As a rule reading fiction is as hard to me as trying to hit a target by hurling feathers at it. I need resistance to celebrate!

William James

 
 
 
 
 
Tác giả: Đàm Lan
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 711 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
hông có người con gái xấu. Chỉ có người con gái không biết làm đẹp.”
Thực tế không hòan tòan đúng với câu nói trên, hay chỉ có thể xem nó như một lời động viên, an ủi với những ai không có được một dung nhan tàm tạm vào hàng coi được. Có những người con gái không may, ngay khi lọt lòng mẹ đã phải chịu một sự bất công của tạo hóa. Xấu, xấu thê xấu thảm, xấu như một chiều tàn ảm đạm, xấu đến ma không buồn ngó, cú vọ chẳng buồn nhìn, với những nét xấu tận cùng, mà không có cách gì làm cho khá lên tí chút dược. Xấu đến tội nghiệp, xấu đến khó tin. Tôi là một người như thế. Không biết xưa Chung vô Diệm xấu đến thế nào, mà đến nỗi mặc nhiên đi vào giai thọai như thế. Nếu ngày đó bà là người xấu nhất thế gian, thì đích thị ngày nay tôi là con cháu duy nhất của bà. Điều khó hiểu là nhà có bốn chị em gái, thi ba người kia lại rất đẹp, da trắng, mắt xinh, môi tròn, mũi thẳng. Nói chung là họ có một ngọai hình tương đối, đủ để giao thoa với cuộc đời. Riêng tôi, cứ như một chuyến đi buôn hết vốn, đành gom góp chút rơi rớt khi chợ tàn cho đỡ xót lòng túi rỗng, cứ như là một biểu vật mà ông trời trớ trêu nghịch ngợm ném xuống cõi trần trong một lần ác ý. Cái biểu vật ấy gần như hội đủ những gì có thể cho là xấu nhất thế gian với hình thể một con người. Cằm vẹo, trán dô, miệng hô, mắt hí, da nhọ nồi, mặt đồi mồi khô ba nắng, thân hình gầy ngẵng, khẳng khiu, ốm nhõng. Như vẫn chưa đủ, một trận đậu mùa góp thêm vào khuôn mặt những nốt rỗ chằng rỗ chịt. Tóm lại, tôi là một thứ hình thù mà ai lỡ chạm mắt phải e đêm về ngủ phải giật mình đôi ba bận, là một mạ lỵ, hổ thẹn cho cả gia đình. Lúc còn bé, chỉ được mặc quần áo thừa của chị, lủi thủi làm bạn với đất đá, họa hoằn lắm nhặt được dăm mẩu đồ chơi vứt đi đã là vui sướng. Thường xuyên dè dặt, tôi nép vào một góc xó nào đó mỗi khi mẹ đi chợ về, trong khi các chị em thì tíu tít bánh quà. Đôi mắt tôi thèm khát, nhưng đôi chân sợ sệt chẳng dám đến gần, e những lời quát nạt, mắng mỏ, sau cùng còn được chút sứt thẹo ném cho thì mừng rỡ, tôi vội vàng nhặt lấy, cũng chẳng hiếm khi bị bỏ quên. Lớn dần lên, hiểu dần thêm, ý thức được sự khác biệt của thân phận, tôi càng rút mình vào lặng lẽ, chí ít thì cũng để tránh sự khó chịu cho người khác. Mỗi lúc có khách đến chơi nhà, nỗi lo lắng nhất của mẹ tôi là tôi vô tình hay cố ý xuất hiện trước mặt khách. Nếu lỡ ló mặt ra thì ngay lập tức nhận một cái lườm cháy da, đến tái người phải nhanh chóng vụt biến mất trong nỗi phập phồng một trận đòn lơ lửng. Những trận đòn đôi khi không có lý do, và không phải lúc nào cũng do lỗi của tôi.
“ Kiếp trước tao đã làm gì nên tội, mà bây giờ bị trừng phạt bằng một con quỷ trong nhà thế này hả? Ông trời ơi ! Ông nhầm lẫn thế nào mà lại bắt tôi sinh ra quỷ thế hở ông? Nhục ơi là nhục, khốn nạn cho cái thân tôi. “
“ Thôi em, có thế nào nó cũng là con của mình, ông trời bắt tội nó thế nó đã khổ lắm rồi, em còn chì chiết nó mãi thế làm sao nó sống nổi. “
“ Không sống nổi thì chết đi, chết đi cho tôi nhờ. Cũng tại ông, ông làm chuyện thất đức với ai mà đem tội nợ về bắt tôi phải gánh đây hở? Biết trước thế này tôi bóp mũi nó ngay lúc mới đẻ ra cho xong. “
“ Ăn nói kiểu gì vậy hả? Có im ngay đi không? “
Kết thúc cuộc cãi vã của bố mẹ là những giọt nước mắt lặng thầm của con bé trong một góc khuất. Rồi mặc nhiên tôi trở thành người giúp việc tận tụy trong gia đình. Mặc nhiên những công việc dơ bẩn, nặng nhọc, khó khổ trong nhà thuộc về tôi. Mặc nhiên tôi trở thành một cái bóng ma lầm lũi, không hay nói, chẳng thích cười, để có lần tôi nghe em gái mình nói vói bạn nó “ Tao mà sống như chị ấy tao sống không được đâu, cứ giả câm giả điếc suốt ngày vậy đó “. Giả câm giả điếc để cầu hai chữ yên thân. Lần hồi cái sự cùng dòng máu cũng rơi vào quên lãng, lần hồi những người quen biết với gia đình cũng quen một cách nhìn “ Ô sin còn khá hơn “
Chỉ có bố tôi là còn nhớ, và cái sự nhớ ấy cũng chỉ có thể biểu hiện một cách âm thầm, vụng trộm. Một cái áo mới, một cái kẹp tóc cũng gây sự bất bình cho ai đó. Nếu như có thể có một lý do nào khả dĩ biện minh được thì có lẽ tôi cũng chẳng có đến cả niềm vui sách vở. Không chỉ là niềm vui, mà còn là một cứu cánh nữa, tôi âm thầm bấu víu vào nó, trong âm thầm khích lệ của bố tôi. Trong lớp cũng chẳng có ai muốn chơi với tôi, thậm chí ngồi cùng bàn cũng không thể, vì thế mà cái bàn cuối lớp, nghiễm nhiên dành cho mỗi một người. Thế giới sách vở là mối bận tâm duy nhất của tôi, tôi dành hết cả những thời gian, tâm sức mà mình có thể cho nó. Điểm số của tôi đã leo dần lên vị trí cao nhất lớp, nhưng điều này chỉ đem đến cho tôi những đố kỵ, ghen ghét. Không sao, tôi đã quá quen, và đã hiểu được những gì là cần thiết cho mình. Những tấm bằng khen, những gói phần thưởng là niềm vui của cả bố tôi, một chầu kem, một chén chè, một món ăn ngon ở một cửa hàng nào đó là tình yêu của bố dành cho tôi. Chỉ thế cũng là quá dủ cho nguồn động viên tinh thần, để khi đặt chân về tới nhà thì những niềm vui ấy lại được cất kín vào ngăn cặp, lại lầm lụi với bao công việc đang chờ.
Con người ta sinh ra là đã có sẵn một lập trình, một quy luật bất biến của thời gian, buồn vui, hay dở, đẹp xấu gì cũng phải tuân thủ theo sự chuyển động của chiếc kim đồng hồ. Tôi cũng như bao nhiêu người con gái khác, đến tuổi, đến thì cũng phát triển tâm sinh lý tự nhiên. Cũng ươm mầm bao ước vọng, cũng mỏi mong chuyện sớm chiều, cũng dạt dào cảm xúc. Tình cảm luôn là một nguồn lực dồi dào cho cuộc sống, nhất là tình cảm lứa đôi. Nó chi phối và tác động rất cụ thể đến mọi ngóc ngách của tư tưởng và hành động của con người. Người ta sẽ thấy yêu đời hơn, phấn chấn hơn, sống tốt hơn khi được sự đắp bồi trọn vẹn của nó. Ngược lại, sẽ dẫn con người ta đến sự đau buồn, tủi hổ, chán nản, bế tắc, tuyệt vọng. Tôi bị sinh ra trong một hình thể bất đắc, nhưng tâm hồn, tình cảm, mỹ cảm của tôi lại không phụ thuộc vào nó. Con người không hề sai, và cũng không hề vô lý khi biết yêu và tôn vinh cái đẹp. Nếu không thế thì cuộc đời này sẽ hoang tàn, trơ trụi đến đâu. Vì thế, tôi đã quên mất mình khi hướng về một hình ảnh đẹp, một hình ảnh rất cụ thể, rất sinh động, rất hiện hữu bên tôi hàng ngày, vì hình ảnh ấy có chung với tôi một mái trường, chỉ cách mấy bức tường, thế nhưng lại quá xa xôi, xa đến hàng vạn dặm, xa đến ngút ngàn mưa nắng, thậm chí còn tỏ vẻ khó chịu, như bị xúc phạm và xấu hổ khi biết ánh mắt đầy yêu thương của tôi gửi đến. Tâm trạng không tốt, đương nhiên sinh thái độ không vui. Từ né tránh đến hằn học, từ lạnh nhạt đến ghê tởm, nhìn thấy tôi cứ như nhìn thấy một lọai khuẩn trùng truyền nhiễm tệ hại nào đấy. Những tiếng cười chế giễu, mỉa mai. châm chọc nổi lên quanh tôi. Tuy tôi đã quen với những đối xử khác biệt, nhưng trong trường hợp này thì sự tổn thương lên đến đỉnh điểm. Hơn lúc nào hết tôi thực sự đau đớn với nỗi bất hạnh của bản thân mình.
Một chiều, cả nhà đi vắng, một mình tôi trước một tấm gương lớn, tấm gương phản chiếu trung thực đến nỗi đưa tôi đến một quyết định. Thực ra, ý định đã từng manh nha trong tôi, nhưng nó vẫn chưa đủ cơ sở để dẫn đến hành động. Cú sốc tình cảm đầu đời đã trở thành một cú đẩy mạnh tay. Thế nhưng vận mạng tôi vẫn chưa cho phép tôi rời bỏ nó. Tỉnh dậy trong bệnh viện với gương mặt đầy lo âu và thương cảm của bố tôi, tôi hối hận vô vàn, khóc nức nở trong lòng bố. Bố ôm chặt tôi, vỗ về tôi, giọng nói êm đềm, nhẹ nhàng, thân thương:
_ Con gái của bố. Bố biết con buồn và khổ tâm thế nào khi phải chịu sự bất công của tạo hóa và xã hội. Nhưng chạy trốn khỏi cuộc đời như thế này thì thật là hèn nhát. Ông trời luôn có một lý do để thảy xuống cõi nhân gian này một sinh linh, và con người không có quyền chối bỏ lý do đó. Con yêu, có thể trước mắt con đang là một đám mây mù tăm tối, nhưng con hãy cố xông vào nó mà tìm ra một điểm sáng hãy dũng cảm chặt cây phát cỏ để tìm lấy lối cho mình. Không phải ai sinh ra cũng có thể được hưởng sự ưu đãi, con dù xấu xí ngọai hình, nhưng con có một tâm hôn đẹp đẽ, con hãy tin rằng trong cõi đời hỗn tạp này, sẽ có một cái gì đó dành cho con thực sự giá trị, thực sự xứng đáng. Vấn đề là không phải con ngồi chờ nó đến, mà con phải đi tìm, phải đi cho trọn một chữ “ NGƯỜI “ con ạ. Con hiểu không?
Con hiểu. Con đã rất hiểu rồi bố ạ. Con càng hiểu hơn khi bước vào sự chín chắn của tuổi trưởng thành. Mẹ con có thể không thương yêu con. Chị em con có thể không thích con. Bạn bè con có thể xa lánh con, người con yêu có thể không chấp nhận con, vì con có thể là sự tổn thương cho niềm kiêu hãnh nào đó, là một vết đau cho sự ám ảnh mơ hồ nào đó, không ai có lỗi khi khước từ cái xấu. Cuộc đời luôn hướng đến sự hòan mỹ, con người hòan tòan tự do trong tình cảm của mình, thứ tình cảm thật tự nhiên giữa bao lung linh, lấp lánh của cuộc đời. Mọi xử sự có thể là quá đáng, nhưng thật sự cần thiết, cho con và cho cả mọi người. Bởi không thế, con sẽ chìm đắm trong mê muội, trong ảo tưởng, trong một thế giới không phải là của mình Như thế thì sẽ tệ hại biết bao, vì không những con khổ sở cái thân con, mà còn gây bao phiền tóai cho nhiều người nữa. Bố nói đúng, tất cả có thể khước từ con, nhưng con thì không thể khước từ chính mình. Cho dù, cách lý giải bằng hai chữ “ Ông trời”chỉ mang tính trìu tượng, nhưng đã sinh ra trong một phận người, thì hãy đi cho hết con đường của nó, dù con đường ấy có gập ghềnh, khúc khỷu đến thế nào.
Không thay đổi được mọi người thì phải tự thay đổi mình. Nều không tìm cho mình một con đường khác, một cách thức khác, thì sẽ không có gì bảo đảm rằng tôi sẽ không làm điều cùng quẫn lần thứ hai. Âm thầm vạch ra cho mình một kế họach, âm thầm một sự chuẩn bị, để rồi một đêm, sau khi để lại cho bố mẹ một lời tạ tội, tôi lặng lẽ rời khỏi nhà khi mọi người đang say giấc. Tôi ngoan ngõan theo bước chân định mệnh khi bước đại lên một chuyến xe khách ngọai tỉnh. Chuyến xe đã đem tôi đến một nơi cách xa hơn ngàn cây số. Một khỏang cách đủ để an tòan thóat khỏi cuộc truy tìm, nếu có. Thật lạ, đứng ở một nơi hòan tòan xa lạ, chung quanh không có lấy một bóng người quen, người thân, tôi lại có cảm giác thật nhẹ nhõm, cảm giác như được thóat khỏi một sợi dây thừng đã siết chặt tôi trong suốt bao nhiêu năm, thóat khỏi sự khống chế, lệ thuộc, đồng thời mang đến cho tôi chút gì mới mẻ, cả một chút hy vọng, đương nhiên rồi.
Vấn đề đầu tiên phải nghĩ đến và bắt tay ngay vào là tìm một việc làm, cũng là kế sinh nhai cho những tháng ngày sắp tới, khi chút lưng vốn ít ỏi của tôi chỉ có thể kiệm tặn trong một thời gian ngắn. Đây là một sự khó khăn và cũng đầy gian truân đầu tiên mà tôi phải đối mặt. Liên tục những cái lắc đầu, cho dù là với những lọai hình công việc thấp kém nhất là làm người giúp việc gia đình, hoặc thu rửa chén dĩa trong một quán ăn. Nguyên nhân thì đã rõ, cùng với những bước chân rã rời sau mỗi ngày và ổ bánh mì không bên ly nước lọc, là cảm giác tận cùng thấm thía nỗi bất hạnh của mình, nhưng tôi vẫn cố, vẫn tiếp tục hy vọng. Cho đến một ngày, lưng túi hết nhẵn, và chủ trọ cũng không còn đủ kiên nhẫn thì tôi ra đường với một bộ quần áo trên người. Màn đêm buông xuống, tôi vẫn thẫn thờ trên hè phố nườm nượp người xe qua lại dưới những ánh đèn. Tôi thầm kêu lên “ Bố ơi ! Liệu con có còn đủ sức để tìm cho minh được một cái gì không? Khi cuộc đời này cứ mãi khước từ con. Con sẽ phải làm sao đây? Sẽ tồn tại thế nào đây? Khi trước mắt con vẫn chỉ là một tấm màn đen u ám, con đã cố để không tuyệt vọng, đã cố để không phụ tình thương và lời răn dạy của bố, nhưng trong lúc này, con không còn chút gì để bám víu. Đêm nay con là một kẻ vất vưởng bị đời bỏ quên, không có nơi đến, không có chốn về, liệu con có còn ngày gặp bố nữa không hở bố ơi? “ Tâm trạng đầy tuyệt vọng, tủi thân và đau đớn, tôi bỗng muốn lao mình ra giữa đường trước một cái xe nào đó, thế là xong, những người xa lạ này chẳng biết tôi là ai, lòng nhân đạo của họ đủ cho tôi một nấm đất hoang lạnh đâu đó. Tôi sẽ tan vào cát bụi, sẽ hư vô không còn biết đau thương là gì. Có lẽ đó là cách tốt nhất. Nước mắt tôi cứ trào ra không ngớt. Ông trời ơi ! Sao ông lại muốn có mặt tôi trên cõi đời này chứ, một nơi không hề muốn tiếp nhận tôi, ông muốn thử nghiệm điều gì đây? Hay kiếp trước tôi đã phạm phải quá nhiều tội lỗi, để kiếp này phải chịu sự trừng phạt? Tôi vốn không tin vào chuyện có kiếp trước kiếp sau của người đời, chẳng qua đó chỉ là một cách lý giải cho một sự việc nào đó mà người ta không thể tìm ra những lý lẽ thuyết phục nhất đó thôi. Tôi đã cố thực hiện câu “ tốt gỗ hơn tốt nước sơn “ hoặc “ gương mặt đẹp chỉ là một thời đọan, tâm hồn đẹp mới là mãi mãi “ vv…Đại lọai là những thể nghiệm của sự mất này thì lại được kia. Nhưng khốn nỗi, người đời đâu có cho tôi cơ hội, họ chỉ nhìn thấy ngay cái xấu trước mắt, đã xua đuổi tôi đi rồi, làm sao họ đủ thời gian để tôi chứng minh rằng, tôi tuy xấu xí con người, nhưng tôi có một nhân cách hòan chỉnh. Tôi luôn sống vì người khác, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện hại ai, cũng không bao giờ mưu lợi bất chính của bất kỳ ai, không điêu ngoa, không giả trá, không lọc lừa, không đen bạc. Nhưng không một ai nhìn thấy những điều đó cả, trong khi họ phải mất rất nhiều thứ đáng tiếc cho một gương mặt đẹp nào đó. Còn tôi, chẳng may trong một bộ dạng khó coi, thì coi như vứt đi tất cả. Tôi không có quyền óan trách cuộc đời, cũng chẳng óan trách số mệnh, tôi mặc nhận tất cả những gì thuộc về tôi, nhưng xin hãy cho tôi một con đường sống chứ. Cho dù ai rồi cũng đến lúc phải chết, nhưng ít ra không phải là cái chết tự chọn, vì nếu thế thì bố tôi sẽ đau lòng lắm lắm.
Bất chợt một tiếng thét dứt tôi ra khỏi tâm trạng, một chị công nhân vệ sinh đường phố ngã lăn ra đường khi một chiếc xe máy thản nhiên rú ga vọt vào đám đông mất hút. Tôi chạy vội ra đỡ chị dậy. Cũng may là chị không bị thương tích gì nặng ngòai một mảng da trầy trụa và tay áo rách bươm. Tôi lấy chai nước chị đeo bên thành xe, đổ ra rửa sơ vết thương cho chị. Những lời thăm hỏi, và sự trợ giúp của tôi khiến chị tỏ ra rất thân tình, cởi mở. Một phần có lẽ trong ánh sáng nhập nhọang, chị không nhìn rõ mặt tôi, nhưng dẫu sao lòng tôi đã lại dậy lên một niềm vui. Thấy chị nhăn mặt vì đau khi cầm cái chổi để tiếp tục công việc của mình, tôi đề nghị được làm hộ chị. Chị nhìn tôi rất ngạc nhiên, nhưng cái gật đầu của tôi đã khiến chị vừa cảm ơn vừa tháo cái khẩu trang đưa cho tôi đeo. Miệng đeo khẩu trang, tay cầm cái chổi, tôi một thóang sững người “ Nó đây rồi “. Việc đời vốn thế, khi ta cố công cố sức đi tìm thì chẳng thấy, rồi bỗng nhiên nó xuất hiện và cứ như ấn vào tay ta vậy. Kể ra cũng hơi một chút cay đắng, nhưng tôi nhận ngay ra ý nghĩ sai lầm của mình. “ Không có công việc xấu, chỉ có hành vi tồi “.
Đi vào công việc này ít lâu, tôi ngộ ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong lọai hình công việc mà phần lớn người đời chê khinh này. Mỗi khi nhìn đường phố sạch bong, sáng sủa dưới những nhát chổi của mình, tôi nghe lâng lâng một niềm cảm xúc, ngầm tự hào là mình cũng đã góp vào cuộc sống chung này một chút gì đẹp đẽ. Mặc dù hàng ngày, hàng vạn hàng vạn người đi qua, chẳng ai bận tâm chú ý đến, có chăng là họ chỉ tỏ ra khó chịu trước một đống rác bẩn chưa kịp dọn đi, gây trở ngại cho giao thông và nhăn mũi vì thứ mùi khó chịu. Công việc đem lại cho tôi một đời sống tương đối ổn, mức lương tương đối cùng tiền phụ cấp và bồi dưỡng độc hại cũng tạm gọi là dư dả với tôi. Sau mấy năm dành dụm, tôi mua được một nếp nhà, chưa đầy 10m vuông và lụp xụp tôn ván thôi, nhưng tôi sung sướng lắm, vì nó là của mình, do chính tay mình làm ra, là một khỏang tự do riêng biệt, không phải e dè, ngần ngại, không phải o ép, bức bối như khi đi ở nhà thuê nữa. Những gì thuộc về mình, thì có nhỏ bé, xấu xí đến thế nào thì cũng thực sự là giá trị đối với mình. Tôi nghiệm ra thế, lòng tin lại được tăng thêm nhờ sự kiện này, một cái gì đó manh nha, mơ hồ thôi, tôi không cảm nhận rõ rệt được, nhưng hình như có cái gì đó đang mở ra với tôi.
Lúc rảnh rỗi, tôi thường đọc sách xem báo, một thú vui không thay đổi từ ngày còn đi học. Đôi khi buồn buồn, tôi nguệch ngọac vài nét vẽ, những nét vẽ vô tình đầy ngẫu hứng. Bỗng một ngày, tôi chợt nhận ra, hình như mình có khả năng vẽ . Phát hiện này khiến tôi rất vui. Bắt đầu là tranh minh họa gửi cho các báo, những phản hồi tích cực dã tăng thêm niềm phấn khích và sự say mê trong tôi. Dần dần là những bức tranh. “ Tác phẩm là sự gửi gắm khát vọng của người nghệ sĩ “ đúng vậy, nỗi khát khao lớn nhất của tôi là được trở thành một cô gái đẹp, điều mà không bao giờ có thể thành hiện thực. Nên tôi vẽ nỗi khao khát của mình, những cô gái trong tranh của tôi rất đẹp, chí ít là với cảm nhận của tôi. Họ xuất hiện trong mọi thứ trang phục, sắc tộc, kiểu dáng. Đánh bạo thử dư luận xã hội, tôi mang một ít gửi bán ở một cửa hàng mỹ nghệ, trong tư cách là người giúp việc cho tác giả. Những bức tranh đã mang đến cơ hội cho tôi.
Chủ cửa hàng chuyển thái độ thờ ơ miễn cưỡng sang hối thúc đón đợi rất nhanh. Có những lúc tôi thẫn thờ, mất cả cảm giác vì không tin sự thật đang đến với mình. Chưa thể gọi là thành công, nhưng đã có thể cho là một chút kết quả. Phải chăng cái lý do của ông trời là đây? Tôi không muốn biện giải theo cách ấy, đó chỉ là một cái phao cần thiết trong lúc con người chênh chao mà thôi. Chỉ biết, tôi cũng đôi chút hài lòng với những gì mình đã đạt được. Thế rồi xuất hiện những bài báo xôn xao tên tuổi của một họa sĩ. Căn cứ vào bút hiệu và tính đặc trưng của những bức tranh là những cô gái, người ta cho rằng họa sĩ phải là một nam nhân. Tôi bật cười khi đọc được những lời bình luận ấy. Cũng tốt thôi, tôi chẳng cần người ta phải biết đến tôi, vì sẽ có thể làm mất đi chút cảm tình mến mộ ấy, tôi chỉ cần người ta chấp nhận tác phẩm của tôi, thế cũng là quá đủ cho một niềm mong ước rồi. Tôi chợt nghĩ nếu bố tôi biết được bây giờ tôi đang sống thế nào, chắc ông vui lắm. Trong dạt dào cảm xúc, tôi bật khóc khi thốt tiếng gọi “ Bố ơi ! “ Đã bấy nhiêu năm rồi, chắc bố vẫn luôn khắc khỏai về con, và hẳn bố cũng tin rằng con đã tìm được một lối đi thích hợp cho mình, phải không bố? Con sẽ về thăm bố, con sẽ về thăm cả nhà, nhưng chưa phải lúc này, bố ạ. Bố hãy cho con thêm ít thời gian nữa bố nhé. Tôi hình dung đến một cuộc diện, không biết tất cả sẽ như thế nào sau một thời gian cách xa lâu thế. Có lẽ mọi sự cũng đã khác đi, bởi cuộc sống luôn là những chuyển dịch không ngừng, thời gian chuyển dịch, hòan cảnh chuyển dịch, thì tâm tư con người cũng vô hình chung mà chuyển dịch theo.
Tôi giận đến run người khi người chủ cửa hàng mỹ nghệ gọi điện bảo tác giả ra gấp vì có sự kiện cáo bản quyền, một số tranh của tôi bị cho là sao chép. Hừ, ai mà ngang ngược thế, cho dù ý tưởng có trùng nhau thì cách thể hiện cũng khác nhau chứ. Xưa nay tôi chết thì chịu chứ không thèm làm cái trò đốn mạt ấy đâu. Trong trạng thái phừng phừng lửa giận, tôi đi ngay không kịp chuẩn bị gì thêm. Trong trí óc chỉ chăm chăm những lập luận để bảo vệ danh dự mình. Đến cửa hàng, thì người chủ đã đợi sẵn, anh ta chỉ vào cái xe con đang đậu, bảo tôi “ Chị lên xe đi, đang ầm ĩ ngòai Nhà văn hóa đấy “. “ Sao lại ở Nhà văn hóa? “ Câu trả lời là cái đẩy để tôi tọt vào trong xe nhanh hơn, và anh ta thì nhanh nhẹn lên cái ghế bên cạnh tài xế ngồi. Dọc đường tôi hỏi han anh ta vài câu, thì chỉ nhận được câu trả lời lấp lửng “ Chị cứ ra đấy rồi sẽ biết “. Tôi cũng không hỏi gì thêm, chỉ mong cho mau đến nơi. Chiếc xe lướt êm vào trong sân rồi dừng lại trước thềm nhà. Bên trong đúng là có những tiếng nói lao xao, thế này thì đúng là có chuyện thật rồi. Tôi mở cửa xe, đi nhanh lên những bậc thềm. Bỗng tôi đứng sững, trước mắt tôi là những bức tranh của tôi treo gần kín hết bốn bức tường. À, thì ra có người đem tranh của tôi ra triển lãm nhưng lại nhận là tranh của họ chứ gì. Tôi hướng về phía bục phát biểu, thì chợt nghe
_ Xin trân trọng giới thiệu cùng quý quan khách: nữ họa sĩ Ai Nhân đang hiện diện trước mắt quý vị đây ạ.
Tôi hốt hỏang khi những ống kính phóng viên chĩa vào, những ánh đèn flat nháy liên tục. Phản xạ tự nhiên tôi vụt ôm mặt quay người bỏ chạy. Bất ngờ tôi va phải một người, không phải là một cái va bình thường, mà gần như tôi ụp hẳn vào ngực người ấy, một vòng tay quành ngang người tôi, tôi hốt hỏang xô ra và ngước lên:
_ Bố !
Một lần nữa tôi đứng chết sững, bất ngờ đến đứng tim, nghẹn cứng cổ. Bố tôi ôm lấy tôi, vỗ nhẹ vào lưng mấy cái rồi né người qua một bên:
_ Con xem, ai kia?
_ Mẹ !
Mẹ tôi trong chiếc áo dài nhung, dang rộng đôi tay, tôi vô thức ào vào vòng tay mẹ, bàng hòang như đang một giấc mơ. Mẹ tôi nghèn nghẹn:
_ Con ! Con gái của mẹ.
Tiếng gọi thân thương cùng đôi tay ôm chặt lấy tôi, tôi bật khóc, khóc như mưa như gió, khóc như chưa bao giờ khóc. Mà cũng đã lâu lắm rồi tôi mới lại khóc. Mỗi lúc có điều gì thương tâm, tôi lại tự nhắc nhở mình « Không được khóc, khóc chẳng giải quyết được gì, chỉ làm con người ta thêm hèn yếu đi thôi. « Vậy mà bây giờ tôi đang khóc, nhưng không phải là những giọt nước mắt khổ đau. Mãi một lúc sau cả hai mẹ con mới trấn tĩnh lại được, nhiều người đang đứng quanh chúng tôi, tôi nhìn thấy cả hai chị tôi. Ba chị em ôm chầm lấy nhau. Một cuộc đòan viên mà tôi không bao giờ tưởng tượng ra được. Tôi nghe người chủ cửa hàng đang nói:
_ Thực ra tôi biết chính chị ấy là tác giả lâu rồi, đến lúc bác tìm đến hỏi thì lại càng chắc hơn.
Tôi đưa đôi mắt đỏ mọng nhìn bố trong cái nhìn đầy thắc mắc. Bố tôi cười cầm lấy tay tôi và nói:
_ Bố tự hào về con, con gái ạ.
Chúng tôi phải tạm rời niềm vui đòan tụ, vì những phóng viên đang chờ đợi tôi. Tôi phải trả lời họ một chút về quá trình. Sau đó, bố tôi gọi điện đến một nhà hàng, đặt một số món ăn và nói địa chỉ để họ mang đến. Tôi kinh ngạc vô cùng khi bố đọc đúng địa chỉ nhà tôi. Ngôi nhà lụp xụp tôn ván khi xưa đã kịp khang trang tươm tất trong năm trước. Hóa ra bố đã biết khá nhiều về tôi, nhưng từ bao giờ? Sao đến bây giờ mới…? Bố tôi vẫn mỉm cười bí ẩn trước ánh nhìn của tôi. Nhưng ông chưa có thời gian để giải đáp cho tôi, vì mẹ tôi và hai chị tôi đang thay nhau hỏi chuyện suốt dọc đường về. Đến nhà, bố tôi bảo:
_ Vợ chồng Khánh nó đến sau, bố chỉ chỗ cho nó rồi.
Khánh là em gái tôi, thì ra đã có chồng, ừ mà cũng bao năm rồi còn gì. Nhưng con số thời gian lúc này đã trở nên vô nghĩa, khi cảnh cuộc đời người chỉ như hôm qua và hôm nay. Bây giờ thì tôi mới rõ ngọn ngành. Đúng là khi tôi mới đi khỏi nhà thì chẳng ai đóan được là tôi sẽ đi đâu cả. Cũng đi tìm hỏi một số nơi nhưng không có kết quả gì. Cả một thời gian dài, bố khắc khỏai về tôi. Mẹ tôi và các chị em tôi cũng trăn trở, lo lắng. Cuối cùng thì mọi người chỉ biết cầu mong cho tôi gặp được những điều may mắn. Tuy không có chút tin tức nào về tôi, nhưng bố tôi vẫn tin rằng tôi sẽ đứng vững trước những thử thách của cuộc đời, và ông cũng tin sẽ có một ngày gặp lại. Bố tôi cũng là một người thích xem tranh, khi dòng tranh của tôi xuất hiện, những bức tranh mang dáng nét mẹ tôi và các chị em tôi, thì ông linh cảm tác giả chính là tôi. Thế là ông âm thầm cất công tìm hiểu, cuối cùng thì ông đã lần ra chỗ tôi ở, nhưng thấy chưa phải là lúc để đưa tôi về lại gia đình. Ông yên tâm theo dõi cuộc sống của tôi, nhưng vẫn không cho cả nhà biết. Khi chọn được thời điểm thích hợp, ông đã bắt tay vào một việc, cũng là dịp tốt nhất cho gia đình vui niềm vui sum họp. Tôi chợt hòai nghi một điều, nhưng bố tôi hiểu ngay, ông khẽ lắc đầu:
_ Không đâu, bố không mua tranh của con, trong số tranh triển lãm ấy có rất nhiều bức bố phải tìm mượn của người mua đấy. Thành công của con là có thật, bố chỉ làm giúp con cái điều mà con không dám làm thôi
Tôi ngượng ngùng, đúng là chẳng bao giờ tôi có ý định chường mặt ra công chúng cả, tôi sẽ chỉ mãi âm thầm với những gì mình có thể thôi. Bây giờ thì khắp nơi đã thấy mặt tôi rồi, bỗng nhiên tôi như cởi thóat được khỏi mình một sự gông xiềng nào đó. Nỗi tự ti trong tôi đã tan biến, tôi cảm giác từ mai tôi bước đi bằng những bước chân đĩnh đạc, đàng hòang, cho dù đúng là tôi vẫn xấu thế thôi, nhưng tôi đã sống được đúng nghĩa một con người, thì việc gì tôi phải xấu hổ chứ. Tôi nhìn bố bằng tia mắt biết ơn. Bố ơi ! Bô có biết rằng chính bố đã cho con một điều quý giá như thế nào không? Bố mẹ không những sinh ra thân xác con, mà còn sinh ra cho con cả một chữ NGƯỜI đích thực nữa. Tôi còn đang ngồn ngộn cảm xúc trong mình, thì ngòai cửa nhân viên nhà hàng đưa thức ăn đến. Chúng tôi sắp dọn ra vừa xong thì có tiếng gọi:
_ Họa sĩ Ai Nhân ơi !
_ Vợ chồng con Khánh đến rồi đấy.
Tôi bước vội ra cửa, lại thêm một lần nữa sững sờ, lần này không chỉ có tôi mà còn một người nữa. Sao lại có sự ngẫu nhiên đến khó tin vậy chứ? Không lẽ trái đất này quá chật vậy sao? Em rể tôi, cũng chính là nỗi đau đầu đời của tôi ngày nào Em gái tôi vui mừng ôm lấy tôi nên không nhận ra thái độ của hai người. Nhưng tôi định thần lại nhanh, vừa ôm em gái vừa gật đầu cười nói:
_ Mời hai em vào nhà.
Cậu em rể cũng sực tỉnh, mỉm cười rồi xách cái va li theo vào. Khi cả nhà đã ngồi vào bàn, bố tôi cười:
_ Sâm banh chứ hả?
Những tiếng vỗ tay, những tiếng cười hoan hỉ ran theo tiếng bọt phụt tung lên từ chai rượu. Tôi cầm ly giơ lên cụng mà nghe mắt mình nóng ran, giàn giụa. Khổ, bỗng nhiên mà sinh ra cái chứng hay khóc thế không biết.
Sự Nhầm Lẫn Sự Nhầm Lẫn - Đàm Lan