còn nhớ tên bà, không bao giờ biết là chính bà đã đi xích lô đến tận nhà bảo sanh, áp má nhăn nheo vào khuôn mặt đẫm mùi sữa, trịnh trọng đón từng đứa về nhà. Ôi giời, chỉ một bà cụ, nhớ làm chi !
Thế nên những ngày Tết, tôi lại bồi hồi, biêng biếc tiếc những ngày gia đình đoàn tụ trong mầu hương khói. Nhớ lắm thì lặng lẽ lấy cuốn Quê nhà của ông Phan Lạc Tiếp ra mà đọc, mượn cái tình quê của ông mà ủ cái tình của mình.
Có lẽ ông bà tôi không cô đơn, vì thi sĩ Viên Linh làm thơ thế này chắc cũng do thấm thía nguồn cơn:
"Các con ở tám phương trời.
Nhớ cha như nhớ một người ngoài hiên"
Ôi, những người cô đơn, sao đông làm vậy!
Mỗi lần nghe ai lớn tiếng chuyện "về nguồn", tôi cứ ngơ ngác như con chim nhỏ lạc đàn không thể nào vượt được sông mê bến đục! Về đâu? Nguồn nào? Made in…?
Ba sinh đã không cần, mong chi hương lửa?
Chú thích
[1] Hérode hay Herod, vua xứ Judea. Theo Tân ước, ông là người ra lệnh giết hết trẻ em dưới 2 tuổi ở thành Bê-lem. Vì vậy ông bà Ju-se phải bồng chúa Giê-su trốn sang Ai Cập.
Ba sinh hương lửa
Sưu Tầm
Ba sinh hương lửa - Sưu Tầm
https://isach.info/story.php?story=ba_sinh_huong_lua__tuy_but