Số lần đọc/download: 1554 / 13
Cập nhật: 2016-03-05 12:36:29 +0700
B
iên giới cuối tháng 3. Cái nắng như thiêu đốt, trời đứng trân, không một chút gió. Những vạt đồng rạ cháy khô, cỏ cháy khô, vài đàn bò ốm o trốn nắng dưới tán thốt nốt cũng đã xác xơ. Ruồi nhặng chập chờn. Những rặng núi xa xa, trọc lóc. Mấy bóng người ít ỏi nhoè nhoè đằng xa, như đã bị nắng đông lại, chỉ còn sóng sánh một chút, trước khi bất động. Hai lần đến đây đều vào mùa khô, nhưng còn muốn đến lần ba lần bốn, cũng dưới nắng này. Để đứng bên đường nhìn sự hoang hoải, héo úa, vắng vẻ, buồn buồn.
Không thể giải thích được tại sao mình có niềm đam mê kỳ cục vậy. Cũng như không thể phân trần tại sao mình thích dãi đất miền Trung hơn miền Bắc, và nếu có cơ hội nào mình thà đi… Ấn Độ, Lào, Cam Pu Chia hay Ai Cập hơn Mỹ, Châu Âu. Dường như cái nghề viết ngớ ngẩn đã sinh ra ý thích ngớ ngẩn. Mê những hoang tàn, hiu hắt, trơ trụi, nơi thiên nhiên khắc ngiệt, nguyên sơ. Ưa đồi cát hơn rừng cây, say đồng cỏ hơn đồng lúa, thích ngắm những cành khô hơn hoa đang nở. Hay đó chỉ là một kiểu “đứng núi này trông núi nọ”, thừa mứa sông nước đồng bằng nên ngóng về phía hắt hiu? Từ chối sự hoàn mỹ, sang trọng để đến với thô sơ, giản dị? Ngán ngẩm đám đông, chạy trốn đám đông?
Tôi ngồi trong căn chòi xập xệ chờ người đàn ông vá lại cái bánh xe đã xẹp lép của mình, và đưa ra những lý do khiến mình lê lết trong nắng, trên đất khách. Cái gì đã xui mình? Tôi nhìn quanh, một cái thau nước dùng để dò chổ thủng đã ngã màu đen thui, đặc quánh. Vài phụ tùng tháo lắp xe đã gỉ sét. Cách một tấm liếp bằng gỗ tạp có tiếng võng kèn kẹt, một đứa bé nào đó hát hời hời. Lát sau, em bơ phờ ẳm một em bé khác ra xi đái, nước đái chậm chạp rơi xuống, ít ỏi như vừa ra khỏi cơ thể đã bị nắng cô đọng lại. Trên trán hai đứa mồ hôi đầm đìa, tóc ước bê bết. Hỏi mẹ em đâu, con bé làu nhàu, đi tiếp nấu đường thốt nốt bên xóm. Nó đặt em ngồi xuống đất, lúi húi bưng ra một chén nước cơm khuấy với đường nguội ngơ, bữa ăn cho em bé khi mẹ vắng nhà.
Tôi bỗng nghĩ, hay là tôi thích những chỗ khắc nghiệt, tàn phai này có phải để lấp đầy những yếu đuối mặc cảm của mình. Để có cảm giác như đang phiêu lưu lăn lộn vào đời sống, một người viết có thực tế. Để thấy mình giàu có hơn dân ở đó, để thấy cực nhọc, khổ đau không nhằm nhò gì so với họ, để thấy cái đất mình sống cũng không đến nỗi nào, đất đai phì nhiêu, kinh rạch chằng chịt, thiên nhiên ưu đãi, quê mình vậy là tốt rồi, dù ở đó đôi khi bắt gặp trên gương mặt người không có tình người.
Tôi nhớ những con bò chỉ da bọc xương chết khô trên những đồng cỏ cháy ở miền Trung trong bản tin tối. Tôi nhớ hình ảnh những em bé chong đèn cóc học bài. Tôi nhớ có lần uống trà với một ông già, ông nhằn, mầy viết cái “Lục bình” tao không chịu, lục bình trôi nổi dập vùi, khổ muốn chết mà đẹp khỉ khô gì…”. Lúc ấy tôi cười.
Và bây giờ thì tôi không cười. Có lẽ, ông già kia nói đúng, tôi sẽ phải xin lỗi lục bình vì cái ý thích đã muốn nó phải lênh đênh, cũng như xin lỗi những con người gồng mình sống trên những vùng đất khắc nghiệt mà tôi cho là tuyệt đẹp.
Những con người đã bị tôi quên lãng, vì bận suýt soa tấm tắc những cỏ những cây những núi những cát. Họ, mới là kỳ quan của cuộc đời này.
Xin lỗi!