Cái tốt đẹp nhất trong mọi cái là việc học. Tiền có thể bị mất, sức khỏe và sức mạnh có thể bị mất, nhưng những gì trong đầu bạn thì là của bạn mãi mãi.

Louis L’Amour

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Little Rain
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 996 / 12
Cập nhật: 2014-06-19 22:57:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôm trước, nghe tin Quảng Châu thất thủ, hôm sau, tiếp luôn điện tín báo chồng tử trận, thì có họa đá cũng nát gan, lọ người!
Thiếu Hoa vận đồ tang, ruột như đứt từng khúc. Chị vật mình, vật mẩy, lăn lộn gào lên mà khóc.
Ly biệt chồng ngày đầu thu, chị có ngờ đâu rằng "tráng sỹ một đi không bao giờ về".
Song, thà người mất mà đất còn, hoặc người còn mà đất mất, chị còn chút an ủi hoặc vui sướng. Chị nhớ ngày chồng đi...
Hôm ấy trời quang đãng. Ánh nắng buổi thu sơ gay gắt.
Đoàn quân mộ hùng dũng đi từ Mon-cay về Tong-Hinh, xông pha giữa làn khói pháo trắng nổ từng tràng dài, quấn quanh ngọn sào, kêu hàng giờ không ngớt.
Rồi buổi trưa, các giới phố Tong-Hinh tổ chức cuộc biểu tình chống Nhật để hoan tống tráng sỹ. Hàng vạn con người, trật tự, diễu quanh các đường chật hẹp. Thỉnh thoảng, đến một ngã tư, học sinh ngừng hát, có tiếng người sang sảng diễn thuyết, thì dân chúng đồng thanh hô khẩu hiệu dưới rừng nắm tay.
Hôm ấy, Thiếu Hoa như điên, như cuồng...
Mắt chị muốn tuôn ra từng hồ lệ. Song thấy sự hùng tráng của đoàn người, chị phải gượng cười, lẳng lặng đi cạnh chồng, không dám tỏ sự bịn rịn để gàn quải lòng hăng hái của tráng sỹ.
Chồng chị hôm ấy vui vẻ lạ. Thỉnh thoảng anh mỉm cười giơ tay nhận chiếc khăn mặt, chiếc cốc sắt, cùng các thứ lặt vặt, là đồ tặng của các nhà tiểu thương.
Rồi sáng hôm sau, anh lên đường.
Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau.
Đến bây giờ, Thiếu Hoa bỗng hoá ra người vị vong với tấm thân hai mươi ba tuổi.
Họ hàng khuyên chị tạm lánh sang Bắc Kỳ, để tránh nỗi lo sợ mỗi khi nghe trên trời thấy vù vù tiếng máy, không biết của bên địch, hay của Pháp, hay chính lại của nước nhà. Từ khi được lệnh nhà nào cũng phải có sẵn ở cửa một chum nước, một thùng cát để phòng nạn bom lửa, và trữ hai thùng dầu xăng để tiêu hủy cửa nhà khi phải chạy giặc, thì Thiếu Hoa thấy số kiếp như treo dưới sợi tóc.
Nhưng không, Thiếu Hoa chẳng đi đâu cả. Chị rất khinh những người đồng bang đem cơ nghiệp đi trốn nợ nước, sang Hải Phòng, ăn chơi hoang hủy, lại cư xử để mang tiếng cả dân tộc Trung Hoa. Thiếu Hoa chẳng đi đâu cả. Chị phải ở lại với đất nước, để tuyên truyền tẩy chay hàng Nhật, để quyên tiền giúp quỹ chiến tranh, để thảo truyền đơn khuyến khích quân dân hợp tác và để sung sướng mỗi khi nhìn lên tường phố, thấy bức vẽ một tên Hán gian bị hành hình.
Và Thiếu Hoa... Một tấm thân nõn nà với bao chí khí trong lòng, đã có một lần tự tử hụt, khi nghe tin bị thải không được đầu quân để chĩa súng sang bên địch mà trả thù chồng, nợ nước.
Song, có một hôm, cả mấy phố ở Tong-Hinh, không mấy nhà không bàn tán đến việc Thiếu Hoa bỏ nhà đi mất.
Chị sang Bắc Kỳ để lánh nạn? Không phải. Sao cha mẹ anh em lại đi tìm.
Chị về Quế Lâm để đầu quân lần nữa? Không phải, sức chị yếu quá, thì chẳng đâu dám nhận đơn của chị?
Thế thì chỉ đi làm Hán gian?
Làm Hán gian! Ai có thể tin được một người như Thiếu Hoa lại đi làm Hán gian? Chẳng bao giờ một gia đình đã sinh ra lắm người con trai biết hi sinh vì cuộc độc lập của đất nước, lại có thể có người con gái bán nước.
Vả lại, Thiếu Hoa là một trang học thức, có tâm huyết. Những hành vi của chị từ khi chồng phơi thây chốn sa trường không đủ bảo đảm cho tấc lòng ngay thẳng của chị hay sao? Làm Hán gian, chị mong có danh lợi gì.
Nhưng người ta đổ tiếng nhục cho chị không phải là không có cớ. Vì người ta đã bắt gặp chị ở Quảng Châu.
Người sương phụ ấy bỗng đột ngột bỏ gia đình, bỏ hoạt động ở nơi chôn rau cắt rốn, đến trú ngụ tại một thị sảnh đã bị giặc chiếm để làm gì?
Nỗi lòng của chị, ai có thể tỏ được?
Chính cái hôm Thiếu Hoa tự tử hụt, là hôm chị giác ngộ.
Chị muốn bắt chước người xưa, thủ tiết với bạn trăm năm. Song chị không muốn hủy hoại tấm thân một cách vô ích. Đành rằng chết, song sao cái chết được oanh liệt, được lợi cho nước, chị mới thỏa lòng.
Thiếu Hoa ở Quảng Châu, thuê một căn nhà cực lộng lẫy để tiếp toàn bạn Nhật. Chị nhởn nhơ, ăn chơi tiêu xài như những người sa ngã. Đến nỗi chính bọn tướng tá địch, đã được hưởng sắc đẹp của chị, chúng cũng phải ngầm khinh cả nước Trung Hoa.
Chẳng bao lâu, chị được thiếu tướng Mon-to cho gọi vào.
Được người sang cho "hầu hạ một đêm", Thiếu Hoa vui sướng, ca hát ầm ĩ.
Chị sẽ đạt mục đích. Đêm nay, chị sẽ được theo chồng. Nhưng trước khi nhắm mắt, chị chắc chắn được thấy một tên võ quan cao cấp Nhật Bản chết trên tay chị.
Bởi vậy, vừa chập tối, chị đã thay quần áo, đánh phấn, tô son, giấu trong lưng một khẩu súng nhỏ và ngồi chờ.
Một tên lính lùn đến nhà chị dẫn chị vào trại.
Đi đường gặp người quen, chị nhoẻn miệng, gật đầu chào một cách lẳng lơ. Chỉ đi hăm hở như một chiến sỹ khi nghe tiếng kèn trận.
Nhưng tới cổng dinh thiếu tướng, Thiếu Hoa hoàn toàn thất vọng. Bao nhiêu mưu sâu của chị định từ trước bỗng bị tan như khói. Chị bị người lính canh khám. Những thứ chỉ có thể làm sây sát da người ta được thôi, cũng bị giữ lại. Cho nên đến cái gương bằng thủy tinh, cái lược bằng bạc, chị còn không được mang ở cạnh mình, nói chi súng lục.
Thiếu Hoa thất vọng, nhưng vờ ngọt ngào:
- Tôi là một người Trung Hoa thân Nhật, tôi cần có khí giới để giữ mình. Nếu không có, tôi sẽ bị người nước tôi giết chết.
Người lính lắc đầu:
- Không một người Trung hoa nào qua cửa này được có trong mình một vật rắn. Vả lại, đã vào đến chỗ này, cô được chúng tôi bảo vệ, chứ không cần cô phải tự giữ mình.
Thiếu Hoa thở dài, đành chịu lỡ một dịp may hiếm có.
- Được một con cháu Thiên Hoàng tự quên mình một phút để sánh vai với cô, cô nên coi đó là một vinh dự vô song trong đời một thiếu nữ Trung Hoa.
Thiếu Hoa nhớ mãi câu đầu tiên đầy kiêu ngạo ấy của tên tướng giặc nó nói. Mà cũng chỉ có một câu ấy thôi.
Nửa giờ đồng hồ chị ở trong buồng nó, chị không nghe thấy nó nói câu thứ hai nào nữa.
Chị đau đớn đến rớt nước mắt. Vậy mà chị phải nuốt nhục để hiến sự khoái lạc cho kẻ thù.
Đến đêm, về đến nhà, chị được tự do để kêu gào lên tiếng, để nguyền rủa quân phát-xít khốn nạn.
Đúng một tuần lễ sau, Thiếu Hoa lại được lệnh tên Mon-to gọi.
Lần này trang điểm xong, chị bảo người lính Nhật:
- Anh phải bảo đảm thân thể tôi từ cửa nhà này trở ra, vì hôm nay tôi không mang gì để tự vệ.
Người lính gật đầu.
- Được. Lọ là cô phải dặn. Người Nhật đi đến đâu, là sự yên ổn đi đến đấy. Vả lại dù số mệnh cô chỉ ngắn ngủi đến giờ này thôi, thì người Nhật cũng phải thắng tạo hóa, để kéo dài đời cô cho đến sau lúc thiếu tướng cần đến cô.
Thấy mỗi câu đáp là một lời chửi rủa thâm độc, Thiếu Hoa không nói thêm gì. Chị lẳng lặng đi theo người lính.
Đến cổng dinh, Thiếu Hoa cũng bị khám xét, nhưng không bị giữ lại vật gì. Người lính canh gật đầu, bẹo má chị và khen:
- Con bé này lịch duyệt và khôn ngoan hơn cả Tưởng Giới Thạch.
Thiếu Hoa cắn răng vào môi rồi đi.
Cũng như lần trước, người lính đến thềm nhà thiếu tướng, thì gõ cửa, rồi đứng dừng lại.
Cửa mở ra, Người hầu cận thiếu tướng đưa chị đến cửa buồng giấy, cũng gõ và đứng lại. Nghe tiếng nói ở trong, người ấy mở cửa, và trỏ tay bảo Thiếu Hoa vào.
Lúc bấy giờ Mon-to đương ngồi ở cạnh bàn, mặt cặm cụi vào bản địa đồ.
Thiếu Hoa cúi chào, nhưng thiếu tướng không đáp.
Chị hồi hộp đứng chờ, và nhìn thiếu tướng nghiêm chỉnh như một pho tượng vị thần linh!
Độ năm phút sau, thiếu tướng ngẩng mặt lên nhìn, và sệt ghế, đứng đậy, vẫy tay rồi lững thững đi vào buồng bên cạnh.
Thiếu Hoa làm ra vẻ lễ phép, khép nép theo sau.
Đến buồng ngủ, thiếu tướng khẽ hất hàm và đứng chờ.
Hiểu ý, Thiếu Hoa cởi xiêm áo, để ví ở đầu giường và giơ hai tay lả lơi đón lấy thiếu tướng.
Lần này hơn lần trước, con cháu Thiên Hoàng không thèm nói một nửa câu. Vị thần linh biến ngay thành con quỷ dâm dục.
Cho nên Thiếu hoa chờ thiếu tướng miệt mài trong truy hoan, mồ hôi nhễ nhại, nàng với lấy tay ví, mở ra cầm chiếc khăn lụa, lau trán, lau má cho thiếu tướng.
Bất đồ, chiếc khăn đến mũi thì tên giặc bị mê đặc, lả gục xuống. Nhanh như cắt, Thiếu Hoa lột chiếc bí tất ở chợ ra, lấy mảnh dao cạo dẹt sắc như nước; cứa vào họng kẻ thù một nhát thật mạnh... Song, chị vừa kêu to được một tiếng "Trung Hoa" thì cũng ngay phút ấy, không biết ở đâu, phát ra một tiếng nổ và một tia lửa lòe. Thiếu Hoa ôm ngực, giãy giụa trên giường, rồi tắt thở.
1939
Thiếu Hoa Thiếu Hoa - Nguyễn Công Hoan