Số lần đọc/download: 1133 / 12
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
T
ôi muốn nói thêm về vụ án mạng ông Nguyễn Xuân Trường. Nhưng chưa biết công việc xét xử của các quan tòa ra sao. Nhưng mà những người thân với ông Trường, chắc ai cũng muốn trị tội cô Cúc thật nặng, trừ ra ông Nguyễn Duá Long. Cố nhiên, đối với kẻ thù, nhất là kẻ thù đã đâm và chém người thân của mình, người ta phải có ý ấy. Nhưng theo ý tôi, cô Cúc dù phạm tội đi nữa, cũng chỉ là tội tòng phạm. Còn kẻ thủ phạm phải là bà chúa Hàng Trống. Bà con Hà thành thì không ai lạ cái đền Hàng Trống. Nhưng nếu hỏi vị thần đền ấy là ai, có lẽ cũng ít người biết. Ấy là một bà "cô đào" đã thuê ông Nguyễn Công Trứ quẩy đàn bà và bị ông ấy cưỡng bách làm vợ mấy phút ở nơi đồng vắng đêm khuya, rồi khi việc cũ đã quên, bà ấy còn làm cho ông cụ kia phải nhớ tình xưa bằng một câu hát:
Giang sơn một gánh giữa đồng Thuyền quyên "ứ hự", anh hùng nhớ quên? Từ địa vị nàng hầu ông Nguyễn Công Trứ lên đến địa vị bà thần của phố Hàng Trống, không biết bà ấy còn phải trải qua những thế nào nữa. Chỉ biết từ lúc làm thần đến nay bà ta ra bộ thiêng lắm. Chẳng thế mà ở cửa đền, ngày nào như ngày ấy, người vái cứ đông nghìn nghịt, đủ cả Tây, Tàu, An Nam, chỉ thiếu có người Nhật Bản. Họ vái một cách tàn nhẫn, vái lia vái lịa, vái hủy vái hoài, vái từ dãy hè bên kia chõ sang dãy hè bên này, không nể những người đi đường. Không thiêng liêng sao lại được thế? Vì thiêng, cho nên thỉnh thoảng lại có những người đem đầu đến đó mà thề.
Cứ lời cô Cúc đã khai với quan dự thẩm Bắc Giang, thì lúc cô ấy với ông huyện Trường nhân tình với nhau, hai người đã có đem nhau đến thề ở đền Hàng Trống. Ông Trường thề rằng:
"Một khi đã công thành danh toại sẽ cùng Cúc kết tóc xe tơ..." Đó là theo tin của báo Đông Pháp. Tuy rằng báo ấy chỉ thuật có thế, nhưng mà người ta có thể chắc rằng ở dưới câu đó còn một câu độc địa bằng chữ "nếu"... Nếu như không thế thì sao thành ra lời thề và sao cô Cúc lại tin? Trong thế gian này, bao nhiêu cuộc thề đều có linh nghiệm cả. Ai không tin hãy giở Truyện Kiều ra mà coi:
Kim Trọng khi gặp Thúy Kiều thì:
Tiên thề cũng thảo một chương, Tóc mây một món dao vàng chia đôi Vầng trăng vằng vặc giữa trời, Đinh ninh hai miệng một lời song song.
Mã Sinh khi mua Thúy Kiều thì: Cạn lời khách mới thưa rằng Bước chân thôi cũng xích thằng nhiệm trao Mai sau dù có thế nào, Kìa gươm nhật nguyệt, nọ dao quỉ thần.
Tú Bà khi mua Thúy Kiều thì: Mụ rằng con hãy thong dong Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi? Mai sau ở chẳng như lời, Trên đầu có bóng mặt trời sáng soi.
Bạc Hạnh khi lừa Thúy Kiều thì:
Bạc Sinh quỳ xuống với nàng Quá lời nguyện hết thành hoàng thổ công. Sở Khanh lúc dắt Thúy Kiều đi trốn, cũng có thề, cho nên nàng mới nói với Mã Kiều là chàng đã "thề thốt nặng lời, có đâu mà lại ra người hiểm sâu". Bấy nhiêu người thề với cô Kiều, trừ ông tri huyện Kim Trọng đã được vuông tròn, vì đã trước sau tha thiết với nàng còn các người khác không giữ lời thề, đều phải máu rơi thịt nát tất cả. Người ta vẫn bảo việc đó do ở Từ Hải làm ra, kỳ thực đâu có phải vậy. Sở dĩ bọn đó mà phải mất đầu, chỉ tại những vị trời đất, quỷ thần đã bị mời làm giám thệ, cố sức làm việc phận sự, xui khiến đại vương họ Từ báo oán cho Thúy Kiều đó. Bà chúa Hàng Trống cũng bị ông Trường, cô Cúc mời làm giám thệ, và ít ra cũng có ăn lễ của cô ấy nữa tất nhiên bà ấy cũng phải làm hết phận sự khi thấy ông Trường có ý lỗi thề. Nếu như bà ta mà bỏ phận sự không làm, thì sau này còn ai đến đó mà lễ và vái. Vậy thì cái vụ án mạng ông Trường, chẳng qua bởi tại bà chúa Hàng Trống xui giục cô Cúc phải đối đãi với ông huyện Trường bằng cách "thề sao thì lại cứ sao gia hình", không phải hoàn toàn là tại cô ấy. Vì thế nên coi bà ấy là bậc thủ phạm trong vụ này.