Số lần đọc/download: 495 / 2
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
N
hững đêm phố yên ả và thanh bình, hai đứa dạo chơi. Tôi thấy mình ấm áp bên em. Lá thì thầm như lời tỏ tình bên tai chỉ hai đứa biết. Tôi lái xe bằng một tay, tay còn lại nắm lấy tay em, chầm chậm đạp xe, có khi vừa đi vừa hát nữa, bài hát tình yêu Love story hơi buồn buồn, nhưng không có đứa nào buồn.
Tôi đùa Thy: “Anh sẽ thì thầm bên tai em cả đời Thy nhé!”, em nhại lại: “Em cũng thì thầm bên tai anh cả đời, chúng mình chỉ nuốt nước bọt mà sống thôi”. Cả hai cùng cười.
Tôi yêu Thy chỉ vì hai đứa có cùng sở thích, đó là đi xe đạp đôi vào những buổi chiều. Vô tình chúng tôi gặp nhau ở hiệu cho thuê xe đạp. Lúc đó, hiệu chỉ còn trống một chiếc mà đến hai người thuê. Chủ hiệu bảo hay là hai người đi chung. Em lưỡng lự ngại ngùng, nhưng tôi bảo em thích thì chúng ta cùng đi. Thế là đi. Chúng tôi quen nhau từ đó. Buổi chiều hôm đó đã thành định mệnh cho một tình yêu. Một vòng hồ Tây, em muốn đi vòng nữa. Cả quãng đường chỉ có tiếng cười như thân từ lâu. Đi nữa chứ anh? Em hỏi. Tôi bảo ừ đi. Thế là lại đi. Trên đường Âu Cơ, một chiếc xe tải đi sát vào lề đường, xe chúng tôi dài nên không tránh kịp, loạng choạng rồi đâm vào lề, mỗi người chỉ xước tí da. Tiếng cười vẫn không dứt.
Đêm đó về, tôi mông lung nghĩ tới người con gái duyên dáng tên Thy có mái tóc vàng hơi xoăn và tôi... làm thơ.
Chiều hôm sau gặp nhau, tôi trao tặng Thy bài thơ. Thy đọc xong rồi cười. Chúng tôi lại thuê chung một chiếc xe đạp đôi. Chủ hiệu bảo: “Đã thân nhau rồi cơ đấy, lớp trẻ có khác, cái gì cũng nhanh”. Hai đứa nhìn nhau cười ha hả.
Đường vòng quanh hồ Tây bỗng trở nên quen thuộc. Từ đường Thanh Niên lên Yên Phụ, qua Âu Cơ, đi ra Lạc Long Quân rồi quay lại Thụy Khuê. Hành trình của vòng bánh xe đều đều lăn trên những con đường tôi đã trải thơ. Mỗi chiều đạp xe cùng nhau tôi đều ghi lại bằng những câu thơ tình tứ. Thy bảo: “Anh lãng mạn thế này, cuộc sống lúc nào cũng có niềm vui”. “Đúng rồi, sau này anh rước em về, lối em đi anh trải đầy thơ, anh còn mang xe đạp đôi đón em nữa”, “Vậy thì nhà gái sẽ cười chết, cái thời nào rồi mà còn xe đạp!”. Tôi nói: “Chỉ chúng mình hiểu nhau là được. Vì em là nàng thơ của anh nên cả đời anh đọc thơ cho em”.
Tôi đi làm và đi học cũng bằng chiếc xe đạp nửa tây nửa ta. Xe đạp không yếm mác, người ta gọi là “xe cởi truồng”, gò lưng xuống mà đạp. Tôi thường đến thăm và đón em đi chơi cũng bằng chiếc xe đạp này.
Có lúc vui tôi hỏi em rằng, tại sao em lại thích ngồi xe đạp của một gã làm thơ lãng mạn nghèo nàn, trong khi ở thời buổi này người ta đưa đón nhau bằng ô tô, xe máy. Thy nói, bao giờ em kiếm được anh chàng đưa đón bằng xe máy em sẽ bỏ anh. Tôi nói, em sẽ nhớ anh và thơ anh đến phát khóc, em không xa anh được đâu.
Tôi biết, bạn bè nhìn em, có đứa còn chế nhạo, sao con Thy lại đi yêu một thằng nhà nghèo. Học ngành ngân hàng thì cũng phải kiếm anh chàng bưu điện hay kinh tế. Bây giờ con gái thường chọn những anh chàng học và làm nghề có tương lai, kiếm được nhiều tiền. Em cãi lại. Lúc gay gắt lên, em bảo chúng mày kệ tao, tao thích thế. Chúng mày không ưa thì thôi.
Tôi nhìn em hồi lâu, sao em đáng yêu đến thế. Phải thưởng em một chầu xe đạp thôi. Hai đứa lại rủ nhau đi thuê xe, lúc nghỉ, ngồi lại quán ốc bên đường Hồ Tây, ăn thì ít nhưng ngắm người, ngắm xe thì nhiều. Giữa đô thị đang tấp nập người và xe trong bộn bề công việc lo toan, có hai kẻ rong chơi bằng xe đạp. Nhiều ánh mắt nhìn chúng tôi như một vật thể lạ đến từ hành tinh khác.
Một chiều mưa Thy ốm, không đi xe đạp đôi, tôi đến thăm em. Thấy đầu tôi ướt, em thốt lên sao anh ăn mặc phong phanh thế, chẳng chịu mặc áo mưa. Tôi vào phòng, bảo anh đến đây để em sang bớt cái sốt cho anh, em đỡ nóng còn anh đỡ lạnh. Em gắt lên “Cái anh ngốc này!”. Tôi đọc một đoạn thơ để lấp cái gắt gỏng đáng yêu kia. Em đưa tay ra hứng mưa, bảo em sẽ nhớ mãi chiều mưa này. Rồi em khoe, hôm nay em học đến giá trị thặng dư đấy. Anh có nghĩ tình yêu cũng có giá trị thặng dư không? Tôi chỉ cười, không trả lời. Em bảo đúng là “nhà thơ” có khác, nhắc đến kinh tế là im thin thít.
Thầy giáo của tôi làm thơ, ông luôn tự hào về mối tình xưa cũ của mình. Một mối tình đầy thơ và sóng gió. Người thầy yêu cũng giống như cô gái trong kịch bản thầy đã viết. Về sau cô ta đã theo một người đàn ông khác. Người con gái thầy yêu cũng thế. Bây giờ thầy chỉ có một mình dạy học và làm thơ, cuộc sống rất vui vẻ. Thầy luôn yêu đời và quý mến học trò. Có thể con gái không thích người làm thơ vì họ lãng mạn, mây gió và đặc biệt là họ nghèo không bảo đảm cho người bạn đời có một cuộc sống đầy đủ. Gặp chúng tôi, thầy hay bảo: “Đừng nản, các cậu còn trẻ, làm thơ nhưng vẫn nhiều em theo”. Hôm tôi đưa Thy đến thăm thầy, thầy nói với Thy: “Thằng Khánh thế mà tài, tài mới được em yêu”. Em cười. Khen thầy đẹp trai và lãng mạn nữa.
Khi Thy khỏi ốm, tôi đưa em về quê bằng chiếc xe đạp “cởi truồng” của mình. Em ngồi lên đòn ngang phía trước. Con đường về quê chỉ có 30 km. Không xa. Trước khi đi em hỏi:
- Anh có ngại không?
Tôi lắc đầu bảo không, rồi hỏi lại:
- Vậy em có ngại không?
Em cũng lắc đầu. Lát sau đổi ý, em bảo có ngại. Ngại vì không biết bố tôi sẽ nói thế nào. Đi giữa đường, em quay lại hỏi:
- Nếu bố anh cấm chúng mình quan hệ với nhau thì sao?
- Em này, làm sao bố anh lại cấm? Bố anh là người rất tâm lý.
Tôi vừa đi vừa huýt sáo cho em vui. Con đường quen thuộc về nhà ngắn dần. Thoáng chốc đã thấy cánh đồng quê trước mặt. Đêm ấy em đã ngủ nhưng bố còn thức. Bố gọi tôi ra sân nhắc nhở, giọng buồn buồn:
- Bố không có ý nhiều chuyện, cũng chẳng phải tướng số gì. Nhưng bố nhìn con Thy không hợp với con. Đôi mắt nó sắc, mệnh nó trái với mệnh con, lấy nhau sẽ không hợp. Trông nó tiểu thư lắm, mà nhà mình thì... Mày theo bố, làm thơ. Cuộc đời mày cũng gian truân lắm con ạ!
Tôi thấy lo. Dẫu rằng tôi chẳng tin những điều đó bởi Thy rất yêu tôi. Nhưng bố tôi chưa nói sai bao giờ. Bố tôi ngày xưa nổi tiếng lãng mạn, một nhà thơ cầm súng, đi khắp các chiến trường. Bố gặp mẹ ở chiến trường. Mẹ lúc ấy là thanh niên xung phong mê thơ của anh chàng gầy còm là bố tôi. Bố kể lại rằng, khi ấy đi lại khó khăn lắm. Nhưng hai người vẫn thường xuyên gặp nhau. Đúng vào dịp kỷ niệm một năm đất nước hoàn toàn thống nhất thì bố mẹ tôi cưới nhau. Sau này, khi đã có tuổi bố vẫn thường đèo mẹ đi ngoài đê đến đầm sen ngắm cảnh và làm thơ. Chỉ tiếc mẹ đã mất sau một căn bệnh hiểm nghèo, không còn được cùng bố an hưởng hạnh phúc tuổi già.
Bố nghèo nhưng mẹ không bao giờ thôi yêu. Tình yêu ấy khiến cho tôi kính nể. Khi còn sống, mẹ bảo: “Cuộc sống giàu niềm vui và hạnh phúc mới có ý nghĩa, tuy vật chất có nghèo nàn”. Tôi làm thơ, cũng mong mình sẽ có một người vợ cùng sống cuộc sống có ý nghĩa bằng niềm vui do hai người tạo ra. Và tôi đã có Thy ngự trị trong tim.
Những ngày sau, tôi và Thy vẫn đi với nhau, vẫn dạo phố bằng xe đạp đôi quanh hồ Tây. Thi thoảng tôi vẫn đứng đợi em ngoài cổng trường. Bạn em cười vì thấy riêng mình tôi đón người yêu bằng xe đạp. Hai đứa cứ nhắc nhau ghi lại những hình ảnh tuyệt đẹp này để mai sau nhớ đến như một kỷ niệm. Những góc phố, những hàng cây liêu xiêu, những vòng xe quay, những quán cóc nhỏ bé, hàng ốc luộc quen thuộc. Tất cả những bình dị đó khi có ánh sáng tình yêu bỗng trở nên đẹp lạ lùng. Chúng sẽ được nhắc lại sau này, khi hai đứa thành vợ chồng, ngồi thủ thỉ với nhau và cười.
Những ngày bên nhau qua đi êm đềm như một buổi chiều dạo xe. Em sắp phải theo gia đình vào TP HCM. Thy nói rằng, bố mẹ em muốn em đi xin việc làm trong đó. Tôi buồn chẳng muốn làm thơ. Ngày em đi, tôi không được đèo em bằng chiếc xe đạp của mình. Đã có ô tô chở cả nhà ra sân bay. Tôi ngẩn ngơ, nghĩ rằng em đi rồi nay mai em lại về.
Thành phố vào xuân, cảnh vật ngủ vùi trong màn mưa xuân li ti và hương hoa ngào ngạt. Nhưng không có em. Tôi không đi dạo xe mỗi chiều nữa. Những đêm về da diết nhớ, tôi lại làm thơ. Chiếc xe đạp cọc cạch chỏng chơ góc nhà. Tôi nhìn nó rồi cười, nụ cười méo xệch. Nhiều lần trong mưa, tôi đạp xe đến nhà em, đến nơi mới nhớ ra là em đã xa rồi. Tình yêu đôi khi làm cho con người lú lẫn. Tôi ngậm ngùi quay về. Ba tháng trời qua đi, em gọi điện ba lần, bảo em mới vào nên còn nhiều chuyện dang dở và phải làm gấp. Đến tháng thứ tư vì nhớ quá nên tôi đã quyết định vào TP HCM. Em cản. Tôi hỏi, em chỉ nói anh chưa vào được.
Không phải là chuyện trong kịch bản mà là sự thật. Một sự thật phũ phàng. Tôi đã tìm được nhà em nhờ vào địa chỉ mà em nói trong cuộc gọi lần trước. Cửa khóa bên trong. Tôi quay đi. Buổi tối, tôi lại đến bằng chiếc xe đạp mượn của người bạn. Căn phòng trên gác sáng đèn. Tôi đã nhìn thấy em và một người đàn ông khác. Tôi hiểu vì sao em không muốn tôi vào với em. Có lẽ bố tôi đã đúng. Câu nói sâu xa của thầy giáo cũng đúng. Thầy không viết kịch bản để tự an ủi mình. Có những điều tưởng đã trong tầm tay nhưng rồi vẫn vuột mất.
Em không biết là tôi đã tìm em, càng không biết vì em mà bây giờ tôi phải lang thang trên những con phố Sài Gòn xa lạ. Phố thì tấp nập mà tôi cô đơn và thờ thẫn quá. Những lời hứa đợi chờ ngày trước đã thoảng như gió bay.