Biển lặng không làm nên những thủy thủ tài giỏi.

Tục ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Buusan Nguyen
Số chương: 13 - chưa đầy đủ
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2591 / 45
Cập nhật: 2018-03-07 14:34:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10: Đài Phát Thanh Mạc Tư Khoa
alimin ngồi thừ người trước bàn máy chữ. Không hiểu sao hôm nay chàng ngồi mãi trước máy mà chưa viết được chữ nào. Chàng nhớ tới cặp đùi thon thon của cô ả đêm qua hát một bản tình ca ở ngoại ô Mạc Tư Khoa chăng? Cũng có lẽ… Hay là vì đôi mắt nhung huyền của Nadi, cô gái xướng ngôn, ngồi gần chàng, trưởng ban bình luận của đài phát thanh Mạc Tư Khoa?
Valimin đột nhiên tìm ra lý do. Đó là sự mỏi mệt. Đêm qua, mãi sáng chàng mới chợp mắt được mấy phút đồng hồ rồi nhảy vội lên xe buýt về đài. Valimin đã được 8 tuổi đảng, nhưng với 25 năm góp mặt với đời, chàng đã bắt đầu chán nản. Chàng chán ghét cái cảnh phê bình mỗi ngày trong đài mà mọi người phải bới xấu nhau, thậm chí đến chuyện chàng ngủ khuya cũng bị đem ra kiểm thảo. Giữa lúc tâm hồn chàng giao động thì một người ngoại quốc tới gặp chàng. Valimin không biết người này thuộc quốc tịch nào, nhưng chắc chắn là người Tây Âu. Đêm ấy, Valimin dự một cuộc tiếp tân về, đến đường Voroyskivo thì vấp phải một hình thù cao lớn đi ngược chiều. Người lạ xin lỗi chàng bằng tiếng Pháp. Rồi mỗi người đi một ngả.
Về đến phòng, Valimin kinh ngạc xiết bao: trong túi áo dạ của chàng có một cái gói nhỏ đựng một món tiền nhiều gấp 3 số lương tháng của chàng. Kèm theo tiền là một miếng giấy vuông vắn, thơm tho với hàng chữ đánh máy:
“Thân biếu bạn ValiminƠ.
Thoạt tiên, chàng định mang chuyện nhận tiền ra báo cáo với công an. Valimin để nguyên mũ áo, bước ra cửa. Nhưng vừa tới hành lang, chàng lại quay vào. Valimin chợt nhớ tới những đêm vui suốt sáng trong hộp đêm kín đáo, bên cạnh người đẹp, những thứ mà đảng cấm đoán. Chàng lại nhớ mùi rượu sâm banh sủi bọt thơm thơm. Valimin vốn thích chơi bời, và nghiện rượu. Thì thôi, cầm tạm món tiền trên trời xa xuống này cũng chẳng sao? Vả lại, có mang trình với công an nữa, vị tất người ta đã chịu tin chàng! Họ lại làm phiền chàng hàng tháng trường nữa! Valimin tặc lưỡi, cởi quần áo, lên giường nghỉ.
Đời chàng vẫn trôi chảy một nhịp thong thả.
Cho đến một đêm kia, 3 tháng sau, lần này cũng đi chơi khuya về. Dọc đường, chàng hạ xe vào một công viên hóng mát cho giã hơi men. Trên ghế đá, có người đợi chàng từ bao giờ. Đó là con người nói tiếng Pháp mà chàng đụng ở góc phố. Người lạ lễ phép chào chàng rồi đi thẳng sau khi đưa cho chàng một cái gói: 6 tháng lương của trưởng ban bình luận ở đài bá âm. Valimin không quên được mẩu chuyện nhát gừng đêm đó. Valimin hỏi trước:
- Ông là ai?
- Là bạn của những người như ông.
- Ông là người nước nào?
- Cần gì biết.
- Biết để rõ tại sao ông lại mang tiền đến cho tôi một cách lén lút như vậy.
Người lạ mặt cười bí mật, đáp:
- Vì muốn bảo vệ ông không cho người khác biết, thế thôi.
Valimin hỏi gặng:
- Ông muốn tôi làm gián điệp cho nước ông, phải không? Không, không đời nào tôi phản bội tổ quốc tôi đâu. Tôi là người Nga.
- Chúng tôi đâu dám đòi ông phản bội?
- Thế thì ông muốn gì?
- Muốn ông ủng hộ những người Nga tự do.
Valimin thở dài:
- À, ra thế. Nhưng tôi không thể làm những việc nguy hiểm được đâu.
Người lạ mặt vỗ vai chàng:
- Ông sẽ không phải làm việc nào nguy hiểm tới tính mệnh, tôi xin hứa.
- Chẳng hạn việc gì?
- Tôi cũng chưa biết. Tôi chỉ có nhiệm vụ tiếp xúc với ông rồi rời nơi này đi nơi khác. Tôi muốn ông có thời giờ suy nghĩ thêm nữa. Tuần sau, cũng vào giờ này, một người sẽ đến tiếp xúc với ông. Tiếp xúc ở cái ghế đá kia kìa…
Vừa nói, người lạ mặt vừa chỉ cái ghế đá kê khuất trong bóng tối. Valimin hỏi:
- Ông tên gì?
- Người ta gọi tôi là Bônốp. Gặp người ấy, ông cứ nói là «Bônốp dặn tôi đến». Thôi, chào ông và chúc ông may mắn.
Từ đó, Valimin bị lôi kéo vào trong một guồng máy mà không gỡ chân ra được.
Đúng hẹn, chàng đến gặp Binh Ky. Binh Ky là người Nga chính cống. Valimin nhận tiền do hắn trao tay đều đặn. Ngược lại, Binh Ky không đòi hỏi điều gì quá đáng. Năm thì mười họa, Binh Ky mới trao cho chàng một bài báo về tình hình trong nước hay ngoài nước, yêu cầu chàng tìm cách cho phát thanh trên đài Mạc Tư Khoa vào ngày giờ đã định. Việc đó đối với Valimin rất dễ. Lệ thường, chàng thu thập bài vở của các cây bút phóng viên, và luôn cả bài của chàng nữa, sửa chữa qua loa, đoạn mang lên viên phó giám đốc duyệt y trước khi chuyển cho ban thu thanh, phát thanh. Những bài mà Binh Ky đưa đều hợp với đường lối của điện Cẩm Linh, nên được phát thanh trọn vẹn. Vì vậy một đôi lần Valimin đâm ra nghi hoặc. Không lẽ người ta mua chàng với một món tiền lớn lao như thế mà chỉ nhờ phát thanh những bài báo mà chàng vẫn biết? Dĩ nhiên bên trong phải có cái gì bí mật lắm. Chàng bèn mang thắc mắc ra giải bày với Binh Ky:
- Ông có thể cho biết vì sao lại có những bài phát thanh này không?
Binh Ky nghiêm sắc mặt:
- Vì sao, tôi cũng không biết. Nếu có biết nữa tôi cũng không được phép nói. Bí mật là cẩm nang của chúng ta. Nếu ông để lộ, không những riêng ông và cả tôi nữa đều bị nguy hiểm.
Valimin nín thinh.
Chàng băn khoăn là phải vì những bài bình luận bề ngoài ca tụng đảng và Liên Xô chính ra là những bản mật mã mà ông Sì Mít của sở CIA dùng làn sóng điện của đài Mạc Tư Khoa để truyền đi cho nhân viên của ông hoạt động tản mác trên lãnh thổ Xô Viết mà các phương pháp thông tin khác không thể khám phá ra địa điểm.
Valimin ngáp dài, đoạn đánh diêm châm thuốc lá hút. Mệt quá, chàng cần nghỉ ngơi một lát cho lại sức. Rời đài phát thanh, chàng định vẫy taxi về nhà nhưng kinh ngạc xiết bao một chiếc taxi đã chạy vội lại phía chàng mặc dầu trước chàng đã có 2 người giơ tay vẫy. Thấy Valimin gọi sau mà được đi trước, 2 người kia phản đối đoạn biên số xe, dọa đưa việc này ra công an khiếu nại. Valimin gieo mình xuống đệm. chiếc xe vọt lên phía trước. Valimin hỏi tài xế:
- Anh không sợ họ khiếu nại ư?
Người tài xế cười tủm tỉm không đáp. Được một quãng, người này quay đầu lại, chào chàng:
- Chào ông Valimin!
Chàng giật nảy người, thốt lên:
- Ơ kìa, ông Binh Ky! Ngỡ ai, suýt hết hồn. Có việc gì cần mà ông phải làm tài xế taxi vậy?
Vừa lái, Binh Ky vừa đưa cho chàng một cái gói. Chàng đỡ lấy, mở ra coi, thấy một sấp giấy bạc mới, và một bài báo viết sẵn nói về nhà thơ Nga Ilya Êrenbua. Valimin liền hỏi:
- Phát thanh cái này ư?
Binh Ky gật đầu. Valimin nói giọng lo lắng:
- Khen Êrenbua trong lúc này e không được đâu. Thi sĩ Êrenbua không còn được đảng sủng ái nữa, ông không biết sao?
- Không khen được thì chê, miễn hồ ông cho phát thanh đoạn bài này nội tối nay, là được. Nhưng xin nhớ là phát thanh trên hệ thống nội địa vào đúng 20 giờ.
- Như vậy thì được. Nhưng còn…
-Tôi chỉ biết có thế, còn thi hành là chuyện của ông, tôi không cần biết đến. Lệnh trên dặn ông phải cho phát thanh đoạn này, không được sửa một chữ, và nhất là phát thanh đúng luồng sóng, và đúng giờ tôi đòi hỏi. Thôi, tôi sẽ bỏ ông xuống ở góc đường này, ông gọi xe khác mà về.
Sực nghĩ, Valimin hỏi:
- Ông không sợ người ta biên số xe taxi ư? Nếu 2 người hồi nãy khiếu nại thì thật rầy rà cho tôi và ông.
Binh Ky cười vang:
- À, ra nhà văn Valimin dạy tôi nghề làm nhân viên giao thông? Thôi, xin bạn đừng lo. Số xe này là số giả.
- Nhưng 2 người đó đã biết mặt tôi, và có thể cũng đã biết tên tôi.
- Ồ, ông đừng ngại về những chuyện vụn vặt. Tôi đã lo liệu chu đáo. Hai người hồi nãy không còn phiền nhiễu chúng ta trên cõi đời này nữa đâu.
- À ra …?
- Ông đoán đúng đấy.
Valimin trèo lên xe taxi khác, quay về đài. Chàng lại chúi đầu vào máy chữ, viết bài về nhà thơ Ilya Êrenbua. Đoạn bài mà Binh Ky đưa, chàng đánh máy lại nguyên văn, và viết thêm một đoạn nhập đề, một đoạn kết thúc. Xong xuôi, chàng thu xếp hồ sơ vào một góc, bài bình luận do các cộng sự viên khác đã xong, chỉ còn chờ chàng mang cho viên phó giám đốc duyệt y. Viên phó giám đốc làm việc cách phòng chàng có một hành lang ngắn. Lệ thường, chàng vẫn đích thân mang bản thảo lên.
Phó giám đốc Philốp đương đọc phúc tình hàng ngày, thấy Valimin bước vào liền tỏ vẻ tươi cười. Philốp rất bằng lòng công việc của Valimin. Chàng là cây bút cứng của đài. Philốp chỉ ghế cho chàng ngồi rồi hỏi:
- Hôm nay mọi bài đều hướng vào đề tài giải giới nguyên tử như tôi dặn đấy chứ?
Valimin chột dạ. Như thế này thì khó thể phát thanh bài về Êrenbua. Chàng vẫn đáp:
- Thưa vâng.
Lệ thường, hễ đài khai thác một đề tài nào đặc biệt là nội ngày ấy hay tuần ấy mọi bài vở đều không được đi ra ngoài đề tài đã định. Philốp nói:
- Cám ơn đồng chí.
Đứng lên, Valimin nói:
- Thưa đồng chí, còn một bài ngắn về Êrenbua nữa.
Philốp quắc mắt:
- Êrenbua hả?
- Vâng.
- Đồng chí còn «vâng» được ư? Đồng chí không biết sao?
- Thưa, Êrenbua là nhà thơ ca tụng giải giới nên tôi trộm nghĩ viết về Êrenbua là hợp đề… Vả lại,, đồng chí coi, 5, 7 bài khô khan, không xen vào một chút thơ thì ít người chịu nghe lắm.
- Đồng chí muốn dạy kinh nghiệm làm phát thanh cho tôi đấy hẳn? Cám ơn đồng chí. Tuy nhiên, tôi xin đồng chí thay vào bằng bài khác vì hiện nay đồng chí Cút Xếp không ưa Êrenbua. Đồng chí có muốn vì một bài bình luận vô nghĩa mà đi Tây Bá Lợi Á không?
- Thưa không.
- Vậy thì viết ngay bài khác.
Valimin lặng lẽ quay ra. Muộn lắm rồi. Binh Ky đòi phát thanh 8 giờ đêm nay. Còn 15 phút nữa là người tùy phái của phòng thu thanh sẽ vào lấy bài. Tiết kiệm thời giờ Philốp sẽ cho bài vở vào cái phong bì lớn, dán lại rồi đóng dấu lên chỗ dán.
Cả lúc vào và ra khỏi phòng viên phó tổng giám đốc, Valimin không gặp một ai. Hành lang ở khoảng này bao giờ cũng vắng. Trù trừ một phút, Valimin liền trở lại văn phòng Philốp. Chàng vừa nhớ tới cây đèn bằng đồng đặt trên bàn. Thấy Valimin, Philốp tỏ dấu ngạc nhiên:
- Sao đồng chí không về viết cho kịp?
Valimin cười:
- Thưa, còn một bài khác về giải giới đã viết sẵn mà tôi định để dành, nay có thể đem thay cho bài về Êrenbua.
Philốp xoa 2 tay vào nhau:
- Càng hay. Đâu? Đồng chí trình tôi xem.
Valimin vòng ra sau lưng Philốp và đưa cho hắn một tấm bìa, bên trong kẹp sẵn bài báo đánh máy. Philốp cầm lấy, đặt xuống bàn, mở ra toan đọc. Nhanh như cắt Valimin nắm cây đèn, giơ lên rồi giáng xuống tận lực vào gáy Philốp. Viên phó tổng giám đốc đài phát thanh ngã gục xuống bàn. Valimin bồi thêm phát nữa. Philốp trút hơi thở cuối cùng, không kịp kêu lên một tiếng. Valimin lượm hết bài vở bỏ vào phong bì. Chàng lấy bút máy chữ đỏ của Philốp ký tháu vào lề bài bình luận về Êrenbua, đoạn ném vào thùng thư ở góc phòng. Trong vòng 10 phút, viên tùy phái sẽ mở bên ngoài, lấy phong bì về trao cho ban thu phát thanh.
Valimin xốc Philốp lên vai, bước vào phòng tắm. Chàng thong thả cởi quần áo của Philốp, vặn nước đầy bồn, đặt Philốp vào trong, đầu kê dưới vòi nước. Chàng muốn gây cho công an cái cảm tưởng rằng Philốp chết vì tai nạn trong khi tắm. Xong xuôi chàng trở ra, khóa trái cửa phòng tắm, ném chìa khóa vào trong. Bốn bức tường văn phòng của Philốp được che kín bằng chất nhựa hút tiếng động nên không ai nghe được tiếng cây đèn mà Valimin đập vào óc Philốp. Valimin khóa luôn cửa phòng Philốp. Trông trước trông sau thấy không có ai, chàng lẻn ra. Từ sáng đến giờ, hàng chục người giáp mặt Philốp, nên công an tìm ra chàng không phải dễ vì chàng đã lau hết dấu tay trong phòng, kể cả dấu tay trên cây đèn giết người. Chàng có thể yên tâm được rồi. 2 giờ nữa, bản tin sẽ được loan trên làn sóng Mạc Tư Khoa. Công an khám phá ra cái chết của Philốp cũng phải đến đêm nay, hoặc sáng mai. Không dùng thang máy, chàng chạy vội xuống cầu thang xi măng, rồi vòng cửa sau ra đường. May là Binh Ky đã dặn chàng khi trở về văn phòng phải đi cửa sau, và trèo cầu thang thường, chứ nếu đi cửa trước và dùng thang máy thì nguy.
Chàng tấm tắc khen thầm tổ chức của Bônốp, và Binh Ky.
*
* *
Leng keng! Leng keng! Leng keng!
Chuông điện thoại reo vang trên bàn giấy của thiếu tướng Maximôvích, sở Phản gián Smerch Liên bang Xô Viết, tại thủ đô Mạc Tư Khoa. Đó là tiếng chuông của sở Do thám, ngành ngoại giao, trong cơ quan công an mật vụ, mà giới do thám quốc tế gọi là KGB. Nghe xong, Maximôvích tái người, và lặng đi trong một phút. Không ngờ sự thể lại có thể xảy ra như thế. Nửa giờ sau, y hẹn, đại tá Kimakô của KGB gõ cửa phòng. Chưa vào đến nơi, Kimakô đã nói:
- Kính chào thiếu tướng. Trước khi tới đây, tôi lại nhận được một số tin tức từ Nữu Ước gởi tới, cũng liên quan tới vụ bác sĩ Lý Dĩ mà tôi nói hồi nãy.
Nghe Kimakô nói, ai đứng đó sẽ phải ngạc nhiên vì cấp bậc thấp hơn mà Kimakô lại xưng hô với Maximôvích như thể ngang hàng. Thật vậy, tuy là đại tá nhưng quyền hành của Kimakô thuộc cơ quan KGB có thể còn lấn át thiếu tướng phản gián Maximôvích. Kimakô mở cặp, trao cho Maximôvích mảnh giấy màu đỏ tươi, bên trong có những giòng chữ như sau:
Kính gởi ông tổng giám đốc, Mátscơva.
Trân trọng phúc trình rằng vị tất người mà Rômanốp mang về Liên Xô, theo kế hoạch AWP, là nhà bác học Lý Dĩ thực thụ. Đã giáp mặt ở Honolulu một người khác giống người đó như 2 giọt nước. Sẽ gởi hình và chi tiết bằng đường lối ngoại giao sau.
Maximôvích hỏi Kimakô:
- Đã có hình chưa?
- Rồi. Tôi vừa nhận được xong.
Hai người trải tấm ảnh do Khalếp gởi về trên bàn giấy dưới ngọn đèn sáng quắc, Maximôvích đem ảnh Văn Bình ra so. Kimakô bật lên một tiếng kêu nhỏ:
- Giống, giống quá!
Maximôvích chắt lưỡi:
- Thế mới nguy! Nguy nhất là chính cả Khalếp cũng chưa dám cả quyết người nào là giả, người nào là thật nữa!
Kimakô thở dài:
- Mong rằng Khalếp báo hoảng, vì nếu đúng nhà bác học ở căn cứ 123 là điệp viên của địch thì chúng ta hết nói. Hệ thống phòng thủ và chế tạo võ khí tầm xa của Liên Xô rồi phải thay đổi lại hết.
Sực nhớ ra điều này, Maximôvích tái mặt. Từ bao năm nay, Maximôvích đã mất bao tâm cơ mới hoàn thành được hệ thống bảo mật cho căn cứ quân sự 123, và những căn cứ phụ cận. Đùng một cái…
Maximôvích đấm tay xuống bàn:
- Không thể thế được. Không thể thế được. Tôi sẽ thân chinh đến tận nơi…
Kimakô mỉm cười:
- Nếu là Lý Dĩ thật thì thiếu tướng đến đó cũng vô ích. Còn nếu là Lý Dĩ giả thì vô hình chung thiếu tướng đã báo động cho hắn chạy trốn.
- Chạy trốn đi đâu?
- Trước kia thiếu tướng chẳng từng khoe với đồng chí bộ trưởng rằng một con chim cũng không bay lọt được vào trung tâm căn cứ 123 đấy sao?
Maximôvích thừ người lo lắng, bồ hôi ướt đẫm cổ áo dạ. Kimakô đề nghị:
- Sao thiếu tướng không nghĩ tới Katy?
- Catơrin ấy à? Tôi, tôi đã nghĩ ra rồi. Nhưng mà…
Lại có tiếng chuông điện thoại. Máy điện thoại màu đỏ dành cho những tin tức quan trọng. Đặt ống nghe vào tai, Maximôvích có cảm giác như tiếng sét long trời lở đất nổ bên mình. Kimakô châm thuốc hút, dáng điệu bình thản. Mặt hắn đanh lại, mắt hắn lim dim một cách thâm trầm, trông hệt như con mèo đang vờn chuột. Maximôvích quay sang nói với Kimakô:
- Philốp vừa bị ám sát chết.
Chắc cái chết của Philốp phải có ma lực đối với cơ quan gián điệp Nga nên thoạt nghe, Kimakô giật mình, ném điếu thuốc lá còn nguyên xuống đất, miệng nói với giọng ngạc nhiên:
- Philốp chết rồi ư? Lạ thật!
Lạ là phải vì Philốp với bề ngoài hiền lành của viên phó giám đốc đài phát thanh Mạc Tư Khoa lại chính là một nhân vật chỉ huy của tổ chức phản gián trong nước. Maximôvích nói:
- Có lẽ địch đã nhận diện được Philốp. Ban công an ở Đài báo cáo với tôi rằng giấy má trong phòng còn nguyên. Philốp bị đánh chết trước khi bị khiêng vào buồng tắm nhận nước.
Kimakô hỏi:
- Đã tìm được dấu vết khả nghi nào chưa?
Maximôvích đáp trong tiếng thở dài thườn thượt:
- Chưa, chúng ta đến Đài xem.
Hai người ra thang máy. Chợt Kimakô hỏi:
- Có thể vụ Philốp dính líu tới vụ Lý Dĩ được không, thiếu tướng?
Maximôvích lắc đầu:
- Ồ, đồng chí đa nghi và viển vông quá! Mỗi vụ một địa hạt khác, làm sao liên quan tới nhau được?
- Biết đâu đó?
Chiếc Zim chở 2 nhân vật cao cấp dừng trước đài bá âm Mạc Tư Khoa. Toán lính gác cửa bồng súng chào. Thi thể của Philốp vẫn được để nguyên trong bồn tắm đầy nước, Maximôvích quay lại hỏi viên chỉ huy công an của Đài:
- Đã cho tập hợp nhân viên của Đài lại chưa?
Người kia kính cẩn đáp:
- Thưa rồi.
- Họ tập hợp ở đâu?
- Thưa, có lẽ đến nửa đêm mới tìm được hết và mang tới đây. Vì sau giờ tan sở, nhiều người đã về nhà.
- Được, cứ giữ họ lại đợi tôi. Đại úy lập xong danh sách những người khả nghi chưa?
- Dạ, xong rồi.
Maximôvích cầm bản danh sách đánh máy đặc chữ, liếc qua rồi nhăn mặt:
- Sao mà nhiều thế này? Những gần 100 người tình nghi thì tìm đến bao giờ cho ra?
- Dạ, tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng còn đợi lệnh của thiếu tướng.
Từ nãy đến giờ Kimakô đi đi lại lại trong văn phòng của phó giám đốc Philốp. Bỗng hắn ngửng đầu lên hỏi viên công an:
- Đã tìm thêm được dấu vết nào khả nghi không?
- Thưa không.
Công an bọc xác Philốp vào chăn dạ, và khiêng ra đặt giữa phòng. Valimin dẫu có tài ngụy trang nhưng không sao che nổi con mắt sành sỏi của 2 tay tổ mật vụ Xô Viết. Maximôvích hỏi Kimakô:
- Thủ phạm không phải là nhà nghề, phải không đại tá?
Kimakô gật đầu:
- Tôi cũng nghĩ thế. Đã ở trong nghề thì ai lại giết người bằng cái đèn vì nó vừa cồng kềnh, lại vừa bất trắc. Vì hung thủ không ở trong nghề nên sau khi thi hành thủ đạn đã bế Philốp vào bồn tắm, dàn kịch hòng che mắt nhà chức trách.
Maximôvích quay sang viên đại úy công an:
- Bắt toàn thể nhân viên phải trình diện ngay tại Đài. Thủ phạm là mọt trong những người đó. Nhưng mà…
Maximôvích ngừng lại. Hắn thoáng nhìn thấy cái đồng hồ Philốp đeo ở tay trái. Dường như cảm thông được tư tưởng của Maximôvích, Kimakô bèn quỳ một chân xuống bên xác chết, rón rén gỡ cái đồng hồ hình tròn có sợi giây bằng vàng của viên cố phó giám đốc đài bá âm Mạc Tư Khoa. Viên đại úy công an hỏi:
- Đồng hồ không thấm nước, phải không thưa đại tá? Hồi nãy, tôi đã coi giờ ở đó. Mặt kính bị rạn, kim đồng hồ đã đứng yên, nên tôi có thể biết được đúng giờ phút xảy ra án mạng.
Maximôvích nhếch mép khinh bỉ nói với viên đại úy:
- Hừ, các anh có mắt cũng như không mà thôi. Chưa biết cái đồng hồ này là cái gì à?
Viên đại úy trố mắt nhìn Kimakô tháo mặt đồng hồ và khều ra một đầu giây nhỏ xíu. Thì ra đó là máy ghi âm tí hon, giấu vào phía sau đồng hồ. Kimakô bấm nhè nhẹ. Trong căn phòng im lặng nổi lên tiếng băng nhựa sè sè. Chỉ có tiếng sè sè mà không nghe tiếng người. Vì Philốp bị đánh trúng yếu huyệt gáy ngã xuống, tay đeo đồng hồ đập mạnh xuống bàn nên máy ghi âm tự động quay, nhưng từ khi ấy Philốp đã bất tỉnh.
Bỗng…
Có tiếng khịt mũi từ băng nhựa li ti bật ra. Tiếng khịt mũi khó chịu và gay gắt của những người có cục thịt dư trong cổ, hoặc mọc nấm trong mũi. Một giây đồng hồ trôi qua. Tiếng nước vặn chảy ra ồ ồ. Lại tiếng khịt mũi quen cuộc. Kimakô gật gù:
-Thôi, khỏi cần tập hợp, toàn thể nhân viên lại làm gì nữa. Chỉ xin thiếu tướng ra lệnh bắt nhân viên nào mang bệnh khịt mũi.
Viên đại úy đứng lặng như phỗng đá. Maximôvích gắt:
- Còn đợi gì nữa? Trong đài, có bao nhiêu nhân viên thường khịt mũi như vậy?
Viên đại úy đáp:
- Thưa, có 3 người. Nhưng một người là đàn bà, người thứ hai là công nhân viên vô tuyến không làm việc, Vả lại đã nghỉ phép một tuần nay.
- Còn người thứ ba là ai? Nói mau lên, đàn ông ăn nói gì mà chậm thế?
- Thưa, người này là Valimin.
Maximôvích nhíu lông mày:
- Cái gã mê gái ấy, phải không?
- Thưa vâng.
- Bắt hắn ngay bây giờ, và giải đến văn phòng tôi. Để hắn trốn thoát là hại cho anh đấy nghe không?
Viên đại úy chụm chân vào nhau chào kiểu nhà binh, rồi quay ra. Maximôvích lẩm bẩm:
- Hừ, tại sao Valimin lại giết Philốp?
*
* *
Vamilin đã uống cạn chai rượu vốt ka hạng mạnh. Chàng cần hơi men cho bớt sợ. Không hiểu sao sau khi giết Philốp, chàng lại hoảng sợ. Chàng cảm thấy chẳng sớm thì muộn KGB cũng sẽ đánh hơi ra chàng. Vamilin đếm lại số tiền trong túi áo, chàng còn đủ tiền tiêu xài một tháng. Vả lại, chừng nào chàng cần tiền, Binh Ky sẽ cung cấp đầy đủ. Vì vậy chàng thèm sống, chàng không muốn bị sa vào tay công an mật vụ. Vamilin thắt lại nút cà vạt màu huyết dụ mới mua, chụp cái mũ dạ mềm lên đầu đoạn huýt sáo miệng, rảo bước ra cửa phòng. Bỗng từ dưới nhà vẳng lên tiếng xe thắng lại gấp rút. Vamilin hé riềm cửa nhìn xuống đường. Một toán lính công an bồng tiểu liên từ xe díp nhảy xuống, chạy vội vào buyn đinh. Vamilin thoáng thấy khuôn mặt chữ điền của viên đại úy phụ trách công an ở đài bá âm. Chàng chợt hiểu. Họ đã tìm ra manh mối. Thôi, vĩnh biệt cuộc sống tự do.
Tuy nhiên, trong một giây đồng hồ, một luồng điện nóng lại chạy rần rần trong các thớ thịt của chàng. Luồng điện của những người bị du vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan phải làm liều. Vamilin rút dưới nệm khẩu súng Nagan còn mới mà một đêm kia Binh Ky trao cho chàng, dặn chàng dùng để giữ thân. Chàng hạ cò súng an ninh xuống, sẵn sàng nhả đạn. Băng đạn còn nguyên, những viên đạn đồng bóng có thể soi gương được.
Chàng mở tung cửa phòng, chạy ra hành lang. Bọn công an chưa lên tới từng lầu chàng ở. Cửa phòng trước mặt mở hé, chàng lẻn vào bên trong. Vừa khi ấy viên đại úy công an từ thang máy bước ra, trong tay lăm lăm khẩu tiểu liên đen ngòm. Đến phòng của Vamilin, hắn dừng lại, hô to:
- Vamilin, mở cửa ngay. Có công an tới.
Mọi người trong cao ốc thấy nhân viên công an vội đóng cửa sầm sầm. Bọn lính chia nhau canh gác 4 phía. Núp sau cánh cửa, Vamilin nghe rõ mồn một tiếng ra lệnh của viên đại úy công an:
- Vamilin, mở cửa ngay, có công an đặc biệt tới.
Không nghe trả lời, viên đại úy xô cửa nhảy vào. Dĩ nhiên là bên trong vắng tanh. Hắn hét lớn:
- Vamilin, Vamilin, ra ngay, và đầu hàng thì thoát tội chết. Trốn sao cho thoát, Vamilin?
Rồi tiếng càu nhàu:
- Hắn trốn mất rồi còn gì?
Tiếng người gác gian đáp:
- Thưa, ông ấy vừa về hồi nãy, và còn ở trong phòng. Cao ốc này luôn luôn có người gác cửa trước và cửa sau. Ai vào ra, chúng tôi đều biết.
Viên đại út gắt:
- Vậy hắn đâu?
Nhân viên công an mở toang mọi cửa phòng, và lần lượt vào khám.
Ngẫm nghĩ một phút, Vamilin tiến ra phía cửa sổ phía sau. Trời tối om. Nếu trèo được ra ngoài, chàng có hy vọng thoát. Cửa sổ lại không có chấn song, thật là may mắn cho chàng. Nhanh nhẹn, chàng thò đầu ra ngoài ngưỡng cửa sổ, đảo mắt tứ phía thấy tên lính đứng dưới sân đang chăm chú nhìn phía khác, chàng thót lên, leo được ra ngoài và bám lên thành cửa sổ của lầu trên. Vamilin không phải là võ sĩ thành thạo nên hành động vụng về khiến tên lính dưới sân nghe tiếng. Hắn la rầm lên:
- Thủ phạm đây kìa. Thủ phạm đây kìa.
Vamilin đã nhảy vào trong phòng ở từng trên. Ngay tức khắc, cửa phòng bị đạp tung, một tên công an cầm tiểu liên chạy vào. Vamilin bóp cò, viên đạn trúng giữa ngực, tên công an ngã vật xuống. Vamilin nhảy qua xác chết, định trốn qua hành lang, xuống lầu dưới. Nhưng không kịp nữa, tên lính đứng gác ở góc thang máy chĩa súng vào phía chàng. Như cái máy, Vamilin nhả đạn. Loạt đạn tiểu liên của tên công an trúng cánh tay trái của chàng, trong khi phát đạn duy nhất của chàng lại găm vào giữa trán địch. Tên công an ngã lộn ra phía sau, giãy đành đạch. Vamilin hăng máu, không cảm thấy đau nữa. Chàng bắn liên tiếp 3 phát và lần nào cũng trúng đích trước khi bị một loạt đạn thứ hai xuyên qua bắp chân làm chàng ngã khuỵu xuống thang gác.
5 phút sau, Vamilin bị còng tay tống lên xe hơi công an, chở về văn phòng của tướng Maximôvích. Vamilin bị cả thảy 5 phát đạn. Tuy nhiên, không viên nào trúng yếu huyệt. Chàng mất nhiều máu nên mặt tái mét đi. Y sĩ tiêm cho chàng 2 mũi thuốc, đoạn đặt chàng lên băng ca, khiêng vào văn phòng Maximôvích. Đứng sau bàn giấy, Maximôvích lặng lẽ nhìn Vamilin. Vamilin là một thanh niên cao lớn, thân hình vạm vỡ nhưng bộ mặt lại hiền từ, trắng trẻo như người quanh năm không bao giờ ra sân quần. Cặp mắt chàng xanh biếc và sâu thẳm, còn mũi nở rộng biểu lộ tính tình ưa phóng khoáng song bê tha. Vamilin cũng giương mắt nhìn Maximôvích. Maximôvích hỏi chàng, giọng ôn tồn:
- Nếu anh chịu nói thật, tôi sẽ tha tội chết. Đời anh còn trẻ, dại gì mà chết uổng mạng, phải không?
Vamilin hơi ngạc nhiên. Maximôvích hỏi tiếp:
- Quê anh ở đâu?
Công an còn lạ gì quê hương của chàng mà phải hỏi mất thời giờ như vậy? Chàng đáp:
- Ở Ki ếp.
- Thế à, hóa ra anh cũng quê với tôi. Anh đã lập gia đình chưa?
- Chưa.
- Cha mẹ anh còn sống cả ở Ki ếp chứ?
- Đã mất.
- Thảo nào. Anh làm với CIA từ năm nào?
- Tôi có làm với CIA nào đâu.
Maximôvích vẫn hỏi tiếp:
- Người Mỹ trả cho anh bao nhiêu tiền để giết Philốp của sở Phản gián?
Vamilin chợt hiểu. Chàng đâu có ngờ Philốp là nhân viên cao cấp của sở Phản gián. Maximôvích đánh diêm châm thuốc lá cho Vamilin. Đợi chàng hít hơi đầu xong, Maximôvích mới hỏi thêm:
- Tôi sẽ trả gấp đôi số tiền mà họ đã cho anh từ bấy lâu nay. Tại sao anh giết Philốp? Ai ra lệnh cho anh giết?
Vamilin chống chế:
- Thưa, tôi không giết.
- Đừng chối nữa vô ích. Máy ghi âm của Philốp đã thu được tiếng khịt mũi của anh. Lần sau nếu còn sống, và định giết ai thì nhớ bỏ thói quen khịt mũi đi nghe.
Vamilin nín lặng. Thôi, chàng không thể chối tội được nữa. Không dè cái bệnh khịt mũi tầm thường lại là chi tiết tố cáo chàng với công an. Maximôvích lại hỏi:
- Ai tiếp xúc với anh, và ra lệnh giết Philốp?
- Tôi đã giết ông ta trong cơn nóng nảy, không toan tính trước. Vì ông ta mắng tôi ham chơi, bê trễ công việc nên tôi mất trí khôn, vớ lấy cây đèn trên bàn, và đánh bừa vào đầu, không ngờ ông ta tử thương.
- Tại sao Philốp chỉ mắng anh ham chơi mà thôi? Philốp có dặn anh viết một bài bình luận nào không?
Vamilin giật mình, miệng chàng bỗng khô đắng. Vết thương còn rỉ máu làm thân thể chàng tê dại hẳn đi. Chàng tự biết thế nào cũng chết. Tuy nhiên, chưa biết sẽ chết vì đạn hay vì tra tấn nữa. Chàng đáp:
- Vâng, có một bài bình luận về nhà thơ Ilya Êrenbua.
- Có thật bài đó không?
- Thưa thật.
- Không thật. Sáng nay, Philốp đã phúc trình cho đồng chí giám đốc rằng mọi bài phát thanh chỉ nói tới chủ đề nhà binh mà thôi. Bài về Êrenbua là bài của anh. Tại sao anh lại viết bài báo đó?
- Vì Êrenbua là một nhà thơ tán thành chính sách tài binh.
- Nghĩa là anh đã thú nhận xung đột với Philốp vì bài báo đó?
Vamilin đành nuốt nước miếng gật đầu. Maximôvích chỉ cốc vốt ka đầy ắp trên bàn và phân vua với Vamilin:
- Nếu anh biết điều thì lát nữa sẽ được uống cho bõ khát. Từ nãy đến giờ, đây là lần đầu anh có vẻ thành thật. Bây giờ đến những câu hỏi mà anh cần thành thật hơn nữa. Anh hãy trả lời: Ai ra lệnh cho anh trước khi xảy ra án mạng?
Vamilin mệt lả, quần áo của chàng ướt sũng máu. Suýt nữa chàng đã thiếp đi. Maximôvích chậm rãi hỏi lại. Chàng muốn trả lời nhưng tiếng nói bị vướng trong cổ họng. Chàng biết rằng không nói cũng không được vì sở Phản gián có đủ cách bắt chàng phải nói. Nhưng trong thời gian hoạt động với Bô nốp và Binh Ky, chàng chưa bao giờ được biết người trả tiền hàng tháng là ai. Là người Nga? Là chính phủ Anh, Mỹ hay Pháp, hay Nam Tư? Đức Quốc? Chàng phản bội không phải vì theo một lý tưởng cao siêu nào, mà vì cần tiền. Người ta đã điều tra đúng và gãi đúng tâm lý cần tiền của chàng. Thế thôi. Maximôvích hỏi gặng:
- Ai nói đi. Nói xong, anh sẽ được chở tới bệnh viện để gắp đạn ra.
Vamilin thều thào:
- Binh…
- Binh gì?
- Thưa, Binh Ky.
Maximôvích ấn chuông gọi sĩ quan thuộc viên. Người này thon thon, nét mặt cương quyết, trán hói, và có chiếc cằm chẻ hai như cằm đàn bà đẹp. Maximôvích ra lệnh cho sĩ quan thuộc viên ghi chú bằng tốc ký những lời thú tội của Vamilin. Hắn định hỏi tiếp thì điện thoại reo vang. Ở đầu giây, Kimakô mời Maximôvích tới bộ Nội vụ dự phiên họp về vụ Lý Dĩ. Maximôvích phải đi lập tức. Tuy nhiên, hắn cố nán lại mấy phút để nghe nốt lời thú tội của Vamilin. Vamilin nhắp 1 ngụm rượu, đoạn nói:
- Bô nốp.
Maximôvích hỏi:
- Binh Ky và Bô nốp tướng mạo ra sao?
Vamilin lắp bắp:
- Bô nốp cao độ 1 th 75, nói tiếng Pháp giỏi… Nhưng không phải là người Pháp.
- Gặp Bô nốp khi nào?
- Không, hôm nay không gặp. Bô nốp đã về nước. Gặp Binh Ky.
- Binh Ky như thế nào?
- Binh Ky ấy à? Tôi vừa gặp hắn chiều nay.
Vamilin ngừng nói. Mắt chàng đã đầu lạc thần. Maximôvích cúi sát tai vào miệng chàng hỏi:
- Người hắn ra sao?
- Binh Ky ấy à? Trán hói, người thon thon, cằm…
- Cằm hắn ra sao? Lẹm cằm à? Có thẹo ở cằm à? Nói mau…
Vamilin câm bặt. Tim chàng còn đập nhưng đã yếu hẳn. Maximôvích ngẩng đầu lên đặn đại úy thuộc viên Bi Lôi Ang:
- Gọi y sĩ lên tiêm thuốc hồi sinh cho hắn, rồi anh tiếp tục hỏi hắn về tướng mạo Binh Ky.
Maximôvích mở cửa xe hơi. Còn một mình trong phòng, Bi Lôi Ang hỏi Vamilin bằng một giọng rõ ràng:
-Vamilin? Vamilin? Cằm Binh Ky như thế nào?
Vamilin lắp bắp muốn nói. Hình như trong giây phút lâm chung ấy, Vamilin trở nên sáng suốt hẳn ra. Giọng nói của đại úy công an Bi Lôi Ăng nghe quen tai quá! Đúng là chàng đã được nghe nhiều lần tiếng nói từ tốn, chắc nịch này rồi. Mắt Vamilin chớp chớp mấy cái, khiến một giọt lệ nóng hổi trào xuống gò má. Miệng chàng mấp máy:
- Binh Ky, đồng chí Binh Ky.
4 tiếng «đồng chí Binh Ky» chàng định hét lên thật to để bộc lộ niềm vui sướng, không ngờ đã phải tắt trong cổ họng. Vì đại úy Bi Lôi Ăng đã chẹn bàn tay võ sĩ vào mạch máu cổ của Vamilin. Trong mấy tích tắc, máu không lên được óc. Vamilin bị bất tỉnh. Bi Lôi Ăng đứng dậy và sang phòng bên tìm y sĩ. Lúc y sĩ chuyên môn tới cứu thì Vamilin đã hết thở. Viên y sĩ lắc đầu:
- Muộn quá rồi, hắn mất máu quá nhiều.
Bi Lôi Ăng khẩn khoản:
- Bác sĩ có cách gì cứu hắn sống thêm độ vài 3 phút nữa không? Hắn đương khai một điều rất hệ trọng.
Bác sĩ đeo ống nghe vào cổ, đáp:
- Kể ra thì cũng có thể, nhưng bây giờ tôi e không kịp nữa đâu. Chỉ còn cách mổ lồng ngực, lấy tim ra chích thuốc hồi sinh, và soa nắn một lúc thì may ra còn có hy vọng.
Bi lôi ăng giục:
- Xin bác sĩ sửa soạn. Tôi sẽ chở ngay Vamilin xuống bàn giải phẫu.
Bi Lôi Ăng lấy vuông dạ đen trùm kín Vamilin từ đầu xuống chân, đoạn kêu vệ sĩ, sai khiêng vào xe hơi. Bi Lôi Ăng thân chinh ngồi phía sau xe, bên cạnh băng ca. Xe chạy vào khu giải phẫu, cũng ở bên trong tòa nhà phản gián Mạc Tư Khoa. Trước khi chở Vamilin vào phòng lạnh, Bi Lôi Ăng biết chắc rằng trừ thượng đế không ai có thể làm cho bệnh nhân sống lại. Vì trong thời gian từ văn phòng xuống khu giải phẫu hồi sinh, Bi Lôi Ăng đã dùng một thế điểm huyệt atémi nhu đạo cực hiểm đánh vào đỉnh đầu Vamilin. Ngón tay của Bi Lôi Ăng ấn từ từ, êm ái, nhưng đó chính là đòn chết. Huống hồ Vamilin lại đang hấp hối, chỉ đánh nhẹ cũng chết. Sau một giờ đồng hồ được soa nắn, hô hấp nhân tạo, trái tim của Vamilin vẫn không cựa cậy. Viên y sĩ thở dài:
- Tôi đã hết sức rồi.
Bi Lôi Ăng kéo tấm nỉ che mặt Vamilin. Sau khi chết, nét mặt của chàng thanh niên ham chơi kia vẫn còn nguyên vẻ kinh ngạc. Ai ở trong trường hợp của Vamilin lại không kinh ngạc? Vì Bi Lôi Ăng chính là Binh Ky, người ra lệnh cho chàng. Người ra lệnh cho chàng phải phát thanh bài bình luận về nhà thơ Êrenbua lại là vị đại úy gương mẫu, thân tín của tướng Maximôvích, của cơ quan phản gián Smerch của Liên bang Xô Viết.
*
* *
Thiếu tướng Maximôvích đặt ống nói vào giá, bộ mặt bực bội. Đại tá Kimakô đoán phỏng:
- Hắn chết rồi ư?
Maximôvích thở dài:
- Nếu hắn nói được hết trước khi chết thì đỡ khổ bao nhiêu.
Kimakô lớn giọng:
- Nghĩa là hắn đã chết?
- Phải.
Không khí trong phòng đột nhiên im lặng. Các nhân vật đầu não của bộ máy do thám, phản gián Nga đều có mặt. Kimakô ngồi phịch xuống ghế, 2 tay bưng lấy mặt trong cử chỉ mệt mỏi. Chưa bao giờ một vụ rắc rối như vậy lại xảy ra. Maximôvích cũng đứng như pho tượng cạnh bàn giấy của viên đại tướng, đại diện cho bộ trưởng công an, mật vụ Xô Viết. Maximôvích nói:
- Thưa đại tướng,…
Viên đại tướng quát:
- Đồng chí làm mất thời giờ tôi nhiều quá. Đồng chí hứa với tôi đến bao giờ sẽ điều tra xong vụ này?
Maximôvích liếc nhìn Kimakô của KGB. Kimakô đáp hộ:
- Thưa, có thể một tuần được không?
Viên đại tướng xua tay:
- Một tuần ư? Không được. Phải sớm hơn nữa. Nếu không, cả 2 đồng chí phải gánh lấy mọi hậu quả không hay. Các đồng chí đừng bao giờ quên rằng Philốp là một nhân vật cao cấp của ngành an ninh Xô Viết, và cái chết này không thể là chuyện tình cờ. Song…
Tiếng điện thoại lại reo.
Viên đại tướng công an nghe xong, đổi hẳn sắc mặt. Lại một vụ nữa. Ông ta lừ lừ nhìn các cộng sự viên. Miệng ông nói nho nhỏ, hình như sợ người ở bên ngoài nghe tiếng:
- Trung úy Svéclốp đã mất tích.
Kimakô đứng phắt dậy như ngồi trên ghế gắn lò so. Svéclốp là cánh tay phải, là tai mắt của công an trong căn cứ tối mật 123. Tuy vậy, Kimakô vẫn chưa ngạc nhiên bằng tướng Maximôvích vì hắn mới là cấp chỉ trực tiếp của trung úy Svéclốp trong cơ quan Phản gián Smerch. Maximôvích nói như than thở:
- Trong mấy ngày liên tiếp, nào là lính gác nhà Vôn Liệt say rượu bị tai nạn xe hơi, nào Svéclốp biệt tích. Giỏi thật, giỏi thật!
Kimakô hỏi:
- Thiếu tướng cho là những việc này không thể xảy ra ngẫu nhiên, phải không?
Maximôvích đáp:
- Phải.
Đại tướng của bộ công an chêm vào:
- Dĩ nhiên.
Đoạn quay về phía Maximôvích:
- Đấy, tôi triệu tập các đồng chí tới chỉ để bàn bạc một việc giản dị như thế: làm cách nào phăng ra manh mối của vụ Philốp. Và tôi tin rằng vụ này và vụ Svéclốp chỉ có thể là một. Thôi, chào các đồng chí.
Maximôvích và Kimakô trèo lên xe hơi. Hai bộ óc xuất chúng của nền do thám Xô Viết đương nghĩ tới mưu kế thật sâu để tiến tới mục đích. Bỗng Maximôvích cất tiếng nói một hơi. Kimakô chăm chú lắng tai nghe, 2 tay chắn trên đùi. Một lát sau, Kimakô nói:
- Phải, kế ấy hay lắm.
Maximôvích vỗ 2 bàn tay vào nhau, thái độ khoái trá:
- Rồi chúng nó biết tay ta.
Kimakô nhìn Maximôvích mỉm cười, chiếc xe đen xì chạy ra phi trường quân sự Mạc Tư Khoa.
Z.28 Núi Đá Tiên Tri Z.28 Núi Đá Tiên Tri - Người Thứ Tám Z.28 Núi Đá Tiên Tri