Far more seemly were it for thee to have thy study full of books, than thy purse full of money.

John Lyly

 
 
 
 
 
Tác giả: Tả Khâu Minh
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: Trần Hùng
Upload bìa: Tim Tran
Số chương: 56 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 14
Cập nhật: 2023-03-01 08:44:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26 Hạ Cơ
uyên Công cửu niên (năm 600 trước công nguyên)
Trần Linh Công và đại phu Công Tôn Ninh, Nghi Hành Phụ tư thông với Hạ Cơ. Ba người lấy áo chẽn của Hạ Cơ mặc vào trong áo của mình, giữa triều đình lấy áo chẽn làm đề tài để đùa cợt lẫn nhau. Đại phu nước Trần là Tiết Dã khuyên can Trần Linh Công: “Quốc quân và khanh đại phu là tấm gương sáng của nhân dân, nay công nhiên truyền bá những sự dâm đãng thì nhân dân không còn gương sáng để noi theo. Hơn nữa, việc này mà truyền ra nước ngoài thì cũng rất là khó coi, xin chúa công cất áo chẽn đi, đừng mặc vào người nữa” Trần Linh Công nói: “Phải, ta nhất định sẽ sửa đổi”. Trần Linh Công đem chuyện này nói cho Công Tôn Ninh và Nghi Hành Phụ biết. Hai người xin Linh Công cho phép họ giết Tiết Dã, Trần Linh Công không cho phép cũng không cấm chỉ họ, thế là hai người bèn giết Tiết Dã.
Khổng Tử phê bình một cách châm biếm: “Trong kinh thư có nói: “Thời đại nhiễu nhương không nên lo quá nhiều việc”, có lẽ là nói về những việc như Tiết Dã đã làm chăng!”.
Tuyên Công thập niên (năm 599 trước công nguyên)
Năm Tuyên Công thứ mười, Trần Linh Công và Công Tôn Ninh, Nghi Hành Phụ ba người cùng uống rượu tại gia đình Hạ Cơ. Trần Linh Công nói với Nghi Hành Phụ: “Hạ Trung Thư rất giống khanh”. Nghi Hành Phụ nói: “Theo khanh, Hạ Trung Thư cũng rất giống chúa thượng”. Hạ Trung Thư nghe nhưng lời xỉ nhục đó thì rất giận bọn họ. Khi Trần Linh Công bước ra khỏi phòng, Hạ Trung Thư từ chuồng ngựa phóng tên bắn chết Trần Linh Công. Công Tôn Ninh, Nghi Hành Phụ bèn trốn chạy sang nước Sở.
Tuyên Công thập nhất niên (năm 598 trước công nguyên)
Mùa đông năm Tuyên Công thứ mười một. Sở Trang Vương vì việc Hạ Trung Thư của nước Trần giết chúa công, cho nên đem quân đi đánh nước Trần, đồng thời bảo với nhân dân nước Trần không nên ngạc nhiên, lo sợ. Quân Sở chỉ đến đánh Hạ Trung Thư. Thế là quân Sở tiến vào nước Trần giết chết Hạ Trung Thư, đồng thời phanh thây Hạ Trung Thư tại cổng đô thành (huyện Hoài Dương tỉnh Hà Nam ngày nay). Vì thế nước Sở đã tiêu diệt nước Trần, biến nước Trần thành một huyện của nước Sở. Trần Thành Công chạy trốn sang nước Tấn.
Đại phu nước Sở là Thân Thúc Thời đi sứ sang nước Tề, quay trở về nước Sở. Sau khi báo cáo nhiệm vụ cho Sở Trang Vương xong bèn cáo lui. Sở Trang Vương cử người đến chất vấn ông ta: “Hạ Trung Thư không giữ đúng thần đạo, giết chết quân chủ. Quả nhân và chư hầu đi đánh ông ta, giết chết ông ta rồi, các chư hầu, huyện đại phu đều đến chúc mừng quả nhân, chỉ có một mình khanh là không chúc mừng quả nhân, là vì lý do gì?” Thân Thúc Thời nói: “Hạ Trung Thư giết chết quốc quân của ông ta, hành động vô đạo này tội quả là rất lớn. Nay chúa công đi đánh ông ta rồi giết ông ta. Đây là nghĩa cử của chúa công. Nhưng có người đã nói một câu chuyện như thế này: “Có một người dắt một con trâu đi qua ruộng lúa của một người khác, một người khác bèn cướp con trâu của người đó. Dắt trâu dẫm lên ruộng lúa của người khác, quả thực là có tội, điểm này cũng là sự thật. Nhưng cướp trâu của người ta thì đó là hình thức trừng phạt quá nặng”. Các nước chư hầu hưởng ứng chúa công là bởi vì chúa công nói: “Phải thảo phạt kẻ có tội”. Ngày nay ta thôn tính nước Trần, biến nó thành một huyện của nước Sở, đó là tham lam của cải của nước Trần. Chúng ta lấy danh nghĩa dẹp loạn ở nước Trần để hiệu triệu chư hầu dấy binh theo chúng ta. Kết quả, vì tham thú của cải khiến các chư hầu rút quân về nước, e rằng không nên làm như vậy!” Sở Trang Vương nói: “Khanh nói rất có lý! Từ trước tới giờ trẫm chưa nghe qua những lý lẽ như vậy. Chúng ta sẽ giao lại nước Trần, có được không?” Thân Thúc Thời nói: “Đương nhiên là được. Chúng ta như kẻ tiểu nhân, chúng ta làm như thể có nghĩa là cướp đoạt đồ vật từ trong lòng người ta, sau đó lại trả lại cho người ta. Nhưng dù sao vẫn hơn là không trả lại cho người ta". Sau đó lại phản phong nước Trần. Từ mỗi làng của nước Trần đem về một người, bố trí cho họ ở vào một vùng và đặt tên cho vùng này là Hạ Châu (phía bắc huyện Hán Dương tính Hồ Bắc ngày nay).
Cho nên trong Xuân Thu có viết rằng: “Nước Sở vào nước Trần, nạp Công Tôn Ninh, Nghi Hành Phụ cho nước Trần”. Ghi chép như vậy là có ý nói Sở Trang Vương biết giữ lễ pháp.
Thành Công nhị niên (năm 589 trước công nguyên)
Lỗ Tuyên năm thứ mười một (tức năm 598 trước công nguyên) Nước Sở dẹp loạn ở nước Trần, Sở Trang Vương có ý giữ Hạ Cơ lại, Khuất Vu nói: “Không thể làm như vậy. Chúa Công kêu gọi chư hầu đánh kẻ có tội là Hạ Trung Thư, bây giờ muốn giữ Hạ Cơ vì ham muốn sắc đẹp của Hạ Cơ. Ham muốn sắc đẹp có thể coi là dâm đãng mà dâm đãng thì sẽ bị đại pháp trừng phạt. Chu Thư nói: “Minh đức thận phạt”.
Đây là lý do mà Chu Văn Vương dựng nên triều Chu. Minh đức có nghĩa là cố gắng tu tích đức hạnh, Thận phạt có nghĩa là cố gắng để loại bỏ hình phạt. Nếu như làm cho chư hầu dấy binh để trừng phạt nước Sở, điều này không hợp với đạo “thận phạt”. Chúa công cần phải suy nghĩ kỹ. Thế là Sở Trang Vương đành dẹp đi cái ý nghĩ thu giữ Hạ Cơ.
Đại phu nước Sở là Tử Phản cũng muốn lấy Hạ Cơ làm vợ. Khuất Vu nói: “Hạ Cơ là người đàn bà có mạng xấu. Anh của bà ta là Trịnh Linh Công bị giết. Không có ai nốì dõi đành phải tuyệt hậu. Chồng của bà ta là Ngự Thúc cũng bị chết sớm. Trần Linh Công có liên quan đến bà ta mà bị giết. Con của bà ta là Hạ Trung Thư cũng bị giết chết. Công Tôn Ninh và Nghi Hành Phụ cũng vì bà ta mà trốn chạy ra nước ngoài. Nước Trần cũng vì bà ta mà bị diệt vong. Còn có người đàn bà nào mạng xấu hơn bà ta không? Con người cầu mong được sống trên thế giới này là việc không dễ dàng, lẽ nào lại tìm đường chết? Đàn bà đẹp trong thiên hạ nhiều vô kể, tại sao nhất định phải lấy Hạ Cơ? Thế là Tử Phản cũng không còn nghĩ đến việc lấy Hạ Cơ nữa.
Sở Trang Vương bèn gả Hạ Cơ cho Liên Doãn Tương Lão. Lỗ Tuyên Công năm thứ mười hai (năm 597 trước công nguyên) Tương Lão chết trong trận đánh nhau giữa nước Sở và nước Tấn ở vùng Tất. Không tìm thấy thi thể của ông ta. Con của Tương Lão là Hắc Yển thông dâm với Hạ Cơ. Khuất Vu cậy người báo với Hạ Cơ rằng: “Bà về nước Trịnh trước, sau đó tôi sẽ sắm sính lễ, chính thức cưới bà làm vợ”. Rồi liên lạc với nước Trịnh, yêu cầu nước Trịnh triệu hồi Hạ Cơ đồng thời nói với Hạ Cơ: “Thi thể của Tương Lão có thể nhận được, nhưng bà phải thân chinh đi nhận mới được”. Hạ Cơ đem việc này nói lại cho Sở Trang Vương, Sở Trang Vương đem việc này đi hỏi Khuất Vu, Khuất Vu đáp rằng: “Việc này có thể tin được. Cha của Tuần Diêu là Tuần Thủ là người mà Tấn Thành Công yêu mến, lại là em út của Tuần Lâm Phụ, tướng trung quân. Gần đây Tuần Thủ đã thay Sĩ Loan làm trung quân tả. Tuần Thủ và Trịnh đại phu Hoàng Tuất có quan hệ bạn bè, ông ta rất yêu quý Tuần Diêu. Người Tấn nhất định sẽ đi tìm người Trịnh để giao lại công tử Cốc Thần và thi thể Liên Doãn Tương Lão để yêu cầu chúng ta trả lại Tuần Diêu bị bắt làm tù binh trong trận giao tranh ở đất Tất. Cuộc giao tranh ở Tất là vì chúng ta bao vây nước Trịnh. Người Tấn cứu người Trịnh mà đánh nhau với chúng ta. Kết quả người Tấn chiến bại, nước Trịnh rất khổ não về việc này, sợ có tội với nước Tấn, đang tìm cơ hội để lấy lòng nước Tấn. Nếu nước Tấn tìm họ làm việc, nước Trịnh nhất định sẽ đồng ý làm người trung gian”. Sở Trang Vương phái Hạ Cơ trở về nước Trịnh. Khi Hạ Cơ rời nước Sở, bà ta nói với người đưa tiễn rằng: “Nếu như tôi không nhận được thi thể của Tương Lão thì tôi sẽ không bao giờ trở lại đây nữa”. Khuất Vu bí mật đưa sính lễ xin cưới Hạ Cơ đến nước Trịnh, Trịnh Trang Công đồng ý với Khuất Vu.
Đợi đến khi Sở Cộng Vương kế vị (năm Sở Cộng Vương kế vị là Lỗ Thành Công nguyên niên, tức năm 590 trước công nguyên) chuẩn bị chiến tranh với nước Lỗ tại Dương Kiều (tây nam huyện Thái An tỉnh Sơn Đông ngày nay) cử Khuất Vu đi sứ sang nước Tề, báo cho Tề biết ngày xuất quân. Khuất Vu lên đường, mang theo toàn bộ gia sản. Thân Thúc Quy cùng cha là Thân Thúc Thời đi về hướng Sính Đô. Trên đường đi gặp Khuất Vu, Thân Thúc Quy nói “Lạ thật, tại sao ông ta vẻ mặt căng thằng, nặng nề như đang gánh vác một nhiệm vụ quân sự gì rất quan trọng, nhưng mặt khác lại có vẻ tươi cười hớn hở như đi gặp bạn gái vậy? Hay là chuẩn bị bí mật đem vợ trốn chạy?”.
Khuất Vu đến nước Trịnh, sau khi làm lễ dâng sính lễ xong, giao cho phó sứ của ông ta thay ông ta đem lễ vật của nước Trịnh tặng cho nước Sở về trước, ông ta đưa Hạ Cơ rời khỏi nước Trịnh. Khuất Vu vốn định chạy sang nước Tề, nhưng bởi vì nước Tề vừa bại trận ở Yên khi đánh nhau với nước Tấn (trận chiến giữa nước Tề và nước Tấn tại Yên xảy ra vào năm Lỗ Thành Công thứ hai. Xem phần trước), nên bèn nói: “Ta không cư trú ở một nước mà đánh trận không giành được thắng lợi.” Thế là, Khuất Vu chạy sang nước Tấn, dựa vào quan hệ với Khước Chí để làm quan ở nước Tấn. Nước Tấn cử ông làm đại phu (phía đông huyện Ôn tỉnh Hà Nam ngày nay).
Tử Phản nghe được tin này vô cùng tức giận thỉnh cầu Sở Cộng Vương sắm sửa lễ vật thật hậu đem đến nước Tấn để ngăn chặn con đường Khuất Vu làm quan. Cộng Vương nói: “Không được làm như vậy. Nếu như ông ta chỉ lo nghĩ cho mình thì thật là không phải. Nếu như ông ta lo nghĩ cho tiên quân chúng ta thì là còn trung thành với đất nước chúng ta. Nếu ông ta còn giữ chữ Trung thì đất nước chúng ta được an bình, công lao của ông ta sẽ bù đắp lại rất nhiều sai sót của ông ta. Huống chi, nếu như ông ta còn có lợi cho nước Tấn, thì chúng ta tuy có tặng lễ vật hậu hĩnh thì nước Tấn có chịu nghe theo ta mà chặn đứng con đường làm quan của ông ta? Nếu như ông ta không có ích gì cho nước Tấn, nước Tấn tất sẽ vứt bỏ ông ta. Chúng ta hà tất phải làm một việc thừa thãi là ngăn chặn con đường làm quan của ông ta?".
Thành Công thất niên (năm 584 trước công nguyên)
Lỗ Tuyên Công năm thứ 14 (năm 595 trước công nguyên) nước Sở bao vây tiến công nước Tống. Sau khi rút quân về nước, công tử nước Sở là Anh Tề yêu cầu ban thưởng cho ông ta hai vùng đất Thân và Lữ (Thân: bắc huyện Nam Dương tỉnh Hà Nam, Lữ: tây huyện Nam Dương tỉnh Hà Nam) Sở Trang Vương đáp ứng thỉnh cầu của ông ta. Khuất Vu đứng ra ngăn cản: “Không thể làm như vậy. Hai vùng Thân và Lữ sở dĩ trở thành thành ấp thuộc trung ương quản lý là vì cần Thân, Lữ cung cấp quân phí để bảo vệ biên cương ở phía bắc. Nếu đem Thân, Lữ làm đất để phong thưởng, thì Thân, Lữ không còn tồn tại nữa, quân phí cũng chẳng làm sao mà cung cấp được. Các nước phương bắc như Tấn, Trịnh có thể tiến thắng đến lưu vực Hán Thủy thì Sính Đô của chúng ta (huyện Giang Lăng tỉnh Hồ Bắc ngày nay) sẽ nguy ngập”. Thế là Sở Trang Vương bèn chối bỏ lời hứa trước đây. Vì chuyện này công tử Anh Tề rất giận Khuất Vu. Nguyên Tử Phản định lấy Hạ Cơ làm vợ, bị Khuất Vu ngăn cản, nhưng bản thân Khuất Vu lại đi lấy Hạ Cơ rồi chạy trốn ra nước ngoài, cho nên Tử Phản cũng rất căm giận Khuất Vu. Sau khi Sở Cộng Vương nối ngôi công tử Anh Tề và Tử Phản bèn giết Tử Diếm, Tử Đăng và Thanh doãn Phất Kỵ và Hắc Yển con của Liên Doãn Tương Lão, đồng thời phân chia tài sản của họ. Công tử Anh Tề lấy tài sản của Tử Diếm, để cho Thẩm doãn và Vương tử Bãi phân chia tài sản của Tử Đăng. Tử Phản lấy tài sản của Hắc Yển và Thanh doãn. Khuất Vu từ nước Tấn viết thư về cho Anh Tề và Tử Phản. Trong thư nói rằng: “Hai ông chuyên dựa vào nịnh bợ, ton hót tham ô vô hạn, tâm địa độc ác, làm việc cho Sở Vương, tàn sát rất nhiều người vô tội. Ta nhất định làm cho các người sẽ chết dần chết mòn”.
Sau đó, Khuất Vu yêu cầu nước Tấn cử ông ta đi sứ sang nước Ngô, Tấn Cảnh Công đáp ứng yêu cầu của ông ta. Vua Ngô là Thọ Mộng rất phấn khởi khi nước Tấn phái sứ giả đến nước Ngô. Như vậy có thể làm cho nước Ngô có điều kiện qua lại với nước Tấn. Khuất Vu dẫn đầu một đoàn gồm 100 người đến nước Ngô. Một trăm người này được biên chế như sau: 100 người gọi là một “tốt", một “tốt” có bốn “lưỡng”, mỗi “lưỡng” có hai mươi lăm người. Lúc Khuất Vu rời khỏi nước Ngô, ông ta để lại một “lưỡng” do hai mươi lăm người hợp thành và các tay bắn tên cùng người đánh xe ngựa. Những quân nhân nước Tấn ở lại nước Ngô này dạy người nước Ngô lái xe, bắn tên, bố trí trận địa tác chiến... Đồng thời còn dạy người Ngô phản lại nước Sở. Đồng thời Khuất Vu cũng để con trai của mình là Khuất Hồ Dung ở lại nước Ngô, dể cho Khuất Hồ Dung làm quan ngoại giao cho nước Ngô.
Từ đó về sau, nước Ngô bắt đầu đánh nước Sở, nước Sào (phía đông bắc huyện Sào tỉnh An Huy ngày nay) và nước Từ (phía bắc huyện Tứ tỉnh An Huy ngày nay), công tử Anh Tề vất vả, khổ sở về việc đề kháng quân Ngô. Mùa thu năm Lỗ Thành Công thứ bảy, nước Sở giao công tử Anh Tề cầm quân tấn công nước Trịnh. Tháng tám, khi nước Sở đang cùng các nước Tần, Tề, Lỗ, Vệ, Tào (huyện Định Đào, tỉnh Sơn Đông ngày nay), Cử (huyện Cử tỉnh Sơn Đông ngày nay), Chu (huyện Trâu tỉnh Sơn Đông ngày nay), Khởi (huyện An Khâu tỉnh Sơn Đông ngày nay)... liên kết thành đồng minh tại Mã Lăng (động nam huyện Đại Danh tỉnh Hà Bắc ngày nay) thì quân đội của nước Ngô tiến vào Châu Lai (huyện Phượng Đàn, tỉnh An Huy ngày nay). Công tử Anh Tề từ nước Trịnh chạy thục mạng trở về để phòng thủ quân Ngô. Trong vòng một năm, công tử Anh Tề và Tử Phản phải chạy đi chạy lại như vậy đến bảy lần. Các nước nhỏ man di nguyên thuộc về nước Sở, toàn bộ bị quân Ngô thôn tính. Từ đó về sau nước Ngô dần lớn mạnh lên. Và cũng từ đó về sau, nước Ngô mới có quan hệ với các nước có trình độ văn hóa cao ở trung nguyên.
Tả Truyện Tả Truyện - Tả Khâu Minh Tả Truyện