Số lần đọc/download: /
Cập nhật: 2023-04-24 11:14:16 +0700
V
ừa thấy chị, mấy bà hàng xóm đã níu lại hỏi thăm: “Lâu nay chị đi đâu mà mất biệt. Có chuyện gì không?”. Chị cười tươi như hoa: “Con gái có bầu, nhà chồng neo đơn quá nên tôi lên lo phụ ấy mà...”.
Ai cũng bảo số chị vất vả. Có mỗi mụn con gái mà cứ lo toan suốt, đến khi nó có chồng vẫn không yên. Vừa nghỉ hưu được mấy tháng, nghe tin con gái cấn bầu lần hai, chị vội vàng sắp xếp nhà cửa, lo chu đáo từng thứ lặt vặt ở nhà cho chồng rồi lại lên với con. Chị bảo, con gái chị công tác ở một cơ quan lớn, công việc đầy áp lực, giờ lại nghén nên chị lên chăm cho nó từ miếng ăn, để nó có sức mà sinh con. Chỉ có chị mới hiểu con mình ăn uống như thế nào.
Chị mang lên lỉnh kỉnh, nào gạo thơm, nào cá đồng chị dặn của mối quen, nào trái cây vườn, rau sạch... Ngoài chuyện lo cơm nước, ăn uống, chị kiêm cả việc ngày đưa rước cháu ngoại đang học lớp 2... Có người bảo, chị khéo lo. Con cái lớn rồi phải để tự nó sắp xếp chứ. Mà còn nhà chồng nữa, sao không để họ lo. Chị cười xòa: “Ông sui bệnh tim ốm yếu, bà sui chưa nghỉ hưu, lại là sếp ở công ty, xưa nay quen làm việc “lớn”, không rành việc nhà, cũng phải thông cảm cho bà ấy. Thằng rể con một, từ nhỏ quen sung sướng, tay chân vụng về chả biết làm gì, nhưng được cái nó lo chu đáo mấy chuyện... “vòng ngoài”. Mình thương con thì cứ ráng một chút, cũng chẳng có gì quá sức”.
Thỉnh thoảng, thấy chị mặc bộ đồ mới, nghe mọi người khen, chị khoe: “Bà sui tặng đó! Chị sui tôi về cái khoản ăn mặc sành điệu khỏi chê. Đồ con gái tôi bả sắm không đó. Sắm cho con dâu, lại còn sắm cho cả mẹ nó nữa”. Chị cười hồn nhiên, mắt lấp lánh niềm vui.
Mấy bà hàng xóm, người thì khen chị tốt tính, dễ dãi; người lại trề môi bảo chị ngồi sui với nhà giàu nên phải chịu lép. Ai đời cứ tất bật lên xuống cả năm chục cây số một lần đi chứ đâu có ít, vậy mà cuối tuần về được hai ngày, lo sắp xếp mọi thứ cả tuần cho chồng rồi lại đi. Mà lên trên đó đâu chỉ lo cho con, cho cháu, tiện thể chị còn lo cơm nước cho cả con rể và ông bà sui luôn. Thấy mọi người tròn mắt, chị cười: “Có gì đâu, người nhà cả!”. Nhưng người ta vẫn nói lén, rằng chị chẳng khác... ôsin cho nhà sui gia.
Bẵng đi cả năm bảy tháng mới lại thấy chị về. Nhìn chị có vẻ ốm hơn nhưng khuôn mặt vẫn tươi rói. Chị khoe con gái sinh được thằng con trai bụ bẫm. Rồi chợt nhỏ giọng chị kể, bà sui của chị bị ung thư tử cung. May mà phát hiện kịp thời, mới giai đoạn đầu, giờ đang điều trị.
Chị bảo, nhà sui gia họa vô đơn chí làm chị trở tay không kịp. Bà sui nằm bệnh viện, ông sui vào thăm vợ lại bị xe quẹt, gãy chân. Mọi chuyện trong nhà chỉ còn chị với con rể, nhưng thằng rể còn đi làm, cũng chỉ biết chạy tới chạy lui theo sự hướng dẫn, quán xuyến của mẹ vợ. Nào lo con gái sinh, cháu ngoại đi học, ông bà sui nằm viện... Tất tần tật mọi chuyện một tay chị tính toán, sắp xếp. Thiếu người, chị huy động cả chồng. Hồi còn đi làm, chị từng đứng đầu một cơ quan cấp huyện nên rất năng động, có khả năng bao quát, xử lý tốt, có lẽ vì thế mà mọi chuyện với chị dù có rối đến mấy rồi từ từ cũng ổn.
Giờ thì mọi chuyện xui xẻo đã qua, chị thở phào như vừa trút được gánh nặng. Chị bảo, trời cho mình khỏe mạnh là đã được ưu ái rồi. Thế nên lúc gia đình sui gia gặp chuyện, mình cứ coi như chuyện của nhà mình mà lo cho hết lòng. Mà nhà sui gia thì cũng có con gái mình, có cháu ngoại mình trong đó chứ xa lạ gì đâu...
Thỉnh thoảng ông bà sui cùng con gái, con rể và các cháu ngoại chị về chơi, nhà chị rộn rã tiếng cười nói. Chị với bà sui tíu ta tíu tít chở nhau đi chợ, vui vẻ, thân thiết như chị em. Còn cô con gái “nhà quê” của chị trông chẳng có gì nổi trội lại được chồng và cả nhà chồng cưng chiều. Chắc là nó nhờ cái “phước” của chị.