Số lần đọc/download: 0 / 1
Cập nhật: 2021-01-03 10:49:42 +0700
Tôi vừa từ quê lên, Nam bộ đang vào đợt nắng nóng, da tôi đã đen lại cành đen hơn, coi kiếng nhìn vô chỉ thấy lấp lóa hàm răng. Quê mình giờ khác lắm, K. à.
Cái khác rõ ràng nhất là chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Anh coi báo xem đài cũng biết. Người nông dân bao đời gắn bó với cây lúa bây giờ đang nôn nả cho nước mặn vào đồng để nuôi tôm. Lứa tôm đầu chết hàng loạt đã dội gáo nước lạnh vào bà con mình nhưng làm sao mà dập tắt được lửa lớn. Ai chứ, bà con mình nghèo đã bao đời rồi, chờ đợi cũng biết bao lâu rồi. Nên có nơi nầy làng xóm xuống đầm vớt tôm chết, nơi khác đang đào đắp cải tạo ao nuôi. Đi đâu, làm gì cũng nghe chuyện con tôm, hừng hực khí thế tổng tiến công vào cái nghèo dai dẳng.
Nhưng còn cái đổi khác nữa mà chỉ những anh em làm nghề suốt đời tong tả chuyện người ta như anh em chúng mình mới thấy. Thấy rồi dưng không ngồi nuối tiếc.
Tôi tiếc những liếp dừa, hàng cau bị đốn, tàu bẹ còn nằm ngổn ngang. Tiếc rặng tre mạnh tông sau nhà, tiếc cây còng già, bụi trâm bầu ngoài họng ao hồi nhỏ tụi mình hay ra đó cất nhà chòi chơi cúng cuội. Tiếc một hàng bạch đàn hôm rồi về giăng võng nghỉ, bày đặt mở máy ghi âm coi có ghi được giọng nói nào từ cõi trên không. Tất cả, tất cả đều nằm chỏng gốc. Ông cậu đất ít, người lại đông nên tranh thủ tận dụng cả mấy cái ao, hố bom trong vườn để thả bậy thêm ít tôm. Trời ở quê vẫn xanh rời rợi nhưng đất quê đã kém xanh rồi.
Tôi ngồi lai rai với ông cậu ngoài bờ chuối sát đầm tôm, cũng may là còn một bờ chuối thưa rỉnh thưa rảng để tránh nắng chiều. Cậu tôi mình còn ướt vừa ngoi ngóp xúc bùn dưới vuông lên. Chưa hết xị rượu hai cậu cháu bắt đầu cãi lý với nhau. Mỗi nguời có tỉ tỉ cái lý. Cậu cho rằng phải hy sinh hết cho con tôm, sống mấy chục năm rồi chỉ hy vọng vô nó để đổi đời. Cậu nói rành mạch, để cây đó, lá rụng xuống đầm tinh dầu nó tiệt ra không tốt, nhứt là bạch đàn, tràm bông vàng... Tôi cãi (dốt cũng bày đặt cãi): “Cây dừa lá đâu mà đủ rụng xuống?”. Cậu nói, cây dừa rễ nó độc, lại ăn sâu làm gì mà không ngấm vô đất. Tôi cố vớt vát: “Vậy rễ cây tre có độc hôn?”. Cậu đổ quạo: “Thằng, sao mầy hỏi dần lân hoài vậy? Cây tre thì có lá tre, tao nói rồi, rụng xuống Đầm hỏng tốt, hơn nữa, phải phát quang để cho gió nhiều, tạo sóng, có oxy cho sú nó thở chớ mậy, mầy sao, hỏi dai như đỉa... ”.
Tôi bắt đầu nói cái lý của mình. Tôi nói ở quê khác với đô thị ra làm sao đối với những thằng như tụi mình. Là vì, ở quê, người ta có được cái cảm giác trong trẻo, mát lành, yên ả, lúc nào trong tâm hồn cũng có nguồn cội, cây cỏ chở che. Là vì, phần đông người ta từ quê đi ra, cái ký ức tuổi thơ tới già không phai được. Có bao giờ người ta lại muốn xa quê. Như tôi (và cả anh) lúc nào mà không thèm về nhà, ngồi dưới gốc vú sữa, khề khà tí rượu với cá lóc nướng rơm. Quanh mình tỏa ra một mùi khói thanh thỏa. Mà, nói chữ quê hương thì hơi khó hình dung, nhưng xét cho cùng người ta nhớ tới quê là nhớ má (tất nhiên), rồi gì nữa? Một căn nhà lá gió thổi mát rượi. Và một mảnh vườn đầy cây trái, ổi xá lỵ, ô môi, xoài thanh ca, khế ngọt... Trưa xách cây chét ra vườn hái trái dừa, chặt ống trúc nhỏ ngồi hút thứ nước ngọt thanh thao mát lành đó. Mưa xập xoài, măng tre lú lên mụt nào mụt nấy ú ì, chờ cao cỡ ba gang tay, má đi chợ mua giò heo về hầm một nồi canh, nước vàng óng như tráng một lớp mỡ. Lâu rồi, hễ nói tới miệt vườn Tây Nam bộ ai cũng mường tượng ra một đặc trưng kinh rạch và cây trái. Cà Mau là đất mặn, hồi đó chỉ có một nhúm cây trái thôi, bây giờ lại càng hiếm hoi nữa. Vườn trơ đất trắng, nước đầm đià nước. Nắng pha phả vào mặt. Tôi hỏi cậu tôi có phải vì con tôm mà bà con mình đánh mất cái vẻ đẹp làng quê đã có bao đời. Cái ký ức đẹp mà những người xa xứ như tôi đêm ngày thương nhớ.
Cậu tôi cười, ông uống một hớp rượu, vấn một điếu thuốc, ra vẻ trầm ngâm, ông bảo, thì ông cũng tiếc chớ, ông cũng đã gắn bó ở đây mấy chục năm rồi. Nhưng mẩy coi, huê lợi từ vườn cộng với giá lúa rẻ bèo, tao nuôi hai đứa em mẩy học ngoài thị xã còn muốn ná thở, biết chừng nào mới khá.
Thấy trên đài người ta nuôi tôm giàu bắt ham, rồi nhà nước cho chủ trương, còn chờ gì nữa mà không tính chuyện đổi đời. Hồi đó, ông ngoại mấy với tao trồng cây ăn trái là cũng để cho sắp nhỏ sau nầy, bây giờ tao đốn thì nghĩ cũng cho tương lai con cháu sau nầy chớ đâu. Mà, cái thằng nầy, thiệt, uống tí rượu mà sanh tật, thân già tao không tiếc sao mấy ngồi tiếc mấy cái cây hoài vậy?
Tôi không nói nữa, anh K. Có gì mà nói lời của cậu tôi cũng như tâm ý của bà con Cà Mau là vậy. Hy sinh nhiều thứ để hướng tới xây dựng tương lai cho mình, cho con cháu mình. Tôi uống với cậu tôi và chịu thua.
Nhưng thật lòng, anh biết không, tôi vẫn thấy buồn ghê lắm. Anh em mình thường nói, sợ nhất là cảnh còn mà người mất, nhưng xem ra chịu tâm trạng cảnh mất ngườí còn cũng đau đâu có kém gì.