It often requires more courage to read some books than it does to fight a battle.

Sutton Elbert Griggs

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 442 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ên của thung lũng là Trận Đồ, bởi có bốn hòn núi đá lớn ( tiếng địa phương gọi là lèn ) với bốn hình thù riêng biệt vây quanh. Vì thế phong cảnh đẹp một cách kỳ ảo, ai từng đến một lần sẽ rất khó quên. Làng Vịnh nằm lọt thỏm ở giữa thung lũng nên làng rất giống cái tổ chim khổng lồ. Đúng là nhiều chim thật, đây là vương quốc riêng của loài sáo đá, đầu hôm sớm mai tiếng hót của chúng tấu lên râm ran vách đá hòa với tiếng chân trâu bò rậm rịch chuyển rung mặt đất. Làng Vịnh trù phú người đông nhưng tiếng người bị tiếng chim che khuất. Nói vậy, người làng Vịnh ít khi to tiếng với nhau lắm. Lèn Trống tròn trĩnh, lưng chừng có một miệng hang xuyên qua lòng núi thấy rõ khoảng trời như nhìn vào miệng giếng thơi. Luồng hang thông theo hướng Đông-Tây, buổi sáng phía sau lèn có thể nhìn được mặt trời nhô lên rực rỡ, buổi chiều mặt trời khuất lèn, nửa giờ sau làng Vịnh còn hân hạnh thấy mặt trời lặn đỏ ối qua miệng hang thêm một lần, lúc trâu về chuồng, lúc bầy sáo bay về tổ trên các vách đá âm u. Người già bảo ai nhìn được mặt trời mọc rồi lặn qua miệng hang đúng một trăm lần sẽ có cuộc đời phú quý vinh hoa và thông thái hơn người. Tất nhiên chẳng ai dở hơi thử tìm số phận bằng cách chạy vòng quanh lèn Trống để ngắm mặt trời qua miệng hang. Bỏ một ngày đồng áng là nguy cơ rồi bỏ cả trăm ngày có mà đói nhăn răng ! Nghe đồn lão Câm từng nhìn thấy mặt trời một trăm lần nhưng lão lại nghèo xác. Bị câm lão làm sao cãi lại mồm miệng thế gian về câu chuyện đặt điều vừa dài dòng vừa huyền hoặc giống truyện cổ tích. Từ lâu rồi lão không được cái quyền thanh minh cho mình vì... ( khổ quá ! ) lão bị câm !
Lèn Cờ hình tam giác, trên đỉnh lua tua đuôi nheo. Giống kiểu cờ đám ma bây giờ vẫn dùng mỗi khi đưa các cụ về nơi chín suối.
Lèn Hai Vai giống hình người vạm vỡ bị cụt đầu, đoạn cổ trồi lên giữa đôi vai lực lưỡng. Ông hoạ sy ừchuyên vẽ tranh cổ động ở Hội văn nghệ tiỷnh về cứ khen nức nở: " Xét về mặt nghệ thuật tạo hình Lèn Hai Vai thuộc trường phái tả chân hiện thực xã hội chủ nghĩa ". Cả làng nghe may ra chỉ mình dượng tôi hiểu lời họa sỹ, nên ông gật gù bình thêm: " Vâng, đấy là hình thù của một tên tướng giặc ! ". Tôi ngắm Lèn Hai Vai bằng đôi mắt trẻ thơ, thấy giống một người đàn ông bị lún xuống đồng lúa, bùn đất ngập ngang rốn và thiếu hẳn cái đầu, lưỡi gươm vĩ đại của ông Trời phạt ngang từ ngày xửa ngày xưa, vết chém phẳng lỳ hằn lên trời xanh...
Lèn Voi to nhất, giống con voi trận chết gục xuống, ở xa hàng chục cây số vẫn thấy rõ mình voi, đầu voi cùng vô số đoạn ngà gãy vụn vãi xung quanh.
Tôi lớn lên ở cái làng Vịnh nằm giữa thung lũng Trận Đồ hùng vĩ và bi tráng. Có thể thuở hồng hoang là chiến trường của các vị thần linh còn thời nay chưa hề nghe tiếng nổ của bom đạn. Bốn hòn lèn đã họp thành một quần thể mỹ thuật khá hoàn chỉnh, một tác phẩm hiếm có của Tạo hóa. Tôi cứ băn khoăn dấu tích này là của phe thắng trận hay phe thua trận? Dân làng ai cũng thuộc lòng hai câu thơ:
" Tướng cụt đầu, cờ rách
Trống thủng, voi gãy ngà "
Người lạ đến làng ngắm nghía phong cảnh họ cũng thốt lên bâng quơ như thế. Tôi cố tình mầy mò chắp nối nhiều mẩu huyền thoại gán ghép không lấy gì làm hấp dẫn lắm về sự tích bốn hòn lèn để có được một câu chuyện trọn vẹn giống trong sách giáo khoa nhưng không thành công. Chán nhất là câu chuyện dượng tôi kể cho lũ em nghe mỗi đêm trăng sáng, ông phịa ra đấy là dấu vết quân xâm lược đế quốc Tàu. Có khi ông lại kể là đế quốc Chiêm Thành, đế quốc Ai Lao... Tôi không được nằm cùng chiếu với lũ em nên thường hay thắc mắc với bà ngoại. Bà lắc đầu bảo không biết. Gặng hỏi riết, bà chửi: " Nghe mày hỏi tao thấy ngứa lỗ đít lắm. Giặc nào đến đây? Trời sinh ra thế ! " Dượng biết chuyện, nói trống không: " Cái đồ tâm thần bất định ! ".
Tôi buồn bỏ đi về hướng lò vôi của lão Câm. Lão thông thạo hang cùng ngõ ngách, từng mỏm đá của thung lũng này, lão có thể giải đáp hết mọi câu hỏi của tôi, tiếc thay, lão lại không biết nói. Mỗi lần thấy tôi lủi thủi đến chơi, đôi mắt u sầu của lão thường tỏa ra một luồng hơi ấm vô hình âu yếm vuốt ve toàn thân thể. Ước gì ông nói được, ông sẽ kể cho cháu nghe bao chuyện cổ, chuyện đời đầy lý thú. Tôi bắt đầu có một nỗi bứt rứt mơ hồ, hình như thung lũng này đang chật hẹp dần lại... Lão Câm cô độc mà không cô đơn, tôi nghĩ thế, lão có niềm vui sống nhờ núi đá phò trợ. Mùa nào thức ấy, lão lấy phân dơi trong hang, bắt dơi quạ lột da thui lửa rơm, bẫy chim sáo nhốt đầy lồng, đập đá nung vôi... Thứ nào đem ra chợ Phủ bán cũng có tiền mua gạo, cá trích, mắm ruốc, thuốc lào...
Tôi không cô độc, sống trong một gia đình đầy ắp con nít, nhưng là một thằng bé cô đơn. Cha tôi hy sinh ở chiến trường Điện Biên Phủ, tại quyết chiến điểm Him Lam. Tấm bằng Tổ quốc ghi công trên bàn thờ ghi rất rõ. Ngày cha chết trùng ngày mẹ sinh ra tôi.
Mẹ đi bước nữa, theo lời trăng trối của bà nội, lấy dượng để trả cái ân nghĩa giúp bà. Dượng tôi cũng góa một đời vợ, đi dân công xe thồ. Không hiểu bằng cách nào thật thần tình, dượng đã đem về làng Vịnh, trao tận tay bà nội mảnh hình hài còn lại của cha tôi. Đó là cái chân phải xỏ chặt trong chiếc dép lốp, trước giờ ôm bộc phá xung trận cha đã cẩn thận gài hai quai hậu. Bà nội nhận ra nhờ móng chân cái của cha có một cái móng đèo. Mẹ cầm chiếc dép đếm đủ tám cái đinh mén cha đóng thêm vào lỗ xâu quai cho khỏi tuột, hét một tiếng rồi ngất đi. Dượng đã bọc cái chân ba lần ni lông đi mưa, đạp xe vượt gần một ngàn cây số đường rừng...
Mẹ đẻ cho dượng sáu đứa em. Tôi góp phần tích cực bồng bế lần lượt từng đứa đến chai cả hông. Dượng không đánh tôi bao giờ nhưng thà đánh còn hơn chửi. Nghe dượng chửi tôi chỉ muốn leo lên đỉnh lèn Voi đâm bổ xuống cho đầu vỡ tan ra. Mẹ biết được ý nghĩ nên ngăn tôi bằng cách lấy roi quất túi bụi và gào khóc như mưa gió:
- Sót ơi ! Khổ thân mẹ lắm, Sót ơi ! Ngu vừa thôi con ơi !
Cả làng biết dượng rất ham vào Đảng nhưng không được xét cho vào vì thưở bé có theo học trường đạo xứ Kim Nham. Sau này thỉnh thoảng vẫn len lén trốn đi xin lễ cha ban phước lành. Làng Vịnh không theo đạo, dượng tự nhận mình là con chiên ghẻ của chúa Giê-su, đạo tại tâm, nhận trong lòng không dám nhận ngoài miệng.
Ngoài năng lực cầm cày, nhờ có học võ vẽ trường dòng, dượng còn có năng khiếu cắt chữ, kẻ khẩu hiệu nên xã rút lên làm ở Ban Văn hóa thông tin, ăn công gián tiếp của Hợp tác xã. Coi như thoát ly làm ruộng, sau xe đạp thường đèo một bọc to tướng phông màn, giấy màu, dao kéo.. chằng dây cao su kỹ càng. Nếp sống tinh thần gia đình dần đổi khác, các em ăn mặc sạch hơn ra dáng con cán bộ văn hóa. Riêng mẹ gầy rạc vì công việc đồng áng. Lâu lâu dượng có chú ý đến tôi với tư cách người cha kế:
- Sót ! Dạo này mày hay ra lèn Trống lê la chỗ lão Câm phải không?
- Dạ. Con nhờ ông Câm bắt tổ sáo về cho em nuôi.
- Không được chơi với lão già " Quốc dân đảng " ấy ! Tao cấm !
Tên lão đã bị làng Vịnh quên lãng từ lâu, bây giờ người ta gọi lão theo khuyết tật - Lão Câm. Dượng tôi không gọi thế, ông gọi lão bằng tên bản chất của sự vật đang tồn tại. Lão già"Quốc dân đảng." Khi bực tức dượng còn cộng thêm bổ ngữ phản động cho mọi người chứng giám lập trường giai cấp rành mạch của dượng. Ngôn ngữ người câm là ánh mắt, nét mặt, nhất là động tác đôi bàn tay. Lão Câm trò chuyện với người làng người chợ rất dễ hiểu thuận lợi. Chỉ dượng tôi không tài nào hiểu nổi vì lão thường làm những động tác rất tục tĩu. Dượng tức lắm. Hễ tiếp xúc là sinh sự.
- Này lão, để cho Ban văn hóa dăm yến vôi quét lại Hội trường nhé. Nhớ chọn vôi thật chín đấy.
Lão câm dừng tay đẩy củi ngẩng lên, dùng ngón trỏ tay phải thọc thọc vào kẽ ngón bàn tay trái, trả lời. Có nghĩa lão bằng lòng mà cũng có nghĩa là sự giao hợp của đàn ông đàn bà.
- Đồng ý bán thì gật đầu - Dượng gắt - Tại sao ông dám...
Lão Câm cố tình không gật đầu, cứ đưa tay "thọc thọc "...
- Mẹ, cái lão già thiếu văn hóa !
Lão Câm liền chỉa ngón trỏ vào mặt dượng.
- A, mày lại trổ c. cho tao hả? Tao cho công an gô cổ bây giờ.
Khuôn mặt lão Câm trở nên dữ tợn.Lão kẹp đầu ngón cái vào hai ngón trỏ và ngón giữa dí luôn vào mồm dượng, ý bảo cho ăn cái chỗ kín đàn bà.
- Trời ơi ! Thằng " Quốc dân đảng phản động" nó đấm tôi... Dượng la oai oái như bị đấm thật rồi bỏ chạy.
Có lần bà ngoại tôi thở dài:
- Ngoài cha thằng Sót và bốn hòn lèn, chẳng ai giải được nỗi oan của đời ông lão Câm.
Cha tôi đã thành liệt sỹ, còn lèn đá thì chỉ biết nhại lại tiếng người hỏi chứ không biết trả lời. Theo bà, thời trai trẻ lão là người giỏi dang lắm, có tham gia Tân Việt cách mạng đảng. Thung lũng Trận Đồ là mảnh đất tốt gieo trồng những hạt giống đỏ, chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Đông Yên ra đời trong cái nôi làng Vịnh...
Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, ông Nguyễn Thái Học cùng đồng chí của mình bị Hội đồng đề hình Bắc Kỳ kết án tử hình, đưa lên máy chém ! Không thành công thì cũng thành nhân. Số thoát nạn phải mai danh ẩn tích trốn chui trốn lủi, vài người chạy dạt về tận làng Vịnh tạm ẩn náu. Anh Bá vốn là bạn học cũ của họ, nhà nghèo, mẹ già đơn chiếc đành dang dở học hành. Chi bộ phân công anh giúp đỡ những người bạn đang gặp hoạn nạn, động viên họ chớ nôn nóng ra đi vội...
Đâu ngờ sau khi cướp chính quyền năm ất Dậu, anh Bá bị bắt vì tội tham gia Quốc dân đảng. Cha tôi rất ngạc nhiên khi được phân công hỏi cung người giác ngộ mình hoạt động cách mạng. Tất nhiên là có sự lầm lẫn, cha dẫn anh Bá tiếp kiến ông Chủ tịch huyện. Mọi chuyện rõ ràng, ba người ôm nhau cười ha hả. Năm ấy đang đói to, anh Bá bàn với cha tôi muốn đi tìm mấy người bạn từng nương náu ở làng. ý cha tôi muốn giữ anh lại công tác ở huyện:
- Thôi anh đi tìm họ làm gì nữa.
- Tôi muốn nắm xem hành vi mấy anh Quốc dân đảng hư thực thế nào, không ngờ chúng nó hỏng quá !
- Theo em, anh nên về làng thăm bác gái còn sống không đã!
- Việc cách mạng là đại sự quốc gia. Mẹ tôi đói, tôi cũng đói biết lấy gì cho mẹ đây.
Mấy tháng sau, anh Bá về nhà thì mẹ mất. Còn người làng lặng lẽ xa lánh anh, tên phản động mới được ra tù...
Cha tôi đi bộ đội Vệ quốc quân, huyện không nhớ gọi anh ra làm việc. Anh buồn rầu chẳng biết tỏ cùng ai. Không lấy nổi vợ người làng, ai dám gả con cho một ông lý lịch có tỳ vết đi tù. Tưởng ế, may có một chị dân Hà Nam tản cư vào phải lòng, thế là anh có vợ khỏi tốn tiền cưới cheo. Họ hiếm hoi, không có nổi mụn con thơ bồng bế. Chồng quanh năm lầm lũi đập đá ven chân lèn, người đen sạm vì nắng gió, vì hơi nóng hầm hập của lò vôi. Vợ không biết làm nông, sợ đỉa hơn cọp nên mở ngôi hàng bán nước chè xanh, trên chõng tre bày dăm lọ kẹo vừng, kẹo lạc, trên vách treo toòng teng dăm nải chuối lùn chín ép, vỏ thâm sì. Đó là hồi cuộc đời anh Bá cay đắng nhất !
Thiên hạ kháo ầm ĩ anh bị mọc sừng. Nếu có sừng thật, đầu anh phải mọc một bộ gạc nai mới tương xứng với lời lẽ mấy bà ngồi lê đôi mách. Anh nhịn, bẻ hết bộ sừng này bỏ vào lò nung vôi, trên đầu lại mọc lên bộ sừng khác. Quả đúng chị vợ đẹp người mà có tính lăng nhăng. Ăn trắng mặc trơn đâm ra chán thằng cu-li đập đá. Bực một điều, anh chồng cứ câm như hến. Không thấy vợ chồng lục đục, không thấy bể bát bể nồi, không thấy nát nhà tan cửa, người làng từ ghét chị vợ xoay sang ghét anh chồng. Thế mà chịu được ư? Đồ đàn ông râu quặp đớn hèn ! Tội ấy ngày xưa, cạo trọc bôi vôi lột truồng giải quanh hàng tổng, rồi tống xuống sông chứ chơi à !
Đúng vào năm bắt đầu vận động giảm tô, làng Vịnh chứng kiến một vụ án mạng khủng khiếp vô tiền khoáng hậu. Anh Bá lò vôi dùng thanh mã tấu rèn hồi Tổng khởi nghĩa, mài sắc như dao cạo, nước thép xanh rờn, chém đứt đôi anh cán bộ Nông hội tỉnh và vợ mình thành bốn khúc. Hiện trường để lại giữa ban ngày, trong buồng, trên giường, hai nạn nhân mặc y phục thủy tổ loài người. Anh Bá chỉ chém một nhát, đúng lúc đôi nhân tình đang ở trạng thái cực điểm sung sướng đê mê. Thanh mã tấu cộng hưởng sức mạnh của hai cánh tay chuyên đập đá, của bầu máu ghen sôi sùng sục, trở thành tang vật ghê gớm. Công an về dựng lại hiện trường bắt anh Bá cầm thanh mã tấu chém vào hai khúc thân cây chuối thì anh lại chém mãi không đứt.
Lần này anh đi tù, tội hình sự rõ ràng không hề có sự lầm lẫn như lần cuối năm ất Dậu. Trước khi bị dẫn giải, anh quay ra nói to muốn cả làng Vịnh nghe rõ:
- Thế nào? Các người đã bằng lòng chưa?
Dân làng thương anh hơn là ghê tởm tên sát nhân. Thời đó tội hủ hóa xếp ngang với tội phản quốc!
Anh Bá đau khổ ngày xưa chính là lão Câm cô độc bây giờ. Tiếng nói của lão vĩnh viễn ở lại trên mạn ngược cùng những trận sốt rét kinh niên của đoạn đời tù đày.
Từ trẻ chăn trâu tôi trở thành anh bộ đội. Tuổi thơ là chuỗi ngày gắn bó với lão Câm và bốn hòn lèn đá vôi hùng vĩ. Tôi lầm lì như núi đá, ương bướng như lão Câm. Dượng càng ghét tôi,tôi càng ghét dượng. Đám thanh niên ở làng cũng ghét dượng, ghét cái mặt ngạo mạn ta đây luôn làm ra vẻ quan trọng. Nhà nào không được cấp giấy chứng nhận Gia đình văn hóa mới là bị trừ công điểm cuối vụ thẳng tay. Cấp giấy lẫn trừ công điểm đều do dượng quyết định.
Lâu lâu làng Vịnh mới có một tối chiếu phim. Đó là dịp dượng chứng tỏ năng lực cán bộ văn hóa. Đội phim về đến xã dượng triệu tập chiếu kín ở hội trường để Đảng ủy và ủy ban duyệt rồi mới trình chiếu ngoài bãi. Đã duyệt là phải cắt. Đoạn nào có cảnh hôn nhau dượng đòi cắt bỏ. Tay đội trưởng đội chiếu phim nhăn nhó:
- Phim Liên Xô nhập về đến Hà Nội, Bộ duyệt ! Về đến tỉnh, Ty duyệt ! Về đến huyện, Phòng duyệt ! Về đến xã, ông duyệt! Cắt vụn như thế chỉ còn nước chiếu cho dân cái tên phim với chữ hết phim. Phim có phải bánh tét đâu, cắt ra rồi muốn ăn khúc nào thì ăn.
- Phim Liên Xô thường hay có cảnh bậy bạ lắm. Buộc chúng tôi phải sử dụng chức năng quyền hạn văn hóa. Dượng kiên quyết.
- Chỉ có xã này đòi duyệt phim ! Tay đội trưởng nhún vai bất lực.
- Các xã khác văn hóa thấp. Xã tôi là xã điển hình, là bộ mặt văn hóa của tỉnh. Nếu muốn chiếu các anh phải chấp hành quyết nghị của Ban văn hóa.
Thương lượng mãi, dượng đồng ý cho chiếu bộ phim Sư trưởng Sapaep khi có cảnh hôn nhau trên màn ảnh, dượng đứng trong buồng máy cầm quyển sổ công tác bịt kính ống máy chiếu lại. Tối chiếu phim giống như vỡ chợ. Thanh niên huýt sáo la ó:
- Bỏ tay ra ông Cương ơi !
- Đang hay, làm phúc cho chúng con hưởng xái với !
Mặc, dượng vẫn chấp hành nguyên tắc kiểm duyệt nghiêm túc:
- Không được, đoạn này bẩn thỉu lắm. Thả ra cho chúng mày học đòi có mà loạn nước !
Đến đoạn chiến đấu khói lửa mù mịt dượng bỗng chìa quyển sổ ra che.
- Ơ, cái lão Cương này ! Bỏ ra, bỏ tay ra !
- Đang đánh nhau đâu phải đ... nhau mà ông che lại hử?
Rất nhiều tiếng kêu phản đối bực bội. Dượng giật cái mi-crô của anh thuyết minh, hét to:
-Mẹ chúng mày, đừng láo ! Chỗ này đánh nhau nhưng ta đang thua tao phải che lại. Thôi, tất cả trật tự để xem phim !...
Chính tôi cũng ùa theo mọi người chửi văng mạng, chửi dượng đến sướng miệng. Tiếp đó là một trận mưa dép, gạch, đá... tuôn vào buồng máy.
... Thực lòng tôi muốn đi bộ đội, đi để thoát khỏi cảnh con riêng bố dượng. Nhất cử lưỡng tiện, dượng cũng muốn tôi đi cho khuất mắt và để thằng Tuấn em kế tôi khỏi phải đi.Dượng rất muốn nó là người làng Vịnh đầu tiên được vào học cấp Ba.Tôi biết mẹ đau buồn lắm, mẹ lén lên chân lèn Cờ thắp hương trên mộ cha tôi ( là nơi chôn cái chân phải của cha, phần còn thiếu bà nội tôi thay bằng thân cây dâu và một cái gáo dừa ). Mẹ khóc xin cha tha tội không ở vậy nuôi con thờ chồng, xin cha phù hộ cho tôi đi vạn sự bằng an.
Tại điểm tập trung giao quân, tay bí thư Đoàn xã chìa cho tôi tờ quyết định kết nạp:
- Chúc mừng đồng chí Sót. Từ giờ phút này đồng chí chính thức đứng dưới cờ Đoàn.
Nhìn mặt hắn, tôi nổi cáu:
- Tôi có xin đâu mà các anh kết nạp.
- Ai xung phong đi bộ đội cũng được vào Đoàn. Chúng tôi đã nghiên cứu đơn của đồng chí. Tinh thần của đồng chí cao lắm !
- Đơn nào? Tôi ngạc nhiên. Đi thì đi, tôi có xung phong xung phiếc lúc nào?
- Anh là con liệt sỹ xã chưa điều, nhưng ông Cương có chuyển đơn xung phong của anh, xã mới điều và chúng tôi quyết định kết nạp Đoàn cho anh.
Tôi định nói: " Tại sao các anh không kết nạp cho ông ấy? ".
Dượng chạy tới bên đỡ lấy tờ quyết định trong tay Bí thư gấp tư lại nhét vào túi áo quân phục của tôi.
- Sót, cầm đi con - Lần đầu tiên trong đời tôi được dượng gọi bằng "con". Nhờ ưu tiên truyền thống gia đình ta, con mới được vinh dự này. Có đứa vác đất làm thủy lợi bạc mặt còn chưa được vào Đoàn đấy.
Nếu không vì đôi mắt đầm đìa nước mắt của mẹ đang nhìn, tôi đã hét vào mặt dượng: " Tôi thích đi vì không muốn nhìn thấy mặt ông.Tôi thề còn sống sẽ mang súng về hỏi chuyện ông !" Lão Câm huơ đôi bàn tay như cụm nhủ đá tai mèo ra hiệu rồi giúi vào người tôi một bọc lá chuối khô đựng những miếng thịt dơi quạ rán vàng thơm ngậy, vài chục trứng chim sáo luộc vỏ màu xanh da trời rắc lấm tấm hạt vừng đen.
- Ông Câm ở nhà mạnh khỏe nhé ! Tôi ôm lấy lão rồi bật khóc nức nở. Thôi con đi, vĩnh biệt mẹ thương yêu. Vĩnh biệt ông Câm và thung lũng Trận Đồ hùng vĩ... Tôi cứ nghĩ mình sẽ không trở về... Người ta bảo con trai một là hay chết lắm...
Hết chiến tranh, giữa Sài Gòn rợp cờ hoa, có lẽ tôi là người lính duy nhất không muốn đi phép thăm nhà. Mẹ đã mất, người yêu quý tôi nhất đời không còn,về làm gì thêm tủi. Nhiều đêm tôi nằm mơ thấy mình cưỡi trâu rong giữa thung lũng Trận Đồ. Bốn lèn đá mang hình Trống thủng, Cờ rách, Tướng cụt đầu, Voi gãy ngà xanh biêng biếc. Mặt đất rải đầy trứng chim, mỗi hòn cuội là một quả trứng chim lung linh như những hòn ngọc bích. Đàn sáo xanh như núi, con trâu mờm nhà tôi cũng xanh nốt, riêng thằng bé cưỡi trâu là tôi xanh và trong suốt như giọt nước từ nhủ đá vừa rơi xuống...
Năm sau, thằng Tuấn em kế tôi lần mò vào tận lâm trường nơi tôi vừa chuyển ngành. Hắn lùng mua máy bắn mìn điện, loại của Mỹ chế tạo.
- Quê mình thay đổi khác xưa nhiều. Tất cả đi lên sản xuất lớn. Thung lũng trở thành khu mỏ đá khổng lồ. Lèn Hai Vai, lèn Voi trung ương khai thác, lèn Cờ tỉnh khai thác, lèn Trống huyện khai thác, hiện cha làm giám đốc công trường cho huyện. Em đi vào cha dặn anh nhớ tìm mối thuốc nổ, thứ này ngoài ta đang ăn hàng, bao nhiêu cũng hết. Các bố trung ương và tỉnh đầu tư mạnh lắm. ấn nút một phát, mìn nổ ầm ầm, đá chạy hàng tiếng đồng hồ không dứt. Anh về chắc sẽ thấy lạ hẳn. Lèn Hai Vai chỉ còn một vai, lèn Voi toang hết mẹ một mảng đít, lèn Cờ bị phạt ngang mặt đất.
Tôi sực nhớ đến lão Câm người bạn già cô độc giữa thung lũng:
- Ông Câm còn sống không?
- Chết rồi ! Thằng Tuấn lắc đầu. Kỳ lắm anh ạ. Lão ta biết nói trở lại. Mỗi khi nghe tiếng mìn phá đá nổ, lão nhảy dựng lên như động kinh rồi chửi: " Tổ cha bay !Nổ để lấy đá xây mả cha bay hả? " Khổ thế, nói được lại hóa điên, cứ như ma xó, ngồi trong hang lèn Trống nhìn ra trừng trừng suốt ngày. Lão chết thảm lắm. Hôm ấy công trường khai trương, bắn mìn ở bên kia lèn cách khá xa thế mà toàn bộ trần hang sụp xuống vùi luôn lão Câm.
- Xong một kiếp người. Tôi buồn rầu lẩm bẩm.
Thằng Tuấn tròn xoe mắt, giọng nói chứa đầy bí hiểm:
- Lão Câm thiêng lắm. Bữa nào bắn mìn không thắp hương khấn vái xin phép là mìn thối hoặc có thằng bị đá văng sứt đầu mẻ trán. Hàng năm thợ đá chúng em dọn mâm cúng giỗ lão Câm rất chu đáo để nhờ lão phù hộ độ trì.
Than ôi, nếu ông Câm sống lại người ta có dám mời ông ngồi ăn cỗ không?
Thung lũng xưa cùng tuổi thơ của tôi đã trở thành dĩ vãng...
Thung Lũng Xưa Thung Lũng Xưa - Nguyễn Đức Thọ