We should read to give our souls a chance to luxuriate.

Henry Miller

 
 
 
 
 
Thể loại: Cổ Tích
Dịch giả: Lê Tuấn Nghĩa
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 35 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3110 / 107
Cập nhật: 2019-05-14 10:20:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 7: Maiar
Sauron
Xem Phần 2: Phe Bóng Tối
Gandalf
Gandalf là một pháp sư (Istari) được các Valar gửi tới Middle-earth trong Kỷ thứ Ba. Ông đã đi cùng Người Lùn Thorin và hội đồng hành trong sứ mệnh chiếm lại vương quốc Erebor từ rồng Smaug. Ông cũng góp công lớn trong Hội Bằng hữu của chiếc Nhẫn để tiêu hủy chiếc Nhẫn Quyền Lực của Sauron. Khi ở dưới hình hài Gandalf Xám, ông được miêu tả như sau:
‘Ông đội một chiếc mũ xám chóp nhọn, mặc áo choàng xám dài, và quấn khăn màu bạc. Ông có một chòm râu dài trắng xóa và cặp lông mày rậm rạp thò ra dưới vành mũ.’
- Trích ‘Hội Bằng hữu của chiếc Nhẫn’, chương ‘Bữa tiệc được mong đợi từ lâu’
* Nguồn gốc
Gandalf nguyên là một Maiar với tên gọi Olórin. Ông được coi như người thông thái nhất trong số các Maiar. Khi còn ở thiên quốc Valinor, ông thường sống trong những khu vườn của thần Irmo (Lórien). Ông là học trò của thần Nienna, người đã truyền cho ông học thức và lòng trắc ẩn. Khi các Valar quyết định gửi hội Pháp sư tới Middle-earth để tư vấn và tương trợ cho những Giống người Tự do chống lại Chúa tể Hắc ám Sauron, thần Manwë và thần Varda đã chọn Gandalf là một trong số năm sứ giả được gửi đi: Olórin, Curumo, Aiwendil, Pallando, và Alatar, vào năm 1000 của Kỷ thứ Ba.
Một truyền thuyết kể rằng thần Yavanna đã trao viên Đá Elf của Eärendil cho Gandalf, để ông mang tới cho người dân của Middle-earth, ngụ ý rằng các Valar không bỏ rơi họ. Ông đã đưa viên đá cho Công nương Galadriel, và tiên đoán rằng Công nương sẽ đưa lại cho một người sau này mang tên Elessar (chính là Aragorn).
Khi tới Middle-earth, Gandalf nhận chiếc nhẫn lửa Narya từ tay Cirdan Người Đóng tàu, đó là một trong ba chiếc nhẫn Elf (Tiên). Ông đã ẩn danh trong nhiều thế kỉ, sống giữa các Elf, học từ họ và dạy lại họ. Sau đó, ông tiết lộ thân phận của mình và gia nhập Hội đồng Trắng, mà Công nương Galadriel tiến cử ông làm thủ lĩnh, nhưng ông đã từ chối vị trí này vì muốn giữ sự độc lập. Pháp sư Saruman (Curumo) trở thành lãnh đạo của Hội đồng.
* Hành trình tới Erebor
Năm 2850 Kỷ thứ Ba, Gandalf gặp vua Người Lùn Thráin II, cha của Thorin Khiên Sồi, trong hầm ngục của Dol Guldur, sào huyệt của tên phù thủy Necromancer. Thráin đã đưa cho ông bản đồ và chìa khóa để vào Erebor. Gandalf cũng phát hiện ra Necromancer không phải là ai khác mà chính là Chúa tể Hắc ám Sauron.
Trong truyện 'Gã Hobbit', Gandalf xuất hiện trước cậu hobbit Bilbo Baggins của vùng Shire và sắp xếp để Bilbo đi cùng hội mười ba Người Lùn do Thorin Khiên Sồi dẫn đầu, trong sứ mệnh chiếm lại kho báu của Đỉnh núi Cô độc, mà nhiều năm trước rồng Smaug đã đoạt mất. Trong chuyến đi này, Gandalf đã tìm được cây kiếm Glamdring và sử dụng nó từ đó trở về sau. Bilbo tìm được thanh đoản kiếm Sting và chiếc Nhẫn, nhưng không biết rằng đó là Nhẫn Quyền Lực của Sauron.
Khi đoàn của Thorin đặt chân tới rừng Mirkwood, Gandalf bỏ đi để tham gia vào cuộc tấn công Dol Guldur của Hội đồng Trắng. Cuộc tấn công này đã đuổi tên Necromancer ra khỏi sào huyệt, tuy nhiên, hắn đã quay trở lại thành trì cũ của hắn ở Barad-dûr và lộ nguyên hình là Sauron vào năm 2951.
Gandalf trở lại đoàn của Thorin vào đúng thời điểm Trận chiến của Năm Đạo quân nổ ra. Ông đã chiến đấu trong trận này, và giúp tiêu diệt mối đe dọa của bọn goblin (yêu tinh). Sau trận đánh, ông đi cùng Bilbo trở lại vùng Shire.
* Trở lại vùng Shire
Từ năm 2941 đến năm 3001 Kỉ thứ Ba, Gandalf du hành khắp Middle-earth để tìm kiếm thông tin về sự quay trở lại của Sauron, và về chiếc nhẫn bí ẩn của Bilbo. Ông cũng dành rất nhiều thời gian để ở trong vùng Shire, củng cố tình bạn với Bilbo và cậu cháu của Bilbo, Frodo.
Năm 2956, ông gặp và kết bạn với Aragorn, hậu duệ của vương quốc Arnor.
Năm 3001 Kỉ thứ Ba, Gandalf tới vùng Shire để tham dự lễ sinh nhật thứ ‘một trăm mười một’ (111) của Bilbo. Ông thấy không an tâm về dáng vẻ trẻ trung bất thường của Bilbo, và bắt đầu nghi ngờ chiếc Nhẫn. Sau buổi tiệc, Bilbo nói tạm biệt Gandalf để đi khỏi Shire. Vào phút cuối cùng, Bilbo đổi ý và không muốn để chiếc Nhẫn lại cho Frodo. Gandalf cố thuyết phục Bilbo, nhưng Bilbo tỏ thái độ thù địch và kết tội Gandalf muốn chiếm chiếc Nhẫn cho riêng mình. Bilbo bắt đầu gọi chiếc Nhẫn là ‘báu vật’. Gandalf kinh ngạc và dùng pháp lực dọa Bilbo để ông tỉnh lại, thoát ra khỏi ảnh hưởng của chiếc Nhẫn. Bilbo xin lỗi, và để chiếc Nhẫn lại, rồi lên đường.
Gandalf thấy rất bất an về chiếc nhẫn bí ẩn. Ông đưa nó cho Frodo và dặn cậu giữ nó cẩn thận. Mười bảy năm tiếp theo, ông đi tìm câu trả lời cho vấn đề này. Năm 3017, sau khi Aragorn giúp ông bắt giữ Gollum, ông tra hỏi Gollum về chiếc Nhẫn, và so sánh với các dữ kiện lưu trữ ở Minas Tirith, ông kết luận rằng đó có thể là chiếc Nhẫn Chúa của Sauron. Nhưng không chỉ một mình ông biết thông tin này. Trước đấy, Sauron đã bắt được Gollum ở Mordor và tra khảo hắn, hắn đã khai ra tên ‘Baggins’ và ‘Shire’. Nghe được tin này, Gandalf vội vã quay trở lại vùng Shire để cảnh báo Frodo. Ông nhờ các Elf Rừng của Mirkwood canh giữ Gollum, nhưng hắn đã trốn thoát được.
* Hội Bằng hữu của chiếc Nhẫn
Khi gặp Frodo, Gandalf một lần nữa khẳng định được chiếc Nhẫn mà cậu đang giữ có khắc Ngôn ngữ Đen, và chính là chiếc Nhẫn Chúa. Ông khuyên cậu nên đi khỏi càng sớm càng tốt, mang theo chiếc Nhẫn, và hứa sẽ quay lại để đi cùng cậu tới Rivendell. Gandalf cũng kể cho Frodo nghe về Gollum.
Gandalf gặp Radagast, Pháp sư Nâu, ở gần Shire, vị này nhắn Gandalf hãy đến gặp Saruman, vì bọn Nazgûl đã vượt sông Anduin. Gandalf viết thư cho Frodo và nhờ một chủ quán trọ ở Bree gửi hộ, rồi ông đi tới Isengard để gặp Saruman. Tuy nhiên, khi đến nơi, ông mới vỡ lẽ ra rằng Saruman đã trở mặt. Lão cố thuyết phục Gandalf cùng lão đi theo phe Sauron. Thấy không đạt kết quả, lão nhốt Gandalf lại trên đỉnh tháp Orthanc.
Sau một thời gian bị giam cầm, Gandalf được Đại bàng Gwaihir giải cứu. Đại bàng đưa Gandalf tới vương quốc Rohan, ông đến gặp vua Théoden và xin một con ngựa cưỡi. Trong đàn ngựa của nhà vua, Gandalf đã chọn ra chú ngựa quý Shadowfax và cùng chú phi về vùng Shire. Nhưng Frodo đã lên đường tới Rivendell từ trước đó, nên Gandalf cũng đi về Rivendell. Dọc đường, ông gặp phải các Nazgûl, thuộc hạ của Sauron, ở đỉnh Weathertop. Ông chiến đấu dữ dội với chúng một đêm và thoát được tới Rivendell. Vài ngày sau, Frodo cũng tới đó trong tình trạng bị thương nặng nhưng vẫn giữ được chiếc Nhẫn.
Sau khi vết thương của Frodo đã lành, Gandalf và vị chúa elf Elrond triệu tập một hội đồng bí mật để quyết định cách xử trí với chiếc Nhẫn. Frodo tự nguyện gánh trọng trách mang Nhẫn đến Núi Doom để tiêu hủy nó. Gandalf nhận đi cùng và giúp đỡ Frodo trong sứ mệnh này, cùng với Aragorn, Boromir, hoàng tử elf Legolas, Người Lùn Gimli và các cậu hobbit Samwise Gamgee, Peregrin Took, và Meriadoc Brandybuck, lập nên Hội Đồng hành của chiếc Nhẫn, gồm chín thành viên, do Gandalf dẫn đầu.
Ông quyết định rằng cả hội sẽ vượt qua Dãy núi Mù sương bằng lối Caradhras, để tránh Isengard. Nhưng bão tuyết đã cản chân họ. Gandalf đành phải dẫn cả hội đi vào Moria nằm sâu dưới lòng đất, nơi từng là một thành phố mỏ trù phú của Người Lùn. Nhưng Moria lúc này đã bị bỏ hoang và bọn Orc ở khắp nơi. Trong Moria, tại cây cầu Khazad-dûm, ông phải đối mặt với một Balrog vẫn thường được gọi là ‘Tai ương của Durin’. Hắn là một Maiar đã bị Melkor tha hóa từ những ngày sơ khai của vũ trụ.
Gandalf chiến đấu với hắn, ông dùng gậy phép của mình đập gãy cây cầu khiến cho tên Balrog ngã xuống vực sâu. Nhưng chiếc roi của hắn đã quấn vào chân Gandalf và kéo ông rớt xuống vực cùng hắn.
Hội Đồng hành tưởng ông đã chết nên tiếp tục lên đường. Nhưng thực ra, lúc ngã xuống đến đáy vực, ông vẫn tiếp tục chiến đấu với tên Balrog thêm mười ngày nữa. Cuối cùng, ông hạ được hắn trên đỉnh Celebdil, và ông cũng chìm vào trong bóng tối, linh hồn ông rời khỏi thể xác phàm tục.
* Gandalf Trắng
Nhưng linh hồn của Gandalf vẫn chưa vĩnh viễn rời bỏ Middle-earth. Là kẻ duy nhất trong năm Pháp sư giữ trung thành với sứ mệnh được giao, Olórin/Gandalf được thượng đế Eru gửi trở lại Middle-earth, lần này dưới hình hài của Gandalf Trắng, với tư cách là sứ giả tối cao của các Valar, và được bộc lộ nhiều quyền năng thực sự của Maiar hơn trước.
Từ đỉnh núi nơi ông đang nằm trần trụi, Đại bàng Gwaihir đưa ông tới Lothlórien. Tại đây, ông được Công nương Galadriel đưa cho một cây gậy phép mới. Dáng vẻ bề ngoài của Gandalf Trắng được mô tả như sau:
‘Tóc ông bạc trắng như tuyết dưới ánh mặt trời; và trắng phau là tà áo chùng của ông lấp lánh. Đôi mắt sáng của ông dưới cặp lông mày rậm nhìn soi thấu như những tia nắng rọi; và đôi tay ông đầy sức mạnh.’
- Trích ‘Chúa tể của những chiếc Nhẫn’, chương ‘Kị sĩ Trắng’
Biết rằng Frodo và Sam quyết định tiến vào Mordor đơn độc không có Hội Đồng hành, Gandalf bèn đi tới rừng Fangorn để gặp Aragorn, Legolas và Gimli. Ông gọi Shadowfax tới, chú chiến mã đã trở nên thân thiết với ông và sẽ đồng hành cùng ông trong chặng đường còn lại ở Middle-earth.
Họ cùng phi tới Edoras của Rohan. Gandalf gạt bỏ tên gián điệp của Saruman, Gríma Lưỡi Rắn, ra khỏi vị trí cố vấn của vua Théoden, và khuyên nhà vua ra trận chống lại sự xâm lược của Saruman.
Vua Théoden và các vị khách phi ngựa về phía Tây, nhưng họ mau chóng gặp phải quân địch đông gấp bội, nên họ rút vào Helm’s Deep cố thủ. Gandalf rời khỏi họ để đi tìm tướng Erkenbrand của vùng Westfold tới trợ chiến, ông cũng gặp các thần cây Ent và đề nghị họ giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại Saruman. Ông và các bằng hữu cuối cùng đã giải vây được cho Helm’s Deep.
Sau trận đánh, Gandalf cùng vua Théoden, Aragorn và một nhóm người đi tới Orthanc, tòa tháp của Saruman. Lúc này, toàn bộ Isengard đã bị các thần cây Ent phá trụi, Saruman bị vây trong tháp cùng với Gríma Lưỡi Rắn. Gandalf yêu cầu Saruman đầu hàng và lấy công chuộc tội, nhưng lão ta từ chối. Gandalf liền dùng pháp thuật bẻ gẫy gậy phép của Saruman, rồi trục xuất lão ta ra khỏi Hội Pháp sư và Hội đồng Trắng.
* Trận Minas Tirith
Do sự cố cậu hobbit Pippin nhìn vào Quả cầu đá palantír và gặp phải Chúa tể Sauron, Gandalf đưa cậu ta đi cùng ông tới thành phố Minas Tirith của Gondor, thành trì cuối cùng ở phía tây chống lại Sauron. Nhưng quan Nhiếp chính của Gondor, Denethor II, cha của Boromir đã tử trận, đối xử với ông bằng thái độ trịch thượng và bất nhã. Khi Faramir, con trai út của Denethor, em trai của Boromir, trở về từ Osgiliath và bị các Nazgûl vây đánh, Gandalf cưỡi Shadowfax ra ngoài thành và đuổi các Nazgûl đi bằng quyền năng hùng mạnh của ông. Faramir kể với ông rằng Frodo và Sam vẫn còn sống và đang tiến về Mordor.
Chẳng mấy chốc, thành phố Minas Tirith bị một đạo quân lớn từ Mordor vây hãm, do tên Vua Phù thủy chỉ huy. Faramir bị thương nặng do một mũi tên tẩm độc. Trông thấy thành phố bốc cháy và đứa con trai còn lại duy nhất đang hấp hối, Denethor trở nên tuyệt vọng và bỏ mặc người dân. Gandalf đứng ra lãnh đạo binh lính giữ thành.
Khi thanh cọc khổng lồ Grond phá vỡ cổng thành tưởng như vững chắc của Minas Tirith, Gandalf cưỡi Shadowfax đứng chắn ở cổng thành, chặn đường tên Vua Phù thủy. Bình minh đến, mang theo tiếng gà gáy báo ngày lên, cùng tiếng tù và của quân Rohan tới chi viện Gondor. Tên Vua Phù thủy liền bỏ đi.
Quan Nhiếp chính Denethor định tự vẫn và thiêu cháy cả bản thân lẫn con trai trong tòa tháp cao. Gandalf tới kịp lúc và cứu được Faramir, nhưng Denethor đã bén lửa và qua đời. Gandalf trao quyền tạm quản thành phố cho Quận công Imrahil của vùng Dol Amroth.
Trong lúc Gandalf vắng mặt trên chiến trường, quân Rohan, quân Gondor và sau đó là đội quân do Aragorn dẫn đầu đã đánh bại được bọn lâu la Mordor trong Trận chiến trên Cánh đồng Pelennor trứ danh. Sự nhìn xa trông rộng và những lời khuyên sáng suốt của Gandalf đã góp phần làm thất bại những nước cờ đầu tiên của Sauron.
* Trận chiến cuối cùng
Nhưng trận công thành Minas Tirith chỉ là một phần trong kế hoạch thôn tính Middle-earth của Sauron. Hắn có những đạo quân khác tiến đánh Erebor và Vương quốc Rừng cây của vua Thranduil ở phía bắc, cũng như tiến đánh Lothlórien và các vùng đất khác dọc sông Anduin. Chiến thắng về quân sự trước Sauron là điều không tưởng với những Giống người Tự do ở Middle-earth. Trong khi đó, sứ mệnh phá hủy chiếc Nhẫn của Frodo lại đang gặp khó khăn, vì cậu không thể tìm ra cách đi đến Núi Doom.
Gandalf, lúc này đã được bầu làm lãnh đạo cho những trận chiến cuối cùng, khuyên các vị tướng lĩnh hãy dốc quân đánh vào Cánh cổng Đen Morannon, để đánh lạc hướng Sauron, nhằm tạo cho Frodo một cơ hội. Khi họ tới Cánh cổng Đen, tên sứ giả của Sauron ra điều đình với họ và giơ cho họ xem bộ giáp mithril của Frodo, khiến họ nghĩ rằng Frodo đã bị bắt và bị tra tấn. Nhưng Gandalf không nao núng, ông thu hồi những kỉ vật của Frodo, và từ chối lời chiêu dụ của Sauron. Quân Mordor tiến ra khỏi Cánh cổng Đen, với lực lượng đông áp đảo.
Tuy nhiên, nhờ thế, Frodo và Sam đã tới được đỉnh núi lửa và đứng trước Khe nứt Định mệnh đúng vào lúc Trận đánh ở Morannon bắt đầu. Nhưng chiếc Nhẫn đã chiến thắng ý chí đang suy kiệt của Frodo, cậu không chịu ném nó xuống dòng nham thạch mà lại đeo nó vào tay. Gollum xuất hiện, hắn cố giành chiếc Nhẫn từ tay Frodo và bị ngã xuống luồng lửa cùng với nó. Đúng như lời Gandalf tiên đoán, lòng trắc ẩn đã tha mạng Gollum đóng một vai trò quan trọng trong việc tiêu hủy chiếc Nhẫn Quyền Lực.
Chiếc Nhẫn bị hủy, linh hồn Sauron trở nên suy yếu nên không thể quấy nhiễu Middle-earth được nữa. Đội quân của hắn cũng tự tan rã. Gandalf cưỡi lên Đại bàng Gwaihir lần thứ ba để tới cứu Frodo và Sam ra khỏi dòng nham thạch của Núi Doom.
Tại lễ đăng quang của vua Elessar (Aragorn), Gandalf đã đặt chiếc vương miện của Gondor lên đầu đức vua, và tuyên bố một kỉ nguyên mới cho loài Người.
* Ra đi
Sau lễ đăng quang và lễ cưới của Aragorn, Gandalf đi cùng những người còn lại trong Hội Đồng hành để trở về quê họ. Đó là chuyến đi dài ngày cuối cùng của Gandalf ở Middle-earth. Khi họ về đến ranh giới của vùng Shire, ông chia tay các hobbit và tới gặp Tom Bombadil để cùng đàm đạo.
Vào ngày 29 tháng Chín năm 3021, sau khi ở Middle-earth được hơn 2000 năm, ông lên thuyền đi về thiên giới Aman cùng với Frodo, Bilbo, Galadriel, Celeborn và Elrond. Bóng hình của họ không bao giờ còn xuất hiện ở Middle-earth nữa. Gandalf đã hoàn thành sứ mệnh của mình và trở lại thành Olórin.
* Quyền năng và vũ khí
Gandalf thường mang theo cây gậy của mình, đôi khi chỉ như một cây gậy chống, đôi khi để tăng thêm pháp lực, mặc dù truyện không tả rõ tác dụng của cây gậy này trong việc làm phép. Vào năm 2941, ông tìm được thanh gươm báu Glamdring từ trong hang của bọn Troll. Từ đó về sau, ông luôn dùng thanh gươm này, đặc biệt là trong trận đánh với tên Balrog ở Moria.
Gandalf là người phục vụ cho Ngọn lửa Bí mật, là kẻ giữ ngọn lửa của Anor, và là người mang chiếc Nhẫn Lửa Narya. Phần lớn những lần ông thi triển pháp thuật đều có liên quan tới lửa.
Ông có một kiến thức uyên bác về các vùng đất và nhiều khả năng pháp thuật khác nhau, từ những khả năng giỡn vui như điều khiển khói tẩu, hoặc pháo hoa, cho đến những khả năng phi thường hơn như tạo ánh chớp hoặc khói lửa. Ông có thể dùng pháp thuật chặn cánh cửa của Moria lại, và làm gẫy cây cầu Khazad-dûm. Những lúc nổi giận, ông thường trở nên cao hơn và mang dáng vẻ đáng sợ hơn. Ông cũng có tài tiên đoán khá chuẩn xác.
* Tên gọi và biệt danh
- Olórin (tiếng Quenya)
- Mithrandir (tiếng Sindarin)
- Tharkûn (tiếng Người Lùn)
- Gandalf Xám
- Gandalf Trắng
- Kị sĩ Trắng
- Gandalf Áo Xám (người Rohan gọi)
- Lão già Râu xám (sứ giả của Sauron gọi)
- Incánus (trong một ngôn ngữ không rõ nguồn gốc)
- Láthspell (nghĩa là Tin dữ, do Gríma Lưỡi Rắn gọi)
- Gandalf Quạ mổ (do vua Théoden gọi khi chưa tỉnh ngộ)
* Trong phim
Trong chuỗi phim điện ảnh ‘Gã Hobbit’ (2012~2014) và ‘Chúa tể những chiếc Nhẫn’ (2001~2003) do đạo diễn Peter Jackson dàn dựng, vai Gandalf do diễn viên Ian McKellen đảm nhiệm. Ông là một tài tử gạo cội của màn bạc thế giới, và vai diễn này của ông đã nhận được sự đánh giá cao từ cả giới phê bình lẫn khán giả. Tập phim Hội Bằng hữu của chiếc Nhẫn đã mang lại cho ông một đề cử Oscar, đây là đề cử duy nhất về mặt diễn xuất cho cả bộ ba tập phim ‘Chúa tể những chiếc Nhẫn’, và rất hiếm hoi trong thể loại phim cổ tích thần thoại, vốn không được các thành viên trong Hội đồng chấm giải Oscar mặn mà cho lắm.
Trong bộ phim hoạt hình ‘Gã Hobbit’ (1977) và ‘Sự trở lại của Nhà vua’ (1980) do studio Rankin/Bass dàn dựng, vai Gandalf do diễn viên John Huston lồng tiếng.
Trong bộ phim hoạt hình ‘Chúa tể những chiếc Nhẫn’ (1978) do đạo diễn Ralph Bakshi dàn dựng, vai Gandalf do diễn viên William Squire lồng tiếng.
Nhân vật Gandalf cũng xuất hiện trong nhiều trò chơi điện tử và các bản truyện audio. Gandalf đã trở thành vị Pháp sư được yêu thích bậc nhất trên khắp các châu lục.
Saruman
Saruman Trắng là một Maiar có rất nhiều tên gọi khác nhau như Curumo trong tiếng Quenya hoặc Curunir trong tiếng Sindarin, ông ta là người đứng đầu nhóm phù thủy Istari được các Valar phái tới Trung Địa vào thời đại thứ 3 để giúp các dân tộc tự do chống lại thế lực của Chúa tể bóng tối Sauron. Saruman vốn có nhiều phép thuật nhưng càng về sau thì thứ mà ông ta nghiên cứu nhiều nhất lại là phép thuật bóng tối, điều đó khiến cho ông ta ngày càng trở nên đen tối rồi cuối cùng đã bị sa ngã bởi tham vọng giành lấy chiếc Nhẫn Chúa cho riêng mình.
Trước khi sa ngã, Saruman còn là người đứng đầu của Hội đồng Trắng. Kiến thức và kỹ năng của ông ta mà đặc biệt là sự hiểu biết sâu rộng về Sauron thì không một ai có thể sánh kịp. Tuy nhiên, cũng hơi giống như lãnh chúa Denethor, Saruman cũng sử dụng quả cầu Palantir để quan sát động tĩnh của Sauron và ông ta ngày càng bị đầu độc về tâm trí rồi dẫn đến sự thay đổi. Saruman vào cuối thời đại thứ 3 đã đi theo một con đường của riêng mình, ông ta nằm ở một nhóm ít những nhân vật không đứng về phe chính nghĩa nhưng cũng không phục vụ cho phe bóng tối. Saruman phản bội cả 2 phe chỉ với mục đích là muốn mình trở thành một chúa tể mới của Trung Địa, với tà tâm ngu ngốc này, việc ông ta phải đón nhận một kết cục thảm hại cũng là điều dễ hiểu.
* Là một Maiar
Saruman từng là một Maiar bề tôi phục vụ dưới quyền của Valar Aule, một trong những Valar mạnh nhất của thiên giới. Đáng chú ý là Sauron cũng cùng là một Maiar dưới quyền của Valar Aule giống như là Saruman. Cả 2 Maiar này đều rất mạnh và có kiến thức sâu rộng. Sarumun lúc đầu thường được gọi là Curunir và ông ta ít được nhắc tới hơn so với Sauron trong các thời kỳ đầu tiên của thế giới. Sauron đã phản bội lại Valar Aule để đi theo Melkor nhưng Saruman thì không.
Cho đến đầu thời đại thứ 3, tại thiên quốc Valinor, chúa tể Valar Manwe đã tiến hành một hội nghị để thảo luận về vấn đề của Sauron tại Trung Địa. Mặc dù Chúa tể bóng tối lúc bấy giờ vừa bị đánh bại bởi Liên minh cuối cùng nhưng hắn chưa hoàn toàn bị tiêu diệt và vẫn còn nhiều nguy cơ gây ra tai họa cho Trung Địa. Bởi thế mà hội đồng Valinor đã quyết định gửi xuống 5 sứ giả là 5 Maiar có quyền năng mạnh mẽ để giúp thay mặt họ bảo vệ cho các dân tộc tự do ở Trung Địa. 5 người này sẽ được phái xuống trong thân xác phàm trần giống như con người và bởi thế mà sức mạnh của họ cũng bị giới hạn trong cái thân xác đó.
Ngoài Saruman thì 4 Maiar còn lại được chọn lựa là Aiwendil ( Radagast ), Alatar và Pallando ( 2 phù thủy xanh ), và cuối cùng là Olorin ( Gandalf ). Saruman được chỉ định làm người đứng đầu của nhóm Istari này.
* Đến Trung Địa
Năm phù thủy cập Bến cảng Xám ở phía Tây của Eriador vào khoảng những năm 1000 của thời đại thứ 3. Lúc bấy giờ thì chỉ có duy nhất Cirdan, lãnh chúa của các vùng cảng, mới nhận ra được thân thế và nguồn gốc của 5 vị phù thủy. Cirdan tiếp đón họ và bí mật trao lại chiếc nhẫn Narya cho Gandalf, điều này về sau được chính Saruman phát hiện ra. Ông ta đã không hài lòng với hành động của Cirdan bởi về danh nghĩa ông ta mới là người đứng đầu trong nhóm phù thủy chứ không phải là Gandalf. Lãnh chúa Cirdan với khả năng nhìn người và khả năng tiên đoán đã nhìn ra được chính Gandalf mới là người thông thái và vĩ đại nhất chứ không phải là Saruman, bởi thế mà ngài không thay đổi quyết định của mình. Đây cũng là lí do khiến cho Saruman bắt đầu có cảm giác hằn học và ghen ghét với Gandalf.
Saruman và 2 phù thủy Xanh lúc đầu đã đi tới phía Đông của Trung Địa rồi sau khoảng một thiên niên kỷ, ông ta lại trở về vùng phía Tây vào đúng lúc mà sức mạnh của Sauron đang trỗi dậy tại Dol Guldur.
* Hội đồng Trắng
Khi Sauron tái xuất hiện ở Trung Địa, một hội đồng tập hợp tất cả những con người quyền phép nhất đã được thành lập vào khoảng năm 2463 của thời đại thứ 3 với mục đích chính là để chống lại Sauron. Với kiến thức sâu rộng về Chúa tể bóng tối mà Saruman được đề cử trở thành lãnh đạo của Hội đồng Trắng mặc dù nữ hoàng Galadriel lại muốn Gandalf ở vào vị trí này. Saruman với sự kiêu hãnh quá cao của mình tỏ ra không muốn đứng dưới Gandalf trong khi Gandalf thì lại luôn miệng từ chối nên cuối cùng người lãnh đạo Hội đồng Trắng vẫn là Saruman. Vào thời điểm này thì Saruman đã cảm nhận được sự trỗi dậy của Sauron và cả nỗi khát khao tìm lại được sức mạnh của ông ta mà đặc biệt là nỗi khát khao tìm lại được chiếc Nhẫn Chúa. Trong cùng năm này, chiếc Nhẫn Chúa đã tái xuất bằng việc rơi vào tay của một tên Hobbit có tên là Smeagol nhưng chưa ai tìm được ra hắn.
Cũng chính trong cuộc họp mặt của Hội đồng mà Saruman đã cảm nhận được một sự hứng thú đặc biệt mà Gandalf dành cho giống người Hobbit ở xứ Shire. Sau đó, ông ta liền cho người đến xứ Shire để do thám nhiều hơn. Bản thân Saruman cũng đã từng bí mật đến thăm xứ Shire nhưng sau đó ông ta dành ít sự quan tâm hơn bởi khám phá ra sự hứng thú của Gandalf chỉ là nằm ở lối sống nhàn nhã và vui vẻ của nơi đây. Trong số những mục đích của chuyến viếng thăm của Saruman thì còn có cả việc ông ta tới đây để tìm mua loại thuốc lá dùng để hút tẩu nổi tiếng của người dân xứ Shire. Kể từ đó, mỗi khi không có mặt Gandalf là Saruman lại bắt đầu mang loại thuốc này ra hút.
* Ở Isengard
Trong năm 2759, Saruman được giao lại chìa khóa của tòa tháp Orthanc bên trong pháo đài Isengard nằm ở phía tây của Rohan dưới sự cho phép của quan chấp chính Gondor lúc bấy giờ là Beren. Mục đích để Saruman tới đó là khiến cho pháo đài này có thể được bảo vệ tốt hơn bởi một người canh giữ có đủ quyền năng và kiến thức. Ở đó, Saruman sẽ trở thành một đồng minh quan trọng trong việc bảo vệ các mối nguy hại từ phía Tây của Trung Địa. Beren đã đưa cho Saruman chìa khóa của tòa tháp Orthanc và tại đó, phù thủy Trắng đã tìm thấy quả cầu Palantir. Năm 2850, Gandalf tiến vào Dol Guldur và khẳng định được rằng linh hồn ác quỷ hiện diện trong pháo đài đích thực là Chúa tể bóng tối Sauron. Theo lời khuyên của Saruman, Hội đồng trắng đã quyết định tấn công Dol Guldur. Gandalf về sau đã có cảm giác ngờ ngợ về việc Saruman bắt đầu manh nha tư tưởng khao khát được sở hữu Nhẫn Chúa của Sauron. Thực ra Saruman đã sớm biết về thân phận của Sauron tại Dol Guldur nhưng ông ta tảng lơ để tạo điều kiện cho kẻ thù lấy lại được sức mạnh, bởi có thế thì Nhẫn Chúa mới tự động hiện thân. Về sau, ông ta phát hiện ra là khả năng cảm nhận được vị trí Nhẫn Chúa của Sauron là mạnh hơn ông ta nhiều nên đã nhanh chóng quyết định đồng ý để Hội đồng Trắng tấn công vào Dol Guldur và trục xuất Sauron.
10 năm sau, Sauron trở lại Mordor và tuyên bố quyền lực của mình một lần nữa. Lúc này, ông ta đã bắt đầu liên hệ với Saruman thông qua quả cầu Palantir được lấy từ Minas Ithil. Cũng cùng năm này, Saruman bắt đầu tiến hành cải tạo toàn bộ Isengard, điều đó vốn nằm ngoài quyền hạn được cho phép của ông ta lúc ban đầu.
Lúc Gandalf tìm đến Isengard để thông báo về việc phát hiện ra vị trí của Nhẫn Chúa thì Saruman đã ngay lập tức vui mừng, ông ta liền không giấu giếm ý đồ đen tối của mình và tìm cách để lôi kéo Gandalf về phía mình. Khi mà Gandalf từ chối thì Saruman với pháp lực mạnh hơn đã đánh bại và giam cầm ông tại đỉnh của tòa tháp Orthanc. Saruman sau đó đã tiến hành thực hiện liên minh với Sauron để đánh bại các dân tộc tự do ở Trung Địa, tuy thế thì không có nghĩa là ông ta đứng hoàn toàn về phe bóng tối, đó chỉ là nước cờ tạm thời để mượn tay thế lực Mordor tiêu diệt những kẻ chống đối mình. Saruman thực ra vốn cũng đã có ý phản bội cả Sauron bởi ông ta đã bí mật cho người đi trước để đoạt lấy chiếc Nhẫn Chúa và không có ý định đưa nó cho Chúa tể bóng tối.
Sự phản bội của Saruman có thể nói là một biến cố lớn gây tổn thất và nguy hiểm nặng nề cho phe chính nghĩa ở Trung Địa.
* Sự bắt đầu của kết thúc
Có 1 tình tiết đáng chú ý đó là việc chỉ 2 ngày sau khi Gandalf trốn thoát khỏi Orthanc thì những Nazgul đã tìm đến Isengard và Saruman đã sử dụng giọng nói của mình để thuyết phục chúng rằng ông ta không hề biết gì về chiếc Nhẫn nhưng Gandalf thì biết và mục tiêu của các Nazgul nên hướng tới Gandalf thay vì là ông ta. Thực ra Saruman cũng chỉ phát hiện ra là Gandalf đã trốn thoát khỏi Orthanc vào chính lúc mà các Nazgul tìm đến.
Các Nazgul về sau phát hiện ra rằng Saruman đã che giấu nhiều thứ so với tất cả những gì mà ông ta biết. Trên đường tới xứ Shire, các Nazgul bắt gặp một tên do thám của Saruman và lấy được từ hắn một tấm bản đồ chi tiết về vùng đất này được làm bởi chính Saruman. Chúng gửi tên do thám trở về xứ Shire sau khi cảnh báo rằng giờ hắn đang phục vụ cho Mordor chứ không phải là Saruman.
Saruman tiếp đó đặt hết tâm sức vào việc tìm ra chiếc Nhẫn trước phe Mordor và phe chính nghĩa, ông ta vội vàng phái đi hết những do thám và chuẩn bị một lực lượng lớn mạnh để thôn tính Rohan. Một đạo quân Uruk-hai cũng được cử đi theo dấu của Đoàn hộ Nhẫn nhằm tìm cho được Người mang nhẫn. Đạo quân Uruk-hai này đã bắt được 2 Hobbit là Merry và Pippin đồng thời giết chết được cả Boromir. Nhóm Uruk-hai áp tải 2 người Hobbit về Isengard vì chúng nghĩ là họ mang trong người chiếc Nhẫn Chúa, thái độ phản bội của Saruman cũng được thể hiện qua việc lũ Uruk-hai một mực không giao tù binh cho lũ tay sai của Sauron tới từ Mordor, chúng còn sẵn sàng tiêu diệt những kẻ gây khó dễ cho mình mà không có tí nể nang.
Trong quãng thời gian ở Isengard, Saruman đã gây nhiều tội ác lên cánh rừng Fangorn khiến cho những người Ent nổi giận. Vào thời điểm mà Saruman đang tung đội quân chủ lực tấn công vào Helm’s Deep thì người Ent mở ra một cuộc hành quân tới Isengard đồng thời phái đi một đạo quân người Huorn tới giúp đỡ cho vua Theoden. Rốt cục, Saruman đã không thể chống lại được sức mạnh của cả một tập thể siêu nhiên gồm người Ent và người Huorn. Đạo quân của ông ta đã bị tiêu diệt tại Helm’s Deep và Isengard bị đánh sập bởi người Ent. Saruman thì bị cô lập bên trong tòa tháp Orcthanc.
* Sức mạnh bị phế truất
Những kế hoạch của Saruman đã thất bại và ông ta phải chịu đựng một cơn đả kích mạnh mẽ. Sau khi người Ent phá hủy Isengard thì họ vẫn không có khả năng để có thể kéo đổ được tòa tháp Orthanc nên chính vì thế mà Saruman vẫn có thể an toàn ở trong đó cho tới khi nhóm Gandalf quay trở lại để xử lý ông ta.
Khi lúc đầu nhóm người Gandalf bước vào gần Orthanc thì Saruman đã sử dụng phép thuật trong giọng nói của mình nhằm cám dỗ và mê hoặc đức vua Theoden. Khả năng thuyết phục của ông ta mạnh đến mức mà nhiều kỹ sĩ trong đoàn người của vua Theoden đã bị mê hoặc và có ý định tha thứ cũng như kết lại tình đồng minh với Saruman. Tuy nhiên, vua Theoden và Eomer không bị mê hoặc, họ phá tan âm mưu của Saruman và khiến cho ông ta thực sự rơi vào cảnh cùng đường.
Gandalf đã nói rằng là sẽ cho Saruman một cơ hội để chuộc lỗi nhưng ông ta đã hoài nghi và từ chối lời đề nghị này. Với bản tính kiêu ngạo của Saruman, lời đề nghị của Gandalf chỉ càng khiến cho ông ta tức giận. Trong lúc Saruman từ chối và bước quay lưng vào tòa tháp thì Gandalf đã sử dụng sức mạnh của mình để đánh gẫy chiếc gậy phép của ông ta.
Ta là Gandalf phù thủy Trắng, người đã trở lại từ cái chết. Giờ ngươi không còn màu nữa, và ta phế truất ngươi khỏi Hội Phù thủy và Hội đồng Trắng.” – Gandalf, trong chương Giọng nói của Saruman, 2 tòa Tháp.
Sau khi bị đánh gẫy cây pháp trượng, Saruman còn bị mất cả quả cầu Palantir do Grima đã ném nó xuống từ trên ban công của tòa tháp. Hắn có vẻ bất mãn với cả Saruman lẫn nhóm người của Gandalf. Sau khi đã phế đi sức mạnh của Saruman, Gandalf giao trách nhiệm canh giữ ông ta lại cho người Ent rồi rời khỏi Isengard.
* Kết cục cuối cùng
Vào giai đoạn kết thúc Cuộc Nhẫn chiến, Saruman đã dùng sức mạnh thuyết phục của mình để lừa cho người Ent thả ông ta ra khỏi Orthanc. Sau đó ông ta tới xứ Shire và bắt đầu chuỗi ngày ít ỏi được làm một ông trùm tội ác đối với cư dân tại đây. Lúc này Saruman thường được gọi là Sharket, có nghĩa là “ lão già ” cho tới khi ông ta bị sụp đổ hoàn toàn trong Trận chiến Bywater. Sau trận chiến, Frodo đã đối mặt với Saruman và tuyên bố trục xuất ông ta ra khỏi xứ Shire, và rồi trước khi có thể rời đi khỏi vùng đất thì ông ta đã bị Grima Lưỡi giun đâm chết ở ngay vùng rìa của Bag End ( Đáy Túi ).
Sau khi Saruman rời khỏi Orthanc, vua Aragorn Elessar đã ghé vào tòa tháp và tìm thấy ở đây rất nhiều những báu vật mà Saruman đã lấy trộm từ vua Theoden. Có một cái rương bí mật mà chỉ có thể được tìm thấy nhờ vào sự giúp đỡ của Gimli, trong đó có chứa Viên ngọc Elendilmir, báu vật được cho là đã bị thất lạc khi mà Isildur bị chết trên cánh đồng Gladden, cũng như là sợi dây chuyền vàng mà nhà vua đã từng đeo để giữ chiếc Nhẫn Chúa ở trước ngực của ngài.
Là một maiar, Saruman cũng có linh hồn bất tử, thông thường các linh hồn Maiar khác sẽ trở về Cung điện của Mandos nhưng các câu chuyện lại nói rằng linh hồn Saruman đã bị cấm được quay trở lại bởi các tội lỗi mà ông ta đã gây ra. Tolkien nói rằng linh hồn đó còn trần trụi và lõa lồ, vô lực và lang bạt, và sẽ không bao giờ được trở lại Trung Địa.
* Sức mạnh và khả năng
Với địa vị là người đứng đầu nhóm Istari và Hội đồng Trắng, Saruman quả thực được đánh giá rất cao về sức mạnh. Mặc dù đến cuối, ông ta bị đánh bại bởi Gandalf nhưng sức mạnh của ông ta quả thật là rất mạnh ở vào thời điểm đỉnh cao.
Về nhiều mặt thì Saruman thực sự là trội hơn so với Gandalf, kiến thức và các kỹ năng của ông ta bá đạo hơn so với bất kỳ một phù thủy nào trong nhóm Istari. Kiến thức về vũ khí, chiến tranh, mưu đồ và các phép thuật bóng tối khiến cho Saruman ngày càng trở thành 1 con người nguy hiểm và có xu hướng giống như 1 lãnh chúa chiến tranh hơn là một con người có quyền phép đơn thuần.
Về sức mạnh thì hồi đầu trước khi Gandalf được tái sinh thì Saruman là người mạnh nhất trong số các phù thủy Istari. Về đọ pháp lực, Gandalf cũng không bì lại được với ông ta, minh chứng qua việc Saruman đã đánh bại và giam cầm Gandalf tại Orthanc. Việc Saruman ngày càng bị tụt lùi so với Gandalf là do ông ta phải liên tục hứng chịu nhiều thất bại, đầu óc đã u mê hơn, và cũng là do không còn được sự ủng hộ từ các Valar như Gandalf.
Các pháp lực của Saruman khá giống với Gandalf. Ông ta có thể thổi ra một lực mạnh từ cây pháp trượng trên tay và cũng từ nó mà có thể phóng ra một quả cầu lửa về phía địch thủ. Saruman còn có khả năng tác động và sai khiến được các yếu tố thời tiết như mây và sấm sét. Nói chung là quyền năng của ông ta rất mạnh.
Trong những quyền phép của Saruman thì nên đặc biệt nói tới khả năng mê hoặc tâm trí, đây thực sự là một khả năng nguy hiểm nhất. Vào thời kỳ đỉnh cao, Saruman có thể mê hoặc và sai khiến được cả những người có tâm trí mạnh mẽ nhất chỉ bằng cách nói chuyện với họ. “ Giọng nói của Saruman ” là một cụm từ đặc biệt, nó được dùng ám chỉ đến những lúc mà ông ta đang sử dụng khả năng mê hoặc để sai khiến tâm trí người khác. Đây là khả năng cuối cùng mà Saruman còn giữ lại được khi mà ông ta bị thất bại tại Isengard. Trước đó, Saruman còn đầu độc được cả tâm trí của vua Theoden, một con người vô cùng mạnh mẽ và sáng suốt. Đến lúc nhóm Gandalf đi tới Orthanc, gần như tất cả các kỵ sỹ đi theo đều bị giọng nói của ông ta mê hoặc, chỉ trừ có những anh hùng mới có thể trụ được nhờ sự nhắc nhở và bảo vệ của Gandalf.
Về sau, Saruman lại dùng khả năng này của mình để đánh lừa TreeBeard và trốn thoát ra khỏi sự canh giữ của người Ent.
* Trong điện ảnh
Trong bộ 3 Chúa Nhẫn của Peter Jackson, Saruman được thủ vai bởi Sir Christopher Lee. Về vai trò thì không khác gì nhiều so với trong tiểu thuyết nhưng có một điểm khác biệt quan trọng là ở cái chết của Saruman. Trong phim thì Saruman đã bị Grima đâm chết ngay từ lúc họ đang đứng trên đỉnh của tháp Orthanc và đang nói chuyện với nhóm người Gandalf ở phía dưới, xác của ông ta sau đó đã rơi xuống và bị cuốn vào một chiếc cối xay gió. Cũng bởi đã chết ở ngay lúc đó nên trong phim sẽ không nhắc tới việc ông ta đi tới xứ Shire và gây ra tội ác tại đây.
Gothmog
Xem Phần 2: Phe Bóng Tối
Alatar
“ Manwe triệu tập các Valar đến một hội nghị nhằm đưa ra đề xuất về việc cử đi 3 sứ giả tới Trung Địa và Ngài cất tiếng hỏi là ai sẽ đi …. Chỉ duy nhất 2 người bước lên; Curumo và Alatar … và Alatar đã mang Pallando đi cùng như là một người bạn.”
Alatar là một Maiar có cái tên gốc là Morinehtar, ông là 1 trong 5 phù thủy trong nhóm Istari nhưng trước đó đã từng được cử tới Trung Địa cùng người bạn thân là Romestamo ( Pallando ) vào thời đại thứ 2. Ở Trung Địa, họ được biến đến như là Ithryn Luin, hoặc là các phù thủy áo Lam. 2 phù thủy Lam đều là các Maiar thuộc quyền của Valar Orome nên họ cũng có thói quen sống ở các vùng thảo nguyên hoặc rừng rậm to lớn, lúc đến Trung Địa, họ được giao nhiệm vụ chính là bình định các mối phản loạn ở những vùng phía Đông như Rhun hay Khand. Tại đây, họ đã thành công trong nhiệm vụ của mình và còn giúp đỡ rất nhiều cho một số bộ lạc có chủ trương không phục tùng Melkor và Sauron.
Chính Alatar và Pallando mới là những người đầu tiên trong số các Istari được phái tới Trung Địa vì lúc họ thành công trong nhiệm vụ ở phương Đông thì đó cũng chính là khoảng thời gian mà Những chiếc nhẫn Sức mạnh đang được tạo ra. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình thì 2 phù thủy Lam đã trở về Valinor.
* Thời đại thứ 3
“ Tôi nghĩ rằng họ đã ra đi như là những sứ giả được điều tới những khu vực xa xôi, ở hướng đông và hướng nam, … nơi nhiệm vụ diễn ra ngay trong lòng những vùng đất từng thuộc về kẻ thù. Họ đã đạt được những thành công gì thì đó là điều mà tôi cũng không biết; nhưng tôi e là họ đã thất bại, giống như Saruman đã từng thất bại, mặc dù vẫn còn rất nhiều sự hồ nghi; và tôi còn cho rằng họ chính là những người đã khai sáng và sáng lập ra các giáo phái bí mật và các phép thuật cổ truyền tồn tại ở phương Đông từ trước cả thời điểm sụp đổ của Sauron.”
– J.R.R.Tolkien
Năm 1000 của thời đại thứ 3, các Valar có ý định lựa chọn ra 5 Maiar để làm 5 sứ giả đại diện cho thiên giới tới Trung Địa để giúp các dân tộc tự do tại đây chống lại mối hiểm họa Sauron. Alatar cùng với Saruman là 2 người duy nhất tự động bước lên để nhận nhiệm vụ này. Về sau, Alatar đã chọn lựa Pallando để làm người bạn đồng hành của mình. 5 người trong nhóm Istari cùng đến Bến cảng Xám ở Trung Địa và cùng gặp lãnh chúa Cirdan, sau khi lãnh chúa đưa cho Gandalf chiếc nhẫn Nanya thì đã gây ra mối bất hòa ngấm ngầm giữa Saruman với Gandalf, thái độ của 3 phù thủy còn lại đối với việc này thì không thấy nhắc tới.
Sau khi đến Trung Địa lần thứ 2, Alatar đã cùng với Saruman và Pallando đi tới các vùng đất ở phía Đông để giúp giải phóng cho những con người Numenor cuối cùng, mà lúc đó đã là những tộc người có nền văn minh lớn như Haradrim và Easterling, thoát khỏi sự kiềm tỏa của Sauron. Về sau, Saruman được cho là đã thất bại và quay trở về Gondor một mình trong khi 2 phù thủy áo Lam thì không bao giờ còn được nhắc tới. Số phận của họ vẫn là một bí ẩn nhưng nhiều khả năng là họ đã bị thất bại trong nhiệm vụ lần này.
Alatar và Pallando đều được gọi là những phù thủy Lam bởi màu áo mà họ mặc khi tới Trung Địa là màu xanh nước biển, tuy nhiên, màu áo của Alatar thì đúng chuẩn là màu xanh đậm của biển trong khi màu áo của Pallando thì lại nhạt hơn 1 chút và giống với màu xanh da trời.
Radagast
Radagast phù thủy Nâu là một trong số 5 phù thủy của nhóm Istari. Ông còn là bạn tốt của phù thủy Xám Gandalf và thường ra tay tương trợ mỗi khi cấp thiết. Radagast có mối liên hệ vô cùng đặc biệt với cây cối và động vật, cũng bởi lối sống lập dị và tách biệt với con người mà ông có vai trò không mấy quan trọng trong thời kỳ Nhẫn chiến.
* Xuất xứ
Radagast thực ra cũng là một linh hồn Maiar sống cùng với Valar Yavanna và thường được gọi là Aiwendi, có nghĩa là “ bạn của loài chim”. Về sau, ông ta được lựa chọn như là 1 trong số 5 Maiar, 5 sứ giả thay mặt cho các Valar xuống Trung Địa để giúp các dân tộc tự do ở đây chống lại thế lực của Chúa tể bóng tối Sauron. Radagast cùng 4 người còn lại đã theo đường biển để tới Trung Địa vào năm 1000 của thời đại thứ 3. Cũng bởi Valar Yavanna là vị nữ thần bảo hộ cho cây cối nên Radagast cũng thường xuyên có thói quen gần gũi và che chở cho các sinh vật trong những khu rừng. Cũng bởi lối sống tách biệt mà ông ta thường không quan tâm nhiều đến những biến cố hiểm họa mà Loài người và Elves gặp phải. Radagast không được đánh giá cao như Gandalf hay Saruman về pháp lực và sự mạnh mẽ nhưng ông lại có kiến thức rất lớn về thảo thực vật, các loài chim và các loài thú sống trong rừng.
* Thời đại thứ 3
Trong cuốn Anh chàng Hobbit, Gandalf từng nói rằng Radagast là anh em của họ của ông ta, nhưng nó có vẻ giống một câu đùa dùng để nói về tình bạn thân thiết giữa họ hoặc cũng có thể là một sự thật bởi cả 2 đều là những linh hồn Maiar được sinh ra từ suy nghĩ của Thượng đế Eru. Radagast cũng giống Gandalf ở điểm là ông khá lương thiện và không có tính kiêu căng, những tính cách này rất hợp với Gandalf và không hợp với Saruman. Tuy nhiên, Radagast ít tiếp xúc và ít tranh luận với Saruman hơn là Gandalf, bản tính của ông cũng ôn hòa và đầy vẻ nhượng bộ khi ở trước mặt người đứng đầu của nhóm Istari. Khi Hội đồng Trắng được thành lập, Radagast cũng là một trong số những thành viên chính thức bởi ông sinh sống rất gần khu vực pháo đài Dol Guldur.
Trong thời khắc sa ngã của Saruman, Radagast đã từng vô tình bị Saruman lợi dụng để dụ Gandalf tới Orthanc, nơi mà về sau Gandalf sẽ bị giam cầm. Tuy nhiên, chính Radagast về sau cũng là người vô tình giúp cho Gandalf thoát khỏi Orthanc nhờ việc đã nói cho Chúa tể Đại bàng Gwaihir biết về hành trình của phù thủy Xám. Đó cũng gần như là dấu ấn duy nhất của Radagast trong thời kỳ Nhẫn chiến.
Trong suốt lúc diễn ra Hội nghị của Elrond, Gandalf có nhắc tới Radagast như là một “ bậc thầy về thay đổi hình dáng và màu sắc ”. Radagast từng sống tại Rhosgobel, ở gần rìa Tây của phía Đông Rừng U Ám, nơi cũng khá gần với Cánh đồng Gladden.
Khi mà các sứ giả của Elrond tìm đến Rhogosbel để gửi lời mời tham dự hội đồng tới Radagast thì họ thấy căn nhà của ông trống không và không biết tìm thấy ông ở đâu. Số mệnh của Radagast sau khi kết thúc Cuộc Nhẫn chiến là không được nói tới.
* Ngoài lề
Không rõ ngày tháng chính xác về thời điểm mà Radagast rời khỏi Trung Địa. Tolkien từng viết rằng do đã bỏ bê nhiệm vụ chính mà các Valar giao phó để tập trung vào cây cối và thú vật mà Radagast đã tự cảm thấy xấu hổ và cho rằng mình không được phép quay trở về thiên giới Aman nữa. Tuy nhiên thì Tolkien cũng nói rằng là ông không nghĩ là Radagast phải cảm thấy xấu hổ bởi dù sao thì phù thủy Nâu vẫn là một người lương thiện và còn tử tế hơn nhiều so với sai lầm sa ngã của Saruman. Một mặt khác, Valar chủ quản của Radagast là nữ thần hoa trái Yavanna, nên có thể nữ thần đã dặn dò ông ta đặc biệt dành sự quan tâm hơn cho các khu rừng bởi các cây cối ở Trung Địa có thể nói đều là những đứa con tinh thần của Valar Yavanna.
Cũng bởi những lí do này nên có lẽ việc Radagast được trở về thiên giới Aman là một điều hết sức bình thường nhưng cũng nhiều khả năng là ông vẫn ở lại Trung Địa cho đến tận thời kỳ cuối cùng bởi tình yêu và sứ mệnh bảo vệ các loài thảo thực vật cũng như là các loại động vật sinh sống tại đây.
Melian
Melian là một Maiar nổi tiếng về sự thông tuệ, tài ca hát và vẻ đẹp khó ai sánh bằng. Bà là nữ hoàng của vương quốc Doriath tươi đẹp, vợ của vua Thingol, và mẹ của Lúthien Tinúviel, người đã được thừa hưởng nhan sắc cùng tài năng âm nhạc của bà.
* Tiểu sử
Trước khi tới Middle-earth, Melian phụng sự hai vị Valar nữ Vána và Estë. Bà sống ở Lórien và chăm bón cây cối cho những khu vườn của Irmo. Về mặt tính tình thì bà giống vị Valar Yavanna nhất. Khi ánh sáng của Hai Cây Thần hòa vào nhau, Melian thường cất lên tiếng hát tuyệt diệu và các vị Valar sẽ dừng tay lắng nghe. Bà đi đến đâu, sơn ca bay theo đến đó để học hót. Khi loài Elf thức giấc bên hồ Cuiviénen, Melian rời khỏi thiên quốc Valinor để tới Middle-earth, nơi bà sẽ phá bỏ sự yên lặng bằng những bài ca và tiếng chim hót.
Bà gặp vua Elu Thingol trong khu rừng Nan Elmoth và hai người phải lòng nhau. Họ sáng lập ra vương quốc Doriath và cùng nhau trị vì qua hàng ngàn năm. Melian dùng pháp thuật của mình tạo ra Vành đai Melian để bao quanh bảo vệ vương quốc, nhưng bà tiên đoán rằng sẽ có một người vượt qua được vành đai trấn giữ này. Quyền năng của Melian rất lớn, gần như là hùng mạnh nhất trong các Maiar, bà có thể dùng Vành đai để chặn đường vào Doriath của Nhện Chúa Ungoliant, một quái vật đã từng bắt trói cả chúa tể hắc ám Melkor. Bà sinh hạ Lúthien, điều đó khiến cho bà trở thành một Ainur hiếm hoi có con cái.
Khi Galadriel đến ở tại Doriath, Melian đã trở thành người thầy và người bạn của Galadriel, bà dạy Galadriel cách làm món bánh thần lembas cùng nhiều điều hay khác.
Khi Beren vượt qua được Vành đai, như lời tiên đoán, và đến cầu hôn Lúthien, vua Thingol đòi sính lễ bằng một viên Silmaril quý giá. Melian phản đối yêu cầu này vì biết rằng nó sẽ dẫn đến sự diệt vong của vương quốc. Đây là một trong những bằng chứng cho thấy Melian khôn ngoan hơn chồng rất nhiều. Nhờ chuyện tình của Lúthien và Beren, dòng máu Maiar của Melian đã được truyền lại cho cả loài Elf và loài Người.
Bà luôn đối tốt với Con Người và giúp đỡ họ rất nhiều: trợ giúp gia đình của Húrin và nhận nuôi Túrin, cung cấp bánh lembas cho Beleg Cúthalion khi chàng đi tìm Túrin. Khi Húrin chua chát quay trở lại Doriath trong cảnh già nua và gia đình tan nát, Melian đã khuyên giải ông và khiến ông tỉnh ngộ.
Sau cái chết của vua Thingol, Melian đau khổ bỏ vương quốc để trở về Valinor, vùi lấp nỗi buồn thương trong khu vườn của Lórien nơi bà ra đi ngày trước.
* Tên gọi
Bà được mô tả là có mái tóc đen. Melian là tên trong tiếng Sindarin, có nghĩa là tạo vật đáng yêu. Tên tiếng Quenya của bà là Melyanna. Bà còn mang danh hiệu Tóril, nghĩa là Nữ hoàng.
Pallando
Pallando là một trong số 5 phù thủy Istari được các Valar phái tới Trung địa để giúp các dân tộc tự do ở đây trong cuộc chiến với Chúa tể bóng tối Sauron. Pallando vốn là một Maiar có tên gốc là Romestamo, ông là bạn thân của Maiar Alatar, 2 người được mệnh danh là Ethryn Luin, nghĩa là các phù thủy áo Lam. Sức mạnh và quyền phép của Pallando cũng chưa bao giờ được đem ra để so sánh chính xác với 4 phù thủy còn lại của nhóm Istari.
Trước khi đến với Trung Địa, Pallando cùng với Alatar đều là 2 Maiar phục vụ cho Valar Orome nên giữa họ có một liên kết rất đặc biệt. Cũng phải nói đến việc là chính 2 Maiar này mới là những Istar đầu tiên tới Trung Địa chứ không phải là Saruman hay Gandalf. Ở thời đại thứ 2, Pallando và Alatar đã được phái tới vùng phương Đông của Trung Địa để giúp giải quyết những vấn đề rối loạn do những con người đi theo Sauron gây ra. Nhiệm vụ này đã được 2 người thực hiện thành công, ngoài ra thì họ còn giúp đỡ rất nhiều cho những bộ lạc trung lập không phục vụ cho phe bóng tối. Có thể chính 2 người là thủy tổ của những pháp thuật và giáo phái cổ truyền ở những vùng đất phương Đông này.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 2 người đã quay trở lại Valinor và cho đến năm 1000 của thời đại thứ 3, khi Valar Manwe quyết định cử 5 sứ giả tới Trung Địa thì Pallando và Alatar lại một lần nữa được chọn lựa để lần thứ 2 thực hiện nhiệm vụ ở đại lục phía Đông. Nhóm Istari đến Bến cảng Xám cũng vào năm 1000, Pallando và Alatar đều được gọi là các phù thủy Lam bởi họ thường khoác lên mình bộ trang phục màu Lam ( tức là màu xanh nước biển ). Pallando được cho là có màu áo nhạt hơn so với Alatar, bộ râu của ông cũng ngắn hơn so với của Gandalf hay Saruman và nó có màu xám. Ngoài ra thì trông Pallando cũng trẻ trung hơn so với Gandalf và sạch sẽ hơn so với Radagast.
Lần tới Trung Địa thứ 2 này, 2 phù thủy Lam lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của họ ở vùng phương Đông nhưng lần này thì còn có thêm cả Saruman cùng tham gia. Riêng Pallando thì còn có biệt hiệu là “ Người cứu giúp của phương Đông”, điều đó cho thấy rằng vai trò của ông là không hề nhỏ trong thời đại thứ 3 mặc dù tung tích của cả 2 phù thủy Lam đều không được nhắc tới rõ ràng. Sau một thời gian ở phương Đông, Saruman được cho là thất bại trong nhiệm vụ đã trở về phương Tây và nhận được sự giao phó Orthanc của quan chấp chính Gondor. Ngược lại, số phận của Pallando cũng như là Alatar thì lại không hề được nhắc tới thêm 1 lần nào nữa. Họ cũng gần như không có sự liên hệ gì với những Istar còn lại bởi Gandalf thậm chí còn không nhớ được chính xác tên của họ.
Tolkien từng nói là ông e sợ rằng các phù thủy Lam đã thất bại trong nhiệm vụ của mình nhưng có thể trong thực tế thì vai trò của họ vẫn là vô cùng quan trọng trong thời kỳ Nhẫn chiến. Không biết được rằng họ có còn ở Trung Địa hay đã vượt biển về Aman vào cuối thời đại thứ 3 hay không? Số phận của Pallando và Alatar vẫn còn là 1 bí ẩn.
Gwaihir
Chúa gió Gwaihir được biết tới như là Chúa tể của loài Đại bàng lớn ở Trung Địa trong thời đại thứ 3. Ông ta nhiều khả năng là người có kích cỡ lớn nhất, thông minh nhất và bay nhanh nhất trong số các Đại bàng ở Trung Địa vào thời đại này. Ngoài ra thì Gwaihir còn có khả năng hiểu và nói được tiếng người giống như là Thorondor trước kia.
Gwaihir vốn là một hậu duệ xuất sắc của Thorondor, Vua của các Đại bàng lớn trong thời đại thứ nhất. Kích cỡ và sức mạnh của Gwaihir chắc chắn là không bằng được so với Thorondor bởi Vua đại bàng ở Kỷ 1 luôn được cho là người vĩ đại nhất trong giống loài của ông ta. Lúc Thorondor đi giải cứu Beren và Luthien thì Gwaihir và em trai của ông ta là Landroval cũng cùng lúc có mặt bên cạnh vị Vua đại bàng. Nói chung thì ở thời đại thứ nhất, Gwaihir khá lu mờ trước Thorondor và vai trò của ông chỉ được nhắc tới rõ ràng hơn vào thời đại thứ 3 mà đặc biệt là ở các sự kiện trong Anh chàng Hobbit và Chúa Nhẫn.
* Trong Anh chàng Hobbit
Năm 2941 của thời đại thứ 3, Gwaihir từng dẫn đầu một nhóm Đại bàng đi giải cứu cho nhóm đồng hành của Thorin khi họ đang bị lũ Wargs và Orcs truy đuổi ở gần núi Gundabad. Trong Anh chàng Hobbit thì tác giả Tolkien hồi đó vẫn chưa nhắc rõ ràng về tên riêng của các nhân vật Đại bàng lớn, ông chỉ nói là người dẫn đầu các Đại bàng trong cuộc giải cứu là Chúa tể Đại bàng.
Sau khi cứu được nhóm đồng hành, những Đại bàng lớn đã đưa họ về nơi ở và tại đây, Gandalf đã nói với Bilbo rằng là ông ta có mối quan hệ với Chúa tể Đại bàng từ khá lâu. Ở một khoảng thời điểm nào đó trước kia, Gandalf đã từng giúp chữa trị cho Chúa tể Đại bàng khỏi một vết thương nguy hiểm do trúng phải tên độc của lũ Orcs và kể từ đó thì 2 người đã trở thành những người bạn tin cậy của nhau. Mặc dù là tên của vị Chúa tể Đại bàng không được nhắc tới rõ ràng nhưng gần như đó chính là Gwaihir bởi trong số các Đại bàng thì không ai có mối quan hệ thân thiết với Gandalf như ông ta.
Về sau ở Trận chiến của 5 đạo quân, Gwaihir đã dẫn một đạo quân Đại bàng đông đảo bay đến Ngọn núi Cô độc để giúp tiêu diệt lũ Orcs tại trận chiến. Gwaihir đã sống sót qua trận chiến và đã bay về nơi ở trên núi trước khi Bilbo kịp tỉnh giấc để nói lời cảm ơn ông ta.
* Thời kỳ Nhẫn chiến
Vào mùa hè năm 3018 của thời đại thứ 3, Gandalf có nhờ Radagast chuyển lời tới các loài chim và nhờ chúng lan truyền giúp những tin tức quan trọng đã và đang diễn ra ở các vùng đất. Các loài chim và các đại bàng lớn đã giúp Radagast thực hiện nhiệm vụ này bằng cách quan sát và thông báo các tin tức về các đợt hội quân của lũ Orcs ở gần Dãy núi Sương mù và cả sự trốn thoát của Gollum khỏi Vương quốc Đất rừng.
Qua lời kể của Radagast, Gwaihir bay tới Isengard để tìm Gandalf và vào tầm rạng sáng ngày 18-9 năm 3018, ông ta phát hiện ra Gandalf đang bị giam giữ ở trên đỉnh tháp Orthanc bởi Saruman. Vị Chúa gió đã cứu và mang Gandalf ra khỏi Isengard mà Saruman không hề hay biết. Khi Gandalf nói rằng là ông cần một con ngựa thì Gwaihir đã thả ông ta xuống vùng đất của vương quốc Rohan rồi bay đi.
Ngày 17-2-3019, Gwahir được nữ hoàng Galadriel mời đến để giúp tìm kiếm tung tích của Gandalf. Ngay sau khi nhận lời với nữ hoàng, Chúa gió đã ngay lập tức thực hiện cuộc tìm kiếm và rồi ông ta đã tìm thấy Gandalf đang nằm hôn mê tại đỉnh Celebdil. Sau đó, ông ta đã mang vị phù thủy trở về Lothlorien cho nữ hoàng Galadriel chăm sóc. Có 1 điểm chú ý đó là lần này, Gwaihir cảm thấy Gandalf đã nhẹ hơn lần chở tại Isengard rất nhiều, nhẹ như không có gì vậy. Lí giải cho điều này là bởi lúc đó, sự sống cũ của Gandalf đã bị thiêu đốt hoàn toàn và ông ta đang trong quá trình hồi sinh thành Phù thủy Trắng.
Ngay sau khi đưa Gandalf tới Lothlorien, Gwaihir lại được nhờ để đi theo dõi tung tích và tin tức của Đoàn hộ Nhẫn. Aragorn và Legolas, cả 2 đã từng nhìn thấy ông ta đang bay lượn ở phía trên của Emyn Muil. Gwaihir trở về với Gandalf và cho ông ta biết thêm về những tin tức mới mà trong đó có việc Merry và Pippin đã bị bắt bởi những Uruk-hai của Saruman. Việc này có thể là lí giải cho lí do vì sao mà Gandalf Trắng lại tình cờ xuất hiện tại gần khu vực rừng Fangorn, nơi mà 2 người Hobbit bị giải tới, có thể là từ tin tức của Gwaihir mà ông ta đã đi ngay tới đây với mục đích giải cứu Merry và Pippin.
Ngày 25 tháng 3 năm 3019, Gwaihir lại một lần nữa dẫn đạo quân Đại bàng lớn tham gia vào một trận đánh lớn, lần này thì là tại Trận chiến Moranno diễn ra ngay trước Cánh cổng Đen của Mordor. Các Đại bàng lớn đã bất ngờ xuất hiện và mục tiêu đầu tiên của họ chính là những Nazgul đang cưỡi Đại bàng địa ngục ở phía trên không. Đám đại bàng địa ngục tỏ ra yếu thế trước Gwaihir và đội quân của ông ta trước khi chúng bay về phía núi Doom theo mệnh lệnh triệu hồi của Sauron.
Sau khi Nhẫn Chúa bị phá hủy và núi Doom phát nổ, Gandalf một lần nữa đã nhờ Gwaihir và 2 người anh em của ông ta bay vào trong biển lửa Mordor để tìm kiếm Frodo và Sam. Gandalf nói rằng đây sẽ lần cuối cùng mà ông ta làm phiền tới Chúa tể Đại bàng nhưng Gwaihir lại tỏ ra thoải mái khi nói: “ tôi sẽ chở ông tới bất cứ đâu ông muốn … cho dù ông có được đẽo từ đá đi chăng nữa”.
Khi bay vào trong Mordor, nhờ vào đôi mắt tinh tường của mình mà chính Gwaihir là người đầu tiên phát hiện ra Frodo và Sam đang nằm trên một tảng đá trôi nổi giữa biển lửa. Đi cùng ông còn có 2 đại bàng lớn khác là Landroval và Meneldor. Các đại bàng lớn đã kịp thời cứu được 2 anh chàng Hobbit và đưa họ tới nơi an toàn. Kể từ thời điểm đó, Gwaihir và bầy đàn của ông không còn thấy nhắc tới trong Chúa Nhẫn. Về khả năng Gwaihir có trở về Aman như Thorondor trước đó hay không vẫn còn được bỏ ngỏ.
* Nghi vấn
Có những tranh luận nhất định về việc cho rằng Chúa tể Đại bàng trong Anh chàng Hobbit và Gwaihir là 2 nhân vật khác nhau. Những người đưa ra quan điểm này là bởi dựa vào câu nói của Gandalf lúc ông ta nhờ vả Gwaihir lần cuối ở trước cánh cổng Đen, câu nói có nội dung chính xác như sau:
“ Anh đã đưa tôi đi 2 lần, Gwaihir bạn của tôi.. 3 lần sẽ hoàn trả tất cả, nếu anh thuận ý.”
Nhiều người cho rằng ở thời điểm câu nói đó thì số lần Gwaihir giải cứu Gandalf phải là 3 lần chứ không phải 2 lần. Lần 1 là ở núi Gundabad, lần 2 ở Isengard và lần 3 là ở đỉnh Celebdil. Tuy nhiên, Admin vẫn tin rằng Gwaihir chính là vị Chúa tể Đại bàng trong Anh chàng Hobbit bởi lần giải cứu ở Gundabad, không có đoạn nào nói tới việc chính đích thân Chúa tể đại bàng đã chở Gandalf bay khỏi cuộc truy sát của lũ Warg và Orcs cả. Chúa tể đại bàng có thể là người đã dẫn đầu nhóm đại bàng giải cứu nhưng chở Gandalf bay đi không nhất thiết phải là ông ta mà có thể là một nhân vật Đại bàng bất kỳ khác.
Tiếp nữa, có thể những gì mà Gandalf nói là chỉ liên hệ tới những thời điểm gần nhất. Lần ở Isengard và đỉnh Celedil là 2 lần gần nhất, chúng chỉ diễn ra trong khoảng từ tháng 9 năm 3018 cho đến đầu năm 3019, tức là chỉ trong khoảng nửa năm.
Cuối cùng thì là ở đầu mối “ 3 lần sẽ hoàn trả tất cả ” ở chính câu nói trên. Vậy cái gì được hoàn trả ở đây ngoài việc Gandalf đang ám chỉ đến lần ra ơn cứu sống cho Gwaihir thoát khỏi vết thương từ mũi tên độc. Việc cứu sống Chúa tể Đại bàng của Gandalf được nhắc tới trong chính cuốn Anh chàng Hobbit.
* Bên lề
Ở trong phim của Peter Jackson thì trước mỗi lần Gwaihir xuất hiện là lại có một con bướm hoặc một con chim nhỏ bay tới trước trước mặt của Gandalf khiến cho nhiều người nghĩ rằng chính phù thủy Xám đã nhờ chúng đi thông báo cho Chúa tể Đại Bàng. Đó chỉ là tình tiết thêm của phim bởi thực ra khả năng kết nối với loài chim và những con chim, con bướm nhỏ đó thực ra cũng đều thuộc về phù thủy Nâu Radagast. Chính ông ta là người đã giúp Gandalf liên lạc với các loài chim và chỉ đường cho Gwaihir tới Isengard.
Cũng có người đặt thắc mắc là tại sao Gandalf lại không nhờ luôn chính Gwaihir chở ông ta tới núi Doom để ném chiếc Nhẫn Chúa vào đó thay vì mạo hiểm dùng phương án Frodo. Lí giải cho điều này thì chính Chúa tể Đại bàng đã từng nói với nhóm đồng hành của Thorin là các Đại bàng lớn không nên bay tới gần các khu người ở vì họ có thể bị bắn hạ bởi các mũi tên lớn. Nếu Gwaihir bay tới gần Mordor thì con mắt của Sauron sẽ phát hiện ra và cho thuộc hạ bắn hạ ông ta ngay lập tức, đó là còn chưa kể tới các Nazgul cưỡi Đại bàng địa ngục ở trên không, chúng cũng có thể ngăn cản được Gwaihir và cướp được chiếc nhẫn từ ông ta.
Gwaihir còn có 1 cái tên ban đầu là Gwaewar. Nghĩa của từ Gwaihir trong tiếng Sindar có mang ý nghĩa là Chúa gió. Biệt danh và tên gọi này làm liên tưởng nhiều tới tước hiệu Chúa gió của Chúa tể Valar Manwe, Valar Manwe cũng là người đã tạo ra các Đại bàng lớn, có thể Gwaihir cũng là 1 trong số những đứa con được yêu thích nhất của Ngài. Về kích thước và sức mạnh thì Gwaihir không bằng so với Thorondor nhưng có lẽ về tốc độ thì nhiều khả năng ông ta lại nhanh hơn. Một điều nữa đó là nếu Thorondor là một linh hồn Maiar quyền năng thì chắc chắn Gwaihir cũng vậy.
Arien
Arien là một nữ Maiar, người có nhiệm vụ bảo vệ và điều khiển Mặt Trời. Bà là một trong số ít những linh hồn Ainur tính lửa không gia nhập vào phe của Melkor, trong khi hầu hết những người khác đều đi theo ông ta và về sau trở thành những quỷ lửa Balrogs.
Về thân thế, Arien từng là một linh hồn tính lửa phục vụ cho Valar Vana, nữ thần tuổi trẻ, tại những khu vườn của Valinor, mặc dù ở một số ghi chép khác của Tolkien thì lại nói rằng chủ nhân thực sự của bà phải là Valar Varda. Tuy là một linh hồn tính lửa nhưng Arien chưa bao giờ bị cám dỗ trước Melkor, một người có quyền năng sử dụng lửa rất mạnh. Truyền thuyết nói rằng, Arien có một đôi mắt bốc lửa, chúng sáng đến độ không người Elf nào có thể nhìn thẳng vào được và những tay sai của Melkor thì bị làm cho khiếp sợ mỗi khi phải trông thấy vị nữ Maiar này.
Lúc còn ở tại Valinor, Arien cũng hóa thân thành một hình dạng tương tự như các Valar nhưng khi thực hiện nhiệm vụ hộ pháp cho Mặt trời thì bà lại biến trở về hình dáng nguyên thủy của mình là một linh hồn lửa đáng sợ và chói lòa. Arien được cho là có sức mạnh lớn hơn nhiều so với Tilion, người hộ pháp của Mặt Trăng.
Khi 2 cây thần Valinor bị hủy diệt, chính Arien đã hộ tống trái cây vàng cuối cùng của Laurelin trên một con thuyền được tạo ra bởi Valar Aule để mang nó tới bầu trời. Vì là hộ pháp của Mặt trời nên Arien trở thành một trong những Maiar được yêu mến nhất bởi những người phàm, thêm nữa còn bởi vì chuyến du hành đầu tiên của bà trên bầu trời chính là dấu hiệu giúp cho Loài người được thức tỉnh.
Tên của Arien trong tiếng Quenya mang ý nghĩa là Thiếu nữ Ánh dương. Trong những ghi chép bản thảo ban đầu của Tolkien thì Arien còn có 2 cái tên khác là Urien và Urwendi, cả 2 đều mang ý nghĩa là Thiếu nữ Ánh lửa.
Trong một số ghi chép không nằm trong Huyền sử Silmaril, Tolkien có nhắc đến việc Melkor có ý muốn chiếm đoạt Arien làm vợ nên đã có hành động cưỡng ép với bà, Arien đã tách hồn ra khỏi phần thân xác và lao mình xuống biển để chết. Lúc bà chết, Mặt trời không còn ai kiểm soát nên đã tự do bay lượn trên bầu trời và thiêu đốt rất nhiều vùng đất phía dưới của Arda. Fionwe, người mà về sau được gọi là Eonwe, được miêu tả như là đã yêu Arien, đặt quyết tâm đánh bại Melkor để trả thù cho bà.
Thorondor
Thorondor là vua của tất cả các Đại Bàng Lớn ở Trung Địa trong suốt Thời đại thứ nhất. Ông ta có lẽ là con đại bàng có kích cỡ lớn nhất trong số tất cả các con thuộc chủng loài này với sải cánh rộng tới 180 feet.
Khi người Noldor rời bỏ Aman thì Thorondor cùng các Đại bàng lớn đã được Chúa tể Valar Manwe điều xuống Trung Địa với nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ cho họ trong cuộc chiến với Chúa tể bóng tối Melkor. Những người Elves tại Beleriand lần đầu nhìn thấy Thorondor là khi ông ta giúp Fingon giải cứu cho Maedhros khỏi tù ngục của Thangorodrim. Không lâu sau, chính nơi đây trở thành ngôi nhà của Thorondor nhưng chỉ là trong một thời gian ngắn. Về sau, Chúa tể đại bàng cùng với các đồng loại của mình đã đến cư ngụ tại Crissaegrim.
Khi vương quốc Gondolin được xây dựng thì Thorondor trở thành một vị thần canh gác và bảo vệ cho thần dân tại đây. Trong trận đấu tay đôi giữa Melkor và Fingolfin, chính Thorondor đã mổ mù mắt của Chúa tể bóng tối và mang được xác của Fingolfin về Gondolin. Cũng chính ông ta cùng với 2 Đại bàng lớn khác đã tiến hành giải cứu Beren và Luthien khỏi Angband.
Khi Gondolin bị sụp đổ, Thorondor cũng đã ra tay để cứu giúp những người còn sống sót. Trong suốt Cuộc Chiến Thịnh Nộ, Thorondor và Earendil đã dắn dắt đội quân Đại Bàng chiến đấu với những con Rồng của Melkor, và nhiều khả năng chính ông ta đã cùng với Earendil đánh bại Rồng đen Ancalagon, con rồng mạnh nhất trong lịch sử.
Trong những ghi chép của Tolkien thì Thorondor không được đề cập tới thêm sau khi kết thúc Cuộc chiến Thịnh Nộ. Nhiều người tin rằng ông ta đã trở về thiên quốc Valinor nhưng vẫn để lại ở Trung Địa những hậu duệ của mình. Sau khi Thorondor rời đi thì Gwaihir Chúa Gió đã tiếp nối để trở thành Chúa tể Đại bàng ở Trung Địa.
Meneldor
Meneldor là một Đại bàng Lớn từng được nhắc tới ở chương “ Cánh đồng Cormallen ” trong cuốn Sự trở về của Đức vua, phần 3 thuộc loạt tiểu thuyết Chúa tể những chiếc Nhẫn của nhà văn Tolkien. Loài Đại bàng lớn tuy là những linh hồn Maiar nhập thể trong thân xác Đại bàng nhưng cũng không có nhiều nhân vật trong số họ được nhắc tới với tên riêng. Chỉ có 4 đại bàng được nhắc tên riêng trong tất cả các tiểu thuyết của Tolkien đó là Vua đại bàng Thorondor, Chúa tể đại bàng Gwaihir, Landroval em trai của Gwaihir và người còn lại chính là Meneldor.
Sau khi Nhẫn Chúa bị phá hủy khiến cho núi Doom nổ tung thì Gandalf đã nhờ Gwaihir gọi thêm 2 Đại bàng ưu tú nhất trong bầy đàn của ông để cùng bay vào biển lửa Mordor cứu Frodo và Sam đang mắc kẹt trong đó. Gwaihir đã chọn thêm 2 người nữa là Landroval, em trai của ông và người còn lại chính là Meneldor. Điều đó có thể cho thấy Meneldor là vị đại bàng có độ uy tín đứng thứ 3 trong số các Đại bàng Lớn còn tồn tại ở Trung Địa vào thời đại thứ 3.
Là một Maiar bất tử nên gần như chắc chắn là Meneldor cũng đã từng thuộc bầy đàn của Vua Đại bàng Thorondor trong thời đại thứ nhất. Có lẽ cả Gwaihir, Landroval và Meneldor đều đã từng tham gia chiến đấu với đội quân Rồng có cánh do Ancalagon dẫn đầu trong Cuộc chiến Thịnh Nộ. Cũng nhiều khả năng, Trận chiến của 5 đạo quân cũng có sự góp mặt của Meneldor. Trong trận chiến Moranno ở trước Cánh cổng Đen, Meneldor cũng tham gia và sống sót cho tới khi trận đánh kết thúc.
Từ Menel trong tên của Meneldor theo ngôn ngữ Sindar có ý nghĩa là “ thiên đường” hoặc “ bầu trời”. Ở thời đại thứ 3 thì Meneldor cùng với các Đại bàng Lớn khác đều cư trú tại một Tổ Đại bàng to nằm ở trên vách núi đá của Dãy núi Sương mù. Nhiều khả năng thì Meneldor, cũng như Landroval, đều có thể hiểu và nói được tiếng người như Gwaihir và Thorondor.
Lúc Bilbo Baggin được chở đi từ Tổ Đại bàng, anh ta đã quá sợ nên níu chặt vào người của một Đại bàng đến nỗi mà vị Đại bàng đó đã phải nhắc nhở: " Đừng véo! Cậu không cần phải nhát như thỏ đế, ngay cả khi nom cậu khá giống một chú thỏ đấy. Sáng hôm nay trời đẹp và ít gió. Còn gì tuyệt vời hơn là bay nữa."
Không biết vị Đại bàng Lớn đã nói chuyện với Bilbo là ai nhưng có lẽ không phải là Gwaihir bởi thường thì ông ta hay chở Gandalf. Xét về vai vế thì sau Gandalf là Thorin nên Landroval có lẽ là người đã chở Thorin, còn người chở Bilbo thì nhiều khả năng chính là Meneldor.
Landroval
Landroval là một trong những nhân vật Đại bàng Lớn mạnh nhất ở Trung Địa vào thời đại thứ 3. Ông ta được Gandalf nhắc tới như là em trai của Chúa tể Đại bàng Thorondor và cũng là 1 trong 3 Đại bàng Lớn ưu tú nhất được nhờ cậy để bay vào biển lửa Mordor nhằm cứu thoát Frodo và Sam sau khi Nhẫn Chúa bị phá hủy.
Giống như anh trai của mình là Gwaihir thì Landroval cũng là một hâu duệ của Vua Đại bàng Thorondor và cả 2 cùng xuất hiện ở Trung Địa ngay từ thời đại đầu tiên. Lúc Thorondor giải cứu Beren và Luthien khỏi pháo đài Angband của Chúa tể bóng tối Melkor thì chính Gwaihir và Landroval là 2 Đại bàng bay đồng hành cùng với ông.
Do các Đại bàng lớn là những linh hồn Maiar nên sức mạnh của họ là rất lớn và cũng bất tử theo thời gian nếu như không bị kẻ thù sát hại. Landroval sống tới tận thời đại thứ 3 của Trung Địa, trong cuốn anh chàng Hobbit có nói tới việc Gwaihir bị thương nặng bởi một mũi tên độc nhưng đã được Gandalf chữa trị. Nếu trong trường hợp Gwaihir bị chết do vết thương đó thì không ai khác ngoài Landroval sẽ kế thừa chức danh Chúa tể Đại bàng. Quan hệ của Landroval là khá tốt với các phù thủy Istari nhưng không thân thiết được như mối quan hệ giữa Gwaihir và Gandalf.
Nhiều khả năng là Landroval cũng đã từng tham gia vào Trận chiến của 5 đạo quân bởi ở Trận chiến Moranno thì ông ta cũng tham gia chiến đấu bên cạnh anh trai của mình. Theo giọng điệu của Gandalf thì có vẻ như 2 anh em Gwaihir và Landroval rất hay đi cùng nhau trong những nhiệm vụ mang tính sinh tử.
Theo giả thuyết của 1 số người thì họ cho rằng Chúa tể Đại bàng được nhắc tới trong cuốn Anh chàng Hobbit không phải Gwaihir mà chính là Landroval. Lí lẽ cho giả thuyết này được giải thích rõ hơn trong bài viết về Gwaihir.
Cái tên Landroval theo ngôn ngữ Sindar có ý nghĩa là “ Cánh rộng ”. Bên cạnh đó, nhiều khả năng thì Landroval, cũng như là Meneldor, đều có thể hiểu và nói được tiếng người như Gwaihir và Thorondor. Lúc Bilbo Baggin được chở đi từ Tổ Đại bàng, anh ta đã quá sợ nên níu chặt vào người của một Đại bàng đến nỗi mà vị Đại bàng đó đã phải nhắc nhở: " Đừng véo! Cậu không cần phải nhát như thỏ đế, ngay cả khi nom cậu khá giống một chú thỏ đấy. Sáng hôm nay trời đẹp và ít gió. Còn gì tuyệt vời hơn là bay nữa."
Không biết vị Đại bàng Lớn đã nói chuyện với Bilbo là ai nhưng có lẽ không phải là Gwaihir bởi thường thì Chúa tẻ đại bàng hay chở Gandalf. Xét về vai vế thì sau Gandalf là Thorin nên Landroval có lẽ là người đã chở Thorin, còn người chở Bilbo thì nhiều khả năng là Meneldor.
Osse
Osse là một Maiar có mối liên hệ mật thiết với Valar Ulmo. Trong số các Ainur, ông thuộc nhóm các linh hồn biển cả nhưng khi tới Arda thì lại theo về phe của Melkor để chống lại các Valar. Với quyền năng của mình, Osse thường vô cớ tạo nên những cơn bão biển nhưng với mục đích chủ yếu là chỉ để cho vui. Về sau, Osse đã bị thuyết phục bởi vợ của ông là Maiar Uinen, nên đã quay trở về phục vụ cho các Valar. Vì là một linh hồn biển cả nên Osse thuộc quyền cai quản của Valar Ulmo, tuy đã được bình dịu hơn về mặt tâm tính nhưng đôi khi Osse vẫn gây ra những cơn bão ở trên biển. Ở thời đại thứ 2, những thủy thủ người Numenor vẫn thường phải cầu khấn sự che chở của Maiar Uinen vì chỉ có bà mới có thể bình lắng được những cơn bão của Osse.
Cả 2 vợ chồng Osse và Uinen đều là những người bạn thân thiết với người Elf Teleri và Sindar. Cả lãnh chúa Cirdan cũng là bạn thân của họ. Osse là một trường hợp khá đặc biệt trong số các Maiar, ông là một trường hợp ngược lại của Sauron khi đã từng phục vụ cho Melkor rồi sau đó lại quay về phe Valar trong khi Sauron lại từng ở phe Valar rồi sau đó đã đi theo Melkor. Về vai trò và quyền năng, các Valar cũng từng đánh giá là Osse có giá trị cao ngang như họ.
Trong những phiên bản bản thảo không chính thức của Huyền sử Silmaril, Osse bản thân được mô tả có địa vị như là một Valar, và ông thường xuyên cự cãi lại ý muốn của Valar Ulmo.
Uinen
Uinen là một linh hồn Maiar thường được biết tới với biệt danh là Phu nhân của biển cả, bởi bà là vợ của Maiar Osse và là đấng bảo trợ cho tất cả những người đi biển.
Uinen yêu quý tất cả các loài sinh vật sống trong những dòng nước của thế giới bao gồm cả động vật và thực vật. Tình yêu của bà có khả năng làm bình lắng được cả những con sóng và những cơn bão biển hung dữ được tạo ra bởi Maiar Osse. Là một người vợ, Uinen luôn điều tiết được giới hạn trong những hành động của chồng mình. Mái tóc của Uinen rất dài, những sợi tóc của bà thường trải xõa lên trên mặt nước.
Trong những ngày ban sơ của Arda, khi mà Osse kiêu ngạo và độc hành thường chống đối lại Valar Ulmo và phục vụ cho Melkor, Uinen đã làm cho ông hiểu được nhiều điều và quay về với chính nghĩa. Bà làm điều đó vì lẽ phải, vì tình yêu dành cho chồng và cũng vì mệnh lệnh của Valar Aule. Kể từ đó, Uinen luôn kiềm chế được chồng mình mỗi lần ông có những hành động quá đà để tránh gây hại cho những con người vô tội sống gần biển cả. Người Teleri dành rất nhiều tình yêu của họ cho Uinen, cả bà lẫn Osse đều là những người bạn thân thiết với họ khi còn ở con sông Sirion. Chính Uinen cũng đã đổ lệ khóc thương cho những người Teleri bị giết trong Cuộc thảm sát nội tộc ở Alqualonde.
Do là đấng bảo trợ cho những người đi biển nên sang đến thời đại thứ 2, Uinen lại dành được nhiều tình yêu từ các thủy thủ của đảo quốc Numenor. Mỗi lần gặp tai họa trên biển là người Numenor lại cầu khẩn nữ thần để bà che chở cho họ. Mặc dù về gần cuối những năm tháng tồn tại, người Numenor ngày càng tỏ ra bất kính với các Valar nhưng tình cảm mà họ dành cho Maiar Uinen thì vẫn không thay đổi. Trong 1 số truyền thuyết của Numenor còn nói rằng chính hòn đảo Tol Uinen nằm ở Vịnh Romenna là một món quà mà nữ thần đã tặng cho người dân của họ.
Eonwe
Eonwe là một Maiar, người cầm cờ và là sứ giả đưa tin của Chúa tể Valar Manwe. Ông và Ilmare đều là lãnh đạo của các Maiar khác.
Eonwe được nhắc tới như là “ vũ khí vĩ đại nhất nơi Arda ”, có nghĩa là kỹ năng sử dụng vũ khí của ông là điêu luyện nhất. Điều này không đồng nghĩa với việc có thể khẳng định chắc chắn Eonwe là người mạnh nhất trong số các Maiar. Sauron mà Eonwe, ai mới là Maiar mạnh nhất, vẫn còn là một vấn đề đang gây ra tranh luận.
Khi Earendil đặt chân lên bờ của vùng đất Aman để trình bày nguyện vọng của mình, chính Eonwe đã chào đón chàng ngay bên ngoài Tirion, ca ngợi cuộc hành trình và thành tích của chàng. Khi Manwe quyết định đáp ứng lời khẩn cầu của Earendil, Eonwe được gửi tới Trung Địa. Ông là Đại thống lĩnh của lực lượng Valinor và đã chiến đấu trong Cuộc chiến Thịnh Nộ.
Khi Melkor ( Morgoth ) bị đánh bại, Eonwe đã giữ lấy 2 viên Silmaril để bảo toàn. Hai người con trai còn lại của Feanor đã ăn cắp chúng và chạy trốn. Eonwe không để họ bị giết chết mà hi vọng họ sẽ thấy sự dại dột trên con đường mà họ đã chọn. Sau Cuộc chiến Thịnh Nộ, Sauron từ nơi ẩn náu đã xuất hiện, tiếp cận Eonwe để tìm kiềm sự tha thứ nhưng Eonwe không có quyền quyết định nên ông khuyên hắn phải quay lại Valinor để nhận sự phán quyết từ các Valar. Thấy vậy, Sauron liền đổi ý và bỏ trốn.
Eonwe cũng sở hữu sự khôn ngoan hiếm có, ông đã truyền đạt những kiến thức rộng lớn của mình cho người Edain trước khi Cuộc nổi loạn của người Numenor xảy ra.
Trong những ghi chép ban đầu của Tolkien thì Eonwe còn có 1 tên khác là Fionwe Urion và được hình dung như con trai của Manwe, em trai của Erinti, một Maiar khác mà về sau có tên là Ilmare, một trợ thủ bên cạnh Valar Varda. Ở một số phiên bản không chính thống, Eonwe còn là một trong những người tiêu diệt Morgoth, trả thù cho người con gái ông yêu là Maiar Arien ( trước đây tên nàng là Urwendi ) sau khi nàng bị Morgoth cướp đoạt.
Ilmare
Ilmare là Maiar thân cận nhất phục vụ bên cạnh Nữ hoàng Valar Varda, bà cùng với Eonwe đều là 2 người đứng đầu và dẫn dắt tất cả các Maiar còn lại. Trong Huyền sử Silmaril có nhắc đến việc Ilmare và Eonwe là một cặp Maiar chịu sự quản lý của 2 vợ chồng Chúa tể Manwe và Nữ hoàng Varda. Eonwe là nam còn Ilmare là nữ, Eonwe là cánh tay đắc lực nhất của Manwe trong khi Ilmare lại là hầu cận thân tín nhất của Varda.
Tên của Ilmare trong tiếng Quenya có ý nghĩa được lấy từ Ilma, có nghĩa là Ánh Sao. Trong Cuốn sách về những câu chuyện thất lạc có ám chỉ rằng Ilmare rất có thể chính là con gái của Manwe và Varda giống như việc Eonwe cũng là con trai của họ, điều đó có nghĩa Ilmare và Eonwe còn là một cặp anh em. Tuy nhiên, nhà văn Tolkien về sau đã thay đổi tình tiết này trong những ghi chép ở cuốn Huyền sử Silmaril và hầu hết các độc giả đều chấp nhận việc Ilmaren chỉ đơn giản là cùng được tạo ra từ ý nghĩ của Thượng đế Illuvatar giống như các Ainur khác. Không lâu sau đó, Tolkien cũng đã từ bỏ ý tưởng để cho các Valar có con cái với nhau.
Salmar
Salmar là một Maiar quyền năng, ông là một người bạn và cũng là một tùy tùng dưới quyền của Valar Ulmo, vị Thần nước. Là một linh hồn Ainur, Salmar cũng là một trong số những người đã tham gia thực hiện điệu nhạc Ainulindale với việc góp vào đó những khúc khạc tạo nên biển cả.
Trong Huyền sử Silmaril, Salmar được liệt vào danh sách các Maiar, những linh hồn bậc dưới so với Melkor và 14 Valar. Khi tới Arda, Salmar thường ở bên cạnh và giúp đỡ cho chủ nhân của mình là Valar Ulmo bên cạnh các Maiar khác như Osse và Uinen. Salmar có thể còn là người bạn thân nhất của Valar Ulmo bởi chính ông là người đã tạo ra Ulumuri, chiếc Tù và thần kỳ của biển cả mà về sau đã được dâng lên cho Valar Ulmo, đó còn là một thứ báu vật mà vị Thần nước vẫn thường mang theo bên mình.
Trong những ghi chép thuở đầu của Legendarium được đem ra thảo luận trong cuốn Lịch sử Trung Địa thì Salmar thường được gọi với cái tên khác là Noldorin ( đôi khi còn cả là “ Lirillo ” hay “ Golthadriel ” ). Lúc đầu thì ông ta còn được nhìn thấy trong ảo ảnh như là một Valar phục vụ hỗ trợ cho Valar Aule. Tất cả những ghi chép ban đầu này về sau đều không được sử dụng ở trong cuốn Huyền sử Silmaril được chỉnh lý và xuất bản chính thức bởi gia đình Tolkien.
Tilion
Tilion là một người vô cùng trẻ tuổi được các Valar chọn lựa ra trong số các Maiar để trở thành người bảo trợ cho Mặt Trăng. Tilion từng là một linh hồn Maiar phục vụ dưới quyền của Valar Orome, vị thần săn bắn cho tới khi được các Valar chọn lựa để thực hiện nhiệm vụ mới. Kể từ sau khi 2 cây thần Valinor bị hủy diệt, bông hoa bạc cuối cùng của Telperion đã được bỏ lên một chiếc thuyền do Valar Aule tạo ra và nhiệm vụ của Tilion vào mỗi tối chính là điều khiển chiếc thuyền đó đi lên phía bầu trời. Chiếc thuyền có chở bông hoa bạc của Telperion chính là Mặt Trăng.
Tilion yêu tất cả những thứ có ánh bạc. Trong những năm tháng bình yên của Valinor, Tilion cũng từng là một xạ thủ nằm trong nhóm các tùy tùng đi săn cùng Valar Orome, lúc đó, ông vẫn thường dùng một chiếc cung được làm bằng bạc. Vào những khi rảnh rỗi, Tilion thường có thói quen lui tới khu vườn Lorien và những bể nước của Valar Este. Cũng bởi do thường xuyên nghỉ ngơi tại ngay gần ánh sáng của Cây bạc Telperion mà Tilion rất yêu quí nó, chính ông cũng đã cầu xin các Valar cho phép được tự tay chăm sóc bông hoa cuối cùng của cây thần.
Mặt trời và Mặt trăng là một cặp nên Tilion cũng thường được nhắc tới bên cạnh Arien, vị nữ Maiar bảo trợ cho Mặt trời. Trong những ghi chép không được xuất bản của Tolkien cũng từng đề cập đến mối quan hệ giữa 2 người, có vẻ như Tilion đã phải lòng Arien nhưng kể từ khi nhận nhiệm vụ mới thì ông không còn lần nào có thể đến gần được bà nữa bởi sức nóng của Mặt trời là thứ khắc kỵ với Mặt trăng. Tuy là đàn ông nhưng Tilion thường bị đánh giá kém hơn về mặt sức mạnh nếu so với Arien. Và khác với Arien, Tilion thường lái con thuyền Mặt trăng đi theo một quĩ đạo tự do khiến cho nhiều lúc, những người trần có thể nhìn thấy cả Mặt trời và Mặt trăng ở trên bầu trời cùng một thời điểm.
Là người bảo trợ Mặt trăng, Tilion cũng là một vị Maiar rất được Loài người yêu mến. Nhiều khả năng ông chính là chủ đề của nhiều bài hát và tích truyện được hát và kể tại vương quốc Gondor. Người xứ Shire cũng có ghi lại một bài thơ có tên là “ Người đàn ông trong Mặt trăng đã ở lại quá muộn.”
Thần Thoại Legendarium Thần Thoại Legendarium - John Ronald Reuel Tolkien Thần Thoại Legendarium