No person who can read is ever successful at cleaning out an attic.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Tác giả: Bão Vũ
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Nguyen Bao Son
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 373 / 2
Cập nhật: 2017-04-18 13:30:33 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ất cả sẽ vụn nát, tan biến đi như ảo ảnh. Và, Quá-Khứ cũng có thể nổi giận. Quá-Khứ muốn ngủ yên trong hầm mộ, cả những nỗi xót xa đớn đau, nếu có, thì cũng đã hoá thạch. Và nữa, những hoài niệm mỏng manh sương khói, liệu có thể định hình được chúng?
Có những chuyện cũ giống như món đồ cổ cất trong hầm mộ, chỉ có thể ngắm nhìn phần còn lại để hình dung ra những gì đã bị cát bụi che lấp. Chỉ có thể ngắm nhìn với nỗi hoài cảm và nỗi thương tiếc ngọt ngào. Nếu cố ý khai quật để bộc lộ toàn bộ, sẽ là làm hư hại tất cả. Tất cả sẽ vụn nát, tan biến đi như ảo ảnh. Và, Quá-Khứ cũng có thể nổi giận. Quá-Khứ muốn ngủ yên trong hầm mộ, cả những nỗi xót xa đớn đau, nếu có, thì cũng đã hoá thạch. Và nữa, những hoài niệm mỏng manh sương khói, liệu có thể định hình được chúng?
Nhưng tôi cứ thử đánh liều viết ra giấy xem sao.
1.
Trưa hè. Nắng trên khu vườn có màu vàng và trong vắt như mật ong. Những chùm tơ nõn đính hạt Bồ Công Anh, làn bụi phấn Hoàng Dương Tiểu Diệp óng ánh, những sợi tơ Hồng Ty Tuyến mỏng manh màu hồng bạc và tinh dầu của các loài thảo dược thăng hoa, khuếch tán đầy trời...
Trong ký ức mờ mịt của tôi, có một thằng bé lên sáu tuổi và con chó xồm lông vàng chơi trò trốn tìm trong khu vườn thuốc... Thằng bé len lỏi dưới bóng cây. Những dây leo buông rủ quệt vào má trêu ghẹo; những cành lá xà thấp thân mật đập khẽ vào đầu, vào vai. Con chó xồm theo sát chân nó. Thằng bé luồn lách dưới tán lá âm u, muốn tìm ra những điều kỳ lạ trong khu vườn mà nó đã thuộc từng ngóc ngách. Nó kiễng chân ghé sát mũi vào một bông hoa vàng chỉ nhỏ bằng cái cúc áo; phủ phục xuống đất chăm chú nhìn cái mầm non đang nhú dần...
Thằng bé tên là Sung. Bên bờ ao có cây sung do ông ngoại nó, một thày lang giỏi, đem về trồng khi nó mới sinh được mấy ngày. Đấy là cây bản mệnh của thằng bé. Sung len lỏi trong khu vườn rộng đến nửa mẫu ta, nhưng nó yên trí không có sự nguy hiểm nào rình rập. Những cây cỏ rất thân thiện, lại có con chó xồm bên cạnh nữa. Con chó con bị lạc, lũ trẻ trong làng nghi chó dại đuổi đánh, giạt vào khu vườn thuốc, nằm rên rỉ đói khát. Sung chơi trong vườn bắt gặp, bế về cho ăn uống, thành đôi bạn thân
Hoàng Dương Tiểu Diệp, loại cây lá nhỏ hoa vàng nở vào tiết cuối đông. Vị đắng ngọt. Tính ôn. Thanh nhiệt, giải độc. Chủ trị chó dại cắn.
Những điều khó hiểu ấy giống như một thứ ngoại ngữ, người ông dạy thằng cháu lên sáu tuổi thuộc lòng.
Hồng Ty Tuyến…Sơn Trúc Tử…Lưỡng Diệp…Mỹ Nhân Tiêu...Thạch Xương Bồ... Những mùi hăng hắc, cay nồng, ngọt dịu, đăng đắng... một thứ hỗn hương, không đậm đặc, chỉ ngan ngát khắp nơi, không thể xác định hương hoa của cây lá gì, ở chỗ nào.
Tôi là thằng bé Sung ấy.
Đó là những chuyện cũ lắm rồi, tôi đã ở tuổi già từ lâu. Dù có bớt đi hàng chục tuổi, tôi cũng không thể trẻ lại được nữa. Lúc này tôi đang ngồi chữa xe đạp trên hè phố. Nói theo lối tự trào của mấy ông đồng nghiệp vỉa hè thì tôi đang ở “An dưỡng đường”, tức là an dưỡng ở ngoài đường. Tưởng chừng cái kiếp sống bụi bặm đã làm hồn tôi tê dại đi; vậy mà mỗi khi có gió mùa, trong ý thức của tôi, cơn gió từ quá khứ đem thứ hỗn hương của khu vườn thuốc ngày xưa trở về, lòng tôi lại rạo rực không yên. Tôi chưa hề yêu thực sự một người đàn bà để có một cảm giác rạo rực như thế. Khu vườn ấy là tình yêu duy nhất của tôi.
Tên những cỏ cây, những Vọng Giang Nam, Mộc Miên, Túy Vân Thảo, Trường Xuân Hoa,... ngân lên gợi cảm như tên những người đẹp trong tiểu thuyết Tàu. Có cây tên như pháp danh một vị hòa thượng: Thích Thảo Thụ. Lại có tên cây đọc lên nghe bí hiểm rừng rú, gợi đến những hảo hán Sơn Đông: Bâu-thoọc, Slam-lài, Kíp-lầu...
- Nói chữ như ông mày khó nhớ lắm. - Bà ngoại tôi bảo - Tao cứ gọi Lâm Thảo là cây Tù tỳ. Tứ Thời Hoa là gì, thằng Cún có biết không? Nó là cây Cứt lợn. Bà dạy cho mà biết, không có ra đường, mang tiếng cháu ông thày lang mà người ta hỏi, lại đực mặt ra. Lưỡng Diệp là Đậu hai lá. Sử Quân Tử là cây Dây giun. Mã Tiên Thảo là cây Roi ngựa, nhưng đừng nhầm với Xa Tiền Thảo là cây Mã Đề. Còn Hy Thiêm là cây cỏ Đĩ. Cún của bà nhớ chưa? Tôi lắc đầu. Làm sao có thể nhớ được những thứ ấy.
Hai ông bà tôi cộng lại thành bộ từ điển “Hán-Nôm thảo dược” sống.
Bác Hùng, anh cả của mẹ tôi, bị ông ngoại tôi chê là phù phiếm nông nổi, không có căn cốt, tham vọng lớn mà tài mọn, chẳng thể nối nghiệp nhà. Cậu Thụ, em kế sau mẹ tôi thì hấp tấp hồ đồ, cũng không thể theo Y học. Chỉ còn chút hy vọng vào tôi, dù tôi là thằng cháu ngoại. Ông nói về tôi:
- Cây bản mệnh của thằng Sung chỉ để lấy lá ăn gỏi cá; gặp cơn cơ cực dùng tạm quả. Chứ công dụng y thuật thì ít, khả dĩ trị chứng tháo dạ. Sung có vị chát như ổi, nhưng ổi tính bình dùng trị viêm trường vị cấp, còn sung tính hàn, phải cao tay mới dùng được. Thằng này lớn lên tính cả tin, nhu nhược. May có cung Phúc đức không đến nỗi nào. Chuyên tâm thì làm thuốc được.
Vậy mà sau này với y nghiệp, tôi lại là kẻ vô duyên
2.
Vào thời lối sống Âu hoá du nhập và phát triển ở các thị thành, mẹ tôi là một ca sĩ hát tân nhạc ở các tiệm rượu; là diễn viên của một rạp hát có tiếng. Nhiều lần bà hát trên sân khấu Nhà Hát Lớn thành phố.
Cha tôi là thư ký của một hiệu thuốc Bắc ở Hải Phòng. Có chuyện rắc rối gì đó nên cha tôi không được bên nội thừa nhận, và vì vậy tôi cũng không biết ông bà nội là ai. Khi tôi lên bốn tuổi, cha tôi lên chiến khu gia nhập Vệ quốc quân, sau bị sốt rét ngã nước, chết ở trên đó.
Tôi là một đứa trẻ ốm yếu, mấy lần bị lên sởi chạy hậu, rồi ho gà, may có ông ngoại và vườn thuốc, mới sống được
......
Trước mặt tôi và đám trẻ con, chiếc điếm canh bị đốt cháy rừng rực. Mắt bọn trẻ phản chiếu ánh lửa, sáng lên như mắt lũ mèo con. Lão trương tuần bị trói nằm còng queo dưới chân mấy dân quân; lão không cho treo cờ đỏ trên nóc điếm canh đầu làng. Lão bảo cái điếm cũ ọp ẹp lại cao lênh khênh, trèo lên nóc, đổ kềnh mất. Thế là bác Hùng, người đứng đầu dân quân liền ra lệnh trói lão trương tuần lại rồi đốt cái điếm canh đó đi, như là thiêu hủy cái biểu tượng quyền lực của bọn hào mục. Lão trương tuần nằm dưới đất còn cố ngóc đầu lên kêu:
- Đốt đi rồi thì lấy gì làm điếm canh làng. Làm mới thì tiền đâu ra?
- Câm mồm! - Bác Hùng quát lên - Ta lại đốt luôn cả lão bây giờ.
Chúng tôi sợ hãi và vui thích vì sự kiện lạ lùng ấy. Đó là ngày toàn quốc kháng chiến.
Mẹ tôi theo đội văn nghệ cách mạng, đi tuyên truyền lưu động, để tôi lại với ông bà ngoại.
Bác Hùng và cậu Thụ dọn vạt cỏ Xước gần khối núi giả ở góc vườn, mở lò rèn vũ khí. Trai làng đem sắt thép đến rèn giáo, mác, mã tấu; hát hò suốt đêm. Cậu Thụ hứa sẽ rèn cho tôi một cây Đại Vĩ Đao, là tên cây thuốc Vòi voi. Cây đao ấy sẽ có hình cái chỏm cây Vòi voi. Tôi vui sướng quên cả ăn ngủ. Nhưng rồi cậu Thụ gia nhập vệ quốc quân Nam tiến, bác Hùng đi công tác thoát ly, không ai rèn cho tôi cây đại vĩ đao ấy.
Ông bà ngoại và dì Hằng đưa tôi đi tản cư. Ông tôi vẫn hành nghề chữa bệnh lặt vặt bằng cây lá hái ở những nơi đi qua. Như thế, ông đỡ nhớ nghề, nhưng lại nhớ vườn thuốc. Ông chăm chú theo dõi nắng mưa, tưởng chừng nơi ông đang lang bạt thời tiết cũng trùng hợp với quê nhà nơi có khu vườn thuốc. Mưa rào mấy hôm liền, ông lo đám Thục địa bị thối. Nắng dài ngày, ông chép miệng: Mấy khóm Nhị hồng sâm khô cháy mất thôi. Cả những cây khác nữa cũng chết khát dần, đang từng ngày mong ông về.
- Loài thảo mộc cũng có tình đấy. - Ông tôi ngâm thơ, giọng bi hoài, tôi không bao giờ quên:
Nghĩ thương khóm trúc bên khe núi
Vẫn xanh ngăn ngắt đợi ta về... (1)
Ông kể Liêu Trai chí dị. Có cây hương mộc trong khu vườn hoang si mê chàng hàn sĩ đến nỗi hiện hình thành cô gái đẹp cùng chàng kết nghĩa; gặp bao nhiêu trắc trở mà vẫn yêu thương nhau say đắm.
- Liệu cây Đinh Lăng to nhất của ta có còn không? Nó sắp được mười tuổi rồi. Sách nói, để mười năm rễ nó tốt ngang sâm Cao Ly. Nó hơn tuổi cây sung. Cháu phải gọi cây Đinh Lăng bằng anh. ờ,... Anh Đinh Lăng.
Dì Hằng hay đọc truyện thơ Đồi thông hai mộ:
Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ?
Anh của em yêu quý nhất đời...
Dì Hằng là con út, mười bốn tuổi. Nghịch ngợm, bướng bỉnh nhất nhà.
Có đêm ông tôi trằn trọc, thở dài. Sáng ra, ông bảo bà:
- Nói dại, nếu tôi không về được khu vườn thuốc nữa, thì khi thằng Sung làm chủ khu vườn, bà bảo nó đừng trồng cây thuốc gì trên cái khối núi giả ở góc vườn nữa...
Bà hiểu ý ông, thở dài chùi mắt.
Lâm Thảo, Tiểu Lan Tản, Thạch Xương Bồ, Tuý Vân Thảo... vốn sống ở vùng núi phương bắc. Ông tôi đem giống về trồng. Ông thuê thợ lấy đá hộc dựng một giả sơn thật lớn ở phía bắc vườn, trét đất mùn vào khe đá. Những tảng đá tươi bị phá ra từ nguyên khối núi dầu dãi mưa nắng cho hả chất sống sượng, rồi để phong sương lâu ngày, phát sinh khí núi. Những cây thuốc vùng thượng du, được trồng ở kẽ đá giả sơn sẽ thấy như thủy thổ quê chúng.
Ông nghĩ chu đáo thế, nhưng khi đi qua những cánh rừng, trảng cỏ hoang, gặp cây thuốc quen, ông nhận ra khí sắc của những cây ấy tươi tắn tự nhiên, dược chất của chúng cũng thâm thúy hơn, khác biệt với cây cùng giống trồng vườn nhà. Ông thấy thương những cây Lâm Thảo, Tiểu Lan Tản, Tuý Vân Thảo... quê phương Bắc. Nếu còn được làm thuốc, ông sẽ không ép chúng phải sống ngây dại ở một nơi quê giả nữa. Để có những vị ấy, ông sẽ mua ở dạng khô, nghĩa là chúng đã chết, không phải chịu nỗi khổ ly hương.
Cậu Thụ hy sinh ở Nam Bộ. Bác Hùng là cán bộ Việt Minh bị Tây bắt đày ra Côn Đảo. Ông tôi già thêm và càng nhớ vườn thuốc hơn.
Bà tôi xoay ra nghề mổ lợn để sinh sống và để ông tôi khuây khỏa. Được vài bữa, ông bảo: “Lương y cứu nhân độ thế lại thành đồ tể ”, và bỏ cái nghề sát sinh ấy. Ông buồn phiền trầm uất, thành bệnh nặng, rồi mất lúc đang trú ở quê bà ngoại tôi. Sợ loạn lạc mất mộ, bà chôn ông ngay trong khu vườn nhà, dưới tán những cây xoan lâu năm. Các cụ bên bà ngoại tôi nhiều con trai, phải trồng xoan cả khu vườn bốn sào, lo làm nhà cho mỗi người.
Ông tôi mất cuối tháng giêng. Chỉ sau một đêm, hoa xoan phủ kín mộ, một màu tím nhạt cánh nhỏ lấm tấm, mùi thơm hắc. Bà tôi khóc, nói với tôi:
- Cháu ơi. Xoan cũng là cây thuốc như ở vườn nhà mình, chúng nó khóc ông đấy.
... Xoan khai hoa vào tiết Xuân. Căn, bì, diệp, quả đều khả dĩ chế thuốc. Vị đắng. Tính hàn. Chủ trị đau bao tử, thoát vị, viêm bàng quang... Rất độc, nên phải dùng cẩn thận; mỗi thang chỉ ba, bốn đồng cân...
Xoan còn gọi là cây Sầu Đâu (2). Cháu nhớ đấy.
3.
Mẹ về đem tôi đi theo. Đoàn văn nghệ kháng chiến đi khắp vùng Đông Triều, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và sang cả Thái Bình, Hải Dương. Mẹ tôi hát, diễn kịch và diễn thuyết. Tôi nhớ, mẹ đứng trên sân khấu ghép tre nứa và những tấm phản, được soi sáng bằng đèn dầu hỏa; thường chỉ là những ngọn đuốc hay một đống lửa. Khuôn mặt xinh đẹp của mẹ hồng ánh lửa, đầy hứng khởi. Mẹ hô hào tòng quân, đóng thuế nông nghiệp ủng hộ kháng chiến, tổ chức du kích chống giặc càn quét. Khi mẹ tôi hát, chú phó đoàn tên là Trường Kỳ rất đẹp trai, tóc bóng loáng bri-ăng-tin ( thứ mỡ thơm để chải đầu thời ấy) đứng bên cạnh phụ hoạ bằng cây đàn măng-đô-lin. Tiếng đàn chú Trường Kỳ và tiếng hát của mẹ tôi vang xa trong đêm. Hình ảnh đẹp đẽ ấy ám ảnh tôi mãi về sau này, khiến tôi luôn khao khát được trình diễn trước một đám đông ngưỡng mộ, thán phục mình. Và chỉ có hình ảnh ấy mới làm tôi quên đi khu vườn dược vật và những bài thuốc của ông ngoại.
Chú phó đoàn văn nghệ và mẹ tôi yêu nhau. Nhớ lại, tôi thấy thế, nhưng mãi mãi tôi chẳng được biết hết câu chuyện.
Trong ký ức của tôi, ánh trăng chiếu qua lớp sương mù trên cánh đồng mùa đông. Chú Trường Kỳ bế tôi đi bên cạnh mẹ tôi. Gió bấc lạnh buốt. Tôi được ủ ấm trong tấm chăn len, đang thiu thiu ngủ thì bị đánh động rất mạnh. Mẹ tôi dang tay tát vào mặt chú Trường Kỳ và thét lên: “Tôi không làm chuyện dã man ấy. Tôi sẽ đẻ, sẽ nuôi. Tôi sẽ bảo, bố nó là một kẻ hèn nhát phản bội đã bị xử tử.” Chú Trường Kỳ ấp úng nói gì đó, giọng trầm trầm khẩn thiết. Mẹ rít lên qua kẽ răng nghiến chặt, giằng tôi ra khỏi tay chú ấy. Rồi tiếng chân chú Trường Kỳ trên mặt đường đất cứng xa dần, chỉ còn tiếng gió. Mẹ ôm chặt tôi, vùi mặt vào tôi, khóc.
Hai mẹ con cùng bà ngoại và dì Hằng trở về nhà thuộc vùng tạm chiếm. Mẹ tôi ốm một trận rất nặng.
Vẫn trong ký ức mờ mịt... Đêm mưa phùn. Trong cơn mơ, tiếng dì Hằng thì thào với bà tôi: “Con giai. Xinh lắm, mũi cao, môi đỏ. Con chôn gần gốc sung để cây bản mệnh của thằng anh che cho. Tiếc, nhưng cũng là may. Không thì phải lấy mo che mặt ”. Bà tôi chửi dì Hằng: “Chúng mày làm chuyện ác độc. Vô phúc thiểu hồng đức!” Và nhiều câu thậm tệ nữa. Dì tôi làu bàu: “Ai làm chuyện vô phúc? Hỏi chị ấy thì biết. Bó thít như quấn xà-cạp, rồi lại tra sách thuốc, uống hàng rổ ích Mẫu, thì còn gì nữa? ”.
Bà ngoại tôi rên rỉ khóc gọi ông tôi.
Sau này mới biết mẹ tôi làm thế để tránh những rắc rối, để còn tham gia công tác bí mật.
Nơi dì Hằng chôn đứa em trai của tôi, mọc lên một cây khế. Cây khế nhỏ bé nhưng không phải là loại cây còi cọc, mà tươi tốt quanh năm, đẹp như cây cảnh, rồi có quả. Những múi tý hon như thứ quả đồ chơi. Bà tôi sụt sịt: “ Bà hái quả thắp hưong để con siêu thoát, khỏi khổ thân con, con ơi! Cha đẻ mẹ quân ác nhân!” Không biết bà chửi ai.
4.
Ngày chúng tôi trở về, các cây thuốc trong vườn đã chết, bị đánh trộm đi hết cả. Chỉ toàn cỏ gianh với vài cây lớn cằn cỗi và cây sung của tôi.
Cả nhà mất gần một tháng để dọn dẹp khu vườn, chân tay sây sát vì cỏ cứa. Bà tôi trở về trồng lại những cây thuốc. Bà vẫn giữ bảo hãy tạm trồng rau, chờ ngày hoà bình, bác Hùng những sách thuốc dạy cách trồng trọt chăm bón, triết tỉa, chế biến và sử dụng mỗi loại cây. Thỉnh thoảng bà đem sách ra, dấp nước bọt giở từng tờ, chăm chú nhìn từng dòng chữ. Bà chẳng biết một chữ Hán, chữ Nôm hay quốc ngữ. Bà làm thế để những tờ giấy bản khỏi dính vào nhau, không bị mối xông. Và bà muốn nhìn lại những dòng chữ mà ông tôi đã từng đọc, như thể ông đã để dấu mắt trên những trang sách ấy. Những vết quết trầu đỏ của bà ở mỗi góc trang như tín chỉ bảo đảm.
Mẹ và dì Hằng đào hầm bí mật trong vườn để giấu cán bộ về hoạt động. Có kẻ chỉ điểm, bọn lính về lật hầm lên. Nhưng người cán bộ dưới hầm đã luồn theo một ngách khác, thoát ra cánh đồng. Bà ngoại và mẹ tôi bị giam ở sở mật thám mấy ngày, phải bỏ tiền nhờ một người trong họ làm cảnh binh lo lót mới được tha. “Toàn đàn bà trẻ con, đêm ru rú trong nhà, vườn rộng, Việt Minh về đào hầm lúc nào chẳng biết ”.
Năm sau, mẹ tôi lấy chồng. Cũng là để khỏi bị nghi vấn. Chú dượng tôi hơn mẹ tôi một giáp, góa vợ, nhà ở xóm Trại gần cuối làng.
Tôi ở lại với bà ngoại và dì Hằng. Tôi học hết tiểu học, rồi lên trung học. Mẹ tôi vẫn hoạt động bí mật, thỉnh thoảng mẹ bảo tôi xách cái làn đựng hoa quả vườn nhà có giấu tài liệu mật, đem đến một nhà làm vàng hương trong ngõ hẻm trên phố. Người ta lấy tài liệu rồi đưa vàng hương cho tôi đem về. Lúc đó tôi là đứa trẻ con, người lớn bảo làm gì thì làm. ở nhà tôi hát về chiến thắng sông Lô, chống càn giết Tây. Đến trường làm luận văn về đạo đức công dân, tôi viết theo lời thày giảng ca tụng đức Quốc trưởng.
Dì Hằng càng lớn càng xinh đẹp khiến nhà tôi lúc nào cũng đầy các loại khách. Có ông công chức đường bệ, để ria, đeo kính, thắt cravat. Có những chú lính nghênh ngang. Có cả một cậu học trò nghèo gầy nhom dáng vẻ khép nép. Sau, dì lấy một ông quan hai nhảy dù tên là Uy. Bà thở dài bảo đó là số; với lại biết tính dì Hằng, không ai ngăn cản nổi khi dì ấy muốn.
Mẹ tôi tức giận bảo gì Hằng:
- Nó nhảy dù xuống giết cậu Thụ, bắt anh Hùng, mà cô lại lấy nó.
Dì Hằng cười:
- Anh Thụ bị trúng mìn. Còn anh Hùng lọt vào ổ phục kích của Tây, không dính dáng đến anh Uy. Bố mất, vườn thuốc tan hoang. Em lấy anh Uy thì nhà mình mới khá được.
Tôi nhớ, trông ông Uy rất oai, quân phục bóng loáng là phẳng, đội mũ ca-lô màu tím than, ngực gắn đầy những mề đay, phù hiệu gì đó xanh đỏ như bảng màu của hàng thợ nhuộm; còn vai áo đeo những vòng ngù tết bằng chỉ màu trông như một mớ khoá dây xe đạp bây giờ, tôi nhìn rất thích, chỉ muốn dì Hằng lấy ông ấy. Cưới xong, dì Hằng cho bà tôi một cái khăn len “để u quàng làm vườn mùa rét”. Sau, dì tôi theo chồng vào Nam. Rồi vợ chồng dì ấy sang Pháp, bặt tin tức.
Còn lại hai bà cháu. Trồng rau không đủ ăn, bà tôi mở cửa hàng bán các thứ lặt vặt và rượu. Bà nếm náp rượu hàng ngày, đâm ra nghiện. Những đêm trăng vắng vẻ, bà uống rượu say, cười nức lên gọi: “Trúc Sinh ơi! Mã Tiên Thảo của bà ơi!...” Bà gọi tên những cây thuốc ngày xưa theo tiếng Hán như ông gọi. Rồi bà nguyền rủa vắng mặt mẹ tôi và dì Hằng là “Đồ chết đường chết chợ, voi giày ngựa xéo”.
Cuối cùng, bà khóc lên hu hu như đứa trẻ bị đòn.
5.
Thành phố được giải phóng. Phố phường đầy cờ hoa. Đám thiếu nhi chúng tôi múa hát suốt đêm. Mẹ tôi công khai là cán bộ phụ nữ địa phương. Ông chú dượng của tôi thì sợ run, vì ngày trước ông là tiên chỉ trong làng. Ông lo bị coi là đã tham gia chính quyền tay sai của giặc.
Bác Hùng, từ Côn Đảo trở về, là cán bộ mặc áo đại cán bốn túi, là niềm hãnh diện của gia đình tôi. Thấy tôi tập vẽ bộ đội và chim hoà bình, bác đem cho tôi một xấp những tranh cổ động in màu rất đẹp; có cả những tờ đã dán ở đâu rồi được bóc ra còn vết hồ và lớp vôi tường cứng quèo. Tôi vẽ lại theo những tranh đó và trở nên có tiếng tăm trong xã, được bầu làm liên đội trưởng. Nhưng tôi phải trả giá: bác Hùng đã hủy của tôi gần hết tủ sách.
- Toàn những thứ nhảm nhí, có hại. Từ nay, đọc sách, xem phim gì đều phải có ý kiến của bác. - Bác vừa nói vừa lướt qua những cuốn truyện, cau mặt, lắc đầu, rồi vò xé nát cả. “Lỗ Bình - Hiệp sĩ rừng xanh” (Rôbinhut), “Rôbinsơn phiêu lưu ký ”, “ Ông vua mọc tai lừa”,... và những truyện cổ Trung Quốc: “ Chinh Đông ”, “ Chinh Tây ”, “ Phong kiếm xuân thu ”... mà tôi đã say mê đọc suốt thời thơ ấu. Tất cả bị xé nát.
Bác Hùng tức giận thét lên khi đọc một bài luận văn trong cuốn vở cũ của tôi:
- Sung! Sao mày lại gọi tên vua bù nhìn bán nước là đức Quốc trưởng?
Bác đưa mắt tìm cái gì có thể làm roi. Bà tôi phải can thiệp:
- Thày dạy thế nào thì nó phải viết thế. Về nhà lại phụ cho mẹ hoạt động bí mật. Nó học giỏi lắm đấy. Được học bổng hàng tháng. Cuối khoá lại được thưởng bao nhiêu là sách vở. Hai bà cháu túng bấn, học bổng của nó thêm vào mới đủ.
Bác Hùng trách cứ luôn bà tôi về chuyện đã để dì Hằng lấy một tên giặc nhảy dù. Nhưng những bản khai lý lịch của tôi sau này đã viết như bác Hùng dặn: Tôi có người dì ruột đã giúp mẹ tôi hoạt động bí mật trong thời kỳ thành phố bị địch tạm chiếm. Dì tôi lấy một chiến sĩ hoạt động trong hàng ngũ địch. Rồi hai vợ chồng dì tôi nhận nhiệm vụ đặc biệt, đi xa.
Tôi thoát trận đòn, nhưng sách vở bị xé hết.
Cũng trong lần tẩy não cấp tốc ấy, bác Hùng dạy tôi phép xử sự để người ta nể con nhà cán bộ. Bác giả thiết những trường hợp rồi dạy cách đối đáp. Cả nét mặt, thái độ, ngữ điệu, câu chữ, bác cũng chỉ dẫn cặn kẽ.
- Nếu có ai hỏi, thực dân là gì, thì cháu trả lời thế nào? - Tôi nói: “ Là cái dân chỉ chuyên lo chuyện ăn uống”. Bác Hùng cho tôi một cái tát: “Ai dạy mày thế?” - Tôi mếu máo: “ Dì Hằng.” - Bác Hùng quát: “Con Hằng là đồ phản động, vô chính trị. Ngày xưa ông dạy chữ Nho, hỏi,“ Nhân bất học bất tri lý ” nghĩa là gì, nó trả lời “Nguời không học thì không thể thành cụ Lý”. Phải quên những câu bậy bạ ấy đi.” Tôi vừa ngán vừa sợ. Mỗi lần bác Hùng về, tôi lại ra vườn vờ chăm sới cây. Nhưng rồi tôi đã tự nguyện thụ giáo môn ứng xử và hùng biện của bác ấy. Sau này khi tôi đứng nói thành thạo trước đám đông, bác Hùng coi đó là một thành công của mình.
Những cuốn sách tôi đã đọc, bị bác Hùng xé đi, cũng giúp tôi nói năng lưu loát, văn hoa khiến tôi dược coi là người thông kim bác cổ, là con nhà nòi, được thừa hưởng tài năng của mẹ và ông bác.
...........
Đống lửa trại rừng rực cháy sáng khắp sân đình, tôi độc tấu, kể chuyện, diễn cảm thành thạo làm mọi người thán phục. Nhưng có lần, một cơn gió mạnh làm những bông hoa gạo rơi lộp độp xuống đống lửa, tàn than hồng rực bay lên. Hoa gạo cháy, mùi thơm ngọt sực nức như mùi thứ bánh nướng thượng hạng. Tôi đứng ngây ra. Đó là lần duy nhất tôi diễn hỏng. Tôi quên đoạn độc tấu tiếp theo, nhưng lại nhớ tới bài thuốc của ông ngoại:
Cây Gạo - Tên khác: Mộc Miên - Thường mọc hoang ven sông, bên đường - Vị hơi ngọt - Tính ôn - Chủ trị: Đồng phối với các bài thuốc chữa xương cốt. Hoa dùng thay trà thanh nhiệt.
6.
Vợ bác Hùng là nhân viên tạp vụ ở nhà Thông tin thành phố. Hai vợ chồng ở nhà tập thể. Bác Hùng xin cho tôi học nội trú trường trung học Văn hoá. Còn một mình bà tôi với khu vườn rộng. Bác Hùng bảo bà bán vườn lên trông con bánc ấy, nhưng bà tôi không nghe. Gian nhà tập thể gần hai mươi mét vuông bày làm sao được một chục bát hương? Bác ấy sẽ phế bỏ hết, thì phải tội. Bà còn thờ phụng tổ tiên, không đi đâu cả.
Bác Hùng nhăn nhó với tôi:
- Cái khó nhất là ta không chiến thắng nổi bản thân ta và những người thân của mình. Thế thì mãi mãi ta ngụp lặn trong vũng bùn lạc hậu.
Làm sao bà tôi có thể rời bỏ ngôi nhà và khu vườn ấy. Những đêm trăng, bà lần mò ngoài vườn trò truyện với cỏ cây. Bà mắng cây bưởi: “Cha bố cô, cứ tưởng là điếc, cuối mùa rồi mới cho người ta mấy quả ranh bằng nắm tay” Bà nựng cây mít: “Cậu Mít ơi. Cậu buông tuồng quá thể. Con cái như sung thế này thì còi cọc cả mất thôi. Bà tỉa hộ cậu một ít nhá. ” Cây bản mệnh của tôi được chiều chuộng nhất. Cây sung có những cành là là mặt ao, bọn trẻ như tôi hồi bé hay trèo lên rung rinh làm ngựa rồi nhảy ùm xuống nước. Bà cấm trò đó. Nhà nào xin lá ăn gỏi cá phải theo chỉ dẫn của bà.
Có năm vỡ đê biển, nước mặn ngập băng ruộng vườn đến một tháng mới rút, để lại lớp muối trắng mặt đất. Ao hồ nhiễm mặn. Bà tôi phải lên phố gánh nước máy về ăn. Bác Hùng về bảo đào giếng. Bác áp dụng khoa học gì đó mà bác đã hướng dẫn cho nhiều nơi khi đi nói chuyện về khắc phục thiên tai. Bác xoạc cẳng dang tay đo đạc tính toán một hồi, úp mấy cái bát xuống mặt đất để qua đêm, rồi quyết định đào một lúc hai cái giếng ở hai nơi. Bác bảo giếng có nước tốt để ăn uống, kém hơn để tưới cây. Chúng tôi hì hục ba bốn hôm được hai cái giếng sâu ngập đầu người, một cái nước ngang ống chân, cái kia nước ít hơn; cả hai đều mặn như nước muối. Bà tôi lầu bầu: “Khoa với chả học. Nát hết cả vườn”.
Cây cỏ trong vườn chết cả, chỉ còn cây sung bản mệnh của tôi với cây khế, nơi dì Hằng chôn thằng bé em tôi bị sẩy, vẫn tươi tốt. Bà bảo hai cây ấy sống sót là có rễ ăn xuống lớp đất có mạch nước ngọt. Cũng là điềm nhà này không đến nỗi tuyệt diệt. Bà thuê người đào giếng gần gốc sung. Có nước ngọt, mà lại nhiều; hàng xóm sang xin hàng ngày vẫn đủ.
Bà tôi cuốc nạo lớp muối mặn mặt vườn, trồng vội những luống khoai lang, sắn tầu,... để chống đói. Bác Hùng và mẹ tôi thỉnh thoảng về lấy khoai sắn. Rồi khoai sắn cũng không kịp có củ, chúng tôi phải ăn lá khoai lang, rau tập tàng, lá sắn, củ chuối, và rong dưới ao. May mà trận đói cũng qua.
Bà tôi uống say rồi ra làm cỏ vườn giữa cơn mưa rào, bị cảm gió, quỵ ngã đập ngực xuống đất, thổ huyết. Tôi kịp về đưa bà đi bệnh viện huyện.
Bà đuổi bác Hùng và mẹ tôi ra ngoài, rồi ôm chặt cánh tay tôi khóc:
- Bà muốn sống nữa để lo vợ cho cháu. Nhưng không được rồi... Cháu cố trồng lại vườn thuốc... làm nghề cứu nhân độ thế... Giá mà còn ông... còn vườn thuốc... thì thế nào ông cũng chữa khỏi cho bà. Cảm nhập tâm, cao huyết áp... ông chỉ dùng Xa Tiền Thảo tức là Mã Đề ấy, với Từ Bi Xanh chữa là khỏi...
Bà tôi hiền lành nhân hậu, sinh ra để làm vợ một thày lang như ông ngoại của tôi, trợ giúp ông làm chuyện phúc đức.
Bà mất vào ngày rằm tháng tám. Đúng mùa quả của cây Từ Bi Xanh.
Từ Bi Xanh thường mọc ở các trảng cỏ, ven rừng. Vị: Cay, đắng - Tính: Khinh hàn - Công dụng: Trừ phong, tiêu sưng, hoạt huyết - Chủ trị: Cảm mạo, chấn thương. Từ Bi Xanh còn có tên là Đại Bi. (3)
Tôi cũng biết vài chữ Hán do ông ngoại dạy truyền khẩu. Không hiểu “Đại Bi” trong lời chúng sinh khẩn cầu đức Phật, đấng đại từ, đại bi, hay Đại Bi là “nỗi đau thương lớn”?
Khu vườn hoang phế, chỉ còn vài vạt rau cằn và những loại cây linh tinh tự mọc. Cây sung bản mệnh của tôi và cây khế chịu đủ mọi tật ách sâu bệnh, úng lụt, khô hạn, nhưng vẫn sống. Mẹ tôi gửi khu nhà bên xóm Trại cho người bà con chú dượng tôi, rồi đưa cả nhà đến ở trông nom khu vườn.
7.
Tôi học xong trung cấp Văn hoá, bác Hùng xin cho tôi về làm nhân viên phòng Thi đua của cơ quan bác ấy.
Những cuộc học tập toàn ngành, những buổi nói chuyện chuyên đề với các cơ quan đơn vị khác, bác Hùng cho tôi phụ tá. Tôi dần dần say mê cái không khí hội trường với tiếng rú rít của micro, giọng nói sang sảng hùng hồn của bác tôi và tiếng vỗ tay hâm mộ ào ạt như sóng. Về môn đăng đàn diễn thuyết, tôi coi bác Hùng là sư phụ, là thần tượng của mình.
Ông giám đốc của cơ quan tôi ốm lừ khừ gần một năm rồi chết. Người ta bảo là chết già. Không rõ ông bao nhiêu tuổi. Ông thường ngày sắc uống những thứ lá lẩu gì đó, và trong cuộc họp ông hay quài tay ra sau đấm lưng, ho tấm tức làm người ngoài bứt rứt cứ muốn ho ầm lên.
Một ông ở ngành khác được cử về thay thế. Bác Hùng kịch liệt phản đối cấp trên và ra mặt đấu đá với ông giám đốc mới. Đáng lẽ cái chức giám đốc phải là của bác ấy, một phó giám đốc đầy tài năng. Dĩ nhiên tôi đứng về phe bác Hùng tôi.
Ông giám đốc mới tên là Trần Trọng Thưởng, trẻ hơn giám đốc cũ, nhưng tóc cũng đã bạc. Một hôm, ông gọi tôi vào phòng làm việc. Chắc là ông ta sẽ cảnh cáo tôi vì tội đứng bên cạnh bác Hùng chống phá ông công khai trong các cuộc họp. Tôi căng người chuẩn bị phản ứng. Ông Thưởng giương cặp kính cận thị dày nhìn tôi chằm chằm. Tôi bình tĩnh làm theo lời bác Hùng dạy: “Khi phải đấu nhãn lực với một đối thủ mạnh, ta khép bớt mí mắt để hạn chế sự áp đảo của đối phương và cố làm ra vẻ khinh bỉ để phù hợp với cặp mắt lim dim. Đối thủ sẽ nể sợ ta hoặc sẽ tức giận mất bình tĩnh sáng suốt. Nếu đó là cấp trên của ta và là cuộc quyết đấu thì hãy coi là lần đấu cuối cùng, hoặc là ta thắng hoặc sẽ chuyển đi nơi khác. Làm như vậy sẽ chế ngự được nỗi sợ hãi.”
Đột nhiên ông Thưởng đập bàn, quát lên:
- Đồ ranh con! Ai dạy mày cái kiểu nhìn khinh thường cha chú như thế hả, Sung?
Tôi giật mình, đứng ngây ra. Trường hợp này bác Hùng không dạy. Một lúc sau, ông Thưởng vẫn chăm chú nhìn tôi, ánh mắt thân thiết:
- Cháu cao lớn quá, mãi chú mới nhận ra. Thế mà hồi chạy Tây càn, chú vẫn bế mày bằng một tay, còn một tay xách va-li cho mẹ mày.
Tôi vẫn không hiểu gì cả.
- Ngồi xuống. - Ông mở ngăn kéo lấy ra gói bánh bít-quy. - Ăn bánh đi. Em cháu bây giờ thế nào?
Chú Trường Kỳ, phó đoàn văn nghệ ngày trước, người mà mẹ tôi đã tát giữa cánh đồng vào cái đêm đông chú bế tôi trên tay. Hồi ấy, cán bộ ai cũng dùng bí danh để hoạt động. Mẹ tôi có bí danh là Thu Tâm. Bác Hùng thì là Mạnh Hùng từ hồi còn ở làng; còn tên thật là Lâm.
- Em cháu thế nào? - Ông Thưởng nhắc lại.
- Cả hai đứa ở với mẹ cháu và chú dượng. Chúng nó đang học cấp hai.
- Mẹ cháu đẻ đứa lớn nhất bao giờ? - Ông hơi nhổm người trên ghế để ghé sát tôi hơn.
- Mẹ cháu lấy chú dượng cháu được hơn một năm thì đẻ đứa thứ nhất.
Ông ngồi phịch xuống, lấy thuốc hút, mặt buồn rười rượi. Tôi hiểu. Ông muốn biết về đứa bé đã chết, chôn trong vườn nhà tôi. Đó là chuyện cũ của những người cũ. Những người khốn khổ!
Bây giờ ông là bậc cha chú thân tình. Tôi không nghĩ đến chuyện đấu đá nữa. Và cũng chẳng cần giữ sĩ diện, tôi ngồi xuống lấy một chiếc bánh ăn. Chiếc bánh rất đẹp, mùi bơ sữa thơm ngon. Lúc đó bánh kẹo hiếm, nhất là loại chỉ dành để tiếp khách quốc tế, mà tôi thì thèm của ngọt từ bé.
- Trông mày ăn của ngọt vẫn ngon lành như ngày xưa. Hồi ấy, mỗi lần về hoạt động vùng tề trở ra, chú đều thủ cho mày mấy gói súc-cù-là, tức là kẹo sô-cô-la ấy. Tiếc là bây giờ thứ ấy không có để chú đãi cháu.
Tôi thấy thương ông, một người đã từng bế tôi trên tay. Tôi trở lại là một đứa trẻ với suy nghĩ buồn cười về ông: Ngày xưa ông bị mẹ tôi tát, bây giờ thì bị bác Hùng đá, vậy mà ông ấy vẫn yêu quý tôi.
Thời của ông và mẹ tôi thì chuyện của hai người là rất trọng đại có thể dẫn đến cái chết vì nhục nhã. Ông đã không đủ sức vượt qua.
Tôi nói:
- Hôm nào chú đến nhà cháu chơi. Cháu sẽ báo mẹ cháu về gặp chú. Còn... thằng bé em cháu mà chú hỏi ấy... Nó chết khi chưa ra đời.
Mặt ông Thưởng tái nhợt. Một lúc lâu sau ông nói:
- Thằng bé... Con trai... Mẹ cháu đã bảo là sẽ đẻ, sẽ nuôi.
Chúng tôi ngồi lặng đi một lúc. Rồi ông Thưởng nói khẽ:
- Cầm thêm ít bánh kẹo nữa về cho các em. Đừng nói gì với mẹ cháu.
Chú sẽ tính sau.
Tôi cầm gói bánh kẹo, đứng lên. Ông Thưởng quay mặt ra phía cửa sổ, hình như để giấu giọt nước mắt sắp trào ra. Nhưng giọng ông bình thường:
- Chuyện bác Hùng với chú... Cháu đừng tham gia làm gì, chán lắm. Để sức làm những việc có ích. Chú sẽ giúp cháu phấn đấu theo một hướng khác, tốt hơn.
Tôi lí nhí “Vâng ạ”. Và tôi quyết định rút ra khỏi cuộc đấu đá.
8.
Bác Hùng phong thanh biết chuyện. Bác gật gù khoái trá, bảo tôi:
- Mày làm đơn tố giác tội hủ hoá của hắn.
Tôi lắc đầu:
- Làm thế hại cả mẹ cháu. Mà chuyện cũ rích rồi.
- Đồ ngu. Chuyện từ mấy đời cũng lôi ra xử trí được. Giả dụ cụ cố nội hắn là quan lại của triều đình phong kiến giúp Tây đàn áp nghĩa quân Bãi Sậy hay Đề Thám thì bây giờ cũng phải bắt hắn đền tội. Phải hạ gục hắn. Tao Giám đốc thì mày Công đoàn rồi sẽ phó giám đốc.
Thâm tâm tôi muốn bảo vệ ông Thưởng:
- Cháu nghĩ, nên thôi chuyện này. Nếu vỡ lở, bên Hội Phụ nữ sẽ kỷ luật mẹ cháu. Bác cũng mang vạ vì có em gái hủ hoá. Mà cháu sẽ chẳng phấn đấu gì được khi có mẹ như thế.
Bác Hùng lồng lên tức tối:
- Thằng hèn. Đời mày còn dài, còn phải tranh đấu nhiều mà đã hèn quá sớm. Đánh hắn gục rồi sẽ có cách đỡ đòn cho phía nhà mình.
Bác Hùng tự mình làm đơn tố giác ông Thưởng. Nhưng cấp trên cho là chẳng có chứng cứ gì, với lại phải bảo vệ uy tín đội ngũ cán bộ. Bác Hùng bận rộn với đơn từ khiếu tố suốt một năm; đến cuối năm bác bị cắt lao động tiền tiến vì phụ trách thi đua mà không tổ chức được phong trào gì trong cơ quan. Năm sau bác tiếp tục đơn từ và vẫn không có kết quả.
Bác Hùng xin nghỉ công tác và được chấp thuận ngay. Bác chỉ được hưởng khoản phụ cấp ít ỏi. Vợ làm tạp vụ, lương thấp; bác phải làm nghề câu cá để nuôi hai con ăn học. Bác giận tất cả mọi người, trong đó có tôi. Một lần tôi đạp xe đi tìm bác bàn chuyện giỗ bà ngoại, thấy bác đứng dưới đầm cỏ lăn, nước ngập quá đầu gối, tay vung cần câu, thoăn thoắt guồng dây cước, miệng thỉnh thoảng “chẹp-chẹp”. Mái tóc bạc quá nửa lắc lư theo nhịp cần câu. Tôi đứng trên bờ bàn chuyện giỗ bà, bác không buồn nhìn tôi, chỉ ậm ừ.
Tôi thấy thương bác Hùng như đã thương ông Thưởng.
Bây giờ cả ngày bác đứng dầm chân trong bùn nước rong rêu, luôn miệng “chẹp chẹp” dẫn dụ lũ cá. Tiếng chẹp chẹp như tiếng chép miệng nuối tiếc làm tôi nhớ đến sự tích Thạch Sùng, Vương Khải. Bác tôi không bao giờ còn được đắm mình trong không khí tưng bừng của thế giới ngôn từ và không bao giờ còn được nghe tiếng vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt nữa. Đó là nỗi đau khổ lớn.
Ông Thưởng giao cho tôi phụ trách công tác phong trào của toàn ngành. Tôi đã quen với việc thường ngày đăng đàn diễn thuyết trước sự thán phục ngưỡng mộ của đám đông. Nếu chẳng may một ngày kia tôi bị rơi vào tình cảnh của bác tôi bây giờ?
9.
Trong đám giỗ bà tôi, bác Hùng lên tiếng đòi chia nhà và khu vườn. Tôi bị gạt ra rìa, vì là cháu ngoại, mặc dù trước khi chết bà tôi trối lại rằng con cháu phải cố giữ lấy ngôi nhà ngói cũ làm nơi thờ cúng, cố giữ khu vườn đã từng là vườn thuốc và đã mấy phen cứu đói cho cả nhà. Bà còn bảo, thằng Sung cũng có phần trong đó để sau này nối nghiệp ông ngoại, trồng lại những cây thuốc.
Mọi người ồn lên. Chú dượng tôi im lặng ngồi ăn với vẻ sợ hãi cố hữu.
Chú dượng của tôi, trước là con nhà phú nông bỏ tiền ra mua chức Tiên chỉ. Vì ông có giọng tốt và đánh trống chầu rất giỏi, thường giao du với đám phường chèo, con hát nên được các đàn anh trong làng giao cho chủ sự việc cúng tế. Khi giải phóng, ông lo sợ bị khép tội làm tay sai cho địch nên luôn khúm núm lễ độ với tất cả mọi người trong làng. Trong nhà, ông rất nể sợ mẹ tôi, vì bà là cán bộ phụ nữ. Có lần, tôi đọc thấy cuốn vở có bản tự khai tội trạng của ông, chữ nắn nót bằng mực tím:
Kính thưa các ông chính quyền. Con tên là Trương đình Tiếu, nguyên là Tiên chỉ làng Hoàn Khê. Con xin thành khẩn khai báo những việc con đã làm trong các kỳ cúng tế, lễ, tết trước kia của làng, kể từ tháng Hai năm Nhâm Thìn cho đến tháng Chín năm Giáp Ngọ, tức là từ Février 19... cho đến Septembre 19... là khi con đương nhiệm chân Tiên chỉ, chứ sau đó thì con đã thôi, chỉ được gọi là Tiên cựu...
Tôi đưa cho mẹ tôi xem. Mẹ tôi tức giận xé tan cuốn vở, nhưng không nói gì khiến chú dượng tôi càng sợ hãi. Ông nghĩ tội mình quá lớn, muốn ăn năn cũng không được.
Nhưng cũng có lúc ông quên khuấy cái tội tày đình ấy. Đó là lúc ông vui đùa cùng hai đứa em tôi.
Một lần tôi đến chơi, thấy ông đang diễn cảnh tế lễ ngày trước.
Ông và một thằng em tôi quỳ trên chiếc chiếu hoa rách thủng, hai bàn tay đan nhau chắp trên trán, kính cẩn. Ông gân cổ kêu lên: “Hương...ơ...ơ...ơ...Bái...i-i-i!!!... Tùng-Tùng-Tùng...Bi-li...i-i-i... Tùng-Tùng-Tùng-Tùng...” Hai bố con thì thụp đứng lên quỳ xuống, tiến lùi, quay bên phải, bên trái từng bước trang trọng diệu vợi theo nhịp chiêng trống mồm của ông. Rồi ông nghiêm giọng trịnh trọng: “ Dạ,... để xin rước cụ Lý vào hậu cung làm lễ bái thần hoàng làng... Ơ... Bái... Bái...i-i-i!!!...Tùng-Tùng-Tùng... Bi-li...i-i-i...” Thằng em thứ hai của tôi đóng vai Lý trưởng, khệnh khạng bước ra chiếu.
Tôi đang đứng ngoài hè nhịn cười để xem, thì mẹ tôi về. Bà nổi giận đùng đùng trước cái trò phong kiến hoá lũ trẻ. Bà cầm quai túi vải quật túi bụi vào “ba vị chức sắc của làng”. Hai đứa trẻ vừa chạy trốn vừa cười như nắc nẻ. Còn chú dượng tôi vẫn nằm phủ phục chịu đòn trong một thế bái dở dang, như để giấu mặt đi vì lo sợ, vì xấu hổ nữa. Khi mẹ tôi hả cơn giận, ông chống tay vào đầu gối đứng lên, vẫn tuần tự theo động tác hành lễ. Mắt ông ươn ướt, miệng cười gượng.
Chú dượng tôi tưởng nhớ lại thời vàng son hoan hỷ của mình.
Mở đầu chuyện chia tài sản, bác Hùng cất giọng gây sự:
- Vợ chồng tôi sẽ bỏ nhà tập thể về ở nhà này, ý cô chú thế nào?
Mẹ tôi im lặng, cau mày suy tính. Chú dượng tôi ngồi im thin thít, thậm chí ông đặt cả bát đũa xuống mâm, thu tay vào lòng với vẻ thành kính.
- Thế nào? Sao cứ như ngậm hột thị thế kia. Cô chú không bằng lòng hả? - Chờ lâu, bác Hùng nổi nóng, quát to. Chú dượng tôi giật mình, sợ hãi, rồi ông kính cẩn:
- Dạ không, em đâu dám. Việc này hai bác với mẹ cháu cứ định đoạt. Chúng em vẫn còn túp nhà với mảnh vườn bên xóm Trại, dọn về lúc nào cũng được ạ.
- Đây là nhà của bố mẹ tôi. - Mẹ tôi cũng quát: - Tôi không đi đâu cả.
Vợ bác Hùng lên tiếng. Bắt đầu cuộc khẩu chiến nhà đất. Tôi cũng nổi xung, đòi phần, bảo, không thể theo kiểu phong kiến hủ lậu phân biệt con trai con gái, cháu ngoại cháu nội. Rằng tất cả phải bình đẳng. Những điều ông bác dạy đã được tôi đem ra đối đáp với chính ông.
Cuối cùng phải nhờ một ông chú họ cao tuổi đứng ra giải quyết. Khu vườn chia làm hai nửa. Mẹ tôi và tôi được nửa non. Bác Hùng được ngôi nhà và nửa già khu vườn. Cây sung và cây khế thuộc nửa vườn bác Hùng. Rất may bác Hùng không hề biết gì về hai cây ấy nên vẫn để nguyên, không chặt cho bõ ghét như tôi lo ngại.
Năm sau, có cơn bão lớn, mất mùa đói kém, và thêm chuyện vợ bác Hùng thường chửi đổng cạnh khóe, nên mẹ tôi bán nửa vườn đó, rồi dọn về nhà cũ ở xóm Trại. Tôi không được gì và cũng không thể đòi gì được, vì lương mẹ tôi thấp, chú dượng tôi thất nghiệp lại có tật đánh bạc vụng và hay đóng góp cúng giỗ trong họ tộc, nên nhà mẹ tôi phải vay mượn nhiều, bán thửa vườn đó chỉ đủ trả nợ. Tôi lên ở nhà tập thể. Những ngày giỗ ông bà ngoại, tôi về nhà bác Hùng, bất chấp sự lạnh nhạt khó chịu của vợ chồng bác ấy. Tôi muốn được nhìn lại khu vườn.
Nhưng rồi những dịp ấy cũng thưa dần. Tôi tự thấy đó là chuyện lẩn thẩn. Khu vườn nào mà chẳng thế. Tội gì phải chuốc phiền toái vào người.
Tôi say mê với công tác tổ chức phong trào, rồi đi học hàm thụ cao cấp.
Ông Thưởng chăm chút từng bước đi của tôi. Mỗi lần nói đến chuyện cũ ở đoàn tuyên truyền lưu động, ông như mềm nhũn ra. Khi tôi kể về cái đêm mưa dầm, dì Hằng chôn đứa con ông ngoài vườn như thế nào và về cây khế mọc trên mồ thằng bé, ông ôm mặt khóc rất lâu. Nhưng trong công tác, ông là người ghê gớm, quyết đoán và rất nhiều mưu lược. Những thế lực chống đối ông lần lượt bị bẻ gẫy.
Ông Thưởng và mẹ tôi không hề gặp lại nhau nữa. Họ sợ “ảnh hưởng đến sự tiến bộ” của mình hay vì chuyện gì đó. Nhưng tôi chắc không phải họ sợ những tình cảm xưa sống lại, vì cả hai đã thành những người khác rồi.
Tiếng bước chân ngập ngừng xa dần của chú Trường Kỳ và tiếng nức nở của mẹ vào cái đêm mùa đông trên cánh đồng khuya khoắt ngày ấy có còn vang trong ký ức của hai người?
10.
Ông Thưởng được đề bạt lên chức vụ cao hơn. Bằng quyền lực của mình, ông truyền lại chức giám đốc cho tôi, chỉ cho tôi chứ không cho ai khác, mặc dù số người muốn thế chân ông không dưới một chục, và trong số ấy có những người hơn tôi mọi mặt. Ông đã vì tôi mà khẳng khái tuyên bố rằng nếu không phải là tôi lên làm giám đốc thay thế ông thì ông sẽ không đi đâu cả, dù là lên cấp trung ương. Tôi đã kế tục ông Thưởng, lãnh đạo ngành của tôi hoàn toàn theo cách của ông và cả theo sự chỉ đạo từ trên của ông.
Ở cương vị mới, ông Thưởng là một quan thày tận tình đối với tôi, là chỗ dựa và niềm vinh dự của tôi. Ông theo dõi việc làm của tôi. Gặp chuyện nan giải tôi đều xin ý kiến của ông. Những việc của ông có liên quan đến cấp tôi phụ trách, tôi không từ nan, làm vượt yêu cầu của ông. Chúng tôi là cặp thày trò mật thiết nổi tiếng trong toàn ngành. Đến nỗi có những người ở cấp cao muốn được ông giúp, phải vòng xuống dưới nhờ tôi. Ông và tôi xưng hô “bố”, “con”. Và chúng tôi đã có những vụ làm ăn chung đặc biệt.
Tôi cưới một cô giáo cấp hai, dạy môn Lịch sử, không xinh lắm nhưng là một phụ nữ mạnh mẽ có bản lĩnh. Sau tôi mới hiểu, tôi thích sự hoạt bát sôi nổi của cô ấy trước học sinh, chứ không phải là Tình yêu. Ông Thưởng tán thành sự lựa chọn của tôi. Ông Thưởng gửi tặng phẩm rất hậu, nhưng không về dự đám cưới. Ông ngại gặp lại mẹ tôi. Chúng tôi thừa tiền mua nhà mới, nhưng ông Thưởng khuyên cứ ở tập thể một thời gian để tránh điều tiếng.
Mùa đông năm ấy, khi vợ tôi sinh đứa con đầu lòng thì mẹ tôi qua đời. Lúc sắp mất, mẹ bảo tôi gọi ông Thưởng. Nhưng tôi chưa kịp báo thì không hiểu bằng cách nào ông Thưởng đã biết và tìm đến bệnh viện. Tôi kéo ông chú dượng ra ngoài hành lang để hai người gặp nhau lần cuối cùng. Chú dượng cũng lờ mờ biết chuyện, nhưng cho đến lúc ấy ông vẫn nể sợ mẹ tôi, không dám tỏ ý bất bình. Thậm chí ông còn có vẻ hãnh diện với những người xung quanh khi nghe họ xì xào: “Bà này chắc cũng làm to lắm nên đến ông Trần Trọng Thưởng cũng về thăm”
Khi chúng tôi trở lại phòng bệnh thì mẹ tôi đã chết, ông Thưởng quỳ bên giường cúi gục mái đầu đốm bạc, áp môi vào bàn tay khô héo của mẹ tôi, như hình ảnh trong một tiểu thuyết tình lãng mạn.
Chú dượng tôi đến lúc đó mới thắng được nỗi sợ hãi, gạt ông Thưởng ra, sẵng giọng: “Ông làm đau bà ấy nhà tôi.” Rồi ông cũng quỳ xuống thay chỗ ông Thưởng, ôm lấy thân hình lạnh ngắt của mẹ tôi, khóc lên ồ ồ.
- Mẹ giao con cho bố. - Ông Thưởng nói khẽ với tôi. Mắt ông đẫm nước, giọng nghẹn lại như trong cái đêm ông bế tôi trên tay giữa cánh đồng mùa đông. Tôi nhớ lại lời bà tôi trước khi mất. Giá còn ông ngoại, còn vườn thuốc, có khi mẹ tôi sẽ qua khỏi. Mẹ bị viêm thận. Có bài thuốc chữa bằng cây ích Mẫu. Mẹ đã từng sắc uống hàng rổ cây ích Mẫu, như tôi đã nghe thấy dì Hằng thì thào với bà tôi vào cái đêm chôn cất đứa em nhỏ của tôi.
Cây ích Mẫu. Tên khác: Sung úy Thảo. - Vị: Đắng, cay. - Tính: Khinh hàn - Công dụng: Bình can, giáng huyết áp. - Chủ trị: Cao huyết áp, viêm thận. - Biệt chú: Đàn bà có thai cấm dùng.
Sau khi mẹ tôi chết, ông Thưởng cho tôi tham dự những vụ làm ăn rất lớn. Tài sản riêng của tôi tăng gấp bội. Ông đã theo lời ủy thác của mẹ tôi, trở thành người cha đích thực của tôi.
Nhưng đúng vào lúc tôi ở trên đỉnh của sự thành đạt mãn nguyện thì bị đốn gục như một cây đại thụ bị sét đánh gãy bất ưng.
Trong một vụ làm ăn lớn của chúng tôi bị bại lộ, ông Thưởng đã bán đứng tôi để thoát thân. Tôi bàng hoàng đến mức không thể chống đỡ được gì. Chuyện kể ra sẽ rất dài dòng. Đại loại như mọi nước thí tốt của các ông trùm khi nguy khốn. Do lòng tận tuỵ và trung thành một cách ngu xuẩn của tôi, nên đến phút chót, ông Thưởng cũng tìm cách gỡ cho tôi không phải đi tù, nhưng vẫn chịu án treo, khai trừ Đảng và bị buộc thôi việc trước tuổi hưu bốn năm, với hai bàn tay trắng, với cô vợ giáo viên dạy Lịch sử trường cấp hai và hai đứa con còn đang đi học.
May mà mẹ tôi không phải chứng kiến việc người yêu cũ của bà hại con trai mình như thế nào.
Bác Hùng túng bấn quá cũng phải bán ngôi nhà và khu vườn cũ cho chính người đã mua nửa vườn của mẹ tôi. Trước đó, ông đã làm cho khu vườn tang thương thảm hại. Ông dỡ hòn giả sơn nung vôi bán. Đào ao lấy đất đóng gạch, đắp lò nung ngay trong vườn, làm xém hết cây cối. Rồi thả cá chắm cỏ; xây bể nuôi lươn, ba ba; làm một dãy chuồng nuôi chim cút... Chẳng đâu vào đâu. Ông vẫn nghèo, còn khu vườn như bị ném bom.
Sau, bác Hùng dựng nhờ một ngôi nhà nhỏ trên miếng đất vườn của chú dượng tôi bên xóm Trại hẻo lánh.
Tôi đã tính chuộc lại khu vườn thuốc từ lâu, nhưng vì bận rộn nên cứ nấn ná, cho đến khi gặp nạn, bao nhiêu tiền của tích cóp được đem lo lót chạy chọt, rồi bị tịch thu hết. May mà tôi được ở lại gian nhà tập thể.
Khu vườn thuốc và những gì của ngày xưa chỉ còn là những vết mờ nhạt trong trí nhớ của tôi.
11.
Ông Thưởng về tìm tôi. Ông đi xích-lô, không thấy có ô-tô như trước. Tôi đang chất bếp than, sắp nấu nồi canh cua bán cho các nhà hàng xóm. Không đợi mời, ông Thưởng ngồi xuống chiếc ghế nhựa bên cạnh tôi đang phành phạch quạt bếp. Chúng tôi im lặng. Trước đó tôi đã ước ao một cuộc gặp như thế này và đã sắp sẵn những lời nhục mạ cay độc đối với ông. Nhưng bây giờ tôi lại không nói được gì.
- Tha tội cho bố. - Ông Thưởng nói, vẫn giọng trầm ấp úng của chú Trường Kỳ khi bế tôi trên tay đi giữa cánh đồng đầy gió bấc. - Bố vẫn tìm cơ hội gỡ cho con, nhưng bố bị miễn nhiệm rồi. - Phe lão Dĩnh tìm được “tử huyệt” của bố do hai thằng con rể của bố không biết kiềm chế. Bây giờ bố đang bàn giao công tác, nhưng vẫn có khả năng giúp con chút ít về tài chính.
Ông lẩm bẩm như người đang cúng khấn. Tôi vẫn lo nhóm bếp, giã cua nấu canh, nghe bập bõm chuyện của ông.
Hai gã con rể ỷ thế bố vợ làm tiếp cái vụ động trời mà tôi đã mang vạ. Việc hỏng hẳn, hai gã đều thân bại danh liệt và kéo cả bố vợ chìm tàu theo. Vì nể cương vị của ông nên người ta không làm to chuyện. Nhưng của thiên trả địa. Ông Thưởng chỉ có hai con gái. Ông còn ít tiền, tính trở về thành phố này dưỡng già, để khỏi hàng ngày nhìn những bộ mặt đắc chí của những kẻ đã hạ gục ông.
Nhìn thân hình bạc nhược, võ vàng, tôi nghĩ là ông nói thật.
Tôi đã định bảo chuyện ấy chẳng còn liên quan gì đến tôi nữa, xin ông sớm đi khỏi nhà tôi, vì sắp đến giờ vợ con tôi về; chúng sẽ nổi giận làm toáng lên thành trò giải trí bất đắc dĩ cho đám “quân” cũ của tôi, và của cả ông nữa. Nhưng tôi không nỡ. Lòng tôi dịu lại, và tôi chợt nghĩ ra một điều:
- Chuyện đã rồi, chẳng thay đổi được. Bây giờ con có một ước muốn đơn giản, nhưng sức cùng lực kiệt.Chẳng biết bố có thể giúp con được không.
Mặt ông Thưởng tươi lên, cặp mắt kính lấp lánh:
- Con cứ nói. Dù khó đến đâu, bố cũng sẽ cố.
- Con muốn xin bố ít tiền để chuộc lại khu vườn của ông bà ngoại. Đất rộng gần nửa mẫu nhưng là vùng quê hẻo lánh nên không tốn mấy. Con muốn đưa bác Hùng về lại đấy, bây giờ bác ấy khổ lắm. Chúng con cũng sẽ về đấy. Cả bố nữa, bố cũng nên về khu vườn ấy với chúng con. Ta sẽ quên chuyện cũ, như quên một cơn ác mộng. Ta sẽ trồng lại vườn thuốc, làm nghề thuốc, sống đạm bạc, thanh thản như ông bà ngoại con ngày xưa.
Ông Thưởng lặng đi, rồi môi ông run lên. Ông đưa tay che mắt như bị chói nắng. Khu vườn ấy đã chôn vùi một sinh linh nhỏ bé khốn khổ. Đó là con trai ông.
- Con… Con tốt lắm... Bố sẽ làm như ý con. Chắc vong hồn mẹ con sẽ hài lòng. Xong việc trên kia, bố sẽ về khu vườn ấy với con. Nhưng chỉ ngại bác Hùng. Con dàn xếp hộ bố chuyện ấy.
Ba tháng sau, không thấy tin tức gì. Tôi vẫn ngày ngày nấu canh cua bán cho mấy gia đình nhân viên cũ của mình. Lúc cao hứng, tôi ngồi hình dung ra cảnh chăm bón vườn thuốc. Vừa dưỡng sinh vừa hành nghề nhân đức. Lũ con tôi leo trèo trên cây bản mệnh của tôi, vui đùa quanh gốc khế.
Tôi kiên nhẫn đợi và tin rằng ông Thưởng không lừa dối tôi lần nữa.
Đến một ngày, tôi đang lúi húi chẻ củi nhóm bếp thì có người đến báo tin ông Thưởng chết. Ung thư đại tràng cấp. Mổ cắt đi nửa mét ruột, sống được thêm hai tuần, rồi ruột lại đứt nát ra. Tôi bỏ dở nồi canh cua đang sôi, vào trong nhà nằm vật ra giường. Mặc cho vợ tôi đã về la lối về nồi canh sôi trào, tắt bếp, tôi nằm lịm đi, người tê dại. Ông Thưởng đã đứt ruột chết.
...“ Lá Ngón. Còn gọi là lá Rút Ruột. - Tính vị: Đắng, cay. - Tác dụng: Công độc, sát trùng, tiêu sưng, tán ứ. - Biệt chú: Vị này kịch độc. Chỉ một ngọn lá non với chén rượu nhỏ cũng đủ táng mạng. Cấm uống vào trong, mà chỉ ngoại dụng.”
Trong gian nhà tập thể liền vách với nhà bên, tôi cố nén để không khóc thành tiếng như trong đám tang bà ngoại. Tôi khóc vì cái hy vọng trở về khu vườn cũ đã chết.
Tôi đốt đi mấy tập sách thuốc của ông ngoại.
Tôi mà là một thày thuốc?
12.
Bây giờ tôi ngồi chữa xe đạp trên hè phố.
Mỗi khi có gió mùa, cơn gió từ quá khứ đem thứ hỗn hương của khu vườn thuốc ngày xưa trở về, lòng tôi lại rạo rực không yên.
.........
Trăng rằm làm khu vườn sáng rực như cảnh thần tiên. Cây sung già nua mệt mỏi nằm trườn mình trên mặt nước ao. Chùm quả khế tí hon như thứ đồ chơi. Những tàu lá chuối bóng loáng lay động khoan khoái trong gió như đàn ngựa vừa tắm đang đứng rũ đám bờm ướt đẫm. Và phảng phất mùi thơm ngát, hăng hắc, nồng ngái, ngọt dịu của những Bạc hà, Kim ngân thảo, Uất tâm đơn, Kinh giới, Tử tô, Nhị hồng sâm,... Có một thằng bé... Không phải... Có hai thằng bé; một lớn bằng đứa trẻ lên sáu bình thường, một như chú bé tý hon trong chuyện cổ cùng len lỏi dưới những tán cây thuốc chơi trò trốn tìm. Có cả con chó xồm lông vàng nữa, con chó đã bị người ta đánh chết để phòng dại khi chúng tôi sắp đi tản cư. Tiếng cười khanh khách trong vắt của hai đứa trẻ vang động cả khu vườn. Mọi loài cỏ hoa cùng tỏa hương thành một thứ hỗn hương thanh khiết. Linh hồn trong suốt không tỳ vết của hai đứa trẻ hoà tan trong hỗn hương ấy.
Linh hồn, phải rồi; đêm đêm, linh hồn tôi vẫn tìm về khu vườn thuốc.
Vườn Thuốc Vườn Thuốc - Bão Vũ