Never lend books, for no one ever returns them; the only books I have in my library are books that other folks have lent me.

Anatole France

 
 
 
 
 
Tác giả: Bão Vũ
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Tu Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 711 / 4
Cập nhật: 2017-11-08 14:00:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
oàn thực tập sinh quy hoạch rừng chúng tôi gồm bốn gã trai chưa vợ, ngồi ngoài hiên, im lặng như những ông phỗng, nhìn trân trân lên cái ngọn núi bình thường như những ngọn núi bình thường khác. Bởi xung quanh là cảnh hoang vu trơ trụi, chẳng có gì hơn để nhìn vào những buổi chiều như thế này. Dân bản gọi ngọn núi ấy là Gạc Nai, mặc dù trông chẳng giống cái gạc nai chút nào. Tay Định trong đoàn chúng tôi là một gã thích nói văn hoa, bảo:
- Các ông nhìn kỹ sẽ thấy giống một con nai đang vươn cổ hốt hoảng nhìn về phía xa. Con nai ấy bị lạc mất bạn đời. Nó buồn đau nghênh đầu đánh hơi trong gió xem bạn tình ở phương nào. Một nghìn năm sau nữa nó vẫn còn đau đớn như nhân loại mãi mãi khổ đau vì tình yêu.
- Hoan hô! Xin quý vị thưởng cho kẻ hát rong đói khổ vài trăm bạc lẻ!
Chúng tôi vỗ tay tán thưởng đoạn độc tấu mùi như ca cải lương của Định. Bỗng có tiếng ông chủ nhà người Thái nói vọng ra:
- Hết củi rồi. Mai các chú đi kiếm thêm đi, trời còn lạnh lắm đấy! - Rồi ông cho chúng tôi biết không thể đốt những củi cành thường được, mà phải chọn những cây lớn đã đổ từ lâu, vỏ ngoài mục nát, chỉ còn trơ lõi. Củi ấy đốt sẽ rất ít khói, tàn cũng ít mà trắng, sạch. Thứ củi ấy chỉ có ở thung lũng Ngàn Sương, bên kia đèo Cổ Nai.
Chúng tôi hoảng hồn. Cái đèo Cổ Nai ấy, sau hôm đến đây, chúng tôi đã cao hứng định vượt sang bên kia núi để ngắm ngọn thác Ngàn Mê mà tiếng réo ào ào của nó thường vọng đến ngôi nhà chúng tôi ở vào ban đêm. Nhưng rồi cả bọn đều thở hơi ra đằng tai, phải bỏ cuộc khi mới chỉ leo được lưng chừng đèo. Vậy mà ngày mai, cái đám bạch diện thư sinh phải trèo qua cái đèo ấy với những khúc củi gộc trên lưng.
Sáng hôm sau, thằng Páo - con út ông chủ nhà dẫn chúng tôi đi. Gần trưa mới sang được thung lũng Ngàn Sương, mệt lử và đói meo, chúng tôi phải ngả cơm nắm ra ăn ngay. Lúc xuống suối rửa tay, Định bị trượt hòn đá rêu, giập đầu gối. Cái gã cận thị ấy chỉ tài nói năng văn vẻ, lưu loát, còn chân tay thì như đồ hậu đậu. Hắn kêu rống lên. Chúng tôi hốt hoảng không biết làm thế nào thì Páo bảo: “Khiêng nó đến nhà ké Linh, ở đấy có thuốc chữa”. Nó chỉ tay lên sườn dốc: Một ngôi nhà sàn ở dưới những tán cây lớn. Chúng tôi dìu Định đến đó.
Tới lúc này tôi mới nhận thấy thung lũng dày đặc sương mù. Đứng trên cao nhìn xuống, thung lũng hẹp và hình khá tròn trĩnh. Phía bắc là ngọn thác Ngàn Mê dội ào ào xuống lòng thung. Dân bản bảo trước đây thung lũng Ngàn Sương có đường bằng phẳng thông ra ngoài thuận tiện, nhưng cách đây vài chục năm, núi lở bít mất lối đi ấy.
Ké Linh tỏ ra rất lạnh nhạt với khách. Sau khi nghe Páo nói gì đó bằng tiếng địa phương, ông lừ lừ bỏ vào buồng trong lấy ra một nắm lá khô, hơ trên bếp lửa một lúc rồi bó vào đầu gối Định bằng miếng vải chàm cũ. Xong, ké ngồi bên bếp lửa hút thuốc, không nói câu nào. Chúng tôi thấy ngại nhưng vẫn phải để Định ở lại đó, rồi đi kiếm củi.
Đến chiều, kiếm được củi chúng tôi trở lại nhà ké Linh. Định vẫn nằm dài trên sàn nhà, chân đã được bó bằng thứ thuốc khác.
Mới năm giờ chiều mà khắp thung lũng đã mờ tối. Không thể vượt qua đoạn đèo hiểm trở với những khúc củi nặng trên lưng và một đồng đội què chân vào lúc này được. Páo bảo: “Cứ ngủ lại đây, mai anh Định khỏi chân hãy về”. Páo nói có lý, nhưng ké Linh có vẻ khó tính. Lại còn bữa chiều nay nữa.
- Người bên Nà Ngàn sang đây đi săn, kiếm củi, không kịp về, ké Linh vẫn thường cho ăn ngủ nhờ. - Páo nói thêm cho chúng tôi yên tâm.
Đúng lúc ấy, ké Linh mang một rổ bát đũa vào. Chúng tôi cũng nhìn thấy giữa nhà một nồi cơm to ủ trong than hồng và một chảo lớn món thịt gì đó đang ninh trên lửa, toả mùi thơm ngậy làm bọn tôi ứa nước miếng.
Hoá ra ké Linh không phải là người khó tính như chúng tôi tưởng. Ông đã sắp sẵn bữa chiều cho chúng tôi. Mà lẽ ra chúng tôi phải biết rằng những người miền núi không quen vồn vã khi giao tiếp. Tâm hồn họ giống như cánh rừng nhìn từ xa, âm u, bí ẩn mà phong phú, cho ta những thú vị bất ngờ khi đến gần.
Ké Linh bưng ra một vò rượu. Mỗi người chỉ có một cái bát, phải để uống rượu, còn món thịt lợn rừng thì dùng tay không, giống như những hảo hán Lương Sơn Bạc. Đó là bữa rượu thú vị nhất đời tôi.
Páo ăn vội vã rồi trở về để cha nó khỏi mong. Thằng bé là người của núi rừng nên chẳng phải lo gì cho nó.
Ké Linh lặng lẽ uống rượu, không để ý gì đến đám khách bất đắc dĩ. Chúng tôi muốn nói chuyện với ông, nhưng lại không biết tiếng Thái, đành nói chuyện với nhau vậy, và nói về ông.
Vĩnh bảo: “Các ông nhìn ké mà xem, có vẻ từng trải giang hồ lắm. Cứ trông hai cánh tay đầy sẹo thì biết”. Trọng gật gù: “Đúng, một cao nhân trong võ lâm, nay đã rửa tay quy ẩn”. Trọng vốn nghiền truyện chưởng.
Tôi đưa ra nhận định của mình: “Ké Linh là một thợ săn. Những vết sẹo ấy chỉ là những dấu tích của một con thú gì đó có móng sắc chưa chết hẳn sau phát súng kíp thứ nhất. Một tai nạn nghề nghiệp. Thế thôi!”.
Định đã hết đau vì thứ thuốc không tên của ké Linh. Hắn lên giọng trịch thượng, bác bỏ tất cả. Riêng ý kiến của tôi, Định chê là “kết quả của một tư duy thô thiển, đơn bào, nặng mùi thực phẩm vì chuyện đi săn để lấy thịt ăn”.
Tôi chưa kịp trả đòn thì Định đã cao giọng:
- Các chú, hãy nhìn vào mắt của ké, một đôi mắt buồn u uẩn và đau đớn đến mức làm ta muốn khóc lên. Ké có một mối tình đẹp và tuyệt vọng trong dĩ vãng. Những vết sẹo kia là dấu tích của mối tình đó. Chỉ với người có một thể xác và trái tim tan nát vì tình yêu mới chối bỏ tất cả, tìm đến một nơi hẻo lánh, sống cô độc suốt đời để hoài niệm về một mối tình xưa.
Tôi đang tính giáng cho Định một câu thật đau vì cái thói cứ nhét bừa tình yêu vào mọi chuyện, thì chợt thấy ngay sau khi Định nói, ké Linh giật mình, để rơi cái bát làm rượu đổ lênh láng.
Chúng tôi ngạc nhiên nhìn ông. Và chúng tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi ông cất giọng trầm, buồn nói bằng tiếng Kinh rất rành rọt:
- Cổ nhân nói đúng. Gặp người tri kỷ còn hơn được ngàn vàng!
Ké Linh rót rượu cho mình và một bát đưa cho Định. Ông nói: “Hôm nay tôi phải nói cho các cậu nghe”.
Chúng tôi thấy như có điều gì nghiêm trọng, đâm ra sợ, vì nghĩ rằng mấy gã sinh viên này có gì với ké Linh đâu mà nghe cái bí mật chắc là rất ghê gớm của ông. Như đoán được ý nghĩ đó của chúng tôi, ké Linh nói: “Lẽ ra tôi đem chuyện này xuống mồ, nhưng các cậu là những người có học, đã đoán được tâm sự của tôi. Nói ra được chuyện này, tôi sẽ nguôi phần nào, và cũng coi như tôi đã giúp các cậu qua được một đêm rất dài của miền núi hoang vu này”.
Ông nói có lý. Và đêm đó, chúng tôi nằm quanh bếp lửa nghe chuyện của ké Linh trong tiếng thác Ngàn Mê dội ào ào và tiếng thú rừng kêu với đủ mọi cung bậc, âm sắc trong đêm sâu huyền bí.
*
* *
Thật khó mà tin được ông già râu tóc bơ phờ, xơ xác, người chằng chịt những vết sẹo và khô sắt như một khúc cây cằn cỗi cháy dở, đang ngồi trước ngọn lửa của thời tiền sử kia lại có một trái tim nồng nhiệt yêu đương đến bất chấp cả cái chết.
Định đã đúng khi phán đoán về ông.
Ké Linh kể chuyện về mình như độc thoại, như không có chúng tôi.
Tôi vốn không thú vị với những chuyện tình. Tôi không tài nào đọc được trọn vẹn một cuốn tiểu thuyết tình dù của một đại văn hào. Tôi cho rằng người ta có quá nhiều việc phải làm trong đời, với những sự nghiệp lớn lao. Vì thế không thể để phí thời gian vào những chuyện tình rắc rối. Bởi suy cho cùng, tình yêu, theo tôi chỉ là bước khởi đầu của hôn nhân. Mà hôn nhân lại là chuyện rất thường tình, một “hạng mục” trong vô số hạng mục mà mỗi người phải thực hiện trong đời, cho dù người ta không muốn. Vẫn theo tôi, tình yêu dù có đẹp đến mấy cũng chỉ là cốc rượu khai vị nhỏ uống trước khi ăn, đối với người bình thường. Còn nếu cứ uống tì tì và lấy làm thích thú thì đó là một kẻ nát rượu, vô tích sự.
Vì thế, khi ké Linh kể về mối tình thời trai trẻ của ông với cái cô Mai Thi nào đó, thuộc một dòng họ quyền quý của vùng núi này, tôi đã nghe một cách lơ đãng. Chỉ có một điều làm tôi chú ý: Ông là người Hà Nội chính gốc, từng là sinh viên trường thuốc, thời Pháp.
Tôi nằm gối đầu lên cánh tay nhìn ngọn lửa chập chờn. Giọng ông già đều đều, lẫn trong tiếng thác Ngàn Mê dội hối hả như muốn trút đi một nỗi phiền muộn triền miên hàng ngàn năm nay. Tuy thế ông có lối kể chuyện làm cho người ta hình dung được sự việc, mặc dù đó là câu chuyện ở một thời xa lạ với chúng tôi.
Tôi hình dung ra cảnh Linh gặp sơn nữ Mai Thi đang làm người mẫu ở nhà hoạ sĩ Paul Hoàng, bạn của Linh. Bông hoa rừng đã toả mê hồn hương làm chết đứng chàng sinh viên si tình. Linh yêu say đắm, vội vã nhưng nhiệt thành. Anh nói với Mai Thi rằng anh sẵn sàng chết vì nàng, như trong tiểu thuyết thường viết. Mai Thi không hiểu vì sao lại phải chết vì tình yêu. Nhưng nàng cũng đáp lại nhiệt tình của Linh với một tình cảm chất phác, ngây ngô. Mai Thi đã được hấp thụ lối sống phương Tây sau những năm học ở Hà Nội.
Một lần nàng bảo: “Mai Thi nhớ núi rừng lắm!”. Linh dẫn nàng đến vườn Bách Thú. Nhìn những cây cối lơ thơ đầy bụi bặm và những con thú gầy còm, ngẩn ngơ trong cũi sắt, Mai Thi lắc đầu: “Ở quê Mai Thi không như thế này”. Họ ăn kem. Rồi dưới một bóng cây, Linh ôm hôn nàng. Mai Thi dửng dưng với cái hôn nồng nhiệt ấy. Môi nàng lạnh ngắt và bất động.
Rồi Mai Thi đột ngột bỏ về quê, không một lời từ biệt. Như một gã keo kiệt bị mất hết tài sản, Linh hốt hoảng chạy đến nhà Paul Hoàng, hỏi líu cả lưỡi:
- Toa có biết vì sao Mai Thi bỏ về không?
- Lấy chồng! - Paul Hoàng miệng ngậm tẩu, tay vẫn quệt lia lịa bút lông trên khung vải, buông sõng một câu.
- Lấy chồng ư? - Linh như bị đẩy từ trên cao xuống vực thẳm. - Lấy ai mà nhanh thế?
- Lấy một thằng Vừ A Sỉn nào đó, con trai Vua Mèo, một hoàng tử Mèo.
- Nói láo! Vua Mèo đâu có họ Vừ!
- Thì đại loại thế. Toa đi mà hỏi en.
Linh xông đến toan giằng cái tẩu không có thuốc, trang trí trên miệng Paul Hoàng để vứt xuống đất, thì chợt sững lại. Bức tranh Hoàng đang vẽ là chân dung của Mai Thi. Nàng ngồi trên bãi cỏ xanh. Xung quanh nàng, sườn núi vàng rực những hoa dại. Dưới xa, thung lũng phủ đầy sương mù. Mai Thi trong trang phục thiếu nữ Thái mầu trắng, đẹp như một nữ sơn thần, một Đian phương Đông.
Nhưng giờ đây nàng Đian ấy đã lấy chồng.
Linh đau đớn muốn ôm ghì lấy Mai Thi trong tranh để vừa hôn vừa níu giữ lấy nàng. Nhưng Paul Hoàng đã nhắc anh, giọng châm biếm:
- Attention! Peinture fraiche! (Chú ý! Sơn còn ướt!). - Rồi Hoàng nói một cách nghiêm trang: - Chẳng lẽ moa lại vẽ tồi đến mức toa không nhìn thấy gì ở Mai Thi sao? En độc ác một cách thơ ngây. En coi toa là một con gà nhà. En muốn nếm thử xem khác với gà rừng như thế nào. Hiểu chưa? Đồ ngốc!
Linh ngắm kỹ bức chân dung Mai Thi. Mắt nàng có vẻ kiêu ngạo và tàn nhẫn. Khóe miệng hơi mím như sắp bật ra một lời nguyền rủa ác độc. Nhưng đây là bức tranh của một gã hoạ sĩ theo chủ nghĩa hoài nghi. Linh mắng Hoàng đã vu khống thần tượng của anh bằng đám màu mè lem nhem như món cháo hổ lốn.
Linh tìm đến cái vùng sơn cước đầy sương mù, nơi có Mai Thi của anh. Linh đứng giữa một bãi đất rộng đầu bản Nà Ngàn nhìn những đống tro tàn, xương thú vật rải rác và hoa rừng, rất nhiều, đã héo úa, dấu vết đêm hôn lễ tưng bừng của Mai Thi.
Dù biết vậy, Linh vẫn bỏ dở năm học cuối cùng Đại học Y khoa, ở lại bản Nà Ngàn. Anh đi dạy học, chữa bệnh để sinh sống, để được gần Mai Thi.
Ké Linh vẫn kể chuyện mình như nói về một người khác. Tôi hình dung Mai Thi với bộ váy áo cô dâu rực rỡ, trên lưng con ngựa trắng, mặt rạng ngời hạnh phúc. Vàng Sính, chồng nàng cũng là con nhà quyền quý, giàu có, chỉ huy đoàn lính dõng của quan Châu.
Nàng đi dạo trong rừng, nhìn cảnh vật tươi tắn sau cơn mưa lớn. Linh đi hái thuốc giúp ông chủ nhà, học thêm nghề chữa bệnh bằng thảo mộc. Họ gặp nhau trên lối mòn.
- Mai Thi! - Linh kêu lên. - Sao em về quê lấy chồng mà không báo cho tôi biết?
- Sao lại phải báo?
- Tôi yêu Mai Thi. Em cũng yêu tôi cơ mà?
- Không yêu!
- Tôi rất yêu Mai Thi. Đáng lẽ tôi cưới Mai Thi.
- Không! Anh không phải là người Thái. Anh không tốt, chỉ nói dối. Tránh ra! - Mai Thi quát lên.
Một bên là sườn dốc, một bên là dòng suối. Linh đứng giữa con đường hẹp, không nhường lối. Anh muốn nói để Mai Thi hiểu. Nhưng nàng giận giữ quất ngựa rẽ xuống suối để sang bờ bên kia. Đoạn suối nông này ngày thường đi qua dễ dàng, bây giờ sau cơn mưa lớn đầu mùa lũ đã trở nên hung dữ. Con ngựa của Mai Thi loạng choạng giữa dòng nước sôi sục trôi băng băng, Linh vội lội xuống suối để lôi nó vào bờ. Nhưng không kịp, con ngựa đã quỵ ngã, bị dòng nước lũ cuốn đi cùng với Mai Thi. Linh chỉ kịp nhìn thấy một cánh tay nàng giơ lên chới với. Anh lao theo, người đập vào đá ngầm đau điếng, Linh đã nắm được tay Mai Thi khi nàng chỉ còn cách bờ vực vài sải tay, nơi dòng suối đổ xuống ầm ầm như thác. Linh dìu Mai Thi vào bờ. Con ngựa đã chết dưới đáy vực.
Mai Thi ngồi bên bờ suối run rẩy như con mèo nhỏ ướt át, không có vẻ ngạo mạn như trước, Linh đặt tay lên vai nàng, nói: “Tôi đưa em về thay quần áo kẻo ốm mất”. Mai Thi lắc đầu rồi lặng lẽ đứng lên, bỏ đi. Linh ngồi lại một mình đến tối mịt, rét run vì gió núi. Đêm đó Linh bị sốt, cơn sốt đầu tiên của căn bệnh sốt rét rừng dai dẳng mà anh phải chịu đựng sau này. Những cơn sốt mà mọi thứ chăn đắp và lửa sưởi đều vô hiệu.
Những gì ké Linh kể sau đó làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Tình yêu lại có thể làm thay đổi số phận con người đến như vậy ư?
Tôi như nhìn thấy cái bóng cao gày của chàng sinh viên Hà Nội, mình khoác tấm chăn dạ, tay bám vào hàng rào nhà Mai Thi, đứng run rẩy trong đêm sương lạnh. Mai Thi nhìn qua cửa sổ biết đó là Linh. Nàng im lặng. Không hiểu nàng nghĩ gì.
Rồi Vàng Sính, chồng Mai Thi cũng biết. Hắn ghép Linh vào tội trú ngụ bất hợp pháp và trộm cướp. Kể ra cũng đúng. Nếu Mai Thi mở cửa, lao vào vòng tay Linh, anh sẽ đưa nàng đi trốn như trong một chuyện tình cổ điển.
Vàng Sính cho lính bắt Linh. Theo một luật riêng của một kẻ có quyền lực ở vùng núi này, Linh bị khép vào tội chết.
Chúng tôi ngồi cả dậy. Sương mù về đêm dày đặc len qua những khe vách gỗ tràn vào nhà, ngưng đọng trong những góc tối không có hơi ấm của lửa. Ké Linh chậm chạp rót rượu uống. Không ai giục giã một lời, mặc dù tôi nóng lòng muốn biết tiếp câu chuyện.
Linh bị trói vào một cây cột. Vàng Sính vứt cái roi ngựa xuống sàn và bảo bọn lính: “Đánh chết nó đi!”.
Đây là trận đòn thù dành cho kẻ tình địch. Trong cái đầu u tối của Vàng Sính cũng lóe lên một câu hỏi: Liệu có phải trong tay hắn chỉ là thân xác của Mai Thi, còn hồn nàng thuộc về cái kẻ hào hoa phong nhã kia?
Hắn hỏi Mai Thi: “Cô có phải lòng nó không?”. Mai Thi lắc đầu. “Nó cứu cô ở dưới suối, cô phải thích nó chứ?”. Mai Thi lại lắc đầu.
- Được rồi tôi sẽ đánh chết nó!
Mai Thi cũng bừng lên một nỗi căm giận khó hiểu: “Tôi cũng đánh chết nó!”.
Vàng Sính vụt một roi vào vai Linh với tất cả sức mạnh, đến nỗi làm rách toạc chiếc áo ngoài của anh. Hắn gầm lên:
- Mày rình mò nhà tao định ăn cắp cái gì? Ngựa, hay vàng bạc?
- Tôi yêu Mai Thi! - Linh thản nhiên nói. Vàng Sính thét lên như bị một nhát chém. Hắn quất một roi vào mặt Linh. Mai Thi vội quay đi, lấy tay bưng mắt.
- Tôi yêu Mai Thi! - Linh nhắc lại bằng đôi môi rách ứa máu.
Bọn lính thay nhau đánh Linh đến sáng.
Vàng Sính đánh Linh. Hắn uống rượu say khướt, vừa quất những nhát roi xé thịt, vừa gào lên như hoá điên:
- Mày định ăn trộm ngựa hay vàng bạc?
- Tôi yêu Mai Thi! - Linh vẫn nhắc lại câu nói đó sau những ngọn roi, đều đặn, dai dẳng như lời thỉnh cầu của một tín đồ thuộc dòng Khổ hạnh.
Cho đến đêm hôm sau, bọn lính vẫn liên tục đánh Linh. Thỉnh thoảng chúng dội cho Linh một ống bương nước để anh không ngất đi mà nhận biết được sự đau đớn của da thịt đang bị xé nát. Linh đã liếm những giọt nước lẫn máu của mình để sống và nói mãi câu:
- Tôi yêu Mai Thi!
Vàng Sính buông roi ngã vật ra vì mệt, vì say và vì uất ức. Một tên lính dìu hắn vào buồng trong.
Rồi đích thân Mai Thi đánh Linh.
Nàng vụt những ngọn roi vào thân hình rách nát, bê bết máu trong đó có trái tim vẫn đập đều đặn như con lắc đồng hồ với nhịp điệu: “Tôi yêu Mai Thi - Tôi yêu...”.
Mai Thi thét lên:
- Chết đi! Chết đi!...
Nàng hết sức vụt ngọn roi cuối cùng. Một ánh chớp lóe lên chói loà khắp thung lũng. Những chấn song cửa sổ bằng thân cây xù xì sáng trắng lên như được mạ bạc. Tiếng sét khủng khiếp như trời sập.
Linh lấy hết sức một lần nữa: “Tôi... yêu... Mai... Thi”.
Mai Thi chỉ nhìn thấy câu nói đó qua cặp môi khô máu, khẽ mấp máy của Linh. Nàng buông rơi ngọn roi, sụp xuống chân anh oà khóc:
- Em cũng yêu anh!... - Rồi nàng ôm chầm lấy Linh vừa nức nở vừa hôn như mưa lên những vết thương đẫm máu trên mặt, trên cổ anh.
Bọn lính cũng kiệt sức, nằm ngồi la liệt trên sàn, ngủ gà ngủ gật, không đứa nào thấy được việc làm kỳ lạ của bà vợ ông chỉ huy. Chỉ còn một tên lính tỉnh táo. Hắn không hề đánh Linh roi nào. Cha hắn đã từng được Linh chữa bệnh không lấy tiền. Chính là tên lính thỉnh thoảng lại dội cho Linh một ống nước.
Mai Thi vừa khóc vừa cắt dây trói cho Linh rồi dìu anh vào rừng. Tên lính giúp Mai Thi vực anh lên ngựa. Nàng dặn hắn: “Bảo Vàng Sính rằng tôi đã đánh chết A Linh rồi, tự tay tôi đem xác nó ném xuống vực”. Tên lính gật đầu hiểu ý.
Trong cơn mưa lũ và sấm sét dữ dội, Mai Thi đưa Linh đi. Trên lưng ngựa, suốt con đường mòn gập ghềnh, nàng ôm anh trong vòng tay, khóc và hôn anh không ngớt, những cái hôn đẫm nước mưa ngọt lịm và mát lạnh.
Ánh lửa lấp lánh trong đôi mắt già nua của ké Linh, một thứ ánh sáng sung sướng, mãn nguyện. Ông im lặng một lúc lâu. Ông đang hồi tưởng. Chúng tôi kiên nhẫn chờ. Nhưng rồi tôi đã hỏi ông một câu ngớ ngẩn: “Sau đó bác đưa cô Mai Thi về Hà Nội chứ?”.
Không! Mặc dù Linh rất muốn, nhưng không thể làm như vậy được. Những tập tục từ nghìn đời đã níu giữ Mai Thi, nàng đem anh đến gửi một thầy mo ở bản khác để chữa vết thương. Khi chia tay, Linh vẫn nằm liệt trên đệm cỏ, Mai Thi cúi xuống hôn Linh và anh nếm thấy vị mặn của nước mắt nàng. Hình như có một truyện cổ nào đó nói rằng nước mắt của tình yêu thực sự sẽ là rất mặn. Đó là cái hôn vĩnh biệt.
Hai tháng sau, khi những vết thương của Linh đã lành thì biến cố lớn lao của năm 1945 đã làm thay đổi mọi chuyện. Anh trở về bản cũ. Nà Ngàn đã thuộc chính quyền cách mạng. Họ tộc Mai Thi không còn ở thung lũng Ngàn Sương nữa. Anh đi tìm nàng khắp nơi, nhưng không ai biết. Có người bảo hình như họ tộc của nàng đã bỏ sang Lào.
Rồi Linh vào vệ quốc quân, đơn vị quân y, tham gia tiễu phỉ.
Ké Linh dừng lại, rót một bát rượu nữa, chậm chạp xuống. Ông ngồi lặng nhìn ngọn lửa.
- Bác gặp lại cô Mai Thi nữa chứ? - Định hỏi.
Trong một trận tấn công vào sào huyệt bọn phỉ, bộ đội bắt được tên cầm đầu. Đó là Vàng Sính. Hắn bị thương rất nặng. Tự tay Linh băng bó cho hắn. Miệng hắn rên rỉ đau đớn, nhưng mắt ánh lên một mối căm thù ghê gớm đối với anh.
- Mai Thi bây giờ ở đâu? - Linh hỏi nhỏ Vàng Sính như nhắc hắn món nợ cũ. Hắn chửi một câu rất tục tĩu và độc địa bằng tiếng Thái. Suốt đêm Linh ở bên hắn, hy vọng một lúc nào đó hắn sẽ cho anh biết về Mai Thi. Nhưng đến gần sáng, hắn gọi tên Mai Thi rồi chết. Cặp mắt hắn mở trừng trừng. Linh vuốt mãi vẫn không khép lại.
Có lẽ chính Vàng Sính cũng không biết Mai Thi ở đâu. Vì sau cái đêm mưa gió ấy, chắc gì nàng còn có thể chung sống với hắn.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, những vết thương đã buộc Linh phục viên. Anh trở về thung lũng Ngàn Sương, dựng ngôi nhà sàn này để ở và chờ đợi. Anh vẫn tin rằng sẽ có ngày Mai Thi tìm về đây...
Ké Linh ngừng câu chuyện.
Chúng tôi nằm xuống, nhưng không sao ngủ được. Tôi đã phải rũ bỏ khỏi đầu óc những ấn tượng u ám về câu chuyện của ké Linh bằng cách nghĩ tới bức thư mà vợ chưa cưới của tôi mới gửi. Cô là một sinh viên rất có triển vọng của khoa Kinh tế - Kế hoạch. Cũng như tôi, cô coi tình yêu là phù phiếm, chỉ có những lý tưởng, hoài bão mới làm cuộc sống có ý nghĩa. Cô ta giao nhiệm vụ cho tôi mua một số thứ lâm thổ sản, hàng hoá ở đây đem về dùng cho lễ cưới và sau này. Một bản thống kê rất dài với măng khô, nấm hương, mộc nhĩ, mật, cao, vỏ chăn, phích nước, thuốc men... với những trọng lượng khiến tôi phải nghĩ đến một con ngựa thồ.
Gần sáng, tôi thiếp đi. Trong giấc ngủ lẫn với tiếng thác Ngàn Mê réo ào ào, tôi không hề mơ thấy đám cưới của mình. Tôi thấy Mai Thi trên lưng con ngựa trắng, anh chàng sinh viên trường thuốc tay nắm dây cương dắt đi dọc bờ suối. Cả hai người đều trẻ trung, tươi tắn trong hạnh phúc. Dưới chân họ, những bông hoa dại màu vàng rực rỡ.
Chúng tôi thức giấc. Mặt trời đã lên cao chiếu qua sương mù và kẽ lá thành những hình rẻ quạt lộng lẫy như trong một khung cảnh thần thoại.
Ké Linh đã sắp sẵn bữa ăn sáng rất chu đáo cho chúng tôi như để lại lời chào của những người “tri kỷ một đêm”, rồi bỏ đi từ lúc nào, chắc là để xem mấy cái bẫy thú rừng.
*
* *
Nhiều năm qua rồi. Những gã sinh viên ngồi bên bếp lửa nghe câu chuyện của ké Linh đêm ấy, giờ đã thành những vị công chức đứng tuổi, từng trải, với những hoàn cảnh khác nhau.
Vinh là một gã khù khờ, không có khả năng tạo ra một cú “tăng trưởng đột biến” trong nền kinh tế gia đình, nên bị vợ coi là đồ bỏ đi. Vì vậy Vinh luôn ấm ức. Gặp bạn cũ, mắt hắn rơm rớm than tiếc cái thời sinh viên vô tư coi tiền bạc không bằng “cái đinh gỉ”.
Trọng có một cô vợ ghê gớm nhưng hắn cũng không vừa. Vợ chồng lục đục mãi rồi sống ly thân. Gặp tôi, có lúc hắn hớn hở khoe mới cho mụ vợ một “chiêu độc” trong việc bán mảnh vườn ở quê, bí mật không cho mụ xu nào; lúc thì nhăn nhó bảo vừa bị một bọn du côn nện cho một trận nhừ tử mà không hiểu vì sao, có lẽ đó là âm mưu của mụ vợ.
Còn Định, cái gã luôn mồm nói đến tình yêu ấy, thì đã hai lần ly hôn. Một lần vì hắn chán vợ, lần sau thì người vợ thứ hai chán hắn. Thỉnh thoảng gặp Định đi vơ vẩn ngoài phố, tôi hỏi đi đâu, hắn gật gật cái đầu hoa râm, cặp mắt kính cận thị dầy cộp nhìn xa vời, miệng cười buồn: “Đi đâu ư? Đi tìm tình yêu. Nó ở đâu hả ông?”. Hắn lẩn thẩn từ sau khi bị cô vợ diễn viên đá.
Chỉ có tôi là may mắn hơn cả. Tôi sống yên ổn bên vợ con. Vợ tôi là nhân vật quan trọng của một bộ quan trọng. Thu nhập của cô ta rất khá vì thường có nhiều người đến nhà tôi lúng túng móc một món gì đó ở trong cặp đặt lên bàn, cười gượng, xin “bà chị” giúp cho một việc nhỏ... Tôi cũng kính nể vợ, vì cô ấy rất nghiêm khắc với chồng con và mọi chuyện trong nhà đều do vợ tôi xếp đặt. Tôi làm việc như chơi, thường la cà các nhà hàng, khách sạn. Thỉnh thoảng cũng bia ôm tí tỉnh. Vậy mà vào những đêm đông mưa phùn ẩm ướt, tôi cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó, và một nỗi buồn khó tả làm tôi bứt rứt không yên. Trong những giấc ngủ đầy mộng mị, một vị mặn nồng nàn cứ ám ảnh đôi môi đã nhạt thếch vì những cái hôn “bia ôm” của tôi.
Chính trong những giấc ngủ chập chờn, mộng mị, với nỗi khát khao một vị mặn trên môi ấy, tôi nhớ về một nơi xa lắc trong ký ức. Núi Gạc Nai, thung lũng Ngàn Sương, thác Ngàn Mê, và ké Linh.
Liệu bây giờ ké Linh có còn sống để tiếp tục đợi chờ Mai Thi của mình, và ngôi nhà sàn cô độc giữa thung lũng hoang vắng phủ đầy sương mù ấy, có còn không?...
Bản Nà Phúc - Cao Bằng 1973
Hải Phòng 1996
______________________
Thung Lũng Ngàn Sương Thung Lũng Ngàn Sương - Bão Vũ