"It's very important that we re-learn the art of resting and relaxing. Not only does it help prevent the onset of many illnesses that develop through chronic tension and worrying; it allows us to clear our minds, focus, and find creative solutions to problems.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Du Tử Lê
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 777 / 6
Cập nhật: 2016-06-02 00:13:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
em đi để lại hồn thơ dại
tôi/ vó câu buồn/ sâu/ sớm mai.
thơ dtl.
Có dễ mười mấy năm, tôi mới có lại một buổi quây quần với anh em, bằng hữu, mà, không có sự hiện diện của bất cứ một người nữ nào. Đó là buổi trưa ở Buena Park. Thành phố phẳng bẹt với những nhà thấp, khúc đường vụn, cụt, tiếng gà gáy sảng, như những giọt âm thanh thình lình rắc trên một nền trưa căng, ắng. Trần Duy Đức nói về những ngày làm lính thú ở Pleiku. Những ngày tuổi trẻ hồn nhiên, hăm hở, sống, ngộn ngồn mỗi giây, phút. Tựa chiến tranh và sự sống nứt, trào là hai con đường song song, mang tính hỗ tương, đỡ dìu nhau chứ không hề làm ung thối, triệt tiêu nhau.
Đức say sưa nói về những bản nhạc viết ở cái thành phố sương muối. Những ngày sống bạt mạng: bỏ đơn vị, phi trường Cù Hanh, bất chấp lệnh cấm trại... Đức say sưa nói về những rung động giao thoa với những câu thơ, những bài thơ của tôi, trên báo Văn, thời tuổi trẻ của anh. Đức nói về nỗi nhớ Saigòn quay quắt; sự cất cánh, chỗi dậy của Saigòn, thành phố chỉ thực sự sống động trong anh, khi phải lìa xa nó. Đức nói về hình dung một chia tay, buổi sáng. Buổi sáng Saigòn đầy lá. Đức nói về hình dung một chia tay, buổi chiều. Buổi chiều Saigòn bội thực nắng. Và, nắng ăn lốm đốm da em... Đức nói về những cánh rừng không chịu chia tay với ký ức. Những cánh rừng gió mãi. Những trận gió rừng thổi sạch mọi điều, mọi thứ trong lòng ta. Để cuối cùng, chúng dắt ta tới chỗ ngồi mà, từ đó, ta phải đối diện với nỗi trống trải, chạm mặt với cô đơn, sự vô nghĩa của kiếp người.
Có dễ mười mấy năm tôi mới có lại một buổi quây quần với anh em, bằng hữu mà, không có sự hiện hiện của bất cứ một người nữ nào. Đó là buổi trưa ở Buana Park. Buổi trưa trong một căn phòng đầy cổ vật và, những bức tranh của Đăng Trường trên vách, nơi cánh cửa closet, nhà tắm... Hầu hết những bức tranh này được vẽ bằng mầu nóng. Những tác phẩm điêu khắc trên gỗ, đất nung, những tấm mặt nạ bằng đồng đen, từ những chỗ đứng tối khuất nhất, dường không phút giây lơi rình rập, canh chừng những ngọn nến bập bùng dưới những dàn tre, nứa non, treo lửng dưới trần nhà thấp. Một thế giới khác. Thế giới âm u, thu nhỏ và biệt lập với cuộc đời dung tục, bên ngoài. Tôi bảo Trường, tôi thích vô cùng, thế giới ấy. Trường kể, bạn gái anh, ngược lại. Cô rất hãi sợ cái không gian chứa đầy bí ẩn kia? Trường kể, bạn gái của Trường đã luôn cầu nguyện sao cho Trường sớm ra khỏi, cái không gian bất thường ấy. Cái không gian nhỏ bé, quá ư dư thừa những u hồn quá vãng...
Trường cũng say mê nói về những ngày thơ ấu ở Pleiku; đề cập tới những thắc mắc siêu hình, những cật vấn đời sống, khi anh bước vào tuổi ba mươi. Khi bắt đầu của những năm ba mươi. Ngưỡng cửa ấy, Trường vừa bước tới. Tuổi trẻ nào, rồi cũng sẽ phải bước qua. Khi bắt đầu của những năm ba mươi, với tuổi trẻ Việt Nam, là ngưỡng cửa của những trái cây chín rú. Khi bắt đầu của những năm ba mươi, với tuổi trẻ Việt Nam, là chập trùng bất hạnh, đau thương. Khi bắt đầu của những năm ba mươi, với tuổi trẻ phương Tây, cửa đời chỉ mới vừa hé mở.
Trần Duy Đức hát: Cảm ơn em yêu dấu, xin cảm ơn sự nhắc nhở - cảm ơn em yêu dấu cho ta nhớ sinh nhật ta - Lần đầu tiên ta nghĩ, nghĩ tới ngày mình - han hỏi - Lần đầu tiên ta nghĩ, nghĩ tới ngày mình - Ôi dấu mốc thời gian bao năm thảm đạm, lúc bắt đầu của tuổi ba mươi - Cảm ơn em yêu dấu, xin cảm ơn cuộc sống này - cảm ơn em yêu dấu cho ta sống đến ngày hôm nay - Để đón chờ em tới với sự nhắc nhở - để đón chờ em tới với lời hỏi han - bởi nếu không chắc chẳng bao giờ, một lần ta tự hỏi, trong xúc động bồi...
Tôi nhớ đó là mùa hè, 72. Vì sự quyết liệt của tôi, Thục chưa bước vào tuổi hai mươi, đã phải bậm môi, nghiến răng dứt bỏ giọt máu khao khát đỉnh ngọn của cuộc tình nàng. Tôi nhớ, đó là mùa hè, 72. Ti phải bỏ Chuột ở nhà cho hai chị người làm, trở lại trường trong những giờ thực tập bắt buộc, với cặp vú căng sữa, nhức nhối.
Tôi nhớ đó là mùa hè, 72. Ở Huế, lần đầu, Hạnh cảm nhận được trọn vẹn cái trong, đục, cái bất thường, nghịch lý của câu hò về dòng sông An Cựu, nắng đục, mưa trong. Con sông êm ả chảy suốt niên thiếu nàng. Tôi nhớ, đó là mùa hè, 72. Thời gian này Hiệp Định Paris đã hay sắp sửa được ký kết. Trong những gặp gỡ sau cùng ở La Pagode, X., muốn tôi dứt khoát bỏ hết, để gia đình nàng lo giấy tờ cho tôi cùng nàng ra khỏi nước trước khi trở tay không kịp... Tôi nhớ năm đó, dường như X. mới học đệ nhị. Tôi quen X. vào giữa năm X. học đệ ngũ. Cuộc tình kéo dài với những giai đoạn tưởng như không còn vì, sự xuất hiện của Ti, rồi Thục trong đời tôi.
Ngỡ ngàng, xúc động, tôi bảo X., cho tôi gửi lời cảm ơn mẹ nàng, và, tôi không thể làm như vậy. Ngỡ ngàng, xúc động, tôi bảo X., tôi rất biết ơn tấm lòng X., tôi rất cảm kích mối lo toan X. dành cho tôi. Nhưng tôi không thể... Nếu tôi chọn sự bỏ đi khỏi đất nước này, tôi đã đi từ những năm cuối sáu mươi. Nếu tôi có thể sống được, ngoài nhịp đập của trái tim Việt Nam; tôi đã nhận sự giúp đỡ của ba mẹ Donna, những ngày ở Indianapolis. Tôi nói cảm ơn. Cảm ơn thật nhiều. Dù không có ai, bởi ai, tôi cũng không thể chọn cách thế để trái tim mình đập ngoài lồng ngực. Tất cả những hệ lụy kia, tất cả những ân nghĩa, nhục nhằn, ê chề nọ, làm thành tuổi ba mươi của tôi. Cái ngưỡng cửa mà ở thời tuổi trẻ ấy, tôi nghĩ, là con đường dẫn tôi tới hầm mộ. Con đường ngắn ngủn. Con đường gần xịt, sự chết.
Bây giờ, tôi đã bước vào giữa tuổi năm mươi. Đã hai mươi ba lăm năm lìa, khuất tuổi ba mươi, cố nhớ lại, tôi vẫn không thể tự trả lời mình câu hỏi, tại sao, ở tuổi ba mươi, tôi đã sớm nghĩ cái chết? Cố nhớ lại, tôi vẫn không giải thích được cho mình, tại sao, ngày đó, chưa bước vào tuổi ba mươi, trong một lần nói chuyện với ông cụ thân sinh của Ti, tôi bảo, tôi chỉ mong sống được tới 40 tuổi. Nếu tới tuổi 40, chưa chết, tôi cũng sẽ tự giải quyết lấy đời sống của mình. Khi ấy, cuộc tình tôi và Ti chỉ mới bắt đầu.
Buổi tối hôm đó, sau bữa ăn, ông cụ gọi Ti ra hiên trước, bảo, con không thể lấy được thằng đó đâu. Chưa gì mà nó đã nói với ba, nó chỉ muốn sống tới 40 tuổi mà thôi. Ba không đành lòng thấy con trở thành góa phụ năm ba mươi tuổi. Hôm sau, gặp nhau, Ti trách tôi quá chừng chừng. Nàng bảo, tôi không thể tâm sự với ba nàng, những điều như vậy. Tôi cãi, đó là suy nghĩ rất chân thật...
Phải chăng, khi một con người, từ lúc sinh ra, đã sớm sống kề cận với cái chết, sự không chết non, mới chính là điều bất thường? Không biết nữa. Nhưng tuổi ba mươi của tôi, thế đó.
Thực chăng em yêu dấu, có thực chăng ta đã bắt đầu? Thời gian qua đằng đẵng và ta đã làm chi đời ta? Tuổi ba mươi ta sống tháng ngày xa lạ - tuổi ba mươi ta có quá khứ mịt mùng - Em bước vào đời ta đớn đau trùng trùng - có bàng hoàng cảnh đời ta âm u? Cảm ơn em yêu dấu, xin cảm ơn hạnh phúc này - Cảm ơn em yêu dấu cho ta nhớ sinh nhật ta - Bởi yêu em ta sống, với niềm hy vọng - Bởi yêu em ta cố sống nốt đời mình - Em có hứa cùng ta sẽ chia u uất này, như nỗi buồn dấu trong kiếp người?
Trần Duy Đức hát tiếp phần còn lại của bài hát. Nghe lại, bài thơ, viết trong những ngày tháng chưa thực sự bước vào tuổi ba mươi, tôi không biết mình có rơi vào tâm trạng thậm xưng, phóng lớn thảm kịch đời mình?
Trưa nay nghe lại, trong tôi lềnh váng nỗi ngậm ngùi liu điu. Nỗi ngậm ngùi đìu hiu của một người lớn tuổi, lắng nghe, cảm thông tâm sự, chia sẻ với cảnh ngộ đời sống của một người bạn trẻ. Nghe Đức hát, tôi thấy nơi tôi rất nhiều bạn trẻ vây quanh. Tôi thấy tôi trên lộ trình Ba Mươi, Saigòn, Huế, Đà Nẵng, Saigòn, Pleiku, Kontum, Phú Bổn, Saigòn, Cường Để, Trần Cao Vân, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Gò Vấp, Trương Minh Giảng, Thị Nghè, Hàng Xanh, Xa Lộ, Làng Báo Chí...
Tôi thấy tôi gặp lại những người đã bỏ tôi mà đi. Tôi gặp lại Ti, Thục, X. Gặp lại Hạnh, những ngày rời An Cựu về Chợ Mai, ở với Trạc, Sáu, Xưởng và các anh Ky, Thụy. Tôi cũng gặp lại Hy Quyến, người từng đặt cho tôi các xước danh Ông Mèo Rừng. Quyến vượt biên năm 1984, tới nay, vẫn không tin tức.
Nghe Đức hát, tôi gặp những người-bạn-tôi trong tôi, trở lại. Tôi thấy họ ngồi đâu đóm rụt rè, cả thẹn trong căn phòng / thế giới khác của Trường. Tôi rưng rưng muốn vuốt mái tóc mười ba, mười lăm của họ. Tôi bồi hồi muốn nắm bàn tay hai mươi, hai mốt... Tôi muốn nói với họ nhiều điều, hỏi han họ nhiều thứ. Tôi muốn bảo họ, hãy lên tiếng, hãy thẳng thắn cho tôi biết, tôi có thậm xưng chăng, trong những dòng thơ, ở những năm đầu của tuổi ba mươi. Nhưng họ rụt rè / nhút nhát / cả thẹn quá!
Họ làm tôi khựng lại. Trong một giây phút thoáng nhanh, tôi hiểu, bên cạnh ngón tay cái, nơi bàn tay phải của họ, cũng giống tôi khi xưa: họ có một ngón tay thứ sáu.
Có dễ hơn mười mấy năm, tôi mới lại có được một buổi quây quần với anh em bằng hữu; mà, không có sự hiện diện của bất cứ một người nữ nào. Đó là buổi trưa ở Buena Park. Buổi trưa trong căn phòng / thế giới khác của Trường. Đoàn Duy Hiệp nhắc tôi một câu thơ cũ. Câu thơ nói về những nỗi buồn thức dậy, lớn cao theo bình minh. Em có buồn riêng đôi sớm mai. Tôi nhớ rồi. Tôi nhớ bài thơ đó có một duyên phận may mắn hơn những bài thơ khác; ở chỗ có tới hai người: Phạm Gia Cổn và Trầm Tử Thiêng, phả hơi thở âm giai tâm hồn họ vào đó.
em có buồn riêng đôi sớm mai
con đường có những đoạn chia phôi
cánh chim dấu những mùa di trú
ta dấu hờn, ghen góc trái này.
Phải rồi, tôi không nghĩ Hiệp biết bài thơ kia có tới hai người phổ nhạc. Tôi cũng biết Hiệp không đề cập tới bài thơ, trong ý hướng đó. Hiệp chỉ muốn nói về nỗi buồn nơi những sớm mai. Tôi hiểu ý Hiệp. Tôi bảo Hiệp, người ta quen nói về nỗi buồn buổi chiều, buổi tối. Chí ít, cũng là nỗi buồn buổi trưa. Với tiếng võng, tiếng ru em, tiếng tre đưa, tiếng cu gáy gù mái... Không ai nói về nỗi buồn trong những sớm mai. Mặc dù, mới sớm mai đã buồn, thì, nỗi buồn đó, phải dài lâu, phải lắng sâu hơn nhiều. Bởi vì, nỗi buồn còn nguyên một ngày dài để sống tiếp cái sinh phần bất hạnh của nó.
Tôi nói với Hiệp, mỗi con người, do hoàn cảnh môi trường và điều kiện sống, chúng ta, tự thơ ấu đã có những ám ảnh kỳ cục. Những mối sợ vô lý. Những tưởng tượng hãi hùng, bí ẩn.
Như tôi có cô em, Lan, ở Seattle. Lan rất sợ nhìn mây. Mỗi khi Lan nhìn thấy mây vần vũ trên trời là Lan sợ rúm người lại. Lan kể, từ nhỏ Lan đã thấy nơi những đám mây nhiều hình thù quái đản. Hình thù của những con quái vật có hàng chục cái đầu, hàng trăm cánh tay... Những con quái vật ở trên mây, lúc trời chuyển mưa, luôn chực chờ nhào xuống, cuộn ôm lấy Lan, đem đi mất.
Như tôi biết, Thục bị ám ảnh về người đàn ông lớn tuổi, đeo kính đen, đội mũ xụp. Chẳng là khi Thục còn nhỏ, mỗi khi Thục thấy người đàn ông lớn tuổi, đeo kính đen, đội mũ xụp, đi ngang nhà, lập tức mẹ nàng quơ vội lấy chiếc nón, tất tả ra đi ngay lập tức. Ám ảnh này đeo đẳng Thục cho tới khi nàng lớn. Ngay bây giờ, Thục còn cảm thấy bất an mỗi khi tình cờ bắt gặp những hình ảnh tương tự. Dù tới giờ này, Thục vẫn không biết, giữa người đàn ông kia, và, những lần ra đi vội vã của mẹ nàng, có một liên hệ nào?
Như tôi biết, suốt một tuổi thơ, Hạnh bị ám ảnh về đôi guốc cao gót. Với Hạnh thời nhỏ, đôi guốc cao gót là cả một điều gì vô cùng kỳ diệu. Tới khi Dì Út sắm được cho Hạnh đôi guốc cao gót đầu tiên, thì, đó cũng là lúc vợ chồng Dì Út bỏ nhau. Chỉ vì ông Dượng không chịu nổi hình ảnh, tiếng guốc của Hạnh suốt ngày khua, đập. Một lần, giận quá, ông dùng thanh gỗ gài cửa, nện giữa đầu Hạnh. Hạnh chết giấc. Nhiều tháng sau, Dì Út còn tưởng Hạnh mất trí vì hành động dã man này. Bây giờ, mỗi khi nhìn thấy một đôi guốc, hay giầy cao gót, Hạnh còn rùng mình và, có thể khóc được.
Những ngày ở Seattle, nghe Lan kể, tôi biết nhiều người cho là bất thường, khó tin. Riêng tôi, tôi tin Lan nói thật.
Trong tuổi thơ tôi, cũng có những đám mây chì, bay gấp, rút... Nhưng nó không hề là một ám ảnh ghê gớm. Trái lại, ám ảnh lớn nhất của tôi, là những buổi sáng. Những sớm mai.
Những sớm mai, trong tuổi thơ tôi, đồng nghĩa với tang tóc, chết chóc.
Tôi từng trải qua những sớm mai, bị dằng lôi ra khỏi giấc ngủ. Mẹ tôi quấn vội lên đầu tôi mảnh khăn tang. Chị vú bế tôi lẽo đẽo đi sau những chiếc xe tang. Đó là những ngày đưa đám ma thầy tôi. Rồi chị Trang tôi. Đó là sớm mai, trời còn đẫm sương trắng, mẹ tôi bưng mặt khóc, theo chân kẻ dẫn đường, đi tìm xác người anh cả tôi bị máy bay Pháp bắn giữa trưa mồng ba Tết, ở Nho Quan...
Tôi đã từng trải qua những sớm mai, trời chưa rạn sáng, mẹ tôi đã bỏ tôi vào chiếc thúng, mà, thúng bên kia là chiếc lư đồng, để người ta gánh tôi chạy băng băng qua những thửa ruộng lấp xấp nước. Đó là những ngày gia đình tôi chạy tản cư, từ Kim Bảng, qua Đồng Lạc, tới Rừng Mơ... Rồi chúng tôi lại chạy ngược từ Rừng Mơ, về Đồng Lạc, Kim Bảng, Phủ Lý.
Tôi từng trải qua những buổi sáng mở mắt, không thấy mẹ, tôi không thể biết bà dậy từ lúc nào? Bỏ tôi đi từ bao giờ? Chỉ nhớ như in, chập tối, rõ ràng tôi còn nằm gọn trong lòng bà. Rõ ràng tôi còn thò tay vào lớp áo phin nõn, mát rượi của bà để sờ ti... Rõ ràng, trong đêm, bà còn để mặc tôi lôi cả chiếc vú bèo nhèo như ổ bánh mì quá ngày, bị úng nước của bà ra khỏi áo, để bú ti nữa. Vậy mà khi tôi thức giấc, bà đã biến mất. Mọi điều biến mất.
Tôi từng trải qua những buổi sáng kinh hoàng, hốt hoảng như vậy.
Có những sớm mai, kéo dài nhiều ngày liên tiếp, tôi không có mẹ. Đó là thời gian mẹ tôi phải đi buôn hàng chuyến, trục Hà Nội/Phủ Lý. Những chuyến đi, đôi khi kéo dài cả tuần vì đường về bị đấp mô, đê vỡ, cầu bị giựt sập...
Sớm mai, như vậy đó, suốt tuổi thơ tôi, không hề, bình mình hứa hẹn niềm vui; không hề, tiếng chim véo von, đón chào một ngày chan hòa ánh sáng. Tôi nói với Hiệp, tôi thích câu thơ Hiệp mới đọc lại. Tôi bảo, tôi cũng rất thích câu thơ:
em đi bỏ lại hồn thơ dại
tôi/vó câu buồn/sâu/sớm mai.
Hai câu thơ trong bài Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời, do Trần Duy Đức soạn thành ca khúc. Tôi bảo Hiệp, những thơ tôi thích thường là những câu thơ không được độc giả chú ý. Làm như cảm nhận giữa người đọc và người viết là hai con đường nghịch chiều.
Hiệp bảo không hẳn thế. Bằng cớ, nếu Hiệp thích những câu thơ như đã nhắc, thì, cũng sẽ có nhiều người khác, thích chúng. Có thể Hiệp đúng. Có thể tôi không có may mắn được gặp nhiều người như Hiệp? Nhưng cách gì, sớm mai nào của tôi, không nhiều thì ít, cũng rộn tiếng vó ngựa. Những vó câu mang nỗi buồn vào sâu buổi sáng. Nỗi buồn do mất mát để lại, làm thức dậy những ám ảnh thời thơ ấu; và, nỗi buồn của chính tiếng chân ngựa chạy nhầu giữa một ban mai, vừa mới da non.
Nỗi buồn chân ngựa, nỗi buồn cá nhân, tôi, là những nỗi muộn phiền, lăn tới. Tôi và ngựa. Người và vật, có chung mối lầm than, chuyển động.
Chia tay những người bạn trẻ trong ngôi nhà ở thành phố Buena Park, trở về, tôi có cho mình câu hỏi:
- Nếu không bị lưu lạc quê người, liệu tôi có cột buộc nỗi buồn mình vào chân ngựa, để chúng phải chia xớt với tôi, phần nào mối bất hạnh của kẻ bị đẩy văng khỏi tổ quốc?
1996
Tôi, Vó Câu Buồn, Sâu, Sớm Mai Tôi, Vó Câu Buồn, Sâu, Sớm Mai - Du Tử Lê